- Tình hình biển đảo
- Đăng ngày Thứ bảy, 25 Tháng 7 2015 08:38
Thực tế cho thấy cứ khi nào bị láng giềng, cộng đồng quốc tế chỉ trích về các hành vi hung hăng, cứng rắn trên biển, Trung Quốc lại tổ chức tập trận ở ngay vùng biển nằm trong khu vực tranh chấp, thậm chí là thuộc vùng biển của nước khác. Và dường như mức độ chỉ trích càng mạnh mẽ, quy mô tập trận càng gia tăng.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Trung Quốc tỏ ra rất cứng rắn trong quan điểm bảo vệ cái gọi là “chủ quyền” của Bắc Kinh tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Sau một thời gian âm thầm “tẩy não” người dân qua giáo dục, sách vở và tuyên truyền thông tin về “chủ quyền lãnh thổ”, Trung Quốc đã bắt đầu củng cố các yêu sách chủ quyền theo hướng hành động và hành động ngày một liều lĩnh hơn, bài bản hơn.
Đơn cử là các việc: Trung Quốc thành lập “thành phố Tam Sa”, đơn vị hành chính quản lý phi pháp 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; đồng thời, tích cực mở rộng các kênh thông tin truyền thông liên quan đến thành phố phi pháp này như xuất bản “Nhật báo Tam Sa”, xây dựng kênh truyền hình chuyên biệt “Vệ thị Nam Hải”; đưa dân ra sinh sống bất hợp pháp trên một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; xây dựng các cơ sở hạ tầng trường học, bệnh viện, nhà máy lọc nước, đường sá, cầu cảng, bến tàu… ở những nơi này; phủ sóng 3G, 4G ở nhiều điểm đá, đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa; cấp hộ chiếu điện tử có in bản đồ “đường 9 đoạn” cho công dân Trung Quốc; “lột bỏ” vỏ bọc dân sự, giám sát cho các đội tàu “quân sự” bằng cách thành lập lực lượng Cảnh sát biển trên cơ sở hợp nhất các lực lượng thực thi pháp luật biển như Hải giám, Hải cảnh, Ngư chính…; đưa khách ra du lịch trái phép ở Hoàng Sa; đem giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; xây dựng phi pháp một loạt đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và triển khai các cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích dân sự và quân sự trên các đảo nhân tạo này…
Đặc biệt, việc Trung Quốc tổ chức tập trận trên biển, mặc dù được Bắc Kinh giải thích là đã được dự kiến từ trước và không nhằm vào bất kỳ nước nào, lại “vô tình” thường xuyên diễn ra trong bối cảnh nước này bị láng giềng và cộng đồng quốc tế chỉ trích. Có thể điểm ra một số cuộc tập trận của Hải quân Trung Quốc để minh chứng cho nhận định này:
Giữa năm 2009, Trung Quốc chính thức tiết lộ đòi hỏi chủ quyền của mình thông qua tấm bản đồ “đường 9 đoạn”, gọi nôm na là “đường lưỡi bò”, bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông. Thế giới ngạc nhiên. Việt Nam, Malaysia, Indonesia lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Đến đầu năm 2010, Hải quân Trung Quốc đã bắt đầu phô trương cơ bắp với một loạt những cuộc tập trận rầm rộ, trên các vùng biển chung quanh, đặc biệt là Biển Đông, qua đó cho thấy khả năng vươn tới những nơi rất xa xôi ở tận phía Nam.
Thoạt đầu là cuộc tập trận vào tháng 4, huy động cả ba hạm đội của Trung Quốc là Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải. Điều khiến giới quan sát chú ý là quy mô rộng lớn của địa bàn diễn tập. Trong cuộc tập trận này, tàu chiến của Trung Quốc đã vượt qua rặng đảo Okinawa, thông qua kênh đào Bashi, thực hiện các bài tập bắn đạn thật ở phía bắc Philippines, trước khi xuống vùng eo biển Malacca.
Vào đầu tháng 11, đến lượt thủy quân lục chiến Trung Quốc tập trận trong vùng Biển Đông, với 100 chiến hạm, tàu ngầm và máy bay, cùng với 1.800 binh lính như để phô trương thanh thế.
Chuyên gia về khu vực và Biển Đông, Giáo sư Carl Thayer lúc đó đã đưa ra nhận định: “Các cuộc tập trận nhằm chứng tỏ rằng Trung Quốc hiện đã có khả năng triển khai lực lượng vượt qua rặng đảo thứ nhất để đến chuỗi đảo thứ hai. Thông điệp gửi đi rất rõ ràng: Trung Quốc đã có năng lực triển khai một lực lượng hải quân hùng hậu trong một thời gian dài trong vùng quần đảo Trường Sa và sâu xuống phía nam”.
Tháng 8 năm 2014, sau khi lặng lẽ rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam và “hứng” vô số lời chỉ trích đích danh từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã tổ chức tập trận để đối phó lại kịch bản các tàu cá nước ngoài tấn công một giàn khoan tại vùng biển gần vịnh Bắc Bộ của Việt Nam. Cuộc tập trận có sự tham gia của hàng chục chiến hạm, cùng 10 đơn vị quân sự và dân sự, và nhiều máy bay chiến đấu từ Hạm đội Nam Hải.
Chuyên gia Lý Kiệt của Trung Quốc khi đó đã nói rõ là: Các cuộc tập nhằm cho Việt Nam và các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc hiểu rằng “Trung Quốc chuẩn bị sẵn sàng để đáp trả bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào các giàn khoan dầu”.
Gần đây nhất, nói về cuộc tập trận quy mô lớn trong 10 ngày từ 20-31/7/2015 tại các đảo phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Bắc Kinh cũng có những lời giải thích rất “văn hoa”.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết: “Đây là đợt diễn tập quân sự thường xuyên theo lịch trình kế hoạch hằng năm, không nhắm mục tiêu vào bất kỳ nước nào khác”.
Thậm chí, việc tập trận của Trung Quốc còn được gắn với một mục đích “cao cả, nhân văn” là để “chia sẻ các trách nhiệm quốc tế với Mỹ nhiều hơn trong lĩnh vực bảo đảm an ninh hàng hải, đặc biệt là kể từ khi Mỹ “biên” Trung Quốc thành “kẻ ngồi không hưởng lợi” trong các vấn đề quốc tế hơn 3 thập niên qua”.
Trong khi đó, Thiếu tướng Tô Quảng Vũ, cố vấn cao cấp của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị Trung Quốc thì “xỏ xiên” rằng: “Không giống như quân lực Hoa Kỳ có thể được đào tạo qua các quốc chiến tranh, sức mạnh của Hải quân Trung Quốc chỉ có thể được tăng cường thông qua luyện tập thường xuyên”.
Tuy nhiên, dù có giải thích thế nào thì không thể phủ nhận được thực tế là Trung Quốc tập trận “vô tình” vào thời điểm Bắc Kinh đang là trung tâm chỉ trích và quan ngại mạnh mẽ của khu vực và quốc tế.
Không chỉ là đối tượng được “nhắc” thường xuyên trong phiên điều trần của Philippines tại Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye liên quan đến kiện“đường 9 đoạn” thu hút sự chú ý của toàn cầu, “mối đe dọa Trung Quốc” còn hiện hữu trong “Sách trắng Quốc phòng” Nhật Bản công bố ngày 21/7. Tokyo đã lên án mạnh mẽ các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông là một “nỗ lực cưỡng chế” nhằm củng cố yêu sách chủ quyền đơn phương của nước này.
Cùng ngày, tại Washington, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Daniel Russel lại phát đi thông điệp “nhắc nhở” Bắc Kinh rằng: Washington chỉ duy trì thái độ trung lập đối với các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, chứ không trung lập trong bảo vệ luật pháp quốc tế ở vùng biển “nóng” này.
Trước đó, tân Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift “nhắc khéo” Trung Quốc trong bài phỏng vấn rằng Mỹ đã, đang và sẽ luôn phản đối “mọi hành vi gây hấn và sử dụng vũ lực” trên Biển Đông, đồng thời cam kết rằng, các lực lượng của Mỹ đã sẵn sàng tới Biển Đông để đối phó với tình trạng an nguy của tuyến đường hàng hải chiến lược của khu vực và thế giới này.
Quyết tâm “dập lửa” ở Biển Đông của Mỹ đã được tân chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương thể hiện khi đích thân chỉ huy tuần tra không phận vùng biển này trên chiếc P-8A Poseidon. Phát biểu sau chuyến bay trinh sát, ông khẳng định ngoài mục đích trực tiếp kiểm định khả năng của P-8 Poseidon, đây cũng là một động thái thể hiện cam kết của Mỹ về việc đảm bảo quyền tự do đi lại trên Biển Đông.
Rõ ràng, tập trận đang trở thành một “chiêu” được Bắc Kinh sử dụng như một cách gửi thông điệp đáp lại phản ứng của quốc tế. Trung Quốc muốn ra oai thị uy và thách thức - thách thức láng giềng, thách thức công luận quốc tế và thách thức cả luật pháp quốc tế.
Theo NĂNG LƯỢNG MỚI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét