Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Trích tiểu thuyết:

 người ra đi tự thời mới tìm ra lửa

cứ theo cung cách tra hỏi của ông ấy, ta đoán đấy không phải kẻ hung dữ, là người chứ không phải là khỉ, ta nói, và đứng thẳng người lên ở trên bờ suối cho ông ấy nhìn thấy chân tay mình mẩy của ta một cách đầy đủ, thời mới tìm ra lửa là thời nào ta không biết, nhưng khi nghe ông ấy bảo là ông ấy đã ra đi tự thời mới tìm ra lửa, ta liền nghĩ con người ấy tất phải biết nhiều thứ trên đời,
thưa, đây có phải là núi Nung hay không,
điều đầu tiên ta muốn biết có phải là ta đã chạy đến núi Nung hay không, cũng chẳng hiểu sao tự dưng ta cứ nghĩ là mình đã chạy đến núi Nung, nhưng ông ấy lại tiếp tục khoe với ta về chuyện ra đi của ông ấy,
ta ra đi tự thời mới tìm ra lửa, đi mãi, nhưng rốt cuộc vẫn quẩn quanh trên mặt đất này,
cái cách nói năng của ông ấy là làm cho ta phải mệt óc, nghĩa là bấy giờ ta phải nghĩ ngợi rất nhiều, ông ấy ra đi tự thời mới tìm ra lửa nhưng rốt cuộc vẫn quẩn quanh trên mặt đất, nghĩa là ta với ông ấy đang ở trên mặt đất, quả tình ta có chán nản trước cái cách nói năng mơ hồ của ông ấy, nhưng bấy giờ không bám vào ông ấy để hỏi đường về thì bám vào ai, cuối cùng thì ta phải nói thật là mình đang lạc rừng,
thì ta cũng đang lạc rừng, đúng hơn là ta đang lạc vào thế giới của con người, ra đi tự thời mới tìm ra lửa, ta đi mãi, nhưng vẫn chưa tìm được đường về,
ông ấy nói, vẻ chân thành, và ta thì cũng bắt đầu thấy cảm động trước con người xa lạ nhưng lại cùng cảnh ngộ với mình, chưa biết ông ấy về đâu, nhưng chưa tìm được đường về thì chẳng phải là cùng cảnh ngộ với ta hay sao, như thế là ta đã đi đến quyết định phải hỏi cho biết gốc gác quê hương của con người ấy, ta hỏi là hỏi về tên xóm làng của ông ấy, nhưng chẳng biết là ông ấy có lầm lẫn gì đó hay không, lại đem thuyết lý chi đó, hay chuyện sách vở chi đó ra nói với ta,
bấy giờ ta là đứa trẻ lên mười, lên mười ta đã nhận được ngọn lửa truyền từ đấng ở trên cao, các con đã nhìn thấy chưa, bấy giờ thì ngài trưởng bối hỏi, lập tức từ người già cho tới đám trẻ ở làng ta đều ứng lên nói đã nhìn thấy rồi, ta nhón gót nhìn thì thấy ngài trưởng bối lau nước mắt, từ việc các con có đôi tay để làm ra áo cơm, có đôi chân để đi, cho đến cái cách làm sao để đẻ con đẻ cháu, hết thảy là do đấng ở trên cao mà có, không có đấng trên cao các con chẳng có gì hết, hãy nhớ đấy, kẻ nào nhận được lửa không giống với lửa của các con thì đều là kẻ thù của các con, bấy giờ thì ngài trưởng bối nói, lập tức, từ người già cho tới đám trẻ ở làng ta kéo hết sang làng bên là nơi có những người nhận được lửa không giống với lửa với bọn ta, ai không có lửa giống với lửa của ta thì đều là kẻ thù của ta, hết thảy cùng nói, rồi cùng đem những ngọn lửa đang bùng cháy trong lòng đổ lên đầu những kẻ không nhận được lửa giống với lửa của bọn ta,
nhưng làm sao lại biết lửa nào của mình, lửa nào là của người khác,
ta lấy làm lạ, hỏi, dẫu chưa hiểu ông ấy đang nói chuyện gì, nhưng ta không thể im khi nghe ông ấy lại nói đến lửa là thứ từ già chí trẻ ai cũng biết,
và, khi bầy con của ta lên năm lên bảy, ta nghe ngài trưởng bối ở làng bên hỏi dân của ngài đã nhìn thấy chưa, đây là hỏi đã thấy lửa ở trong lòng chưa, và hết thảy đều ứng lên nói là nhìn thấy rồi, khi bầy con của ta lên năm lên bảy, tuy chẳng nói ra, nhưng hết thảy mọi người ở làng ta và ở làng bên đều quyết giữ cái ý nghĩ có từ ngàn xưa là mình đang giữ ở trong lòng một ngọn lửa khác, và một hôm lửa bỗng bùng cháy ở làng ta, hãy đốt hết chúng nó là những kẻ đã nhận được lửa không giống với lửa của chúng ta, ta nghe ngài trưởng bối làng ở bên hô lớn, và lửa thì đã phủ kín làng ta, ta đã ra đi tự thời mới tìm ra lửa, đi mãi, nhưng chưa thấy đường về,
nhưng ông đi đâu,
ta hỏi, quả tình cho đến lúc ấy thì câu chuyện mơ hồ kỳ lạ của ông ấy đã khiến ta không thể không tò mò muốn biết,
đi trốn, ta cứ tưởng là lửa chỉ bùng lên ở đất chôn nhau cắt rốn của ta, gọi là làng ta hay gọi là làng bên thì đều là đất chôn nhau cắt rốn của ta, bởi hết thảy ở đó đều uống cùng nguồn nước, cứ tưởng lửa chỉ bùng lên ở đó, nhưng ta đã lầm, thực ra vào cái ngày con người biết mình là con vật biết nghĩ ngợi thì con người đã mang lửa đi khắp thế gian, vào cái ngày ấy của thế kỷ ấy, một ngày tro than, cũng chỉ có vài kẻ ngu ngốc cứ tưởng mình là thông thái có thể vẽ lại gương mặt thế giới theo ý muốn của mình bẳng cách phun ra những lời mộng mị rồi đem lửa rải ở một vài nơi trên mặt đất, ta gọi là ngày tro than, bởi lửa là thứ vật thể chẳng thể đứng im, vào cái ngày ấy, lửa đã lan tới khắp nơi, những kẻ ngu ngốc đã mục rã ở bên dưới mặt đất, còn những ý tưởng ngông cuồng của bọn họ thì đã được cất giữ nơi kho tàng hèn hạ của loài người, ta cứ tưởng là lửa chỉ bùng lên trong những ngày tro than như thế, nhưng là ta đã lầm, vào một ngày có mặt trời soi rõ mặt đất, rõ ràng là ta đã nhìn không lầm, người ấy đang mang trong mình thứ ánh sáng của thời đại văn minh, kẻ nào nhìn thế giới bên kia là cái thế giới chưa ai nhìn thấy theo cách nhìn khác với cách nhìn của mình thì đều là kẻ thù của mình, ta đã nghe người ấy nói, và cứ nghĩ chỉ khi nhìn cái thế giới bên kia khác với cách nhìn với mình mới là kẻ thù của mình, nhưng là ta đã lầm, hoá ra khi nhìn thế giới này theo cách nhìn khác với cách nhìn của mình cũng là kẻ thù của mình, rõ ràng là ta đã nghe người ấy nói, có ẩn dụ mấy thì ta cũng đã hiểu được cái cách nói ẩn dụ của người ấy, bởi những ẩn dụ ấy là có kèm theo lửa, ta đi trốn, và đã nhìn thấy lửa bùng lên ở khắp mặt đất,
ta đã mủi lòng, khóc, không phải vì đã hiểu được những lời lẽ kỳ lạ của con người ra đi tự thời mới tìm ra lửa, mà vì đã nhìn thấy ông ấy lén kéo áo lau nước mắt,
nhưng lửa luôn cháy khắp mặt đất như thế thì trốn ở đâu,
ta cảm động hỏi, thì ông ấy bảo có khi là trốn ở bên dưới tiếng chim, có khi là trong tiếng gió, ta vội quay sang phía khác cho ông ấy không nhìn thấy, ta lại mủi lòng, khóc nữa, và khi quay lại, định bụng hỏi ông ấy bao giờ thì thôi đi trốn, thì ông ấy đã biến mất, chắc là biến vào trong gió, ta nghĩ là bọn họ sợ ta trốn theo ông ấy, nên đã cho người đến dẫn ta sang chỗ chia chác thức ăn..



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: