Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Tình Hoa - Nguyễn Đình Bổn


Thân là một thi sĩ có tài nhưng đa đoan. Thời còn trẻ, tuổi mới hai mươi, nhân lúc bàn chuyện với anh em trong nghề, bởi nghĩ rằng họ chưa biết, chưa tin ở tài năng mình, Thân về gom góp hết tài sản, bán rẻ đi, rồi lấy tiền này in 5000 cuốn thơ của riêng mình. Lúc ấy, chàng tin tưởng chỉ sau một thời gian phát hành, tập thơ sẽ tạo cho mình một tiếng tăm tốt hơn và tiền bán thơ được hy vọng sẽ đủ số vốn đã bỏ ra.

Tủi thay, chỉ vì bốc đồng mà nông nổi... Tập thơ của Thân in xong chẳng thấy ma nào rớ tới. Còn những tập dành riêng để tặng bạn bè, họ đọc hay không không biết nhưng chỉ khen vài câu chiếu lệ rồi im luôn, chẳng một ai buồn viết một bài, dù ngắn ngủi, để loan tin trên mặt báo về tập thơ, làm như nó chưa từng được in ra.

Buồn đời, lại bị gia đình cằn nhằn về chuyện dám đem hết tài sản để đổi lấy một chút phù phiếm, Thân thường bỏ đi đây đó luôn. Bất cứ ai, không kể thân sơ, hễ có bụng liên tài, đánh tiếng mời là chàng tới ngay.

Lúc ấy, về phía thượng lưu sông Cửu Long cũng có một thi sĩ bất đắc chí, trở thành ngư dân, biết tiếng Thân qua bạn bè, chàng ngư dân – nhà thơ ấy gởi thư mời. Nhận được thư, Thân lên đường ngay.

Nơi ở của chủ nhân là một huyện biên giới, thuộc vùng đất mà dòng Mê-Kông chia làm hai nhánh chảy vào miền đồng bằng lớn. Thân đã từng đi khắp các tỉnh đồng bằng nhưng chưa tới đây bao giờ nên cũng thấy thích thú trước thiên nhiên khoáng đạt và hoang dã.

“Những con sông kiêu hãnh!”. Chàng nghĩ vậy khi đứng soi mình bên bờ dòng sông lớn, cuồn cuộn một màu nước đượm phù sa. Sau đó, khi được gia chủ đón tiếp nồng hậu, Thân quyết định là sẽ lưu lại đây chơi một thời gian vô hạn định.

Họ nhanh chóng trở thành đôi bạn ý hợp tâm đầu. Hằng ngày, Thân theo bạn xuống một chiếc ghe nhỏ, mang theo cả ngư cụ lẫn ... “văn cụ”, rồi cứ vậy, khi thì chèo ngược dòng Hậu Giang, lúc lại thả xuôi. Khi thì buông chài, thả lưới, lúc lại ngâm thơ uống rượu. Trong hành trang của Thân, chàng có đem theo cả chục tập thơ đã in của mình làm quà và chàng ngư dân thi sĩ kia cũng có hàng trăm bài thơ đã sáng tác trong suốt những ngày lênh đênh trên sóng nước. Họ ngâm thơ nhau, bình thơ nhau, lúc lắng lại thâm trầm, khi đắc ý cười vang ha hả. Trên chiếc ghe nhỏ ấy, một tình bạn, một không khí như của một thời nào đó đang sống lại. Cái thời mà văn chương còn được trọng vọng. Những ám ảnh ngoài đời với chợ văn chương xô bổ không lọt được đến đấy.

Dù vậy, sống mãi trên sông nước cũng có phần tù túng. Một hôm, nhân khi người bạn neo ghe vào một khúc vắng để ngủ trưa, Thân len lén bỏ lên bờ. Chàng định ngoạn cảnh một lát rồi quay lại nên không cho bạn hay...

Nơi Thân bước lên thật vắng vẻ. Một con đường nhỏ chạy vòng vèo theo bờ sông. Không gian u tịch thỉnh thoảng lại vút lên một vài tiếng chim lạ trong những tàng cây không cao lắm nhưng rậm rạp.

Men theo con đường một đoạn, Thân bỗng ngạc nhiên khi thấy thấp thoáng có hai bóng áo hồng trước mắt. Chàng vội rảo bước và nhận ra đó là hai thiếu nữ qua dáng đi thướt tha, uyển chuyển của họ. Qua một khúc quanh, có cảm tưởng như họ đã thật gần thế nhưng dù Thân gắng đi thật nhanh nhưng vẫn không đuổi kịp. Con đường dần xa hẳn với bờ sông nhưng Thân chẳng còn quan tâm. Chàng chỉ muốn đuổi kịp hai cô gái kia để nhìn mặt họ mà qua dáng đi chàng đoán chừng họ khá đẹp.

Lại qua một khúc rẽ nữa và nhờ gần như chạy theo nên Thân đã đến được sau lưng hai cô gái. Thân thầm ngạc nhiên không biết con nhà ai lại đi vào nơi vắng vẻ này. Hai cô gái cũng đã nghe tiếng chân nên quay đầu nhìn lại, nhưng khi thấy đó là một người đàn ông họ lại vội rảo bước. Thân đánh liều hỏi:
-    Hai cô. Hai cô ơi. Cho tôi hỏi thăm chút đỉnh!
Chàng nghe một cô nói:
- Chị Hai! Cái ông khách lạ này kỳ cục thiệt. Không quen biết mà cũng kêu réo người ta.

Nhưng Thân đã mê mẩn vì vẻ đẹp của cô con gái lớn lúc nàng quay đầu nhìn lại nên lì lợm bám theo và bước thật nhanh. Qua những quãng đường hẹp, tới một đoạn đường khá rộng, chàng liền vượt lên và đi ngang hàng với họ. Thấy hai cô gái nhìn tránh đi, có vẻ ngại ngùng, chàng phân trần:
-    Tôi quả đúng là khách lạ. Nhân đến chơi với một người bạn, thấy đây phong cảnh hữu tình nên mới quanh quẩn dạo chơi. Thật may mắn là gặp được hai cô. Xin hai cô cho phép tôi được hỏi con đường nhỏ này sẽ dẫn về đâu?
-    Đường này sẽ dẫn về thôn Phù Dung, nơi đó cũng là nơi cư ngụ của gia đình chúng tôi !

Cô gái lớn cất tiếng trả lời. Chưa bao giờ Thân được nghe giọng nói êm ái dường ấy. Chàng say sưa ngắm vẻ đẹp của gương mặt ửng hồng, nhất là làn da mịn màng đến khó tin ở họ. Đường thì vắng, lại chỉ có chàng với hai người nên chàng không mấy e dè.

Chuyện trò xã giao một lát, thấy hai cô gái cũng vui vẻ, Thân kể là mình không có ai quen biết ở vùng này nhưng rất muốn đến thăm thôn Phù Dung (?). Chàng ngạc nhiên khi thấy họ mau chóng mời mình ghé lại nhà họ chơi.
-    Chúng tôi là hai chị em ruột và chúng tôi đang ở cùng với mẹ. Các cô chỉ nói vậy.

Vượt qua quãng đường rộng lại đến một khúc quanh hẹp cây lá um tùm. Đến trước một cái cổng bằng cây đơn sơ, cô gái lớn bảo:
-    Đây đã thuộc địa phận thôn Phù Dung. Nhà chúng tôi đã gần !

Họ bước qua cổng và trước mắt Thân hiện ra một thôn nhỏ chừng năm bảy nóc nhà nhỏ nhắn, mái lợp bằng lá. Lạ một điều là những mái lá ấy màu xanh, hình như ở đây họ lợp nhà bằng một loại lá nào đó khác hẳn lá dừa hay tranh.

Không khí tĩnh mịch bao trùm lên cả thôn. Thấp thoáng đằng sau khung cửa những bóng áo hồng lay động.

Hai cô gái dừng lại trước cổng một căn nhà nằm gần giữa thôn. Cô em, Thân đoán chừng 15-16 tuổi gọi:
-    Mẹ ơi ! Chúng con đã về! Mà nhà mình còn có khách nữa !

Cánh cửa từ từ mở ra và một bà lão bước ra đón họ. Thân ngạc nhiên khi thấy bà lão cũng mặc áo hồng giống như hai cô con gái, nhưng điều chàng kinh ngạc hơn hết là dù bà cụ đã già nhưng khuôn mặt vẫn còn rất trẻ với làn da cực mịn như một loại đồ sứ đắt tiền. Thấy chàng lễ phép cúi chào, bà cũng đáp lại rồi hỏi:
-    Ai đây các con ?
-    Dạ, đây là người khách đi ngoạn cảnh, muốn thăm thôn chúng ta !
-    Được rồi. Các con mời khách vào nhà. Người đã có lòng đến thăm thì chúng ta phải có lòng tiếp đãi!

Nghe những lời nói giản dị, chân tình nhưng hầu như đã mất hẳn ngoài cuộc đời ấy, Thân cứ ngỡ mình đang rơi vào một giấc mơ hoặc là đang đi lạc vào một xứ sở huyền thoại. Nhưng bà cụ đã giục khách vào nhà. Trong nhà bày biện đơn sơ nhưng tất cả vật dụng đều xinh xắn. Hai cô con gái lui vào nhà sau còn bà cụ ngồi tiếp khách. Cụ bảo:
-    Đã lâu lắm rồi nhà không có khách viếng. Mà thôn này cũng vậy. Nếu cháu không chê gia cảnh bần hàn thì hãy ở lại chơi cho thong thả. Thôn chúng tôi tuy nghèo nhưng không hẹp lượng với khách bao giờ.

Thân cực kỳ khoan khoái trong lòng. Với chàng lúc ấy, đó có lẽ là những lời nói quý giá nhất.
Bữa cơm chiều được dọn ra. Chỉ có cơm trắng với rau xanh nhưng Thân ăn ngon miệng hơn cả khi ăn trong những nhà hàng sang trọng. Bà lão cùng hai cô con gái ngồi ăn với khách không một chút câu nệ. Một không khí ấm cúng bao trùm lên câu chuyện của họ. Và Thân cảm thấy nao lòng, chàng cơ hồ quên đi tất cả trước sóng tình không giấu được giữa chàng và cô con gái lớn.

Chàng xin phép được ở lại chơi. Bà lão bảo:
-    Già không hẹp lòng được. Để bé Hai đem quần áo sạch cho cháu thay đổi! Và cũng nói để cháu biết, thôn chúng tôi có lệ ngủ rất sớm. Mặt trời lặn là đã ngủ say. Nếu ở lại cháu cũng phải theo cái lệ ấy!

Dù rất đỗi lạ lùng, Thân cũng thưa là mình sẽ làm đúng như những gì bà lão dạy. Bà cụ có vẻ hài lòng. Rồi bà gọi:
-    Bé Hai, bé Ba! Đem quần áo cho khách, chuẩn bị thay áo rồi đi ngủ!

Thân nghe hai tiếng “dạ” rất thanh tao vang lên. Lát sau, hai cô gái bước ra. Họ đều đã thay y phục đỏ rực và cũng mang ra cho chàng một bộ đồ như vậy. Bà cụ bảo:
-    Bé Hai, con hướng dẫn khách về phòng còn bé Ba giúp mẹ thay áo, chúng ta đi ngủ thôi! Cháu ngủ cho ngon nghen!

Thân bồi hồi theo cô gái về phòng mình. Nàng chỉ cho Thân một căn phòng rồi rút lui nhanh chóng đến nỗi chàng chưa kịp nói một lời. Đó là một căn phòng nhỏ, bốn vách đều kết bằng lá xanh. Nhưng Thân không quan sát được lâu hơn. Cửa phòng tự nhiên khép lại và một cơn buồn ngủ ập tới, Thân chỉ còn kịp nằm lăn ra giường...

Sáng hôm sau những bước chân nhẹ nhàng đánh thức Thân dậy. Một thau nước sạch đã để sẵn cho chàng rửa mặt. Khi Thân đã chỉnh tề bước ra nhà khách thì đã thấy bà cụ ngồi nhai trầu bỏm bẻm và hai cô con gái đã ngồi vào khung cửi, một loại khung dệt vải rất đơn sơ mà chàng từ lâu đã không còn thấy. Lại một điều khiến Thân kinh ngạc. Cả ba mẹ con cụ đã mặc vào người những bộ đồ toàn màu trắng tinh khiết. Thân được mời uống trà. Trà ngon và hương vị rất thanh. Thân cảm thấy tâm hồn lâng lâng như vừa làm xong một bài thơ ưng ý.
-    Đây là một làng dệt – bà cụ nói với khách
-    Chúng tôi vẫn cố giữ nghề truyền thống của tổ tiên dù bây giờ chỉ còn lại mấy gia đình.

Hai cô con gái vẫn đưa thoi thoăn thoắt. Thân xin phép đi ngoạn cảnh nhưng ngang nhà nào cũng đều thấy mọi người bận bịu, chàng lại quay về với một nhận xét là có lẽ ở thôn Phù Dung này mọi người đều mặc đồng phục!

Trưa hôm ấy Thân lại bổ sung thêm cho nhận xét ấy là không những họ mặc đồng phục mà còn mặc đồng phục theo giờ. Hình như buổi sáng sớm là lúc mọi người phải mặc y phục màu trắng, trưa màu hồng phấn còn chiều, trước lúc ngủ thì mặc màu đỏ tươi.

Tối hôm ấy, Thân đã có một chủ định. Khi cô con gái lớn một lần nữa đưa chàng đến trước cửa phòng thì chàng liều lĩnh nắm thật chặt tay nàng rồi nói nhanh:
-    Anh thương em quá. Thương ngay từ giây phút đầu tiên. Em xin phép mẹ cho anh được ở lại đây luôn nghe!
Cô gái hoảng hốt rút nhanh tay lại nhưng vì chàng nắm quá chặt nên nàng năn nỉ:
-    Đừng anh! Buông tay em ra. Mẹ rầy chết !
Chàng đành buông ra một cách tiếc rẻ. Da thịt nàng mịn màng và mát rượi. Nàng bỗng nói:
-    Em hiểu lòng anh lắm. Nhưng mọi sự là do mẹ quyết định. Anh hãy thưa lên cùng mẹ. Nhưng hai ta khác nhau nhiều lắm!
- Anh chưa bận bịu gia đình. Anh sẽ ở đây vĩnh viễn cùng em. Đây chính là nơi anh hằng mong ước được sống để tránh xa chốn đô hội phù phiếm ngoài kia ! Chàng hùng hồn nhưng thành thật.
-    Anh không hiểu hết được đâu! Nàng trả lời một cách bí ẩn – Nhưng em không thể nói chuyện lâu với anh được vào giờ này. Em phải về phòng mình.
Nàng chạy vụt đi. Thân nghe lòng bồi hồi vì nghĩ chắc khó mà ngủ được vì những con sóng tình đang cuồn cuộn trong lòng. Thế nhưng vừa nằm xuống giường là mắt chàng đã díp lại ngay.

Ngay hôm sau, chàng đem nỗi lòng mình thưa lên bà cụ. Cụ bảo:
-    Ta già rồi. Có được chàng rể như cháu hẳn là có phúc. Nhưng không biết rồi đây mọi chuyện sẽ ra sao!

Nhưng rồi thấy chàng năn nỉ quá mà cô con gái lớn cũng quyến luyến, bà cụ nhận lời cầu hôn. Lòng Thân tràn ngập một cảm giác hạnh phúc chưa từng có dù là lúc đó, với một chút lý trí còn lại, chàng vẫn biết mình đang rơi vào mợt cơn mê muội hay hoang tưởng trong vùng đất của ảo giác?

Họ bắt đầu chuẩn bị cho hôn lễ, thế nhưng cái ngày hạnh phúc nhất ấy chưa đến thì đã xảy ra một biến cố. Một buổi sáng sớm, vừa thức dậy, Thân đã thấy trước cửa xôn xao mấy người hàng xóm. Họ đang bàn luận một điều gì đó mà mặt bà lão thì biến sắc còn vị hôn thê của chàng nước mắt đầm đìa. Khi những người hàng xóm vừa về, bà cụ kêu chàng đến ngay và bảo:
-    Không thể được rồi. Xin cháu hãy trở về nơi trước kia cháu đã đến đây. Tai họa sắp giáng xuống thôn chúng tôi vì chuyện này. Ta rất buồn nhưng không thể còn cách nào khác hơn !
- Tai họa ? Tai họa nào ? Xin bác vì cháu mà đừng xua đuổi. Cháu sẽ chết mất nếu phải về với cuộc sống ngoài kia. Sẽ không thể nào chịu đựng nổi khi phải xa cách bé Hai !
-    Cháu không hiểu hết hậu quả của việc này đâu. Ta rất tiếc nhưng cuộc hôn nhân này sẽ không thành được. Bé Hai con hãy đưa khách về giúp mẹ!

Cô gái lớn nước mắt lưng tròng kéo tay chàng bảo:
-    Nếu thương em thương mẹ thì anh hãy về ngay. Em cũng yêu anh ngay từ ngày đầu nhưng bây giờ thì hết rồi. Dù anh về em có ở lại thì cũng như đã chết đi mà thôi!
-    Tại sao anh phải về khi anh tự nguyện ở lại đây? Anh không hiểu? Chàng nghẹn ngào.
-    Rồi anh sẽ hiểu khi đã về đến nơi anh đã ra đi! Còn ngay bây giờ thì không còn cách nào khác. Anh phải rời khỏi đây ngay để cứu mẹ con em, cứu thôn Phù Dung này!
Thấy nàng quá khổ tâm nhưng vẫn cương quyết như vậy nên Thân đành từ biệt bà cụ, cô em gái nhỏ rồi cùng bé Hai lên đường. Đến trước cổng làng thì nàng bảo:
-    Chúng ta chia tay ở đây thôi. Mong anh hạnh phúc !
-    Không! Chàng ôm chặt lấy nàng, phút giây ấy chàng lờ mờ hiểu nàng không thuộc về thế giới con người đầy hệ lụy – Anh van em, anh chưa bao giờ hạnh phúc nơi anh đã sinh ra và sẽ không bao giờ tìm được nó khi đã mất em. Hãy cho phép anh trở lại!
- Anh ơi! Hãy thông cảm cho em. Điều này là không thể. Cả gia đình em, cả thôn Phù Dung chắc sẽ bị tàn sát nếu chấp nhận anh. Anh mau về đi. Em cũng không sống được vì thiếu anh đâu!

Nàng móc trong túi áo trao cho chàng một vật gì đó đã gói kín và bảo:
- Đây là tình yêu của em, là trái tim đã thuộc về chàng!

Nói xong nàng khóc ngất lên và thật bất ngờ xô mạnh vai chàng. Thân thấy mình té nhào vào một bụi rậm và lọt qua bên kia.

Chàng vội đứng lên, tìm gọi nàng nhưng không còn thấy nàng đâu nữa. Bốn bề hoang vắng. Nơi họ đứng chuyện trò khóc lóc lúc nãy chẳng thấy chiếc cổng làng nào bằng gỗ mà chỉ thấy một cây đa, cành lá và rễ phụ um tùm.

Chợt nghe tiếng lao xao từ phía sau, chàng vội ngoảnh lại. Cách chàng một khoảng rất xa có nhiều người đang làm một việc gì đó giống như họ đang phát rẫy. Chàng vội vạch cây lá đi về hướng đó và khi đã khá gần chàng nghe họ vừa phát cây, bụi rậm vừa gọi tên chàng í ới.
-    Tôi đây! Chàng la lên.
-    A ! Đây rồi !
Họ mừng rỡ xúm ngay lại. Có cả người bạn của chàng. Ai cũng tranh nhau hỏi mấy ngày nay chàng đã đi và ở những đâu? Và làm sao quay về được?

Chàng chỉ trả lời qua loa rồi theo bạn trở về. Đến nhà chàng mới kể hết tất cả cho người bạn nghe. Nhà thơ bảo:
-    Nghe giống chuyện liêu trai quá. Hay là tại anh đi lạc mấy ngày nên đói lả mà sinh ra ảo giác?
- Không, tất cả đều rõ ràng như chúng ta đang ngồi nói chuyện ở đây. Thậm chí nàng còn tặng tôi một kỷ vật nữa.

Chàng vừa nói vừa móc cái gói mà nàng trao lúc chia tay. Họ mở ra. Trong ấy là một đóa Phù Dung vẫn còn tươi roi rói.

Người bạn nhà thơ sững sờ. Dù anh ta vẫn không tin lắm nhưng cả anh ta lẫn mọi người, không ai có thể giải thích được là tại sao Thân đi lạc đã mấy ngày mà thần thái vẫn không thay đổi, y phục vẫn chỉnh tề?

Mấy hôm sau, hai người quyết định đi tìm lại nơi mà Thân đã gặp hai cô gái kia. Họ chỉ thấy toàn là lau sậy và bụi rậm bạt ngàn. Người bạn muốn trở về nhưng Thân nhất định phải tìm cho ra cái nơi mà chàng vẫn tin là có thật kia. Chợt chàng nhìn thấy ngọn của cây đa và cứ nhắm hướng ấy mà xông tới, người bạn thơ đành theo sát phía sau. Họ vượt qua một khoảng đất bằng phẳng.

Trong khoảng đất ấy, có năm bụi Phù Dung tươi tốt mà bụi nào cũng đang nở hoa. Lúc ấy đã gần trưa nên những cánh Phù Dung đã đổi từ màu trắng sang phơn phớt hồng.

Thân lặng người. Chàng tiến đến một gốc Phù Dung ở giữa. Gốc Phù Dung ấy do ba cây nhỏ hợp thành nhưng chỉ có hai cây đang ra hoa còn một cây thì héo rũ như vừa bị chết!

Thân và người bạn thơ thẩn một hồi rồi buồn bã quay về. Cả ngày chàng lấy đóa Phù Dung kỷ vật ra ngắm. Nó dần dần héo đi và hôm sau thì rã ra từng cánh khi tay chàng chạm đến...

Mấy ngày sau, qua một bô lão trong làng, Thân được biết cách bờ sông này chừng một cây số, mấy mươi năm trước có một làng nhỏ sống bằng nghề dệt truyền thống. Khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, làng dệt phải sơ tán nhưng vẫn còn mấy gia đình ở lại. Rồi một hôm, một đám quân khát máu đã vượt biên giới, tiến vào tàn sát cả làng, mà phần lớn chỉ còn toàn là phụ nữ và trẻ em.

Câu chuyện ấy càng làm cho Thân buồn hơn, chàng liền từ giã bạn. Hành trang trở về của Thân chỉ có một cuốn sổ, dùng làm bản thảo chép thơ. Trong cuốn sổ ấy, giữa những bài thơ buồn là những cánh Phù Dung đã héo..

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: