Ông Phan Bội Trân tiết lộ, để tấn công 1 chiếc tàu khu trục thì cần khoảng 50 chiếc tàu ngầm, trong đó có 48 chiếc “chia lửa”, còn 2 chiếc tiếp cận tàu đối phương...
Trong phần trước của cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Phan Bội Trân tiết lộ rằng, với 2 tỷ đồng (khoảng 100.000 USD), ông có thể chế tạo một tổ hợp khí tài đánh chìm được một chiếc tàu khu trục có giá cả trăm triệu USD.
Ông cũng nhận định rằng, khi hoàn thiện, hạm đội tàu ngầm do ông chế tạo sẽ ngang với Hạm đội 7 của Mỹ.
Còn điều gì bí mật về sức mạnh của những chiếc tàu ngầm trong kế hoạch của ông Phan Bội Trân mà chúng ta chưa được biết? Mời quý độc giả theo dõi tiếp ở phần dưới đây.
PV: Như ông nói, tốc độ là một ưu điểm của tàu ngầm do ông chế tạo. Vậy trong tương lai, ông có nghĩ đến biện pháp để tăng tốc độ cho chiếc tàu ngầm của mình không?
Ông Phan Bội Trân: Tôi đã chạy thử chiếc tàu ngầm của tôi ở dạng mô hình với tốc độ 50 hải lý/giờ rồi.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu để cho tàu chạy nhanh thì tôi thấy có hiện tượng giảm áp. Một cánh quạt chạy trong nước sẽ quay, đẩy nước về mặt sau. Mặt sau của cánh quạt chịu áp suất của nước, phần trước của cánh quạt bị giảm áp suất.
Phần tăng áp suất không có vấn đề gì nhưng ở phần giảm áp suất thì có vấn đề.
Khi giảm áp suất đến một ngưỡng nào đó, nước sẽ bay hơi (dù nhiệt độ tại đó là nhiệt độ bình thường) từ mặt cánh quạt giống như hiện tượng đun sôi nước.
Khí đó sẽ luồn ra mặt sau và như vậy, cánh quạt không tác động lực lên một vùng là nước nữa mà tác động lên một vùng có bọt khí.
Áp suất ép lên vùng nước có bọt khí này sẽ dẫn đến hiện tượng nén bọt khí làm giảm thể tích. Quá trình như vậy không truyền lực để đẩy con tàu về phía trước.
Chính vì vậy, khi tăng tốc độ đến một mức nào đó thì mình không thể tăng được nữa. Nếu tăng quá cái tốc độ tạm gọi là tốc độ tới hạn thì tàu sẽ không chạy nữa chứ không phải chạy nhanh hơn.
Nhưng mục đích của mình là tăng sức đẩy để tàu ngầm chạy nhanh, lúc đó mình phải nghĩ ra cách khác. Tôi đã nghĩ ra nhưng đó là bí mật mà tôi không thể nói ra. Tôi đã thử nghiệm thành công.
Về mặt lý thuyết, tôi đã thử nghiệm thì thấy tốc độ đạt được hơn 6 lần tốc độ ban đầu (hơn 50 hải lý/giờ). Tuy nhiên, tôi thấy với tàu của tôi, 50 hải lý/giờ là tốc độ tối ưu.
Nếu tăng đến 70 hải lý/giờ thì mình không bắn được ngư lôi nữa vì tàu nhanh quá. Thông thường tốc độ của tàu đối phương khoảng 37 hải lý/giờ, nếu mình chạy 50 hải lý/giờ là mình đã có thể khóa đường rút chạy của chiếc tàu đó.
PV: Đã có lần, chia sẻ với báo giới, ông cho hay: Khả năng hoạt động của chiếc tàu ngầm do ông chế tạo chỉ khoảng 30km. Dường như khả năng đó là quá nhỏ so với yêu cầu chiến đấu trong thực tiễn…
Ông Phan Bội Trân: Nếu không có hệ thống modul thứ 3, mỗi chiếc tàu chỉ hoạt động xa khoảng 30km. Còn tầm xa phụ thuộc vào modul thứ 3.
Với điều kiện kinh tế của Việt Nam thì có thể bỏ ra một số tiền để chế tạo hệ thống modul thứ 3 này, giúp tàu hoạt động được trong tầm 1.000km.
Giá một chiếc tàu ngầm kích thước 6m và sản xuất hàng loạt chỉ khoảng 4.000 USD (tàu có 3 chỗ ngồi). Và kể cả khi đã trang bị thêm hệ thống modul thứ 3 để nó có thể hoạt động xa 1.000km thì giá thành cũng không đáng kể so với một chiếc tàu ngầm Kilo.
Về độ sâu hoạt động, chiếc tàu có thể lặn sâu khoảng 70m bởi nếu lặn sâu hơn thì giá thành sẽ tăng.
PV: Khi chế tạo chiếc tàu ngầm nhỏ như vậy, hẳn là ông đã hình dung trong đầu cách đánh khi gặp tàu của đối phương, thưa ông?
Ông Phan Bội Trân: Dĩ nhiên là như vậy. Khi gặp tàu của đối phương, tàu ngầm của tôi sẽ áp sát đến mục tiêu, đương đầu để đánh nhau và sử dụng chiến thuật bầy sói.
Phương châm đánh là đánh phủ đầu, tức là đưa ra một lực lượng rất đông, ví dụ như 1.000 chiếc. Mà để chế tạo 1.000 chiếc thì nếu theo cách thông thường, về mặt kỹ thuật là rất khó.
Nhưng trong ngành composite thì 1.000 chiếc, mình có thể làm được trong 6 tháng.
Để tấn công 1 chiếc tàu khu trục, chiến thuật của tôi là đưa ra khoảng 50 chiếc, trong đó có 48 chiếc “chia lửa”, còn 2 chiếc tiếp cận chiếc tàu đối tượng.
Khi mình tiếp cận tàu địch thì mình ở dưới tầm radar của đối phương nên sẽ không bị phát hiện. Vì thế tên lửa, pháo và pháo phòng không (pháo 630) của họ sẽ không làm gì được tàu ngầm của mình.
Khi tiếp cận ở cự ly khoảng 2.000m thì đó là khoảng cách quá gần, nếu 50 chiếc cùng vào bao vây, chiếc tàu khu trục của địch sẽ không chạy thoát được.
Chiếc tàu nào của mình thuận lợi sẽ bắn. Không loại trừ khả năng sẽ có 4-5 chiếc cùng bắn vì không phối hợp được.
Về cách đánh, không phải đánh qua đánh lại khiến đối phương bị tiêu hao sinh lực mà phải tiêu diệt gọn đối phương luôn để giữ bí mật tác chiến cũng như bí mật về vũ khí.
Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Video: Ông Phan Bội Trân chia sẻ về khát vọng chế tạo tàu ngầm ở Việt Nam
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét