Nhà chức trách Trung Quốc vừa thông báo bắt giữ và truy tố, đồng thời khai trừ đảng đối với ông Lệnh Kế Hoạch, người từng được coi là cánh tay phải của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trên cương vị Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây được coi là dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông Lệnh Kế Hoạch, đồng thời đánh dấu sự sụp đổ của nhân vật một thời được coi là “Đại nội tổng quản” của Bắc Kinh.
“Hổ lớn” Lệnh Kế Hoạch nay đã sa cơ
Theo thông báo của VKSND Tối cao Trung Quốc, cơ quan này quyết định mở cuộc điều tra Lệnh Kế Hoạch với cáo buộc tình nghi nhận hối lộ và quyết định bắt giữ ông này theo quy định của pháp luật. Các nhà điều tra phát hiện ông Lệnh Kế Hoạch vi phạm nghiêm trọng kỷ luật chính trị và điều lệ đảng, cũng như vi phạm kỷ luật tổ chức và bí mật của đảng, trong đó ông này lợi dụng chức vụ để làm lợi cho nhiều người khác, trong đó có vợ, và nhận hối lộ “khổng lồ” qua cá nhân và gia đình. Lệnh Kế Hoạch cũng bị cáo buộc ngoại tình với nhiều phụ nữ và dùng quyền lực để đổi lấy quan hệ tình dục.Đi tong sự nghiệp vì ông con quý tử
Có thể nói rằng khởi nguồn dẫn đến sự sụp đổ của Lệnh Kế Hoạch chính là vụ tai nạn xe Ferrari của ông con quý tử Lệnh Cốc. Khoảng 4h sáng 18-3-2012, nghĩa là 3 ngày sau khi Ủy viên Bộ Chính trị Bạc Hi Lai bị buộc phải rời khỏi chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, Lệnh Cốc, 23 tuổi, con trai của Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lệnh Kế Hoạch, tay chân thân tín nhất của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, lái một chiếc xe Ferrari màu đen tông mạnh vào trụ của một cây cầu trên đường Tây Hoàn ở Bắc Kinh. Lệnh Cốc chết tại chỗ, 2 cô gái Tây Tạng trên xe bị thương nặng, sau đó một người đã chết.
Bản tin vắn đầu tiên về vụ tai nạn được đăng tải trên tờ “Bắc Kinh Buổi tối”, không nêu tên của nạn nhân. Hình ảnh vụ tai nạn phát đi cho thấy chiếc xe Ferrari bị xé làm đôi. Ban đầu, người sĩ quan cảnh sát PCCC viết bản tin và chụp bức ảnh cho tờ “Bắc Kinh Buổi tối” nghĩ rằng đó chỉ là một tai nạn bình thường. Nhưng sau đó, ông ta đã bị quở trách, máy ảnh và máy tính thì bị công an tịch thu. Tờ “Bắc Kinh Buổi tối” cũng nhận được lệnh của Ban Tuyên truyền Trung ương không được phổ biến bức ảnh tai nạn. Bài báo liên quan trên trang web của tờ “Bắc Kinh Buổi tối” bị xóa bỏ và những từ khóa tìm kiếm liên quan như “Ferrari”, “Ferrari crash” đều bị chặn.
Vụ tai nạn xảy ra, nguồn tin trong Đảng Cộng sản và những phóng viên Trung Quốc biết về vụ việc này cho biết, ông Lệnh Kế Hoạch, đã cố gắng bưng bít với sự giúp đỡ của Cục Cảnh vệ Trung ương. Vì chuyện này, theo một nguồn tin có mối liên hệ với Cục Cảnh vệ Trung ương, Lệnh Kế Hoạch đã chịu nhiều chỉ trích bởi đáng ra việc xử lý thuộc về trách nhiệm của cảnh sát. Nghiêm trọng hơn, việc điều động nhân viên Cục Cảnh vệ Trung ương diễn ra chỉ ba ngày sau khi Bạc Hi Lai, nhân vật được lực lượng an ninh và quân sự ủng hộ, “ngã ngựa”. 6 tháng sau, Lệnh Kế Hoạch phải rời khỏi chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, chuyển sang giữ chức Trưởng Ban Mặt trận Thống nhất Trung ương. Khi quyết định trên được thông báo, không có bất cứ lời giải thích nào được đưa ra.
Tạp chí “Minh kính” (Hồng Kông) tiết lộ không lâu sau khi xảy ra vụ tai nạn, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Cục trưởng Công an Bắc Kinh Phó Chính Hoa nhận lệnh tới hiện trường, đích thân phụ trách việc điều tra. Một vụ tai nạn mà chấn động tới cả Cục trưởng Công an Bắc Kinh đủ cho thấy tầm quan trọng của nó đã vượt xa các vụ tai nạn giao thông thông thường xảy ra hàng ngày ở Bắc Kinh.
Vậy ai đã ra lệnh cho Phó Chính Hoa? Tạp chí “Đại sự kiện” (Hồng Kông) cho hay, ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn trên, Phó Chính Hoa nhận được một mật lệnh viết tay của Chu Vĩnh Khang, trong đó Chu Vĩnh Khang nói rõ rằng không được phép báo cáo kết quả và quá trình điều tra vụ tai nạn cho các ông Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình và Mạnh Kiến Trụ.
Vụ tai nạn của Lệnh Cốc
Tuy nhiên, sau này, Phó Chính Hoa đã giao bản mật lệnh đó cho ông Hồ Cẩm Đào và ông Tập Cận Bình, cuối cùng khiến cả 4 nhân vật mà Chu Vĩnh Khang không muốn họ biết về vụ tai nạn xe nơi nêu trên nổi giận. Khi đó, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc mới phát hiện chứng cứ bội phản của Chu Vĩnh Khang. Bản mật lệnh này cho thấy Chu Vĩnh Khang đã xây dựng được một tổ chức khổng lồ, hơn nữa còn trở thành “trùm sò” của tổ chức đó.Mục tiêu của nó là thông qua chính biến giành quyền kiểm soát đối với Đảng và chính quyền. Tổ chức này được gọi là “Bè lũ 4 tên” mới, ngoài Chu Vĩnh Khang còn có Bạc Hi Lai, Từ Tài Hậu và Lệnh Kế Hoạch. Theo Tạp chí “Minh kính”, sở dĩ Chu Vĩnh Khang che đậy vụ tai nạn ngoài ý muốn là muốn để Bạc Hi Lai và Lệnh Kế Hoạch tấn thăng vào Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội 18. Chu Vĩnh Khang cũng giúp Lệnh Kế Hoạch lên một kế hoạch lật đổ đa số ứng cử viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 mà ông Giang Trạch Dân tiến cử. Chu Vĩnh Khang cũng nói rõ với Lệnh Kế Hoạch về kế hoạch này rằng như vậy có thể giúp Lệnh Kế Hoạch bước vào thượng tầng quyết sách.
Khi phát hiện điều đó, Giang Trạch Dân đã vô cùng tức giận, ngầm điều động nhân viên đi điều tra “Bè lũ 4 tên.” Kết quả điều tra là bộ hồ sơ 1.600 trang khiến người ta không khỏi giật mình. Một là cả 4 thành viên “Bè lũ 4 tên” đều tích cực tham gia hành động “lật đổ quyết định của Trung ương Đảng để ông Tập Cận Bình kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào.” Hai là các thành viên “Bè lũ 4 tên” đều tham nhũng nghiêm trọng, nhưng nguy hiểm nhất là nhóm này đã kiểm soát được một phần lực lượng vũ trang. Chính từ những phát hiện này mà nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và ban lãnh đạo tối cao Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định ra đòn “đả hổ,” dẫn đến sự sụp đổ của Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu và Lệnh Kế Hoạch.
“Hổ lớn” bị bao vây và chặt bớt chân tay
Nếu xem xét trường hợp của Lệnh Kế Hoạch, người ta thấy rằng phương thức xử lý đối với Chu Vĩnh Khang đang được tái hiện. Đó là bao vây “hổ lớn” và chặt đứt dần chân tay hổ. Chiến dịch tấn công Lệnh Kế Hoạch chủ yếu tập trung vào tỉnh Sơn Tây, quê hương đồng thời là căn cứ địa của ông này. Sau Đại hội 18, lãnh đạo thế hệ 5 của Trung Quốc đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng, “đốn hạ” rất nhiều vị quan chức cấp cao trong “bang Sơn Tây” do Lệnh Kế Hoạch làm “bang chủ”, bao gồm cả anh em trai của Lệnh Kế Hoạch là Lệnh Chính Sách và Lệnh Hoàn Thành.
Tờ “Minh báo” (Hồng Kông) cho biết, trong năm 2013, toàn tỉnh Sơn Tây có hơn 11.800 quan chức vi phạm kỷ luật bị xử lý. Sang năm 2014, tốc độ chống tham nhũng ở Sơn Tây tiếp tục được đẩy mạnh. Kể từ đầu năm 2014 tới cuối tháng 8-2014, Sơn Tây đã có 7 vị quan chức từ cấp Thứ trưởng trở lên bị điều tra. Trong số 13 vị Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Sơn Tây tới nay đã có ít nhất 5 vị bị điều tra, gồm Kim Đạo Minh, Đỗ Thiện Học, Nhiếp Xuân Ngọc, Trần Xuyên Bình và Bạch Vân.
Theo thống kê của truyền thông, trong số 7 quan chức “ngã ngựa” nêu trên, ngoài Kim Đạo Minh là người Bắc Kinh, còn lại đều có gốc gác ở Sơn Tây. Nguồn tin từ Trung Nam Hải của Tạp chí “Minh kính” cho hay, những quan chức cấp cao ở Sơn Tây bị ngã ngựa gần đây đều có quan hệ trực tiếp với Lệnh Chính Sách và Lệnh Kế Hoạch. Họ đều thuộc “bang Sơn Tây”, có người trực tiếp do Lệnh Kế Hoạch đề bạt. Nguồn tin còn nhấn mạnh công cuộc chống tham nhũng ở Sơn Tây đã bước vào giai đoạn quyết liệt, sắp tới sẽ còn có thêm nhiều quan chức cấp cao của Sơn Tây “ngã ngựa”.
Theo Giáo sư Trương Minh, một chuyên gia khoa học chính trị tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, Lệnh Kế Hoạch có thể sẽ bị đưa ra xét xử tại tòa án giống như Bạc Hi Lai, người đã bị khai trừ ra khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012 và bị tuyên án tù chung thân vì các tội ăn hối lộ, tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Giáo sư Trương Minh nhấn mạnh: “Xét từ những ví dụ trước đây như Bạc Hi Lai, rất nhiều khả năng là chưa chắc Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu và Chu Vĩnh Khang sẽ chỉ phải chịu sự trừng phạt trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nếu không thì toàn bộ sự phô trương ầm ĩ sẽ là điều không cần thiết”.
Theo Hồng Phúc/An ninh thủ đô
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét