Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

Sự ngạo mạn của kẻ hèn


Op-Economica
Kể ra thoạt nghe thì cũng thấy vô lý. Kẻ hèn làm sao có thể ngạo mạn. Nhưng cuộc sống vốn dĩ phức tạp và nhiều mâu thuẫn, nên việc kẻ hèn có tí quyền ngạo mạn cũng khả dĩ đấy chứ.
Hắc Lào, Ghẻ Tầu, Viêm Não Nhật… là những thứ hồi xưa gây cười với nghĩa mấy thứ bệnh đó phải mang tên “ngoại quốc” chứ quyết không thể “của ta” được. Tiếng cười tủm tỉm trong lòng này, nghe cũng ngạo nghễ ra phết. Mỗi tội sự ngạo nghễ đó dường như chỉ là của kẻ hèn.
cowardlyChuyện Aziz Nesil cũng có đả động đến từ lâu rồi. Khía cạnh văn hóa này của Thổ Nhĩ Kỳ khá giống Việt Nam. “Ba tao mới là giỏi nhất…” và “Mọi thằng sếp đều dốt nát” chỉ có điều không hiểu vì sao mà toàn bộ bọn sếp dốt nát đó đều đang trả lương cho những bộ óc thiên tài “chúng ta.”
Nhưng tư duy này ở các nước văn minh rất khác. Lâu lâu rồi tôi nghe có nhà vi trùng học tìm được loại vi trùng hiếm, và lấy tên người thân đặt cho vi trùng đó.
Điều này không thể xảy ra ở VN vì thế là “làm hỏng mặt mũi”. Quý hóa lắm thì cũng không thể gọi Gà Nguyễn, Bọ Hung Trần hay Rệp Lê được.
Một góc khác của “sự ngạo mạn” dành riêng cho kẻ hèn này là việc thường cố bám víu vào “tính đặc thù” “tính riêng biệt” như một phương tiện để trốn tránh cạnh tranh.
Thú vui của kẻ hèn là nấp trong một xó, nhìn sai lầm của kẻ khác, cười đắc chí và luận rằng “đặc thù” của mình (trốn kỹ) giúp mình né được tổn thất do sai lầm.
Sự đương đầu—theo cách hiểu của họ—là thứ dành cho kẻ khác, những kẻ “trí khôn có vấn đề”.
Chỉ cần quan sát nửa giờ đồng hồ trên các trang báo điện tử là có thể liệt kê muôn hình vạn trạng của hiện tượng này… Có vẻ như đây là một kích thước văn hóa tồn tại đã lâu, và sẽ còn tiếp tục tồn tại rất lâu nữa.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: