|
Nàng gục xuống những lá cháo, những lá gạo và muối bày la liệt trên mặt đất trong căn buồng tối mờ nghi ngút khói hương. Những muôi cháo lá đa. Cháo đổ vào lá để yên ủi những cô hồn váng vất.
Sao trước đây nàng chưa bao giờ để ý đến những mẹt lá đa đong đầy cháo nhỉ? Đựng vàop bát không xuể, người ta phải đong vào lá để đủ ban phát cho những hồn côi?
Dưới ánh đỏ vàng của nến được uốn vặn qua làn khói hương, lung linh của một người đàn bà áo xanh khăn đỏ đang ê a trong nhịp phách điệu Bỉ:
… Sống đã chịu một đời phiền (a)… não (chứ)… Thác lại nhờ (hờ)… hớp cháo lá đa…
Những câu hát não nùng kéo nước mắt nàng nhỏ xuống. Vị mặn của nước mắt tức khắc làm cháo vữa. Dòng nước cháo chảy tràn qua mép lá rồi thấm đất trong khi nàng chờ cho bà đồng ấy làm xong Lễ Chúng sinh.
Ngân thật dài những câu cuối, rồi người đàn bà quay lại mở chiếc khăn phủ diện. Không nhìn nàng, bà ta hỏi thản nhiên:
- Lần trước tôi dặn những gì, cô vẫn làm theo đấy chứ?
Nàng ấp úng:
- Dạ có… thưa… đây.
Nàng rụt rè đưa ra tấm ảnh của anh. Tấm ảnh màu to cỡ bàn tay mà phải mất bao công phu dụ dỗ và nói dối, nàng mới đưa anh đi chụp rồi lấy trộm được. Bà đồng dặn phải lấy không để cho người ấy biết mới thiêng.
Bà đồng đưa tấm ảnh đến gần ngọn nến, ngắm nghía hồi lâu rồi lắc đầu:
- Đứt hết cả! Lâng châng lắm! Không còn một dây nào…
Nàng giật mình:
- Bà nói gì? Dây nào? Đứt gì? Tôi muốn nhờ bà…
Bà đồng cau mày:
- Im! Đừng lắm lời! Ta bảo rằng những sợi dây để níu anh ta ở lại chốn trần gian đều đã bị đứt. Trông con mắt nhìn mà không thấy này, ta biết.
Nàng rụt rè phản đối:
- Không! Anh ấy còn có cha mẹ vợ, vợ, bạn bè… Nhiều mối liên hệ lắm!
Bà đồng quắc mắt:
- Ta không hỏi cô. Cô tìm đến ta đã là nước cùng. Chứng tỏ cô đã làm đủ cách mà không xong. Có muốn nghe hay thôi?
Nàng len lét im lặng. Bà đồng nói đúng. Nàng đã làm đủ mọi cách. Thuyết phục đi thử máu, co kéo hàng chục buổi anh mới nhận lời. Nhưng đến cổng bệnh viện rồi trốn biệt, tha hồ cho nàng mắng mỏ. Nàng hỏi thăm hết cả hơi mới tìm được một ông thầy kê đơn bắt mạch nổi tiếng, lôi xềnh xệch anh đến. Anh nhăn nhó từ chối rồi nổi khùng. Anh dị ứng với tất cả những gì thuộc về bệnh viện và thuốc thang, cho rằng vô nghĩa hết. “Mười hai người, còn năm vào năm 1976, rồi còn bốn vào năm 1989, đến 1991, còn ba, 1992 còn hai. Và bây giờ đến lượt anh!”
Anh giấu tất cả người thân, chỉ còn thổ lộ bầu tâm sự với người duy nhất là nàng. Lấy vợ nhưng cũng không dám có con, sợ đẻ ra một quái thai không đầu hoặc không tay. Chẳng còn gì có thể làm cho gương mặt sầu thảm dìm trong rượu của anh sáng lên được một chút. Nàng cuống cuồng cầu đến những phép huyền bí. Một cô bạn rỉ tai rằng có bà đồng chuyên xem bói và chữa bệnh qua ảnh giỏi lắm, nàng vội vàng nhao đến, dù bản thân không tin gì mấy. Nàng hy vọng có thể có một liệu pháp tâm lý trong cách chữa bệnh của người đàn bà kỳ quặc này chăng.
Bà đồng khẽ lắc lư người, rồi phán tiếp:
- Vì không còn dây neo, anh ta trôi lơ lửng như con thuyền bị gió đưa đẩy. Cần phải níu anh ta lại. Ta từng chữa cho những người như thế.
Bà đồng lật sấp mặt tấm ảnh và soi qua ngọn nến. Một thứ ánh sáng đục lờ khó nhọc xuyên qua và hắt lên khuôn mặt người đàn bà một màu huyết nhũ huyền bí. Mũi bà như chợt gồ lên và mắt bỗng long lanh như mắt sói:
- Này, nhìn đây! Có một sợi xích đứt màu hồng đang bay dật dờ. Đó là dây neo với vợ. Còn sợi xích màu lam sẫm kia cũng đứt làm mấy đoạn. Đó là dây neo với những người ruột thịt… Bao nhiêu sợi xích đứt bay loã toã… Anh ta sống như một bóng ma. Cả nhà kính trọng anh ta, đi nhẹ nói khẽ, nhưng không ai hiểu anh ta cần gì. Mà trông đôi mắt và cái miệng này, biết rằng đây là kẻ yếu đuối… Mau mau níu anh ta lại bằng những dây neo trần gian, nếu không anh ta sẽ lừ lừ trôi về địa phủ.
- Nhưng bằng cách nào? Thưa bà?
Bà đồng quay phắt lại. Trông bà lúc này hệt một mụ điên, cũng giống hệt một á thánh:
- Cách nào à? Chỉ còn một cách. Đó là tóc. Tóc đàn bà. Nói đến đàn bà là nói đến tóc. Nói mãi về tóc đàn bà mà cũng không nhàm. Bởi vì tóc của đàn bà, chỉ tóc của đàn bà thôi nhé, có phép màu.
Bà đồng trả tấm ảnh cho nàng, rồi hạ giọng:
- Nhớ kỹ này: vào ban đêm, hãy nhổ tóc của chính cô. Bện chín sợi một thành từng bím rồi nối chúng lại với nhau, quấn chung quanh tấm ảnh này rồi đặt lên bàn thờ khấn. Xong đâu đó, mang tất cả đến cho anh ta. Anh ta sẽ lưu lại trần gian.
Nàng rợn cả tóc gáy, đứng bật dậy:
- Nhảm nhí! Không đời nào! Tôi không nghe bà! Nhổ tóc của tôi ư? Anh ta là cái gì của tôi mới được chứ? Tôi là gái chưa chồng…
Bà đồng thở dài, chỉ tay ra cửa, vẻ chán nản:
- Thì bước! Ai khiến cô đến đây làm gì mất thì giờ của ta. Xét cho cùng, cô cũng chỉ là một trong rất nhiều con bướm sặc sỡ lượn chơi trên đời này…
Nàng vội vàng níu tay bà:
- Có thật những sợi tóc của tôi sẽ giúp được anh ấy? Căn nguyên nào mà khuyên tôi như vậy? Nghe đâu, bà cũng đã từng mất một người yêu trong chiến tranh?
Mắt bà đồng bỗng long lên sòng sọc. Lúc này trông bà đích thực là một người điên. Một người điên trẻ trung chỉ hơn nàng dăm tuổi. Đôi mắt có hàng mi dài của bà vằn đỏ:
- Ta cấm! Ta cấm nhắc đến điềm gở! Ai cho… Ta đang cúng cô hồn…
Người đàn bà vùng vằng bỏ vào nhà. Nàng còn kịp nhìn thấy bộ ngực lép của bà vồng lên trong nhịp thở dồn trước khi ra về.
Năm 1976. Anh cười đăng đắng:
- Tiểu đội anh mười hai tên. Đánh nhau rụng mất năm, còn bẩy mống. Mống mập nhất là anh…
Áo lính phanh ngực đỏ lên vì nắng. Anh tự cho phép mình cẩu thả một chút, lãng tử một chút đúng dáng người hùng sau chiến tranh trong lần đầu tiên gặp lại nàng.
Hồi đó nàng chưa yêu anh. Mắt nàng vụt sáng không phải vì yêu, mà do lòng mừng rỡ vì một người bạn đã sống sót. Chính nàng đã dự lễ truy điệu của những người bạn cùng lớp. Khi vực mẹ của người bạn thứ ba vào giường nàng bất chợt gục vào ngực người đàn bà đang nằm thiêm thiếp ấy khóc nức nở. Người ta đồn rằng nàng yêu con trai bà - nhân vật chính của lễ truy điệu. Đó là chàng trai học toán giỏi nhất trường và có bộ tóc xoăn dày rậm như tổ cú. Nhưng nàng không hề hé răng nói nửa lời về điều này.
Một năm sau, anh đã kịp nói lại với nàng:
- Bảy mống giờ chỉ còn năm. Một chết trên đường đi buôn hàng hàng Bắc Nam, do đánh nhau với đầu gấu đường trường. Còn một đứa, bỗng dưng ốm mòn dần rồi chết. Nghe nói chết do nhiễm chất độc. Người tóp như nắm xương khô, ăn hết của rồi chết…
Anh rùng mình. Con mắt như bị khoảng trống giữa anh và nàng hớp mất hồn. Những tia sáng chập choạng trôi dạt trong đáy mắt anh như lửa ma trơi.
Nàng se thắt cả lòng dạ khi từ anh phả ra hơi rượu. Bao nhiêu năm quen nhau, nàng chưa bao giờ bắt gặp anh phải vịn vào cánh tay lạnh buốt của ma men.
1989, anh đã lấy vợ từ lâu, nhưng vợ anh không phải là nàng. Khi ấy, nàng chưa yêu anh. Dạo này anh làm nhiều thơ. Những bài thơ như lửa đốt…
Những bài thơ như lời những kẻ đang nằm dưới mồ và kể vọng lên trần thế những cảm giác của cái thế giới bị chôn vùi ấy. Hình như anh chỉ còn hai việc: Làm thơ và chờ chết. Da anh xanh bủng và mặt hơi phù lên vì rượu. Anh cũng nổi tiếng vì những câu thơ thắt ruột ấy. Anh đã kịp làm cho người ta quen với ý nghĩ: Chẳng bao lâu nữa, nhà thơ kỳ dị này sẽ chết. Người đến chiêm ngưỡng anh ngày càng nhiều hơn. Anh đóng cửa, vờ đi vắng hoặc đề nghị ngoài cửa bằng phấn: “Không tiếp khách”.
- Anh uống ít rượu thôi! Em van anh! – Nàng cầu khẩn trong một lần anh ghé chơi.
- Tại sao?
- Bởi vì em không muốn thấy anh trở thành một kẻ nát rượu. Thảm lắm!
- Tương lai không xán lạn được đến thế đâu! tôi chết trước khi được trở thành một kẻ nát rượu.
Nàng tát khẽ vào miệng anh:
- Bậy nào! Dũng khí của đàn ông để dưới gót giày rồi sao?
Anh cười nhạt:
- Em cứ việc giễu cợt. Mười hai mống, đến bây giờ chỉ còn ba. Sắp đến lượt tôi rồi!
- Mỗi người mỗi số phận. Những cái chết ấy liên quan gì đến tính mạng của anh cơ chứ?
Nàng cố trấn an, nhưng trong lòng bỗng run rẩy vì một dự cảm. Bất giác nàng đưa tay vuốt tóc anh như xoa đầu một cậu bé. Đó là cái đụng chạm đầu tiên giữa hai người. Nhưng ngay cả sự kiện tày trời đó vẫn không thức tỉnh anh rời khỏi vực thẳm u hoài:
- Sao lại không? Ba đứa chúng tôi ở trong cùng một cánh rừng chiến tranh. Có một buổi sáng, một thằng thức dậy sớm và reo ầm lên: “Sương xuống! Có sương! Chúng mày ơi ra mà xem!”. Cả lũ sung sướng chạy ùa ra, bởi vì ở vùng ấy sương rất hiếm. Những giọt sương li ti rơi xuống ướt đẫm. Cả bọn hứng sương như tắm.
Anh chợt nắm lấy cổ áo mình mà kéo, mặt tái nhợt:
- Nhưng rồi, em có biết không? Một thằng trong bọn đi lấy nước. Vừa đi được một quãng, nó bỗng hét lên thất thanh. Bọn anh chạy vội đến, thấy nó há mồm nói không ra tiếng, tay chỉ lên ngọn cây. Tất cả những lá cây quanh đó khô cong. Mới biết mình vừa dầm mình trong màn phun chất hóa học…
Anh rút từ trong ngực ra một nắm những bài viết cắt ra từ các tờ báo đã nhàu nát. Đề bài: “Nghiên cứu về tác hại của chất độc hóa học trong chiến tranh, “Một cái chết thảm khốc vì chất độc”, “ảnh hưởng của chất màu da cam đến thai nhi”…
Nàng cố cười, phẩy tay:
- Lại chất độc màu da cam chứ gì? Nhàm quá rồi! Có phải ai cũng bị đâu. Còn tuỳ sức đề kháng của mỗi người chứ. Anh đừng tự ám thị mình thế!
Anh tóm lấy chỗ báo và nhét trả vào ngực:
- Đừng an ủi tôi làm gì vô ích. Sắp tới tôi sẽ tan biến như một hạt bụi – một trong số mười hai. Hay là em viết chút gì đi. Một chút về mười hai người lính chúng tôi. Nhnữg người đã trở về với hoà bình để rồi lần lượt nằm vào cái huyệt đã đào sẵn cho mình trong chiến tranh từ mười mấy năm về trước?
Nàng bỗng nức lên khóc và ôm choàng lấy mái đầu anh, như cách một người mẹ đang vòng tay che chở cho đứa con trai. Những ngón tay dài mềm mại của nàng viền quanh khuôn mặt xanh xao luôn ướp trong rượu của anh. Nàng ru khuôn mặt ấy trong lòng tay và cảm thấy tim như muốn vỡ vì thương xót. Cho đến khi những giọt nước mắt của anh cũng đã tìm cách tràn ra khỏi bờ mi và chảy dọc theo đường sinh mạng trên lòng bàn tay nàng, nàng vội đặt lên vầng trán mát lạnh dâm dấp mồ hôi của anh một nụ hôn. Anh rùng mình nhìn sững nàng. Mắt nàng chợt ngời lên trong thoáng chốc.
- Đừng tin! Anh đừng tin! Chỉ là chuyện nhảm nhí! Người ta nói đến chất độc ở một hành tinh khác. ở đó không có em và anh…
Nàng cuống cuồng ru anh bằng những lời vô nghĩa thế mong nuôi dài một chút ảo ảnh. Nhưng đáy mắt anh đã trở lại vô hồn. Những lời của nàng rơi tõm xuống một cái hồ lặng lờ không đáy. Anh đang mải mê đuổi theo những ảo cảnh của cõi Thái Hư.
“Mỗi sợi tóc là một sợi phiền não…”. Bà ngoại nàng lẩm bẩm nói một mình. Bàn chân có ngón cái chĩa ra ngoài như chân chim xoa xoa xát xát trên những sợi tóc vừa rụng xuống sàn nhà. Phút chốc, những sợi tóc bạc đã xoe tròn thành một búi nhỏ bằng đầu ngón tay út. Bà xuýt xoa giắt chỗ tóc ấy lên vách “để đánh cảm” Bà bảo thế! Thực ra, đó chỉ là một cách bà tự an ủi mình để khỏi tiếc chỗ tóc rụng mà thôi.
Nàng ngồi trên gác xép, chỗ của riêng nàng. ở đó có cái cửa sổ kiểu cổ hình bán nguyệt. Nàng ngắm bà và những ngón chân Giao Chỉ của bà. Nàng lẩm nhẩm “Mỗi sợi tóc là một sợi phiền não”… Tóc bạc rồi mà bà còn tiếc! Nàng xót xa nhìn mớ tóc mình đang sóng sánh toả xuống cái cổ ba ngấn và tuôn tràn xuống vai.
“Một kẻ có dăm ba chữ trong đầu mà lại đi nghe lời một con mụ điên ấy ư? Thế thì mình cũng điên rồ nốt!…” Nhưng chẳng lẽ ngồi bó tay nhìn anh một mình chới với rồi mất hút trong cõi chết. Thà làm một việc gì đó thật điên rồ, còn hơn là không làm gì. Hồi còn bé, nàng đã từng chứng kiến cảnh hai vợ chồng nhà nọ. Người vợ đẻ khó rên la trong nhà. Còn ngoài sân, người chồng cứ cuống cuồng hết leo lên lại leo xuống cây cau như một con mèo khổng lồ và vụng về. “Cho vợ nó dễ đẻ” – Mấy bà hàng xóm già vừa móm mém nhai trầu vừa bảo thế. Giữa việc sinh đẻ của người vợ và leo cau của người chồng có liên quan gì đến nhau! Thế mà người ta vẫn làm. Phải chăng, trong những hoàn cảnh cùng quẫn, người ta cần phải tìm một việc làm điên rồ nào đó để tránh rơi vào sự điên rồ thực sự?!
Và nàng bắt đầu tết những bím tóc nhỏ xíu. Chín sợi tóc, Chín trăm chín mươi chín bím tóc! Những con số chín kỳ lạ!
- Anh làm ơn làm phúc tha cho con gái tôi! Anh đã yên bề gia thất. Còn nó, tuổi đã lớn rồi mà chưa một lần… Anh dùng bùa phép gì ếm con tôi đây?
Mẹ nàng vừa khóc vừa kéo anh lên gác. Căn gác xép của nàng. Bà vứt tọt tấm ảnh được quấn trong những bím tóc li ti óng ánh sáng ra trước mắt anh:
Tôi không biết anh làm những trò gì. Chỉ biết rằng vì anh, nó đã trở thành lẩn thẩn rồi. Nó đã tự nhổ gần hết tóc để quấn quanh cái ảnh của anh. Ban đêm, nó thắp hương khấn khứa và lầm rầm gọi tên anh. Anh đã làm hại nó. Tôi căm ghét anh!
Anh sung sướng cầm lấy tấm ảnh của chính mình mà không hiểu bằng cách nào đã rơi vào tay nàng. Những bím tóc lóng lánh nhỏ li ti được nối với nhau kéo dài vô tận. Nàng đã gọi tên anh hằng đêm? Những bím tóc xổ ra cuộn chảy trên tay anh như những sợi dây xích mát rượi. Nàng đã làm gì thế này? Nàng vốn làm một cô gái chỉ quen làm theo lý trí cơ mà? Anh đang mải nghĩ và không để ý đến người mẹ đang gào bên tai anh những lời xỉ vả.
Có tiếng chân hối hả lên thang gác. Rồi nàng ùa vào:
- Trời ơi! Mẹ! Mẹ làm gì thế này!
Khi mẹ nàng và anh phát hiện ra, nàng chưa tết đủ chín trăm chín mươi chín bím tóc để quấn quanh tấm ảnh.
Nhưng anh đã chịu đến bệnh viện để thử máu. Anh muốn đưa cho nàng xem một kết quả rõ ràng. Một cái chết không thể tránh khỏi. Để nàng thôi không dằn vặt về anh nữa. Và bây giờ, dù có chết, anh cũng sẽ chết với một nụ cười mãn nguyện – anh bảo nàng như thế – bởi vì, giờ đây anh biết rằng trên đời này có một người tha thiết níu anh trở lại trần gian đến thế.
Còn nàng, chạy đi chạy lại bệnh viện, làm quen với một ông bác sĩ,lo lót để bất kỳ trường hợp nào, họ cũng sẽ cấp cho anh một mảnh giấy ghi kết quả xét nghiệm âm tính. Nàng muốn anh vui vẻ một chút trong những ngày cuối đời. Kết quả thực sự, chỉ một mình nàng được phép biết mà thôi.
Khi anh từ phòng thử máu bước ra, tay cầm mảnh giấy và khuôn mặt rạng ngời, nàng vờ nói: “Đấy! Em đã bảo mà! Chỉ là bệnh tưởng đấy thôi!”. Anh cười, nắm tay nàng định nói một lời gì đó thật đặc biệt, xứng với trường hợp này. Nhưng nàng vờ cười thật tươi và nói rằng, trót để quên chiếc ví trong phòng xét nghiệm rồi chạy vụt trở vào, chỉ lo mình oà khóc.
Vào phòng, nàng chỉ đủ sức mở to mắt nhìn vào miệng người bác sĩ. Ông bác sĩ có chiếc mũi khoằm gỡ kính ra nhìn nàng:
- Thật không thể ngờ được, cô ạ. Trông người như hồn ma thế kia mà kết quả âm tính thực sự.
Tôi không phải làm chứng chỉ giả nữa. Máu của cậu ấy hoàn toàn bình thường, phải cái hơi ít hồng cầu. Chữa đơn giản thôi. Chúc mừng hạnh phúc của vợ chồng cô!
“Vợ chồng gì đâu! Anh ấy không thuộc về tôi!” Mặt giàn giụa nước, nàng chạy ra sân bệnh viện. Trời trưa hoe hiu nắng. Nàng ngửa mặt lên trời. Vầng mặt trời ban trưa nhỏ lại và chuyển màu trắng đang lấp láy nhìn nàng qua một mành lá trúc. Mặt trời hình như có biết nàng.
Theo thói quen, nàng đan những ngón tay vào tóc. Những ngón tay đi vào da đầu quá dễ dàng khiến nàng giật mình kinh hoàng. Nàng cắn chặt đôi môi.
Nhưng có tiếng chân bước. Anh đang đi về phía nàng. Đã lâu lắm rồi, nàng mới lại thấy anh với dáng người cẩu thả hơi pha chút lãng tử như vậy. Nàng quỳ sụp xuống đất như cách người ta ngã, vừa cười vừa khóc:
- Ơn trời! Ơn trời! Vậy là con đã neo được anh ấy vào chốn trần gian này!
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét