Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

Tránh vỏ dưa sẽ gặp vỏ dừa


Nguyễn Vũ
(TBKTSG) - LTS: Những bài học rút ra qua sự kiện thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc lao dốc vừa qua rất có giá trị cho TTCK Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Nhiều chuyên gia kinh tế thế giới chia sẻ cùng một nhận định: vấn đề của chứng khoán Trung Quốc không phải khoản tiền khổng lồ lên đến 3.500 tỉ đô la bị bốc hơi trong thời gian ngắn, vấn đề là qua cách ứng xử với cú sụt giảm giá cổ phiếu lần này, Trung Quốc đã đánh mất niềm tin của giới đầu tư vào tính minh bạch, tôn trọng quy luật thị trường và thậm chí mô hình phát triển của nước này.

Theo thông tin tổng hợp từ các báo, để ngăn chặn đà giảm sút của giá cổ phiếu, chính quyền Trung Quốc đã áp dụng những biện pháp chưa từng có. Tuần trước 17 ngân hàng cùng nhau cam kết cho công ty tài chính chứng khoán China Securities Finance (CSF) vay đến 1.300 tỉ nhân dân tệ (gần 210 tỉ đô la) để nơi này có tiền bơm cho người dân vay mà chơi chứng khoán theo kiểu đòn bẩy trong khi chính kiểu chơi chứng khoán này là một trong những nguyên nhân gây ra đợt bong bóng này.

Nếu một người có 100 đồng, mở tài khoản và được vay thêm 100 đồng để mua bán chứng khoán - cách giao dịch này gọi là giao dịch ký quỹ (margin trading), sẽ khuếch đại lời cũng như lỗ của người chơi lên nhiều lần. Trước đây vay tiền để làm đòn bẩy như thế bị cấm ở Trung Quốc nhưng được nới lỏng dần từ năm 2010. Thế là dân Trung Quốc đua nhau vay nợ để chơi chứng khoán - nợ ký quỹ như thế đã tăng ba lần từ tháng 6-2014, theo tờ Wall Street Journal. Vay nợ để chơi chứng khoán thì nước nào cũng có nhưng ở Mỹ, tỷ lệ này chỉ chừng 2-3% còn ở Trung Quốc đã tăng vọt lên 8,5% trong một thời gian ngắn. Điều quan trọng hơn là không một ngân hàng trung ương nước nào lại đứng ra tuyên bố sẵn sàng rót tiền cho công ty chứng khoán nhà nước (ở đây là CSF) để hỗ trợ chuyện giao dịch ký quỹ như ở Trung Quốc. Mười bảy ngân hàng cho CSF vay cũng là dưới sự chỉ đạo của ngân hàng trung ương nước này, tạo ra một nguy cơ rủi ro cho các ngân hàng này nếu thị trường có một cuộc sụp đổ trong tương lai.

Những biện pháp khác để vực dậy thị trường bao gồm chuyện tạm ngưng các vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng; cho hơn một nửa công ty đang niêm yết tạm ngưng giao dịch; buộc các cổ đông lớn (có trên 5% cổ phần), giới điều hành và hội đồng quản trị các công ty niêm yết không được bán cổ phiếu trong vòng sáu tháng; buộc các công ty mua lại cổ phiếu của chính họ... Căng nhất là cho cảnh sát điều tra các vụ bán khống, các vụ bị cáo buộc là thao túng giá. Quy mô lớn nhất là việc các quỹ hưu trí sẵn sàng rót tiền vào chứng khoán.

Một số biện pháp này trông rất phản cảm đối với những nhà đầu tư quốc tế vì một lẽ rất đơn giản, không chính phủ nước nào lại đứng ra cấm người này bán cổ phiếu, bắt người kia phải mua hay dùng tiền thuế của dân để rót vào canh bạc chứng khoán cả. Chắc chắn với những biện pháp quyết liệt như thế, thị trường sẽ phục hồi, thậm chí tăng mạnh như cũ nhưng tâm lý ngán ngại của nhà đầu tư nước ngoài xem như đã định hình. Cũng may cho Trung Quốc là tỷ lệ cổ phiếu nước này do người nước ngoài nắm giữ còn rất thấp - dưới 1%.

Với nhà đầu tư nội địa, các biện pháp can thiệp ắt sẽ được hoan nghênh vì ai mà không muốn thấy giá cổ phiếu mình đang nắm giữ tăng giá. Nhưng uy tín của chính quyền lúc đó sẽ gắn với giá cổ phiếu - giả thử sau này khi cần để thị trường tự điều chỉnh vì bong bóng quá căng thì không ai dám để giá tụt như vừa qua. Xem như thị trường chứng khoán không còn đóng vai trò phân bổ vốn hiệu quả nhất cho những doanh nghiệp cần vốn và xứng đáng nhận vốn; nó không còn là hàn thử biểu đo lường sức khỏe của nền kinh tế nữa mà trở thành thước đo uy tín của chính quyền - một điều hoàn toàn phi thị trường.

Hình ảnh Trung Quốc cố gắng xây dựng trong hai năm qua như thúc đẩy hoàn thiện cơ chế thị trường, giảm bớt các can thiệp của nhà nước vào sự vận hành của nền kinh tế đã bị phá hủy trong chốc lát. Tạp chí Vox kết luận: “Thế hệ sắp tới của giới điều hành, doanh gia và nhà đầu tư Trung Quốc sẽ ít dùng thời gian vào việc cố gắng làm cho doanh nghiệp mình đạt năng suất cao hơn, cải tiến nhiều hơn mà sẽ dành nhiều thời gian nghĩ cách làm hài lòng chính quyền Bắc Kinh”.

Thật ra sự bùng nổ giá chứng khoán ở Trung Quốc trước những tuần lễ sụt giá vừa qua cũng do các biện pháp trước đó của chính quyền như nới lỏng việc cho vay làm đòn bẩy, giảm lãi suất, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng... Lúc đó Trung Quốc muốn dùng thị trường chứng khoán để huy động nguồn lực của người dân vào việc cân đối lại các khoản thua lỗ lớn của doanh nghiệp tích tụ trong nhiều năm qua. Nói một cách ngắn gọn, khi con đường gia tăng xuất khẩu để làm động lực tăng trưởng kinh tế không còn hiệu quả do sức mua các nước sụt giảm sau khủng hoảng kinh tế, Trung Quốc xoay qua kích cầu nội địa. Khắp nơi vay nợ để xây cầu, đường, địa ốc, sân bay, bến cảng trong khi hiệu quả không được tính đến. Lúc đó họ mới tính đến việc huy động các khoản tiết kiệm của người dân thông qua con đường chơi chứng khoán để giảm nợ, kích thích nhu cầu nội địa. Ở góc cạnh này thì Trung Quốc đã thành công khi đến 85% nhà đầu tư là cá nhân chứ không phải nhà đầu tư tổ chức như ở các nước khác. Người dân bị cuốn vào cơn sốt chứng khoán đến nỗi có câu nói nửa đùa nửa thật: không ai thật sự làm việc cho đến sau 3 giờ chiều (giờ thị trường đóng cửa).

Cái khơi mào cho đợt sụt giảm chứng khoán vừa qua cũng đến từ các chính sách siết lại khi thị trường quá nóng. Dù thị trường đã giảm tổng cộng một phần ba giá trị so với đỉnh cao hồi tháng 6 năm nay, chỉ số chứng khoán Trung Quốc vẫn còn cao hơn cùng kỳ năm ngoái đến 80%.

Vì thế, một nhận định khác cũng được nhiều người chia sẻ: Trung Quốc đã đổi một vấn đề này lấy một vấn đề khác, có thể sẽ nhức đầu hơn trong tương lai.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: