Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

Dựng Bia tưởng niệm nhà văn hóa Phạm Quỳnh

Vũ Thế Khôi/ Đại Đoàn Kết 
 Ảnh bên:Bia tưởng niệm nhà văn hóa Phạm Quỳnh ở nguyên quán Lương Ngọc, Bình Giang, Hải Dương
 Ngày 22-11, nhạc sĩ Phạm Tuyên cùng đông đủ các con trai gái, dâu rể, cháu chắt đã về Làng văn hóa Lương Ngọc, xã Thúc Kháng huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương để khánh thành Bia tưởng niệm thân phụ của ông là cụ Phạm Quỳnh.

 Tham dự buổi lễ, TS sử học Nguyễn Văn Khoan, tác giả sách "Phạm Quỳnh, một góc nhìn”, dẫn lời Hồ Chủ tịch đánh giá: "Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này”. GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, người từ năm 1975 đã có những đánh giá xác đáng về cụ Phạm Quỳnh rằng: "Có công minh lịch sử mới có công bằng xã hội”. 
Theo sử sách, cụ Phạm Quỳnh lâm nạn trong những ngày Cách mạng Tháng Tám 1945, di hài được tìm thấy năm 1956, đem về an táng ở chùa Vạn Phước xứ Huế trên đường Nam Giao xưa (nay đổi tên thành Điện Biên Phủ). Theo lời nhạc sĩ Phạm Tuyên, sau ngày đất nước thống nhất, gia đình có ý đưa về quê gốc, để thỏa nỗi nhớ nhung đau đáu của cụ về Hoa Đường – đất tổ quê cha. Nói đất Tổ là vì tiên tổ là Giáo thụ phủ Anh Sơn (Nghệ An) Hương cống Dưỡng Am Phạm Hội còn mộ phần nơi đây. Nói quê cha, là vì tại đây, trải qua mọi biến thiên của thời cuộc, dân làng vẫn gìn giữ được lăng mộ của Tú tài Phạm Điển, mà chính người con nổi tiếng hiếu thảo với cha đã xây dựng dưới triều vua Bảo Đại, và hiếu thảo cả với quê hương – cho đặt tại Lương Ngọc trường Tổng sư của toàn tổng Ngọc Cục.
Trước đó, UBND thành phố Huế dự định bảo tồn nguyên trạng phần mộ của Thượng Chi Phạm Quỳnh như một bộ phận của di tích lịch sử văn hóa xứ Huế. Song, cảm thông với nỗi niềm canh cánh của nhạc sĩ Phạm Tuyên, lãnh đạo và nhân dân Lương Ngọc đã tạo điều kiện mở rộng khu lăng cụ Tú Điển và chủ động đề nghị ông dựng Bia tưởng niệm nhà văn hóa Thượng Chi Phạm Quỳnh ngay tại đây, nguyên quán của Cụ.
Nhà bia do cháu ngoại của cụ Thượng Chi là kiến trúc sư, PGS TS Tôn Thất Đại thiết kế, phong cách hiện đại, đơn giản và thanh thoát, trang nghiêm. Trên hai trụ trước khắc câu nói nổi tiếng của Thượng Chi bằng chữ Nôm và chữ Quốc ngữ (đọc từ phải sang trái như câu đối truyền thống): Truyện Kiều còn, tiếng ta còn – Tiếng ta còn, nước ta còn
Trong nhà bia dựng tấm bia đá đen, ốp ảnh cụ Phạm Quỳnh mặc y phục dân tộc, áo the khăn xếp  và khắc mấy hàng chữ trắng khiêm nhường thâu tóm toàn bộ một sự nghiệp vĩnh hằng: 
Nhà văn hóa PHẠM QUỲNH (1892-1945); 
Chủ bút báo Nam Phong hiệu Thượng Chi.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: