nhà văn và sự im lặng
Nguyễn Văn Thiện
Hắn băn khoăn, bóp đầu bóp trán trước câu hỏi hóc búa tình cờ ập đến. Hắn ghét sự im lặng. Im lặng là dấu hiệu của cái chết. Nhưng nếu như bọn trâu bò ngày nào cũng hét nhặng lên, đọc bài vanh vách và hát quốc ca hùng tráng, thì sẽ ra sao nhỉ? Hắn không biết lý giải sao cho phải trước cái hiện tượng lạ lùng này của cuộc sống.
Những ngày này, trên truyền hình, trên các mạng xã hội, người ta đang cãi nhau văng miểng về việc có nên cho quyền im lặng được ghi vào luật. Cả một rừng luật rồi, thêm một tí ti luật nữa, có thấm gì đâu mà cãi nhau! Hắn đang nghĩ về một điều luật nàp đó có thể điều chỉnh hành vi của cả trâu bò lẫn nhà văn...
Triết lý vô ngôn của nhà Phật cho rằng trong sự im lặng đã có lời nói, đã có sự biện luận, sự biện luận của lặng im. Nếu thế thì hắn và hầu hết những người hành nghề chữ nghĩa ở xứ này đều là những phật tử sắp sửa thành chánh quả. Thế nhưng, khi những con bò im lặng, chúng có tư cách của một phật tử không?
Trời nắng cực, hắn ra sườn đồi hóng mát, bỏ luôn chương trình cãi nhau dang dở trên truyền hình về quyền im lặng. Đàn bò vẫn đủng đỉnh gặm cỏ, như không hề có thêm một điều luật văn minh sắp sửa ra đời...
Hắn cố gắng quan sát thật kỹ những con bò, theo đúng phương pháp thâm nhập cuộc sống của giới văn nghệ nước nhà khi đi thực tế sáng tác. Nghĩa là xem những con bò khi nhai cỏ có phát ra âm thanh nào như là tín hiệu giao tiếp của loài bò không. Hoàn toàn không! Lũ bò đứng dưới bóng cây tránh nắng, miệng đều đặn nhai, bằng một hàm răng đều đặn, sáng bóng. Hắn muốn so sánh hàm răng của những con bò với những hàm răng chắc chắn trắng tinh của các chính trị gia kỳ cựu, nhưng lại thôi, vì có lẽ đó là sự so sánh quá khập khiễng chăng!
Có một chi tiết khá thú vị: Mắt bò hơi ươn ướt! Điều này thì, các nhà thơ tiên phong nước nhà đã hơn một lần miêu tả! Ôi chao, những cặp mắt bò, mắt bò đực, mắt bò cái, khát vọng đực, khát vọng cái, nỗi niềm đực, nỗi niềm cái... rưng rưng hoang hoải tận cùng! Đến nỗi, có lúc, hắn đã từng nghĩ rằng, ai làm thơ mà chưa đề cập đến hình ảnh mắt bò hoặc mắt ngựa thì chắc chắn chưa phải là nhà thơ năng nổ!
Nhận xét tổng quát: Những con bò im lặng ấy rất béo, săn chắc, lông óng mượt. Có lẽ đây là cái giá để đổi lại sự im lặng mang màu sắc triết học của chúng. Chúng chỉ cần ăn no, không cần đọc bài vanh vách, bàn chuyện luật nọ luật kia và hát thuộc lòng bài quốc ca hùng tráng...
Bây giờ thì hắn đã bắt đầu mường tượng ra điểm tương đồng giữa các nhà văn im lặng và những con bò im lặng...
Cuối cùng, chúng sẽ vào lò mổ hết. Đó là điểm tương đồng giữa nhà văn với bò. Còn điểm khác biệt là nhà văn, dù suốt đời im lặng thì cũng sẽ mất chi phí mai táng, còn bò thì không cần. Vì thịt, xương, gân, đuôi, lòng, da, thậm chí sừng bò đều có thể trở thành những món ăn, món nhậu khoái khẩu, những đồ dùng được bán với giá cao.
Thành thử, sự im lặng của bò là sự im lặng tích luỹ giá trị vật chất, còn sự im lặng của nhà văn là sự đầu hàng số phận, lặng lẽ chấp nhận cái chết. Triết lý có vẻ cao siêu này, đương nhiên là trâu bò không thể hiểu được, còn các nhà văn có hiểu được không, chính hắn cũng không dám chắc!
Hắn là một con bò cộng thêm chi phí mai táng!
Người ta nuôi hắn để làm gì nhỉ?
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét