Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Tinh thần "Quốc tế vô sản" của các đồng chế để đâu???

Báo đảng Trung Quốc tiếp tục vu vạ, bôi xấu hình ảnh của Việt Nam


(GDVN) - Bài viết khuyên Việt Nam đừng "lấy trứng chọi đá", thấy Việt Nam khai thác dầu khí thì thèm thuồng, đổ mọi trách nhiệm quan hệ căng thẳng Việt-Trung cho VN.

Trung Quốc cho giàn khoan 981 khoan thăm dò trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam (ảnh tư liệu minh họa).
Tờ “Nhân Dân” Trung Quốc ngày 16 tháng 7 dẫn lại bài viết của Khương Hưng Hoa với tiêu đề “Báo Giải phóng quân: Việt Nam mắc thêm sai lầm lấy trứng chọi đá”. Bài viết đã ra sức tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo sự thật, đánh lừa dư luận, vu vạ, bôi xấu hình ảnh của Việt Nam.
Báo GDVN xin đăng lại đầy đủ nội dung bài viết để dư luận rộng đường tham khảo để thấy rằng truyền thông nước này chưa và không từ bỏ tư tưởng thù địch nhằm vào Việt Nam mặc dù chính TQ mới là nước xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Bài viết cho rằng, cách đây không lâu, Việt Nam tiến hành phản ứng gay gắt với giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc ở cái gọi là “vùng biển Tây Sa Trung Quốc” (thực chất là vùng biển chủ quyền của Việt Nam, Tây Sa thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), từ chính quyền đến người dân, từ bắc đến nam, từ trong nước đến ngoài nước đã dâng lên làn sóng “chống Trung Quốc” mới.
Bài viết bịa đặt, xuyên tạc cho rằng, "Việt Nam đã không ngừng “quấy rối” (bản chất là thực thi pháp luật) đối với giàn khoan 981 của Trung Quốc như cho “đặc công nước rải vật cản”, dùng tàu “xông vào khu cảnh giới của Trung Quốc” ở hiện trường, “đâm va tàu công vụ Trung Quốc đến 1.415 lần”. Trung tuần tháng 5, miền nam Việt Nam lại nổi lên làn sóng “đánh, cướp, phá, đốt”, “giết hại 4 và làm bị thương trên 300 công dân Trung Quốc ở Việt Nam”".
Bài báo coi hoạt động chấp pháp ở vùng biển giàn khoan 981 Trung Quốc hạ đặt trái phép là hoạt động “quấy rối, phá hoại”, coi hoạt động của giàn khoan 981 là “hợp pháp”, coi hoạt động chấp pháp của Việt Nam cũng như hoạt động biểu tình phản đối Trung Quốc ở Việt Nam là “Việt Nam đã mắc thêm sai lầm, gây ra xung đột song phương gay gắt nhất giữa hai nước sau cuộc chiến tranh trên biển giữa Trung-Việt ở quần đảo Trường Sa vào năm 1988” (Trên thực tế, chiến tranh năm 1988 là một cuộc chiến xâm lược dã man của Trung Quốc đối với một số đá ngầm của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa).
Bài viết cho rằng, Việt Nam đã “đào hố lớn chôn mình”, rằng “được không bằng mất”. Sự kiện “chống Trung Quốc” lần này chắc chắn sẽ “phủ bóng đen lên đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam” (?). Do ảnh hưởng của cơn bão tài chính phố Wall, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2012, 2013 chỉ 5%, thấp nhất trong 13 năm qua.
Theo luận điệu của bài báo, nhanh chóng khôi phục xu thế tăng trưởng kinh tế tương đối nhanh đã trở thành nhiệm vụ cấp bách hiện nay của Việt Nam. Những năm gần đây, Việt Nam “bắt chước cải cách mở cửa” của Trung Quốc (?), đã thu hút rất nhiều đầu tư nước ngoài, chỉ trong năm 2013 vốn FDI đăng ký và tăng đã đạt 21,6 tỷ USD. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam một bộ phận rất lớn đến từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Trung Quốc khủng bố Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam: phun vòi rồng.
Theo bài báo, trong các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore đứng hàng đầu. Những thương nhân này đầu tư vào Việt Nam, chủ yếu là đã nhìn thấy môi trường chính trị-xã hội tương đối ổn định trong nhiều năm qua của Việt Nam.
Lấy cớ đó, bài báo gợi lại sự kiện biểu tình “chống Trung Quốc” bị kẻ xấu lợi dụng ở một số địa phương Việt Nam, mục đích là để bôi xấu hình ảnh của Việt Nam, cho rằng, “các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài” đã bị “đánh, cướp, đốt, phá”, trong đó có một số doanh nghiệp Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc, gây tổn thất tính mạng và tài sản. Bài viết võ đoán rằng, “ảnh hưởng tiêu cực của sự kiện này khó dự đoán”.
Bài báo còn đổ tội cho Việt Nam cố tình “lợi dụng chủ nghĩa dân tộc trong nước” (thực ra là phát huy tinh thần yêu nước) để đối phó Trung Quốc. Theo bài báo, trước đây, các cuộc biểu tình nhằm vào Trung Quốc ở Việt Nam chủ yếu giới hạn ở Hà Nội, nhiều nhất là xuất hiện thêm ở thành phố Hồ Chí Minh, số lượng người tham gia cũng có hạn, nhưng phong trào “chống Trung Quốc” đợt này đã lan tới 22/63 tỉnh của Việt Nam, thậm chí ở Tokyo-Nhật Bản và một số khu vực như châu Âu cũng có người Việt Nam biểu tình.
Tàu chiến, máy bay quân sự Trung Quốc xâm lược vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Bài báo nhấn mạnh đến sự kiện “hàng vạn người dân Việt Nam bãi công, tuần hành ở khu công nghiệp tỉnh Bình Dương miền nam ngày 13 tháng 5, diễn biến thành bạo động”, điều này đã trực tiếp gây ra “thách thức nghiêm trọng” đối với sự ổn định xã hội của Việt Nam.
Bài báo cho rằng, Việt Nam “mắc thêm sai lầm” sẽ làm cho Việt Nam “tự nuốt quả đắng” về sự xấu đi của quan hệ Việt-Trung (Thực ra thì chính Trung Quốc làm điều đó và chính Trung Quốc phải nuốt quả đắng). Tháng 10 năm 2013, người đứng đầu Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường đã thăm Việt Nam, đây là lần đầu tiên thành viên chủ chốt của ban lãnh đạo mới Trung Quốc thăm Việt Nam, hai bên đã đạt được thỏa thuận hợp tác trên đất liền và trên biển (Nhưng ngay sau đó, Trung Quốc đã làm điều không thể chấp nhận được đối với Việt Nam: sự kiện giàn khoan 981)
Tuy nhiên, theo bài báo, sự kiện lần này đã tạo ra sức “sát thương” rất lớn. Ngày 18 tháng 5, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai một số thủ đoạn mới như cảnh báo công dân Trung Quốc tạm thời không đến du lịch ở Việt Nam, tạm dừng một phần kế hoạch trao đổi Trung-Việt. Trung Quốc còn điều máy bay, tàu thuyền triển khai chiến dịch “rút người Hoa” ở Việt Nam, đến ngày 20 tháng 5 đã rút trên 3.000 người Trung Quốc. Đây là chiến dịch đưa người Hoa ở nước ngoài có quy mô lớn nhất của Trung Quốc kể từ cuộc nội chiến Lybia đến nay.
Trung Quốc khủng bố Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam: Đâm chìm tàu cá của Việt Nam, ngăn chặn không cho cứu ngư dân của tàu cá này.
Bài báo cho rằng, điều này chứng tỏ “thực lực” của Trung Quốc, thể hiện cái gọi là “quyết tâm bảo vệ an toàn tính mạng của công dân Trung Quốc” của Chính phủ Trung Quốc. Nhưng cho thấy, quan hệ Trung-Việt tiếp tục đối mặt với “thách thức nghiêm trọng”. Nếu kéo dài, khó tránh khỏi sẽ làm cho quan hệ hai nước bị “trọng thương”.
Bài báo cho rằng, sự kiện lần này bùng phát không phải là đơn lẻ. Bài báo đánh lạc hướng dư luận, cho rằng, một trong những nguyên nhân chính gây tranh chấp gay gắt ở Biển Đông những năm gần đây chính là tài nguyên dầu mỏ và khí đốt phong phú ở Biển Đông.
Hiện nay, các nước xung quanh Biển Đông đã khoan thăm dò hơn 1.000 giếng ở Biển Đông (nên Bắc Kinh đặc biệt thèm thuồng). Đặc biệt là, Việt Nam coi khai thác dầu khí ở duyên hải là ngành trụ cột phát triển kinh tế của mình, mỗi năm khai thác trên 1.000 tấn dầu mỏ.
Bài báo đổ lỗi và nói xấu, cho rằng, đối với chủ trương “gác lại tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc (tiền đề là “chủ quyền thuộc về tôi”), Việt Nam luôn có phản ứng không tích cực trong nhiều năm qua, trái lại, liên tiếp “giở trò xấu/mánh khóe” đối với hoạt động khoan thăm dò “bình thường, hợp pháp” của Trung Quốc ở Hoàng Sa.
Thực chất là Trung Quốc cho giàn khoan 981 hạ đặt trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cho tàu chiến, tàu hải cảnh, tàu dịch vụ, tàu cá, máy bay quân sự… đến hỗ trợ xâm lược.
Trung Quốc định đâm chìm tàu kiểm ngư Việt Nam ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam - một hành động khủng bố đặc sắc Trung Quốc, phục vụ cho ảo tưởng "giấc mơ Trung Quốc" trên Biển Đông.
Bài báo tiếp tục rũ bỏ trách nhiệm của Trung Quốc, đánh lạc hướng dư luận, cho rằng, chuyến thăm 4 nước Đông Á cách đây không lâu của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã “gợi ý” cho một số nước “có tranh chấp với Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông, trong đó có Việt Nam” (thực chất là Trung Quốc nhảy vào tranh chấp, xâm lược), để Việt Nam và các nước này tự cho rằng mình đã có “chỗ dựa”.
Hơn nữa, bài báo xuyên tạc cho rằng, Philippines cách đây không lâu cũng đã bắt giữ công dân Trung Quốc ở Biển Đông, theo đó, Việt Nam hy vọng dựa vào thời cơ này “kích động” các nước ASEAN thống nhất đối phó Trung Quốc.
Bài viết trịnh thượng và xuyên tạc, đánh lừa, cho rằng: “Việt Nam nên hiểu rõ, sai lầm phạm phải là lấy trứng chọi đá. Tranh chấp đảo đá Biển Đông rốt cuộc là vấn đề giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN, chứ không phải là vấn đề giữa Trung Quốc với ASEAN, xu thế hợp tác hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN tốt đẹp, đa số các nước ASEAN hoàn toàn không muốn bị một số nước ASEAN bắt bóc, tiến tới làm tổn hại lợi ích của mình”.
Bài báo võ đoán rằng, sự tính toán của Việt Nam sẽ “không thực hiện được”. Đồng thời, bài báo dẫn lời ủy viên quốc vụ kiêm bộ trưởng bộ quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đe dọa rằng, “hoạt động chính đáng của Trung Quốc ở vùng biển Hoàng Sa (TQ nói là Tây Sa) là quyền lợi của chúng tôi (Trung Quốc), không phải ai muốn cản là cản được”. Bài báo dụ dỗ ngon ngọt, ra vẻ khuyên bảo Việt Nam, cho rằng: Việt Nam cần tôn trọng lịch sử, nhìn thẳng vào hiện thực, xuất phát từ đại cục hữu nghị Trung-Việt, không nên mắc thêm sai lầm, tạo nên sai lầm lớn.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: