Buổi đầu thành lập, nhiều chủ các trang mạng xã hội Việt đã hùng hồn tuyên bố sẽ vượt mặt facebook để trở thành trang mạng xã hội hàng đầu tại Việt Nam. Thế nhưng, trên thực tế thì các trang mạng này đang “lấm lưng trắng bụng” ngay trên chính sân nhà.
20 triệu người Việt dùng Facebook mỗi ngày
Theo bản khảo sát thống kê của Facebook tại thị trường Việt Nam cho thấy có tới 20 triệu người dùng Facebook mỗi ngày. Trong đó, 17 triệu người dùng hoạt động Facebook bằng điện thoại di động. Độ tuổi sử dụng Facebook tại Việt Nam chủ yếu từ 18 - 34 tuổi.Thời gian sử dụng Facebook mỗi ngày của người Việt gấp 2 lần thời gian để xem ti vi.
Cũng trong bản nghiên cứu thị trường của Facebook tại Việt Nam thì người Việt sử dụng Facebook chủ yếu để trò chuyện với bạn bè và truy cập trang Facebook của các thương hiệu.
Điều này cho thấy, Facebook thống lĩnh thị trường mạng xã hội tại Việt Nam và dần trở thành thiết yếu trong hoạt động thường nhật của đại bộ phận công chúng.
Điều gì đã giúp Facebook vươn lên vị trí thống lĩnh thị trường mạng xã hội ở Việt Nam? Chính Facebook cũng nhận rõ sứ mệnh của mình là giúp cho mọi người chia sẻ và làm cho thế giới trở nên cởi mở và kết nối.
Khảo sát của Facebook tại thị trường Việt Nam
Trả lời PetroTimes, đại diện Facebook tại Việt Nam cho biết: Hiện tại, Facebook đã có cơ hội tạo ra một không gian mở cho 30 triệu người dùng ở Việt Nam, giúp họ quan sát thế giới và kết nối với bạn bè trên khắp toàn cầu.
Để đạt được những thành tựu này thì mỗi ngày, đội ngũ nhân viên Facebook đều làm việc dựa trên mục tiêu ban đầu của công ty: Kết nối thế giới nhiều hơn. Đây là một phần đặc trưng của Facebook và sẽ không bao giờ thay đổi. Facebook đã tập trung vào sự đơn giản và trực giác nhạy bén, để tạo ra một nền tảng vừa mạnh mẽ và vừa dễ sử dụng.
Nói về mục tiêu trong thời gian tới, Facebook đưa ra nhiệm vụ trọng điểm là dẫn đầu những thay đổi cần thiết trong thế giới để kết nối tất cả mọi người, ở khắp mọi nơi.
"Facebook sẽ tiếp tục phát triển và phục vụ cộng đồng cùng các doanh nghiệp và giúp họ đạt được tiềm năng của họ. Để tiếp tục cung cấp giá trị cho các doanh nghiệp, Facebook làm việc không ngừng để nâng cao chất lượng nội dung trên nền tảng của chúng tôi, cùng lúc đó, tăng cường khả năng nhắm tới mục tiêu để cung cấp cho người sử dụng nội dung chi tiết kịp thời và phù hợp" - Một đại diện Facebook chia sẻ.
Mạng xã hội Việt quá tham lam?
Trong khi Facebook đang phát triển như vũ bão thì mạng xã hội Việt lại đang “chết yểu”. Theo chuyên gia về mạng xã hội Trần Chí Hiếu (Hiếu Orion), nguyên nhân chính dẫn tới những cái “chết yểu” của mạng xã hội của Việt Nam là do quá tham lam.
Các trang mạng này ngay từ khi mới ra đời, đã mắc phải một sai lầm rất lớn khi thách đố với Facebook trong khi tiềm lực tài chính cùng khả năng công nghệ giới hạn, nên thất bại cũng là điều đương nhiên.
Chuyên gia Trần Chí Hiếu (Hiếu Orion)
Mặc dù đã có rất nhiều các trang mạng xã hội thương hiệu Việt ra đời nhưng rà soát lại quá trình phát triển thì thấy rằng, các trang mạng này dường bị chi phối quá nhiều bởi "ông lớn" Facebook.
Ai cũng thấy, ngay trong chính giao diện hay các nút tích hợp của mạng xã hội Việt đều chịu sự ảnh hưởng của Facebook, ít thấy những thiết kế mang theo một bản sắc riêng.
Vậy phải làm sao để đưa ra được đáp án tốt nhất trong bài toán phát triển mạng xã hội phong cách Việt?
Câu hỏi dường như khó có lời giải đối với thực trang các trang mạng xã hội Việt hiện nay. Tuy nhiên, cứ thử nhìn hiện tượng mạng xã hội ở Trung Quốc. Trong khi Facebook đang làm mưa, làm gió trên thị trường Việt Nam thì lại bị "bật bãi" trước đất nước đông dân nhất thế giới này.
Và rõ ràng không riêng Facebook mà cả Twitter, Youtube… Tại đất nước có hơn một tỉ dân này thì các "ông lớn" mạng xã hội đã phải chịu thất bại cay đắng trước mạng xã hội Sina Weibo, thậm chí “gã khổng lồ” Google cũng cũng chịu lép vế trước Baidu?
Thế nên, các nhà phát triển mạng xã hội tại Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm của những Sina Weibo, Renren, Tecent QQ, Baidu…?
Ra đời tháng 10/2009, "tiểu" blog Sina Weibo đã nhanh chóng “thống trị” Trung Quốc với 61,4 triệu người sử hàng ngày. Cấu trúc của Weibo cũng tương tự như Twitter, nơi người dùng có thể tạo một hồ sơ cùng các thông tin cá nhân, bình luận các cập nhật và chia sẻ với những người theo dõi họ.
Tuy nhiên, ngay từ ban đầu, các chuyên gia Weibo đã tích hợp thêm các tính năng khác của Facebook như trò chuyện, hay khả năng chia sẻ thông tin nhiều hơn 140 ký tự, đăng tải ảnh và video.
Sina Weibo ra đời trong hoàn cảnh Chính phủ Trung Quốc đang siết chặt hoạt động của các "tiểu" blog và mạng xã hội gây nên tình trạng bất ổn ở nước này.
Dần dần, Weibo trở thành cầu nối giữa người dân với các quan chức của Chính phủ. Từ một vụ hỏa hoạn gây chết người ở Thượng Hải, tới vụ đâm xe và bỏ trốn của con trai một quan chức cảnh sát, hay chiến dịch tìm kiếm một đứa trẻ ăn xin bị bắt cóc, Weibo đã buộc các cơ quan chức năng ghi nhận, xem xét những ý kiến phổ biến của dân chúng theo cách chưa từng có trong lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc…
Như vậy, lối thoát cho mạng xã hội thương hiệu Việt không phải là không có. Tuy nhiên, để có được những thành công như những Sina Weibo, Renren… ngoài những yếu tố là môi trường chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước, những doanh nghiệp phát triển mạng xã hội Việt trước mắt cần phải thay đổi tư duy.
Những Facebook, Twitter đều có tài sản cùng công nghệ cao gấp nhiều lần các doanh nghiệp Việt Nam trong cùng lĩnh vực. Nhưng các doanh nghiệp Việt lại có lợi thế về sự am hiểu bản sắc của dân tộc, nếu phát huy được tối đa lợi thế này, thì ngay tại Việt Nam sẽ có những mạng xã hội thành công như Sina Weibo, Renren hay Baidu…
Mạng xã hội của Việt Nam thua ngay trên “sân nhà”
Buổi đầu thành lập, nhiều chủ các trang mạng xã hội Việt đã hùng hồn tuyên bố sẽ vượt mặt facebook để trở thành trang mạng xã hội hàng đầu tại Việt Nam. Thế nhưng, trên thực tế thì các trang mạng này đang “lấm lưng trắng bụng” ngay trên chính sân nhà.
Huyền Anh - Cẩm Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét