Việt Nam và Hoa Kỳ đồng ý khiêu vũ, nếu chưa muốn nhảy giật gân
Tác giả: David Brown
Người dịch: Trần Văn Minh
14-07-2015
Trạng thái ngất ngây ở Hà Nội về chuyến thăm Washington của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Một làn sóng ngất ngây – không có từ ngữ nào nhẹ nhàng hơn – đã tràn khắp Việt Nam vào tuần trước, được kích động bằng một nhận thức chung rằng, đúng thế, Hà Nội và Washington đã thực sự chôn vùi gươm giáo, khoảng 40 năm sau khi xe tăng của Quân đội Nhân dân lăn bánh vào Sài Gòn, 20 năm sau khi hai nước tái lập quan hệ ngoại giao.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã dẫn đầu đoàn tùy tùng, gồm một số lãnh đạo đảng, đi thăm Washington. Ông đã được đón tiếp vào ngày 7 và 8 trong vinh dự và nồng ấm bởi Tổng thống Barack Obama, Phó Tổng thống Joe Biden và một danh sách dài các quan chức cấp thấp hơn và các nhà lập pháp.
Không có nhiều kết quả thực chất của chuyến thăm. Có một bình luận nói rằng, bởi vì ông Trọng đã không mang về “những nhượng bộ quân sự quan trọng tại thời điểm của nhu cầu chiến lược cấp bách,” nên chuyến đi của ông thực sự là một thất bại.
Lập luận này đã bỏ lỡ điểm mấu chốt. Các nhà quan sát Việt Nam đã bị mê hoặc. Không chỉ Hoa Kỳ đã có vẻ thừa nhận chế độ cộng sản độc tài của Việt Nam như là một đối tác hợp pháp. Điều không được giới truyền thông nhà nước do đảng chỉ đạo nói tới, là những biểu tượng mạnh mẽ trong hình ảnh của ông Trọng và những kẻ trung kiên khác về cái điều được gọi là – ít nhất là cho đến bây giờ – “phe thân Trung Quốc” của chế độ đã đồng ý rằng Washington và Hà Nội đồng hành chiến lược chống lại tham vọng của Trung Quốc để kiểm soát các vùng biển phía nam từ đảo Hải Nam đến tận Singapore.
Những tràng pháo tay không ngớt ở các cơ quan đảng. Ngày nay, người Việt Nam nhận được đa số tin tức từ những blog đưa lên mạng internet. Ở những nơi đó, ngay cả các nhà phê bình chế độ có tiếng cũng tìm thấy lý do để cổ vũ, bởi vì nhà nước độc đảng cuối cùng đã bày tỏ quyết tâm chống lại sự gây hấn của Trung Quốc.
Ở Việt Nam, chuyến đi của ông Trọng được coi như một bước đột phá trong quan hệ với kẻ thù một thời của Hà Nội. Hoàn toàn là những gì mà các nhà ngoại giao của cả hai bên mong muốn, và dịp trong này các hệ phái chính trị đã đi vào cùng chiều. Nhân vật chính là Tổng Bí thư ĐCS Nguyễn Phú Trọng. Ông thường bị gạt qua một bên như là một cầu thủ hạng nhẹ, “lãnh đạo đảng yếu kém nhất từ trước đến giờ,” nhưng vào dịp này, ông Trọng đã hành xử đúng với địa vị danh nghĩa của mình như nhân vật số một của chế độ Hà Nội.
Người ta nói rằng, do bị sốc bởi quyết định của Trung Quốc điều động một giàn khoan dầu và một đội tàu hộ tống vào vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam một năm trước đây, ông Trọng đã đánh tiếng với Đại sứ quán Hoa Kỳ về ý định muốn gặp ông Barack Obama ở Washington.
Không ai ở Hà Nội có thể đã hiểu hơn ông Trọng về thông điệp mà chuyến đi của ông sẽ chuyển tới Bắc Kinh. Nguyên Viện trưởng Viện Tư tưởng Trung ương từ lâu đã được xem như là người quản lý chủ yếu về mối liên hệ của Việt Nam với “người hàng xóm khổng lồ muôn thuở, và như là người nghi ngờ chủ yếu rằng phải chăng Mỹ có lợi ích vĩnh viễn tại góc cùng của châu Á này hoặc lợi ích thân thiện với chế độ ở Việt Nam.
Những chuyến viếng thăm cấp cao luôn được lên kế hoạch tỉ mỉ, chuyến này đặc biệt cũng như thế. Đã mất nhiều tháng để hoạch định các chi tiết. Về phía Việt Nam, hình ảnh một cuộc gặp tại phòng Bầu dục là tối quan trọng. Với ý định mang những người bảo thủ của đảng tới sự đồng thuận mới nổi lên về hợp tác chiến lược song phương, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ sẵn sàng chiều theo.
Khi ông Trọng khởi hành đi Washington, thì bài xã luận trên các tờ báo đảng của Trung Quốc đã ra tín hiệu tin tưởng rằng Việt Nam chỉ muốn phát triển mối quan hệ thương mại với Hoa Kỳ và – theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo ngày 8 tháng 7 – “suy đoán rằng Washington tìm cách lôi kéo Hà Nội vào âm mưu phức tạp để bảo tồn sự hiện diện bá quyền của Hoa Kỳ ở châu Á, đối mặt với một Trung Quốc đang lên là trẻ con và sai lầm.” Kể từ lúc đó, thật khác thường, Bắc Kinh dường như đã lạc mất ngôn từ.
Ảnh hưởng lâu dài của chuyến đi lịch sử đầy biểu tượng của ông Trọng có thể trở nên ít hơn mọi người tưởng tượng; thường là như thế. Tuy nhiên, sự lạc quan đang lan tỏa khắp Việt Nam.
Viết cho độc giả Việt Nam, Hoàng Anh Tuấn, Viên Trưởng Viên Nghiên cứu Chiến Lược và Ngoại Giao của Bộ Ngoại giao, nói, đây là “bước ngoặt lịch sử” trong quan hệ Việt-Mỹ, trong một bài viết đăng trên báo 5 ngày sau cuộc gặp gỡ giữa ông Trọng và Obama ở Phòng Bầu dục.
Sẽ có những hệ quả quan trọng, theo ông Tuấn: Sự chào hỏi ông Trọng của ông Obama tại Phòng Bầu dục đã chứng tỏ lòng tin chính trị. Hai nhà lãnh đạo đã xem xét và xác nhận những thành tựu thực sự trong nhiều lĩnh vực hợp tác, gồm cả việc thảo luận về nhân quyền, một cuộc đối thoại “cho thấy sự đan xen và song trùng lợi ích giữa Việt Nam và Mỹ trong rất nhiều vấn đề.” Đã có thảo luận kỹ lưỡng về các vấn đề cốt lõi như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và hợp tác quốc phòng. Sự đồng thuận đã rõ ràng trên các vấn đề chủ quyền và an ninh Biển Đông và mối quan hệ của hai nước đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu. Việt Nam và Hoa Kỳ đã thảo luận thẳng thắn và cởi mở những sự khác biệt cho đến các vấn đề hiện nay được xem là “nhạy cảm” – ví dụ như tôn giáo, dân chủ và nhân quyền.
Ông Tuấn lập luận rằng, sau 20 năm, mối quan hệ Việt-Mỹ giờ đây đã trưởng thành và không còn lo ngại việc đề cập đến khác biệt – những khác biệt tự nhiên do các cấu trúc chính trị, giai đoạn phát triển, văn hóa và tôn giáo, tất cả đều khác. Ông nói, đối thoại sẽ mở rộng các điểm tương đồng và đưa quan hệ Việt-Mỹ tiến về phía trước bởi vì bây giờ có lòng tin chính trị giữa Hà Nội và Washington. Và điều chính yếu tạo nên sự tin tưởng lẫn nhau là, theo ông Tuấn, Hoa Kỳ bây giờ cũng công nhận cấu trúc chính trị của Việt Nam, nghĩa là, họ thật sự tôn trọng sự lựa chọn chính trị của Việt Nam.
Ông Tuấn đã đúng về sức nặng biểu tượng trong chuyến đi của ông Trọng và có lẽ cũng đúng trong kết luận tiềm ẩn của ông rằng Hà Nội đã tự điều chỉnh để gần gũi hơn với Washington, ít nhất là trong suốt thời gian Trung Quốc theo đuổi bá quyền trên vùng biển ngoài khơi bờ biển dài 3.260 km của Việt Nam. Đó là một hành động hợp lòng dân, một hành động sẽ vang tiếng đến những người Việt Nam trung bình có nhận thức chính trị, cũng như với anh em tha hương ở Quan Cam, Hoa Kỳ hay ở Richmond, Úc. Quan trọng hơn, nó cũng tạo ra tiếng vang bên trong và bên ngoài đảng cầm quyền trong khi ĐCSVN hướng tới đại hội, có thể là quan trọng nhất kể từ năm 1991, là năm mà Hà Nội và Washington bắt đầu dò dẫm lối đến mối quan hệ ngoại giao.
David Brown là cựu viên chức ngoại giao Hoa Kỳ, ông thường viết các bài bình luận về những vấn đề Việt Nam cho báo điện tử Asia Sentinel.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét