Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Châu Phi và giấc mơ Trung Hoa


Sau tin về công ty Trung Quốc đề nghị tuyển 2.100 lao động Trung Quốc sang làm dự án ở Trà Vinh gần đây, bức tranh về người lao động Trung Quốc tại châu Phi, nơi mối quan hệ hợp tác giữa hai bên đã được các nghiên cứu và tư liệu báo chí mô tả, có thể là một tham khảo đáng lưu ý.

Trong khi phương Tây còn đang bận rộn với vùng Trung Đông, Trung Quốc đã nhanh chóng tiếp cận châu Phi. Ảnh từ Wordpress

Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, nhiều nước châu Phi đã không còn có được sự hỗ trợ từ bên ngoài. Dù giàu có về tài nguyên, nhưng nền kinh tế kiệt quệ do chiến tranh và quản lý nhà nước kém cỏi khiến các nước châu Phi thèm khát đầu tư phát triển từ nước ngoài. Vào thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, khi phương Tây còn đang bận rộn với vùng Trung Đông, Trung Quốc đã nhanh chóng tiếp cận châu Phi.

Một số nghiên cứu về mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi đã chỉ ra rằng các hoạt động của Trung Quốc không hoàn toàn theo kiểu thực dân chủ nghĩa. Khác với đầu tư từ phương Tây thường đi kèm với các điều kiện về thể chế chính trị và luật pháp, các gói đầu tư từ Trung Quốc thường mang tính nhượng bộ và không can thiệp vào nội bộ quốc gia sở tại. Vì thế, những nhà lãnh đạo châu Phi đã dễ dàng dang rộng tay mời chào các công ty Trung Quốc đến đất nước họ. Kể từ năm 2009, Trung Quốc đã trở thành bạn hàng lớn nhất của châu Phi. Theo tờ The Wall Street Journal, cam kết đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi năm 2014 là 27,7 tỉ đô la Mỹ.

GS. Ian Taylor từ Đại học St. Andrews, Scotland, nhận định trong cuốn sách “Vai trò mới của Trung Quốc ở châu Phi” là những hoạt động đầu tư kinh tế của Trung Quốc tại châu Phi đã mở ra nhiều cơ hội cho lục địa này nếu các nước châu Phi biết tận dụng một cách thận trọng.

Lời khuyên về sự thận trọng là có cơ sở nếu nhìn vào khía cạnh xã hội của những nước châu Phi đã nhận đầu tư và viện trợ. Cùng với các dự án khai thác dầu khí, khoáng sản và xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ, các công ty Trung Quốc còn đem theo một số lượng lớn lao động của họ đến châu Phi. Hàng trăm ngàn lao động Trung Quốc đã được gửi đến đây để làm những công việc khác nhau, từ chuyên gia hóa dầu cho đến lao công cuốc đường. Chỉ riêng ở Sudan, con số lao động Trung Quốc trong năm 2006 đã là 24.000 người. Con số này chắc không dừng lại ở đó với đà tăng trưởng đầu tư vào châu Phi của Bắc Kinh. Các chính sách và hệ quả của nguồn lao động Trung Quốc vào châu Phi đã gây ra những tranh cãi lớn tại lục địa già này.

Mặc dù có vài công ty Trung Quốc tuyển dụng lao động châu Phi, đa số rất hạn chế sử dụng người bản địa. Các quan chức chính phủ và ông chủ công ty Trung Quốc giải thích cho chính sách này là vì có sự khác biệt trong văn hóa, ngôn ngữ và kỷ luật giữa người Trung Quốc với người bản địa, nên tốt nhất là để người Trung Quốc làm việc cùng với nhau. Giải thích này ám chỉ là lao động Trung Quốc làm việc năng suất và hiệu quả hơn những người châu Phi, và qua đó các khoản đầu tư của các công ty Trung Quốc có thể được phát huy tối đa.

Sự bất mãn của nhiều người châu Phi ngày càng tăng, họ yêu cầu được hưởng lợi từ việc khai thác tài nguyên tại đất nước của mình. Cựu Bộ trưởng thương mại Zambia, Dipak Patel, khi còn tại nhiệm đã phải thốt lên: “Lao động Trung Quốc làm cả những việc như đẩy xe vật liệu. Đó không phải là loại đầu tư mà chúng ta muốn. Tôi hiểu là họ có tới hơn 1,2 tỉ người nhưng họ không cần phải gửi dân mình tới châu Phi”.

Cùng chia sẻ lo lắng với người lao động bản địa là các tiểu thương người Phi. Ví dụ như ở Cameroon, thương nhân người Hoa đã trở thành đối thủ cạnh tranh chính trong các lĩnh vực buôn bán nhỏ lẻ. Đến cả những quầy bán bánh rán trên đường phố cũng đang dần chuyển sang tay thương nhân Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các tổ chức lao động và môi trường ở châu Phi đang gia tăng sức ép lên chính phủ của họ để đòi hỏi sự minh bạch trong các chính sách đầu tư của Trung Quốc. Robert Rotberg, Giáo sư Đại học Harvard, đã nhận xét: “Khi các nước châu Phi không xây dựng được những luật lệ nền tảng có tính phối hợp chung và cải thiện khả năng quản trị, Trung Quốc sẽ tiếp tục tận dụng khai thác các quốc gia yếu thế hơn trong công cuộc tìm kiếm tài nguyên và xác nhận quyền lực kinh tế mà hầu như không để ý đến các giá trị và nhu cầu của người dân châu Phi” (trong cuốn sách China into Africa: Trade, Aid, and Influence do Robert I. Rotberg năm 2008.

Paolo Woods, phóng viên ảnh kỳ cựu cộng tác với nhiều tờ báo có tiếng như Time, Newsweek và Le Monde, đã có bộ ảnh tư liệu nổi tiếng phản ảnh sự bùng nổ đáng kinh ngạc của cộng đồng người Trung Quốc tại châu Phi vào năm 2008. Dựa trên các bức ảnh đó, Woods đã cùng với hai nhà báo khác xuất bản cuốn sách ảnh có tên là Hành trình Trung Hoa: Con đường bành trướng của Bắc Kinh tại châu Phi. Woods cũng kể lại khi ông dự hội nghị thượng đỉnh Phi - Trung vào tháng 11-2006, lúc Bắc Kinh công bố số tiền khổng lồ mà họ sẽ đầu tư vào châu Phi, một đại biểu châu Phi ngồi cạnh ông đã thì thầm “Ngay lúc này, chúng tôi cần các lãnh đạo của mình phải thật sáng suốt”.

Huế Dương
( Kinh Tế Sài Gòn )


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: