Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

Nhà văn chạy trốn hiện thực

Lam Điền

clip_image002
Một góc buổi cà phê văn học sáng 13-9-2014. Ảnh: L.Điền
Như thế nào là văn lạc hậu? Vấn đề này dễ trả lời nhưng lại không dễ thuyết phục. Bởi không dễ thuyết phục nên nhà văn Inrasara tổ chức chương trình Cà phê văn học (trong khuôn khổ Cà phê thứ bảy tại TPHCM, sáng 13-9 vừa qua) với chủ đề Hiện thực cuộc sống trong văn chương Việt Nam hiện naynhư một cách đi vòng để đến với một hiện tình: giữa thực tại cuộc sống và văn chương nước ta có khoảng cách thế nào.
Cùng với nhạc sĩ Dương Thụ trong vai trò điều phối Cà phê thứ bảy, chương trình hôm 13-9 có nhà văn Dạ Ngân trong vai trò diễn giả, bên cạnh nhà văn Inrasara cùng dẫn dắt câu chuyện. Xoay quanh vấn đề hiện thực cuộc sống và công việc của nhà văn, ngoài ý kiến cho rằng “Hiện thực của nghệ thuật là hiện thực chưng cất do tài năng của tác giả” được nhiều người đồng tình, nhà văn Dạ Ngân đã cuốn cử tọa của buổi “Cà phê văn học” vào một cuộc theo dõi, tranh luận, chia sẻ sôi nổi do cách nhìn và cách đặt vấn đề. Chẳng hạn như bà cho rằng ngoài tài năng, thì không khí sáng tác cũng ảnh hưởng đến hiện thực cuộc sống được đưa vào văn chương. Nhà văn Dạ Ngân cho rằng những người viết có tâm lý viết vì cuộc sống ngày mai, có người chỉ viết nếu được đăng, được in, và cái gì không được in thì không viết. Có một thời, người ta tự gác lại những gì định viết, tự hẹn rồi sẽ viết, “và rồi tất cả trở thành rục đi mất trong mỗi nhà văn”, Dạ Ngân nhấn mạnh. Và từ phía người đọc, bà cho rằng độc giả Việt Nam thật bất hạnh, bởi những hiện thực họ kỳ vọng tìm thấy trong văn chương thì hãy còn xa, bởi vì văn chương chỉ mới phản ánh có một chút xíu hiện thực cuộc sống. Ngay cả ba cuộc chiến tranh, tính luôn cả cuộc chiến biên giới Tây nam và biên giới phía bắc, thì ta vẫn chưa có được mấy tác phẩm xuất sắc, vẫn chỉ thấy Nỗi buồn chiến tranh là trội lên thôi. Rồi đến thời hậu chiến, có rất nhiều chuyện để viết, các đề tài về văn chương hải ngoại, đề tài vượt biên, đề tài học tập cải tạo… chúng ta không được thông tin. Hiện thực quá ngổn ngang và nhà văn quá ngao ngán. Đặc biệt, Dạ Ngân cũng phân tích những trường hợp bà cho là không phải nhà văn hèn, thiếu dũng cảm, mà chẳng qua là họ cân nhắc các bên, rằng viết như vậy thì được chưa, viết vậy có in ra được không, và rồi họ mang nợ với dân tộc, với chính mình.
Đó chính là thực tế “tự kiểm duyệt” của các nhà văn Việt Nam, và Inrasara gọi đây là “thời đại hoàng kim của tự kiểm duyệt”.
Thế nhưng nhạc sĩ Dương Thụ lại đề xuất một cách tiếp cận khác, rằng mỗi nhà văn đã sẵn có phần tự do của mình, đó là thứ tự do nội sinh. “Tự do không phải cần có những điều kiện gì đó hợp thành rồi mới có tự do. Và nhà văn thì cũng không phải viết để in, mà viết vì cần phải viết”. Trần trụi hơn, Dương Thụ kêu gọi chúng ta nên suy nghĩ như một nhà văn, một người sáng tạo chứ không nên suy nghĩ như một hội viên của một hội nhà văn. Và quan trọng hơn, chúng ta không có một tiêu chuẩn có trước về hiện thực. Chỗ này mới chính là mảnh đất dành cho tài năng của nhà văn.
Nhưng hiện thực cuộc sống thì vẫn cần nhà văn, một sinh viên từ hàng ghế khán giả đứng lên trình bày thảm trạng mà em gọi là “sống mòn” trong giới sinh viên, từ chuyện học hành đến nguy cơ gia nhập đội ngũ hàng nghìn cử nhân thất nghiệp… Em nhắc đến Nam Cao, và muốn đọc văn chương ngày nay viết về hiện thực ấy. Thế nhưng câu trả lời từ Dạ Ngân là “Em hãy viết về những năm tháng sinh viên của mình”. Nghe câu này, mình mới tin rằng quả có lúc chính nhà văn là người làm tốt nhất cái việc chứng minh nhà văn không cần thiết cho cuộc đời. hehe
Nhưng thầy giáo Hoàng Dũng, một nhà ngôn ngữ học đáng kính thì có cách khai thác vấn đề rất hay. Ông kể rằng trong một lần đi nước ngoài, đâu như là Mỹ thì phải, vì cứ mang trong đầu suy nghĩ về hiện thực Việt Nam, nên đã hỏi các giáo viên trường người ta khi đi thăm phòng máy thực tập của sinh viên, rằng: Máy móc trong trường này có khoảng cách như thế nào với máy móc đang làm việc tại các xí nghiệp? Các giáo viên bên ấy cười rần, bảo là khoảng cách bằng 0. Vì rằng nếu dạy sinh viên với loại máy móc lạc hậu, khi ra trường các em không làm việc được, thì trường chúng tôi mất uy tín. Vả lại nếu vậy thì các công ty xí nghiệp khi nhận sinh viên ra trường phải đào tạo lại, thì xã hội lại tổn phí thêm một lần nữa. Như vậy là không được. Và ông Hoàng Dũng ví von: Hiện thực cuộc sống chính là cái nền sinh ra văn chương, mà văn chương xa rời hiện thực thì cũng như dạy học để đi làm mà dạy bằng loại máy lạc hậu không thể làm việc được vậy. Còn nguyên nhân sâu xa cho hiện tình văn chương xa rời hiện thực như lâu nay, ông Hoàng Dũng lại kể một câu chuyện, đó là câu chuyện cụ Từ Chi đọc Những thiên đường mù của Dương Thu Hương. Đọc xong, cụ Từ Chi bảo với ông Dũng: Dương Thu Hương nó viết về cải cách ruộng đất bình thường quá, chỉ là một cuộc cách mạng đầu rơi máu chảy. Mà có cuộc cách mạng nào không đầu rơi máu chảy, cách mạng 1789 ở Pháp cũng giết mất nhiều người, trong đó có nhiều trí thức, có cả ông tổ ngành hóa học là Antoine Laurent Lavoisier cũng bị xử chém chứ. Thế thì cải cách ruộng đất mà đầu rơi máu chảy thì bình thường thôi. Cái không bình thường là thế này: Tôi, đội viên đội cải cách ruộng đất, và đội trưởng của tôi là một bà chỉ học tới lớp 3. Vấn đề là tôi, một tú tài Tây, tôi luôn thấy hổ thẹn vì mình học tú tài Tây, hổ thẹn vì mình nói giỏi tiếng Tây. Và tôi đã giơ tay biểu quyết xử tử hình một ông địa chủ chỉ vì ông ấy có một mẫu ruộng. Tại sao tôi lại làm thế? Ấy là vì khi đó tôi nghĩ rằng con đường đi lên thế giới đại đồng thì phải qua những khúc quanh như vậy, rằng bao nhiêu tinh hoa của đất nước đã nghĩ vậy, chẳng lẽ lại sai hay sao?
Đó, cái chết người nằm ngay chỗ ấy. Cái chỗ mà thầy Hoàng Dũng gọi là người trí thức ở ta đã rời bỏ chức năng phản biện, đã đánh mất phản xạ hoài nghi về cái sai trước cuộc sống. “Đây chính là lý do đề người ta tự nguyện không viết, người ta tự nguyện thiến mình đi. Dân ta khốn khổ khốn nạn vì lâu nay chúng ta không xiển dương sự phản biện, cứ thấy nó gần giống với phản động”, ông Dũng nói thẳng như vậy.
Và tất nhiên, công chúng vẫn cần tìm hiểu để biết từ đâu lại dẫn đến việc các trí thức ở ta lại như vậy. Và đây là vấn đề liên quan đến sức mạnh tự do nội sinh, nó không thể hình thành sau một đêm ngủ dậy, ông Hoàng Dũng ví von như thế.
Đến đây thì mình thấy rằng: Những nhà văn có sở trường trốn chạy trước hiện thực kiểu như Dạ Ngân nói đến, thì làm sao có khả năng tìm biết nguyên nhân của hiện thực. Đặc biệt là những hiện thực kiểu nhà văn trốn chạy hiện thực, thì phải những trí thức như ông Hoàng Dũng mới chỉ ra thấu đáo được. Không đùa đâu.
Lam Điền

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: