Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013
Chân lý khoa học hay sự tưởng tượng kỳ quái?
SỬ DỤNG TOÁN HỌC ĐỂ CHỨNG MINH
SỰ TỒN TẠI CỦA LINH HỒN
TS. Đỗ Xuân Thọ - Thiếu tướng Chu Phác
1. MỞ ĐẦU
Trong bài báo này, chúng tôi sử dụng lý thuyết tập hợp và phương pháp tiên đề để chứng minh sự tồn tại của linh hồn. Để biết thật tường tận mong độc giả đọc tài liệu tham khảo [1]
2. VŨ TRỤ VÀ TÂM VŨ TRỤ
2.1. VŨ TRỤ
Trước khi đưa ra những tiên đề, định lý về Vũ trụ chúng ta phải xây dựng được các khái niệm cơ bản. Các khái niệm này như là vật mang tin. Nó giống như chữ viết và ký hiệu để diễn đạt một ngôn ngữ.
Ta sẽ bắt đầu bằng khái niệm Đối tượng. Đối tượng dùng để chỉ mọi thứ: bát cơm, manh áo, con người, trái đất, hệ mặt trời, thiên hà, ý nghĩ,khái niệm, học thuyết, xã hội, một chính thể v.v... Khái niệm Đối tượng có tác dụng tạo ra một sự khu biệt trong tư duy khi ta xét đến một vật, một thực thể, một khái niệm, một hệ thống v.v... nào đó. Đối tượng, như sau này sẽ thấy, nó gần giống như khái niệm tập hợp nhưng không phải tập hợp vì không có đối tượng nào trống rỗng tuyệt đối.
Tiếp theo là khái niệm Lớp và Tập hợp. Đầu tiên ta tạm hiểu nó như khái niệm lớp và tập hợp cổ điển [3] và lớp mờ, tập hợp mờ theo nghĩa của A.L. Zadeh [4].
Khái niệm Vô cùng dùng để chỉ sự vô biên, vô tận, không bờ bến, không bị hạn chế v.v...
Duy nhất là khái niệm chỉ sự: chỉ có một không có hai.
Tiếp theo là khái niệm Vận động. Vận động có thể hiểu như sự đổi chỗ trong không gian và thời gian, sự thay đổi trong các phản ứng hoá học, sự phát triển hoặc suy thoái của một quốc gia, một học thuyết hoặc một chính thể. Nó chỉ sự sinh trưởng hoặc chết đi của một sinh vật, sự thay đổi trong tư duy của một con người v.v...
Cùng với sự vận động còn có khái niệm vận tốc, gia tốc v.v...
Ta sẽ bắt đầu bằng việc đưa ra quan niệm của chúng ta về Vũ trụ.
Định nghĩa 1: Vũ trụ là một lớp V tất cả các đối tượng x sao cho x=x:
V= { x | x = x }.
Định nghĩa 1 nói lên quan niệm của chúng ta về vũ trụ, đó là một lớp các đối tượng sao cho « nó » là « nó » và ngược lại bất cứ một cái gì mà « nó » là « nó » thì nó sẽ thuộc vũ trụ V.
Cũng theo định nghĩa 1, ta thấy Vũ trụ của thiên văn học chỉ là một phần của Vũ trụ vừa được định nghĩa. Vũ trụ của thiên văn học không chứa hồn của một làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh (với tư cách là một đối tượng) chẳng hạn…
Định lý 1:Giữa hai đối tượng bất kỳ bao giờ cũng tồn tại ít nhất một mối liên hệ
CM: Giả sử A và B là hai đối tượng bất kỳ, V là vũ trụ. Vì A=A nên A ÎV, vì B=B nên BÎV . Khi đó mối liên hệ “A và B cùng thuộc vũ trụ V” hiển nhiên là một trong các mối liên hệ giữa A và B => đ.p.c.m
Từ nay, khi nói đến một đối tượng ta phải hiểu nó cùng với tập hợp các mối liên hệ của nó với các đối tượng khác. Đôi khi để nhấn mạnh ta sẽ gọi là đối tượng đầy đủ.
Tiếp theo ta sẽ thừa nhận tiên đề mà hầu như mọi triết học đều công nhận
Tiên đề 1: Mọi đối tượng trong Vũ trụ đều luôn luôn vận động.
Tiên đề này cho ta thấy vận động là thuộc tính của mọi đối tượng. Mọi đối tượng trong Vũ trụ đều vận động theo vô vàn các phương thức khác nhau. Từ định nghĩa 1 và tiên đề 1 ta thấy rằng mọi đối tượng trong vũ trụ đều có đặc trưng “nó” là “nó” nhưng lại không phải là “nó”... Thật kỳ diệu !…
Định lý 2:Vũ Trụ V là vô cùng theo mọi phương
CM: Giả sử H là một hệ quy chiếu có gốc O tuỳ ý thuộc vũ trụ V và các trục Oxi, với i thuộc tập các chỉ số C tuỳ ý (C có thể là tập có vô hạn phần tử). Các trụ Oxi là những đường thẳng, làm thành các trục số của tập số thực R. (Sự tồn tại một hệ quy chiếu như thế, trong vật lý có thể còn tranh cãi nhưng trong vũ trụ V của chúng ta , vũ trụ bao gồm cả vật chất và ý thức, là điều hiển nhiên. Ví dụ hệ quy chiếu đó tồn tại ngay trong tư duy của ta chẳng hạn) Ta sẽ chứng minh bằng phản chứng. Giả sử tồn tại một chỉ số j thuộc C sao cho Vũ Trụ V hữu hạn trên trục Oxj. Không giảm tổng quát ta giả sử nó hữu hạn ở phần dương của Oxj (Nếu hữu hạn ở phần âm CM tương tự). Khi đó tồn tại một số thưc A để sao cho mọi đối tượng của V đều có toạ độ theo phương Oxj đều nhỏ hơn hay bằng A. Chọn điểm M có tất cả các toạ độ khác bằng 0 trừ toạ độ trên Oxj là bằng A+1. Rõ ràng A+1>A và M=M nên điểm M (với tư cách là một đối tượng) thuộc vũ trụ V (theo định nghĩa vũ trụ). Sự vô lý này chứng tỏ V vô hạn trên Oxj suy ra không tồn tại một chỉ số i nào thuộc C để vũ trụ V hữu hạn theo phương Oxi => điều phải chứng minh.
Chú ý: Việc chọn các trục tọa độ là đường thẳng chỉ là một trong vô hạn cách chọn để nhấn mạnh và làm dễ hiểu cho độc giả. Các trục tọa độ của hệ quy chiếu H có thể là bất cứ cái gì: đường cong, một sợi tư duy thậm chí chỉ là một ước mơ… trong đầu của một người nào đó (ở Trái Đất hoặc ngoài Trái Đất).
Đến đây ta đưa ra một định lý rất quan trọng.
Định lý 3: Vũ trụ là duy nhất
CM: Giả sử V1và V2 là hai Vũ trụ khác nhau. Khi đó với đối tượng d bất kỳ thuộc V1 thì suy ra d=d do V1 là vũ trụ. Mặt khác vì d = d nên d thuộc V2 vì V2 cũng là vũ trụ. Suy ra V1 được chứa trong V2 (1). Ngược lại với đối tượng d bất kỳ thuộc V2 thì d =d do V2 là vũ trụ. Mặt khác vì d = d nên d thuộc V1 vì V1 cũng là vũ trụ. Suy ra V2 được chứa trong V1 (2). Từ (1) và (2) suy ra V1 trùng với V2. Suy ra đ.p.c.m.
Định lý 3 khẳng định Vũ trụ của chúng ta là duy nhất, không có Vũ trụ thứ hai.
Vũ trụ của chúng ta thật vô cùng vô tận mà sống động. Đó là Vũ trụ duy nhất, không có Vũ trụ thứ hai.
2.2. TÂM VŨ TRỤ
Đến đây ta sẽ đưa vào một khái niệm mới – Tâm Vũ trụ. Khái niệm này được trình bày một cách ngắn gọn nhất nên nó là một khái niệm hết sức trừu tượng nhưng lại là khái niệm trung tâm của phần này. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng một định nghĩa ngắn gọn:
Định nghĩa 2:Tâm Vũ Trụ là một đối tượng TVT sao cho TVT là miền giao của mọi đối tượng của vũ trụ V : TVT = ∩ V
Định nghĩa này cho ta thấy Tâm Vũ trụ là cái chung nhất của tất cả các đối tượng trong Vũ trụ. Nó là “Thuộc tính” có trong mọi đối tượng.
Ngay sau đây ta sẽ chứng minh hai định lý mang tính nhận thức luận.
Định lý 4: Tâm Vũ Trụ là tồn tại :TVT ≠ Ø
CM: Ta phải chứng minh miền giao của mọi đối tượng trong Vũ trụ là khác trống. Thật vậy vì tính vận động là có trong mọi đối tượng như tiên đề 1 đã khẳng định nhưng tính vận động đến lượt nó lại là một đối tượng trong Vũ trụ nên giao của mọi đối tượng trong Vũ trụ chứa đối tượng vận động nên rõ ràng khác trống => đ.p.c.m.
Định lý 5:Tâm Vũ Trụ là duy nhất
CM : Giả sử TVT1 và TVT2 đều là Tâm Vũ trụ. Ta phải chứng minh TVT1 trùng với TVT2. Thật vậy vì TVT1 là Tâm Vũ trụ và TVT2 là một đối tương nên
TVT1 Ì TVT2 (TVT1 được chứa trong TVT2) (1).
Vì TVT2 là Tâm Vũ trụ và TVT1 là một đối tượng nên
TVT2 Ì TVT1 (TVT2 được chứa trong TVT1) (2)
Từ (1) và (2) suy ra TVT1 º TVT2 (TVT1 trùng với TVT2) => đ.p.c.m
Ngay tại đây chúng ta sẽ đưa ra một hệ quả trực tiếp từ định nghĩa Tâm Vũ trụ:
Định lý 6:Tâm Vũ Trụ có trong mọi đối tượng
CM: Tâm Vũ trụ là miền giao của mọi đối tượng và Tâm Vũ trụ tồn tại duy nhất. Theo định nghĩa phép giao trong lý thuyết Tập hợp suy ra nó có trong mọi đối tượng trong Vũ trụ. (đ.p.c.m.)
Thực ra, đã từ lâu loài người đã cảm nhận được sự tồn tại của Tâm Vũ trụ và gọi nó với các cái tên khác nhau như: Thuộc tính, Bản chất, Tạo hoá, Chân lý Tối thượng, Tự nhiên, Trời, Thượng đế v.v... Nhưng có thể nói khái niệm Tâm Vũ trụ ở đây rành mạch, sâu sắc và tổng quát hơn nhiều những khái niệm kể trên.
Định lý 8:Mọi đối tượng trong Vũ trụ không tự nhiên mất đi một cách vĩnh viễn mà chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác.
CM : Giả sử rằng A là một đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ. Khi đó theo định lý 6, A chứa Tâm Vũ trụ. Nếu A bị mất đi vĩnh viễn suy ra Tâm Vũ trụ sẽ bị mất đi vĩnh viễn. Điều này trái với hai định lý về sự tồn tại và duy nhất của Tâm Vũ trụ. Suy ra đ.p.c.m.
3. VŨ TRỤ LINH HỒN
3.1. LINH HỒN
Trước hết, ta đưa vào hai khái niệm cơ bản: đối tượng hữu hình và đối tượng vô hình
Định nghĩa 3:Đối tượng hữu hình là đối tượng có kích thước hình học
Cái bàn, cái cốc, thân thể con người, con sông, dãy núi, trái đất, hạt nhân nguyên tử, hạt quắc, các phô tông ánh sáng, thân xác các siêu vi khuẩn. v.v… là các ví dụ về các đối tượng hữu hình
Định nghĩa 4: Đối tượng vô hình là đối tượng không có kích thước hình học
Tư duy, ý nghĩ, khái niệm, truyền thống, tình yêu, hạnh phúc, lòng căm thù, tính cao thượng, linh hồn, điểm hình học, văn hoá phi vật thể...v.v…là các ví dụ về các đối tượng vô hình.
Định lý 9: Tâm Vũ Trụ vừa là đối tượng hữu hình vùa là đối tượng vô hình
CM: Vì các đối tượng hữu hình hay đối tượng vô hình đều là đối tượng trong Vũ Trụ nên theo định lý 6 chúng đều chứa Tâm Vũ Trụ. Điều này suy ra Tâm Vũ Trụ vừa là đối tượng vô hình vừa là đối tượng hữu hình (đ.p.c.m).
Đến đây chúng ta phát biểu một định nghĩa nói lên quan điểm rứt khoát của chúng ta về linh hồn.
Định nghĩa 5: Giả sử A là một đối tượng đầy đủ bất kỳ trong vũ trụ. Linh hồn của A là lớp tất cả các thành tố vô hình tạo nên A.
Như vậy linh hồn của A bao gồm lớp những phần vô hình trong A và lớp tất cả các mối liên hệ vô hình của A với mọi đối tượng trong Vũ Trụ
Ở đây ta thấy khái niệm linh hồn của chúng ta tường minh, tổng quát và sâu sắc hơn tất cả những quan niệm về linh hồn của loài người trước đây.
Định lý 10:Tâm Vũ trụ chứa linh hồn
CM: Theo định lý 9 Tâm Vũ Trụ vừa là đối tượng hữu hình vừa là đối tượng vô hình nên theo định nghĩa 5 suy ra Tâm Vũ Trụ chứa linh hồn (đ.p.c.m.)
Định lý 11:Mọi đối tượng trong Vũ trụ đều có linh hồn
CM: Giả sử A là một đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ., theo định lý 6, A chứa Tâm Vũ Trụ . Vì Tâm Vũ Trụ chứa linh hồn nên A có linh hồn Suy ra điều phải chứng minh (đ.p.c.m).
Mọi đối tượng đều có linh hồn kể cả những vật mà loài người cho là vô tri nhất. Do khái niệm về đối tượng vô hình và định nghĩa linh hồn suy ra hòn đá có hồn của hòn đá, nó cũng có các cảm xúc như yêu thương, giận hờn v.v… và ta có thể giao tiêp với nó. Định lý 11 còn cho ta giải thích tại sao loài người, đặc biệt là trong văn chương lại có loại văn nhân cách hoá; tại sao loài người lại thờ nhiều thần như thế : thần biển, thần núi, thần gió, thần mặt trời v.v…; tại sao lại có các khái niệm “ hồn nước”, “hồn thiêng song núi”,v.v…
Mọi đối tượng đều có linh hồn nhưng đối tượng nào “gần” Tâm Vũ Trụ hơn sẽ có linh hồn mạnh hơn. Ví dụ loài người và loài chó đều có linh hồn nhưng loài người gần Tâm Vũ Trụ hơn nên có linh hồn mạnh hơn nên có thể thuần dưỡng và điều khiển được loài chó.
Vì linh hồn cũng là một đối tượng trong Vũ trụ nên nó tuân theo tiên đề 1: Nó luôn luôn vận động
Để cho hoàn chỉnh và theo mạch tư duy ta sẽ chứng minh một loạt các định lý sau.
Định lý 12: Linh hồn giao tiếp với nhau giữa hai đối tượng bất kỳ trong Vũ Trụ bao giờ cũng phải thông qua Tâm Vũ Trụ
CM: Giả sử A và B là hai đối tượng bất kỳ trong Vũ Trụ, f là một mối liên hệ vô hình bất kỳ giữa A và B. Theo định nghĩa linh hồn suy ra f là một thành tố của linh hồn. Nhưng đến lượt mình f lại là một đối tượng trong Vũ Trụ. Theo định lý 6 , f phải chứa Tâm Vũ Trụ. Hay nói cách khác f phải thông qua Tâm Vũ Trụ. Suy ra đ.p.c.m.
Định lý 13:Tâm Vũ Trụ chứa toàn bộ linh hồn của mọi đối tượng trong Vũ Trụ
CM: Ta chứng minh bằng phản chứng. Giả sử tồn tại một đối tượng A có một phần linh hồn F(A) không có trong Tâm Vũ Trụ. Khi đó tồn tại một giao tiếp f chứa trong F(A) không thông qua Tâm Vũ Trụ. Điều này trái với định lý 12 vừa phát biểu. Suy ra đ.p.c.m.
Định lý 14:Tâm Vũ Trụ truyền linh hồn đến mọi đối tượng trong Vũ trụ là tức thời trong mọi hệ quy chiếu
CM: Ta chứng minh bằng phản chứng. Giả sử tồn tại một đối tượng A trong Vũ Trụ nhận được linh hồn từ Tâm Vũ Trụ đến mình không tức thời. Suy ra tồn tại một thời điểm t0 mà tại đó A không có linh hồn. Điều này trái với định lý 11 suy ra điều phải chứng minh(đ.p.c.m.)
Định lý 15: Vận tốc của ánh sáng c » 300000 km/s không phải là giới hạn vận tốc truyền linh hồn trong Vũ trụ
CM: Giả sử A và B là hai đối tượng cách nhau 1 tỷ năm ánh sáng, f là một thành tố linh hồn được truyền từ A đến B. Theo định lý 12 “đoạn đường” mà f chuyển động được chia thành 2 phần d1: từ A đến Tâm Vũ Trụ và d2: từ Tâm Vũ Trụ đến B. Theo định lý 13 suy ra f chuyển động trên d1 là tức thời (1). Theo định lý 14 f chuyển động trên d2 cũng tức thời (2). Từ (1) và (2) suy ra f chuyển động từ A đến B là tức thời. A và B cách nhau 1 tỷ năn ánh sang nên f có vận tốc lớn hơn vận tốc ánh sáng c hàng tỷ lần. Suy ra đ.p.c.m.
Chúng ta đã chứng minh chặt chẽ một loạt các định lý vô cùng quan trọng. nó chứa đựng một Vũ Trụ Quan khác hẳn với loài người từ trước tới nay. Tâm Vũ Trụ chứa toàn bộ linh hồn của Vũ Trụ và ban phát những ý tưởng, những cảm xúc, những tình yêu, những chân lý.v.v.. xuống các đối tượng một cách tức thời làm cho chúng ta tưởng rằng những thứ đó có sẵn trong các đối tượng. Bộ não của chúng ta thực chất chỉ là cái sơ mướp không hơn không kém nếu Tâm Vũ Trụ không truyền linh hồn đến chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không phải bù nhìn, con dối vì theo định lý 6 suy ra chúng ta chứa Tâm Vũ Trụ. Nếu chúng ta tiến về Tâm Vũ Trụ thì đến một lúc nào đó ta là Tâm Vũ Trụ và Tâm Vũ Trụ chính là ta. Sự hòa hợp Thượng Đế này diễn ra ngay từ khi ta đạt đến lân cận số 3 của Tâm Vũ Trụ. Khi đó ta dần dần hiểu được cả Vũ Trụ vô cùng vô tận hiện tồn này như hiểu lòng bàn tay của mình vậy.
Khi truyền tình yêu hoặc lòng căm thù đến một người nào đó thì tình yêu đó, lòng căm thù đó phải tập kết ở Tâm Vũ Trụ rồi mới được truyền đến người đó…không có gì có thể giấu được Tâm Vũ Trụ…
Ở Tâm Vũ Trụ không có cái gì là tương đối, là ngẫu nhiên, là may dủi. Tất cả là tuyệt đối là chính xác hoàn toàn là chắc chắn vĩnh cửu.
Mọi sự độc ác, mọi sự đê tiện, mọi sự hèn hạ…khi tiến đến gần Tâm Vũ Trụ đều biến đổi và trở thành lòng tốt tuyệt đối, cao thượng tuyệt đối, dũng cảm tuyệt đối….
Dễ dàng chứng minh chặt chẽ rằng Tâm Vũ Trụ là nỗi cô đơn tuyệt đối, là niềm hạnh phúc tuyệt đối, là tình yêu tuyệt đối.
Tiến đến một lân cận nào đó của TVT ta có thể yêu một cơn bão “tàn bạo vô tri” như yêu một người đàn bà đẹp, hiền thục… Thương kẻ đã thọc dao sau lưng ta như thương một người khuyết tật…Và ta điều khiển mọi đối tượng trong vũ trụ bằng một tình yêu khủng khiếp mang dấu ấn của Tâm Vũ Trụ.
3.2. VẬT CHẤT (THÂN XÁC)
Vật chất đã được các nhà vật lý nghiên cứu rất kỹ nên ta chỉ nói lướt qua, việc đưa nó vào lúc này chỉ để tạo sự cân đối cho lý thuyết.
Định nghĩa 6:Giả sử A là một đối tượng đầy đủ bất kỳ trong Vũ trụ. Lớp tất cả các thành tố hữu hình tạo nên A được gọi là vật chất của A
Định lý 16:Tâm Vũ Trụ chứa vật chất
CM: Theo định lý 9 Tâm Vũ Trụ vừa là đối tượng hữu hình vừa là đối tượng vô hình nên theo định nghĩa 6 suy ra Tâm Vũ Trụ chứa vật chất (đ.p.c.m.)
Định lý 17:Mọi đối tượng trong Vũ Trụ đều có phần xác (vật chất)
CM: Giả sử A là một đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ., theo định lý 6, A chứa Tâm Vũ Trụ . Vì Tâm Vũ Trụ chứa vật chất suy ra A có vật chất Suy ra điều phải chứng minh (đ.p.c.m).
Như vậy một đối tượng A bất kỳ trong Vũ Trụ đều gồm 2 phần: phần xác và phần hồn
Chú ý:
1) Đối với một đối tượng bất kỳ trong Vũ Trụ bao giờ cũng có cả phần xác và phần hồn trong nó. Không có đối tượng nào là vô tri. Núi có hồn của núi, sông có hồn của sông, các cơn bão cũng có linh hồn v.v..Ngược lại không có đối tượng nào chỉ có thuần túy linh hồn. Linh hồn của một người đang sống hoặc đã chết vẫn có các mối liên hệ vật chất với các đối tượng hữu hình. Tư duy của một con người có thể biến thành một sức mạnh vật chất.
2) Mọi đối tượng đều có linh hồn nhưng mạnh, yếu khác nhau. Đối tượng nào càng gần Tâm Vũ Trụ thì linh hồn càng mạnh. Trong hai đối tượng, đối tượng nào có linh hồn mạnh hơn sẽ điều khiển được đối tượng kia. Ví dụ, loài người và loài chó đều có linh hồn nhưng loài người gần Tâm Vũ Trụ hơn nên có linh hồn mạnh hơn . Do đó loài người có thể thuần dưỡng và điều khiển được loài chó
3.3.VŨ TRỤ LINH HỒN
3.3.1. VŨ TRỤ VẬT CHÂT VÀ VŨ TRỤ LINH HỒN
Trước hết, để cho cân đối ta định nghĩa Vũ Trụ Vật Chất và Vũ trụ các Linh Hồn và phát biểu 2 định lý khẳng định sự tồn tại của chúng
Định nghĩa 7:Vũ trụ Linh Hồn là lớp tất cả các linh hồn của mọi đối tượng trong Vũ Trụ và ký hiệu là Vyt
Định nghĩa 8: Vũ trụ Vật Chất là lớp tất cả các vật chất của mọi đối tượng trong Vũ Trụ và ký hiệu là Vvc
Vì một đối tượng bất kỳ trong Vũ Trụ đều có hai thành tố vật chất và linh hồn nên sự tồn tại của Vyt và Vvc là hiển nhiên. Do đó ta có hai định lý
Định lý 18: Vũ trụ Vật Chất Vvc là tồn tại.
Định lý 19: Vũ trụ Linh Hồn Vyt là tồn tại
Đến đây ta chứng minh một định lý tuyệt vời cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa vũ trụ Linh hồn và vũ trụ V. Định lý này tạm gọi là:”Định lý Cầu được, ước thấy” hay « Định lý MUỐN LÀ ĐƯỢC »
Định lý 20: Định lý MUỐN LÀ ĐƯỢC
Giả sử Vyt là vũ trụ Linh Hồn, V là vũ trụ. Khi đó mọi tập con khác trống A của Vyt bao giờ cũng tồn tại một ánh xạ 1-1 f và một tập con B khác trống của V sao cho B là ảnh của A qua ánh xạ f
CM: Giả sử a1 là một phần tử của tập A và b1 là một phần tử của V (Theo tiên đề chọn ta luôn chọn được b1). Vì a1 và b1 đều là các đối tượng nên theo định lý 1 về mối lien hệ phổ biến suy ra tồn tại ít nhất một mối liên hệ giữa a1 vả b1. Ta chọn một mối liên hệ f1 giữa a1 và b1. Tương tự với phần tử a2 (khác a1) ta chọn b2 thuộc V khác b1. và vẫn theo định lý 1 ta lại chọn được mối liên hệ f2 giữa a2 và b2…v.v . Sau khi chọn hết các phần tử của A ta có tập các mối liên hệ f gồm các mối liên hệ fi và tập con B của V gồm các bi vừa kể trên. Rõ rang f là ánh xạ 1-1 từ A vào B. suy ra điều phải chứng minh
Ánh xạ f vừa mô tả trong chứng minh có thể từ vũ trụ Linh Hồn Vyt đến vũ trụ Vật Chất Vvc hoặc đến chính vũ trụ Linh Hồn Vyt
Định lý này có thể suy ra:" Mọi sự tưởng tượng của chúng ta dù điên rồ đến đâu bao giờ cũng tồn tại một thực tế có thực trong vũ trụ đúng như ta tưởng tượng"......Các bạn cứ ước mơ đi dù điên rồ tới đâu cũng được.....sẽ có một vùng nào đấy của vũ trụ mà ở đó ước mơ của bạn là hiện thực....Người Pháp có câu ngạn ngữ tuyệt hay:" Muốn là được" nhưng chưa chứng minh chặt chẽ . Việt Nam cũng có câu tuyệt hay:”Cầu được ước thấy” .Các bạn có thể khuyên con mình phải tiết kiệm tiền nhưng khi ước mơ đừng bao giờ tiết kiệm....
3.3.2. VŨ TRỤ LINH HỒN
Bây giờ ta sẽ bàn sâu về Vũ trụ Linh Hồn Vyt, một phần của Vũ Trụ mà loài người còn biết rất mù mờ về nó.
Trước hết ta sẽ đưa ra định nghĩa về nền văn minh Trái Đất sau đó sẽ chứng minh trong Vũ Trụ có vô hạn các nền văn minh tương tự như nền văn minh Trái Đất
Định nghĩa 9: Lớp tất cả cáclinh hồn của loài người trên Trái Đất được gọi là nền Văn Minh Trái Đất và ký hiệu Nyt
Để khẳng định Vũ Trụ Linh Hồn Vyt theo quan niệm của chúng ta khác hẳn với loài người ta sẽ phát biểu và chứng minh định lý sau đây
Định lý 21: Tồn tại vô hạn các nền Văn Minh tương tự như nền văn minh Trái Đất Nyt trong Vũ Trụ
Có hàng loạt cách chứng minh định lý 21 này. Ở đây ta sẽ đưa ra một cách chứng minh dễ hiểu nhất
CM cách 1: Ta sẽ chứng minh bằng phản chứng. Giả sử trong Vũ Trụ chỉ tồn tại hữu hạn các nền Văn Minh tương tự như Nyt. Gọi f là phương “các nền Văn Minh tương tự như Nyt” suy ra Vũ Trụ bị hữu hạn theo phương f. Điều này trái với định lý 2 về tính vô cùng vô tận của Vũ Trụ . Suy ra đ.p.c.m.
CM cách 2: Do định lý 21 là một tập con khác trống A của vũ trụ Linh hồn Vyt nên theo định lý Muốn là được 20 tồn tại một tập con khác trống B trong vũ trụ V cùng với một ánh xạ 1-1 f từ A vào B sao cho B là ảnh của A qua f. Điều này có nghĩa rằng có vô hạn các nền văn minh tương tự như Trái Đất Nyt trong Vũ Trụ. Suy ra đ.p.c.m.
Như vậy có vô hạn các nền Văn Minh ngoài trái đất. Nếu lấy Nyt làm gốc ta sẽ thấy có những nền Văn Minh yếu hơn Nyt (lạc hậu hơn Nyt), có những nền Văn Minh mạnh hơn Nyt (tiến bộ hơn Nyt). Lẽ dĩ nhiên nền Văn Minh mạnh nhất Vũ Trụ chính là Tâm Vũ Trụ. Nền Văn Minh A gần Tâm Vũ Trụ hơn nền Văn Minh B thì A sẽ mạnh hơn B và “chỉ huy “ được B
Vũ trụ Linh Hồn Vyt được “dệt” nên bởi vô hạn các đường truyền linh hồn của vô hạn các đối tượng trong Vũ Trụ. Như định lý 1 về mối liên hệ phổ biến và định nghĩa linh hồn, suy ra về nguyên tắc chúng ta luôn luôn phải “thu” tất cả các đường truyền linh hồn của mọi đối tượng trong Vũ Trụ và “phát” đi bằng ấy các đường truyền phản xạ.
Do đó suy ra chúng ta, những con ng,ười trên Trái đất, hàng ngày hàng giờ,hàng phút, hàng giây, hàng nano giây... đang được “nhúng” trong một “mạng lưới” các đường truyền linh hồn của Vyt .
Vì các đường truyền linh hồn của Vyt không nhìn thấy được kể cả khi dùng các thiết bị hiện đại nhất của loài người nên chúng ta không biết nó tồn tại .
Những đường truyền này có dạng sóng với vô hạn tần số. Ta sẽ gọi các đường truyền đó là Sóng Ý Thức (SYT). Chúng ta có thể nhịn thở được 3 phút nhưng không thể thiếu SYT trong 3 nano giây....
SYT có vô hạn tốc độ. Chúng có thể truyền tức thời vào đầu ta từ một đối tượng cách chúng ta hàng tỷ năm ánh sáng và cũng có thể truyền vào đầu ta chậm như rùa bò một một bài toán cực khó đối với ta trong quyển sách bài tập toán trên bàn làm việc.
Không một bức tường vật chất nào cản được SYT nên mọi đặc trưng chuyển động của nó chỉ có thể đo bằng chính linh hồn.
Mọi đường truyền của SYT của mọi đối tượng trong Vũ Trụ đều phải “ tập kết” ở Tâm Vũ Trụ trước khi đến “địa chỉ” cần truyền.f
4.KẾT LUẬN
Như vậy , chúng tôi đã trình bầy quan niệm của chúng tôi về vũ trụ, về tâm vũ trụ về thể xác và về linh hồn một cách tổng quát nhất thông qua các khái niệm cơ bản và 9 định nghĩa. Bằng việc phát biểu 1 tiên đề, phát biểu và chứng minh chặt chẽ 21 định lý, bức tranh về vũ trụ hiện tồn , về tâm vũ trụ và sự tồn tại của linh hồn đã được chứng minh một cách chính xác bằng toán học.
Tất cả các kết quả này là một sự chọn lọc và tinh giản các kết quả của học thuyết Tâm Vũ Trụ mà chúng tôi đã công bố gần đây [1], [2]. Vì dung lượng của báo có hạn nên không thể trình bầy chi tiết hơn. Rất mong độc giả thông cảm
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đỗ Xuân Thọ : Tâm Vũ Trụ, NXB Dòng họ Đỗ Việt Nam, Hà Nội, 2012.
[2] Đỗ Xuân Thọ: Lý giải từ góc độ toán học một số luận điểm cơ bản của triết học về vũ trụ. Tạp chí Triết học tháng 1 năm 2003, Việt Nam
[3] Kelly J.L.: General Topology, New York (USA), 1967
[4] Zadeh L.A. : Fuzzy Set,California (USA) 1965
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét