Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Bảo vệ tài nguyên biển 'bằng dòng điện'


  • 27 tháng 7 2015
Tại Indonesia, các nhà sinh thái học đã tạo ra ‘những khối đá sinh học’ dưới đáy biển bằng một công nghệ rất đơn giản. Katie Silver tìm hiểu.
Chỉ cách bờ biển có vài mét, phía dưới làn nước biển trong suốt là một chiếc xe máy khổng lồ đặt lên trên một cấu trúc thép lớn. Nó được bao phủ bởi san hô, và những chú cá nhiệt đới lao nhanh dưới tay lái hay giữa những chiếc căm xe.

Bùng nổ du lịch

Đây không phải là sự sắp đặt nghệ thuật. Cấu trúc này được nối với nguồn điện, qua đó giúp hình thành một khối đá chắc chắn và về phần mình, khối đá trở thành nơi nuôi dưỡng những rặng san hô vốn đã bị hoạt động của con người tàn phá.
Cấu trúc có điện này được tạo nên ở đảo Gili Trawangan, một trong ba hòn đảo nhỏ nằm về phía tây bắc Lombok trên quần đảo Indonesia.
Ngành du lịch đã bùng nổ ở nơi này trong khoảng thời gian kỷ lục và cùng với sự phát triển du lịch, một nhóm các nhà hoạt động bảo vệ môi trường nước ngoài đã tập hợp lại để tạo ra mô hình này đặt dưới vùng biển xung quanh. Họ đã chứng minh được rằng công nghệ thông minh có thể giúp đất nước đang phát triển này bảo vệ những kỳ quan thiên nhiên của mình.
Hòn đảo vốn được biết đến với tên gọi ‘Gilis’ này là một điểm đến được ít người biết đến trước đây.
Giờ đây, mọi chuyện đã hoàn toàn khác. Trên con đường chính của đảo, du khách ngồi nhấm nháp sữa đậu nành, ăn đồ trong những quán có điều hòa nhiệt độ trong lúc các thánh đường phát loa kêu gọi tín đồ Hồi giáo cầu nguyện. Các du khách Úc và Thụy Điển chạy xe máy dọc theo hòn đảo dài ba cây số, phóng ngang qua những cư dân địa phương đi xe ngựa và trùm khăn choàng.
“Tôi thật sự rất kinh ngạc khi thấy kết quả mà công nghệ này đem lại,” bà Delphine Robbe, giám đốc Quỹ Gili Eco Trust, nói. Đến từ nước Pháp, Robbe đã chuyển đến sống ở hòn đảo này với công việc là một huấn luyện viên lặn vào đầu những năm 2000.
Bà đã khởi xướng dự án đá sinh học khoảng một thập niên trước và ban đầu dùng tiền lương của chính mình để trang trải. Đến giờ đã có đến 111 cấu trúc như vậy trên khắp ba hòn đảo, mỗi cấu trúc trị giá khoảng 2.270 đô la Mỹ.

Hồi phục san hô

Công nghệ đá nhân tạo khởi thủy là do các nhà hải dương học Thomas Goreau và Wolf Hilbertz phát triển.
Dòng điện một chiều công suất thấp chạy qua cấu trúc thép, tương tác với khoáng chất có trong nước biển khiến cho đá vôi kết tủa ngày càng dày trên cấu trúc thép. Hiện tượng này dựa trên nguyên lý điện phân – tức là dòng điện khiến hình thành phản ứng hóa học.
Cuối cùng đá vôi ngày càng dày chắc, trở thành môi trường sống lý tưởng cho các sinh vật biển.
“Nó giúp đẩy nhanh sự sinh trưởng của san hô. San hô trên những cấu trúc đá nhân tạo sống mạnh mẽ hơn bất cứ ở đâu khác,” Robbe nói.
Khi các thợ lặn phát hiện ra san hô bị thương tổn, họ di chuyển chúng đến những cấu trúc đá nhân tạo này để giúp hồi phục. Tốc độ hồi phục của chúng sẽ nhanh hơn 20 lần và khả năng sinh tồn của chúng tăng hơn đến 50 lần. Những san hô được phục hồi sẽ có màu sắc rực rỡ và đâm nhánh dày đặc. Một khi đã hồi phục, chúng được đưa trở lại ra biển lớn.
“Chỉ quan sát san hô và hy vọng chúng hồi phục sẽ chẳng có tác dụng gì,” Robbe nói.
Bà cho biết có những mảnh vụn san hô nằm dưới đáy biển. Chúng bị bão tố và sóng lớn làm cho trôi dạt khiến cho việc tái tạo không thể diễn ra.
Hoạt động của người dân địa phương và du khách lại càng làm cho chúng hư hại. Việc ngư dân sử dụng lưới lớn và thậm chí là chất nổ để đánh bắt, việc kéo rê những chiếc neo dưới nước, và việc du khách lặn biển chạm vào hay bước trên những rặn san hô đã khiến chúng bị hư hại. “Tất cả những điều này đều bị cấm theo luật pháp Indonesia nhưng không có ai kiểm soát cả,” bà cho biết.
Đá nhân tạo – có hình dáng như những con cá đuối khổng lồ, kim tự tháp, máy bay, cá heo, cá mập, thằn lằn hay đồi mồi – đang giúp đẩy lùi những sự hư tổn này.

Tăng lượng tôm cá

VHiệu quả không chỉ xảy đến đối với san hô: đá nhân tạo còn giúp tăng lượng tôm cá, nhất là tôm hùm và cá con vốn trú ẩn chọn những cấu trúc này làm nơi trú ẩn.
“Giờ đây chúng tôi đã có sự đa dạng sinh học tốt hơn và chất lượng nước cũng tốt hơn,” bà nói. Chúng đã giúp tình hình biến chuyển ở những bãi biển bị xói mòn nghiêm trọng. Giảm sự tác động của các đợt sóng mạnh, đá nhân tạo đã giúp cho cát tụ lại thay vì bị xói mòn ở bờ biển. Điều này đã giúp cho một số nơi ở bãi biển vươn ra khoảng 15 mét trong vài năm.
Và chúng cũng đã chứng minh được khả năng thích nghi và trụ được qua những thảm họa tự nhiên như trận sóng thần hồi năm 2004, do cấu trúc mở của chúng cho phép những cơn sóng lớn đi qua.
Mặc dù không có giới hạn về kích thước cũng như hình dạng của những cấu trúc này – chúng có thể dài hàng trăm dặm nếu có đủ ngân sách – nhưng chúng lại bị giới hạn ở chỗ cung cấp dòng điện cho chúng.
“Bạn không thể xây dựng chúng ở ngoài biển xa bởi vì bạn cần có điện,” Robbe nói.
Và ở một đất nước đang phát triển như Indonesia, điện cũng đồng nghĩa với dầu. Đó là một cái vòng luẩn quẩn về mặt môi trường.
Những người thực hiện dự án cũng đã thử dùng năng lượng mặt trời lấy từ những tấm pin mặt trời đặt ở phía trên. Vấn đề duy nhất là những tấm pin mặt trời này thường bị mất trộm.

Năng lượng từ sóng biển

Giờ đây họ dùng cách lấy năng lượng từ dòng chảy nước biển. “Các turbine biển hoạt động như turbine gió nhưng là ở dưới nước,” Robbe nói.
Do đá nhân tạo không cần cung cấp năng lượng liên tục, các cơn sóng biển có thể cung cấp đủ năng lượng.
Những người thực hiện dự án đã vất vả tìm ngân quỹ cho hoạt động của dự án trong bốn năm qua. Công nghệ này không chỉ đắt tiền mà nhập khẩu nó còn bị đánh thuế nặng. Do đó, họ đang tìm cách tạo ra công nghệ này tại chỗ.
Robbe hy vọng rằng nếu thành công thì dự án này sẽ giúp cho Indonesia thấy được khả năng sử dụng năng lượng từ sóng biển thay vì dầu để tạo ra nguồn điện cho đất nước.
“Sóng biển có tiềm năng to lớn để tạo ra năng lượng trong tương lai và phát điện, nhất là ở Indonesia, đất nước có thể sử dụng nguồn tài nguyên chính của họ là đại dương,” Robbe viết trên trang blog của mình.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: