Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Sự nổi loạn nội tại

Vô ưu

Chủ nhật, ngày 13 tháng mười năm 2013

Giả  định “Xã hội loài người là một cội cây hoàn chỉnh”. Về lý thuyết người dân sẽ là gốc rễ của xã hội còn những thành phần  khác chỉ là phần ngọn. Theo quy luật tồn tại bền vững phần gốc rễ nặng sẽ phải nằm ở điểm tận cùng của xã hội. Phần ngọn nhẹ hơn sẽ nằm ở tầng trên xã hội. Cây muốn sinh trưởng, phát triển tốt thì các thành phần gốc rễ, cành nhánh, hoa trái, chồi lá,… sẽ phải có sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa lẫn nhau. Cây mà cánh lá sum xuê, nhiều hoa trái nhưng gốc rễ gầy yếu thì dễ gãy đổ. Cây muốn ra hoa, kết trái thường phải rụng lá nhằm đảm bảo dưỡng chất cho mầm sống mới. Lá vàng thì phải lìa cành. Chồi lá mà non yếu, bị sâu cắn hại thì cây sẽ xác xơ, cằn cỗi. Cội cây khỏe mạnh nhưng bị bọn trẻ nghịch ngợm bẻ gãy ngọn thì sẽ tự tạo ra chồi non mới mà tiếp tục sinh trưởng. Khi mà phần ngọn, phần gốc gắn kết bền chặt với nhau nếu gốc rễ thiếu nước, cội cây sẽ điều tiết giúp rễ vươn dài đến nguồn nước đảm bảo cho cây sinh tồn. Thêm nữa, cho dù cội cây được đặt ở nơi có đầy đủ dưỡng chất nhưng thân cây hư rỗng, chồi lá thối nát thì gốc rễ cây sẽ ngập úng và cây bị chết,… Vậy gốc ngọn, cành lá, hoa trái, thân rễ,… phần nào là quan trọng nhất đối với cội cây? Tất cả cùng quan trọng vì sự tồn tại của mỗi bộ phận đều có chung giá trị đảm bảo cho cội cây sinh tồn và bộ phận quan trọng hơn chính thật là gốc rễ. Dù vậy tự thân gốc rễ cũng không thể là một cội cây hoàn chỉnh. Vậy điều quan trọng nhất cho sự sinh tồn ổn định của cội cây là gì? Điều quan trọng nhất không gì khác hơn là giữ cho các bộ phận gốc rễ, cành lá, chồi ngọn,… có được mối gắn kết bền chặt, hài hòa, cân đối.
Cũng lại như vậy, xã hội con người cũng cần phải có sự gắn kết hòa hợp với nhau giữa các thành phần, tầng lớp trong xã hội. Giai cấp lãnh đạo mà xa rời dân, rời gốc, không nắm bắt, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng người dân thì khó có thể điều tiết, lãnh đạo tốt đất nước. Hiện tại, nhân loại dường như đã hình thành một khoảng cách rất lớn giữa giàu nghèo, giữa các tầng lớp xã hội. Mỗi thành phần xã hội đều đang trói trong “Cơm áo gạo tiền”, danh lợi, địa vị, quyền hạn,… Thế nên sự gắn kết giữa các thành phần, tầng lớp xã hội, giữa người dân và giới lãnh đạo cơ hồ rất mong manh, dễ đứt gãy. Điều này được thể hiện qua sự rối ren, hỗn loạn xã hội trên thế giới, ở rất nhiều quốc gia do những biến động về chính trị, kinh tế, thiên tai, chiến loạn,…
Đã có vết nứt gãy, lỗi nhịp trong định hướng phát triển của nhân loại. Những nhà hoạch định chiến lược cứ mãi tung hô khẩu hiệu “Phát triển, phát triển và phát triển” nhưng họ đã quên không xác định được “Điểm dừng lại”. Điều mấu chốt quan trọng nhất của nhân loại là “Điểm dừng lại” mà nhân loại lại quên bỏ.
Phát triển thiếu định hướng, không bền vững nhân loại sẽ đi về đâu? Nhằm đơn giản vấn  đề tôi sẽ đặt ra giả định bằng cách thu nhỏ trái đất lại: Giả như trái đất chỉ là một hòn đảo nhỏ với sức chứa 10.000 người. Ban đầu số người dân trên đảo chỉ có 2.000 người. Những nhà quản lý lẽ ra phải nhận biết và điều tiết thật hợp lý đảm bảo cho dân số trên đảo không vượt qua 10.000 người. Đó chính là “Điểm dừng” về dân số. Khi xác định được “Điểm dừng dân số” thì phải chăng những nhà quản lý sẽ cân đối xác định được “Điểm dừng” của các vấn đề khác. Ví như để đảm bảo cho 10.000 người no đủ đòi hỏi 50.000 tấn lương thực thực phẩm thì đó cũng chính là “Điểm dừng” về lương thực thực phẩm. Dựa trên những định mức cụ thể nhà quản lý sẽ đưa ra những chiến lược phát triển hợp lý cho xã hội. Khi mọi vấn đề đạt đến “Điểm dừng” thì nhà quản lý sẽ điều tiết xã hội đi vào ổn định, cân bằng. Tại sao cứ phải đặt mục tiêu phát triển mà thiếu đi sự định hướng cần thiết? Hạn chế dân số ở định mức 10.000 người lại tạo ra 100.000 tấn lương thực thực phẩm để mà làm gì? Ngược lại, việc không xác định “Điểm dừng dân số” phát triển dân số vượt mức thì việc thiếu ăn, đói nghèo dẫn đến tranh giành, giết chóc giữa người với người nhằm cân bằng lại dân số, hoặc là nhân loại tiến hành xâm lược, cướp bóc ở những hòn đảo khác - hành tinh khác. Người hiểu biết sẽ rõ biết “Đó không phải việc làm hợp đạo”. Tôi là người ngu ngốc, trí óc đơn giản nhưng tôi vẫn biết rằng “Khi tôi lấy một món đồ vật ở một ngôi nhà vắng chủ dù rằng không có người bắt gặp và tôi có che giấu tật xấu kín kẽ thì tôi vẫn là một tên trộm”. Khi tôi thực hiện hành vi xấu trên nhiều lần thì tôi sẽ trở thành tên trộm chuyên nghiệp. Khi chẳng may có người bắt gặp thì họ sẽ mắng tôi là “Tên trộm vặt xấu xa”.
Thực tế là việc ấm no, sung túc, hạnh phúc của một người, một gia đình, một dòng tộc, một đất nước, một hành tinh,… không thể xây dựng trên máu, mồ hôi, nước mắt hoặc là bằng phương cách trộm cướp từ người khác, ở nơi khác.
Phải chăng đây là vấn đề sai lầm ở nhận thức, tư duy của nhân loại?
Nếu thật đó là sai lầm của nhân loại thì phải chăng đã đến lúc phải sửa sai và vấn đề đặt ra là sẽ bắt đầu sửa sai từ đâu?
Có  lẽ việc sửa sai sẽ bắt đầu ở trong tư duy, ý thức, nhận thức của mỗi người. Bạn có cho rằng “Đó là điều thật sự hợp lý” không?
Thế  nên sự phát triển bền vững, ổn định ở mỗi người, gia đình, xã hội đều phải lấy nội tại làm nền tảng , lấy “Điểm dừng” có sự định hướng đúng mực của nhân loại làm căn bản.
Bạn cũng đừng vội đưa ra lời khỏa lấp: Trái đất không phải là một hòn đảo nhỏ”. Trái đất quá rộng lớn để xác định “Điểm dừng” cho mọi vấn đề. Bởi vì dù trái đất có rộng lớn đến mấy thì trái đất vẫn có giới hạn. Bạn đã ước lượng được trọng lượng hành tinh xanh. Vấn đề còn lại để xác định “Điểm dừng” chỉ là dựa vào sự hiểu biết và gắn kết giữa người với người trong nhân loại. Đây là việc làm thật sự cần thiết nhằm đảm bảo cho việc tồn tại trái đất bền vững, an toàn, ổn định.

Sự rối loạn nội tâm trong mỗi con người là nguyên nhân dẫn đến sự hỗn độn, rối ren cho nhân loại. Bạn hãy tự chiêm nghiệm, nhận biết và  tìm ra lời giải cho một thế giới hòa bình, văn minh, thịnh vượng. Hãy tạo ra mối gắn kết bền chặt, hài hòa giữa các thành phần, tầng lớp xã hội,  giữa người với người! Hãy sống có hiểu biết và yêu thương chân thành!


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: