Cuối cùng thì năm 2012 đã qua mà không có Ngày Tận Thế và rồi tôi cũng trở thành một con bù nhìn rơm. Kế hoạch tôi đi lao động nước ngoài để giữ sự lặng im, vô tâm với thời cuộc nhằm diễn đúng vai diễn “bù nhìn rơm” bị thay đổi vào những ngày cuối.
Thế là tôi lại bỏ phố, lên rừng. Không khí thoáng đãng, núi rừng hùng vĩ,… quả thật tinh thần tôi càng thêm khoáng đạt, thảnh thơi.
Thi thoảng tôi lại để mắt đến ti vi. Đã lâu rồi mới có dịp xem tin tức. Ồ, thế giới ngày càng trở nên dễ vỡ. LHQ chỉ vừa mới tính đến biện pháp trừng phạt Triều Tiên mà Triều Tiên đã đe dọa Hàn Quốc và Mỹ, đơn phương hủy hiệp định đình chiến; Trung Quốc là nước bán vũ khí đứng hàng thứ 5 sau Mỹ, Nga, Đức, Pháp. Siria, Apganixtant, Irac, Xu đăng và Nam Xu Đăng, Palestin, Irac, Trung Quốc, Ấn Độ,… máu vẫn đổ mãi.
Trong hệ thống tôn giáo, Đức Giáo Hoàng Công Giáo thoái vị vì tuổi già sức yếu. Thật ra nguyên nhân thật sự của việc ra đi đã bị che giấu, có một sự thật là vị cựu giáo hoàng bất lực trong việc điều hành hệ thống giáo hội hơn 1,2 tỷ người với rất nhiều những người truyền đạo không chân chính, thoái hóa, biến chất, vô sỉ. Ông đã “từ chức” để giữ sự uy nghi của bản thân, không muốn làm một con rối với “lực bất tòng tâm”. Và có lẽ ông cũng muốn được giữ lòng tĩnh lặng, thanh thản cho quãng đời còn lại.
Còn ở hệ thống chính trị các nước thì khi nguyên thủ quốc gia vừa mới mất, xác thân chưa được “xử lý” chỉnh chu - chôn cất hay làm vật trưng bày triển lãm thì giới chính trị đã xâu xé lẫn nhau, tranh giành vị trí thống lãnh.
Họ đang làm những việc trên là vì ai?
Miệng thì luôn mồm nói “Vì người tiền nhiệm đã khuất, vì đảng, vì dân, vì nước,…” nhưng thật ra họ vì ai thì mỗi người sẽ tự có cách hiểu khác nhau.
Dân là gì? Nước là gì?
Tin rằng ngay chính họ cũng chẳng có sự hiểu biết đúng mực, xác đáng vì những cái mà họ tuyên thệ và cho rằng “sống là vì lý tưởng, mục đích đó”.
Thật đáng buồn cười! Thật đáng thương hại!
Và còn gì nữa, vài chục ngàn xác heo thối trôi trên sông Hòa Phố,… người dân các nước Nhật, Đức, Pháp,… biểu tình yêu cầu chính phủ các nước ngừng sử dụng nguồn năng lượng hạt nhân thì có một số quốc gia yếu kém về công nghệ nuôi ước mơ “đem kho bom hạt nhân nổ chậm đặt vào nhà”. Thiên thạch đã rơi xé toạc bầu trời nước Nga…
Giới truyền thông ca ngợi tinh thần người Nhật trong việc tái thiết lại vùng đất bị tàn phá bởi nạn hạt nhân - Thật là trò ngớ ngẩn của giới truyền thông! Việc làm cho thấy sự kém cỏi về hiểu biết và giới hạn tri thức của giới truyền thông.
Ca ngợi gì chứ?
Đổ nát, hoang tàn không đứng lên xây dựng lại chẳng lẽ nằm chờ chết à?
Sai lầm của những nhà quản lý đem lại sự tan hoang cho người dân và họ dường như đứng ở ngoài vùng nguy hiểm, còn người dân thì phải nhận hậu quả, sống chết cùng với những thảm họa do sự chủ quan, kém hiểu biết của con người gây mà đại diện điển hình là năng lực, tri thức vốn có ở các nhà quản lý đất nước. Đó chính là điều mà giới truyền thông nên làm, vạch trần sự thật, bản chất sự việc.
Còn bằng chỉ biết hùa theo, “tát nước theo mưa” thì chi bằng “Ngậm Miệng Lại” để che giấu sự kém cỏi, vô sỉ của một “công cụ truyền thông đã lạc hậu, lỗi thời”.
Nếu mở mắt mà nhìn, sống bằng trái tim nhiệt huyết thì phải nhớ rằng “Người Nhật đã trổi dậy mạnh mẽ như thế nào sau khi hưởng trọn 2 quả bom nguyên tử của Mỹ từ xa xưa”, người Việt Nam đã tồn tại ra sau qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ,… Palestin, Irac, Taliban, Siria, Lybia,… sống sót ra sao qua hàng lâu xa năm tháng chiến tranh.
Thiết nghĩ, những người làm trong giới truyền thông ngày nay nếu chỉ dùng sự hiểu biết thiển cận rồi huênh hoang, phóng đại vấn đề và chuyển hóa thành tri thức nhân loại há trong lòng chẳng hổ thẹn với “liệt tổ, liệt tông”, những người đi trước,…
Lại nhớ cách đây khoảng 2, 3 tháng tôi đi đường mắt trong thấy bản khẩu hiệu tuyên truyền với đại ý “Hưởng Ứng Ngày Thế Giới Tưởng Niệm Những Người Là Nạn Nhân Tai Nạn Giao Thông”.
Ôi trời! Há phải hai chữ “Tưởng Niệm” người Việt Nam dùng rất trân trọng, thiêng liêng mà ngày nay những người làm văn hóa chơi thế đó.
Nếu mắng những người “xuất xưởng” ra tấm băng ron như vậy thì thà mắng mình ngu đã nhìn thấy, đã đọc, đã viết lại thì còn có người là tôi nghe còn mắng họ thì cũng chỉ có tôi nghe.
Băng rơi bất thường, núi lửa phun trào, cháy rừng, cháy nhà ngày ngày, cháy riết thành quen. Nếu có ngày không cháy thì lại lạ.
Real Marid, Barca, Mu,… vẫn thu lợi nhuận khủng dù rằng Châu Âu đang khủng hoảng kinh tế.
Ồ, vậy khủng hoảng kinh tế là trò lừa đảo à?
Dân họ chẳng phải còn lắm tiền để mua vé xem đá bóng đấy thôi.
Ồ không, đó là tiền bán bản quyền truyền hình, tiền quảng bá hình ảnh, “tiền đen” có từ thị trường cá cược gian trá đầy mưu ma, chước quỷ…
Ai đã mua bản quyền truyền hình mà giá cao đến mức “nuôi sống béo tốt” các câu lạc bộ bóng đá?
Đó là các nước như Việt Nam đã đua đòi “Trưởng giả học làm sang” và các nhà đài cạnh tranh “thổi giá” bản quyền lên cao chót vót rồi nhận phần “lại quả” cũng như việc tinh vi “móc túi” người tiêu dùng, người lao động.
Ai sẽ thiệt?
Những người dân ham xem bóng đá, ham cá độ lãnh đủ. Tuy nhiên, gánh nặng thật sự vẫn đặt trên vai người lao động, người tiêu dùng chân chính.
Những nhà đài họ tài thật. Giá như họ đi thương thuyết “làm ăn mua bán” hàng nông sản, thủy sản thì hẳn GDP của nước ta sẽ được thu về dồi dào hơn. Bởi lẽ hàng thủy sản tôm cá mà cụ thể là cá tra, cá ba sa bị đánh thuế gần 1USD/kg vị chi là gần 20 ngàn đồng/kg. Còn người dân bán cá tại đầm chỉ thu được hơn 20 ngàn đồng/1 kg cá.
Khơi khơi người nuôi cá tra, basa bị mất 20 ngàn đồng là vì lẽ gì nhưng đây chỉ là thiệt đơn; Còn thiệt kém là nước ta phải chịu khoản thuế bán phá giá gần 20 ngàn đồng; Còn hàng loạt cái thiệt khác nữa người dân mất đất vào tay các doanh nghiệp thủy sản do làm ăn thua lỗ, tốn phí kiện cáo, hô hào, gào khóc,…
Bao nhiêu năm rồi mà cái trò áp thuế chống phá giá sản phẩm thủy sản của các nước Mỹ, EU,… cứ chèn ép người nuôi thủy sản VN?
Lại còn “đổ thừa” Mỹ đã sai khi chọn Banglades mà không chọn Indonexia làm “bản so sánh”, đúng là các nhà quản lý chỉ giỏi “đổ thừa” để che dấu sự yếu kém về năng lực của tổ chức, của tự thân.
Đường đường là quốc gia gần như độc quyền về sản phẩm nông thủy sản (cà phê, cao su, tôm, cá, lúa gạo,….) mà luôn bị “ép giá”, “chèn ép” đến “chết ngợp” là vì lý do gì?
Giá cả hợp lý, thuận mua, vừa bán thì ký hợp đồng còn bằng lộn xộn, phiền phức thì “dẹp”, không mua bán gì cả. Quay về nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm phục vụ người dân “no cơm, ấm áo”.
Đã bao năm rồi người dân Việt Nam phải “nhịn miệng, đãi khách”?
Làm được món ngon, tạo ra của tốt thì chỉ dám đem bán, chẳng dám mạnh miệng ăn, vậy mà còn bị “chèn ép”, coi thường đủ kiểu,…
Nếu không thể xuất khẩu thì “nhập khẩu” vào miệng người VN cũng không hẳn đã là giải pháp tồi. Những nước bạn không có được miếng ngon ăn thì thiệt cho người dân họ không ít nhưng biết sao được khi các nhà quản lý nước họ quá ngang ngược, cửa quyền, mồm mép rêu rao “Tự Do Thương Mại” hay che giấu việc “Tự Lo Thương Mại”, bảo hộ ngành kinh tế trong nước?
…
Thế mà sao các nhà quản lý lại không làm thế nhỉ?
Ồ! Dân nghèo, dân đói chứ họ vẫn béo tốt, mập úc núc, nhà cao, cửa rộng vô số đấy thôi.
À, biết rồi nhưng vẫn thấy họ hô hào hết năm này sang tháng nọ đấy thôi, làm vậy chẳng phải khản cổ lắm ru?
Ừ! Thì phải diễn cho giống “thương dân như con” chứ! Ăn cơm chúa phải múa tối ngày chứ! Nào! Nào! Ta cùng múa. Phải có múa thì mới có cái để ăn, Ngốc ạ!
Hơn nữa, khản cổ gì chứ chỉ có bọn truyền thông gào thét om sòm, ỏm tỏi thôi,… Thật đáng thương! Họ gào lên như thể họ là người trong cuộc, rõ biết tất cả vậy nhưng thật ra họ có hiểu biết gì mấy, còn chưa thể là “cỡi ngựa xem hoa” nữa mà.
Ngốc có biết tại sao giới truyền thông gào thét inh ỏi không?
Vì họ cần thể hiện là nhằm vào việc chứng tỏ là công cụ được việc, ngõ hầu có chỗ tốt để leo lên. Ôi! Những con rối kệch cỡm!
…
Ừ! Lại có cả chương trình múa rối trên TV này. Ngày còn bé, tôi xem những con rối vờn trên chiếc màn hình trắng đen sao mà hay thế. Vậy mà nay xem rối trên TV phẳng, màn hình đa sắc mà sao thấy nhạt nhẽo, vô vị thế.
Ta không phải là nhà nghệ thuật rồi nên chẳng thể đánh giá chuẩn được. Các nhà nghệ thuật của thế giới chả phải đã công nhận “Đó là sản phẩm văn hóa phi vật thể của nhân loại là gì?”.
Giá trị của những con rối là gì nhỉ?
Phải chăng là những vật phẩm vô tri, vô dụng mà được tiếng tồn tại lâu xa và đôi khi người ta không còn biết dùng nó vào việc gì nên đặt cho nó cái tên mỹ miều “Sản phẩm văn hóa phi vật thể của nhân loại”?
Ồ! Vậy mà ta cũng nghĩ ra được! Vậy mà cũng được người người vỗ tay. Ta tài thật!
Ồ con rối mà còn có giá trị như thế thì “bù nhìn rơm” chẳng lẽ đem vất vào trong xó tối, hoặc đem đốt đi cho xong, cho khỏi chật đất.
Nhưng giá trị của bù nhìn rơm là gì? Là không có giá trị chăng?
Chỉ vài cái que cây, một mớ rơm, 1 cái nón lá tơi tả, 1 tấm nylon te tua. Vậy mà ngăn được bọn chim chóc phá hại mùa màng. Nhưng cũng hên xui, có khi ngăn cản được chim chóc, có khi chẳng làm được việc gì.
Vậy ra với chất liệu của bù nhìn rơm là rẻ tiền, mạt hạng nhưng giá trị thì lại vừa vô giá trị, vừa vô giá. Tà quái thật! Đó là con bù nhìn rơm được đặt ở ngoài đồng.
Còn “con bù nhìn” được đặt lên ngai vàng thì sao?
Cứ ngỡ những vị vua bù nhìn được con người dựng lên là thứ vô dụng, đáng xấu hổ, đáng bỏ đi, là vết nhơ của dân tộc nhưng thật ra con bù nhìn đó rất hữu dụng, vô giá vì nếu không thế thì con người chẳng dựng lên làm gì?
Và đôi khi con bù nhìn trên ngai vàng cũng “gầm gừ” khiến muôn dân khiếp sợ, kinh hoàng. Ồ! Vậy ra con bù nhìn rơm có giá trị là thật.
Vậy nên tôi cũng không hủy hoại con bù nhìn rơm bằng người là tôi. Việc hủy hoại con bù nhìn rơm bằng người này ai muốn thì cứ làm, tôi không ngăn cản.
Còn riêng tôi thì tôi sẽ dùng con bù nhìn rơm này thật bá đạo, tà quái khiến cho điên đảo nhân loại, điên đảo thị phi, điên đảo tri thức con người,…!
Mọi người nhận định thế nào về con bù nhìn rơm này thì tùy, hữu dụng cũng được, vô dụng cũng chẳng sao?
Vì lẽ con bù nhìn rơm không bao giờ nhận biết được giá trị của chính nó. Bù nhìn rơm luôn là vật vô tri, vô dụng, vô tình.
Giờ đây, con bù nhìn rơm này sẽ đưa cặp mắt vô hồn nhìn những con rối múa may quay cuồng, điên loạn trên mọi sân khấu, trên những nẻo đường, trên thế giới và trong lòng nhân loại.
Và trong lòng con bù nhìn rơm này luôn bình thản, dửng dưng vì một sự thật là “Những việc làm của những con rối chẳng thể chạm đến cái nón lá tơi tả, cái tấm choàng nylon te tua, những cọng rơm khô xơ xác,… trên thân xác trơ xương gầy của con bù nhìn rơm phá cách.
( Một thoáng Phương Đông )
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét