Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

ÂM VANG SỬ VIỆT

Tuy là chuyện của quá khứ nhưng lịch sử luôn gắn bó mật thiết với cuộc sống hiện tại. Những nhận thức và quyết định không thỏa đáng về lịch sử đưa tới những di họa khó lường. 


Bài viết của tác giả Hà Văn Thùy đăng trên tạp chí Văn hóa Nghệ An về vấn đề Triệu Đà và nước Nam Việt - một vấn đề lịch sử đang có nhiều ý kiến khác nhau. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Những ai quan tâm tới lịch sử dân tộc Việt đều biết rằng, khi nhà Tần diệt nước Thục, giết vua và thái tử Thục ở núi Bách Lộc năm 316 TCN, Thục Chế cùng di duệ nhà Thục chạy xuống tá túc trên đất của vua Hùng. Nhiều lần Chế tấn công Hùng Duệ Vương nhưng không thành, tới đời con ông là Thục Phán đã diệt vua Hùng, lập nước Âu Lạc.
Năm 257 TCN, Triệu Đà vua nước Nam Việt diệt An Dương Vương, sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt. Quốc sử của ta, từ đời Nguyễn về trước, đều ghi nhận Âu Lạc và Nam Việt là nhà nước chính thống của người Việt. An Dương Vương và Triệu Vũ Đế đều được ghi công lớn. Không những thế, Triệu Đà còn được suy tôn là vị vua mở đầu của lịch sử đất nước. Tuy nhiên, giới sử gia miền Bắc vào thập niên 1960 phán quyết rằng Triệu Đà là ngoại xâm nên bỏ Kỷ nhà Triệu khỏi chính sử.
Từ đó tới nay, trong dư luận xã hội cũng như học giới có nhiều ý kiến không đồng tình với việc làm trên, đưa ra nhiều bằng chứng cùng luận cứ cho thấy nhà Triệu là nhà nước của người Việt. Bản thân người viết cũng hơn một lần lên tiếng về việc này. Nay xin trình bày những di hại của việc trục xuất nhà Triệu khỏi chính sử.
Truyền thuyết cũng như chính sử Việt Nam ghi rằng, Xích Quỷ là nhà nước đầu tiên tiên của người Việt được thành lập năm 2879 TCN. Sau này, nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng hình thành trên cương vực của nước Xích Quỷ. Vào thời Chiến Quốc, nhà nước Văn Lang tan rã, một số thủ lĩnh khu vực thành lập những nhà nước của người Việt như Ngô, Việt, Sở… Tần Thủy Hoàng diệt nước Sở, sáp nhập đất đai cùng dân cư nước Văn Lang cũ vào đế chế Tần. Khi nhà Tần sụp đổ, Triệu Đà, một viên huyện lệnh người Việt đã lãnh đạo dân Việt phía nam Dương Tử lập nước Nam Việt. Việc Nam Việt diệt An Dương Vương, sáp nhập Âu Lạc vào mình, về bản chất lịch sử không khác gì việc Quang Trung diệt nhà Lê Trịnh để lập Đại Việt thống nhất bao gồm cả vùng đất phía Nam. Dù gì đi nữa, cũng không thể bác bỏ sự thật là, trong một thế kỷ tồn tại, Nam Việt là cái cầu, là sợi dây nhau cuối cùng kết nối Việt Nam với quá khứ của đại tộc Việt.
Vì vậy, việc trục xuất nhà Triệu khỏi sử Việt đưa tới những hệ lụy nghiêm trọng sau:
  1. Tước bỏ tư cách thừa kế của người Việt Nam với quá khứ của đại tộc Việt. Từ những phát hiện của di truyền học đầu thế kỷ XXI cho thấy, người Việt không chỉ sinh sống lâu đời ở Nam Dương Tử mà hàng vạn năm trước là chủ nhân của đất Trung Hoa. Trên đất này, đại tộc Việt đã làm nên những nền văn hóa rực rỡ.
  2. Tước bỏ vai trò chủ nhân Việt đối với ngôn ngữ gốc mà người Trung Hoa đang sử dụng hiện nay. Trong tám phương ngữ được xác định trên đất Trung Hoa thì tiếng Việt Quảng Đông được coi là ngôn ngữ gốc. Trong khi đó, nguồn cội của ngôn ngữ Quảng Đông chính là ngôn ngữ vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, trung tâm của người Việt khoảng 15.000 năm trước.
  3. Tước bỏ vai trò sáng tạo chữ Giáp cốt của người Việt. Chữ Giáp cốt được phát hiện đầu tiên vào thời nhà Ân ở Hà Nam. Nhưng khảo cổ học xác định rằng tại văn hóa Giả Hồ 9000 năm trước đã có ký tự hình vẽ trên yếm rùa. Cuối năm 2011, tại di chỉ Cảm Tang tỉnh Quảng Tây phát hiện ký tự tượng hình khắc trên xẻng đá có tuổi 4000 tới 6000 năm trước. Những ký tự kiểu Giáp cốt này xuất hiện trước khi người Hoa Hạ ra đời. Do vậy nó hoàn toàn là sản phẩm sáng tạo của người Vịệt.
  4. Tước bỏ mối liên hệ huyết thống và văn hóa với những bộ tộc người Việt đang sống trên đất Trung Hoa. Những khám phá lịch sử cho thấy, trước cuộc xâm lăng của Tần Thủy Hoàng thì phần lớn đất Trung Hoa do người Việt làm chủ: Thục và Ba phía tây nam; Ngô, Sở, Việt ở trung tâm và phía đông; Văn Lang phía nam. Do cuộc xâm lăng của Tần Thủy Hoàng, phần lớn đất đai và dân cư Việt bị sáp nhập vào đế chế Tần. Trong phần đất bị chiếm, đại bộ phận người Việt bị Hán hóa. Tuy nhiên, có không ít nhóm Việt không chịu đồng hóa, đã lui sâu vào cư trú trong vùng rừng núi. Lâu dần, từ người Lạc Việt – tộc đa số trong dân cư- họ bị thiểu số hóa. Những nhóm người như tộc Thủy, Bố Y ở Quý Châu vẫn giữ nhiều nét văn hóa Việt cổ, có thể nói đó là nền văn hóa Việt hóa thạch. Nếu nghiên cứu văn hóa của những tộc người bà con này, chắc chắn sẽ khám phá lại nhiều điều quý giá của văn hóa Việt cổ. Đặc biệt tộc Thủy với 340.000 người vẫn giữ được sách Thủy (Thủy thư -水书)  viết bằng chữ Thủy (Thủy tự), loại chữ tượng hình gần gũi Giáp cốt văn nhưng hành văn theo cách nói xuôi của người Việt, một loại văn tự hóa thạch sống, được Trung Quốc coi là bảo vật.
  5. Mất quyền thừa kế với truyền thống và văn hóa Nam Việt.
Sáp nhập đất đai và dân cư Âu Lạc, Nam Việt thành quốc gia lớn trong khu vực. Trái với quan niệm phổ biến cho đến nay là Triệu Đà dùng kế sách “nội đế ngoại vương” (bên trong xưng đế nhưng đối với nhà Hán thì xưng vương), suốt đời mình, Triệu Đà xưng danh hiệu Triệu Vũ Đế và cháu ông cũng xưng đế mà bằng chứng là chiếc ấn bằng vàng, kich thước 310 x 310 mm (lớn hơn mọi con ấn của vua Hán) khắc bốn chữ Văn Đế hành tỷ (文帝行璽) tìm thấy trong lăng mộ. Sau khi phát hiện lăng mộ Triệu Văn Đế, người Trung Hoa đã lập khu trưng bày di tích này với khoảng 2500 hiện vật đặc sắc, trong đó đại đa số là thuộc văn hóa Việt. Do coi đây là của người Trung Hoa nên giới sử học Việt chưa hề có nghiên cứu nào về di chỉ quan trọng này.
Để mất những mối liên hệ trên, không chỉ là nỗi đau của người Việt Nam, dòng cuối cùng của Bách Việt còn độc lập và giữ được cương thổ. Nguy hại hơn, nó cắt đứt mối liên hệ với quá khứ, khiến cội nguồn, lịch sử và văn hóa Việt trở nên chông chênh trên không chằng, dưới không rễ!
Từng có cuộc tranh biện giữa học giả hai nước Trung Việt về trống đồng Vạn Gia Bá và Đông Sơn, cái nào có trước? Do từ chối Nam Việt nên học giả Việt Nam bỏ mặt trận, thúc thủ lui về biên giới Việt Nam hiện tại, để rồi cố sức một cách vô vọng cho rằng trống Đông Sơn có trước!  Nếu không tự từ bỏ Nam Việt, học giả Việt Nam có thể dõng dạc tuyên bố: “Với công nghệ định tuổi đồ đồng hiện nay cùng tình trạng cổ vật khi thu hồi, không thể định tuổi chính xác hai loại trống đồng trên. Tuy nhiên điều này không thật có ý nghĩa vì trống Đông Sơn cũng như Vạn Gia Bá đều là sản phẩm sáng tạo của người Lạc Việt, tổ tiên chúng tôi trên đất đai mênh mông của người Lạc Việt từ nam Dương Tử tới miền Trung Việt Nam, ở thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên!”
Tuy là chuyện của quá khứ nhưng lịch sử luôn gắn bó mật thiết với cuộc sống hiện tại. Những nhận thức và quyết định không thỏa đáng về lịch sử đưa tới những di họa khó lường. Bởi vậy, thiết nghĩ, chúng ta cần có những nghiên cứu nghiêm túc và kĩ càng về vấn đề này và các vấn đề khác của lịch sử dân tộc.
HÀ VĂN THÙY (TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN)

Tranh cãi lịch sử về tính chính danh của Triệu Đà và nhà Triệu

Triệu Đà, nhà Triệu và nước Nam Việt là một vấn đề lịch sử gây nhiều tranh luận trong giới nghiên cứu sử học Việt Nam từ vài thế kỷ qua. Nhìn chung, có hai quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này.
Quan điểm thứ nhất cho rằng Triệu Đã hay Triệu Vũ Đế đánh bại An Dương Vương, sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt là chuyện nội bộ nước Việt, nhà Triệu là triều đại chính thống của Việt Nam. Nhà Triệu mất là khởi đầu thời kỳ Bắc thuộc.
Quan điểm thứ hai cho rằng Triệu Đà là người Hán, theo lệnh Tần Thủy Hoàng đi chinh phạt Bách Việt, khi nhà Tần mất thì mới tách ra cát cứ, do đó Triệu Đà là kẻ ngoại bang đến xâm lược nước Âu Lạc. An Dương Vương mất nước là mở đầu thời kỳ Bắc thuộc.
Quan điểm công nhận nhà Triệu là triều đại chính thống của Việt Nam
Từ khi giành lại quyền tự chủ, nhiều triều đại Việt đề cao vai trò lịch sử của Triệu Đà. Các bộ quốc sử Việt Nam suốt thời phong kiến đều chép nhà Triệu là một triều đại chính thống. Nhà Trần phong ông là Khai thiên Thế đạo Thánh vũ Thần triết Hoàng đế.
Đời Trần, sử gia Lê Văn Hưu soạn bộ Đại Việt sử ký, chép từ Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng. Ông so sánh Vũ Đế với các bậc vua hiền thời cổ như Thuấn, Văn Vương:
"Đất Liêu Đông không có Cơ Tử thì không thành phong tục mặc áo đội mũ [như Trung Hoa], đất Ngô Cối không có Thái Bá thì không thể lên cái mạnh của bá vương. Đại Thuấn là người Đông Di nhưng là bậc vua giỏi trong Ngũ Đế. Văn Vương là người Tây Di mà là bậc vua hiền trong Tam Đại. Thế mới biết người giỏi trị nước không cứ đất rộng hay hẹp, người Hoa hay Di, chỉ xem ở đức mà thôi. Triệu Vũ Đế khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là "lão phu", mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta, công ấy có thể nói là to lắm vậy. Người làm vua nước Việt sau này nếu biết bắt chước Vũ Đế mà giữ vững bờ cõi, thiết lập việc quân quốc, giao thiệp với láng giềng phải đạo, giữ ngôi bằng nhân, thì gìn giữ bờ cõi được lâu dài, người phương Bắc không thể lại ngấp nghé được".
(Bộ sử này nay không còn, nhưng lời bàn của Lê Văn Hưu được Ngô Sĩ Liên dẫn lại trong Đại Việt sử ký toàn thư.)
Sau khi bình xong quân Minh, Nguyễn Trãi thay lời Bình Định Vương Lê Lợi soạn Bình Ngô đại cáo, rằng:
Tự Triệu, Đinh, Lí, Trần chi triệu tạo ngã quốc,
Dữ Hán, Đường, Tống, Nguyên nhi các đế nhất phương.
Tức là:
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nên độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương .
Hai câu này khẳng định nước Việt không những độc lập với phương Bắc mà còn xưng đế hiệu cùng một thời (nhà Triệu với nhà Hán), tỏ ra hoàn toàn ngang hàng.
Trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên, sử gia nhà Lê cũng dành cho Triệu Vũ Đế những lời tốt đẹp:
"Truyện Trung Dung có câu: "Người có đức lớn thì ắt có ngôi, ắt có danh, ắt được sống lâu". Vũ Đế làm gì mà được như thế? Cũng chỉ vì có đức mà thôi. Xem câu trả lời Lục Giả thì oai anh vũ kém gì Hán Cao. Đến khi nghe tin Văn Đế đặt thủ ấp trông coi phần mộ tổ tiên, tuế thời cúng tế, lại ban thưởng ưu hậu cho anh em, thì bấy giờ vua lại khuất phục nhà Hán, do đó tông miếu được cúng tế, con cháu được bảo tồn, thế chẳng phải là nhờ đức ư? Kinh Dịch nói: "Biết khiêm nhường thì ngôi tôn mà đức sáng, ngôi thấp mà không ai dám vượt qua". Vua chính hợp câu ấy".
Trong An Nam chí lược, Lê Tắc viết: "Triệu Đà làm vua Nam Việt, mới lấy thi lễ giáo hóa nhân dân một ít. Điều này chứng tỏ Triệu Đà là người mang sự học đến Việt Nam từ trước chứ không phải Sĩ Nhiếp".
Cuối đời Nguyễn, Trần Trọng Kim soạn Việt Nam sử lược vẫn chép nhà Triệu là chính thống.
Quan điểm phủ nhận nhà Triệu là triều đại chính thống của Việt Nam
Người đầu tiên đánh giá lại vai trò của nhà Triệu có lẽ là Ngô Thì Sĩ, cuối đời Hậu Lê. Trong Việt sử tiêu án, ông khẳng định nước Nam Việt là ngoại bang, Triệu Đà là kẻ ngoại tộc:
"An Dương Vương mất nước, để quốc thống về họ Triệu, chép to 4 chữ: "Kỷ Triệu Vũ Đế". Người đời theo sau đó không biết là việc không phải. Than ôi! Đất Việt Nam Hải, Quế Lâm không phải là đất Việt Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Triệu Đà khởi phát ở Long Xuyên, lập quốc ở Phiên Ngung, muốn cắt đứt bờ cõi, gồm cả nước ta vào làm thuộc quận, đặt ra giám chủ để cơ mi lấy dân, chứ chưa từng đến ở nước ta. Nếu coi là đã làm vua nước Việt, mà đến ở cai trị nước ta, thì sau đó có Lâm Sĩ Hoằng khởi ở đất Bàn Dương, Hưu Nghiễm khởi ở Quảng Châu, đều xưng là Nam Việt Vương, cũng cho theo Quốc kỷ được ư? Triệu Đà kiêm tính Giao Châu, cũng như Ngụy kiêm tính nước Thục, nếu sử nước Thục có thể đưa Ngụy tiếp theo Lưu Thiện, thì quốc sử ta cũng có thể đưa Triệu tiếp theo An Dương. Không thế, thì xin theo lệ ngoại thuộc để phân biệt với nội thuộc vậy".
Ngô Thì Sĩ kết luận: "Nước ta bị nội thuộc vào nước Tàu từ đời Hán đến Đường, truy nguyên thủ họa chả Triệu Đà thì còn ai nữa? Huống chi Triệu Đà chia nước ta làm quận huyện, duy chỉ biết biên số thổ địa, thu thuế má, cung cấp ngọc bích cho nhà Hán, đầy túi tham của Lục Giả thôi. Đến như việc xướng ra cơ nghiệp đế vương trước tiên, tán tụng Triệu Đà có công to, Lê Văn Hưu sáng lập ra sử chép như thế, Ngô Sĩ Liên theo cách chép hẹp hòi ấy, không biết thay đổi, đến như bài Tổng luận sử của Lê Tung, thơ vịnh sử của Đặng Minh Khiêm thay nhau mà tán tụng, cho Triệu Đà là bậc thánh đế của nước ta. Qua hàng nghìn năm mà không ai cải chính lại vì thế mà tôi phải biện bạch kỹ càng".
Học giả Đào Duy Anh, trong cuốn Lịch sử cổ đại Việt Nam, cũng phê phán sử cũ và coi nhà Triệu là mở đầu thời kỳ Bắc thuộc.
Đó cũng là quan điểm chính thống hiện nay của Việt Nam, phản ảnh trong tất cả sách sử và trong cả các lãnh vực khác.
Chỉ có ngoại lệ là cuốn Niên biểu Việt Nam[1], tiếp theo nhà Thục, kê rõ nhà Triệu với đầy đủ các đời vua, tiếp theo là đến "Thời kỳ đấu tranh chống phong kiến Trung Hoa thống trị lần thứ nhất" tính từ năm 111 TCN. Trong bảng tra cứu niên hiệu các đời vua Việt Nam cũng liệt kê niên hiệu Kiến Đức của Thuật Dương Vương, vua cuối nhà Triệu (thật ra Kiến Đức là tên húy của ông vua này). Ngoại lệ này có lẽ do sách niên biểu cốt để phục vụ việc tra cứu, trong khi nhiều sử sách xưa của Việt Nam đã coi nhà Triệu là vua Việt Nam.
Các luận điểm tranh cãi chính
Vấn đề nguồn gốc của dòng vua
Xoay quanh vấn đề Triệu Đà và nhà Triệu, mấu chốt là do quan điểm nhìn nhận. Các sử gia không có xu hướng coi nặng việc tìm nguồn gốc Triệu Đà và bản chất dân nước Nam Việt sẽ nhìn nhận Triệu Đà là vua Việt Nam. Ngược lại những người coi trọng nguồn gốc xuất thân, dân tộc của người cầm đầu chính quyền, và bản chất dân nước Nam Việt thì sẽ có nhìn nhận khác.
Triệu Đà là người Hán, vốn là tướng nhà Tần, quê ở Chân Định (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày nay), mộ cha mẹ vẫn táng ở đấy.
Bên công nhận nhà Triệu cho rằng:
Nếu đặt ra vấn đề nguồn gốc của Triệu Đà, thì chính nguồn gốc của An Dương vương, gần đây cũng được nhiều nhà nghiên cứu nêu ra, sẽ không khác gì Triệu Đà. Theo một số công trình nghiên cứu gần đây (Lịch sử Việt Nam tập 1, Theo dòng lịch sử - nhiều tác giả) thì Thục Phán vốn gốc là dòng dõi người nước Thục ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) và sang xâm lược nước Văn Lang, tiêu diệt Hùng Vương. Nếu vậy, An Dương vương liệu còn là một triều đại Việt Nam không? [2] Đi xa hơn nữa, nếu truy về nguồn cội tổ tiên, thì còn những trường hợp khác mà sử đã ghi, như Lý Nam đế (Lý Bí) có tổ 7 đời là người phương Bắc (Trung Hoa) vào Việt Nam, hoặc tổ tiên 5 đời của nhà Trần cũng vốn xuất thân từ đất Mân (Phúc Kiến - Trung Quốc) sang; tổ tiên của Hồ Quý Ly là Hồ Hưng Dật sang Việt Nam thời Dương Tam Kha (sử chép là thời Hậu Hán 947 - 950, tương đương Dương Bình vương) được phong chức ở châu Hoan...
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, trên thế giới, việc một người nước ngoài làm vua không phải là không có. Chẳng hạn nước Nga vẫn ghi nhận vợ của Pyotr Đại đế là Ekaterina I, dù không phải là người Nga, nhưng được chồng cho thừa kế ngôi, là nữ hoàng như các nữ hoàng khác.
Tuy nhiên, những người phản bác cho rằng trường hợp nữ hoàng Ekaterina I của Nga cũng không thể so với Triệu Đà: một đàng chỉ một người ngoại quốc đã "nhập gia" quê chồng, còn triều đình, quân đội, ngôn ngữ vẫn là bản địa, đằng kia toàn bộ triều đình, quân đội, ngôn ngữ là dị biệt. Đặt giả định nếu nhà Tần không mất thì Triệu Đà sẽ không tách ra cát cứ, và cũng sẽ chẳng có nước Nam Việt mà đó chỉ là một quận của Trung Hoa mà thôi. Vai trò của Triệu Đà khi ấy sẽ chẳng khác gì những viên quan Thái thú người Hán khác đã cai trị Việt Nam suốt thời Bắc thuộc.
Theo tác giả Hà Văn Thùy[3], cuối thế kỷ 18, vua nước Xiêm là một người Trung Quốc tên Trịnh Quốc Anh[4] từng kéo quân sang đánh Hà Tiên. Trong khi đó, Triệu Đà có vợ Trình Thị là người Đường Thâm, Giao Chỉ, nên các con cháu ông - các đời vua sau của nhà Triệu - đều có phần máu Việt. Cũng theo ông Hà Văn Thùy thì "đúng Triệu Đà là người Hán nhưng đất Nam Việt lúc đó hầu hết là người Việt, vì vậy không thể phủ nhận việc ông là vị vua đầu tiên của nước Nam Việt, ông vua khai sáng của Việt Nam chúng ta".
Vấn đề "xâm lược" hay "thống nhất"
Những người phản đối tính chính thống của nhà Triệu, trong đó có Ngô Thì Sĩ, lập luận rằng Triệu Đà khởi phát ở bên ngoài lãnh thổ nước Việt, chiếm nước Việt làm quận huyện. Nước Nam Việt của Triệu Đà không phải nước Việt với ba vùng Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam mà trong sử sách Việt Nam vẫn coi là lãnh thổ của mình. Do đó, nếu coi Triệu Đà là một vua Việt Nam thì giả thuyết này coi nước Việt Nam lúc ấy bao gồm cả các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, một phần của tỉnh Hồ Nam, Vân Nam, và Phúc Kiến của Trung Quốc bây giờ. Nếu không thì phải cho đây là một sự xâm lược.
Một số học giả lại không cho việc Triệu Đà sáp nhập vùng đất của Âu Lạc vào Nam Việt là xâm lược. Tác giả Hà Văn Thùy[3] lập luận rằng "sự liên kết trong mỗi quốc gia còn lỏng lẻo và biên giới từng quốc gia chưa ổn định, đang trong xu hướng sáp nhập tập trung thành những quốc gia đủ mạnh để tồn tại. Do đó, việc thôn tính các nước Sở, Ngô, Việt... để thành nước Tần không phải hành động xâm lược mà là công lớn thống nhất đất nước. Tương tự vậy, việc Triệu Đà chiếm Âu Lạc cũng không thể coi là cuộc xâm lược mà là hành động thống nhất những nhóm, những tiểu quốc người Việt lại thành môt nước Việt lớn hơn, ngăn chặn hành động thôn tính của kẻ mạnh ở phương Bắc." Học giả này đánh giá cao vai trò của nhà Triệu trong việc "tạo nên và củng cố tinh thần quốc gia của người Việt", và cho rằng đó là "di sản quý báu nhất họ Triệu để lại cho người Việt".
Theo một nghiên cứu của tác giả E Lusuo người Đài Loan về quá trình nhà Tần bình định vùng Nam Việt, dẫn tại [5], vào thời nhà Tần, dân cư bên này hay bên kia biên giới Việt-Trung hiện đại là không thể phân biệt được[6]; các học giả Trung Quốc gọi họ là người Lạc Việt, họ được cho là sử dụng cùng một ngôn ngữ.
Vấn đề chấp nhận triều đại ngoại tộc
Có người cho rằng quan điểm của các sử gia Việt Nam và Trung Quốc, một nước phong kiến khác tại châu Á, có sự khác nhau. Ở Trung Quốc, có nhiều triều đại, điển hình là Bắc Ngụy thời Nam Bắc triều, nhà Nguyên, nhà Thanh đều xuất thân ngoại tộc, không phải người Hán, nhưng sử sách vẫn chép như những triều đại khác của Trung Quốc, không coi là thời kỳ bị nội thuộc Hung Nô hay Mông Cổ. Những triều đại này sử dụng tiếng Hán, nghi lễ tập tục trong triều đã Hán hóa khá nhiều. Thậm chí người Mãn đã Hán hóa đến mức ngày nay chỉ còn một số rất ít người già còn biết tiếng Mãn, còn lớp trẻ chỉ biết tiếng Hán, một phần người Mông Cổ hay người Mãn ngày nay là 2 trong số 56 dân tộc của Trung Quốc, tức là lịch sử của họ cũng có thể coi là một phần lịch sử quốc gia. Ngoài ra, đất đai của các triều đại này phần lớn là lãnh thổ Trung Quốc ngày nay.
Theo học giả Lê Thành Khôi thì mặc dù gốc Trung Hoa, Triệu Đà đã chịu đồng hóa với dân Nam Việt, mà ông chấp nhận các phong tục tập quán đến độ gần như quên cả quá khứ của mình.[7]
--------------------------------------------------------------
Chú thích:
1. Vụ Bảo tồn Bảo tàng, Niên biểu Việt Nam, Hà Nội:Nxb Khoa học Xã hội, 1984
2.  Có thuyết khác cho rằng Thục Phán không thể xuất xừ từ nước Thục ở Tứ Xuyên vì nơi đó quá xa Việt Nam, mà Thục Phán chính là thủ lĩnh của người Âu Việt (người Tày và người Nùng cổ) ở phía Tây Bắc Việt Nam.
3. Hà Văn Thùy, Tìm lại cội nguồn tổ tiên cội nguồn văn hóa.
4. Trịnh Chiêu (郑昭) - Taksin, vua Xiêm từ 1767 đến 1782, sinh tại Ayutthaya, Thái Lan, bố là người gốc Trừng Hải (澄海), Trung Quốc, mẹ là người Thái.
5. Jeffrey Barlow, The Zhuang: A Longitudinal Study of Their History and Their Culture, Section Chap. 3: The Qin Invasion of the Lingnan
6. Một sự kiện lịch sử ủng hộ thuyết này đó là: cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng cũng nhận được sự ủng hộ và tham gia của cư dân tại các quận Nam Hải, Hợp Phố mà nay thuộc địa phận Trung Quốc.
7. Lê Thành Khôi, Le Vietnam, histoire et civilisation, les Edition de Minuit, Paris 1955, tr 93
Theo WIKIPEDIA

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: