K H.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Một ngưới Trung Quốc lo ngại nhìn vào giá của cổ phiếu (màu đỏ cho giá cả tăng cao và màu xanh lá cây cho giá xuống) tại một trung tâm môi giới chứng khoán ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang phía đông của Trung Quốc, 19 Tháng sáu 2015. FRA files
Sự tuột dốc của thị trường chứng khoáng Trung quốc đã được dừng lại bởi nhiều biện pháp can thiệp của chính phủ Bắc Kinh. Sự ổn định, phát triển, hay suy sụp của nền kinh tế Trung quốc là đầu đề của những bàn luận kinh tế chính trị trong thời gian gần đây. Sau đây là ghi nhận ý kiến của một số nhà quan sát người Việt trong và ngoài nước về vấn đề này.
Chưa hay không sụp đổ?
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế ở Hà nội đánh giá về kinh tế Trung quốc:
“Việc nền kinh tế Trung quốc gặp khó khăn thì cái đó chúng ta đã biết rồi. Còn Trung quốc thì tôi nghĩ là họ sẽ tìm cách họ chèo chống. Tôi không nghĩ là nền kinh tế Trung quốc sẽ sụp đổ như một số dự đoán. Họ có thể sẽ gặp khó khăn, và trong lịch sử Trung quốc thì có những thời kỳ họ gặp khó khăn hết sức gay gắt nhưng họ vẫn vượt qua được.”
Nhà báo Ngô Nhân Dụng hiện sống tại Mỹ thì cho rằng nếu có cuộc khủng hoảng kinh tế ở Trung quốc thì chưa phải là lúc này, lúc mà mọi người chứng kiến sự chao đảo của thị trường chứng khoáng Trung quốc. Ông nói:
“Bên Trung quốc, thị trường chứng khoáng có hoạt động nhưng mà chỉ có 10% hay nhiều nhất là 15% người Trung Hoa có dính dáng đến chuyện mua cổ phần. Thành ra những người đó mất tiền chỉ là một phần nhỏ của xã hội Trung hoa.”
Việc nền kinh tế Trung quốc bị giảm tốc độ tăng trưởng đã được nhiều người nói đến trong hai năm qua. Theo Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm, từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á Thái Bình Dương ở Hawaii, thì có thể là Trung quốc đang đi đến giai đoạn phát triển chậm lại, như những quốc gia phát triển trước Trung quốc ở Đông Á là Nhật bản và Hàn quốc. Tuy nhiên ông Lâm cho biết thêm là điều khác biệt lớn giữa Trung quốc với hai quốc gia kia là sự cấu kết giữa giới làm ăn với nhà cầm quyền ở Nhật và Hàn quốc không nhiều như bên Trung quốc.
Tôi không nghĩ là nền kinh tế Trung quốc sẽ sụp đổ như một số dự đoán. Họ có thể sẽ gặp khó khăn, và trong lịch sử Trung quốc thì có những thời kỳ họ gặp khó khăn hết sức gay gắt nhưng họ vẫn vượt qua đượcTiến sĩ Lê Đăng Doanh
Ông Vũ Hồng Lâm nói về mô hình chính trị kinh tế của Trung quốc:
“Đó là một chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo. Nhưng có một nền kinh tế tư bản, cho nên cuối cùng là đảng cộng sản làm kinh tế, đảng cộng sản làm tư bản, và nó kiểm soát tất cả các nguồn lực kinh tế, lấy ví dụ như các nhà băng. Đều là ngân hàng quốc doanh cả, và họ có rất nhiều tiền. Người dân Trung quốc tiết kiệm để trong nhà băng, nhà băng có tiền rồi thì vung ra, cho các giới, cho mọi người đi vay. Thì cũng giống như Việt nam là anh nào chạy được thì được vay. Vay vào có vốn rồi thì vung ra đầu tư, bất cần có hiệu quả hay không. Vấn đề ở Trung quốc là sự đầu tư quá mức nhưng không để ý nhiều đến vấn đề hiệu quả.”
Vấn đề tiền của nhà nước, hay đúng hơn là tiền thuế của toàn dân chỉ được các ngân hàng nhà nước sử dụng cho vay làm kinh tế cũng được nhà báo Ngô Nhân Dụng đề cập đến. Theo ông thì những người lãnh đạo Trung quốc cũng có một kế hoạch lớn để cải tổ nền kinh tế của mình theo hướng thị trường hoàn toàn, loại bỏ đi sự can thiệp của nhà nước. Tuy nhiên qua cuộc khủng hoảng chứng khoáng trong các tuần lễ cuối tháng sáu cho thấy là dự án đó có khả năng thất bại. Ông Ngô Nhân Dụng nói:
“Khi mà người ta nhìn vào các phản ứng của chính quyền Trung quốc ngăn không cho thị trường sụp thì người ta thấy có hai mối nguy. Mối nguy thứ nhất là tất cả các biện pháp đó đều trái với qui tắc sinh hoạt của thị trường. Tức là chính quyền đã làm những việc mà ở các nước có thị trường chứng khoáng và kinh tế thị trường không ai làm cả. Cái đó đưa đến hậu quả thứ hai là với những biện pháp như vậy chính quyền Trung quốc đang thụt lùi, đang lùi bước trong việc thực hiện cái kế hoạch gọi là cải tổ của họ.”
Chính quyền đã làm những việc mà ở các nước có thị trường chứng khoáng và kinh tế thị trường không ai làm cả. Cái đó đưa đến hậu quả thứ hai là với những biện pháp như vậy chính quyền Trung quốc đang thụt lùi, đang lùi bước trong việc thực hiện cái kế hoạch gọi là cải tổ của họÔng Ngô Nhân Dụng
Ông có kể ra những biện pháp phi thị trường mà chính quyền Trung quốc đã sử dụng khi chứng khoáng bị tuột giá, như là bơm tiền của nhà nước, hay là cấm không giao dịch cổ phiếu. Như vậy người ta không thấy cổ phiếu bị tuột giá nữa nhưng thực chất là không còn tồn tại thị trường vì không có mua bán.
Một nhà quan sát nước ngoài là ông Ian Bremmer của tổ chức tư vấn Á Âu cũng nói là dường như dự án cải cách nền kinh tế Trung quốc được các nhà lãnh đạo nước này dày công xây dựng trong ba năm qua đã đổ vỡ.
Từ đó nhiều người cũng dự đoán là để giữ vững ổn định chính trị thì có thể là Trung quốc sẽ vẫn tiếp tục là quốc gia sản xuất hàng giá rẻ và nhắm vào xuất khẩu với sự chi phối lớn của nhà nước như trong mấy chục năm qua.
Nhưng theo Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm thì sự phát triển của Trung quốc trong mấy chục năm qua có tiềm ẩn nhiều rủi ro:
“Theo tính toán của tôi thì độ năm năm nữa thôi thì Trung quốc sẽ chấm dứt thời kỳ tăng trưởng cao chuyển qua tăng trưởng trung bình và thấp. Tức là độ khoảng 4% một năm thôi, thay vì 8% như hiện nay. Trung quốc đang ở trong thời kỳ giảm tốc, và khi giảm tốc như vậy thì không tạo ra nhiều cơ hội cho kinh doanh như trước đây nữa. Tất cả những vấn đề ứ đọng từ bao nhiêu năm nay sẽ bung ra, và không loại trừ khả năng là trong vòng năm năm, 10 năm tới Trung quốc sẽ rơi vào một cuộc đại khủng hoảng kinh tế rất to lớn.”
Việt nam sẽ ra sao nếu Trung quốc suy sụp?
Điều mà nhiều nhà quan sát đồng ý với nhau khi trả lời câu hỏi này là Việt nam sẽ hứng chịu sự xâm nhập ồ ạt của hàng hóa mà Trung quốc bán tống bán tháo. Một số người thì nhìn thấy là trong đống hàng hóa giá rẻ đó có thể có những nguyên liệu mà Việt nam cần cho việc sản xuất, vì thế có thể chuyển những ảnh hưởng tiêu cực thành điều có lợi. Tuy nhiên trong viễn cảnh gia nhập tổ chức hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt nam có thể sẽ phải bị bắt buộc sử dụng nguồn nguyên vật liệu của các quốc gia thành viên trong một số lãnh vực, trong khi Trung quốc không phải là thành viên của TPP.
Trả lời câu hỏi này ông Ngô Nhân Dụng nói nếu điều đó xảy ra thì cả thế giới sẽ bị ảnh hưởng, còn Việt nam chỉ là một phần nhỏ trong sự ảnh hưởng ấy. Nhưng ông cũng e ngại là khi bị khủng hoảng thì người Trung quốc sẽ dùng nhiều biện pháp bất chính để xâm nhập Việt nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét