Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Trước ngày cụ Giáp Về Quê - Hội nhà văn ( HN ) mở bên lề trảo giai!

Hội Nhà văn Hà Nội trao giải 

clip_image002
Ảnh: Khương Việt Hà 
(Thethaovanhoa.vn) - 1.200 trang sách của Nguyễn Huệ Chi, tập bút ký đầy gắn bó về Tây Nguyên của Nguyên Ngọc, Phan An Sa viết về cuộc đời người cha Phan Khôi… Hội Nhà văn Hà Nội đã có một mùa giải đầy ý nghĩa.
Sáng 10/10, đúng ngày kỷ niệm 59 năm Giải phóng Thủ đô, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức trao giải thưởng văn chương hàng năm của hội năm 2013 tại Thư viện Hà Nội.
1. Điểm nổi bật là giải năm nay vắng bóng các tác giả trẻ. Những người đoạt giải đều cao tuổi, loanh quanh hoặc sắp đến 80, trẻ nhất là nhà thơ Giáng Vân đã ở tuổi trung niên.
Các tác phẩm là công trình tâm huyết cả đời, ghi dấu sự nghiệp của các tên tuổi: Phan Khôi (do người con Phan An Sa biên khảo), Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi.
clip_image003

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (trái) trao giải cho các chủ nhân giải thưởng năm nay (từ trái sang): nhà văn Nguyễn Huệ Chi, nhà thơ Giáng Vân, nhà văn Nguyên Ngọc và tác giả Phan An Sa. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Tập biên khảo Nắng được thì cứ nắng – Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân Văn của Phan An Sa phác họa sự nghiệp làm báo và dựng lại cuộc đời của học giả lớn thế kỷ XX  Phan Khôi.
Hội Nhà văn Hà Nội cho biết: "Trao giải cho cuốn sách là cách chúng ta chia sẻ cùng Phan Khôi nỗi niềm ông bộc lộ 3 năm trước khi mất: Nắng chiều đẹp có đẹp / Tiếc tài gần chạng vạng / Mặc dù gần chạng vạng / Nắng được thì cứ nắng". Thông điệp "Nắng được thì cứ nắng" cũng có thể gửi gắm cho những người chiến thắng cao tuổi năm nay.
2. Với bút ký Các bạn tôi ở trên ấy, nhà văn Nguyên Ngọc trở về với mảnh đất ông gắn bó máu thịt  Tây Nguyên. Phát biểu nhận giải, nhà văn thừa nhận một điều, tuổi càng cao ông viết càng buồn hơn.
Theo Hội Nhà văn Hà Nội, cuốn sách là kết quả của những chuyến "đi - thấy - nghe - nghĩ" của tác giả, thể hiện "một Tây Nguyên thực tại của hôm qua và hôm nay, che chở và chuyên chở những giá trị trường tồn của tộc người, của dân tộc trải qua những thăng trầm lịch sử".
Nhà văn Nguyễn Huệ Chi nhận giải thành tựu sự nghiệp nghiên cứu văn học cho tuyển tập Văn học cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật  công trình nghiên cứu cả một đời. Khi nhận giải, nhà văn nói đùa mình là hội viên trẻ (mới kết nạp 1 năm) của Hội Nhà văn Hà Nội mà đã được giải thành tựu. Tuyển tập của ông mới ra mắt vào [tháng Tư, và giao lưu với độc giả vào] ngày 19/9 năm nay, Hội đã kịp chọn để trao giải. [Bổ sung: Nhà văn Nguyễn Huệ Chi còn cho rằng việc trao giải của Hội nhà văn Hà Nội thể hiện được rõ nét tinh thần câu cách ngôn bất hủ của cha ông: “Của cho không bằng cách cho”. Cách trao giải vô tư, hồn nhiên, bất ngờ với người được trao, phản ánh một tâm thế bình đẳng, dân chủ giữa người trao và người nhận, xóa đi mặc cảm về những sự “chạy chọt” và “ban ơn” mà nhiều hình thức trao giải khác trước nay đã không tránh khỏi. Đó là phong thái đáng ca ngợi của một hội đoàn văn chương có bản lĩnh kế thừa thành tựu của một tổ chức sáng chói trước đây 70 năm của chính Hà Nội: Tự lực văn đoàn – BVN].
Dịch giả Phạm Vĩnh Cư chuyển ngữ thơ của Marina Tsvetaeva (1892 - 1941), được coi là "nhà thơ số một của thế kỷ 20" của nước Nga. Sinh thời, Tsvetaeva cũng là một thi hào có số phận bi thảm ngay trên chính quê hương.
Còn Giáng Vân, vốn là nhà báo và nhà thơ, đã hơn 20 năm rồi không xuất bản thơ, nay trở lại với tập thơ thứ ba Đường gió, và được vinh danh.
"Những tác phẩm được giải chứa đựng những giá trị đã được tích lũy và khẳng định" – Ban tổ chức giải nhận định. Khác với năm ngoái, Hội từng trao cho bản dịch gây tranh cãi Lolita của dịch giả Dương Tường.
Mi Ly
        
    clip_image005
GS Nguyễn Khắc Phi phát biểu về sự tích tụ của văn hóa Hà Nội trong 10 thế kỷ. Ảnh: Khương Việt Hà.
Dưới đây, xin trân trọng đăng bản tổng kết thay mặt Hội đồng giám khảo nêu lên một số nhận xét chính của Chủ tịch Hội Phạm Xuân Nguyên, và hai bài phát biểu của nhà văn Nguyên Ngọc, của Phan An Sa, con trai út cố học giả Phan Khôi.
Bauxite Việt Nam
  
Những giá trị đã được tích lũy và khẳng định
(Báo cáo giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội 2013)
Phạm Xuân Nguyên
clip_image007
Ảnh: Khương Việt Hà
Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội (HNVHN) được xét trao hàng năm cho những sách văn học của các hội viên và các tác giả sống và làm việc tại Hà Nội được xuất bản từ nửa cuối năm trước đến nửa đầu năm trao giải. Cụ thể giải HNVHN 2013 sẽ xét trao cho các sách xuất bản trong khung thời gian từ 1/7/2012 đến 30/6/2013. Thời gian đọc chọn và bỏ phiếu xét giải ở các hội đồng chuyên môn và hội đồng chung khảo là từ tháng 7 đến tháng 9. Công bố và trao giải vào ngày 10/10 hàng năm. Các hạng mục xét trao giải là văn xuôi, thơ, lý luận phê bình và văn học dịch. Ngoài ra, căn cứ tình hình xuất bản hàng năm xét thấy có tác phẩm mang tính tổng kết sự nghiệp văn học xuất sắc thì sẽ có giải thành tựu. Mỗi hạng mục giải chỉ trao cho một cuốn, nếu không đủ phiếu bầu thì để trống.
Theo quy trình xét giải hàng năm của HNVHN, các hội đồng chuyên môn đọc chọn tác phẩm của bộ môn mình, sau đó bỏ phiếu đề cử tác phẩm vào danh sách chung khảo.
Hội đồng Văn xuôi gồm:
  1. Lê Minh Khuê (chủ tịch)
  2. Trần Chiến
  3. Võ Thị Xuân Hà
  4. Nguyễn Xuân Khánh
  5. Bảo Ninh
  6. Phạm Ngọc Tiến
  7. Lê Trung Tiết
đã đề cử hai tác phẩm vào danh sách chung khảo:
Văn xuôi

TTTác giảTác phẩmNhà xuất bảnNăm xuất bản
1Nguyên NgọcCác bạn tôi ở trên ấy(bút ký)NXB TrẻQuí 1/2013
2Đỗ PhấnGần như là sống (tiểu thuyết)NXB TrẻQuí 1/2013


    Hội đồng Thơ gồm:
  1. Nguyễn Thành Phong (chủ tịch)
  2. Hoàng Nhuận Cầm
  3. Nguyễn Bảo Chân
  4. Lê Huy Quang
  5. Phan Huyền Thư
  6. Vũ Từ Trang
  7. Tô Thi Vân
đã đề cử ba tác phẩm vào danh sách chung khảo:
Thơ

TTTác giảTác phẩmNhà xuất bảnNăm xuất bản
1Giáng VânĐường gió (tập thơ)NXB Hội Nhà vănQuí 1/2013
2Mã Giang LânNhững lớp sóng ngôn từ (tập thơ)NXB Hội Nhà vănQuí 1/2013
3Mạc MạcBung nụ thu gầy(tập thơ)NXB Văn học, Trung tâm Văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây.Quí 1/2013


và đề nghị hai tác phẩm xét giải thành tựu:
1. Vân Long. Tuyển tập thơ.
2. Tạ Hữu Yên. Tuyển tập thơ.
Hội đồng Lý luận phê bình gồm:
1. Nguyễn Đăng Điệp (chủ tịch)
2. Nguyên An
3. Lại Nguyên Ân
4. Văn Giá
5. Trần Đình Sử
6. Nguyễn Thị Minh Thái
7. Lưu Khánh Thơ
đã đề cử ba tác phẩm vào danh sách chung khảo:
Lý luận phê bình

TTTác giảTác phẩmNhà xuất bảnNăm xuất bản
1Phan An SaNắng được thì cứ nắng (khảo cứu)NXB Tri thứcQuí 1/2013
2Vũ Từ TrangNhà văn độc hành độc bộ (chân dung văn học)NXB Phụ nữQuí 2/2013
3Nguyễn Thị Minh TháiMặt người mặt hoa (tiểu luận)NXB Văn hóa - văn nghệTháng 12/2012


và đề nghị một công trình xét giải thành tựu:
1. Nguyễn Huệ Chi. Văn học cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật.
Hội đồng Văn học dịch gồm:
1. Đoàn Tử Huyến (chủ tịch)
2. Trần Đình Hiến
3. Lê Đăng Hoan
4. Trần Hữu Việt
5. Lê Bá Thự
đã đề cử hai tác phẩm vào danh sách chung khảo:
Văn học dịch:

TTTác giảTác phẩmNhà xuất bảnNăm xuất bản
1W.Reymont; Nguyễn Văn Thái dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan.Nông dân (tiểu thuyết)NXB Lao động, Trung tâm Văn hóa và ngôn ngữ Đông TâyQuí 1/2012
2M.Tsvetaeva; Phạm Vĩnh Cư dịch từ nguyên bản tiếng Nga.Tâm (tuyển thơ)NXB Hội Nhà văn, Trung tâm Văn hóa và ngôn ngữ Đông TâyQuí 2/2013


Ngày 3/10/2013, Hội Nhà văn Hà Nội (HNVHN) đã họp hội đồng chung khảo xét giải thưởng năm 2013. Hội đồng gồm có:
1. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch HNVHN, Chủ tịch Hội đồng chung khảo
2. Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, Phó Chủ tịch
3. Nhà thơ Bằng Việt, Ủy viên Ban Chấp hành
4. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành
5. Nhà thơ Bùi Việt Mỹ, Ủy viên Ban Chấp hành
6. Nhà văn Lê Minh Khuê, Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi
7. Nhà thơ Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Hội đồng Thơ
8. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình
9. Dịch giả Đoàn Tử Huyến, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch
Hội đồng chung khảo đã nghe các chủ tịch hội đồng chuyên môn thuyết trình về sự đánh giá từng tác phẩm được chọn và đã phân tích, trao đổi kỹ trước khi bỏ phiếu.
Kết quả những tác phẩm sau đây đã được chọn trao giải thưởng HNVHN 2013.
Văn xuôi

TTTác giảTác phẩmPhiếu chọn
1Nguyên NgọcCác bạn tôi ở trên ấy (bút ký)9/9


  
Thơ

TTTác giảTác phẩmPhiếu chọn
1Giáng VânĐường gió (tập thơ)8/9


  
Lý luận phê bình

TTTác giảTác phẩmPhiếu chọn
1Phan An SaNắng được thì cứ nắng (khảo cứu)9/9


Văn học dịch:

TTTác giảTác phẩmPhiếu chọn
1M.Tsvetaeva; Phạm Vĩnh Cư dịch từ nguyên bản tiếng Nga.Tâm (tuyển thơ)9/9


Thành tựu sự nghiệp:

TTTác giảTác phẩmPhiếu chọn
1Nguyễn Huệ ChiVăn học cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật8/9


Nhìn vào kết quả giải thưởng HNVHN 2013 có thể thấy:
- Năm nay cả 5 hạng mục giải đều có sách được trao.
- Năm nay, những tác phẩm được giải nghiêng về tính phi hư cấu, tư liệu, không có tác phẩm thể loại hư cấu.
- Năm nay các tác giả được giải có 3 hội viên (Nguyên Ngọc, Giáng Vân, Nguyễn Huệ Chi); 2 người đang sống và làm việc tại Hà Nội (Phan An Sa, Phạm Vĩnh Cư).
- Năm nay có một tác giả mới (Phan An Sa).
- Năm nay trong các tác phẩm được giải không có của tác giả trẻ.
Sau đây là một số đánh giá chung về các tác phẩm được giải.
1) Nhà văn Nguyên Ngọc đã có hơn sáu mươi năm gắn bó với núi rừng Tây Nguyên trong hai cuộc kháng chiến và trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay. Ngòi bút viết văn của ông đã đem lại cho văn học cách mạng hình tượng anh hùng Núp, hình tượng cây xà nu, trở thành biểu tượng của đất và người Tây Nguyên bất khuất, kiên cường, chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước. Trong những năm gần đây Tây Nguyên là một trong ba mối quan tâm lớn thường trực của nhà văn, cùng với văn hóa và giáo dục. Ông có nhiều chuyến đi lại vùng đất đã thành quê hương thứ hai, thành máu thịt này của mình. Ông đi tận nơi, đến tận chỗ, xem xét tận việc, gặp tận người, và sau mỗi chuyến đi ông cất lên tiếng nói của mình trên các diễn đàn khác nhau, trong đó có văn đàn, để báo động về một nguy cơ lớn đang hủy hoại và tàn phá vùng đất xung yếu này của đất nước, để thức tỉnh mọi người quan tâm tìm hiểu, nhận thức và bảo vệ lịch sử, văn hóa, phong tục của vùng đất này trước sự các hiểm họa sinh thái tự nhiên, sinh thái văn hóa, và sinh thái nhân văn. Tập bút ký Các bạn tôi ở trên ấy là kết quả của những chuyến đi-thấy-nghe-nghĩ đó của nhà văn Nguyên Ngọc. Một tập sách phi hư cấu, kể chuyện những con người thực đã sống thực và hành động thực ở một Tây Nguyên thực tại của hôm qua và hôm nay, che chở và chuyên chở những giá trị trường tồn của tộc người, của dân tộc trải qua những thăng trầm lịch sử, những biến thiên thời cuộc. Những người bạn của Nguyên Ngọc ở trên Tây Nguyên ấy đã mở ra cho bạn đọc cả nước thấy bề dày, bề sâu văn hóa của vùng đất cao nguyên, thấy những gì còn lại và mất đi không chỉ ở đó, và thấy một Nguyên Ngọc ở tư cách một người con Tây Nguyên, một con người văn hóa, và một nhà văn cường tráng. Nguyên Ngọc ở tất cả các tư cách làm người và làm văn, ông là Người Đi: đi nhiều trên thực địa, đi sát trong đời sống, đi rộng trong văn hóa, đi sâu trong tư duy.
Giải thưởng 2013 của HNVHN trao cho tập bút ký Các bạn tôi ở trên ấy là trao cho bút lực văn chương của nhà văn lão thành Nguyên Ngọc vẫn đầy chất sống, chất văn; là đề cao những nhận thức và xúc cảm sâu sắc của tác giả về văn hóa vùng đất Tây Nguyên, gợi mở nhiều suy tư về trách nhiệm của từng người và của xã hội đối với văn hóa tộc người nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung, là ghi nhận sự dẻo dai sức viết của nhà văn và sức hấp dẫn của thể loại phi hư cấu được viết bằng một văn phong tinh tế, sâu lắng.
2) Nhà thơ Giáng Vân ít hiện diện trên câu chữ nhưng luôn có mặt trong thơ. Tập Đường gió là tập thơ thứ ba của chị, sau gần hai mươi năm không xuất bản. Nhà thơ từng nhận mình là “con gái nhà quê, bao năm rồi ở phố” với những câu thơ như “câu hát lửng lơ” ở tác phẩm mới này vẫn tiếp tục đi phố và đi trong cuộc đời với những trải nghiệm, chiêm nghiệm chất chứa hơn và sâu nặng hơn theo thời gian năm tháng. Tác giả lặng lẽ suy nghiệm về/từ những cảnh đời, những phận người để tìm cách nắm bắt và thấu hiểu cái gì đó ở phía sau nhân sinh, cõi thế. Cõi đời khi thực khi mơ, cõi người lắng những khoảng thiền. “Chúng ta chỉ có thể bay trong mơ / để tuyệt giao với nhơ bẩn / chúng ta chỉ có một nỗi buồn rất nặng / để thanh lọc” (Viết tặng họa sĩ Trần Trọng Vũ). Đường gió là đường đời hay là đường đời lắm gió mà con người bước đi với rất nhiều chênh chao trong thơ Giáng Vân. Những bài thơ chắt lọc, kiệm nén, không ồn ào phô bày mà ghìm nén tâm trạng. Tập thơĐường gió chứng tỏ năng lượng thơ của tác giả vẫn dồi dào và một thái độ thơ nghiêm túc. Giải thưởng ghi nhận thành công của một nhà thơ âm thầm nỗ lực vì thơ.
3) Tập biên khảo Nắng được thì cứ nắng – Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân Văn của Phan An Sa vừa mang tính nghiên cứu, vừa có tính tự sự, phác họa sự nghiệp làm báo và dựng lại cuộc đời của học giả Phan Khôi trên tiến trình lịch sử chính trị và lịch sử văn hóa văn học nước nhà nửa đầu thế kỷ hai mươi. Cuốn sách được viết từ cái nhìn gần của một người con trong gia đình và từ độ lùi xa của một nhân vật lịch sử đã bước đầu làm hiện rõ và nổi bật vai trò, vị trí của Phan Khôi trong tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc. Phan Khôi (1887 - 1959) là người mở đầu Thơ Mới, là một nhà báo năng động, sắc sảo, một nhà khảo cứu ưa tìm tòi, phản biện. Hoạt động báo chí của ông có nhiều đóng góp cho tiến trình phát triển xã hội và văn hóa nước nhà thời kỳ đầu. Nhưng cá nhân con người ông đã bị vướng vào những khúc mắc lịch sử, khiến tên tuổi Phan Khôi một thời gian dài không được nhìn nhận và ghi nhận đúng mức, trái lại bị hiểu sai, bóp méo. Tác giả Phan An Sa trong cuốn sách này đã làm một công việc khách quan cần thiết là trình bày Phan Khôi như ông vốn có và thực có để hậu thế có tư liệu đánh giá một con người, một sự nghiệp. Giải thưởng ghi nhận đóng góp bước đầu này trong quá trình trả lại giá trị đích thực cho một nhân vật lớn của văn hóa và văn học dân tộc. Cùng với những cuốn sách tập hợp các bài đăng báo của Phan Khôi theo từng năm trên các tờ báo ông từng làm do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân thực hiện, cùng với việc thành phố Đà Nẵng đã có quyết định đặt một tên đường phố mang tên Phan Khôi, cuốn sáchNắng được thì cứ nắng khẳng định vị trí lịch sử của Phan Khôi trong nền báo chí Việt Nam và mở thêm một cánh cửa để ông ngày càng hiện diện đầy đủ, đúng đắn hơn trong đời sống văn hóa tinh thần của nước nhà. Trao giải cho cuốn sách này cũng là một cách chúng ta chia sẻ và giải tỏa cùng ông nỗi niềm nắng chiều ông bộc lộ ba năm trước khi mất: “Nắng chiều đẹp có đẹp / Tiếc tài gần chạng vạng / Mặc dù gần chạng vạng / Nắng được thì cứ nắng”.
4) Marina Tsvetaeva (1892 – 1941), nhà thơ được coi là thi hào Nga từ rất sớm, là “nhà thơ số một của thế kỷ XX” (Iosif Brodski), nhưng có một số phận bi thảm ở ngay trên chính quê hương mình, chưa được biết nhiều ở Việt Nam. Tập thơ dịch Tâm in song ngữ Nga-Việt lần đầu tiên cho bạn đọc Việt Nam được tiếp xúc một cách hệ thống với thơ Marina Tsvetaeva là kết quả một quá trình nỗ lực của dịch giả Phạm Vĩnh Cư, một người am hiểu ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử Nga, trong hơn ba mươi năm qua. Người dịch đã chọn một cách dịch gọi là dịch ngữ văn, “những bản dịch nghĩa rất thô ráp”, bám sát từng câu chữ, dòng thơ, cốt để truyền đạt được ý thơ của tác giả. Đây là một lựa chọn dịch dũng cảm của dịch giả nhưng sẽ là khó khăn cho khả năng tiếp nhận của công chúng, khi thơ trong bản gốc chưa được chuyển thành thơ trong bản dịch sẽ tạo ra một rào cản cho tâm lý tiếp nhận chung vốn muốn và thích đọc thơ dịch bằng thơ Việt. Nhưng chọn cách dịch đó lại chính là cách dịch giả muốn thách thức thị hiếu quen, muốn đem lại cho văn chương nước nhà một cách tiếp nhận văn học nước ngoài sát đúng hơn với nguyên bản, muốn thay đổi một thái độ dịch. Bên cạnh việc dịch sát kỹ ý văn bản thơ, dịch giả còn có bài nghiên cứu công phu, tâm huyết cung cấp cho độc giả những hiểu biết ban đầu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ. Điều này cho thấy thái độ dịch thuật nghiêm túc của dịch giả và cũng là cách ông trang bị cho độc giả tâm thế để đón nhận thơ M. Tsvetaeva. Giải thưởng trao cho dịch phẩm Tâm ghi nhận sự đóng góp của dịch giả trong công việc giới thiệu lại văn học Nga ở Việt Nam qua một tác gia tiêu biểu, khó dịch, đồng thời cũng cổ vũ cho một phương pháp dịch thuật văn chương cần thiết.
5) Tuyển tập Văn học cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật của Nguyễn Huệ Chi mang tính chất tổng kết sự nghiệp nghiên cứu văn học truyền thống dân tộc hơn nửa thế kỷ của một nhà nghiên cứu có tri thức và bản lĩnh, có đam mê và khoa học. Những bài viết trong tập sách là tinh tuyển của cả quá trình đi sâu vào văn học dân tộc của tác giả, đưa người đọc tiếp cận với các hiện tượng văn học xưa và nay qua những gương mặt tác gia tiêu biểu, với tiến trình văn học truyền thống nhiều thế kỷ, với sự phân kỳ văn học sử có nhiều tranh luận, và với những lý thuyết văn học được gợi nên từ thực tế của văn học cổ. Nguyễn Huệ Chi trong các bài viết nghiên cứu đã chứng tỏ mình là một người nắm chắc và hiểu sâu văn bản văn học cổ, nắm vững các thao tác văn bản học, có cái nhìn soi chiếu, đối sánh, lật đi lật lại nhiều chiều, có tư duy khoa học liên ngành, biết đặt mỗi hiện tượng, đối tượng nghiên cứu vào môi cảnh văn hóa từng thời kỳ, có tinh thần phản biện tranh luận khoa học, biết dựa vào lý thuyết hiện đại để nghiên cứu cổ xưa và từ cái cổ xưa đề xuất những góc nhìn lý thuyết mới. Ông đã có những kiến giải độc đáo, sâu sắc về văn học thời Lý – Trần, thời Mạc, về những tác gia văn học lớn thời trung đại như Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát... Những bài viết khảo cứu, nghiên cứu của Nguyễn Huệ Chi không chỉ phong phú tư liệu, sâu sát văn bản, sắc sảo phân tích, mà còn thấm đậm chất văn trong cảm xúc của người nghiên cứu dành cho đối tượng, trong câu chữ lời văn, trong cách đặt tên hay định danh sự vật, sự việc, trong cách dịch thuật những thư tịch văn chương cổ. Cố nhiên, không phải mọi luận điểm, mọi kiến giải của tác giả nêu lên trong các bài viết ở tuyển tập này đã là hoàn hảo, thuyết phục cả, và đó là lẽ thường trong quá trình nghiên cứu khoa học, nhưng có thể khẳng định đây là một tập đại thành các công trình nghiên cứu xuất sắc của nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi, có chất lượng và giá trị cao cả về khoa học văn học và văn chương. Trao giải thành tựu sự nghiệp nghiên cứu văn học cho Nguyễn Huệ Chi ở tuyển tập Văn học cổ cận đại Việt Nam– Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật là ghi nhận công lao của tác giả đã có những đóng góp tích cực cho việc nhận diện, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa văn học của dân tộc.
Hội Nhà văn Hà Nội vui mừng trước những tác phẩm được trao giải năm 2013 đúng tiêu chí thể lệ và có chất lượng cao, phản ánh sát đúng đời sống văn học ở thủ đô và cả nước. Những tác phẩm được giải chứa đựng những giá trị đã được tích lũy và khẳng định. Những tác giả có sách được giải là những nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, dịch giả đã có quá trình lao động nghệ thuật và khoa học lâu dài, ghi nhiều thành tựu, và họ vẫn tiếp tục phát huy tích cực vai trò của mình trong cuộc sống hiện nay. Trao giải cho những tác phẩm như vậy của những tác giả như vậy là một niềm vinh dự và niềm vui của HNVHN. Xin chúc mừng các tác giả với những cuốn sách được giải của mình. Xin cám ơn các nhà xuất bản và các cơ quan thông tin đại chúng đã ủng hộ và cộng tác với chúng tôi trong việc trao giải. Chúng ta vui mừng hôm nay và cùng chờ đợi ở những mùa giải sau HNVHN sẽ có những giải thưởng mang tính đột phá, phát hiện hơn nữa, nhất là có thêm những tác phẩm mới của những tác giả trẻ được vào giải.
Hà Nội tháng 10.2013
P.X.N.
  
Diễn từ nhận giải
Nguyên Ngọc
clip_image009
Nhà văn Nguyên Ngọc chụp chung với NV Nguyễn Huệ Chi sau lễ nhận giải. Ảnh: Khương Việt Hà
Tôi xin cám ơn Hội Nhà văn Hà Nội đã dành cho tôi giải thưởng về văn xuôi năm nay của Hội. Tôi biết đây là một vinh dự lớn, bởi vì cho đến nay giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội đã thành một giải thưởng danh giá, được xã hội tin cậy và coi trọng.
Đây là lần thứ ba tôi được nhận giải thưởng về sáng tác văn học ở trong nước. Lần đầu là cách đây 58 năm, hồi 1955, của Hội Văn nghệ Việt Nam, về tiểu thuyết Đất nước đứng lên. Lần thứ hai là 10 năm sau đó, năm 1965, của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam, cho tập truyện ngắn Rừng xà nu. Và lần này, của Hội Nhà văn Hà Nội, cho một tập bút ký.
Tôi nhận ra hai điều:
Một là tôi đi ngược. Thường thì người ta đi từ bút ký, “lên” truyện ngắn, rồi mới “lên” tới tiểu thuyết. Tôi lại lần mò đi dần hơn 50 năm từ tiểu thuyết “xuống” truyện ngắn, cuối cùng “xuống” bút ký. Tặng thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội chứng tỏ Hội không quan niệm giá trị các thể loại văn học theo trật tự lên xuống đó. Hoặc cũng có thể Hội đã nhạy cảm nhận ra sự chọn lựa của cuộc sống thay đổi đang dành quan tâm nhiều hơn cho thể loại vốn từng bị coi là không mấy văn học. Riêng với tôi, qua cuộc đời sáng tác dài, cuối cùng tôi đã bị lôi cuốn bởi bút ký vì khả năng to lớn đến không ngờ của nó có thể trộn lẫn tất cả, hiện thực khắc nghiệt và tưởng tượng bay bổng, phi hư cấu nghiêm nhặt và thả lỏng tự do, trữ tình say đắm và chính luận chặt chẽ, cả suy tư lan man và triết luận sâu xa. Cũng có lúc tôi nghĩ có phải sự trộn lẫn như vậy, chắc chắn không chỉ mang ý nghĩa hình thức, có thể là một nét đặc biệt của hiện đại hay hậu hiện đại chăng, khi cuộc sống ngày càng là một hiện thực phức hợp? Thôi thì ít ra ở đây người viết cũng dễ tìm được không gian thật rộng cho biểu đạt tự do.
Và điều thứ hai: hóa ra cả ba lần đều là về Tây Nguyên. Vậy đó, đối với tôi Tây Nguyên là một số kiếp. Nếu có người còn chịu khó đọc cả ba tác phẩm của tôi vừa kể trên, hẳn có thể thấy càng về sau càng bi tráng hơn, hay nói thẳng và rõ ra, càng buồn hơn. Ấy là vì, Tây Nguyên nơi tôi tin có thể hàm chứa những câu trả lời cho những câu hỏi trằn trọc nhất không chỉ của chính nó, mà còn của cả đất nước, thậm chí của con người nói chung, vùng đất thâm trầm và tuyệt diệu ấy đang bị tàn phá, bởi sự ngu dốt và tham lam của con người, đến mức không biết có còn quay lại được nữa không. Cuốn sách được Hội Nhà văn Hà Nội vinh danh hôm nay, tôi xin nói, là một tiếng kêu, mong không đến nỗi tuyệt vọng. Một giải thưởng có uy tín và có tiếng vang như giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội tất có thể làm cho tiếng kêu ấy vang xa hơn, được chú ý hơn, được nghe rõ hơn. Tôi xin rất cám ơn Hội Nhà văn Hà Nội về sự tiếp âm đầy hiệu quả đó.
Xin cám ơn.
N. N.
  
Giải thưởng tặng những người vắng mặt
Phan An Sa
clip_image011
Ông Phan An Sa. Ảnh: Khương Việt Hà
Kính thưa Nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội,
Kính thưa Hội đồng Chung khảo Hội Nhà văn Hà Nội,
Thưa quý vị và các bạn,
Thứ sáu, ngày 4/10/2013, mới sáng ra, một người bạn ở thành phố Đà Nẵng, trong khi uống cà phê sáng và đọc báo, đã nhắn tin và chúc mừng tôi với lý do: cuốn sách NẮNG ĐƯỢC THÌ CỨ NẮNG – Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân Văn được giải thưởng văn học 2013 của Hội Nhà văn Hà Nội. Tôi nhắn lại: tin đâu mà sốt dẻo thế, tôi ở Hà Nội mà có biết gì đâu? Thì được trả lời: “Trang 15 báo Tuổi trẻ hôm nay đăng rành rành đây thôi!”. 20 phút sau, người bạn đó nhắn tiếp: “Cả báo Thanh niên hôm nay cũng đăng nữa, rất hay, anh đã tin là thật chưa?”. Thưa quý vị và các bạn, lẽ cố nhiên là tôi phải tin chứ ạ!
Khoảng nửa tiếng sau, khi cầm hai tờ báo trên tay và đọc bài của nhà báo Thạch Linh và nhà báo Việt Chiến đưa tin vui đó, thì vợ chồng tôi không nén nổi xúc động trước niềm vinh hạnh mà Hội Nhà văn Hà Nội đã dành cho cuốn sách nhỏ của chúng tôi! Nói như vậy là vì, suốt những năm tháng qua, hai chúng tôi mỗi người một việc, cuối cùng có được một tập bản thảo dày dặn gửi đến từng anh, chị và các cháu trong đại gia đình để xin ý kiến, để được bổ sung các sự kiện, để được sửa từng cái lỗi nhỏ nhất, trước khi đưa bản thảo hoàn chỉnh đến Nhà xuất bản Tri Thức chỗ anh Chu Hảo. Ngày sách ra đã là 27 Tết vừa rồi, nên cái Tết đó của đại gia đình chúng tôi thật là vui vì những sự thật trong quá khứ mình mong được trình ra với công chúng, thế là nay đã có cơ hội được thực hiện. Nói cho đúng là chúng tôi hồi hộp chờ đợi sự tiếp nhận cuốn sách từ phía công chúng, chứ tuyệt nhiên không ai dám nghĩ đến bất cứ giải thưởng nào dành cho nó.
Vì lẽ đó mà niềm vui vừa đến như được nhân lên gấp bội. Cũng như mọi gia đình Việt Nam, ngày Rằm, mồng Một hàng tháng, bàn thờ gia tiên nhà chúng tôi đều ấm khói hương trầm; thì hôm sau là thứ Bảy, nhằm đúng mồng Một tháng Chín năm Quý Tỵ, và hôm sau nữa Chủ nhật, ngày 6/10/2013 là ngày sinh lần thứ 126 của cha tôi; cuốn sách đó, với hai tờ báo mang tin vui, được chúng tôi đặt lên bàn thờ gia tiên cùng với hương hoa trà quả, kính cáo với hương hồn các bậc sinh thành. Và hôm nay, vợ tôi, các cháu nội, cháu ngoại của ông ở Hà Nội cùng đến đây, cốt lấy sự hiện diện của mình, cùng với tôi, đáp lại tấm lòng của quý vị và các bạn!
Mới đó mà đã một tuần nữa trôi qua rồi, để đến hôm nay là ngày nhận giải. Một tuần đó, tôi nhận được nhiều cú điện thoại, nhiều tin nhắn và e-mail chúc mừng, đem lại cho tôi nhiều cảm xúc khác nhau. Tôi ghi lại các cảm xúc đó cũng với rất nhiều tâm trạng. Vừa ghi lại, tôi vừa nghĩ về những ngày kháng chiến chống Pháp cách đây sáu, bảy chục năm: trước mắt tôi hiện lên hình ảnh người cha già, cao, gầy, nước da xanh tái vì sốt rét rừng, ăn đói, mặc rách, đang ngồi cặm cụi cùng tập giấy và cây bút chỉ dành cho việc ghi chép, nghiên cứu tiếng Việt hay dịch sách của Lỗ Tấn, của M.Goocki trong rừng sâu núi thẳm ở Việt Bắc... Trong âm thầm, cặp mắt kính của tôi nhòa lệ! Trong nỗi thổn thức đó, tôi muốn cất lời cảm ơn độc giả đương thời, cảm ơn Hội Nhà văn Hà Nội, hôm nay đã đem lại niềm vui cho chúng tôi, xoa dịu phần nào nỗi đau cho người xưa những tưởng không bao giờ cất đi được.
Hôm nay, nhờ có quyết định của Hội đồng Chung khảo Giải thưởng Văn học 2013 của Hội Nhà văn Hà Nội, mà tôi là một kẻ ngoại đạo, ngẫu nhiên được đứng cùng hàng với các vị thức giả khả kính, với các nhà văn dày uy tín, được hiện diện cùng quý vị và các bạn trong buổi lễ trang trọng và nhiều hân hoan vốn chỉ dành cho việc vinh danh các nhà văn. Cho phép tôi nhặt ra một cảm xúc trong số đó để giãi bày cùng quý vị và các bạn, thay cho việc nhắc đi nhắc lại một lời cảm ơn, đã tốn thì giờ, lại có thể khiến quý vị lấy làm khó nghĩ.
Thưa quý vị và các bạn,
Năm 2010, Nhà lý luận - phê bình văn học Lại Nguyên Ân, tác giả của bộ công trình PHAN KHÔI - tác phẩm đăng báo dày đến bốn, năm ngàn trang sách, được nhận Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh.
Năm 2012, bộ phim tài liệu Con mắt còn có đuôi của NSƯT Huỳnh Hùng, kể về cảnh đời của Phan Khôi, được nhận giải thưởng tại Liên hoan Truyền hình Toàn quốc lần thứ 32. Đài Phát Thanh - Truyền hình Đà Nẵng (DRT) liên tục phát sóng bộ phim này, và bộ phim tiếp tục nhận được giải thưởng tại giải Cánh Diều 2012 của Hội Điện ảnh Việt Nam. Các kênh Truyền hình Trung ương, như Công an nhân dân (ANTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV TV) tiếp tục phát sóng nhiều lần bộ phim, thật sự đã gieo một niềm vui vỡ òa giữa đông đảo công chúng yêu lẽ thật và sự công bằng, sau hơn nửa thế kỷ chờ đợi!
Và hôm nay, một ngày cuối thu năm 2013 với lịch sử hào hùng 59 năm Giải phóng Thủ đô, Hà Nội về đêm đã nồng nàn hương hoa sữa, thì lại đến lượt một tác phẩm văn học về Phan Khôi được giải thưởng, mà tác giả của nó lại là đứa con nhỏ nhất của ông, cái thằng út mà với cuộc đời 73 năm của mình, ông chỉ được sống với nó có hai tháng cuối đời, rồi chết!
Vì những lẽ trên, xin quý vị và các bạn cho phép tôi được thổ lộ đôi lời về ông, về những trí thức có cùng cảnh ngộ như ông, về bà con dòng họ Phan của ông, về những người thân của ông, bởi những lý do khác nhau, đã không thể có mặt tại đây, hôm nay. Họ là những người vắng mặt!
Thưa quý vị và các bạn,
Con người xứng đáng nhận Giải thưởng văn học năm 2013 của Hội Nhà văn Hà Nội dành cho thể loại phê bình, hôm nay đã không có mặt.
Những trí thức cùng thời với ông, cùng cảnh ngộ như ông, chỉ biết tôn thờ lẽ thật và dám nói lên lẽ thật với đồng bào mình, cũng không có mặt.
Những tác gia với lòng dũng cảm đáng kính trọng, đã dấn thân vào công cuộc làm sáng tỏ lẽ thật của cuộc đời ông và sự nghiệp của ông, của những trí thức cùng cảnh ngộ như ông, cũng không có mặt.
Bà con dòng dõi họ Phan là mạch sống của ông, ở làng Bảo An, ở Quảng Nam, ở Đà Nẵng, ở Sài Gòn, ở Hà Nội, ở khắp dải đất hình chữ S yêu quý, ở khắp chốn cùng nơi trên trái đất bao la và vĩ đại, cũng không có mặt.
Hai người đàn bà là một nửa của cuộc đời ông, những người con gái, con trai, con dâu, con rể của ông đã khuất hay còn sống, là những hột máu của ông, cũng không có mặt.
Chúng tôi chỉ là những đứa con nhỏ nhất của ông, là những đứa con còn nhỏ hơn nữa của dòng họ Phan xứ Quảng, chúng tôi quả thật không dám coi mình có thể thay mặt cho tất cả những người vắng mặt, để nhận niềm vinh dự này.
Chúng tôi được hiện diện tại đây, trong buổi lễ vinh danh trang trọng này, đơn giản chỉ vì chúng tôi, dù là rất nhỏ, cũng tự hào được làm một phần không thể cắt rời của những người vắng mặt. Vinh dự này, có thể coi là những người vắng mặt đã gửi gắm cho quý vị ở Hội đồng Chung khảo Hội Nhà văn Hà Nội, và đến lượt mình, quý vị ủy thác cho chúng tôi!
Nếu được quý vị và các bạn hiểu cho như vậy, thì chúng tôi sẽ thấy nhẹ lòng hơn trước niềm vinh hạnh mà quý vị đã dành cho chúng tôi. Và chúng tôi tin rằng, bằng vào niềm vinh hạnh vừa nhận được, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thành những việc đang làm và định làm, để không phụ lòng những người vắng mặt, không phụ cái nghĩa cử cao quý mà Hội Nhà văn Hà Nội đã dành cho chúng tôi, hôm nay.
Trân trọng cảm ơn quý vị và các bạn!
Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2013
P.A.S.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: