Hình như đây là lần đầu tiên tập thơ cao giá đến 70.000 đồng. Càng tò mò khi thấy tác giả là Nguyễn Ngọc Tư. Viết văn xuôi chuyển qua làm thơ chắc là phải lạ… nhưng những người yêu thơ ca quen với thẩm mỹ an toàn, thơ phải có vần, niêm luật, dễ cảm, tập thơ tựa là Chấm có vẻ sao đó? Chấm gì? Chấm (là dấu mốc đánh dấu chặng đường đi) hay đó là Chấm than. Chấm hỏi. Chấm hết mà Chấm hết đâu có nghĩa là xong chuyện… Hình như chữ ngoài việc chuyển tải nghĩa đen nghĩa bóng đôi khi còn dự báo nữa. Thoáng nghi ngờ, tò mò nhưng mà tập thơ có hình thức trình bày sang trọng làm sao. Đập vô mắt là trang bìa trắng muốt nổi lên một cuồn dây rối quấn tròn đỏ tươi. Mỗi người có một cách nghĩ chẳng ai cấm nghĩ đó mặt trời đang có bão từ, dấu hiệu sắp sửa vụ nổ lớn BigBang. Hay đó chỉ là BigBang bỏ túi. Và mọi thứ tan rã ta sẽ thấy khi lật vô bên trong. Chưa đọc chỉ nhìn sơ qua, những bài thơ ngắn thôi lại được in hai ba trang giấy. Rồi có những trang chỉ in 1 câu hoặc 2, 3 câu thơ. Đôi khi có trang chỉ có một câu chữ lại in lớn lên. Lại thêm 2 trang minh họa chẳng vẻ gì hết độc một màu đen huyền (dường như vụ nổ đã để lại lổ đen).
Ta gặp ở đây trò chơi trội, làm nổi chăng? Không biết có phải là do Ngọc Tư sắp xếp những bài thơ tan tác như mưa sao băng về đâu giữa trời. Hay đó là ý đồ của họa sĩ trình bày. Chắc là anh rồi, bởi chính anh là người đọc thứ hai sau biên tập viên. Và qua bàn tay của anh hòa điệu cùng Ngọc Tư tấu khúc Tiếu Ngạo giang hồ. Kiểu cách kia tôi chợt nhớ câu nói của M.kuderan “Điều làm hỏng cơn hấp hối là cái sang trọng cần kỳ. Cái câu này mới lạ làm sao” Mà có gì mới hình như trước đây Dostoiesky cũng viết gần giống vậy “lật miếng đá lên sẽ thấy ta nằm bên dưới. Ta đâu có dạy các ngươi thờ lạy ta trong các nhà thờ lộng lẫy như thế này”. Một hôm chúa Jesu buồn bả hiện xuống quở trách vị giám mục tòa thánh, để rồi Chúa phải ngẩn ngơ. Giám mục điềm tĩnh trả lời với chúa – “Thầy ơi hãy nhớ thầy là người chết. Thầy đã sống lại một lần mà thế gian còn quên thầy, lần này thầy sống lại nữa là khổ con. Xin thầy làm khổ con. Nếu nhà thờ không sang trọng hoành tráng, người sẽ quên tuốt luốt không nhớ thầy là ai”. Tôi không nhớ nguyên văn, nhưng đại ý của Dos như thế. Ngọc Tư sướng nhé. Sau cánh đồng bất tận – gió lẽ – sông… dài lội hụt hơi, được nhà xuất bản khoác cho chiếc áo mới ra trình làng thơ. Chiếc áo dù cho may thời trang kiểu nào cũng không làm nên nhà tu, nhà thơ. Dân trong làng thơ hiện nay rất là động liệu có ai để ý tới người mới xuất hiện.
*** Điều ghi nhận đầu tiên khi đọc Chấm phải đọc thật chậm rãi, đọc rồi nên đọc lại. Rất á ngộ. Thói quen của nhà thơ khi viết thường quen theo kiểu chơi khuôn khổ âm điệu. Nhà văn mà làm thơ lại rất tự do phóng khoáng phá cách xuôi ngược xấp ngửa so le đủ kiểu chơi không vần, muốn ngắt câu chỗ nào tùy tiện. Ở chấm cũng vậy. Toàn tập thơ chẳng có vần điệu, niệm luật, chữ nghĩa cứ tuông trào, vun vải. Câu thơ như câu văn xuôi. Văn đọc như thơ thì khen, nói ngược lại sẽ có người không chịu. Vậy là thơ thẩn nước nôi nổi gì. Nhưng nó chính là thơ. Vì thơ là gì thật khó định nghĩa. Và ranh giới giữa thơ và văn ngày nay đôi lúc cũng khó phân biệt rạch ròi. Nhưng nó chính là thơ bởi vì nó vẽ ra thật nhiều hình ảnh lung linh, gợi ra cho người nhiều cảm xúc mới me. Phải nói là Ngọc Tư được trời cho cái đầu giàu chữ nghĩa. Nhờ vào yếu tố này ngay từ buổi đầu xuất hiện Ngọc Tư đã gây mê bạn đọc. Tôi không nói đến truyện đứng được là nhờ chi tiết nhưng chi tiết nhiều khi nó chỉ là tưởng tượng do tác giả nghĩ ra mua vui mua buồn. Văn mà gây mê của những cây bút nữ thường mạnh hơn nam như ta đã thấy các nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, Trần Thị Ngh, Thụy Vũ chẳng hạn. Do giàu chữ nghĩa để hình ảnh nó tự nói lên tác giả chẳng cần đến việc tu từ (cái gọi là chữ của riêng người viết). Hết hình ảnh này đến hình ảnh khác, mộc mạc mà rất tinh tế. Ngọc Tư đã dẫn người đọc đi vào mê cung rẽ ngang, rẽ dọc dò tìm lối ra, ánh sáng lại chiếu ngược, phía trên thì sáng, dưới chân lại tập mờ . Ở trên đã nói Chấm là BigBang bỏ túi, thương tích nổi đau như đã dành riêng cho tác giả. Chơi với em hiểu em cám ơn chứ không cần bày tỏ nên Chấm kín mít gần như đánh đổ. Tuy nhiên Chấm lại là thơ, phải khen là hay vì tôi tuy không hiểu lắm vẫn tiếp tục đọc bởi những hình ảnh như thước phim nối tiếp nhau. Để rồi đến câu thơ cuối cùng hay câu thơ đâu đó bất chợt trong bài giải mã mới hiểu bài thơ muốn gởi gấm cho người đọc những gì. Do đó không thể nói là đánh đố mà phải khen tác giả là gương mặt mới trình làng thơ lại tỏ ra có tay nghề để mạch, tứ không bị lộ. Đến với thơ thường từ cảm qua lý hay mức độ cảm chỉ dừng ngoài da.
Ở Ngọc Tư ban đầu bạn chưa cảm nhận được cứ bình tĩnh đọc chạm đến lý rồi mới thấy cảm ngược lại. Thêm một cái hay nữa ở Chấm. Thường khi một cuốn sách hay bạn đọc tò mò muốn biết thêm về tác giả. Không phải qua tiểu sử. Mà qua sách cho bạn đọc thông tin về một người một tâm hồn như vậy đang sống và đang viết. Chạm mặt tác giả ta còn không biết bởi nhà văn là hạng giỏi đóng kịch, nói chơi cũng như nói thiệt, khóc mà như cười làm sao qua trang sách lại hình dung được. Đúng vậy. Nhưng phải nói là thông tin tác giả trong sách thường không che giấu, mà cũng không giấu được bạn đọc tinh mắt… đấy cũng là đặc tính của văn, thơ cho phép thấy những gì sâu xa tập mờ trong bụng dạ người, mắt thường lại chịu thua. Qua Chấm ngay bài thơ mở đầu Chốn về đã cho thấy người đàn bà đầy lãng mạn nhưng lại này nội tâm nhưng thích cô đơn, sống khép kín. Là người thuộc về lễ hội đám đông nhưng chẳng hòa nhập để sống với chính mình với câu hỏi mình là ai – “chỉ mình thôi với ngọn gió cuối cùng”.
Chị thuộc loại hiền. Lầm to. Đó là một người hơi bị tàng tàng nổi loạn ngầm – thỉnh thoảng người nổi loạn ngầm đi giang hồ một mình lang thang từ rừng biên giới phía Bắc hẻo lánh đến đồng bằng hắt hiu. Làm bạn với tất cả mọi người ghé vào những chổ xa lạ quán trọ ở ven đường không sợ. Người đi thử để sạt năng lượng để rồi về nhà chịu cô đơn, về với con. Khác với đi du lịch, người đi ở đây tìm kiếm điều gì biển đời sóng mênh mông lục bình và bèo là lời thủy thảo lại họp theo từng nhóm và rẽ theo những hướng khác nhau. Viết về một tập thơ có nhiều bài hay mà không đem bài nào ra làm dẫn chứng. Thiệt tình là có chủ ý muốn cho bạn đọc tự mình phát hiện ra cái hay. Những dẫn chứng thường là dụ dỗ mớm ý cho người đọc. Thường nghe khen, nghe những lời PR xúm nhau đọc hay bị mắc lừa. Có yêu thơ hãy tự mình tìm đến nhau mới là thú vị. Theo tôi khuyết điểm những người giàu chữ nghĩa như trường hợp của Ngọc Tư nhiều chỗ văn thơ dài lan man, bôi cho đầy trang giấy. Ở Chấm của Ngọc Tư có một đôi bài thơ như vậy, nhiều đoạn nhiều câu hơi bị thừa. Thí dụ như bài Mùa Sậy Chín. Lẽ ra nên dừng lại ở câu – như chưa từng tan tác cuộc lưu vong – là rất hay. Đằng này kéo dài thêm một khổ – những bông sậy rời cành, lơ đãng tựu nằm sương, ghé qua nhà người vào ngày dầu dãi gió, câm lặng hát bài ca ngợi mùa đi – rõ ràng là nó thừa. Chiếc chìa khóa để mở cửa đến với Chấm là bài Dự cảm.
Em nghe đói sau tiếng thở dài giáp hạt
Cuối năng sông nằm khát Hy vọng như sợi tóc rụng buông tuồng
Mùa dự cảm óng lên Rờn rờn tựa mây vảy cá
Không rung nổi hoa lau mùa hạ Gió im lả mồ hôi
Em thấy vết thương tháng tư khẻ rên Hồi ức vỏ đạn rỗng trở mình xáo động
Rêu chân cầu thêm một lần đau Tượng đá công viên đổi màu Mùa điềm báo lấp lửng
Bên sống một người vừa điên vừa tĩnh
Hỏi trẻ nghịch nào đem muối rắc lên đầu
Em thấy anh châm thuốc bên đường
Lửa và anh rất lạnh Lưả và anh rồi tạnh
Em thấy chữ vươn cao sau dấm Chấm
Thấy chưa anh mọi thứ lại bắt đầu
Giả dụ có một cuộc thi.
Tôi tin Chấm sẽ lọt qua vòng bán kết.
Ai là người có cặp mắt xanh.
Ngô Khắc Tài
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét