Chim thiên nga giãy chết (Phần dừng lại)
Thứ năm, ngày 05 tháng chín năm 2013
Hôm nay, tôi sẽ viết phần dừng lại của bài post Chim Thiên Nga Giãy Chết. Tôi sẽ trình bày tiếp vấn đề liên quan đến việc ngành Giáo Dục đang hướng đến một nhà trường không có học sinh, hướng con người đến mục tiêu thất học, dân trí thấp hóa xã hội.
Ở các cấp học cao hơn thì việc học phí không ngừng được nâng lên cùng với nhiều khoản phụ thu khác. Nhưng chất lượng giảng dạy thì không theo kịp thực tế cuộc sống. Việc giáo dục đạo đức nhân cách con người về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư,… trở nên xa rời cuộc sống.
Người lớn trong xã hội và ngay cả thầy cô giáo cũng không thể hiện gương mẫu giữa lời nói đi đôi với việc làm. Những ngôn từ rao giảng đạo đức trở nên xáo rỗng trong một xã hội sống thiên về vật chất, hưởng thụ,… Thế nên, giới trẻ chán ngấy những giáo trình khô khan, kém chất lượng. Việc học trở thành món hàng trang trí thứ cấp cho giới trẻ, món hàng trang sức cao cấp của giới trẻ là phong cách, là cá tính, là hưởng thụ đua đòi,… Cha mẹ lắm tiền dù không học rộng, biết nhiều.
Vậy học làm gì cho đầu óc tối tăm, thua kém chúng bạn ăn chơi?
Một số khác kiên trì đeo bám việc học vì tin rằng “Có bằng cấp sẽ đổi đời, thoát khỏi đói nghèo, thoát cảnh tay bùn, chân lấm”.
Phải chăng tri thức nhân loại đang khuyến khích con người lười lao động, học để phục vụ sự biếng lười cá nhân, học để ăn trên ngồi trước,…?
Học để sợ sệt, không dám nói lời thẳng thắn, không dám nói thật lòng mình, học để mồm mép đãi bôi, tăng trưởng khả năng xu nịnh, bợ đỡ,… học để biết lúc nào thượng đội, hạ đạp.
Phải chăng đó là giá trị của việc học ngày nay?
Trước khi viết bài viết này, tôi có nghe một câu chuyện về việc ông khuyên cháu gái. Số là ông cụ có một đứa cháu gái xinh xắn, cô bé đó có 2 người bạn trai. Một người là phụ hồ, một người là giảng viên đại học. Vậy mà khi cô cháu gái dọ ý hỏi ông nội chấm người nào thì cụ già lại nói “Cháu lựa chọn ai là tùy cháu nhưng cháu nên chọn những thằng ít nói hay làm, cũng không cần học cao, bằng cấp. Thời nay, những thằng có bằng cấp nhiều khi chỉ là thằng đạo đức giả, giỏi phỉnh gạt người, thượng đội, hạ đạp,…”. Tôi chỉ nghe câu chuyện mà lòng cũng đau.
Thật lòng mà nói là mỗi khi nghe người khác nói tệ về việc học, về ngành giáo dục thì tôi đau lắm nhưng hiện trạng xã hội phơi bày như vậy thì tôi biện giải làm sao?
Hiện tại, muốn học đại học thì gần như chỉ cần có nhiều tiền là đủ. Vài ngàn USD/1 học kỳ là ra trường có bằng cấp quốc tế, tiêu chuẩn trời ơi, cao ít, thấp thì nhiều, liêu xiêu tìm việc. Những trường đại học Mở mở ra vô tội vạ, học ra trường mất tiền không ít nhưng việc kiếm được việc làm ổn định thì nhiêu khê. Chỉ có một số ít sinh viên tốt nghiệp có thực tài kiếm được công việc phù hợp với chuyên môn, còn phần lớn sinh viên ra trường làm trái ngành và nhận đồng lương eo hẹp, thật không tương xứng với số tiền, công sức đầu tư cho việc học. Oán trời, trách đất nhận ra mình dại, làm khổ gia đình ngần ấy năm dài.
Vấn đề xin việc ở những vị trí tốt của sinh viên ra trường có bằng cấp buộc phải cạnh tranh với bằng COCC (Con ông, cháu cha), còn không thì phải có phong bì dẫn đường.
Hiện nay, Việt Nam có rất nhiều thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư, các nhà xã hội học,… nhưng liệu có mấy người dám thẳng thắn, góp ý chỉ ra những sai trái của các nhà quản lý xã hội?
Họ vướng vào cơ chế, vướng vào chén cơm, manh áo, danh lợi, địa vị,… Một lời góp ý không đúng lúc là mất tất cả. Con người học để biết và cái biết quan trọng nhất chính là biết sợ.
Hệ thống quản lý nhà nước theo trục dọc lẫn ngang phần lớn đang dựa vào nhóm tri thức được bổ túc, chuyên tu, tại chức,… dựa vào mối quan hệ quen biết.
Tôi không cho rằng nhóm người này không được việc nhưng họ bị thiếu tâm và thiếu tầm. Đa phần mối quan tâm của họ là giữ ghế và leo lên, còn làm được việc hay không là do cơ chế, do chỉ đạo từ bên trên nên thiếu tính sáng tạo, năng động, thiếu cả khả năng nhận thức, tư duy,...
Thử hỏi cháy rừng mà chờ chỉ đạo cấp trên thì rừng còn lại được mấy cây?
Lũ lụt, nước dâng, vỡ đê mà chờ ý kiến từ thượng tầng thì còn lại gì?
Đây không phải là khuyết điểm mới mẻ gì?
Vấn đề này đang được tháo gỡ nhưng hãy còn chậm, vướng cơ chế dẫn đến tính ỳ trong việc điều tiết xã hội.
Tính khả thi, minh bạch, hiệu quả của hệ thống quản lý xã hội được coi là yếu kém, đánh mất lòng tin của mọi thành phần, tầng lớp xã hội đối với nhà quản lý.
Tóm lại, việc học phí tăng cao, chất lượng giáo dục không đảm bảo, việc đầu vào vô số nhưng ra trường khó kiếm được công việc tốt khiến cho giới trẻ và cả người lớn dần chán ngán việc học. Việc học chỉ là món đồ trang sức để lòe thiên hạ thế nên giới trẻ bỏ học lêu lỏng ngày càng nhiều.
Nếu bạn để mắt đánh giá tỷ lệ học sinh nam nữ ở các trường học hiện tại dường như số đông là nữ giới. Nam sinh dường như ít hơn nhiều về lượng, một số đang tham gia bon chen, hút sách, đua đòi, băng nhóm,… Có không ít nữ sinh cũng học đòi ăn chơi.
Sản phẩm hàng đá được giới trẻ truyền tai nhau là không gây nghiện đang được giới trẻ tìm mua để nhảy múa cuồng loạn và mại dâm nhóm.
Đó là giá trị của lối sống thực dụng chăng?
Thế nên, dường như các nhà quản lý, ngành giáo dục đang hướng xã hội đến mục tiêu dân trí thấp hóa xã hội và tiến đến mục tiêu thất học nếu giá trị, chất lượng việc giáo dục không cải thiện cùng với quan niệm có tiền là có tất cả, là quan niệm sống chủ đạo của con người trong xã hội đương thời.
…
Ngành chăm sóc sức khỏe hướng đến mục tiêu xây dựng vô số bệnh viện công, tư, quốc tế để phục vụ người bệnh tốt hơn hay bòn rút tiền của người bệnh nhiều hơn, dễ dàng hơn?
Y đức ngành y có còn không?
Người bệnh dùng bảo hiểm thì hãy đợi đấy, người bệnh điều trị dịch vụ thì niềm nở rào đón, phục vụ ngay lập tức. Giá trị của tiền tươi, những chuyện này là sự thật nhan nhản, quen rồi, không cần che giấu.
Dùng thuốc có phần %, hoa hồng chiết khấu, bệnh nhân dùng thuốc càng nhiều, càng có lợi cho người điều trị, càng hại người bệnh mất tiền, hại gan thận đào thải chất thừa.
Mổ nhầm bộ phận, nhầm vị trí, bỏ quên bông băng, dao kéo là tai nạn nghề nghiệp nhưng tai nạn ngày một nhiều lý do thiếu chuyên môn chăng?
Tôi đã từng biết 3 người bị ung thư. Người ung thư buồng trứng, người ung thư đại tràng, người ung thư khủy tay trái. Cả 3 đều phẫu thuật và được khuyên hóa trị, xạ trị để ngừa di căn. Kết quả sau 7, 9 lần xạ trị, ngốn tổng lượng tiền điều trị lên đến vài trăm triệu đồng thì được báo khối u ác tính di căn vào toàn bộ nội tạng, bác sĩ bó tay. Trả về nhà, không lâu sau thì người mất để lại một khoản nợ không nhỏ cho người nhà.
Nghĩ cũng tội cho người bệnh và cả người nhà. Ốm đau thì ai mà muốn nhưng điều trị hao tiền, tốn của mà bệnh tình thêm trầm trọng thì khác nào chết những 2 lần. Không ít người chết không nhắm mắt há chẳng phải vì nỗi đau chết mà còn làm khổ gia đình, vợ chồng, con cái, người thân.
Vài trăm triệu động với người dân quê, người lao động là cả một gia tài. Nhìn người thân đau đớn ai mà không xót, chạy vạy, vay mượn điều trị, tin vào khoa học, tin vào bác sĩ để rồi mất niềm tin, mất tất cả, nợ nần vây cả cuộc đời.
Có thể do những người tôi biết không gặp may, là nhóm thiểu số xui rủi. Vì tỷ lệ ca thành công và thất bại của việc điều trị ung thư hóa trị, xạ trị tôi không rõ biết nhưng nếu tỷ lệ thành công quá thấp thì tôi nghĩ rằng cần nghiên cứu chuyên sâu hơn, đừng nên cho người bệnh một tia hy vọng rồi gây ra sự thất vọng nơi người bệnh, họ càng suy sụp và chết mau hơn.
Đừng xem người bệnh là con vật thí nghiệm, là con gà đẻ trứng vàng. Hãy dùng y đức, lương tâm của người hành y mà sống. Khoảng cách nhân và bất nhân rất mong manh. Hãy làm việc lợi cho người!
Điều thường thấy ở các bệnh viện hiện nay là muốn cứu người thì phải nộp viện phí trước. Điều này cũng đúng thôi nhưng nghe sao mà nghiệt ngã.
…
Giới thể thao đặt mục tiêu năm 20.. đưa bóng đá Việt Nam lọt vào vòng chung kết Worldcup.
Được không? Được thì được gì?
Ngành giải trí, thể thao đã thổi phồng, đã làm quá vấn đề.
Bao năm rồi lượng tiền của rót cho ngành bóng đá hẳn không ít hơn lượng tiền hỗ trợ người nghèo, hỗ trợ người khuyết tật, nạn nhân chất độc màu da cam cộng gộp lại?
Và giá trị ngành bóng đá là tiêu cực nối tiếp tiêu cực, bán độ, cầu thủ, ông bầu nhúng chàm,… và bóng đá cứ bước 1 bước lui 2 bước, cúp châu Á, cúp Đông Nam á,… như là một giấc mơ. Kéo theo là một mớ tệ nạn cả trong sân, ngoài sân cỏ.
Nhân cách con người tham gia ngành thể thao giải trí được thể hiện bằng những đầu chó thui. Vậy mà ngân sách nhà nước, tiền của cứ đổ xô đầu tư cho sự bẩn nhơ, tha hóa con người.
Vô địch thế giới rồi thì sao nếu gạo người dân không đủ no, áo mặc không đủ ấm?
Ngành thể thao giải trí lẽ ra chỉ là ngành thể thao giải trí, chỉ là những ngành mua vui cho con người mà đặt lên cao vợi. Một cuộc chuyển nhượng, bán mua cầu thủ có giá trị tiền tỷ, lương thưởng trong hệ thống thể dục, thể thao vài chục triệu đồng/tháng.
Bán mua cầu thủ bằng đồng tiền lớn, bán rẻ nhân cách làm người, tinh thần dân tộc,… Được chơi môn thể thao mình yêu thích được hưởng lương cao ngất ngưỡng.
Quả thật làm cầu thủ bóng đá quá sướng, học làm gì, ôm trái bóng tốt hơn. Thoát ra khỏi kiếp nông dân, công nhân cơ khổ, làm ngôi sao sân cỏ, làm thần tượng của rất… rất nhiều người. Quá hào nhoáng, rất thượng lưu nhưng nhân cách thì bị trượt dài khi có chút tài năng bộc lộ.
Đời người cầu thủ, vận động viên rất ngắn cho nỗ lực tham gia Worldcup. Ôi! Giấc mơ chỉ là giấc mơ.
Và có rất nhiều người tự “lừa mình, dối người” thêu dệt mộng Worldcup để gom góp nguồn kinh phí đầu tư, để gom góp tài vật khi còn đang tại vị.
Ngành giải trí khác như người mẫu, diễn viên điện ảnh thì đầy dẫy những bê bối đến rợn người. Những người đại diện cho công chúng trên trường quốc tế, là hình tượng của người Việt Nam với mặc như không mặc, lăng nhăng tình ái, mại dâm hạng sang,…
Thật không đúng. Nhân cách đạo đức của người Việt Nam không phải vậy. Đại diện của người Việt Nam mà như thế thì thà rằng tôi về ruộng tìm cho ra cô gái bán bông điên điển, tìm cô em gái miệt vườn,… đưa lên làm biểu tượng quốc gia cho đỡ tủi.
Dù vậy tiền mỗi show diễn, vai diễn của giới người mẫu, diễn viên là một con số trong mơ. Và … giới trẻ Việt Nam cũng rất đam mê thần tượng, họ sẵn sàng đổi chác bằng mọi giá để sánh bước cùng thần tượng, để trở thành người của công chúng dù nhân cách bẩn nhơ cũng chẳng sao, lối sống thực dụng không có đất sống cho nhân cách, phẩm giá con người.
Giới thượng lưu đi trước đã từng làm thế. Thế nên tại sao ta không thể bất chấp tất cả cho một phút huy hoàng?
Hôn môi xa, hôn môi gần rồi hôn môi sư. Ngôi sao ca nhạc đã từng làm như thế.
Ai đúng, ai sai?
Tôi không là người phán quyết nhưng rồi người ta vẫn đứng vững trên đỉnh vinh quang, vẫn được người người tung hô, người người mến mộ. Đây không phải là điểm tối duy nhất trong bầu trời đêm ca nhạc. Căng - đan quá nhiều để biết rằng xã hội đang chìm vào khủng hoảng đạo đức, nhân cách sống, phẩm giá con người.
Việc chuyển giới tính đã được chấp nhận, một việc làm sai đã được cổ vũ hoan nghênh.
Đúng sai?
Nếu bảo là đúng thì không lẽ hơn 2000 năm nay đã sai, người đồng tính, người lưỡng tính, người đa nhân cách rồi sẽ làm đảo lộn, băng hoại giá trị phần người của con người. Tất cả những điên đảo, lộn đầu đuôi giới tính là kết quả của việc con người trói vào quan niệm chết là hết nhưng chết đã không hết cộng với ý thức sống hưởng thụ người đã khuất đã trở lại…
Con người đã trở thành lưỡng tính, thật tà quái. Cũng như giới cầu thủ bóng đá, những ngôi sao ca sĩ được sống với niềm đam mê và có được thu nhập cả đời người lao động chỉ trong 1 đêm. Hiện có không ít ngôi sao ca nhạc hiện diễn một đêm với cat-xe lên đến 100 triệu đồng. Giàu dễ dàng, không chơi ngông, chơi trội thì thiếu cá tính, thiếu phong cách và giới ca sĩ, diễn viên, người mẫu,… thiếu rèn giũa đã bộc lộ cá tính kinh hoàng đến là vậy.
…
Phân công hợp lý lại giá trị thặng dư cho mọi thành phần, tầng lớp xã hội là điều mà các nhà quản lý cần làm ngay lập tức. Việc làm này sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, góp phần làm giảm sự bấn loạn trong lòng người, giúp con người tự ý thức rèn luyện lại nhân cách đạo đức sống.
Thuế và các khoản đóng góp cần hợp nhất lại thành một khoản đóng góp duy nhất. Lương cũng cần phải điều chỉnh lại thành một nguồn duy nhất chứ không thể có lương, có lậu, có vô số khoản phụ thu khác.
Được biết hệ lương CB - CNVC cao nhất là vào khoảng 8 - 9 chấm tương đương với khoản trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Hiển nhiên là muốn đạt hệ số lương này thì CB - CNVC phải rất thâm niên làm trong hệ thống nhà nước và chỉ có những năm tháng về sau mới có mức lương này.
Vậy mà… hiện tại phần lớn CB - CNVC khi có địa vị thì nhà cao cửa rộng, tiền của dồi dào, đất đai thì có khi họ đi cả đời cũng không hết đất mà họ sở hữu. Vậy nên tin rằng ngoài tiền lương, họ đã có nhiều khoản thu khủng khác.
Việc này cần công khai minh bạch vì nếu thiếu sự sáng rõ, người dân, người lao động sẽ hiểu nhầm là do tham nhũng mà có.
Thế nên các nhà quản lý nên chăng làm rõ lương và các khoản phụ thu bằng một khoản lương duy nhất?
Nếu việc lương và các khoản phụ thu chưa rõ ràng thì người dân sẽ không tin vào tính hiệu quả của việc đánh tham nhũng bởi lẽ còn rất nhiều CB - CNVC có nhà cao cửa rộng mà người dân không rõ nguồn gốc của những khoản tài sản kết xù đó có từ đâu?
Việc đánh chặn tham nhũng, việc giới trẻ cuồng loạn, tệ nạn xã hội ngày càng nhiều e rằng số lượng nhà tù hiện tại chẳng đủ chứa. Có lý nào các nhà quản lý lại lên kế hoạch xây thêm thật nhiều nhà giam vì dường như ngày nay tội phạm ngày càng nhiều, đâu đâu cũng có. Tội phạm kinh tế, chính trị, cầu đường, giáo dục, tôn giáo, ma túy, mại dâm, cá độ, số đề, đá gà,…
Quả thật là khó có thể xây nhà giam đủ để giam đủ chủng loại tội phạm.
Vậy các nhà quản lý đã có giải pháp nào hoàn hảo, vẹn toàn?
…
Có lẽ hàng ngày tôi vẫn ăn cơm để sống nên tôi nghĩ rằng nếu không có lúa gạo thì người Việt Nam chết chắc còn những ngành giải trí thể thao không có cũng chẳng chết ai?
Tôi xót lòng vì sức lao động của người nông dân, công nhân bị trả giá quá rẻ trong khi những người rong chơi, không tham gia lao động sản xuất lại được thọ hưởng vượt mức so với việc cống hiến sức lực cho sự tồn tại của đất nước, dân tộc…
…
Những điều tôi trình bày thường là mặt trái của cuộc sống, của xã hội, ít nói đến những mặt tốt đẹp vì những điều tốt đẹp đã được rất nhiều người nói, nói thêm, nói bớt nhiều rồi. Thế nên bạn hãy đừng vì những điều tôi trình bày mà ảnh hưởng tính tiêu cực, bi quan bởi lẽ tôi không bi quan mà chỉ nói thật về mặt trái của cuộc sống những mong các nhà quản lý có cách nhìn tổng thể khách quan hơn trong việc điều tiết, quản lý xã hội.
…
Quả thật là có rất nhiều khó khăn để giải quyết rất nhiều những vấn đề tồn tại ở xã hội. Rất nhiều sai lầm, có những sai lầm đã ăn sâu vào nhận thức, tư duy con người. Lối sống thực dụng, ích kỷ, tham lam,… Việc không ham đọc sách ở giới trẻ, những định kiến, kiến chấp của thế hệ lớn tuổi. Rất khó để nhà quản lý sửa sai nếu không dừng lại, đánh giá lại mọi việc ở góc nhìn tổng thể, khách quan, sáng rõ.
Điều đáng tiếc là tôi chưa nhận thấy dấu hiệu dừng lại, đánh giá nhằm sửa sai đúng mực. Nếu các nhà quản lý xã hội cứ thả trôi định hướng phát triển xã hội thì thật khó nói là đất nước Việt Nam sẽ đi về đâu?
Nếu vẫn trượt theo tiến trình này thì tin rằng xã hội Việt Nam 5 - 10 năm sau sẽ mất kiểm soát, bạo loạn, tội phạm sẽ giăng giăng,…
Nếu những điều tôi đã trình bày được các nhà quản lý lưu tâm và sớm tìm ra lối thoát kinh tế của như việc quản lý xã hội thì đó là cơ may cho nền kinh tế Việt Nam thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế và chuyển mình tiến vào kỷ nguyên văn minh, tiến bộ - con người sống với nhau bằng sự hiểu biết sáng rõ, yêu thương chân thành.
Nếu tôi được mời đứng vào vị trí đứng đầu đất nước nhằm thực hiện việc sửa sai thì yêu cầu đầu tiên của tôi là tôi phải có 1 tỷ USD và toàn quyền giữ dụng số tiền đó. Hiển nhiên là tôi không dùng số tiền đó cho cá nhân. Với số tiền đó trong tay thì tôi chỉ sợ đến chết ngợp.
Sau khi có số tiền đó trong tay thì trong vòng 6 tháng tôi sẽ quy đổi thành > 75,7 tỷ USD để mua lại các khoản nợ nước ngoài, trái phiếu chính phủ, mua lại những dự án bất động đang ngắc ngoải,… Đó là việc làm nhằm khắc phục lạm phát.
Nếu việc mua lại tương lai thành công thì chí ít giá trị thặng dư ảo có trong sản phẩm vật chất sẽ giảm đáng kể. Có lẽ số tiền mua lại tương lai sẽ là con số khủng lớn hơn con số 75,7 tỷ USD rất nhiều nhưng chỉ khi người Việt Nam tự chủ phần nào nền kinh tế thì mới có cơ may thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, phát huy nội lực, thế mạnh ưu thế của nền kinh tế sản xuất đầu vào, sản xuất nguyên liệu,… Tôi chỉ cho phép tôi dùng 6 tháng để làm việc này.
Nếu 6 tháng đầu tiên tôi làm được việc mua lại tương lai dân tộc thành công thì xem như việc tôi làm đã thành công một nửa.
Tiếp đến, yêu cầu thứ 2 tôi đưa ra là được toàn quyền quyết định những cải cách xã hội nhưng hiển nhiên là những đổi mới này phải thông qua sự đồng thuận của số đông, của người dân. Cải cách lương, cải cách thuế,… là những việc quan trọng cần làm nhằm ổn định lại xã hội,… Tôi tin rằng sau 1 đến 2 năm thì mọi việc sẽ ổn định và tôi sẽ rời vị trí ngay lập tức.
Không chỉ vậy. Trong thời gian 6 tháng tôi sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề tranh chấp biển Đông theo đúng công ước về luật biển năm 1982.
Với tôi mà nói ngay cả vấn đề nợ công Châu Âu thì tôi cũng cho phép mình 6 tháng để giải quyết dứt điểm. Khi có cờ trong tay thì phải phất ngay lập tức, có kết quả hay không thì chủ yếu là do có kế hoạch, đối sách rõ ràng hay không mà thôi. Nếu làm được việc thì chẳng cần nhiều thời gian mà làm gì.
Hơn nữa, ở vị trí càng cao càng dễ giải quyết vấn đề, hiển nhiên là làm việc cần không mắc sai lầm vì luôn luôn bị người đời soi nhất cử, nhất động. Thế nên điều quan trọng nhất của những nhà quản lý là phải có định hướng chiến lược sáng rõ, khách quan, tổng thể. Và hiển nhiên khi khách quan, tổng thể thì sự hiểu biết không bị trói ở bên này, bên kia, không trói vào địa vị, quyền lợi mà việc làm phải tùy thuận, hợp lòng người, hợp điều kiện, hoàn cảnh khi triển khai kế hoạch.
Có một điều chắc chắn rằng nói dễ, làm không dễ nhưng nếu định hướng đúng đắn, hợp lý thì nỗ lực làm thì sẽ được. Cụ thể như bộ sách tôi viết đến nay bị “treo” 4 quyển là vì bộ sách này chưa đến tay của những nhà quản lý cấp cao vì bộ phận trung chuyển đã kém cỏi khi tiếp nhận nội dung quyển sách.
Nếu có tầm nhìn một chút thì họ sẽ nhận ra sự ra đời bộ sách sẽ có lợi nhiều hơn hại. Tuy nhiên, khi phần đông người dân, cộng đồng mạng đồng tình, ủng hộ thì việc hợp thức hóa 4 quyển sách còn lại chỉ là vấn đề thời gian. Việc xuất bản bộ sách là việc tôi đã nỗ lực làm và kết quả thì thời gian sẽ trả lời. Còn tôi thì phải rời cuộc chơi mất rồi.
Tôi không che giấu một sự thật. Tôi không thích ngồi ở địa vị cao, có thể nói tôi là người sợ trách nhiệm, suy nghĩ nhiều khiến tôi mất ngủ.
Hôm nay, tôi sẽ dừng lại việc viết những bài viết bình thiên hạ. Một phần là tôi sắp đi xa, một phần là vì nếu viết nữa thì cũng quẩn quanh những mặt trái xã hội. Tôi tạm dừng cuộc chơi.
Xin gửi lời chào tạm biệt đến tất cả mọi người.
Cảm ơn bạn đã ghé thăm tôi!
Chúc tất cả mọi sống an lạc, khỏe mạnh và hạnh phúc!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét