( Con người khát vọng sống hay nỗi buồn lo chết '2' )
Nguyễn Hoàng Đức
*****
Chết là một thực tại tất yếu! Và khi con người muốn quên chết thì cái chết không biến đi, cái chết vẫn có. Bởi vậy, có triết gia đã cho rằng: “Cuộc sống chỉ là trì hoãn cái chết”. Còn Đạo Phật thì cho rằng:
Thế gian quán trọ âm ty quê nhà
Vậy bạn sẽ chọn thái độ nào để sống? Thái độ lạc quan quên chết, hay thái độ bi quan: lo chết? Nhưng theo tôi, chúng ta là những con người khát sống chân lý, chúng ta hãy sống với thực tại như một thực tại khởi từ Hữu làm Người. Và khẩu hiệu của chúng ta sẽ là: hãy nhìn thẳng vào đời sống! Descartes cho rằng: “Thay vì tìm được những phương thế bảo trì cuộc sống, tôi phải tìm thấy những phương thế chắc chắn để khỏi sợ sự chết”.
Đó là thực tại trung dung của tâm tưởng, không thế này cũng chẳng thế kia. Khi nhận ra con người không tránh khỏi cái chết, nhiều triết gia, khoa học gia, tôn giáo đã tiến thẳng đến cái chết mong nhận diện hình thù gớm guốc của nó. Heraclite nói: “Cái sống và cái chết, sự thức tỉnh và sự ngủ, tuổi trẻ và già lão đều là một sự vật, vì lẽ thay đổi cái thứ nhất thành cái thứ nhì, rồi lại thay đổi cái thứ nhì thành cái thứ nhất.”
Tiếp theo Heraclite, Socrate đã bàn đến đề tài Sống - Chết là hai trạng thái tương phản thì có thể có sự biến đổi tương phản. Theo ông thì nếu sự thức hành trình đến sự ngủ thì sự sống cũng hành trình về cái chết, và nếu sự ngủ buộc phải thức tỉnh thì cái chết cũng buộc phải sống lại. Sống và chết đó là hai chặng đường vận động ngược chiều nhau. Chẳng hạn khi ta thức hiển nhiên ta đang ấp ủ sự buồn ngủ, và ta muốn ngủ; giấc ngủ càng sâu càng dài thì sự thức tỉnh càng tỉnh táo; ngược lại sự thức tỉnh càng sáng suốt bao nhiêu thì nó càng ẩn chứa một giấc ngủ lành mạnh bấy nhiêu. Vậy là theo phương pháp loại suy, Socrate cho rằng: sống cho ra hồn thì cái chết cũng đáng mặt cái chết, ngược lại chết một cách trượng phu lành mạnh thì chính là đang sửa soạn cho một tiềm năng tái sinh dồi dào nhất.
Song đó mới chỉ chỉ là phương pháp loại suy, con người ít ra cũng là động vật có khoa học, nó luôn muốn thực chứng mọi điều, và nó không muốn chỉ chấp nhận hiểu biết cái chết bằng phương pháp luận của chữ nghĩa. Bởi thế hơn cả cuộc sống đã giấu mặt khỏi con người để trở nên huyền nhiệm, cái chết như diện mạo bí mật của nó lại càng thích thú diễn trò ú tim hơn với con người để lôi tuột cuộc sống vào huyền nhiệm. con người luôn bất lực trước ngưỡng cửa khả tri của cuộc đời. Và nó nhìn cái cuộc đời đã quá cũ trong dòng lịch sử bao lần bãi bể nương dâu chẳng bao giờ lại không tinh khôi mới mẻ ngỡ ngàng như cái thủa ban đầu khai thiên lập địa.
Cái sống – cái chết bí ẩn đến mức Euripid đã kêu lên: “Có ai biết rằng sống không phải là chết và chết không phải là sống”.
Con người là một thực thể vận trình từ thủa khai sinh vô minh đến cái chết kéo màn bí nhiệm bịt bùng vô tận. Và có lẽ chúng ta khó phản bác một chân lý rằng: con người là một hữu thể đang sống nhưng lo chết, “Chết là một thực tại, bởi thế sống cũng là một thực tại. Chết không thể nào tránh được, cũng như sống không thể nào tránh khỏi” (Phạm Công Thiện “Ý thức mới trong văn chương và triết học” ‘YTMTVCTH’, Lá Bối 1964, tr.218).
(còn nữa)
Ghi chú:
1- Charles Werner “La Philosophie Moderne” (PM), Payot Paris 1954, 113
1- Charles Werner “La Philosophie Moderne” (PM), Payot Paris 1954, 113
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét