Quyền được hách
Trong lời giới thiệu viết cho Tuyển tập Nguyễn Bính 1986) nhà văn Tô Hoài từng kể lại cái cảnh lần đầu được gặp tác giả Lỡ bước sang ngang như sau: “.. Còn nhớ Nguyễn Bính mặc bộ quần áo tây trắng đã tã, ống quần và ống tay áo cũng lờm xờm như tóc tai… Bắt tay rồi, Nguyễn Bính hỏi tôi: – Này có tiền không? Như đã biết nhau từ bao giờ. Tôi cảm động được anh hỏi han thân tình như thế. Tôi mỉm cười. Thế là, cũng chẳng đợi tôi trả lời, có lẽ cái cười hiền lành của tôi đã khiến anh thấy tôi sẵn sàng rồi. Anh sai luôn: – Vào bánh giò “Đờ măng” mua dăm chiếc nhé, năm chiếc cũng không thừa đâu. Từ sáng tớ chưa được miếng nào vào bụng”. Đọc qua cả đoạn, bạn đọc thường thường – trong đó có cả người viết bài này – chỉ mang máng đoán ra ẩn ý của Tô Hoài: hẳn ông muốn mách cho ta thấy cái nhếch nhác của đám người cầm bút lúc bấy giờ. Nhưng trong một lần nói chuyện riêng với ông, tôi được ông thổi thêm vào tai: – Nguyễn Bính tài thì tài thật, nhưng phải cái tật là tự coi mình hơn hẳn anh em, thích sai phái quát nạt, bắt mọi người phải hầu hạ phục dịch mình. Được cái thơ hay, nên người ta còn nể. Lại còn thế nữa! Tôi ngẫm nghĩ và như chợt nhận ra thêm một bài học, từ một thói quen khá phổ biến giữa những người cùng nghề, ấy là thích lên mặt với nhau, hách xằng với nhau một chút cho oai. Tôi có tài nghĩa là tôi có quyền được hách với các anh. Đây là một thứ lề luật không được ghi thành văn bản, nhưng ai cũng biết và cũng chấp nhận. Người được hách thì thích quá rồi. Mà người bị người khác tỏ ý hách cũng thầm sung sướng theo. Vậy là trong nghề của mình, mọi thứ mo-phú tuốt, chỉ có tài năng là đáng giá đồng tiền bát gạo! Tôi chịu anh! Vậy là chờ đấy, rồi đến ngày tôi viết được, cái mặt tôi có vác lên, các anh cũng chớ khó chịu! Này không chừng thằng ấy nó hách thế, là nó thách đố mình, thúc đẩy để mình cố viết không biết chừng… Ôi đã lý lẽ được như thế, thì cái sự hách thấy quý hoá quá, việc gì phải bỏ. Lại còn một kiểu hách nữa, mà giá không được nghe bằng tai mình, tôi đã không tin. Hồi còn mồ ma nhà văn Nguyễn Tuân, ông cũng nổi tiếng là kẻ cao ngạo. Nhà văn Kim Lân kể: “ấy, vào nhà mìnnh, có dò hoa nào đẹp là ông ấy tước, hoặc có cái lọ, cái đĩa nào hay hay mắt, là lúc về, ông thản nhiên cho vào cặp. Ra những thứ ấy, cái thằng mặt trắng như mình không đáng dùng, mà phải ông ấy mới đáng. Khiếp khiếp, khinh người, ngỗ ngược thế chứ. Được cái lâu ngày anh em cũng quen, chịu thày, thôi thì thầy cứ việc hách, nhiều khi đã mất của mà anh em vẫn thấy sung sướng!” Tuy Kim Lân không nói rõ, song có cảm tưởng ông ngầm bảo rằng hách thế cũng là đáng với một người có tài, nhất đấy lại là Nguyễn Tuân, đã tài lúc trẻ, lại còn tài cả lúc gì. Vâng, tài cả lúc già là chuyện ai cũng mong, nhưng không phải ai cũng làm được. Khối vị chỉ mấy quyển sách chào hàng là đọc tàm tạm, sau đó có viết ra cái gì cũng không bằng cái đầu. Trong trường hợp ấy, vô phúc mà không biết điều, rước cái tính hách vào người, không sao sửa được, thì mới thật khổ cho thiên hạ. Hãy kể trường hợp anh nhà văn nọ, mà giờ đây, cả giới chúng tôi đều gớm! Ngay từ lúc mới vào nghề, con người khôn ranh tinh quái đó đã học được toàn những đức tính sang trọng của các bậc đàn anh. Thấy ai có gì hay hay cũng muốn phỗng tay trên. Bạ ai cũng sai. Sai đèo đi nơi này, nơi nọ. Sai đi kiếm cho tao mấy cái vé. Sai ra ngoài kia kiếm bia, kiếm lạc về để chúng anh khề khà. Thậm chí, vào nhà người ta chơi ngả ngốn ở đấy, sai cả bố mẹ, vợ con người ta điếu đóm hầu hạ mình luôn thể. ấy là không kể một phương diện khác của sự hách, là cái tật hay nói, hay dạy khôn, bạ cái gì cũng dúng mồm vào, đến nhiều đám đông, chưa nghe thủng chuyện người ta đang nói đã ào ào như máy nước hỏng, thế mới chướng! Hồi đang viết được còn đỡ, gần đây, những cái viết ra nhạt nhẽo, không ai để ý nên đâm lười không muốn viết nữa. Song cái bệnh ngông nghênh hay nói thì không bỏ được, vẫn cái tính hách phô ra, người quen cũ lảng dần, mà người mới quen cũng chỉ trố mắt nhìn nhau, không hiểu nếp tẻ ra sao cả. – Tóm lại, cái đạo luật mà trên kia anh tự hào nhắc tới, rằng nhà văn có quyền hách với nhau, anh A làm bộ hách với anh B chẳng qua để kích thích anh B viết, cái đạo luật không ghi thành văn bản giờ đây đã hết hiệu lực, giới nhà văn các anh dạo này tỉnh táo, biết điều cả rồi? – Không hẳn đã đúng. Nói có thể anh không tin, chứ ngay bây giờ chúng tôi vẫn cầu mong có một ông nào đó viết thật hay và do đó dám sống thật hách, và anh em thì cứ lịm đi mà chịu cho ông ấy hành. Với một ngòi bút trẻ trung mà lại có tài, người ta dễ tha thứ lắm. Còn ở trường hợp cái ông nhà văn tôi nói về sau, gọi đúng tên thì phải bảo đó là một thói xấu tầm thường: không biết mình biết người. Và không bỏ được một cái tật đã ngấm vào mình như một bản năng thứ hai. Suy cho cùng, xằng xịt như thế không phải là hách nữa, mà là “ấm đầu” rồi, thiên hạ có lảng thì cũng là phải. Thành thử cái đạo luật không ghi thành văn bản trên kia nhắc tới vẫn đúng, chỉ có điều phải ghi chú thêm: chỉ nhân nhượng cho những người có tài, khi người ấy đang có tài. Dùng không đúng người, không đúng lúc, sẽ thành lố bịch. 22. Khi các nhà văn viết về người cùng nghề Lâu lắm rồi trong một buổi họp, tôi có được nghe nhà văn Nguyễn Đình Thi nêu một nhận xét nhỏ, song lại có ý nghĩ khái quát. – Cái vốn lớn nhất của mỗi nhà văn chúng ta nhiều khi lại chính là vốn hiểu về các đồng nghiệp. Có thể đến nay, người nói đã quên, song bản thân tôi thì còn nhớ mãi, bởi câu nói đó là một gợi ý giúp tôi giải thích sự tồn tại của một mảng văn chương khá hấp dẫn, là mảng văn chương các nhà văn nhà thơ viết về những người cùng làm nghề như mình. Vâng, đã sống với nhau trọn một đời trong nghề, thương yêu nhau có, chen cạnh nhau có, lúc vui đùa hả hê, lúc lại thư từ thông cảm với nhau hàng ngày, chúng tôi có viết về nhau thì cũng là chuyện tự nhiên. Về mặt nhận thức mà xét, có thể tin chắc là trong khi kể về nhau như vậy, nếu biết khái quát, các nhà văn cũng có thể nêu được những vấn đề chung để những người khác, ở các ngành khác, tìm thấy sự đồng cảm. Kể ra vài chục năm trước, ở Hà Nội cũng đã tự nhiên hình thành một thứ thói tục không ghi thành văn bản, song ai cũng tuân theo, đó là “không cần và không bao giờ nên viết về giới của mình”. Người cầm bút lúc đó hay xấu hổ, ở chỗ riêng tư, người ta nói với nhau rằng nhà văn mà lại đi viết về chính đám viết lách quen biết thì nó “khỉ khỉ” thế nào ấy. Nhân vật trung tâm của văn học lúc ấy phải là con người ở các ngành nghề gian khổ khác… Nhưng thôi, những trò ấy, qua đi đã lâu, giờ cũng không nên nhắc làm gì nhiều. * Vốn liếng đã sẵn, còn viết ra sao? ở đây có thể thấy những cách thức khác nhau, trong việc chế biến tài liệu. Trong một số ít trường hợp người ta chọn một cách làm kín đáo: Người viết chỉ sử dụng chi tiết về cuộc đời, lối nói năng sinh hoạt của các đồng nghiệp, rồi đổi tên và thêm bớt ít nhiều, hư cấu thành nhân vật là nhà văn nọ, nhà thơ kia. Ngay từ trước 1945, bạn đọc đã có dịp đọc mấy cuốn tiểu thuyết loại này như Mực mài nước mắt của Lan Khai, Bốc đồng của Đỗ Đức Thu. Đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, lại có Đôi mắt của Nam Cao với nhân vật chính là nhà văn Hoàng. Cách đây mấy năm một tập truyện ngắn mang trên Tình vờ đã ra đời, ở đó, số phận đau xót và kiếp sống vật vờ của đám người cầm bút được miêu tả qua cái nhìn của những Nguyễn Cong Hoan, Bùi Hiển, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Triệu Huấn, Trung Trung Đỉnh… Nhưng không phải nhà văn nào cũng viết được truyện ngắn hay tiểu thuyết, trong khi kinh nghiệm vốn liếng về người trong nghề thì đầy ắp chẳng kém ai. Để cho tự nhiên hơn và giúp bạn đọc hiểu mọi chuyện dễ dàng hơn, nhiều người gần đây có lối viết luôn về các đồng nghiệp, nhỏ thì như các giai thoại, các mẩu chuyện lớn hơn là các bài báo dài, các chân dung. Trong tình hình chung khi mà hoạt động phê bình còn yếu kém, những khô cứng và hời hợt còn kéo dài chưa biết bao giờ có cơ may sửa chữa, thì việc xuất hiện những mẩu chuyện, những bút ký, hồi ký mà ngươi trong nghề viết về nhau, quả dễ được chú ý: do sự sinh động hấp dẫn, chúng có khả năng trở thành một tư liệu giúp cho bạn đọc hiểu thêm về các sáng tác cụ thể, cũng như những con người cụ thể, đứng sau các sáng tác ấy, và suy rộng ra về cả giới cầm bút. Một người như nhà văn Tô Hoài đã làm việc này khá đều đặn, và có được cái riêng của mình. Viết về Nam Cao, ông làm rõ cuộc đấu tranh giữa lương tâm, khát vọng, với những đòi hỏi lặt vặt hàng ngày ở một trí thức lớp dưới, tự trọng nhưng lại quá nghèo. Trong khi kể lại chất nghệ sĩ tự nhiên ở Nguyên Hồng, ông không quên chấm phá vài nét thất thường, đồng bóng ở tác giả Những ngày thơ ấu. Ông nhấn mạnhv ào đôi mắt “ngơ ngơ như nhìn đâu”, để rồi dự đoán về một căn bệnh tâm lý “không bình thường” ở Võ Huy Tâm, nó khiến cho những trang viết của nhà văn này khi được khi hỏng, đoạn rất hay, đoạn rời rạc, không đâu vào đâu. Đến cả với Nguyễn Tuân, Tô Hoài cũng không khuyên ta “kính nhĩ viễn chi”, mà qua việc kể lại những ỡm ờ, xục xặc, những thành kiến trong đối xử, lại khiến ta gần cụ Nguyễn hơn. Chỉ không hiểu sao một cách nhìn phải chăng như thế của Tô Hoài hoặc trước đó, của Nguyễn Công Hoan (trong hồi ký Đời viết văn của tôi) của Vũ Bằng (trong Bốn mươi năm nói láo) không được mấy người chia sẻ, mà phổ biến hơn ở đây, lại là một cách làm ngả sang tô vẽ, nó khiến cho người ta băn khoăn, ngờ vực, và đôi khi là cả khó chịu. * Trong con mắt những người bình thường, sự sáng tạo thường được tôn vinh như là một sự thăng hoa, một hành động siêu việt, một cái gì cao đẹp đánh dấu khả năng phi thường của con người… Tất cả những điều đó là đúng, nhưng chưa đủ. Đi vào bếp núc của nghề cầm bút, lại có thể thấy một sự thực khác. Khi đã trở nên một nghề kiếm sống, cái gọi là sự sáng tạo văn chương có những khía cạnh “y chang” như mọi nghề khác. Không phải ai cũng là thần thánh cao sang mà ở đây có rất nhiều người bình thường, thậm chí đôi khi phải nói có cả… ma quỷ. Kẻ có tài xen lẫn với người bất tài. Chuyện tầm phào ồn ào thường khi che lấp chuyện nghiêm chỉnh. Đáng tiếc là đáng lẽ phải viết về nghề văn với tất cả các sắc thái ấy, thì ở một số người có lối nhìn khá phiến diện. Vô tình hoặc cố ý không biết, song chỉ thấy họ trưng ra toàn những điều tốt đẹp. Công việc hàng ngày của người viết được bao phủ một lớp hào quang, tác phẩm nào cũng ra đời nhưng một sự xuất thần trong một phút mặc khải. Hiện lên sau các trang viết thường là các nhà vứn lúc nào cũng toàn tâm toàn ý với nghề. Người này mất ăn, mất ngủ vì một câu một chữ đã viết. Người kia thân tàn ma dại, vì những khát vọng cao siêu. Mượn cách nói của khoa nghiên cứu về tiểu thuyết, có thể bảo là tới nay trong câu chuyện mà những người trong nghề kể về nhau thường nghề viết văn vẫn được đặt vào một khoảng cách sử thi, tức lý tưởng hoá, chứ chưa được tiếp cận theo lối suồng sã như là chính nó vốn vậy. Thoạt đầu, loại bài viết về đè tài này còn ít và người ta, có thể nghĩ rằng vào thuở ấu trĩ mọi chuyện như thế là khó tránh khỏi. Đến khi thấy những hồi ký, hồi ức, những kỷ niệm mẩu chuyện giai thoại xuất hiện ngày một nhiều mà cứ kéo mãi một kiểu, thì những nghi ngại bắt đầu xuất hiện. Khi một tác phẩm “thường thường bậc trung” cũng được mang ra bình tán khấn khứa, và cả những người viết làng nhàng cũng được dành cho những chữ nghĩa quá ư to lớn, người ta phải đặt câu hỏi: hay là ở đây có chuyện phỉnh nịnh đồng nghiệp, để đề cao chính mình, và lấy việc viết hồi ức, kỷ niệm, để xác lập một ít uy tín mà bằng chính tác phẩm từng người không thể làm nổi? * Có những tình thế thuộc loại tế nhị, ở đó tính mức độ dễ bị vi phạm, song bởi vậy, sự thận trọng lại càng đáng quý: chẳng hạn khi có một người viết văn qua đời. Thói thường, trước cảnh đau lòng, người ta sẵn sàng dành cho người đồng nghiệp xấu số những lời tốt đẹp nhất. Song giờ đây, khi những câu văn tế đọc bên nấm mồ cũng đã nhanh chóng trở nên văn bia vì ngay sau đó, nó được in lên mặt báo được tuyển vào sách (nghĩa là cái câu Khôn văn tế dại văn bia không đúng nữa), thì có lẽ nên bảo nhau tỉnh táo một chút. Không ai buộc anh phải nói hết sự thật về người vừa nằm xuống. Thậm chí phải thấy nói những lời lẽ ấy vào lúc ấy là bất nhẫn! Nhưng ngược lại, cũng không nên “phóng tay áo sô đốt nhà táng giấy” nói cả những điều không đúng sự thật về người vừa chết. Nhà văn Tô Hoài có lần than thở đại ý “Đọc những điếu văn với lại cảm nghĩ sau khi một nhà văn qua đời gần đây thấy hình như ai cũng là thiên tài cả, trong khi lúc họ còn sống, không phải thế!”. * Chỗ xuất phát của một số nhà văn khi đứng ra viết về người cùng nghề khá hồn nhiên và giản dị: Viết cho đời sống văn chương thêm cao sang, thêm hấp dẫn đáng yêu. Hoặc đôi khi chỉ là viết cho vui, hoặc muốn mang lại cho các đồng nghiệp, giữa cuộc đời buồn tẻ, một tí an ủi. Quả thật, nghĩ vậy, thì viết như vậy, cũng không có gì là lạ. Rồi bạn đọc cũng chỉ xem những lời ta ve vuốt nhau ấy như một cái gì vui vui, ngồ ngộ, đọc đấy mà cũng quên đấy. Trong khi ấy, quanh chuyện này, có thể có cách nghĩ khác. Người viết coi mỗi khi đặt bút viết về đồng nghiệp là một dịp tự nhận thức. Từ những dòng viết sâu về nghề văn, học muốn hiểu thêm về năng lực và giới hạn của con người. Qua bóng dáng của một cây bút, họ muốn phác ra một mẫu người thời đại. Rồi ra, bạn đọc sẽ đối xử với những trang viết ấy ra sao, không nói chắc mọi người cũng biết. Chỉ xin lưu ý thêm rằng: để có được những trang viết như thế, mỗi người không chỉ cần có sự chân thành, lòng tốt, mà còn đòi hỏi cả sự dũng cảm, dám nhìn thẳng vào sự thật, cũng như khả năng vượt lên chính mình để đánh giá nghề mình một cách khách quan. Nói nôm na tức là ở đây cần có sự biết điều, không tự huyễn hoặc vô lối. 23. Về một loại tiểu thuyết “ám chỉ”, “thóc mách” Nói một cách văn vẻ thì hình như dạo này khoảng cách giữa hiện thực được miêu tả trong các cuốn tiểu thuyết và chính cuộc đời thực đang được thu hẹp lại. Nhưng mà nhiều người không thích lối nói khái quát vậy. Người ta nói toẹt ra: – Hết khôn dồn ra dại, dạo này bọn nhà văn toàn mang chuyện có thật vào sách. Nghĩa là chỉ tên người, tên địa điểm thay đổi thôi, còn tất cả i xì. Đọc vui đáo để. Những lời xì xào chung quanh một số cụ thể nghe càng có sức khêu gợi hơn và do đó, là độc ác hơn. – Này đọc cuốn… chưa? Chuyện ngành X. đấy! Giới quan chức ở đấy cay lắm, nhưng nói ra tức là lạy ông tôi ở bụi này, nên phải ngậm bồ hòn làm ngọt. – Cậu dở quá, nhân vật hoạ sĩ trong cuốn tiểu thuyết ấy chính là lão A, chứ còn ai khác nữa? Cả bề ngoài cũng giống hệt. – Tôi nhận ra rồi, nguyên mẫu của các nhân vật được tả kỳ này toàn người cơ quan sừ ấy cả. Từ nay trở đi thấy sừ ở đâu là phải biến cho nhanh mới được. Bạn bè đấu hót cho lắm vào, để rồi, lúc thiếu tài liệu, sừ lại đưa mình vào sách sớm! – Tôi chắc nhuận bút cuốn tiểu thuyết này vợ hắn phải đòi giữ để tiêu riêng một nửa. Toàn lời lẽ của cô ta khi cãi nhau với chồng mà. Thật là bôi gio trát trấu vào mặt. Nhưng thôi, một người chịu tiếng để nhiều người khác có lợi, có thế chúng ta mới biết là mình và người quen mình đang sống như thế nào! * Viết được một quyển sách đã thú. Viết được một cuốn sách để xung quanh xì xào bàn tán, sự thú vị còn nhân lên gấp nhiều lần. Nên chi, khi nghe được một trong những lời đồn thổi nói trên, một người viết văn quen tôi chỉ cười trừ. – Thì cái nghề cầm bút nó vậy! Đến ông Tolstoi vĩ đại là thế còn mang chuyện gia đình mình vào sách nữa là tụi tôi? Có mỗi cái thực tế mình thông thạo nhất, tội quái gì không viết. Về lý mà xét, sách của tôi là tiểu thuyết chứ đâu có phải người thật việc thật! Một nhà phê bình khi được yêu cầu bình luận về chuyện này cũng đã bày tỏ lập trường một cách rành mạch. – Nên nhớ rằng xuất xứ của tiểu thuyết không gì khác là chuyện ngồi lê đôi mách. Chả thế mà cả ở phương Đông lẫn phương Tây, tiểu thuyết thoạt đầu thường bị khinh rẻ cho rằng không đáng gọi là văn học; và chỉ sau này khi biết mang lại cho những chuyện ngồi lê đôi mách đó một ý nghĩa khái quát, tiểu thuyết mới được công nhận là một thể tài bình đẳng với mọi thẻ tài khác. Vậy hãy để những lời đồn đại đó sang một bên, và dựa vào tác phẩm mà có sự đánh giá cho cụ thể. Công việc của người viết phê bình không bao giờ lại bao gồm cả cái việc đối chiếu những hình tượng nhân vật được vẽ nên trong cuốn sách với nguyên mẫu (nếu có) của chúng cả. Được lời như cởi tấm lòng, nhà văn sung sướng gật đầu: – Vậy là coi như tôi trắng án, hả? * Bây giờ mà nói chuyện lương tâm, không chừng bị kêu là cổ! Nhưng giữa những người kiên trì bàn chuyện lương tâm, bao giờ cũng còn những nhà văn. Bởi vậy, tôi tin sau những câu chuyện trên đây, nếu không phải tất cả, thì vẫn còn một ít người cầm bút động lòng. Vâng, gạt những điều người ta đồn bậy về từng quyển sách sang một bên, thì nói cho cùng vẫn có việc đó: việc các nhà văn lấy chuyện những người quen mình, gần gũi mình ra để viết. Mà đã có việc đó, tức là có dịp để người ta nghĩ ngợi: bộ mặt thực của con người là như thế nào? Khuôn mặt người được nói tới, thật ra nhiều khi cái đó còn khá lờ mờ. Nhưng khuôn mặt kẻ đi nói về người khác, cái đó mới thật rõ, thật minh mạch, không ai giấu nổi, sau mỗi tác phẩm. Để kiểm tra có thể nêu ra hàng loạt câu hỏi: – Có chắc chắn rằng việc đó đã được làm một cách thận trọng, hay không ít phen người ta đã viết về nhau khinh xuất, cẩu thả, theo những thành kiến tầm thường? – Có chắc những việc đó đã được làm một cách vô tư hay khi vô tình khi hữu ý, người ta chỉ viết để thoả mãn thù hận, thậm chí như là dùng giấy mực để khủng bố nhau nữa? – Có chắc những việc đó đã được làm vì một yêu cầu nhận thức cao cả, yêu cầu nắm bắt sự thực về con người, về xã hội hay chẳng qua chỉ là câu chuyện túng cái viết quá thì mang nhau ra giỡn chơi, mỗi cuốn sách kiếm vài triệu rồi… phủi tay hết chuyện? Trả lời những câu hỏi đó là việc riêng của từng nhà văn, không ai làm hộ được. Còn về phần những người được (hay bị) mang ra làm tài liệu cho cuốn sách thì sao? Nói cho cùng, biết chắc rằng viết về mình là kẻ không trong sáng, lại đi một nhẽ, kẻ đi bôi xấu người khác trước tiên chuốc lấy tiếng xấu về mình, đấy là lẽ thường. Chỉ có điều ngại: Nhỡ ra, xoay đi tính lại, rút cục thấy người ta viết về mình hình như chính xác, cái đó mới phiền. Bấy giờ cũng chỉ còn cách tự an ủi: – Thôi, chưa biết làm nên công trạng gì, nhưng đời mình cũng đã được cái việc là làm tài liệu cho một cuốn tiểu thuyết… đứng đắn. Không biết có ai chịu nghĩ như thế? 24. Xuôi và ngược Giờ đây, “ngoại tình” không còn thu hẹp ở nghĩa đen vốn có, mà đã được sử dụng khá phóng túng. Bất cứ nơi đâu có hiện tượng con người đang hoạt động ở lĩnh vực này lại liếc mắt đưa tình sang lĩnh vực khác, chòi sang đó, xoay xở, kiếm chác, đều được người ta gọi đùa… một cách xác đáng là “ngoại tình” ấy cũng là điều xảy ra với giới sáng tác. Từ thế kỷ XIX về trước, phần lớn các nhà văn nhà thơ ở ta vốn là những ông quan. Cai trị dân là việc chính của họ. Sáng tác chỉ là việc làm thêm những lúc rỗi rãi, viết xong để đấy, chờ đọc cho bạn bè nghe, chứ không hề có chuyện gửi đăng ở một tờ báo, đề nghị một nhà xuất bản nào đó cho in để lấy mấy đồng nhuận bút còm như bây giờ. Tóm lại, viết vì tình chứ không phải vì lợi. Đại khái tình thế của các cụ khi ấy cũng là tình thế của văn hào Nga Tchékhov. Ông nhà văn này vốn học nghề bác sĩ, lúc trẻ từng làm ở các nhà thương, mở phòng mạch, khi đã nổi tiếng trên văn đàn rồi vẫn không quên việc đi khám chữa bệnh cho người nghèo. Có lần ông bảo nghề y là vợ chính của mình, viết văn chỉ là một thứ tình yêu thêm thắt. Có điều, khá nhiều đứa con tinh thần ra đời từ những cuộc ngoại tình này của Tchékhov cũng như của các ông quan – nhà thơ tài năng xưa, lại là những đứa trẻ lực lưỡng đúng như nhận xét của nhân vật Edmund trong vở kịch Vua Lia của Shakespeare: “Sao lại là con hoang? Sao lại ti tiện? Ra đời từ một cuộc ân ái nồng say của bản nhiên tính người, ta lại chả hơn hàng xâu hàng xốc bọn người ngẩn ngơ vơ vẩn, tạo nên trên những cỗ giường rầu rĩ chán chường, sau những cuộc giao hoan ngái ngủ hay sao?” Kiểu sáng tác “nghiệp dư” ấy, dĩ nhiên đến nay, ở xã hội ta, vẫn đang tồn tại. Nhiều cán bộ ở các ngành chính trị, quân sự, kinh tế, ngân hàng… đã sống cả đời với nghề của mình rồi, vẫn không quên văn chương, thường xuyên ngứa ngáy muốn đọc muốn viết, và trong không ít trường hợp đã viết được những trang sách cảm động. Có thể bảo lối ngoại tình xưa vẫn được tiếp tục và có cái khía cạnh đáng khuyến khích của nó. Có điều đến thời chúng ta, cũng trong phạm vị văn học hôm nay, lại nảy sinh một loại ngoại tình khác. So với loại nói trên, nó diễn ra theo chiều ngược lại. Sau một ít sáng tác trình làng, một số cây bút tạm gọi là có năng lực được điều về làm việc ở các cơ quan báo chí – xuất bản, những bệ phóng của sự sáng tác văn học. Phải nói, trong hoàn cảnh Việt Nam, đấy đã là một cách để giúp đương sự chuyên nghiệp hoá ngòi bút, một điều mà các ông quan ngày xưa có nằm mơ cũng không thấy. Phiền một nỗi, trong khi một số người càng viết lên tay, do đó càng phấn chấn chuyên chú về nghề, chỉ tâm tâm niệm niệm là suốt đời chung thuỷ với nghề, thì lại có một số khác càng đi sâu vào công việc, càng hiểu rằng thực ra mình đã nhầm, năng lực của mình rất hạn hẹp, mình sẽ không bao giờ viết được cái gì khá hơn so với mấy sáng tác ban đầu. Có điều nghề này lạ lắm, anh có chán nó mấy nhiều khi nó cũng không chịu buông tha để anh đi với nghề khác. Luôn luôn nó dỗ ngon dỗ ngọt, rồi hứa hươu hứa vượn với anh, rằng có thể mai đây sự thể sẽ khác. Và anh e sợ! Quả thật, đã vào nghề này rồi, giờ lại có gan nói bô bô lên rằng mình không có khả năng, rồi rút lui, chuyện ấy khó lắm. Bấy giờ mấy cây bút bất đắc dĩ này sống với văn chương chẳng khác chi những cặp vợ chồng đã trót đi đăng ký kết hôn, không chừng đã có mấy mặt con với nhau rồi, mà tự nhiên mắc chứng lãnh đạm, hết hẳn nỗi hứng thú khi phải chung chạ! Không có gì lạ, nếu thấy họ cũng tìm cách ngoại tình và tuỳ hoàn cảnh, mỗi lần sự dấm dúi ngang tắt của họ lại hiện ra một khác. Đại khái hồi còn bao cấp đủ sống, mấy người ấy có lối lăng xăng tích cực trong các công việc không phải văn chương (của đáng tội nhiều khi vốn rất cần cho xã hội và nếu không ai chịu làm thì cũng không tiện!). Họ làm các việc đó một cách hào hứng, vô tư, để rồi có cớ mà nhăn nhó với mọi người rằng dạo này bận quá, không lấy đâu ra thì giờ để ngồi trước trang giấy trắng nữa. Gần đây, văn chương không được bao cấp, viết lơ mơ thì không đủ sống, mà thực ra trong bụng chả có đề tài gì ủ sẵn để “đói cũng viết, khổ cũng viết”, mấy người này liền xoay ra buôn dở. Họ chạy đôn chạy đáo cơ sở này, trung tâm khác, lấy tiếng là viết văn viết báo cần làm quen với thực tế, song tình thực là mắt la này lét chờ xem có dịch vụ gì thì đánh thuê, có món hàng nào cần tiêu thụ thì mối lái, chỉ trỏ! Có thể sau những lần “thâm nhập đời sống” ấy, họ vẫn phải trương tên mình sau một vài bài báo, để tiện bề làm ăn, song thực ra là viết cho phải phép, chứ tâm chí đâu còn để vào trang viết nữa. Cứ thế, họ ngoại tình dai dài, ngoại tình đấy mà trên danh nghĩ vẫn chung thuỷ với cô vợ tao khang là cái nghề cũ và có ai hỏi vào thực chất thì sẵn sàng chối. Như trên đã nói, chỉ nhà văn thời nay mới có kiểu ngoại tình thứ hai này, nó đang còn khá kín đáo, nên cũng chưa thấy xã hội có ý kiến gì hết. Còn những đứa con hoang ra đời sau những vụ ngoại tình này cố nhiên không phải là sáng tác, mà chỉ là một ít tiền của, song nghe đâu cũng còm nhom thảm hại lắm. 25. Những cách tự tô vẽ Chưa biết nội dung ra sao, nhưng một cuốn sách bìa đẹp, giấy trắng trông lại dày dặn – loại sách có gáy như tiếng trong nghề vẫn nói – đã gây ấn tượng về một cái gì chững chạc. Đấy là điều mỗi người trên đời đều biết và các nhà làm sách thời nay càng biết. Đối với người viết tiểu thuyết thì cái đó hơi khó. Phải thêm chương thêm hồi, thêm nhân vật, phải xoay lại cả bố cục. Toàn chuyện rắc rối nên người ta ngại đụng tới. Đa số các tiểu thuyết của ta hiện nay vẫn khoảng ba bốn trăm trang gì đó là cùng. Riêng đối với người soạn sách thì con đường mở ra lại khá thênh thang. Giả sử phải tập hợp các tài liệu về một vấn đề gì đó, hoặc chung quanh một tác giả nào đó. Thời mọi người còn làm ăn tử tế, cái việc biên soạn ấy được quan niệm là việc đẽo ngọc trong đá: anh phải giúp cho bạn đọc tiếp xúc với những gì gọi là tinh hoa của văn bản. Từ một tài liệu mươi mười lăm trang, anh phải rút ra lấy một hai trang nó là cái phần thiết cốt nhất của tài liệu. Có thế, mới gọi là biên soạn. Nhưng đấy là chuyện “xưa” rồi. Nhiều cuốn sách gọi là biên soạn thời nay, chẳng có biên hay soạn gì hết, nhặt được bao nhiêu tài liệu, người ta mang vào sách hết. Có hai cái lợi cùng lúc xảy ra: Một là chả cần lao tâm khổ tứ cắt gọt, cho nhọc vào thân, và hai là cuốn sách mà mình đứng tên biên soạn lại dày dặn thêm. Thế thì tội gì chẳng làm? ở các nước vẫn vậy, mà ở ta hồi trước 1985 cũng vậy, sách được in ra theo lớp lang và việc xếp nó vào thể loại nào đã là một việc định giá rõ ràng. Chỉ có những tác giả đang được coi là lớn, sau một đời lao động vất vả, mới được quyền ra tuyển tập. Hoặc như cái việc in ảnh ta ngay ra ngoài bìa một cuốn sách. Đấy lại càng là những sự đặc ân, người ta chỉ dành cho những trường hợp siêu hạng. Nay thì mọi việc lộn phèo tất cả. Một người mới viết độ dăm bảy năm, chưa gây được ấn tượng nào với những người trong giới và dư luận nói chung, cũng tự đứng ra làm Tuyển tập. Có phải vì người đó không biết rằng như vậy là đã làm sang cho mình không? Tôi nghĩ là họ có biết. Chẳng qua thấy múa võ mãi chẳng ai xem thì dùng một chút tiểu xảo làm oai thêm. Đến như cái chuyện một tác giả để ảnh mình ngự ngay trên bìa một thì khỏi phải nói! Nó giống như tình cảm trước khi vào một khu vườn, người ta bắt gặp bức ảnh to tướng của chủ nhân đặt ngay trước cổng. Chưa biết bên trong hoa thơm quả ngọt thế nào, nhiều người thấy lối trình diện như vậy, đã tính chuyện… chuồn thẳng. * Có những nhà văn nhà thơ đáng kính, và điều đầu tiên khiến cho người ta kính trọng ông, là cả đời ông rất thận trọng, chỉ cho in ra dăm bảy truyện ngắn, hoặc vài chục bài thơ. Bởi vậy, lẽ tự nhiên là lâu lâu tác phẩm của ông được in lại đấy là một việc làm hoàn toàn chính đáng. Thế nhưng, không hiểu do tác giả muốn hay do nhà xuất bản xui dại, tự nhiên thấy có tình trạng như sau: Giả sử nhà văn X có một tập truyện ngắn gồm mấy truyện A, B, C, D và xưa nay, cả tập vẫn đặt tên chung là A, và nói tới ông X, người ta chỉ nhớ tới tập A. Đùng một cái, thấy trên các cửa hàng sách bày ra một tác phẩm của ông, dưới cái tên B. Tưởng là một tập mới, người đọc đổ đi tìm. Hoá ra vẫn tập cũ dọn lại, xưa là A, B, C, D thì nay là B, A, C, D. Sự kính trọng nhà văn nếu không giảm đi thì cũng chẳng tăng lên được chút nào hết. * Tâm lý thông thường của bạn đọc là khi thấy nói một cuốn sách được in tới lần thứ năm thứ bảy thì phục lắm. Chắc loại tác phẩm hay nên mới được in lại luôn. Có lẽ cũng hiểu điều đó nên có nhà văn tìm cách trình bày mình rất khéo. Không phải anh ta nói dối, anh ta cũng nói thực thôi, ví dụ sách in n lần thật, nhưng mỗi lần chỉ độ vài trăm cuốn, và phát hành trong phạm vi hẹp, ở khu vực tác giả công tác, dư luận chung hầu như biết rất ít. Thành ra nghe thì rất oai mà thực chất chẳng có là bao. Các đồng nghiệp chỉ được một phen tặc lưỡi: “đúng trò láu cá”. * Người ta thường nói: đôi khi do tự ti quá, mà một người phải nói khoác, trong một số trường hợp nói trên, sự tình đúng là như thế. Đang thời văn chương ế ẩm nên cả nhà xuất bản lẫn tác giả đều gặp nhau ở ý tưởng là phải trương mọi thứ lên cho thật kêu. Biết đâu, đấy lại chỉ là một cách tự thú rằng tình thế đang khá… bí bét. 26. Nỗi lo quá sang trọng! Người ta không nói gì mới khi bảo rằng Nguyên Hồng là một người dễ cảm động và rất mau nước mắt. Tuy nhiên, câu chuyện sau đây của một nhà văn trẻ, thì thật là lạ: Tại một trại viết nhà văn ấy được dự, Nguyên Hồng ở trong ban phụ trách và ngoài vài bài giảng về kinh nghiệm sáng tác, ông cũng ngồi viết như anh em. Vốn tính tinh nghịch, nhà văn học viên kia có lần rủ mấy cậu bạn đến quan sát cách làm việc của thầy, nói nôm na là rình trộm xem Nguyên Hồng viết ra sao. Quả nhiên thấy tác giả Bỉ vỏ thỉnh thoảng khóc thật. Đến khi tìm cách lai vãng tới gần để xem cái đoạn thầy mình vừa viết vừa chấm nước mắt là đoạn nào, rồi làm cuộc so sánh, thì mới trậc khấc ra: nó không hay bằng các đoạn khác, Nguyên Hồng viết lúc tỉnh táo. Thì ra, sự xúc động là yếu tố cần thiết, nhưng bản thân nó không làm nên văn chương. Để đạt tới những trang viết mang tính sáng tạo thực sự còn cần đến khâu tổ chức công việc, cần kỹ thuật thể hiện… tóm lại là cần đến lý tính. Mỗi khi bàn về sáng tác, Thạch Lam thường không quên nói về sự xúc động. Trong cuốn Theo dòng mỏng mảnh, ông đã viết ở nhiều chỗ khác nhau rằng “sự thành thực mới là cái then chốt của nhà nghệ sĩ. Muốn viết một tác phẩm bất hủ, một t ác phẩm mà giá trị không theo thời, ta phải để hết nỗi rung động trong tác phẩm đó”, “Chúng ta cứ là chúng ta, với cái tâm hồn và bản ngã thật của chúng ta”. Nhân những câu ấy của Thạch Lam và nhiều câu tương tự ở các nhà văn khác, một số người gần đây tìm được lý do để thuyết minh cho chất lượng các trang viết của mình. Một số bạn đang loay hoay viết thử, đến trao bản thảo cho nhà xuất bản, thường không quên khẩn khoản nói với các biên tập viên: “Nhờ các anh đọc kỹ cho, cái này tôi viết rất thực, toàn chuyện của tôi cả”. Khi cần giới thiệu nhau trên mặt báo, một số cây bút cũng có thói quen lưu ý bạn đọc rằng bài thơ này, hay cuốn truyện kia, bạn mình đã viết rất thành thực, và yên tâm rằng nói thế là đủ, không ai thờ ơ nổi với bạn mình nữa. Người ta đâu có để ý rằng ngay trong cuốn Theo dòng ấy, Thạch Lam cũng đã viết: “Sự thành thực chưa đủ cho nghệ thuật”. “Không phải cứ thành thực là trở nên một nghệ sĩ”, Và để nhấn mạnh sự dụng công của người sáng tác, ông dẫn lại một câu của A.Gide “Có hai mươi cách diễn đạt ý tưởng, nhưng chỉ có một cách là đúng”. Có một lý do để một số người viết văn thích nói tới sự xúc động chân thực, ấy là ở họ thường thấp thoáng nỗi lo: lo khéo quá, rồi rơi vào gọt giũa giả tạo. “Làm sao giữ được tự nhiên, mới là cái khéo lớn. Chứ công phu kỹ càng ư, tầm thường lắm”. Không ít người sẵn sàng ký tên sau những tuyên ngôn lớn lao như vậy. Tìm hiểu quá trình phát triển các nghề thủ công ở ta, các nhà nghiên cứu nói chung đi tới nhận xét là những năm gần đây, thợ khéo ngày một hiếm. Giá cần đúc lại những cái chuông xưa, dựng lại những ngôi chùa xưa, thợ bây giờ không làm nổi. Chưa nói đâu xa, ngay bên sân khấu chèo, người ta cũng nói rằng giờ đây không có những nghệ sĩ khổ luyện để đạt tới trình độ của những bà Cả Tam ông Năm Ngũ ngày xưa. Nếu như trước kia, trong những cảnh cảm động, nghệ sĩ biểu diễn thật tiết chế, thật tinh giản, xúc động kìm nén trong lòng, bề ngoài bình thản như không, mà người xem không nén nổi nước mắt, thì giờ đây có tình trạng ngược lại: trên sân khấu diễn viên khóc thảm thiết, còn ở dưới, người đứng xem dửng dưng, thậm chí thấy buồn cười. Đã rõ là cái tình trạng sút giảm về tay nghề cũng đang có trong văn chương. Xưa, người trong giới thường vẫn truyền tụng nhau rằng Nguyễn Tuân giỏi về tả gió, mà Nguyên Hồng thì nhất về tả nắng. Nay, ít thấy ai có những ngón nghề chuyên nhất như vậy. Còn trong các sách giáo khoa, khi cần lấy mẫu cho một bài văn tả cơn mưa đầu mùa, người ta vẫn chọn Tô Hoài. ở đây không ai nhận vơ được. Thế thì tại sao nhiều người giờ đây vẫn cứ thích nhấn mạnh tới sự xúc động, hơn là kỹ thuật? Thứ nhất, nêu vấn đề kỹ thuật thì phải tính chuyện học hành rồi thể nghiệm, nhiều việc khổ công phiền phức. Thứ hai, nỗi lo rơi vào tình trạng khéo tay “điêu trùng tiểu kỹ” là một nỗi lo sang trọng, thường chỉ có ở các nhà văn lớn. ồ, tỏ ra nhà văn lớn, lại khỏi vất vả, thích lắm!
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét