Tôi mua tương lai cho mình và bán tương lai của dân tộc
- Lời xin lỗi muộn -
Đây là cuộc phỏng vấn của người bạn tôi với Mix-tơ Y (Mr Y). Mr Y là người đàn ông lịch lãm, thành đạt trạc tuổi ngũ tuần (50 tuổi). Ông Y có một cô vợ trẻ đẹp chỉ vừa 25 tuổi - Mrs X.
- Ông Y, xin ông vui lòng cho tôi cùng mọi người được biết bí quyết nào ông “cưa đổ” và cưới được cô X về làm vợ. Miss X nổi tiếng là người xinh đẹp nhất vùng, có rất nhiều thanh niên trai tráng trong vùng vây quanh, tán tỉnh…
- Có gì khó đâu. Chỉ cần có rất nhiều tiền là đủ còn bọn thanh niên thì chỉ được giỏi khua mồm thôi. Thời buổi này không tiền thì đừng nói chuyện yêu đương. Anh đây cưa đổ biết bao cô gái nhưng có cô nào mà không đến với anh vì tiền… Thấy cô X xinh đẹp nên anh cưới về làm vợ, sinh con. Thời buổi này chồng phải hơn vợ ít nhất 1 con giáp, khi đó người đàn ông thành đạt rồi thì mới đủ tiêu chuẩn cưới vợ, giữ vợ,… cô em à.
- Ông Y, cám ơn sự trao đổi rất thẳng thắn, rất sốc của ông. Dù rằng tôi cũng không hoàn toàn tán đồng những gì ông nói,… Ông có phần xem nhẹ phẩm giá người phụ nữ. Ông đã gần 50 tuổi, lại đi làm suốt. Nếu ông cho rằng Mrs X đến với ông chỉ vì tiền thì không khéo những khi ông đi làm khó tránh khỏi Mrs X hai lòng, có tình nhân bên ngoài… Xin lỗi vì đã chạm đến vấn đề riêng tư nhưng ý tôi muốn hỏi là làm cách nào để ông giữ Mrs X một lòng, một dạ với ông?
- Tôi thách vợ tôi dám léng phéng với đàn ông bên ngoài. Tại cô không biết chứ gia đình bên đó một tay tôi lo, chu cấp đầy đủ, dư dả hàng tháng. Tôi đã mua bảo hiểm cá nhân với số tiền đủ để trói vợ tôi cả nhiều đời, cô ta là người thừa kế hợp pháp nếu không phản bội tôi. Nếu cô ấy không giữ mình thì ly dị, tôi kiếm cô gái trẻ đẹp khác. Còn ly dị với tôi thì đừng nói việc chia tài sản khi cưới nhau thì chúng tôi đã có những điều khoản ràng buộc trong hợp đồng hôn nhân được ký kết…
- Ông Y, cám ơn ông. Hình như hôm nay ông hơi quá chén. Khi nói về tình yêu ông có phần quá khích,…
- Cô à, gì mà quá khích. Thời buổi này không có tiền đừng nói chuyện tình yêu. Thời buổi này phải có nhiều tiền mới sống tốt, mới khỏe mạnh được,… cô biết không?
…
Tôi lại biết đến một gia đình khác có 4 nhân khẩu và hiện tại cả 4 người trong gia đình này đều đã mua bảo hiểm cá nhân cả. Tổng số tiền mà gia đình này bỏ ra mua bảo hiểm ngót nghét cả tỷ đồng. Gia đình này đã bỏ tiền ra mua tương lai cho cả bản thân họ và con cái. Có gói bảo hiểm đã hoàn mãn, có những gói bảo hiểm còn đang được đóng góp hàng năm. Đơn cử trường hợp đứa con nhỏ 6 tuổi của gia đình này mua gói bảo hiểm hơn 200 triệu và sau 18 năm sẽ được nhận lại số tiền hơn 500 triệu đồng. Thoạt nghe, nếu vội đánh giá thì bạn sẽ cảm thấy thật tốt, an toàn cho cuộc sống của con cái và cả cha mẹ nhưng thật ra việc mua tương lai cho gia đình này thật không nhiều lợi ích. Và … hệ lụy của việc mua tương lai cho bản thân là việc bán cả tương lai dân tộc.
Xét lại việc không nhiều lợi ích của việc mua bảo hiểm tương lai cho gia đình. Bạn hãy xét xem sau 18 năm với tình hình trượt giá, lạm phát kinh tế như hiện nay thì 200 triệu hiện tại sẽ tương đương 500 triệu đồng ở tương lai thậm chí là giá trị còn thấp hơn rất nhiều lần. Thế nên có thể nói đây là kênh đầu tư không hiệu quả. Để rõ hơn vấn đề tôi sẽ trình bày một trường hợp tương quan. Giá vàng hiện tại (năm 2013) là 4,6 triệu/chỉ và cách đây 10 năm (năm 2003) thì giá vàng dao động ở mức 460 ngàn đồng. Giả sử nếu việc lạm phát kinh tế giữ nguyên cho đến năm 2023 thì tin rằng giá vàng sẽ vượt mức giá 46 triệu đồng/chỉ rất nhiều lần. Với đà khủng hoảng kinh tế và lạm phát như hiện nay và nếu con người không có giải pháp khả thi, hiệu quả thoát ra vòng xoáy thực dụng thì tin rằng sẽ có sự phá vỡ các hình thái xã hội đang tồn tại vì thế giá vàng cũng như tình hình vật giá sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát, dự đoán của con người. Thế nên, nếu quy đổi thành vàng thì với khoản đóng bảo hiểm 200 triệu thì 10 năm sau trượt giá đã là 2 tỷ đồng, 20 năm sau đã là 20 tỷ đồng. Một mức lũy tiến thật kinh khiếp. Nếu bất cẩn ta sẽ tính toán 10 năm thì lũy tiến lạm phát gấp 10 lần, 20 năm lũy tiến lạm phát gấp 20 lần nhưng thực tế là sau 20 năm thì lũy tiến lạm phát đến 100 lần. Nếu theo phép tính không hẳn là hoang tưởng như trên thì bạn đã bán đắt giá trị hiện tại để mua một giá trị nhỏ ở tương lai.
Một hệ lụy khác của việc mua gói tương lai giá trị thấp là tình cảm của con người bị đồng tiền hóa. Tình yêu giữa vợ chồng được gắn kết bằng tiền, ba mẹ, con cái chỉ còn là nghĩa vụ, trách nhiệm, tình người trở nên xa lạ trong lòng của mỗi con người.
Thật hoang đường chăng?
Vài mươi năm về trước khi người VN chưa biết đến 2 từ bảo hiểm thì mối quan hệ giữa người với người gần gũi, tối lửa, tắt đèn có nhau. Còn bây giờ giới hạn của kín cổng, cao tường, tiền bạc, tài sản,… con người dường như cách xa nhau. Ngày trước người thân, người quen ốm đau, đói khổ thì con người dễ sẻ chia, chăm sóc lẫn nhau.
Giờ thì ba mẹ, ông bà có tiền bảo hiểm, tiền hưu trí,… tiền của dồi dào hơn cả của con cháu thì con cháu có thể chăm sóc bằng cách nào?
Người có tiền đa phần xem thường người khác thì thử hỏi con cháu làm sao có thể dưỡng nuôi chân thành. Gần gũi thì mang tiếng vì tiền, xa lánh thì chịu lời bất hiếu… Người nhiều tiền, lớn tuổi, lại kèm tính ích kỷ, gia trưởng,… thì con cháu lòn cúi, một dạ, hai vâng thì khó có thể nói là yêu thương chân thật.
Con người khi không có sự gắn kết bằng tình người mà chỉ nương gá với nhau bằng trách nhiệm, bổn phận,…
Khi trách nhiệm, bổn phận,… không còn nữa thì con người với con người còn lại gì?
Tôi đang vẽ ra viễn cảnh của 100 năm, 1000 năm sau chăng?
Khi đó con người có khác loài vật và sau đó con người sẽ học lại cách làm người chăng?
Nguồn tiền mà tập đoàn tài chính bảo hiểm thu gom được sẽ đi về đâu và nguồn tiền trong xã hội sẽ vận hành, luân chuyển như thế nào?
Đó là vấn đề mà người mua bảo hiểm mua gói tương lai giá trị thấp cho gia đình và bán tương lai dân tộc ở mức giá trị cao.
Số tiền có trong hệ thống ngân hàng ở các nước có nguồn gốc từ đâu?
Ngoài số tiền thu hút vốn nhàn rỗi trong dân còn có các khoản vay nước ngoài, các khoản vay nước ngoài có nguồn gốc từ các tập đoàn bảo hiểm tài chính. Đây là khoản tiền không hề nhỏ. Đơn cử số tiền 75,7 tỷ USD nguồn vốn vay nước ngoài và nguồn 10 tỷ USD của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài gửi về trong năm 2012 sẽ chui tọt vào trong hệ thống ngân hàng. Sau đó, số tiền trên sẽ được cho người dân vay ăn chênh lệch lãi suất, là việc cộng dồn giá trị thặng dư ảo vào sản phẩm hàng hóa gây ra hiện tượng lạm phát tiền, suy thoái kinh tế.
Số tiền 75,7 tỷ đồng là nguồn tiền được vay lại các quỹ tiền tệ quốc tế, là con nợ của các tập đoàn bảo hiểm tài chính. Được biết các khoản vay nước ngoài có mức lãi suất từ 2% - 10%/năm. Trung bình là khoảng 2,1%/năm. Với khoản vay 75,7 tỷ USD với lãi suất 2,1%/năm được đưa vào hệ thống ngân hàng và cho người dân vay lại với mức lãi suất 14,4% /năm (Mức lãi suất hiện tại. Đã từng có thời điểm mức lãi suất lên đến 21,6%/năm).
Ai đã hưởng lợi phần chênh lệch này?
Quả thật với khoản chênh lệch này thì con người không cần làm gì cũng đã sống rất tốt, mặc tình hưởng thụ. Vậy mà… cộng thêm cả phần thuế, các khoản thu không ngừng tăng hàng năm mà nợ nước ngoài vẫn ngày càng nâng lên, nợ công cũng tăng vọt vì có một sự thật là những năm gần đây nước ta luôn bội chi ngân sách.
Việc ngăn chặn lạm phát kinh tế, trượt giá, trả nợ nước ngoài,… luôn được lạc quan báo cáo rằng còn trong khả năng giải quyết nhưng chỉ thấy năm sau cao hơn năm trước và không hề thấy dấu hiệu nào cho thấy tính khả thi của việc trả nợ nước ngoài.
Ai đã chiếm dụng phần chênh lệch lãi suất giữa 2,1% và 14,4 - 21,6%?
Việc sử dụng khoản chênh lệch đó có hiệu quả không?
Người đã tính toán thì không thể trách tôi tính toán, tôi đã tính toán thì nhiều cái tôi… tôi … tôi … theo sau tính toán. Tôi là người vay trực tiếp khoản vay lãi suất 20%/năm dùng vào việc chăn nuôi, khi tạo ra sản phẩm tôi sẽ cộng dồn 20% lãi suất ngân hàng vào sản phẩm. Có lẽ khoản chênh lệch được hưởng từ 2,1% - 21,6% là khoản công sức, trí tuệ bỏ ra,… người đã tính toán tôi không thể không tính toán, vậy tôi cộng dồn 20% công sức, trí tuệ và trong giá thành sản phẩm. Người có hưởng lương sống thế thì tôi phải cộng thêm phí sinh hoạt 30%/năm vào giá thành sản phẩm, cộng thêm phần thuế và các khoản đóng góp vào giá thành sản phẩm… cộng thêm phần lối sống thực dụng vào. Giá bán của sản phẩm tôi làm ra đã gấp hơn 2 lần giá trị thật của chúng. Giá thành 100% thì giá bán phải trên 200%, giá bán tính tại nơi sản xuất.
Tôi thứ 2 - thương lái thu mua, mọi người ai cũng tính toán, tôi dại gì làm không công, hơn 100% giá trị phát sinh cộng vào giá bán sản phẩm. Sản phẩm đến chợ, siêu thị đã mang giá trị trên 300%. Người bán hàng cũng chẳng dại thế nên 100% giá trị ảo được cộng dồn vào. Người tiêu dùng sẽ mua sản phẩm với giá bán 400 - 500% giá trị thật.
Vì chúng ta tính toán nên sẽ không một ai không tính toán và những người đứng ở thành phần ăn trên ngồi trước sẽ ít chịu tác động của việc lạm phát giá trị ảo trong sản phẩm hàng hóa hơn những người lao động trực tiếp, những người nông dân, công nhân, người tiêu dùng ít tiền,…
Với mức trượt giá, lạm phát hiện tại thì gần như người mua các gói bảo hiểm sẽ gửi tiền mua tương lai không lãi suất nếu không muốn nói là phần lãi suất âm. Tiền đến tay các tập đoàn bảo hiểm tài chính, con nợ của người mua bảo hiểm thì phần lãi suất sẽ được nâng lên 5 - 6%/năm để cho các nước cũng như hệ thống ngân hàng vay lại…. Qua quá trình xào nấu, vòng vèo thì từ 0% giá trị thặng dư ảo của người mua bảo hiểm cũng là người tiêu dùng thì tiền được quy đổi thành sản phẩm hàng hóa cộng dồn 300 - 400% giá trị thặng dư ảo. Đây là nguyên nhân của lạm phát tiền và giá trị sản phẩm. Không sửa sai ở gốc khó mong lạm phát kinh tế giảm thấp.
Không chỉ vậy đây chỉ là lạm phát sơ khởi, lạm phát vòng thứ nhất. Qua năm sau, lạm phát sẽ tăng sinh thành lạm phát cộng dồn. Tuy nhiên không hẳn cộng dồn bằng toán cộng mà lũy tiến bằng toán nhân. Cụ thể, giả như đáo hạn nợ nước ngoài mà không có khoản tiền nhàn rỗi đủ chi trả thì vay nóng 10% để đáo hạn. Lại có 10% cộng dồn vào giá trị thặng dư ảo tại nguồn. Đáo hạn xong, vay số tiền lớn hơn.
Ở chuỗi chu chuyển tiền hạ tầng cũng bị tình trạng như ở thượng tầng, vay tiền nóng đáo hạn rồi lại vay nâng lên, chỉ có một lượng nhỏ tiền được đưa vào đầu tư cho sản xuất nhưng sẽ gánh toàn bộ phần lạm phát xã hội phát sinh.
Sản phẩm hàng hóa đến tay người tiêu dùng mỗi ngày mỗi tăng mạnh ngoài khả năng kiểm soát của các nhà quản lý. Người lao động nghèo khốn quẫn, oán thán…
Bình ổn giá mặt hàng tiêu dùng là giải pháp được đặt ra, tăng lương,…
Đáng tiếc là việc bình ổn giá đầu ra mà không bình ổn giá đầu vào trong đó có cả phần lạm phát vốn vay,… Tăng lương trong khi nền kinh tế tăng trưởng chậm, việc sử dụng vốn vay không hiệu quả, tham nhũng gia tăng,…
Lấy tiền ở đâu ra để bổ khuyết vốn ngân sách đối ứng?
Tăng thuế, tăng các khoản đóng góp, án phạt,…
Ai gánh lấy các khoản bội chi này nếu không phải là người tiêu dùng?
Rốt cuộc quanh đi, quẩn lại thì người tiêu dùng, người lao động lãnh đủ. Khi người lao động, người tiêu dùng chưa có sự hiểu biết sáng rõ, chưa cùng đường thì xã hội còn tạm gọi là ổn, gồng mình chịu.
Nhưng khi người lao động, người tiêu dùng rõ biết, quay lưng, ngoảnh mặt với ngành kinh tế, nhà quản lý thì xã hội sẽ về đâu?
Bởi lẽ cùng đường rồi, chết thì cùng chết chứ có đâu bắt mình em chịu.
Em là ai?
Em là người lao động nghèo, là người tiêu dùng đó thôi. Bình ổn giá đầu ra, giá đầu vào để mặc tình thị trường mà nhất là thị trường nước ngoài thao túng,… Nâng lương cho em nhưng lại buộc em phải vắt cạn sức lao động để đóng thuế nuôi toàn bộ hệ thống quản lý cồng kềnh mà việc vận hành không hẳn hiệu quả, không hẳn là vì em.
Người ta gửi vào ngân hàng với suất 8%/năm và tôi vay trở lại với lãi suất 14,4%/năm. Người tiêu dùng sẽ chịu toàn bộ phần giá trị thặng dư lạm phát được cộng vào giá bán sản phẩm hàng hóa (trên 200%). Hiện nay, chúng ta đang bỏ công sức, trí tuệ ra làm thuê cho các tập đoàn tài chính, tập đoàn bảo hiểm, làm thuê trên mảnh đất của chính mình. Thêm nữa, các nhà quản lý cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 40 -50 % vốn kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong nước là đồng nghĩa với việc ta sẽ trả trực tiếp giá trị sản phẩm hàng hóa cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Thị trường chứng khoán cũng thế, là một kênh đầu tư của lòng tham. Con người cố gom một khoản tiền lớn, có một lượng tiền không nhỏ có chứa đựng sự phi nghĩa, gian trá,… được đưa vào hệ thống tài chính. Và những người có lòng tham đó chờ đợi vận may. Họ rong chơi hưởng thụ và mong rằng số tiền của họ sẽ lớn lên sau vài đêm. Họ tàn ác đến mức họ không nhận ra họ đang dùng tiền bóc lột người lao động. Trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, với nguồn vốn được quy động theo kiểu cha chung không ai khóc, những ông chủ, những cổ đông lớn lũng đoạn thị trường những nhà đầu tư non trẻ, những nhà đầu tư sống bằng lòng tham chết tức tưởi,… Tiền mất, tật mang.
Công ty mẹ, công ty con phá sản nhưng những ông chủ lớn, những cổ đông lớn đã hạ cánh an toàn. Có một số không nhỏ bị gãy cánh vì một khoản tiền lớn vay ngân hàng, một khoản lớn khác vướng vào bất động sản bị đóng băng. Nhưng dẫu sao cây to gãy ngọn thì hãy còn gốc… Thật đoạn trường.
Tóm lại, sàn chứng khoán, bất động sản là kênh đầu tư không dễ chơi ở thời điểm hiện tại. Nếu lao vào kênh đầu tư này thì phải thật tỉnh táo và sáng suốt.
Kênh ngân hàng xem ra cũng không còn béo bở. Cũng như kênh bảo hiểm, kênh ngân hàng cũng đang là kênh chịu đựng rủi ro.
Vì sao?
Vì những người tham gia đầu tư cả hai kênh này đều là những người cầm dao ở lưỡi. Nếu phạm chút sai lầm thì sẽ đứt tay ngay lập tức. Dù rằng người đầu tư vào hai kênh này là chủ nợ nhưng lại chỉ cầm một mảnh giấy làm bằng. Nếu khủng hoảng kinh tế tiếp tục lún sâu, hệ thống ngân hàng chết cứng như là chuỗi ngân hàng của Mỹ do nợ xấu chồng chất, mất khả năng thanh khoản,… Tập đoàn bảo hiểm tài chính mất khả năng thu hồi vốn và tuyên bố phá sản. Các nhà đầu tư mua bảo hiểm sẽ mất trắng khoản tiền đóng góp vì chẳng thể tìm ra được người chịu trách nhiệm chi trả chỉ thấy những văn phòng đại diện, công ty đại diện tan hoang vì cơn cuồng nộ của số đông. Cũng giống như việc giật hụi thôi mà.
Ta mua tương lai của mình, bán tương lai dân tộc. Ta mất trắng, ta chỉ có thể khóc thương cho mình, ta chỉ có thể nguyền rủa sự tham lam, ngu ngốc của chính ta. Sẽ không có ai khóc thương ta vì ta là kẻ phản bội dân tộc (dù rằng ta không biết, ta cũng bị gạt) và vì họ đang lao đao chống chọi trong cuộc sống đầy lo toan và ngờ vực.
Những kênh đầu tư ngon ăn đều sắp chết cả rồi chỉ còn lại vàng thôi. 10 năm từ 460 ngàn đồng/chỉ đã nhảy vọt 4,6 triệu đồng/chỉ. Cái gì cũng có thể mạo hiểm chứ riêng vàng hẳn sẽ an toàn hơn. Vàng có giá trị quốc tế.
Nếu tôi có số tiền lớn lúc đầu năm 2012 (Đây là số tiền nhàn rỗi) tôi sẽ mua vàng khi giá vàng xuống thấp. Giả như tôi mua được 100 cây vàng rồi tôi đem gửi ngân hàng, đợi cho giá vàng lên gần đến đỉnh điểm (Vấn đề này chịu khó quan sát, đánh giá thì dễ thôi mà, tôi đâu cần đến mức giá cao nhất), tôi bán vàng lấy tiền mặt. Vàng lên cao rồi thì hẳn có lúc cũng hạ nhiệt. Thấp xuống, thấp xuống,… gần đụng đáy rồi. Mua vàng thôi. Từ 100 cây vàng trước đó tôi sẽ mua 120 cây vàng… trò chơi thật thú vị, tôi chẳng mất gì mà còn được tiền lãi suất vàng hàng tháng dư ăn, dư mặc. Tiền nhàn rỗi mà nếu kheo khéo ra vào hợp lý thì đến cuối năm 2012 tôi đã có gần 200 cây vàng.
Cũng lại như vậy mua USD gửi ngân hàng cũng là kênh đầu tư không tệ. Tin rằng khi các nhà đầu tư chuyển sang hướng kinh doanh này trong bối cảnh tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài, lan rộng thì nền kinh tế các nước tự chết, không thể cứu. Có lẽ kinh đầu tư vàng sẽ thú vị hơn.
Nhưng điều quan trọng nhất thì bạn phải dùng tiền nhàn rỗi bởi lẽ nếu dùng tiền vay ngân hàng thì bạn phải có thế chấp đủ lớn và nếu không khéo thì lãi suất ngân hàng sẽ bóp chết bạn.
Nếu các nhà đầu tư đều chuyển hướng vào kênh đầu tư vàng thì nền kinh tế sẽ “ngủm củ tỏi” ngay lập tức. Nếu bạn là nhà đầu tư, nhà kinh tế thật sự thì bạn sẽ tự biết mình nên làm gì? Chuyện của thiên hạ mà.
Tập đoàn bảo hiểm tài chính là kẻ rèn dao và những người mua bảo hiểm là người cung ứng tiền của, tài vật rèn con dao đó. Hiện tại, con dao đó được dùng để xẻ thịt người lao động trực tiếp tạo ra sản phẩm vật chất, người tiêu dùng,… Chơi dao thì sẽ có ngày đứt tay. Bạn nên cẩn trọng!
Lời Xin Lỗi Muộn
Không biết tại sao mà bài viết này lại trùng vào đúng ngày mùng 1 tết. Mùng 1 tết tôi xin gửi đến bạn lời xin lỗi vì đã nêu ra những mặt trái của việc phát triển kinh tế thiếu bền vững, thiếu định hướng có phần muộn màng. Tôi xin lỗi vì đã để khoảng cách giàu nghèo giữa các thành phần, tầng lớp xã hội rất lớn mà không kịp mở lời góp ý điều chỉnh dẫn đến xã hội ngày càng rối ren, xáo trộn và lòng người bấn loạn, bất an. Tôi xin lỗi vì đã để những người học cao, hiểu rộng hơn dùng sự hiểu biết để bòn rút, bóc lột sức lao động, giá trị thặng dư sản phẩm của người lao động nghèo, những người ít hiểu biết hơn, những người đã sản xuất gần như là toàn bộ sản phẩm hàng hóa cho xã hội, cho đất nước. Tôi xin lỗi vì đã mặc cảm thân phận “thấp cổ, bé miệng” mà không dám nói những lời nói chân thật, cất tiếng nói công bằng cho người lao động nghèo. Tôi thật sự xin lỗi vì không thể giúp được gì cho bạn. Tôi cũng xin lỗi vì để việc tranh chấp biển Đông kéo dài làm tổn hại mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt - Trung. Tôi đau lòng khi nhìn những cảnh đời bất hạnh, những người già neo đơn, những nạn nhân chất độc màu da cam. Đáng tiếc! Tôi chỉ có thể nhìn với một nỗi lòng nặng trĩu mà không thể giúp họ dù chỉ là một nụ cười trên khuôn mặt héo hắt. Tôi rất xin lỗi. Với những sai lầm khác nữa về định hướng giáo dục, về việc phát triển kinh tế, về việc thanh thiếu niên hư hỏng ngày càng nhiều hơn,… tôi thành thật xin lỗi và sẽ cố góp ý xây dựng xã hội tốt hơn ở ngày mai.
Lời chúc tết an vui tôi xin gửi đến cho tất cả.
Có thể những bài viết của tôi đã vạch ra những lỗ hỗng đáng sợ cho nền kinh tế cũng như là cho xã hội Việt Nam . Nếu có người nhận ra và vận dụng thì tin rằng nền kinh tế VN chết chắc nhưng thà rằng tôi chỉ ra những lỗ hỗng chết người để các nhà quản lý sớm có những giải pháp hợp lý, hữu hiệu khắc phục còn hơn là để những nhà đầu tư tinh mắt vụ lợi bòn rút nguyên khí quốc gia…
Và trên cả là tôi mong rằng các nhà quản lý xã hội đừng vì thiếu tư duy quản lý và việc bị trói sự hiểu biết vào thành phần, tầng lớp xã hội cũng như góc tư duy, tầm nhìn hạn hẹp, chủ quan mà nhấn chìm cuộc sống người dân, người lao động,… làm đất nước VN lâm vào rối loạn, hỗn độn triền miên.
Mua lại tương lai dân tộc đó là việc làm quan trọng bậc nhất nhằm làm giảm việc lạm phát tiền, trượt giá sản phẩm hàng hóa, khủng hoảng kinh tế,… Đây là việc trước mắt và tiếp theo là hướng con người trong mọi thành phần, tầng lớp xã hội có tư duy, nhận thức sống nhân văn hơn mà nhất là những người thuộc tầng lớp “ăn trên ngồi trước”, rèn luyện lại nhân cách đạo đức làm người, lấy sự yêu thương chân thành, đùm bọc sẻ chia khó khăn cùng nhau làm nền tảng. Và … còn rất nhiều việc phải làm, phải sửa sai.
Tôi mong rằng tầm nhìn của tôi thiển cận chỉ thấy 1 chẳng thấy 2, chỉ thấy 10 năm chẳng thấy được 20, 100 năm như góc nhìn xa, trông rộng của các nhà quản lý.
Dù rằng những điều tôi trình bày là đúng hay sai thì tôi cũng gửi lời xin lỗi thật lòng đến bạn cùng tất cả mọi người. Bởi lẽ ngay cả khi những lời tôi nói đều đúng thì thật ra tôi cũng đã sai rất nhiều.
Xin lỗi và cám ơn các bạn!
Vô ưu
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét