Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Cuốn sách nâng đỡ số phận cay đắng của một phạm nhân


Phạm nhân Nguyễn Văn Khôi – nguyên phóng viên báo Khánh Hòa, anh ruột của nhà báo Hoàng Khương cũng đang bị án tù, viết thư cho đơn vị làm sách: “Số là trong phòng giam của tôi có một người bạn tù có người quen làm quản giáo ở trại giam KH. Gia đình anh ấy nhờ quản giáo mang vào cho anh ấy mấy cuốn sách. Trong những cuốn sách ấy có cuốn “Tìm về sức mạnh vô biên” của Robin S.Sharma, một ấn phẩm của quý công ty. Thú thật lúc ở ngoài đời tôi là người tự phụ, ỷ lại học vấn và sự hiểu biết của mình. Vì vậy những cuốn sách có tính “dạy đời”, “sách vở” như vậy tôi không để mắt đến. Tuy nhiên trong cảnh tù tội “đói chữ” lại muốn quên đi thời gian nên tôi đã đọc cuốn sách này. Và điều kỳ diệu đã đến. Cứ mỗi trang sách lật qua như có ai đó cất đi cho tôi một gánh nặng. Mỗi trang sách như có một sức mạnh vô hình nâng đỡ cho tôi đứng dậy. Tôi như kẻ lạc lối giữa biển khơi tìm thấy ánh sáng của ngọn hải đăng. Tôi đã đọc ngấu nghiến…”


Đồng Găng, ngày 30.10.2014
Kính gửi các anh chị trong công ty Văn hóa sáng tạo Việt – First News
Tôi xin được giới thiệu. Tôi tên là Nguyễn Văn Khôi (bút danh Nguyễn Khôi), sinh năm 1968, hộ khẩu 36 Nguyễn Bỉnh Khiêm – Nha Trang. Hiện là phạm nhân trại giam A2 Đồng Găng – Khánh Hòa.
Tôi viết thư này như một sự thôi thúc về việc phải làm để gửi lời tri ân đến các anh chị và có đôi lời muốn thưa chuyện.
Trước đây tôi là một nhà báo, công tác tại báo Khánh Hòa (từ năm 1993). Tôi là học sinh giỏi chuyên Văn, từ năm lớp 5 đến lớp 12 nằm trong đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh, từng đạt giải nhì Văn toàn quốc. Tôi đã có 3 bằng đại học (cử nhân văn khoa, cử nhân báo chí và cử nhân chính trị). Trước khi về công tác tại báo Khánh Hòa, tôi từng làm việc tại đài THVN, báo Lao Động.
Về chuyên môn tôi từng là cây bút chủ lực của báo, gần như năm nào cũng giành giải cao (giải báo chí của tỉnh, đã từng đạt giải báo chí quốc gia). Cũng cần nói thêm, nhà báo Hoàng Khương báo Tuổi Trẻ là em ruột của tôi, đã được tôi dìu dắt lúc mới vào nghề.
Về cuộc sống gia đình tôi là người hạnh phúc khi có một người vợ giỏi giang, là kế toán trưởng tập đoàn Hoàn Cầu. Tôi có 2 con, một trai một gái đều xinh xắn và học giỏi. Vợ chồng tôi có một công ty riêng chuyên kinh doanh văn phòng phẩm có tiếng ở Nha Trang. Tôi có một căn nhà 5 tầng ngay trung tâm thành phố, có xe con riêng trước khi sếp ở cơ quan có.
Tôi được cơ cấu vào diện cán bộ nguồn của Tỉnh ủy, cơ cấu vào chức danh phó tổng biên tập.
Có thể nói về công danh, sự nghiệp, cuộc sống gia đình của tôi là niềm mơ ước của nhiều người ở thành phố biển này.
Thế nhưng bị kịch ập đến gia đình tôi vào năm 2008. Vì quá tự tin vào khả năng của mình cộng với tính háo thắng tôi đã hùn hạp làm ăn với một số người bạn ở Sài Gòn, kinh doanh bất động sản và chơi chứng khoán. Trong thời gian đầu việc làm ăn khá suôn sẻ, lợi nhuận rất cao.
Tai họa đến với tôi vào giữa năm 2008 khi mọi việc tụt dốc thê thảm, tôi càng vùng vẫy thì càng xa lầy và cuối cùng bị phá sản với món nợ vay mượn lên gần 10 tỉ đồng. Trong cơn túng quẫn lại bị chủ nợ uy hiếp tôi đã bỏ trốn, sau đó bị khởi tố với tội danh “Lạm dụng tín nhiệm”. Đến tháng 9.2012 tôi bị bắt theo lệnh truy nã.
Thưa các anh chị!
Không thể nào diễn tả tâm trạng của tôi lúc mới vào tù. Tất cả như sụp đổ, tôi như từ trên thiên đàng rơi xuống địa ngục. Cuộc sống tù đày thật quá kinh khủng, ngoài sự tưởng tượng và sức chịu đựng của tôi. Sự thất vọng, bế tắc đến cùng cực. Đã thế số phận như muốn trêu ngươi tôi. Tai họa cứ dồn dập xảy ra. Em trai tôi là nhà báo Hoàng Khương ở báo Tuổi Trẻ bị khởi tố và kêu án 4 năm tù. Tôi vào tù được 4 tháng thì mẹ tôi mất mà tôi không được về gặp mặt mẹ lần cuối. Và số phận như muốn đánh gục tôi khi tiếp theo đó vợ tôi đưa đơn li dị và mang các con đi xa vì không chịu nổi áp lực.
Tôi như ở dưới vực thẳm. Mọi cánh cửa như đóng sập lại. Trong lúc tuyệt vọng tôi đã nghĩ đến cái chết vì chỉ có cái chết mới giải thoát cho tôi  khỏi kiếp nạn này. Tôi đã quyết tâm tìm đến cái chết bằng cách thắt cổ tự tử nhưng đã bị phát hiện. Không từ bỏ ý định tự sát, tôi đã âm thầm móc nối với người bạn làm tự giác để chuyển thuốc ngủ vào. Thế nhưng mọi thứ đã thay đổi bằng một biến cố mà tôi không ngờ đến.
Số là trong phòng giam của tôi có một người bạn tù có người quen làm quản giáo ở trại giam KH. Gia đình anh ấy nhờ quản giáo mang vào cho anh ấy mấy cuốn sách. Trong những cuốn sách ấy có cuốn “Tìm về sức mạnh vô biên” của Robin S.Sharma, một ấn phẩm của quý công ty. Thú thật lúc ở ngoài đời tôi là người tự phụ, ỷ lại học vấn và sự hiểu biết của mình. Vì vậy những cuốn sách có tính “dạy đời”, “sách vở” như vậy tôi không để mắt đến. Tuy nhiên trong cảnh tù tội “đói chữ” lại muốn quên đi thời gian nên tôi đã đọc cuốn sách này.
Và điều kỳ diệu đã đến. Cứ mỗi trang sách lật qua như có ai đó cất đi cho tôi một gánh nặng. Mỗi trang sách như có một sức mạnh vô hình nâng đỡ cho tôi đứng dậy. Tôi như kẻ lạc lối giữa biển khơi tìm thấy ánh sáng của ngọn hải đăng. Tôi đã đọc ngấu nghiến.
Không phải đúng hơn là đã nghiền ngẫm cuốn sách này đến mấy chục lần và đến nay gần như đã thuộc lòng các nội dung chính. Tôi cứ ngỡ cuốn sách viết ra là để dành cho mình. Số phận nhân vật chính giống như hoàn cảnh của tôi bây giờ. Tôi thực sự được khai sáng. Nếu slogan của quý công ty là “Có những cuốn sách như một món quà vô giá” thì đối với tôi phải tâm niệm rằng “Có những cuốn sách cứu vớt một số phận”.
Sau khi được khai sáng tôi như một con người khác, ngay bản thân tôi cũng không lý giải được. Còn các bạn tù thì hết sức kinh ngạc trước sự thay đổi quá nhiều của tôi. Tôi đã tìm lại được niềm tin vào cuộc sống, sống lạc quan an nhiên tự tại hơn. Chính nhờ thực hành theo những chỉ dẫn trong cuốn sách mà tôi hoàn toàn bình thản trước nghịch cảnh cũng như những đày đọa của cuộc sống tù đày. Thậm chí khi tòa kêu án 16 năm tù thì tôi cũng không bị suy sụp, tôi đón nhận nó với sự tự chủ mà người thân, bạn bè cũng không ngờ đến.
Thưa các anh chị!
Trong cuốn sách này có quá nhiều điều tâm đắc và bổ ích cho những người rơi vào hoàn cảnh bế tắc như tôi. Đặc biệt những chỉ dẫn, những bài tập thực hành được trình bày dễ hiểu, dễ thực hành.
Trước hết cuốn sách đã giúp tôi tìm ra mục đích sống của mình: “Mục đích sống là sống có mục đích”. Từ đây tôi nhận ra rằng bi kịch của đời mình là đã không xác định đúng mục đích sống của mình. Mải mê chạy theo danh vọng nên tôi đã lạc lối.
Tôi đã lấy những giải thưởng báo chí, lời tâng bốc để làm mục tiêu phấn đấu của mình. Đi viết phóng sự, tôi như gã thợ săn máu lạnh, phanh phui một sự việc nào đó, hạ gục một người nào là tôi lại hả hê, đắc chí.
Tôi chỉ mong sao sự việc càng tệ hại càng tốt. Ngay cả khi đi tác nghiệp về thiên tai, tai nạn tôi lại mong sao sự việc thê thảm, nặng nề để bài viêt mình được hấp dẫn. Dần dần ngòi bút của tôi thành một sát thủ máu lạnh. Tôi trở thành kẻ vô cảm trước nỗi đau của người khác.
Về cuộc sống gia đình tôi đã rơi vào vết xe đổ của nhân vật chính trong cuốn sách, đó là “không biết ưu tiên những điều quan trọng của cuộc sống”. Chính vì chạy theo hư danh mà tôi đã đánh mất những khoảnh khắc quý báu bên gia đình.
Tôi cứ ngỡ đem lại cho vợ con cuộc sống sung túc là đã làm tròn trách nhiệm của mình. Thậm chí nhà ở ngay bên cạnh bãi biển mà có khi hơn một năm trời tôi không đưa vợ con ra biển tắm và đi dạo. Vậy mà chỉ cần một cuộc gọi đi nhậu của bạn bè thì dù đêm hôm, xa xôi đến đâu tôi cũng không từ chối.
Khi viết đến đây lòng tôi lại đau nhói. Và tôi cũng giật mình nhận ra rằng xung quanh mình có khá nhiều bạn bè cũng có cách sống như vậy. Tôi mong sao những gã đàn ông như tôi được một lần đọc và chiêm nghiệm cuốn sách này để họ không phải trả giá, tiếc nuối như tôi.
Điều đặc biệt là cuốn sách không chỉ giúp tôi chiêm nghiệm, đánh giá lại quãng đời trước đây của mình mà quan trọng là giúp tôi rất nhiều trong hiện tại. Với cách nhận ra 7 đức hạnh của con người, 10 liệu pháp để có cuộc sống an vui, 5 bước để đạt đến thành công, cuốn sách thực sự là cuốn cẩm nang cho nhiều người, nhất là những người đang rơi vào hoàn cảnh bế tắc, tuyệt vọng.
Chính nhờ thực hành theo những chỉ dẫn trong sách đã giúp tôi cảm thấy công việc cải tạo nhẹ nhàng hơn rất nhiều, giúp tôi dễ hòa nhập và thích nghi được với môi trường cải tạo khắc nghiệt. Tôi đã rèn được tính kỷ luật, gửi được sự tự chủ, biết kiềm chế… Nhờ đó mà có những trường hợp ngay cả những người tù đã dày dạn không chịu đựng nổi thì tôi lại vượt qua một cách dễ dàng.
Và điều tôi tâm đắc nhất là cuốn sách không chỉ dạy cho ta cách sống cho mình mà còn biết sống cho người khác.
Nếu anh không mở rộng trái tim mình thì anh sẽ không chạm được vào trái tim người khác”.
Tôi cũng nhận ra rằng: “Khi anh giúp người khác hoàn thiện cuộc sống của họ, nghĩa là anh đã tự nâng cao chất lượng sống của mình”. Do đó tôi đã cố gắng sống với tinh thần trao tặng những gì mình có.
Việc làm trước tiên của tôi là tìm cách chuyền tay và đọc cuốn sách này cho nhiều bạn tù cùng đọc, cùng biết. Trong gần 2 năm ở trại tạm giam đã có gần 100 phạm nhân đọc cuốn sách này và ai cũng thích thú, tâm đắc. Có người bạn tù là Nguyễn Mạnh Hà, nguyên là thanh tra Chính phủ (kêu án 5 năm tù vì tội làm lộ bí mật Nhà nước, hiện đang ở trại giam Sơn Phước – Phú Yên) đã lấy cọng dây chì kẹp ở đầu cây xúc xích mài thành cây viết chì để viết tóm tắt nội dung cuốn sách mang đi. Còn việc cất dấu, giữ gìn cuốn sách này là một kỳ công. Nếu không có anh em phạm nhân tự giác giúp thì không thể nào giữ được cho đến nay.
Việc chuyển cuốn sách này cho những phòng bên cạnh mượn còn hồi hộp hơn trong phim hình sự. Đợi đến đêm khuya chúng tôi lấy sợi dây (được se lại từ bao nylon), ở đầu có một gói cơm nhỏ bằng quả chanh quăng qua cửa sổ sang phòng bên cạnh. Ở phòng bên kia cũng quăng ra một sợi dây tương tự để đấu móc với nhau rồi chuyển cuốn sách sang.
Ngoài ra, chính nhờ nội dung, ý tứ trong cuốn sách đã giúp tôi an ủi, chia sẻ tới nhiều bạn tù, nhất là những người mới vào để họ không bị khủng hoảng tinh thần hoặc tuyệt vọng như tôi trước đây.
Trong hành trang tôi mang lên trại giam A2 tất nhiên là có cuốn sách này. Tôi xem nó như một báu vật, đó là cuốn “Thánh kinh” của tôi và tôi sẽ mang theo đến cuối cuộc đời.
Nhưng câu chuyện First News chưa dừng lại ở đó. Khi tôi vừa nhập trại, có anh Nguyễn Minh Hiển (nguyên là nhạc sĩ người gốc Sài Gòn) làm tự quản biết tôi là nhà báo nên anh đến làm quen. Thấy tôi buồn vì mới ngày đầu nên anh đã mang đến cho tôi mượn một cuốn sách mà theo anh thì “bằng mọi giá phải đọc”.
Các anh chị có biết không. Đó là cuốn “Tìm về sức mạnh vô biên”, mặc dù đã rách cả hai trang bìa nhưng mới nhìn qua tôi đã nhận ra ngay. Khi nghe tôi chia sẻ câu chuyện của mình anh rất ngạc nhiên, thích thú và bây giờ tôi và anh là hai người bạn thân thích và bây giờ tôi và anh là hai ngươi bạn tri kỷ của nhau.
Thưa các anh chị!
Tôi đến trại A2 đã gần nửa năm. Trong khoảng thời gian này tôi đã tìm hiểu khá kỹ về đời sống tinh thần của phạm nhân nơi đây, nhất là xem họ đọc gì, xem gì? (có lẽ do máu nghề nghiệp). Và tôi đã rút ra một số cảm nghĩ sau. Toàn bộ trại giam A2 có trên 2.000 phạm nhân nam nữ, riêng phân trại 2 của tôi có khoảng 700 phạm nhân. Vậy mà ở đây chỉ có một tủ sách với chỉ gần 50 đầu sách mà chủ yếu là sách cũ, sách viết về bệnh lao, sida.
Mục đích là để trưng bày cho có hình thức là một thư viện. Phạm nhân hầu hết là đọc sách báo từ gia đình gửi lên, mà đa phần là sách báo nhảm nhí, truyện ma, sách viết về các vụ án cướp, hiếp, giết.
Cũng phải thông cảm vì phần lớn gia đình phạm nhân là dân lao động ít học. Hơn nữa không ai tư vấn cho họ cần phải mua sách báo gì bổ ích cho con em mình. Cũng vì thế người tù không được tiếp cận đến những cuốn sách có giá trị.
Cụ thể khi tôi cho các bạn tù đọc cuốn “thánh kinh” của mình thì ai cũng thích thú, say mê. Nhiều người còn chép vào sổ tay những câu văn hay, có người viết thư về cho gia đình, người yêu còn bê nguyên một đoạn trong cuốn sách. Theo tôi được biết toàn trại A2 thì số sách có giá trị như quyển tôi đang đọc chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tôi cứ băn khoăn mãi. Việc cải tạo giúp đỡ cho những người lầm lỗi tìm ra con đường phục thiện, hoàn lương là rất khó khưan, nhất là với những người vào tù ra tội nhiều lần. Cần có một tác động nào đó để đánh thức tính thiện, tính người trong họ, giúp họ xóa đi mặc cảm tội lỗi.
Khi tâm sự với nhiều người tù, có người mới được tha về 2 tháng đã vào tù lại thì tâm trạng chung là đánh mất niềm tin vào con người vào cuộc đời. Họ buông xuôi số phận, lạc lối khi đi tìm câu trả lời “mình sống ra trên đời này để làm gì”?
Trong khi đó cuộc sống của người tù chỉ có làm việc  - làm việc và làm việc. Không có bất kỳ sự hỗ trợ nào về mặt tinh thần, tâm lý cho người tù, giúp họ thực sự được “cải tạo” chứ không phải là giam cầm, lao động khổ sai.
Vì vậy tôi nghĩ rằng, những cuốn sách tử tế sẽ góp phần quan trọng để giúp người tù khai mở cõi u tối trong tâm thức, ít nhất cũng giúp họ có được niềm tin vào cuộc sống, giúp họ có một chỗ dựa về tinh thần để họ có động cơ mà phấn đấu cải tạo và nhẹ bước quay về.
Đối với gia đình phạm nhân, tôi ước sao trong những giỏ xách thăm nuôi của họ có những cuốn sách hay giá trị thì tuyệt vời biết mấy. Nhưng buồn thay hầu hết đó là những cuốn sách vô bổ, nguy hại cho người tù.
Các bạn First News thân mến!
Cho phép tôi được gọi như vậy. Trong sự hình dung của tôi các bạn là những người trẻ tuổi. Vì chỉ có tuổi trẻ mới giàu nhiệt huyết và sự tận tâm để theo đuổi công việc có ý nghĩa như vậy.
Các bạn là những người tử tế, có cái tâm sáng để không bị cuốn theo cuộc chiến lợi nhuận. Trong cái thị trường xuất bản bát nháo này các bạn vẫn kiên trì với mục tiêu của mình đó là đi gieo niềm tin, gieo yêu thương cho cuộc đời. Cho tôi gửi lời tri ân đến các bạn và tôi nghĩ rằng có rất nhiều người đã gặp “cơ duyên” như tôi nhưng chưa có cơ hội bày tỏ lòng mình.
Còn bây giờ tôi xin được chia sẻ với các bạn một số vấn đề sau. Trước hết các bạn nên nghiên cứu tìm cách đưa các ấn phẩm của mình đến tay những bạn đọc là phạm nhân. Hiện nay số lượng phạm nhân trên cả nước là rất đông. Những ấn phẩm của các bạn rất cần thiết và phù hợp cho những người có hoàn cảnh bất hạnh, gặp bế tắc.
Cần lưu ý đến những câu chuyện vượt lên nghịch cảnh, tấm gương của những người hoàn lương. Cần tìm kiếm một kênh thông tin nào đó cho gia đình các phạm nhân biết đến các ấn phẩm các bạn. Không chỉ là cầu nối đưa các ấn phẩm đó đến cho người tù mà họ cũng là đối tượng bạn đọc hướng đến của các bạn.
Vì nếu hỏi người tù cần gì nhất thì câu trả lời sẽ là “lòng yêu thương và sự tha thứ”. Chính những cuốn sách của First News sẽ giúp thân nhân người tù rung động, giúp họ mở lòng mình ra để mà yêu thương, tha thứ.
Được biết các bạn đã có nhiều hoạt động hướng đến đối tượng phạm nhân, thông qua những chuyến giao lưu, tặng sách cho một số trại giam trong toàn quốc. Mong rằng một dịp gần đây các bạn sắp xếp thời gian để đến với chúng tôi. Chắc chắn đây là món quà quý giá và bất ngờ vì từ lâu rồi chúng tôi đã bị lãng quên. Mà đối với người tù thì sự trừng phạt nặng nề nhất đó chính là sự lãng quên.
Có một vấn đề tế nhị là tôi viết thư này với tư cách cá nhân. Vì nếu thông qua gợi ý “chỉ đạo” của ban giám thị thì câu chuyện sẽ mất đi tính chân thật và sẽ bị lèo lái sang một hướng khác. Do đó tôi đã nhờ người nhà mang trực tiếp lá thư này đến cho các bạn và nếu các bạn muốn tặng hay bán giảm giá sách cũ cho tôi thì làm việc trực tiếp với người đưa thư này.
Và tôi cũng có nguyện vọng được nhận một lá thư hồi âm của các bạn. Đó là niềm hạnh phúc, động viên rất lớn dành cho tôi. Thư về: Nguyễn Văn Khôi, đội 13, phân trại 2, trại A2 Đồng Găng – Diên Lâm – Diên Khánh – Khánh Hòa.
Các bạn First News thân mến!
Nếu bây giờ có ai hỏi điều tiếc nuối nhất của tôi là gì thì tôi sẽ trả lời đó là tiếc vì không đọc cuốn sách này sớm. Chắc chắn rằng nếu tôi đọc cuốn sách này trước khi bi kịch xảy ra thì tôi sẽ không mắc sai lầm và gánh chịu hậu quả đáng tiêc như thế này.
Nhưng tôi cũng đã đọc được từ sách là không nên tiếc nuối chuyện đã qua “không nên là tù nhân của quá khứ mà hãy là kiến trúc sư của tương lai”.
Tôi cũng học được cách sống trong hiện tại, biết trân trọng từng khoảnh khắc mà mình đang sống. Với tôi cứ mỗi bình minh là một cuộc đời mới, tôi sống với tinh thần có thể hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình. Để từ đó biết yêu quý cuộc đời này, mở lòng mình ra để biết rằng mình vẫn còn có ích cho ai đó. Và trên hết còn cảm nhận được mình còn có ích cho ai đó. Và trên hết còn cảm nhận được mình còn có sứ mạng cần phải hoàn thành và biết được không bao giờ là quá muộn để làm việc có ích.
Và bây giờ tôi xin được dừng câu chuyện ở đây. Cám ơn các bạn đã dành thời gian đọc lá thư khá dài dòng này.
Với tất cả tấm lòng biết ơn và cảm phục, cho tôi được ghi nhận và tri ân các bạn. Cầu mong cho các bạn và gia đình luôn sức khỏe, bình an và hạnh phúc. Mong cho các bạn chân cứng đá mềm, có đủ cái tâm và tài để theo đuổi công việc tốt đẹp của mình.
Chào thân ái!
Nguyễn Văn Khôi


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: