Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Khoa học - Sai một li đi ngàn dặm



Khoa học đang định hướng dựa trên hàng loạt những sai lầm và đã có không ít tiền của nhân loại được dùng phí phạm cho tri thức sai lầm đó.
Khoa học  đang tìm cách trả lời câu hỏi “Vũ trụ là có giới hạn hay không có giới hạn?”. Và sẽ vĩnh viễn không có câu trả lời đúng, cuối cùng cho câu hỏi đó. Vì sao? Vì câu trả lời tùy thuộc vào tầm nhìn của kính viễn vọng và các trang thiết bị quan sát hiện đại không ngừng phát triển đã làm tiêu tốn một lượng tiền của, vật chất khổng lồ. Mỗi khi con người tiến xa hơn thì sẽ nhìn thấy nhiều hơn nhưng không thể nhìn thấy được hết toàn phần vũ trụ và đôi khi nhìn lại thì con người lại nhận biết rằng “Ta đã đánh mất rất nhiều thứ”.
Câu hỏi “Vũ trụ hữu biên hay vô biên?”, đó thật sự là một câu hỏi sai nên không thể có được câu trả lời đúng và dẫn đến nhiều sai lầm khác.
Việc tìm câu trả lời “Vũ trụ có giới hạn không?” giống như là việc lớn lên của một con người.
Khi còn bé, đứa bé chỉ quanh quẩn trong nhà. Đứa bé nhìn ra khoảng trời bên ngoài nhận biết sự rộng lớn xung quanh ngôi nhà, đứa bé e dè, sợ sệt thế giới bên ngoài. Tầm nhìn của đứa bé là vũ trụ chỉ giới hạn xung quanh ngôi nhà. Lớn lên, hiểu biết thêm một chút đứa trẻ nhận định “Vũ trụ chỉ giới hạn nơi chú sống, có thể là một vùng quê nghèo hoặc một thành phố lớn”. Sau đó, chàng trai trẻ hiểu biết hơn “Đất nước mình chỉ là một hành tinh và vũ trụ bao gồm nhiều hành tinh giống như đất nước mình đang sống”. Chàng trai trẻ háo hức lên đường tìm hiểu những hành tinh xa xôi như nước Đức, Anh, Pháp, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Phi,... và chàng trai dần tin rằng “Vũ trụ là không có giới hạn” nhưng chàng trai lại đi tìm “Sự không giới hạn của vũ trụ”. Cho đến khi chàng trai không còn trẻ, người đàn ông quay về đất nước, về nơi đã sinh ra. Cha mẹ, dòng tộc không còn ai. Người đàn ông nhận ra rằng “Quê hương, đất nước - Nơi được sinh ra mà con người còn không rõ biết”. “Vũ trụ là vô biên hay hữu biên?” đã cướp mất tuổi trẻ, hạnh phúc, gia đình và cả sự hiểu biết về cội nguồn của con người. Phần lớn tài sản của gia đình không còn vì người đàn ông đã ném chúng vào khoảng không vô nghĩa. Người đàn ông không còn trẻ cô độc sống hết những ngày còn lại với câu hỏi “Ta là ai?”.
Cũng lại như vậy ngành khoa học vũ trụ đang “Ném tiền qua cửa sổ” để nhìn ngắm “Sự huyền ảo của vũ trụ về đêm”. Họ cứ ngỡ “Họ đang ở ngoài vũ trụ”. Thế nên sự đói nghèo, dịch bệnh, chiến tranh, thiên tai,… sẽ không ảnh hưởng đến họ. Nếu may mắn trái đất còn tồn tại thì ngày họ trở về sẽ nhận biết “Ta chẳng còn ai” và cô độc sống với những chuỗi ngày còn lại trong sự mông lung, huyễn hoặc.
Với khối lượng tiền của được hỗ trợ dồi dào, nhân loại cần một câu trả lời về thành tựu mà khoa học thu được. Hình ảnh kỳ ảo của vũ trụ, những thiên hà, ngân hà, khái niệm về vật chất tối, năng lượng tối, lỗ đen vũ trụ,… Sự hình thành và biến diệt của những hành tinh, những thiên hà,… Lỗ đen nuốt chửng và làm mất hút những hành tinh,… Giá trị của thành tựu khoa học đạt được dựa trên định hướng sai lầm thật sự không có nhiều ý nghĩa và tự có khiếm khuyết. Lỗ đen làm mất hút hoàn toàn vật chất là do sự giới hạn của tri thức khoa học. Điều này không đúng với định luật bảo toàn vật chất với đại ý “Vật chất không tự sinh ra cũng không tự mất đi, vật chất chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác, từ nơi này sang nơi khác”. Định luật bảo toàn vật chất về cơ bản không có sự khiếm khuyết.
Điều mà các nhà thiên văn học nhận biết, thu được ngoài không gian không có nhiều khác biệt so với việc nghiên cứu vật chất ở cấp độ phân tử, nguyên tử. Trong đó hình ảnh kỳ ảo của các thiên hà, ngân hà là hình ảnh các nguyên tử kim loại, tinh thể phi kim được phóng đại cực lớn. Hạt nhân là hành tinh, electron là vệ tinh, proton, nơtron, điện tích âm, dương, từ trường là năng lượng tối, vật chất tối,… Sự trao đổi electron giữa các nguyên tố là lỗ đen hút mất vật chất và thực tế vật chất vốn không mất đi. Phải chăng việc tìm hiểu khoa học không gian cũng như nghiên cứu khoa học ở cấp độ nguyên tử, phân tử dường như cũng không sai khác nhiều với việc tìm hiểu dòng chảy của con sông với bên lở, bên bồi hoặc tìm hiểu sự sinh trụ dị diệt của vật chất, hay vòng sinh lão bệnh tử của con người? Tất cả chỉ là những biến chuyển chứ không là quá trình diệt tận.
Sự thật là có rất nhiều việc gần gũi, thiết thực với chính tự con người mà bạn còn không rõ biết. Mục đích sống thực sự của bạn là “Đi tìm và bắt lấy điều gì?”. Khi bạn không có mục tiêu rõ ràng bạn chỉ quẩn quanh mà không thu được những kết quả cụ thể.
Lý  thuyết về Vụ Nổ Lớn - Bigbang đã tự có sai lầm. Giả thuyết cho rằng “Vụ Nổ Lớn là khởi nguồn cho việc hình thành vũ trụ và trái đất” là không có cơ sở. Vì để tạo ra được vụ nổ thì trước đó đã phải có vật chất chứ không thể có việc không có gì mà xảy ra một Vụ Nổ Lớn. Nếu giả định này là đúng thì vật chất có trước Vụ Nổ Lớn mới tạm gọi là khởi nguồn của vũ trụ.
Từ lâu đã có một luồng tri thức nhân loại tin rằng “Sẽ có một ngày con người vượt qua giới hạn không gian, thời gian để chụp lại hình ảnh của Vụ Nổ Lớn cũng như là hình ảnh của vũ trụ, trái đất thời sơ khai”. Điều này có thể không? Cơ sở đưa ra giả định này có phần phức tạp nhưng nhằm đơn giản thì giả định trên dựa vào cơ sở “Hai người xuất phát tại cùng một vị trí cách La Mã 5000 km, người đi bộ trước 12 tháng, người còn lại đi tàu cao tốc. Vì thế hiển nhiên là người đi tàu cao tốc sẽ bắt gặp, vượt qua và đến La Mã trước người đi bộ. Giả thuyết có vẻ hợp lý nhưng lại có lỗ hỏng, người đi tàu cao tốc vượt qua người đi bộ chứ không thể vượt qua thời điểm nơi chính anh xuất phát và anh cũng không thể nhìn thấy bản thân tại nơi xuất phát khi đến được La Mã”. Lý thuyết về cỗ máy vượt không gian, thời gian đã không thực tế. Tôi 40 tuổi không thể vượt không gian, thời gian 20 năm để gặp tôi 20 tuổi. Vì khi đó tôi 40 tuổi gặp tôi 20 tuổi, vậy ai là tôi? Vật chất nào tạo ra tôi 20 tuổi, vật chất nào tạo ra tôi 40 tuổi? Sai lầm tiếp nối những sai lầm.
Y học hiện  đại đang nghiên cứu tế bào mầm, phôi thai người, sinh sản vô tính,… để tạo ra các cơ quan bộ phận cấy ghép cho người bệnh nhằm hạn chế việc mua bán nội tạng người sống. Vấn đề dường như thể hiện tính nhân đạo, là việc cứu người. Nhưng xét lại cũng là việc “Giết nhiều người, cứu một người”. Xem ra cũng không phải là việc làm hợp đạo. Y đức của người thầy thuốc sẽ xấu hổ khi làm việc trái lương tâm.
Con người, có ai mà không chết? Khi người bệnh nhận thức, rõ biết điều đó thì sẽ không vì mạng sống của bản thân mà phải lấy đi sự lành lặn, toàn vẹn của một người còn sống khác. Sự hiểu biết sẽ làm thay đổi nhận thức, giá trị con người.
Khoa học phát triển không ngừng. Hàng loạt vũ khí hủy diệt, tên lửa tối tân, chiến hạm hiện đại, siêu bom hạt nhân,... dùng để giết rất nhiều người. Khi đó, những con người tạo ra chúng vênh vênh tự đắc “Đây là một thành tựu vượt bậc của khoa học hiện đại”. Họ thờ ơ hay quên mất việc “Họ đang tạo ra một món đồ dùng để giết rất nhiều đồng loại” và đôi khi món đồ lấy mạng của chính họ. Nhân loại vẫn cứ vô tâm, bàng quan “Chuyện của thiên hạ”.
Tôi tự thẹn và miễn cưỡng mượn lời người xưa  nói lại “Người hiểu biết không đi mà biết, không nhìn mà thấy rõ”.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: