Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

Trung Quốc càng cứu, thị trường chứng khoán càng khủng hoảng

@ 
Trung Quoc cang cuu, thi truong chung khoan cang khung hoang
Trung Quốc càng cứu, thị trường chứng khoán càng khủng hoảng, điều nghe có vẻ như là một nghịch lý đó lại đang là thực tế diễn ra vào thời điểm hiện tại ở Trung Quốc.
Bị ám ảnh bởi nguy cơ một sự sụp đổ của toàn bộ thị trường chứng khoán và đe dọa ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc, Bắc Kinh đang làm mọi cách có thể để cứu vãn tình hình.
Nhưng khi Trung Quốc càng cứu, thị trường chứng khoán càng khủng hoảng nặng thêm. Khi không còn giữ được sự tỉnh táo, Bắc Kinh đang tấn công vào chính những động lực căn bản đã tạo nên sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong những năm qua, đó là các nhà đầu tư và các quỹ tài chính.
Nếu như trong các cuộc khủng hoảng của thị trường chứng khoán khác trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu, người ta thường chỉ thấy các nhà kinh tế được huy động để ổn định tình hình; thì ở Trung Quốc, cảnh sát điều tra cũng đang vào cuộc.
Mãnh Khánh Phong, thứ trưởng bộ công an Trung Quốc, tuyên bố lực lượng điều tra đặc biệt của bộ công an nước này đang được huy động để truy tìm bằng chứng về các giao dịch bất hợp pháp và có ý đồ thao túng thị trường chứng khoán.
Điều này được xem là bắt nguồn từ báo cáo của ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc, trong đó giải thích một trong những lý do dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng của thị trường trong hơn một tháng qua là do “một số tổ chức và cá nhân đã mở các tài khoản cho vay bất hợp pháp để khách hàng chơi chứng khoán”.
Đối tượng bị cảnh sát điều tra Trung Quốc nhắm đến, vì thế đang là các công ty chứng khoán và các công ty cho vay ký quỹ - một hình thức phổ biến ở Trung Quốc hiện nay, trong đó một lượng lớn khách hàng có thể vay tiền từ các công ty này để chơi chứng khoán.
Việc xuất hiện và tồn tại một lượng lớn các nhà đầu tư sử dụng tiền từ các khoản vay ký quỹ không phải là việc mới diễn ra ở Trung Quốc, nhưng số lượng và tần suất giao dịch dạng này tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến cú suy giảm hơn 32% của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong hơn một tháng qua.
Trong 2 năm qua, lượng nợ ký quỹ ở Trung Quốc đã tăng gấp 5 lần, ở thời điểm hiện tại, tổng số nợ ký quỹ ở Trung Quốc đã lên tới 232 tỷ USD. Bằng cách triển khai lực lượng điều tra đến những tổ chức vay ký quỹ này, có vẻ như Bắc Kinh đang gửi đi một thông điệp rằng Trung Quốc sẽ giải quyết dứt điểm mọi nguyên nhân gây ra tình trạng tồi tệ hiện tại của thị trường chứng khoán nước này.
Nhưng, có vẻ như nỗ lực ấy đã phản tác dụng. Fraser Howie, tác giả cuốn sách “Red Capitalism” về kinh tế Trung Quốc, cho biết :
”Bắc Kinh đang cố gắng tìm một kẻ phản diện trong vấn đề này. Họ muốn có một bóng ma nào đó phải chịu trách nhiệm cho tất cả những việc này, thay vì thừa nhận đó là do những sai lầm của chính họ”.
Trên thực tế, việc xuất hiện các quỹ cho vay, các công ty chứng khoán và các nhà đầu cơ là chuyện diễn ra ở bất cứ một thị trường chứng khoán nào trên khắp thế giới chứ không chỉ riêng Trung Quốc.
Những nhà đầu cơ và các khoản vay ký quỹ này có ảnh hưởng nhất định đối với một thị trường chứng khoán, nhưng hiếm khi nó đủ mạnh để đe dọa thao túng, nhất là đối với một thị trường chứng khoán đồ sộ như của Trung Quốc.
Theo ước tính, trong hơn một tháng qua, tổng số vốn hóa bị thổi bay khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc lên tới 3.900 tỷ USD, trong khi tổng số nợ ký quỹ ở nước này chỉ là khoảng 232 tỷ USD, một con số thấp hơn rất nhiều và không đủ sức tạo nên một cơn chấn động lớn như những gì đã diễn ra.
Thậm chí, việc điều tra các quỹ ký nợ và các công ty chứng khoán còn đang tạo ra những phản ứng dội ngược. Fraser Howie cho biết, việc điều tra có thể bị xem như một nỗ lực đe dọa những nhà đầu tư và can thiệp vào quá trình giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Đó là lý do vì sao hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chọn cách đưa ra các giải pháp bình ổn thị trường bằng các công cụ tài chính, thay vì sử dụng cảnh sát điều tra các quỹ ký nợ và các công ty chứng khoán như Trung Quốc đang làm.
Cách sử dụng cảnh sát điều tra mà Bắc Kinh đang làm không giải quyết được tận gốc những vấn đề của thị trường chứng khoán nước này, mà chủ yếu là do sự bùng nổ và tan vỡ của những bong bóng kinh tế ảo.
Việc thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm hơn 32% chỉ trong một tháng qua là kết quả đã được dự báo từ trước đó ít nhất là hơn một năm, khi Bắc Kinh không những không kiểm soát sự phát triển quá nóng của thị trường này mà lại khuyến khích như một đòn bẩy giúp nền kinh tế tăng trưởng.
Điều tra các quỹ ký nợ và các công ty chứng khoán có thể làm tình hình bi đát thêm, khi nó thúc đẩy các nhà đầu tư bán tháo các cổ phiếu đang nắm giữ nhanh hơn.
Tình hình bi đát đến mức, giới truyền thông Trung Quốc bắt đầu quay sang công kích các nhà đầu tư nước ngoài như một đối tượng bị xem là có ý định thao túng thị trường chứng khoán nước này, đặc biệt là các nhà đầu tư Mỹ.
Đến mức trợ lý bộ trưởng tài chính Mỹ Robert Dohner đã buộc phải tuyên bố trước báo giới “Việc cáo buộc về việc Mỹ thao túng thị trường tài chính Trung Quốc là không chính xác, nó chủ yếu là do sự bán tháo từ trong nội bộ thị trường chứ không liên quan đến Mỹ”.
 Những thống kê cũng đang ủng hộ tuyên bố của ông Dohner, khi chỉ có khoảng 1,5% cổ phiếu trên thị trường Trung Quốc được nắm giữ bởi nhà đầu tư nước ngoài, do Trung Quốc vẫn đang hạn chế nghiêm ngặt điều này.
Tình trạng của thị trường chứng khoán và nền kinh tế Trung Quốc hiện nay đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, tương tự những gì đã diễn ra với Nhật Bản cách đây gần 30 năm.
Nhật Bản cũng phải đối mặt và trải qua một cú sốc đến từ thị trường chứng khoán dẫn đến sự trì trệ kéo dài gần 20 năm qua của nền kinh tế nước này. Trung Quốc ở thời điểm hiện tại cũng vậy.
Không ai dám chắc mức sụt giảm 32% của thị trường chứng khoán nước này trong hơn một tháng qua đã chạm đáy hay chưa, một sự sụt giảm mạnh hơn nữa nếu xảy ra có thể sẽ nhấn chìm nền kinh tế Trung Quốc vào một giai đoạn giảm phát nghiêm trọng kéo dài như đã diễn ra ở Nhật Bản.
Nhàn Đàm (theo FT)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: