Giải mã nghề… “giải mã”
Minh Phương
ĐTTC - Mùa hè là thời điểm “nóng” sinh viên tìm việc làm thêm. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ băn khoăn, bối rối trước một rừng địa chỉ tuyển dụng thiếu minh bạch, dễ bị mắc lừa. Gần đây, trên mạng internet có những tin tuyển dụng: “Việc làm thêm lương cao”, “nhập liệu tại nhà lương cao”. Theo quảng cáo, mỗi ngày chỉ cần bỏ ra 2-3 giờ làm việc tại nhà sẽ kiếm 2-3,5 triệu/tháng. Công việc nhập liệu như thế nào mà mang lại thu nhập cao như vậy?
Xin việc hay việc xin?
Đánh mạnh vào yếu tố thời gian làm việc tự do, không yêu cầu kinh nghiệm, thu nhập cao... những công việc như nhập liệu văn bản luôn thu hút sự quan tâm của sinh viên, cử nhân mới ra trường và cả những người đã đi làm. Thực chất của việc tuyển nhân viên đánh máy tại nhà, nhập dữ liệu bảo mật cho công ty là nhập những đoạn mã (code) captcha. Tuy nhiên, công việc không đơn thuần là gõ lại những ký tự theo mẫu, thêm vào đó, ta phải giải mã để có thể gõ lại chính xác những đoạn mã loằng ngoằng, mờ nhạt khó có thể nhận diện. Nhiều sinh viên phản ánh việc “bị lừa” tuyển dụng khi tham gia ứng tuyển công việc đánh máy vi tính của Công ty TNHH TM-DV Công nghệ cao Đức Anh (phố Chùa Hà, phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội).
Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi đã đi thực tế, gửi hồ sơ xin việc tại Công ty Công nghệ cao Đức Anh. Tại văn phòng rộng chừng 25m2, có 1 bàn tiếp tân, 5 bàn giấy và một vài cái ghế nhựa để ứng viên phỏng vấn. Người phỏng vấn là một nữ nhân viên. Trước tiên bên tuyển dụng tự giới thiệu về công ty và nội dung công việc: “Trụ sở chính của công ty ở đường Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp, TPHCM. Ở Hà Nội chỉ là văn phòng chính, ngoài ra còn có 2 văn phòng đại diện ở Thanh Xuân và Hồ Giám...”. Sau đó, chị nhân viên này mới giới thiệu: “Chị tên là Hà, sinh năm 1989, quê ở Hưng Yên”.
Khi nhìn những mã loằng ngoằng, khó nhìn, nhân viên Hà trấn an: “Công việc của em là nhập mã, mỗi mã dài 4-8 ký tự, những mã khó nhìn chỉ chiếm 2-3% thôi. Mỗi ngày công ty không quy định phải nhập bao nhiêu, nhập nhiều hưởng nhiều, tính tiền theo số mã gõ được. Cứ 1.000 mã công ty trả 15.000 đồng. Với những người chuyên nghiệp, mất 30-40 phút để gõ 1.000 mã”. Sau đó, nhân viên Hà đưa bản hợp đồng yêu cầu nộp 195.000 đồng gồm: tiền hỗ trợ, duy trì phần mềm làm việc.
Theo lời của Hà, sau khi nộp tiền người xin việc sẽ được cấp tài khoản làm việc trên phần mềm độc quyền của công ty. Đó vừa là công cụ làm việc, vừa có chức năng tự động thống kê số lượng code nhập đúng để căn cứ trả tiền. Số tiền 195.000 đồng sẽ không được hoàn trả nếu người lao động nghỉ việc không báo trước 1 tuần, không hoàn thành mỗi tuần 4.000 mã, liên tục trong 2 tháng.
“Tính ra 2 tháng nếu hoàn thành khoảng 32.000 mã, công ty sẽ hoàn trả lại tiền đóng ban đầu. Còn nếu không hoàn thành công ty không trả lại tiền nhưng lương vẫn nhận bình thường” - nhân viên Hà cho biết. Tôi lo lắng trong 1 tuần không nhập đủ 4.000 mã, nhân viên Hà hơi bực: “Chỉ cần đánh được 6 ngón em cũng có thể làm được, như vậy trung bình 1.000 mã mất 40-50 phút. Em lo 1 tuần không gõ được 4.000 mã thì chị khuyên thật em không nên làm việc. Vì trong 1 tuần có 7 ngày, chẳng nhẽ không hoàn thành được 4.000 mã. Hợp lý chưa?”.
Cảnh báo lừa tuyển dụng
Tôi kiếm lý do không mang đủ tiền và trì hoãn đến ngày hôm khác đóng tiền, nhân viên Hà níu kéo: “Để tạo điều kiện, em có bao nhiêu cứ nộp trước chị viết phiếu thu, em mang hợp đồng về khai, khi nào quay lại đưa hợp đồng, nộp nốt số tiền, công ty sẽ cấp tài khoản để em làm việc. Vì bọn chị tuyển theo số lượng, không biết hôm đấy còn tuyển không. Sợ em bỏ lỡ công việc dễ dàng này”.
Bạn Trần Vân Mai, sinh viên năm thứ 2, Trường Đại học Xây dựng, Hà Nội, chia sẻ: “Lúc đến phỏng vấn, họ chỉ giải thích việc phải gõ một dãy số vào chương trình như thế nào, xong rồi đóng 200.000 đồng, cung cấp 2 tài khoản để làm việc. Tưởng dễ ăn nhưng khi làm toàn mã khó, mình gõ sai liên tục. Mã khó gõ bỏ qua nhiều sẽ bị khóa tài khoản. Mình làm được 1 ngày bị khóa luôn 2 tài khoản, phải xin lại. Tính ra phải 3 ngày mới gõ được 1.000 mã. Mình mất 200.000 đồng coi như phí ngu”.
Theo phản ánh của nhiều sinh viên, cái bẫy nhà tuyển dụng áp dụng cho những công việc trên là không cung cấp thông tin trung thực, đầy đủ về công việc nên nhiều người dễ bị lầm tưởng dễ dàng, “ngon ăn”. Thực tế, mỗi đoạn mã chỉ xuất hiện 15 giây, trong thời gian đó nếu không nhập đúng mã hệ thống sẽ tự động bỏ qua, phần lớn đều là những mã khó đọc, chứ không như lời giới thiệu từ phía tuyển dụng. Số lượng mã nhập sai, mã bị bỏ sót nhất định, tài khoản sẽ bị khóa.
Thử làm một phép tính đơn giản sẽ thấy rất ít người đạt được mức thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng, hoặc chỉ là “bánh vẽ”, chiêu trò dụ người lao động. Nếu trung bình 3 ngày đánh 1.000 mã, tương đương 10.000 mã/tháng chỉ đem lại thu nhập 150.000 đồng. Nếu hoàn thành 4.000 mã/tuần, lương sẽ khoảng 240.000 đồng/tháng.
Giả sử, người xin việc đánh máy chuyên nghiệp như nhân viên Hà nói “1.000 mã gõ trong 40-50 phút”, trung bình sử dụng máy tính 3 giờ sẽ gõ được 3.000 mã, bình quân mỗi tháng 90.000 mã. Như vậy, tổng tiền hàng tháng nhận được theo số lượng mã code khoảng 1,35 triệu đồng. Nhưng rõ ràng, để hoàn thành được con số này là điều không dễ dàng, thậm chí rất khó khăn. Rõ ràng, con số tiền kiếm được 2-3 triệu đồng/tháng chỉ là quả bóng nhà tuyển dụng “dụ” những người non nớt, thiếu kinh nghiệm, dễ tin người.
Vì vậy, nhiều nhóm sinh viên lập ra một loạt danh sách những địa chỉ lừa đảo để cảnh báo nhau. Điểm chung ở những công ty này là thường rao những công việc đơn giản nhưng có kiếm được thu nhập cao, nếu đồng ý ký hợp đồng ứng viên phải nộp một khoản phí ban đầu mới được nhận việc.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét