(Giải trí) - Các nhà thiên văn học chuyên săn lùng những hành tinh ngoài hệ mặt trời vừa phát hiện một hành tinh có nhiều đặc điểm rất giống hành tinh xanh của chúng ta.
Niềm hi vọng về khả năng tìm thấy sự sống ngoài Trái đất tiếp tục bừng lên.
Theo AFP, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết hành tinh Kepler 452b nằm cách Trái đất khoảng 1.400 năm ánh sáng, thuộc chòm sao Cygnus. Nó di chuyển trong “vùng ở được” xung quanh một ngôi sao chủ tương tự Mặt trời của chúng ta.
Trong “vùng ở được”, nhiệt độ trên bề mặt hành tinh cho phép nước tồn tại ở dạng lỏng, điều kiện tiên quyết của sự sống.
Ngôi sao chủ có độ tuổi 6 tỉ năm (Mặt trời hiện 4,6 tỉ năm tuổi). Kepler 452b lớn hơn Trái đất khoảng 60% và mỗi năm trên hành tinh này dài 385 ngày.
Trước đây các nhà khoa học từng tìm thấy những hành tinh nằm trong “vùng ở được” của các ngôi sao, nhưng đa số những ngôi sao này đều nguội hơn và nhỏ hơn Mặt trời của chúng ta.
Nhà vật lý John Grunsfeld, một lãnh đạo NASA, mô tả Kepler 452b là “anh em sinh đôi gần gũi nhất với Trái đất” hoặc “trái đất 2.0”.
Kính thiên văn không gian Kepler đã phát hiện Kepler 452b. Kính thiên văn này đã săn tìm các thế giới bên ngoài hệ mặt trời từ năm 2009.
Chuyên gia Jon Jenkins của NASA cho biết Kepler 452b có lực hấp dẫn lớn gấp hai lần Trái đất. Hành tinh này nhiều khả năng có bầu khí quyển dày, trên bề mặt có nhiều núi lửa đang hoạt động và thậm chí cả đại dương. “Hôm nay Trái đất đã bớt cô đơn hơn” – chuyên gia Jenkins nhấn mạnh.
Tuy nhiên ngôi sao chủ của Kepler 452b do già hơn Mặt trời 1,5 tỉ năm nên sáng hơn đến 20%. Yếu tố này có thể ảnh hưởng đến khả năng sự sống tồn tại trên hành tinh Kepler 452b.
Các chuyên gia NASA cho biết nghiên cứu Kepler 452b sẽ giúp loài người hiểu rõ được tương lai trên Trái đất sau 1,5 tỉ năm nữa, khi Mặt trời tỏa sáng hơn, đẩy nhiệt độ Trái đất tăng cao, đe dọa sự tồn tại các đại dương, sông hồ và cả sự sống
loài người.
Ở khoảng cách 1.400 năm ánh sáng, loài người hoàn toàn không có cơ hội ghé thăm “trái đất 2.0”. Nhà khoa học Jeff Coughlin của Viện Săn tìm trí tuệ ngoài Trái đất (SETI) nhận định đây mới chỉ là bước đầu tiên của con người trong nỗ lực trả lời câu hỏi “Chúng ta có cô đơn trong vũ trụ không?”.
“Tôi và bạn có thể sẽ không đi đến được các hành tinh ngoài hệ mặt trời, nhưng biết đâu nếu có một sự đột phá công nghệ, cháu chắt của chúng ta sẽ làm được điều đó” – ông Coughlin nói.
Đến nay, kính thiên văn không gian Kepler đã tìm thấy 1.030 hành tinh và phát hiện thêm 4.700 “ứng cử viên” hành tinh khác. Trong danh sách này có 11 có thể là các hành tinh giống Trái đất. NASA đã chi khoảng 600 triệu USD cho dự án Kepler.
Hai năm trước, NASA cho biết hai trong số bốn bánh xe định hướng của Kepler đã bị hỏng. Dự kiến năm 2017 NASA phóng lên không gian vệ tinh TESS để tiếp tục nhiệm vụ săn tìm các hành tinh giống Trái đất bên ngoài hệ mặt trời.
“Nếu chúng ta tiếp tục nỗ lực tuyệt vời như hiện nay thì chắc chắn chúng ta sẽ giải quyết được câu hỏi liệu sự sống có tồn tại trên một hành tinh khác hay không” – báo New York Times dẫn lời tiến sĩ Didier Queloz thuộc ĐH Cambridge (Anh).
Nhà vật lý Grunsfeld cho biết các nỗ lực nghiên cứu hành tinh Kepler 452b, ví dụ như xác định xem nó có bầu khí quyển hay không, sẽ phải chờ sự triển khai của các loại kính thiên văn không gian thế hệ mới nhạy hơn, có khả năng tiếp nhận ánh sáng tốt hơn so với Kepler.
Người ta gọi Kepler 452b là “Trái đất thứ 2” nhưng có ai từng nghĩ phải chăng Trái đất mới chính là bản sao của hành tinh xa xôi kia.
Cả thế giới đang xôn xao và có phần hân hoan khi các nhà khoa học của NASA công bố phát hiện về một hành tinh ngoài hệ Mặt trời tương tự như Trái đất.
Đó là hành tinh Kepler 452b cách chúng ta 1.400 năm ánh sáng. Theo đánh giá của giới chuyên gia, Kepler 452b giống Trái đất đến kinh ngạc về nhiệt độ bề mặt, tỉ lệ khoảng cách tới Mặt trời… tới mức hoàn toàn có thể có sự sống trên hành tinh xa xôi này. Vì lẽ đó mà mọi người đều gọi Kepler là “Trái đất thứ 2”. Nhưng…
Hãy bắt đầu câu chuyện “Nhưng…” bằng cách lật ngược lại vấn đề: liệu rằng giữa Trái đất và Kepler 452b, đâu là hành tinh bản chính, đâu là bản sao? Bởi nếu chỉ xét tới thời gian hình thành thì chắc chắn Kepler 452b mới chính là hành tinh ra đời trước.
Theo tính toán của các chuyên gia NASA, Kepler 452b hình thành cách đây 6 tỷ năm, tức là còn “già” hơn Mặt trời của chúng ta 1,5 tỷ tuổi. Như vậy, với các điều kiện về sự sống tương tự Trái đất, có cơ sở để chúng ta tin rằng tồn tại một hay nhiều nền văn minh trên tinh cầu này.
Suy luận trên cũng không quá khó để chứng minh hay củng cố bởi bấy lâu nay loài người vẫn luôn tin vào sự sống ngoài không gian.
Trong các nền văn minh cổ đại, không ít các hình vẽ, tranh ảnh ghi lại sự xuất hiện của các vật thể lạ trên bầu trời. Đó rất có thể là đĩa bay, là phương tiện di chuyển của những sinh vật ngoài Trái đất và biết đâu, một trong số đó tới từ Kepler 452b.
Chưa hết, ai cũng biết tới danh tiếng của bà lão mù Vanga – một nhà tiên tri với khả năng được cả thế giới kiểm chứng. Có thể kể tới như lời tiên tri trong cuộc gặp gỡ với trùm phát xít Hitler, dự đoán thảm họa 11/9, sự hồi sinh của nước Nga…
Và theo trang Pelastussanoma hay Red Dwarf, Vanga có đưa ra một lời tiên tri:“In the search for extraterrestrial life, humanity comes into contact with what – something terrible.” (tạm dịch: trong quá trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất, con người sẽ gặp phải một thứ gì đó vô cùng khủng khiếp). Và lời tiên tri này sẽ xảy ra vào khoảng năm 2221.
Phải chăng, sự kiện tìm ra Kepler 452b chính là khởi nguồn cho chuyến gặp gỡ định mệnh trong vài trăm năm tới mà Vanga đề cập?
Tuy mới chỉ dừng ở mức giả thuyết song hẳn rất nhiều người sẽ tiếp tục đặt ra câu hỏi: “Nếu có sự sống ở Kepler 452b thì người ở đó sẽ ra sao, cuộc sống như thế nào?”
Tất nhiên, để trả lời chính xác câu hỏi này tại thời điểm hiện tại là điều không tưởng. Bởi với khoảng cách 1.400 năm ánh sáng, ngay cả tàu vũ trụ nhanh nhất hiện nay là tàu New Horizon của NASA (vận tốc 58.536 km/h) cũng sẽ mất 25,8 triệu năm để tới viếng thăm Kepler 452b.
Dẫu vậy, nếu áp dụng một số lý thuyết tiến hóa trên Trái đất và giả sử người sống ở Kepler 452b tương tự con người, chúng ta có thể tưởng tượng phần nào nền văn minh nơi đây.
Chẳng hạn, căn cứ trên dự báo tiến hóa của tiến sĩ Oliver Curry từ ĐH Kinh tế London, con người năm 3000 sẽ có dương vật to hơn, phụ nữ với bầu vú khủng hơn, cao (183 – 214 cm) và sống lâu hơn (khoảng 120 tuổi). Áp dụng vào trường hợp này thì chắc chắn người ở Kepler 452b cũng sẽ có vóc dáng không hề nhỏ bé chút nào.
Trong lĩnh vực phát triển công nghệ và khoa học, việc xuất hiện sớm trước con người hàng tỉ năm sẽ cho người ở hành tinh Kepler 452b sự phát triển tột bậc.
Theo thang sắp xếp của nhà thiên văn học Nga Nicolai Kardashev, không loại trừ khả năng văn minh Kepler 452b là văn minh loại III trong vũ trụ, nghĩa là nơi mà cư dân là bậc thầy về năng lượng, sử dụng và điều khiển được toàn bộ tài nguyên của thiên hà.
Trong khi đó, con người ở Trái đất chúng ta hiện nay mới chỉ ở mức văn minh I hoặc II, tức là chỉ khai thác được năng lượng trên Trái đất hay một phần từ các ngôi sao của Hệ Mặt trời.
Tóm lại, những suy luận dù có hợp lý tới đâu vẫn chỉ là các giả thuyết. Và sự thật về hành tinh Kepler 452b vẫn sẽ còn nhiều điều cần khám phá trong thời gian tới.
Còn các bạn, các bạn nghĩ gì về “Trái đất thứ 2”? Hãy cho chúng tôi biết quan điểm của mình bằng cách comment dưới đây!
(Theo Tuổi Trẻ)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét