Trong lần về thăm Việt Nam vừa qua, tôi có dịp nói chuyện với nhà văn Đào Hiếu cũng như nhiều người có thẩm quyền trong giới văn nghệ ở Sài Gòn về cuốn sách và các sự kiện chung quanh nó. Khi đó, khả năng anh bị bắt giam đã được nêu ra. Trở lại Âu châu, được tin anh bị bắt thật, tôi tự thấy có trách nhiệm giới thiệu những lời trao đổi với anh mà tôi ghi được. Như một chứng từ! Như quyền trả lời của một người bị buộc tội. Phải nói ngay rằng đây không phải là một phân tích về nội dung cuốn sách; xin dành phần đó cho bạn đọc hay các nhà chuyên phê bình văn học. Trước khi đi vào phần trao đổi, có lẽ cần nói đôi điều về tác giả cũng như bối cảnh của vụ án.
I/ Tác giả:
Đào Hiếu sinh năm 1946 tại Tây Sơn, tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1972. Trước 1975, tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên, viết văn với bút hiệu Biên Hồ, cộng tác với Bách Khoa, Điện tín,Tin văn. Hiện nay là biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ, hội viên Hội nhà văn Việt Nam. NỔI LOẠN là cuốn sách thứ 14 của anh từ sau 1975. Vợ anh cũng sống trong nghề làm báo. Tiểu sử Đào Hiếu được ghi trong tuyển tập TIẾNG HÁT NHỮNG NGƯỜI ĐI TỚI(4).
II/ Những sự kiện chung quanh:
Câu hỏi đầu tiên đến với mọi người là tại sao NỔI LOẠN bị “đánh” khi, xét về nội dung và so sánh với một vài tác phẩm khác cùng thời có nội dung “phủ nhận quá khứ” hay “bôi nhọ chế độ” một cách cơ bản và triệt để hơn, sâu sắc và nghệ thuật hơn. Có thể hiểu được điều này từ một vài sự kiện sau đây:
NỔI LOẠN được phát hành vào đầu tháng 5/1993, ngày 9 tháng 6/1993 báo Sài Gòn Giải Phóng đăng bài báo phê phán đầu tiên. Trong khoảng thời gian đó, Quốc hội bàn về “Luật xuất bản” và thông qua luật này ngày 7/7/1993. Theo cách nói của một nhà thơ, luật xuất bản ra đời nhằm “siết yết hầu văn nghệ sĩ”. Để ngăn cản mọi giãy giụa kêu la của văn nghệ sĩ, nhà nước cần một thí dụ xấu điển hình để biện minh. NỔI LOẠN đã được chọn làm con vật tế cho luật xuất bản vì có lẽ nó ra đời không những đúng lúc mà còn hội đủ vài điều kiện cần để chính quyền ra tay:
1. Tác giả NỔI LOẠN chưa phải là một nhà văn nổi tiếng. Thật vậy, khó đánh một Phạm Thị Hoài vừa in sách ở nước ngoài(5), vì nhà văn nữ này đã được biết đến ở ngoài Việt Nam, hay một Lê Lựu vì cuốn truyện LÀNG CUỘI(6)được xuất bản cùng một lúc với NỔI LOẠN, vì tác giả THỜI XA VẮNG đã có ít nhiều tiếng tăm trong nước. Đào Hiếu không phải là đảng viên và không có chức vụ quan trọng. Dư luận người đọc sẽ ít xôn xao.
2. Trong NỔI LOẠN, có vài trang tả cảnh ái ân táo bạo. Rất phù hợp để huy động quần chúng chống văn hoá đồi truỵ! Chưa nói đến việc đánh vào cảm quan thầm kín của nhiều cán bộ đảng viên, dù chẳng phản đối gì về các chi tiết khác của câu chuyện, khó chấp nhận được việc một cán bộ cách mạng làm tình thua một người lính nguỵ!
3. Nhà xuất bản Hội nhà văn đã vi phạm thủ tục xuất bản khi tự ý sửa tên NỔI LOẠN thành NỖI OAN, với mục đích để cho dễ duyệt bởi cục xuất bản, nhưng sau đó vẫn phát hành với tên NỔI LOẠN. Nói cách khác không có giấy phép xuất bản cuốn NỔI LOẠN. Thêm một chuyện buồn cười trong sinh hoạt văn học Việt Nam.
Việc đánh NỔI LOẠN được triển khai trên hàng chục tờ báo trung ương và địa phương. Hăng hái nhất phải kể báoCông an Thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn Giải phóng, Văn Nghệ TPHCM...
a / Một số nhà văn, nhà báo cần lấy điểm với lãnh đạo chính trị.
b / Một số tờ báo cần đề tài giật gân để tăng số phát hành(7).
c / Không thể không nói đến yếu tố “ân oán giang hồ” trong làng văn, làng báo. Có người muốn qua NỔI LOẠN triệt hạ Nhà xuất bản Hội nhà văn; cũng có người muốn qua Đào Hiếu để đánh Nhà xuất bản Trẻ và qua đó Thành đoàn thanh niên. Mối ân oán giang hồ giữa hai báo Tuổi Trẻ và Công an TPHCM ngày càng chồng chất!(8).
Một điều đáng nói: thêm một lần nữa hiện ra vài nhà văn nhà báo – thổi còi sẵn sàng đóng vai trò công tố kết án đồng nghiệp. Điển hình trong sự kiện NỔI LOẠN là ông Vũ Hạnh ký tên Năm-tu-huýt trên báo Công an(9).
Nhìn chung, chính quyền đã đạt thành công tốt đẹp trong vụ này vì chẳng có một ai ở Việt Nam lên tiếng bảo vệ tác phẩm hay tác giả(10). Câu hỏi còn lại là chính quyền sẽ đi tới đâu trong lần thị uy với giới văn nghệ sĩ này. Có lẽ số phận của Đào Hiếu cũng là số phận của đại đa số dân đen, tuỳ thuộc vào sự vui buồn của vài quan chức nào đó ở trên cao!
III/ Trao đổi với nhà văn:
Đoàn Giao Thuỷ (ĐGT): Trong hoàn cảnh nào anh đã thai nghén cuốn NỔI LOẠN?
Đào Hiếu (ĐH): Trước nay tôi thuộc loại tác giả có sách bán ế nhất nước, có lẽ do tôi đã chọn những đề tài khô khan ( Giữa Cơn Lốc, Người Tình Cũ, viết về phong trào sinh viên), hoặc vì tôi thích xây dựng nhân vật khác thường ( Vua Mèo, Hoa Dại Lang Thang, Kẻ Tử Đạo Cuối Cùng) hoặc xây dựng những chuyện tình khác đời (Vượt Biển, Trong Vòng Tay Người Khác, Nổi Loạn), do đó truyện của tôi không gần gũi với độc giả bình thường, nên sách bán chậm. Bây giờ thì người ta đổ xô nhau đi tìm...
NỔI LOẠN viết về một bi kịch của tình yêu và hôn nhân, một đề tài cũ. Cái mới nằm trong sự phát triển tính cách nhân vật trong bối cảnh lịch sử nơi xảy ra bi kịch này. Vì người phụ nữ bị bưng bít về chuyện tình yêu trong xã hội miền Bắc trước đây; không có cuộc hôn nhân nào quái đản như cuộc hôn nhân mà nhân vật Ngọc trải qua. Ngọc đã bị bưng bít, cấm đoán và đàn áp. Thế là Ngọc nổi loạn: trong tình yêu, hôn nhân, trong gia đình và tình dục. Tại sao không? Hai mươi năm bị bưng bít, chà đạp tình cảm và nhân phẩm thì nổi loạn trong tình dục là một phát triển tất yếu khi Ngọc có được một mối tình. Vài ba đoạn ngắn rải rác tả về quan hệ nam nữ là những đoạn tôi viết mượt mà và thơ mộng nhất. Tôi rất thích những đoạn này bởi chúng đầy ngẫu hứng, trong đó phải tinh tế mới thấy được tính nhân đạo của một sự hiến dâng trọn vẹn trong tình yêu.
ĐGT : Bởi thế anh đã bị kết án là bôi lọ miền Bắc, xuyên tạc sự thật...
ĐH : Sự nghèo nàn lạc hậu và sự bưng bít của xã hội miền Bắc trong những năm 60-70 là một thực tế. Nhiều bạn bè miền Bắc đều cho rằng tôi đã viết rất thật. Xin nhấn mạnh: những người biên tập và duyệt in NỔI LOẠN là những nhà văn có tiếng ở miền Bắc.
ĐGT : Nhiều người cho rằng NỔI LOẠN là một “tác phẩm dịch vụ”, chủ yếu để kiếm thêm chút tiền cho nhà xuất bản. Hình như tác giả không những phải bỏ tiền in mà còn phải trả tiền cho nhà xuất bản ?
ĐH : Ai am hiểu về thị trường sách văn học ở Việt Nam đều biết rằng in tiểu thuyết trong lúc này là vì yêu thích văn học chứ không để kiếm lời. Rất nhiều nhà văn in sách để tặng bạn bè. Tôi vẫn coi văn học là một sản phẩm cao cấp. Sách của tôi đều bán rất chậm vì tôi không viết theo thị hiếu và phần lớn đều in ở những nhà xuất bản lớn có uy tín như Nhà xuất bản Hội nhà văn, nhà xuất bản Văn học, nhà xuất bản Văn nghệ...
ĐGT : Trong NỔI LOẠN, các nhân vật đều bế tắc ở đường đời, song nhân vật “ thiện” là một sĩ quan cải tạo còn các nhân vật “ ác” là cán bộ đảng viên. Anh có ý thức đó là một sự khiêu khích với nhà cầm quyền?
ĐH : Thông thường nhà văn lấy một mẫu nào đó ở đời để tạo ra nhân vật. Nhân vật này hay nhân vật kia chẳng qua cũng bắt nguồn từ những cái mẫu ngoài đời mà thôi. Tôi không có ý khiêu khích ai cả.
ĐGT : Dường như Hội nhà văn, bạn bè anh và giới văn nghệ không có phản ứng nào trước chiến dịch phê bình NỔI LOẠN?
ĐH : Bạn bè tôi thì nhiều; người yếu bóng vía thì hỏi tôi có ăn ngủ được không, bao giờ thì đi tu; họ xúi tôi trốn. Có người cho rằng tôi sẽ bị treo bút, bị khai trừ ra khỏi Hội nhà văn. Một số bạn bè miền Bắc thì không hiểu báo chí Thành phố làm dữ như vậy với mục đích gì, có ai đứng đằng sau muốn triệt hạ nhà xuất bản Hội nhà văn chăng? Còn tôi, tôi đóng vai khán giả. Tôi ngồi hàng ghế dưới hút thuốc lá và thỉnh thoảng vỗ tay!
ĐGT : Cách đây mấy năm ông Nguyễn Văn Linh kêu gọi văn nghệ sĩ hãy “tự cứu mình... ”. Song có lẽ ai cũng vẫn còn sợ, thấy cô đơn và chỉ biết chờ đợi. Liệu anh có thể tiếp tục viết lách khi bị kỷ luật hay đi tù?
ĐH : Khi ông Linh kêu gọi văn nghệ sĩ “hãy tự cứu mình” hay “đừng uốn cong ngòi bút” thì đó là cách nói hoa mỹ để bảo văn nghệ sĩ hãy tuyên truyền tốt hơn cho chính sách đổi mới của đảng... Trường hợp các báo Văn Nghệ, Sông Hương, Cửa Việt... thì chẳng qua các anh em ấy tưởng lầm là ông Linh nói thật, thế thôi. Tôi chưa hề viết một bài chống tiêu cực nào vì đó là trò trẻ con. Thật ngây ngô khi nghĩ rằng mình không uốn cong ngòi bút khi viết loại văn chương đổi mới. Thời đó tôi đã cho ra đời những nhân vật mang nhiều tính cách viễn mơ, chế giễu và quay mặt với cuộc sống quanh mình (Vua Mèo) hoặc cuồng tín một cách dễ thương, chết ngu ngốc và thánh thiện ( Kẻ Tử Đạo Cuối Cùng) hay số phận đìu hiu của một trí thức đi theo cách mạng ( Người Tình Cũ, Hoa Dại Lang Thang). Tiếc thay, dạo đó người ta đổ xô tìm đọc văn chương chống tiêu cực, văn chương đổi mới. Đó là sự giải toả ẩn ức. Quần chúng luôn là đám đông tội nghiệp; họ nhẹ dạ và bị lừa liên tục. Nhà văn phải nói cho đám đông biết điều đó. Đương nhiên là dù trong hoàn cảnh nào tôi cũng phải viết. Tôi ghét chính trị và nghi ngờ cuộc sống nên các nhân vật của tôi cũng vậy...
ĐGT : Gần đây nhiều tác giả đã gởi tác phẩm của mình ra nước ngoài để in vì không có nhà xuất bản trong nước nào nhận in. Anh có nghĩ rằng đây là điều cần làm ?
ĐH : Đó là một lối thoát cho những tác phẩm có giá trị. Luật xuất bản vừa được ban hành có quá nhiều điều cấm kỵ cho người cầm bút.
ĐGT : Có người cho rằng xã hội Việt Nam như một trại khổng lồ của những người bị bệnh tâm thần, luôn phải sống với sự nhân đôi nhân cách. Có cơ sở gì để hy vọng rằng xã hội Việt Nam sẽ tiến đến chỗ bình thường hơn, sống thật hơn với suy nghĩ và tình cảm của con người?
ĐH : Sống giả là một hậu quả tất nhiên của một xã hội không có tự do tư tưởng. Con người sẽ sống thật hơn khi được tự do tư tưởng và khi nhiều mặc cảm tự ti được xoá bỏ. Nghĩ cho cùng, những người lên án NỔI LOẠN, ngoài động cơ chính trị và cơ hội, còn bị sự chi phối âm thầm của một mặc cảm nào đó về tình dục. Một người yếu về tình dục cũng như một nhà nước yếu về dân chủ và nhân quyền thường chột dạ khi người khác nói về các điều này. Cần phải bồi dưỡng cho họ, dạy cho họ tập thể dục để họ mạnh mẽ, bớt mặc cảm, bớt chột dạ. Xã hội sẽ tự do hơn, dễ chịu hơn, thật hơn.
ĐGT : Anh đã tham gia nhiều năm trong phong trào sinh viên Sài Gòn. Hơn hai mươi năm sau, bạn bè anh đang sống như thế nào ?
ĐH : Năm 1988 tôi viết cuốn Người Tình Cũ. Nhân vật chính là một trí thức tham gia các phong trào cách mạng tại đô thị miền Nam trước đây. Đó là một cuộc dấn thân lãng mạn, thi vị và đầy huyền thoại và cuối cùng anh trở thành một người dân chài. Suốt đời anh đi tìm một lý tưởng và anh đã gặp sự cô độc ở chặng cuối cùng. Dĩ nhiên là có nhiều người trong phong trào hiện nay làm quan lớn, song đó chỉ là số ít thôi.
ĐGT : Nhiều người cho rằng Việt Nam đang thay đổi. Anh cảm nhận sự thay đổi này như thế nào ?
ĐH : Sự đổi mới hiện nay ở Việt Nam là một sự đổi mới về kinh tế chứ không phải chính trị, tư tưởng. Nếu có “thoáng” hơn trong xuất bản và báo chí (so với thời kỳ bao cấp) thì cũng chỉ thoáng về cách kinh doanh (báo chí có quảng cáo, có chống tiêu cực, xuất bản có cho tư nhân bỏ vốn...) chứ hoàn toàn không thoáng trong tư tưởng. Tóm lại vẫn phải viết một chiều và trong phạm vi đảng cho phép.
ĐGT : Thường trong một biến động lịch sử của một dân tộc hay trong giai đoạn xây dựng hoà bình, tầng lớp trí thức đóng một vai trò quan trọng. Gần đây, anh Phan Đình Diệu có viết rằng “ở Việt Nam hiện nay chưa có một giai cấp trí thức”(11). Là một nhà văn, anh nghĩ sao?
ĐH : Tôi nghĩ nhận định này hoàn toàn đúng. Tôi muốn thêm rằng, văn nghệ sĩ – trí thức Việt Nam đa số là hèn. Song song với sự “trung dũng kiên cường trong chiến đấu” thì sự hèn hạ và khiếp nhược cũng được rèn luyện trong quá trình tham gia cách mạng. Phần lớn trí thức được thuần hoá. Miếng cơm manh áo và sự an phận đã thắng tất cả. Nó vô hiệu hoá trí thức và biến trí thức thành những người tầm thường. Đó là điều tệ hại hơn cả.
ĐGT : Thành thực chúc anh được nhiều sức khoẻ và nghị lực để chống chọi với bão táp đang tới.
Đoàn Giao Thủy
Chú thích:
(1) NỔI LOẠN, Đào Hiếu, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 4.1993.
(2) Ông Trần Hoàn, Bộ trưởng Văn hoá ra lệnh tịch thu NỔI LOẠN vào ngày 20.7.1993.
(3) Diễn Đàn số 24, 11.1993, trang 7 (cũng trong đoạn đó, chúng tôi đưa tin nhà cầm quyền đã phải trả tự do cho Đào Hiếu, DĐ)
(4) Tiếng Hát Những Người Đi Tới, tuyển tập văn nghệ phong trào sinh viên học sinh miền Nam nước 1975, nhà xuất bản Trẻ, 1993, trang 257.
(5) Diễn Đàn, số 20, 6.1993.
(6) Chuyện Làng Cuội, Lê Lựu, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 7.1993.
(7) Đây là một thực tế. Số phát hành các báo ở TPHCM tuột dốc trong năm qua. Tuổi Trẻ còn dưới 100.000 tờ so với hơn 250.000 tờ vào năm 1988-1989;Phụ Nữ TPHCM dưới 70.000 tờ. Tuần báo Văn Nghệ phát hành trên cả nước chỉ được 25.000 tờ, còn Văn Nghệ TPHCM chỉ dưới 8000 tờ. Chỉ có Công An TPHCMlà bán chạy nhờ tin giựt gân, hình sự.
(8) Nổi tiếng nhất là việc ông Phan Thanh, nguyên trưởng phòng hình sự công an TPHCM bị tán gia bại sản vì loạt bài báo Tuổi Trẻ về ổ mãi dâm Đường Sơn Quán (1990). Trực tiếp hơn, khi ông Huỳnh Bá Thành, tổng biên tập báo Công An qua đời vào tháng 4.1993, Đào Hiếu có viết một bài văn tế bạn và truyền miệng trong giới văn nghệ Sài Gòn. Dù không có ác ý, một vài lời lẽ châm chọc đã không được bỏ qua... Nếu tôi không lầm, báo Tuổi trẻ không hề đưa tin về NỔI LOẠN.
(9) Năm-Tu-Huýt là một bút hiệu của nhiều người viết báo Công An. Song có nhiều dấu hiệu để nghĩ rằng các bài báo về vụ NỔI LOẠN là của ông Vũ Hạnh.Ironie du sort, vào những năm 60, Chu Tử làm nhà văn-thổi còi cho cảnh sát tống giam Vũ Hạnh, còn hiện nay Vũ Hạnh giành cầm tu huýt thổi đồng nghiệp. Phải chăng đó là mục đích làm cách mạng của ông?
(10) Dĩ nhiên phải nói đến những người được “lời” trong vụ này là những lái sách in lậu, bán lậu cuốn NỔI LOẠN trước và sau khi sách bị tịch thu. Người viết bài này đã phải mua cuốn sách với giá 150.000 đồng vào đầu tháng 9.1993 tại Sài Gòn trong khi giá ghi trên sách chỉ 15.000 đồng!
(11) Diễn Đàn số 20, 6.1993.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét