Trung Quốc xây dựng cầu cảng trái phép ở Gạc Ma,
quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Mai Thanh Hải
Theo thông cáo về tuyên bố lập trường của Trung Quốc, Bắc Kinh nhất quyết không chấp nhận hay tham gia vào việc phân xử ở tòa án quốc tế, đồng thời khẳng định toà án trọng tài không có quyền tài phán trong trường hợp này, theo Tân Hoa xã.Tuyên bố của Trung Quốc cho rằng bản chất của việc phân xử là chủ quyền lãnh thổ đối với một số đặc trưng về hàng hải ở biển Đông, điều này vượt quá phạm vi của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cũng như quyền tài phán của tòa trọng tài, theo Tân Hoa xã.
Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh và Manila đã đồng ý giải quyết tranh chấp trên biển Đông thông qua các công cụ song phương và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Việc Philippines đơn phương kiện Bắc Kinh lên tòa án quốc tế là vi phạm luật quốc tế, theo Tân Hoa xã.
Tuyên bố lập trường của Bắc Kinh kết luận rằng việc đơn phương kiện Bắc Kinh lên tòa án quốc tế của Philippines sẽ không thay đổi được lịch sử và thực tế về chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận. Đồng thời, nó cũng sẽ không thể làm lung lay quyết tâm cũng như chính sách của Trung Quốc đối với lợi ích và việc giải quyết tranh chấp ở biển Đông, theo Tân Hoa xã.
“Mục tiêu của Philippines không phải là tìm kiếm giải pháp hòa bình mà để gây sức ép chính trị lên Trung Quốc, cản trở quyền hợp pháp của Trung Quốc ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông)”, Reuters dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào
vùng biển Việt Nam tháng 5.2014 - Ảnh: Reuters
"Vẫn có những kẻ với ý đồ xấu, có cái nhìn một chiều hoặc lệch lạc về công ước quốc tế, đã cáo buộc Trung Quốc hay nói bóng gió rằng Trung Quốc không tôn trọng luật pháp quốc tế và đang thách thức các công ước quốc tế”, Reuters dẫn lời một quan chức ngoại giao Trung Quốc.
Trước đó, ngày 22.1.2013, Philippines đã nộp hồ sơ kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông. Manila muốn PCA tuyên bố “đường chín đoạn” của Trung Quốc là phi lý và phi pháp. Ngày 3.6, PCA thông báo yêu cầu Trung Quốc đến ngày 15.12 phải nộp hồ sơ phản biện.
Tuy nhiên, trước hạn chót 1 tuần, Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố lập trường đồng thời cho rằng Philippines đã gây sức ép chính trị đối với Bắc Kinh. Từ trước đến nay, Trung Quốc vốn luôn đòi hỏi giải quyết song phương các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, và chống lại việc đưa tranh chấp ra phân xử tại tòa án quốc tế.
Trung Quốc hiện đang có mâu thuẫn với Việt Nam, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Philippines trong tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Bắc Kinh đã đưa ra tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” (đường chín đoạn) nuốt gần trọn cả biển Đông.
Bắc Kinh cũng ngang ngược tiến hành các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép. Hồi tháng 5, Trung Quốc đã ngang ngược đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển Việt Nam, bất chấp sự phản đối từ Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Bắc Kinh sau đó rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam vào tháng 7.
Ngọc Mai
>> Việt Nam hoan nghênh Hạ viện Hoa Kỳ thông qua nghị quyết về biển Đông
>> Cách Trung Quốc cướp Biển Đông làm của riêng
>> Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết về biển Đông, Hoa Đông
>> Sớm thiết lập 'đường dây nóng' giữa các bên ở biển Đông
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20141207/trung-quoc-tuyen-bo-ve-phan-xu-tranh-chap-tren-bien-dong.aspx
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét