Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

AI LÀ NGƯỜI NHẮC ĐẾN KHÁI NIỆM NHÂN QUYỀN SỚM NHẤT Ở VIỆT NAM?



Từ cuối thế kỷ XIX, nhiều tri thức Việt Nam như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Huỳnh Thúc Kháng... đã tiếp thu các tư tưởng tiến bộ về tự do, bình đẳng, bác ái, tư tưởng về dân quyền, dân chủ của Cách mạng tư sản. Ban đầu, có ảnh hưởng đặc biệt lớn đến các nhà nho yêu nước cấp tiến là các bản dịch tác phẩm của Rousseau, Hobbles, Locke... do các nhà tư tưởng Trung Quốc cùng thời như Khang Hữu Vi (Kang Youwei, 1858-1927), Lương Khải Siêu (Liang Qichao, 1873-1929) dịch và giới thiệu trên các tạp chí Trung Quốc. Sau đó, do có điều kiện ra nước ngoài nhiều, các nhà cách mạng Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu càng hiểu thêm sâu sắc về tư tưởng tự do và dân quyền, hai ông đã trở thành những người truyền bá những tư tưởng này sớm nhất, có hệ thống nhất ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh là hai nhà cách mạng có tư tưởng về nhân quyền sớm nhất, ảnh: internet
Một trong những chủ trương của phong trào Duy Tân (khởi xướng từ khoảng năm 1903, với các lãnh tụ chính yếu Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp) là vận động nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, phát triển dân sinh, vận động dân quyền. Trong sách “Tự phán”, Phan Bội Châu cho biết sau khi đi Nhật trở về năm 1906, Phan Châu Trinh khẳng định lập trường: “Chỉ nên đề xướng dân quyền, dân đã biết có quyền thì việc khác có thể tính lần được”. Có thể khẳng định Phan Châu Trinh là nhà hoạt động chính trị đầu tiên đề xướng dân quyền ở Việt Nam. Sau khi sang Pháp năm 1911, nhờ sự can thiệp của Hội nhân quyền (trụ sở tại Pháp), ông cũng là người đầu tiên báo động tình trạng thiếu nhân quyền ở Việt Nam và lên án chế độ phong kiến, thực dân trong nước bằng các bài diễn thuyết và các bài viết như thư gửi Hội nhân quyền về cuộc dân biến ở Trung Kỳ (1911), Đông Dương chính trị luận (1913), thư Thất điều kể tội vua Khải Định (1922),… Cuối năm 1925, Phan Châu Trinh về nước, ông có hai bài diễn thuyết tại Sài Gòn, trong đó Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa, hướng đến một xã hội dân chủ và pháp trị.
Phan Bội Châu, mặc dù lựa chọn con đường cách mạng khác, nhưng cũng dùng thơ văn và các bài diễn thuyết kêu gọi người dân có ý thức về quyền tự do. Chẳng hạn trong loạt bài “Nam quốc dân tu tri”(Quốc dân nam giới cần biết, được đăng dần trên báo Tiếng Dân từ tháng 8/1926), tác giả kêu gọi công dân có ý thức về quyền lợi, nghĩa vụ đối với xã hội, với quốc gia, giải thích thế nào là “độc lập”, “tự do”… Các quyền cơ bản đã được ông trình bày dưới dạng thơ rất súc tích và lý thú:
Miệng có quyền nói,
Óc có quyền suy.
Chân có quyền đi,
Tay có quyền đẩy.
Mắt có quyền thấy,
Tai có quyền nghe.
Đất nọ xứ kia,
Có quyền dời ở…
(Trích “Quyền lợi”, trong  “Nam quốc dân tu tri”)
Qua các tác phẩm nêu trên có thể thấy được, tuy các nhà cách mạng như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu không nói rõ khái niệm nhân quyền như thế nào trong các tác phẩm của mình. Nhưng qua các tác phẩm đó, hai ông đã làm nổi rõ được cách bản chất, cách thể hiện của khái niệm nhân quyền là như thế nào. Đây là cơ sở nền tảng để nhân quyền ở Việt Nam càng phát huy, phát triển về sau này.
Nguyễn Chiến Thắng


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: