144. Nguyễn Đức Tùng:
Gần đây dư luận trong nước thường nói đến các giải thưởng văn học. Anh là người nhận nhiều giải thưởng, từng ở trong hội đồng Thơ, dự các cuộc chấm giải, theo anh các giải thưởng có giá trị như thế nào đối với đời sống văn học? Một số nhà văn cho rằng việc cạnh tranh về sáng tạo là lành mạnh. Nhưng cũng có người nghĩ trong sáng tạo không có cạnh tranh, các giải thưởng là không cần thiết. Đó là nói chung, nhưng riêng nước ta, dư luận còn cho rằng vấn đề giải thưởng có những ý nghĩa khác, ví dụ:
Một, các giải thưởng không phản ánh đúng tình trạng, trình độ, hướng đi của văn học.
Hai, các giải thưởng không mang đến cho độc giả những tác phẩm xứng đáng xét thuần tuý về văn chương.
Ba, các giải thưởng chịu ảnh hưởng của các yếu tố ngoài văn học, đã loại bỏ ra ngoài một số tác phẩm xứng đáng khác.
Bốn, Hội Nhà văn liên tiếp trong một số năm không chọn trao giải về thơ. Một số người ủng hộ, một số người chỉ trích.
Anh đứng về khuynh hướng nào?
Trần Nhuận Minh:
Giải thưởng văn học rất có giá trị, trước hết đối với một tác phẩm, vì như thế là tác phẩm đó đã được ngã ngũ về mặt “đẳng cấp”, được xếp ở thứ hạng nào, trong hàng loạt các tác phẩm được ra đời cùng một khoảng thời gian. Sau nữa, rất có giá trị đối với đời sống văn học, vì nó hướng các nhà nghiên cứu, soạn sách giáo khoa và đông đảo bạn đọc vào tác phẩm. Được giải, tác phẩm sẽ nổi tiếng, bán được nhiều sách và sách dễ tái bản.
Bốn vấn đề anh nêu ra ở trên về giải thưởng văn học hiện nay đều có cơ sở. Trước hết giải nào cũng có tiêu chí của nó trong việc chọn lựa và vì thế, nó tự hạn chế mình, bỏ ra ngoài không xét, hoặc xét mà không trao cho tác phẩm có thể hay hơn, nhưng không nằm trong “vòng ngắm” của nó. Giải nào cũng có vấn đề ngoài văn học, chỉ có điều ít hay nhiều mà thôi. Ở Việt Nam, từ năm 1951 đến nay, không có giải văn chương nào thuần túy chuyên môn cả. Tôi nhớ, trước đây, ví như giải của Tự lực văn đoàn những năm 1935, đặc biệt là năm 1937, trao giải chính thức cho kịch bảnKim tiền của Vi Huyền Đắc, tiểu thuyết Bỉ vỏ của Nguyên Hồng và năm 1939, trao giải khuyến khích cho tập thơ Bức tranh quê của Anh Thơ… được đánh giá là khách quan và có tính chuyên môn cao.
Ở nước ngoài cũng thế. Tôi nhớ một trường hợp. Ông L. Brejenev, lúc làm Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô, có hồi ký bộ ba được tặng giải thưởng văn học cao nhất Liên Xô là giải thưởng Lenin. Nhà xuất bản Cầu vồng in tiếng Việt, bìa cứng, giấy ảnh có bìa bọc, làm quà tặng. Các báo chí trong và ngoài nước Liên Xô, ca ngợi om sòm, cho đó là bản anh hùng ca vĩ đại bậc nhất của nền văn học Xô viết. Đến khi ông ấy mất chức, vì lẽ gì không rõ, bộ ba hồi ký đó lại bị chê rất ghê, cho là chắp vá, tùy tiện và giả dối đáng xấu hổ.
Rồi một điều rất quan trọng: ai chấm giải. Chỉ cần thay hội đồng hay thay một hai thành viên chủ yếu của hội đồng là giải sẽ khác ngay. Vì thế, nói rằng: giải “không phản ánh đúng thực trạng, trình độ, hướng đi của văn học hiện nay”, hay tác phẩm được giải “không xứng đáng” vân vân… là đúng với cách hiểu của người này và không đúng với cách hiểu của người khác. Cũng là vấn đề chung, nói về bất cứ giải nào cũng được, hoặc giải ấy, ở bất cứ thời gian nào cũng được. Ấy là chưa kể, về mặt thẩm mỹ, mỗi người mỗi khác, về mặt sở thích, chả ai giống ai…
Trước và sau khi tham gia hội đồng Thơ của Hội Nhà văn, tôi đã được mời chấm một số giải thưởng văn học, nên cũng có ít nhiều kinh nghiệm. Trong 5 năm, hội đồng Thơ xét và đề nghị trao giải của Hội Nhà văn mà tôi là thành viên, tôi thuộc về khuynh hướng ủng hộ các quyết định của hội đồng và cũng thông cảm với những ai đã chỉ trích nó, chủ yếu vì họ không có thông tin và cũng có thể họ có quyền nghĩ khác, làm khác…
145. Nguyễn Đức Tùng:
Có một giả thuyết về tâm lý sáng tạo như sau. Tình trạng của một hiện thực cá nhân hoặc xã hội không lý giải được, không hiểu được đến tận cùng về mặt lý trí, nhiều khi lại có cái hay về sáng tạo nghệ thuật: trong cõi mơ mơ hồ hồ của trí tuệ, các động lực vô thức mới bắt đầu làm việc. Anh có những câu thơ hay là nhờ tình trạng ấy.
Khó lòng mà tưởng tượng
Máu đã đổ ở đây
Chén rượu giầm mật đắng
Uống với màu mây bay…
Đó là thơ anh viết về cuộc chiến tranh biên giới 1979. Tôi có ấn tượng rằng người trong cuộc, tham dự hết mình với lịch sử, chảy trong cái luồng chảy chung của các sự kiện dồn dập đương thời, nhiều khi tự mình không lý giải được. Cũng tương tự như vậy, bài thơ đăng báo gần đây của anh, bài Tuệ Tĩnh có phong vị ấy.
Trần Nhuận Minh:
Nhân anh nhắc đến bài thơ Tuệ Tĩnh, tôi xin chép lại để các bạn cùng đọc:
TUỆ TĨNH
Ngày sau, có ai người nước Nam qua đây
Xin đưa hài cốt tôi về với…
Lời ông khẩn cầu lúc lâm chung
Đã khắc vào đá
Đặt trên mộ
600 năm
Mưa nắng Giang Nam không mòn được
Trời đất Trung Hoa sương khói mịt mùng…
Bao người nước Nam đã qua đây
Đọc lời ông trong cỏ rối
Còn thấy bia đá đẫm nước mắt
Nhưng không một ai nghĩ đến việc đưa ông về
Hài cốt ông
Lặng lẽ tan trong hoang lạnh
Đất xứ người
Hài cốt ông
Lặng lẽ tan trong hoang lạnh
Đất xứ người…
Đêm khuya
Đọc Nam dược thần hiệu của ông
Bộ sách cứu đời, cứu người
Thấy dáng ông phảng phất trong chữ
Nghe văng vẳng đâu đây câu nói ấy
Lòng tự nhiên lạnh buốt
Nước mắt tôi nhoè ướt
Tôi bồi hồi thở than một mình
Chỉ có vầng trăng nghiêng bên cửa sổ
Dửng dưng…
Chỉ có vầng trăng nghiêng bên cửa sổ
Dửng dưng…
Cỏ cây ơi
Có lẽ chỉ còn Em là vẫn nhớ lời Người
Ngày ngày thổi lên thành gió
Ngọn gió về quê từ nấm mộ
La lả cành mềm ngoài cửa sổ
Vẫn gọi thầm…
Nào biết có ai nghe…
Hồn ông thành ngọn gió
Bay suốt nước Nam
Đêm đêm đập vào từng cánh cửa
Mỗi ngôi nhà…
Nào biết
Có ai nghe…
Tuệ Tĩnh là tên hiệu của Nguyễn Bá Tĩnh, người làng Nghĩa Phú, Cẩm Giàng, Hải Dương, sinh khoảng năm 1330, đỗ tiến sĩ năm 1351, là một thiền sư và thày thuốc đại tài, bị bắt cống sang Trung Hoa năm 1385, sau mất ở Giang Nam, khoảng năm 1400.
146. Nguyễn Đức Tùng:
Bài thơ của anh gây dư luận, được độc giả hưởng ứng nồng nhiệt, tạo ra hiệu ứng xã hội tức thì của văn học, lâu lắm mới thấy xuất hiện. Việc tìm cách đưa hài cốt của danh y Tuệ Tĩnh về nước là tình cảm và đạo lý uống nước nhớ nguồn. Bài thơ vừa văn học vừa báo chí.
Trần Nhuận Minh:
Vâng, có việc quan tâm như thế do bài thơ mang lại. Bài thơ tôi viết đã lâu, nhưng đến tháng 4 năm 2011, tôi mới gửi cho nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cùng bài Thức ngủ tôi mới viết. Khi báo Văn nghệ đăng, tôi chưa biết tin thì đã nhận được ba cuộc điện thoại. Đầu tiên là nhà thơ, thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, Tổng Biên tập báo Sức khỏe vàđời sống, cơ quan của Bộ Y tế. Trần Sĩ Tuấn nói rằng: “Em vừa đọc xong bài thơ khi báo vừa ra và điện cho anh ngay. Em muốn cộng tác với anh trong cuộc đi tìm và đưa về nước hài cốt của cụ Tuệ Tĩnh”. Tôi rất xúc động, nói: “Nếu em vào cuộc thì nhất định sẽ làm được” và cấp cho Tuấn một số thông tin mà tôi có về việc này.
Sau đó một ngày, nhận được cùng một lúc điện thoại của nhà văn Nguyễn Phúc Lai, từ Hưng Yên, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Hải Hưng, người đã góp công đưa hài cốt cụ Nguyễn Thiện Thuật, vị anh hùng khởi nghĩa Bãi Sậy, từ Trung Quốc về nước và điện thoại của nhà thơ Hà Cừ, nguyên Tổng Biên tập báo Hải Dương, tờ báo trước đó đã đăng bài thơ Tuệ Tĩnh của tôi. (Bài thơ của tôi cũng được đăng ở tạp chí Hồn Việt và nhiều báo khác). Cả hai anh đều bảo tôi nên đứng ra làm trung tâm của việc này và hai anh sẽ góp sức làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương và Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Giàng, để các cơ quan ấy đứng ra đảm nhận công việc chính. Tôi nói: nhà thơ – bác sĩ Trần Sĩ Tuấn ở Bộ Y tế đứng ra lo rồi. Đó là việc quốc gia phải thực hiện ở cấp cao, còn chúng ta sẽ cùng lo phần xây lăng mộ cho cụ ở quê nhà (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương), khi hài cốt của cụ được đưa về. Tôi biết các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hải Dương và huyện Cẩm Giàng rất sẵn lòng cho việc này, nên điều anh em mình cùng lo cũng không khó lắm.
Sau đó, nhà văn Nguyễn Gia Nùng, nhà thơ Trần Hoàng Vy, tác giả Nguyễn Nghĩa Dân… đều viết bài đăng báoVăn nghệ, cũng có một số ý kiến rải rác trên các báo khác nữa, nói việc khẩn thiết phải đưa hài cốt đại danh y về nước. Chưa kể đến bảy tám bức thư mà tôi nhận được, của thấy thuốc, nhà sư, thầy giáo… Đã có bốn đơn vị, trong đó có tập đoàn kinh tế Mai Linh (theo thông tin nhà văn Nguyễn Gia Nùng điện thoại cho tôi) nhận sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho việc đạo nghĩa này. Khó nhất vẫn là tìm kiếm mộ cụ. Có thể dựa vào các nhà ngoại cảm. Cũng có thể tìm thấy đường đi của đoàn sứ bộ Đại Việt sang nhà Thanh, khi về, đã đến viếng mộ Tuệ Tĩnh ở Giang Nam. Đoàn do vua Lê Hy Tông lập tháng 4 năm Canh Ngọ (1690), do Thượng Bảo khanh Nguyễn Danh Nho làm chánh sứ, lo việc triều cống; và phó sứ là Phương Trì hầu, Tả thị lang bộ Hộ, Trần Thọ, lo việc đòi đất bốn châu ở biên giới đã bị nhà Thanh lấn chiếm: Bảo Lạc, Vị Xuyên, Thủy Vĩ và Quỳnh Nhai, trong đó châu Vị Xuyên ở Hà Giang, còn mang tên ấy đến bây giờ. Xin nói thêm: Trần Thọ là cụ tổ chín đời của tôi.
Câu nói nổi tiếng của Tuệ Tĩnh đã ghi ở trên, được biết đến sau chuyến đi lịch sử này. Và Nguyễn Danh Nho, người cùng làng với Tuệ Tĩnh, đã lấy giấy bản dập hàng chữ trên bia đá mà mang về. Ông cho thửa một phiến đá tương tự như thế, rồi thuê thợ khắc chữ y như bản dập, đưa bia lên thuyền chở về làng. Khi thuyền chở bia chỉ còn cách làng một đoạn sông thì mắc cạn, thuê bao người kéo đẩy cũng không được. Ông bước lên bờ và kinh ngạc nhận ra, cái doi đất con thuyền mắc cạn ấy, giống như con dao cầu thái thuốc của Tuệ Tĩnh, bèn cho là điềm giời, là chính ý muốn của cụ chăng…, ông cho khiêng bia đá lên bờ và cho xây luôn một cái miếu để bia vào trong đó. Tôi đã đứng lặng hồi lâu trên cái doi đất hình con dao cầu thiêng liêng ấy, mà cảm nhận cái lẽ vi diệu của trời đất, nơi từng sinh ra các thiên tài… Không biết từ bao giờ, cái miếu ấy đã thành đền, dân gian gọi là đền Bia, thờ Tuệ Tĩnh…
147. Nguyễn Đức Tùng:
Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là một phương pháp sáng tác, nghiên cứu và phê bình văn học chi phối đời sống văn học ở miền Bắc suốt hai mươi năm và sau năm 1975 còn tiếp tục trong cả nước một thời gian dài. Ở các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa trước đây, tình hình cũng thế. Không chỉ là một phương pháp văn học, nó còn là toàn bộ hệ thống thẩm mỹ, hệ thống triết học, kèm theo.
Nó là toàn bộ một nền văn hóa.
Anh có nghĩ rằng khi chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã không còn hiệu lực thì các giá trị khác cùng đi với nó, cũng phải biến mất hoặc thay đổi theo?
Trần Nhuận Minh:
Lẽ thường thì như thế.
Nhưng tôi nghĩ, cũng có không ít cái không đổi và không theo. Đó là những tác phẩm đã đạt đến cái giá trị đích thực, vượt qua được những hạn chế nghiệt ngã của phương pháp sáng tác. Sau khi cả cái chế độ chính trị sinh ra nó đã qua đi, hệ thống thẩm mỹ, triết học đã thay đổi, nó vẫn tồn tại hiển nhiên và vẫn tỏa sáng. Vấn đề là tài năng và bản lĩnh của nhà văn. Ví như cuốn tiểu thuyết Những người chân đất của Zaharia Stancu, nhà văn Rumani, không đề tên người dịch, nhưng tôi biết là Trần Dần dịch và hai trang giới thiệu không đề tên tác giả, in ở đầu sách, theo tôi, cũng do Trần Dần viết: “…Zaharia Starcu trở thành một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của nền văn học mới, hiện thực xã hội chủ nghĩa… Tiểu thuyết Những người chân đất của ông xuất bản năm 1948, không những được nhiệt liệt hoan nghênh ở trong nước mà còn…” (Nhà xuất bản Văn học, 1961) là một trong khá nhiều ví dụ. Bây giờ tôi đọc lại, vẫn còn thấy rất hay. Ấy là chưa kể bộ tiểu thuyết Sông Đông êm đềm của nhà văn cộng sản Nga, ông Mikhail Sholokhov, hoàn thành năm 1940, giải Nobel văn học năm 1965…
148. Nguyễn Đức Tùng:
Tôi muốn trích lại ở đây một đoạn trong bài viết “Văn học dấn thân hôm nay”, của Nhã Thuyên, một nhà văn trẻ từ Hà Nội, đăng ở Da màu, 2011.
Sự thay đổi nhận thức và cách diễn giải về tính chính trị của văn học dẫn đến hệ quả là sự thay đổi nhận thức và cách nghĩ về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của người viết. Xã hội có đòi hỏi đến trách nhiệm yếu ớt của văn học trong sự lên án, tố khổ, cổ vũ, hô hào không? Tôi cảm thấy rằng, hơn lúc nào, nhà văn hôm nay cần nghĩ và lý giải hơn là hô hào, cổ vũ, kích động. Trong ngôn ngữ, văn học khẳng định trách nhiệm xã hội và trách nhiệm công dân của một người viết: viết được những tác phẩm văn học đúng nghĩa. Sự thuần túy làm văn chương có thể mang chứa sức mạnh chính trị. Tôi muốn lặp lại một ý ở trên, rằng câu hỏi về sự theo đuổi văn chương (có sức mạnh) chính trị hay văn chương thuần túy đều trở nên lỗi thời ngay trong vẻ hoang mang, băn khoăn muôn thuở của nó. Nếu thiếu một khoảng cách, một độ lùi, một sự băng giá nhất định, ý thức và nhiệt tình chính trị của nhà văn có thể dẫn tới một thứ văn học phản chính trị: nó chỉ còn là cổ vũ cho những đối lập về tư tưởng, nó là thứ chính trị ban phát từ trên xuống, mà loanh quanh, lại quay về sự xung đột của các đảng phái hay các mô hình chế độ xã hội khác nhau. Tôi băn khoăn rằng liệu nó có sức mạnh tới đâu trong khả năng chạm tới những đòi hỏi thiết thân của từng cá nhân trong cuộc sống, khi những đòi hỏi đó không phải là một thứ dân chủ chung chung, mơ hồ, bánh vẽ?
Nhận thức rằng văn học tự nó mang bản chất chính trị, một thứ bản chất phát xuất từ yếu tính của ngôn ngữ, sẽ mở ra những hướng viết và tất nhiên, cả hướng đọc khác biệt và không loại trừ nhau. Nhà văn không cần phải ám ảnh về nỗi sợ hãi cái huyệt chính trị sẵn sàng hút chết mọi kẻ viết nhỡ miệng như những bi kịch lịch sử nhãn tiền. Nhà văn cũng không cần phải ám ảnh về sự lạc loài của cá thể khi, vì lý do nào đó, anh / chị ta không thể dấn thân trực tiếp vào các cuộc đấu tranh xã hội và chính trị. Tôi không muốn ngụy biện cho sự vô cảm, vô can hay là sự mua vui nhạt nhẽo của văn chương, tôi chỉ nghĩ: hơn lúc nào, văn chương Việt Nam hôm nay cần sự đa nguyên về tư tưởng và cách thức tồn tại. Những câu hỏi cũ viết là gì, cho ai, và đồng thời với nó, ở phương diện thực hành, viết cái gì, viết như thế nào là những câu hỏi không thể có câu trả lời chung cho tất cả mọi người viết.
Tôi cũng nghĩ đến những bài thơ của anh viết về số phận một con người, những con người; về số phận của dân tộc chúng ta. Thơ như thế là thứ thơ đụng chạm đến đời sống như tôi nói ở trên. Nhưng cũng nhiều nhà thơ hiện nay, theo tôi là đa số, vẫn đang hoàn toàn im lặng trước các vấn đề lớn về lịch sử, xã hội, chính trị, vì ngại đụng chạm. Câu hỏi của một người sáng tạo là: có thể tránh né mãi mà có tác phẩm lớn được không?
Trần Nhuận Minh:
Tất nhiên là không được rồi. Tác phẩm lớn bao giờ cũng ra đời từ thái độ sống “dấn thân” của nhà văn cho những mục đích cao cả là giải phóng đất nước, giải phóng con người.
Tôi đồng ý: tác phẩm của nhà thơ cũng phải tham gia vào chính trị, nhưng cái chính trị nhất trong tác phẩm của nhà thơ là thơ vẫn phải hay. Thơ dở là “phản chính trị”, in nó ra chỉ có nghĩa là tốn giấy và nhà thơ tham gia vào việc phá rừng.
Những ràng buộc, trở ngại, thậm chí trả giá trên đường đi tìm sự thật, tôi nghĩ thời nào cũng có, nước nào cũng có. Nhưng dĩ nhiên mỗi thời mỗi khác, mỗi nước mỗi khác.
Anh vừa cho tôi xem bài thơ của anh, nay tôi trích lại cũng nói về cái ý ấy.
TRONG KHI CHỜ GODOT
Các nhà văn Việt Nam có gì để nói không, Camier nói,
Nếu không có gì thì họ không cần nói
Nếu không có gì thì họ không cần nói
Họ có nhiều điều để nói đấy, Mercier nói
Thế sao họ không nói, Camier hỏi
Họ không thể nói được, Mercier trả lời
Nếu họ không thể nói được, Camier nói,
Thì hãy để họ im lặng.
Thế sao họ không nói, Camier hỏi
Họ không thể nói được, Mercier trả lời
Nếu họ không thể nói được, Camier nói,
Thì hãy để họ im lặng.
(Nguyễn Đức Tùng)
Nhưng theo tôi thì họ không “im lặng” đâu. Bằng chứng là các tác phẩm văn học kiến giải biết bao nhiêu vấn đề về cuộc sống đã được xuất bản. Tuy thế, tôi vẫn tâm đắc với câu thơ của anh “Nếu họ không thể nói được / Thì hãy để họ im lặng”.
Theo tôi, im lặng cũng là một cách nói đấy.
Tôi có câu thơ:
Và lặng im như một tiếng vang…
149. Nguyễn Đức Tùng:
Trong tập Bản Xônat hoang dã và nhất là trong tập 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh, hình như càng về sau, thơ anh càng có vị tôn giáo?
Một lần về nước, tình cờ tôi gặp một ký giả kỳ cựu trước 1975 thời Việt Nam Cộng hòa, năm 1968 anh đi theo Mặt trận Giải phóng miền Nam, hiện nay làm việc trong chính quyền mới. Anh là một đảng viên cộng sản cao cấp nhưng nay thường đến chùa và rất tin đạo Phật. Anh xây dựng một lý thuyết có tính triết học để kết hợp hai thứ này lại một. Chúng ta cũng có thể tìm ra nhiều ví dụ trong hàng ngũ các linh mục Công giáo ở miền Nam trước đây. Những ví dụ như vậy tôi cũng gặp trong những người bạn da trắng quen biết ở Canada và Mỹ. Tôi thường lấy làm thắc mắc: làm thế nào để dung hợp niềm tin tôn giáo và niềm tin của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử? Tôi cho rằng không thể làm được, và người có tinh thần khoa học nên thẳng thắn với điều này.
Cũng như Trần Đức Thảo đem nhập chủ nghĩa Marx vào hiện tượng học, theo tôi cũng là chuyện không thể làm được. Xin nhấn mạnh rằng chúng ta đang nói về các vấn đề lý thuyết chứ không phải các vấn đề đoàn kết xã hội và sự bao dung dân tộc. Người xưa nói: hòa nhi bất đồng.
Anh có theo một tôn giáo nào không? Hay ít nhất là tin tưởng trong lòng?
Trần Nhuận Minh:
Đầu tiên xin bàn về chữ “tôn”. Theo tôi, chữ “tôn” trong “tôn giáo” chính là chữ “tông” viết chệch đi hay bớt nét, để tránh huý của vua Thiệu Trị nhà Nguyễn, lâu rồi thành quen và không ai thấy cần phải sửa lại. Vua Thiệu Trị nhà Nguyễn tên là Nguyễn Phúc Miên Tông. Ông lên ngôi vua năm 1841 và công bố tên huý là “tông”. Từ đó (1841) đến trước ngày 2/9/1945, các chữ “tông” đều phải viết thành “tôn”. Nghe nói, ai viết “tông” thì bị chém ngang lưng, ai nói “tông” thì bị cắt lưỡi. Nhà thơ Hồ Chí Minh, trước năm 1945, vẫn còn phải viết: Vua hiền có Lê Thánh Tôn / Mở mang bờ cõi đã khôn lại lành… Nhà thơ vẫn phải tránh chữ “tông” đó thôi.
Từ đó suy ra, thời nào cũng có cái nghiệt ngã cực đoan của nó. Bọn văn nghệ sĩ chúng ta, khi hứng lên thường tuyệt đối hoá điều này, điểm khác, thời nọ, thuở kia, đều là ấu trĩ và nhầm lẫn cả. Điều ấy có thể khiến các chính trị gia coi thường chúng ta, cho chúng ta là một lũ nông cạn và cả tin đến mức ngớ ngẩn…
Trở lại vấn đề tôn giáo. Tôi không theo một tông giáo nào, nhưng một số kinh của các tông giáo ấy thì tôi có đọc. Tôi rất thích Đạo đức kinh, Nam hoa kinh của Trung Hoa. Tôi đã đọc Kinh Kim cương, Kinh Pháp hoa và vài bảnkinh khác của Phật giáo. Tôi cũng đọc Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước, còn Kinh Veda của Ấn giáo và Kinh Korancủa Hồi giáo thì chưa được đọc. Ở nhà tôi, bố mẹ tôi cũng không thờ cúng ai, kể cả bố mẹ mình, vì hai cụ đều là con thứ.
Năm 1967, tôi gặp Chế Lan Viên lần đầu tiên. Tôi thấy trên bàn viết của ông ở nhà ông, có quyển Kinh Thánh.Ông hỏi tôi đã đọc cuốn này chưa? Tôi thưa là chưa. Ông bảo nên đọc, rất nên đọc, đó là tác phẩm của toàn nhân loại. Sau đó, tôi có ý tìm kiếm nhưng không được. Cho đến tận bây giờ, Kinh Thánh cũng không phải là sách có thể mua được.
Khi là ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh, 1980, tôi mới được mượn của Ban Tôn giáo một cuốnKinh Thánh, trong đó có cả Cựu ước và Tân ước để đọc. Nhưng tôi đọc lúc đầu rất khó vào, nó như một chuyện kể được viết dài dòng và rời rạc, chữ lại nhỏ như con kiến, có gì cũng nói tuột ra hết, đã thế, phần dành riêng cho các thánh lại trùng lặp nhau. Tôi buộc mình phải đọc nghiêm túc.
Năm 2003, Bản Xônat hoang dã được xuất bản, nhiều nhà phê bình đã nhận xét là tôi viết dưới ánh sáng của Phật giáo. Thực tình, mãi đến năm 2008, tôi mới đọc kinh Phật, sau khi giật mình vì bài báo của Chu Minh Khôi phát hiện cách nói trong một bài của Bản Xônat hoang dã rất gần với cách nói của Thiền. Thì ra các vị Phật Tổ giảng cho học trò đều theo kiểu “ông chẳng bà chuộc”, không nội dung nào rõ ràng, cũng không nội dung nào giống nội dung nào, để các đệ tử phải động não, phải tự tìm thấy và tự giác ngộ. Tôi thấy kinh Phật sâu sắc, đa nghĩa, uyên bác, phong phú, thâm trầm, rất bí ẩn mà không hề siêu hình.
Cái rất hay của Phật giáo, là, đồng thời với chủ trương cứu khổ cứu nạn cho con người, theo phương pháp chủ quan của nhà Phật, luôn đề cao và hướng tới sự hài hòa của con người, cả về thể xác lẫn tâm hồn, điều rất đặc biệt là không đề cao thánh thần, như Đạo Kitô chẳng hạn. Không dễ để mà hiểu được rằng: Chân như tức là sự trống rỗng. Sực nhớ lời của Tuân Tử: đạo của Trời là trống rỗng và vô sắc. Và điều kỳ lạ hơn nữa, nó rất gần với vật lý học hiện đại, ý thức về tính nhất thể và các mối liên hệ tương quan của nó trong mọi sự vật và mọi biến đổi: cái tận cùng của Sắc là Không, cái tận cùng của Không là Sắc, cùng với sự tương tác, luân hồi, chuyển hóa cho nhau, mà Long Thọ (Nagarjuna), vị tổ thứ nhất, đồng thời cũng là nhà Phật học lỗi lạc nhất của Đại thừa Phật giáo, từ thế kỷ thứ I – thứ II, đã nêu ra. Sự chuyển hóa cho nhau từ Sắc đến Không rồi từ Không đến Sắc, và cứ thế luân hồi mãi… tôi coi đó cũng là “hệ tuần hoàn” của minh triết phương Đông, mà khoa học chính xác phương Tây, với những trí tuệ hàng đầu của nhân loại, phải khoảng hơn 1800 năm sau, mới vươn tới được. Ấy là những phát hiện quan trọng nhất của vật lý học, khi loài người phát hiện ra nguyên tử và hạ hạt nguyên tử. Gần đây, tôi có đọc cuốn Vật lý hiện đại, những vấn đề thời sự từ Bigbounce đến vũ trụ toàn ảnh của Cao Chi, Nhà xuất bản Tri thức vừa ấn hành (2011), trong phần Phật giáo tương thích với yêu cầu của khoa học hiện đại (Einstein), có đoạn viết: “Năng lượng chân không có thể là năng lượng tối, gây nên quá trình dãn nở có gia tốc của vũ trụ… Hiện nay, nhiều nhà vật lý quan niệm rằng không-thời gian được hình thành từ những thăng giáng lượng tử của chân không. Như vậy từ chân không, chúng ta có tất cả.
Khi đối chiếu với quan điểm chân không trong Phật học và vật lý, ta thấy dường như quan điểm Phật học có phần sâu sắc hơn, triệt để hơn, tổng quát hơn” (trang 385 – 386, sách trên).
Cái MỜ có tầm phổ quát và cao sâu, vĩ đại hơn cái RÕ, theo tôi, là như thế. Tất nhiên chúng ta hiểu cái Không trong Sắc - Không của Long Thọ và cái Không trong Vô vi của Lão Tử cũng như cái không, chân không, trong vật lý học là hoàn toàn khác nhau.
Nhân đây xin nói thêm: Một số người viết sách nghiên cứu về Phật giáo, đề cao Phật giáo đồng hành với thời đại, cái đó là đúng, nhưng khi viết: cũng như các triết học tiến bộ khác, Phật giáo hướng con người đến với Chân Thiện Mĩ thì lại không phải. Cái mà Phật giáo hướng tới là sự Giác ngộ, Bình đẳng và Giải thoát, trong đó Giải thoát là kết quả cuối cùng và là điều quan trọng nhất. Còn Chân Thiện Mĩ là đề xuất của nhà triết học cổ Hi Lạp, trước Thiên chuá giáo đến 400 năm, ông Platon ( 427 – 347), người thành Athenes. Nếu đặt Chân Thiện Mĩ bên cạnh các quan niệm của Phật giáo, ta thấy nó gần với Bi, Dũng và Trí, nghĩa là gần với một bộ phận của Phật giáo mà thôi.
150. Nguyễn Đức Tùng:
Tôn giáo đi vào thơ anh bằng con đường nào?
Trần Nhuận Minh:
Chủ yếu là theo con đường thơ của cụ Nguyễn Du, thông qua Văn tế thập loại chúng sinh và Truyện Kiều.Trong hai kiệt tác này, tôi thấy thơ và Phật giáo rất gần nhau, có chỗ như đã hòa vào làm một. Ví dụ như Văn tế thập loại chúng sinh, cụ viết để cho các chùa cúng rằm tháng 7, nói theo cách nói bây giờ, là thơ đặt hàng. Vậy mà vẫn bất hủ. Cũng có thể coi Văn tế… là thơ Phật giáo theo nghĩa đen.
Trong các triết thuyết phương Đông, tôi rất thích Lão Tử, Trang Tử. 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh, khái niệmvô danh là tôi mượn của Lão Trang. Trang Tử viết: Thánh nhân vô kỷ, Thần nhân vô công, Chân nhân vô danh.Kẻ vô danh chính là Chân nhân đấy, và trong quan niệm của tôi, dĩ nhiên, Chân nhân là vô danh, nhưng hoàn toàn không phải là “vô danh tiểu tốt” như có người hiểu. Nhưng ít nhà phê bình nhận ra, do đó khi kể tên tác phẩm của tôi, thường chỉ viết 45 khúc đàn bầu… rồi chấm lửng… Tức là chưa cảm nhận được điều tôi muốn chuyển tải. Cái lỗi ấy cũng là tại tôi thôi. Tôi mượn các yếu tố tông giáo để chuyển tải điều mình muốn nói, và đến mình, thì nói theo cách của mình, theo “tạng” của mình. Và tôi coi Chân nhân là Nhân dân với ý là: khi sự cao cả đã thành điều phổ biến của toàn xã hội rồi, thì nó không cần “có tên” nữa. Khái niệm ấy, không có trong Lão Trang. Tôi nghĩ cũng không sao, vì tôi làm nhiệm vụ của người sáng tác. Hơn nữa, mọi khái niệm đều cần được bổ sung để phát triển, nếu còn có thể. Tôi nghĩ: với cách nói ấy, câu thơ sẽ sâu sắc hơn, đa nghĩa hơn, và ý tràn được ra ngoài lời… chứ tôi không tuyên truyền cho bất cứ một tông giáo nào hoặc viết dưới bất cứ một ánh sáng tông giáo nào.
Đến đây thì anh thấy các tông giáo đều rất dễ hoà trộn trong nhau, nhất là các tư tưởng tông giáo hoặc có yếu tố tông giáo ở phương Đông, cái nọ mở ra đón cái kia, dù vẫn khác nhau, thậm chí đối lập nhau, cũng có thể nói trong một hai trường hợp là loại trừ nhau, như tư tưởng nhập thế của Khổng Tử (Nho giáo) và tư tưởng vô vi của Lão Tử (Đạo giáo).
Tuy nhiên Kinh Thánh của phương Tây thì có khác. Trước TA không có một ai. Đó là lời dạy đầu tiên của chúa Giêsu. Nghĩa là, đã theo Thiên chúa giáo rồi thì không được theo các tông giáo khác.
Nhưng đến Việt Nam, hiện trạng cũng không rạch ròi như thế được. Nhiều người theo đạo Thiên chúa, thuộc lòng từng đoạn Kinh Thánh, vẫn rất thích đọc Khổng Mạnh, Lão Trang, rồi gia nhập đảng Cộng sản, theo học thuyết của Karl Marx. Bởi, nói cho cùng, các tông giáo dù khác biệt nhau đến mấy, vẫn có một tiếng nói chung, là hướng con người tới Chân Thiện Mỹ, tới lẽ phải, sống yêu thương lẫn nhau và cùng tôn trọng các giá trị tinh thần của nhau…
Những tư tưởng ấy được bộc lộ rất rõ, dù khi đậm, khi nhạt khác nhau, trong tiến trình phát triển của thơ Việt Nam qua các triều đại. Tôi chợt nghĩ, nếu không hiểu được sự hòa đồng trong các tông giáo ở Việt Nam, cũng khó mà hiểu được cái uẩn súc của thơ Việt Nam, nhất là thơ thời Lý Trần…
151. Nguyễn Đức Tùng:
Anh là một nhà thơ có khuynh hướng trí tuệ. Không phải nhà thơ nào cũng có khuynh hướng ấy. Một người như anh không dễ dàng hài lòng với tình trạng không giải thích.
Anh có nghĩ rằng các nhà thơ cần phải suy nghĩ nhiều hơn nữa, sắc sảo hơn nữa, về các vấn đề của đất nước, lịch sử, cách mạng, chiến tranh? Tôi nghĩ rằng họ cần phải vượt qua các giai đoạn lệ thuộc về tinh thần, kiểu dũng cảm như chiến sĩ xông lên, chỉ biết nhắm mắt nghe lệnh. Giai đoạn ấy nếu cần thiết thì cũng đã qua rồi. Đây là lúc đất nước cần những người biết suy nghĩ, chỉ tin vào lẽ phải. Tiếc thay đọc văn chương trên các phương tiện thông tin hiện nay, tôi thấy toát lên sự lười biếng trí thức ở nhiều nhà văn Việt Nam.
Tôi có khó tính quá chăng? Hay chưa hiểu nội tình nên đánh giá chưa đúng?
Trần Nhuận Minh:
Chưa dám nói những điều cao xa, chỉ nói những điều ngang tầm tay thôi, không phải điều nào mình cũng giải thích thấu đáo được. Đó là một thực tế khách quan. Dù tôi cũng là người ưa ngẫm nghĩ, thích học hỏi, chịu khó tìm hiểu ở cả cái bên ngoài và bên trong của nó, như anh nói, để chọn cho mình một cách ứng xử đầy trách nhiệm, tận tụy, trung thành, không dối trá, trước hết là để sống, sau nữa mới để viết.
Trong lĩnh vực lao động tinh thần này, tuy có một số điều gần nhau, nhưng trí thức và văn nghệ sĩ, kể cả một số ít văn nghệ sĩ đã trở thành trí thức, không hẳn đã là một. Lao động tri thức của các nhà khoa học là lao động khoa học với yêu cầu rất cao là sự chính xác… về cơ bản là theo tư duy khoa học phương Tây, trong đó vốn văn hóa bài bản, hệ thống… học được từ sự đào tạo chặt chẽ của các trường đại học, trong đó, các trường hàng đầu của thế giới, nếu có, là rất quan trọng. Còn các nhà văn, nhà thơ, đặc biệt là các nhà thơ, nói cho cùng, điều ấy chả quan trọng gì. Họ đi trong cái mù mờ đầy cảm hứng của tâm hồn, của chính họ, có thể do trời ngẫu nhiên mà ban tặng cho họ, với những bước chân đôi khi xiêu vẹo, nhưng đã vẽ lên những giá trị thẩm mỹ huy hoàng, mà trước đó chưa từng có, làm giầu sang không biết đến bao nhiêu phẩm giá văn hóa cho một thời đại mà họ đã sống.
Tất nhiên, ở đây, tôi chỉ nói về người nghệ sĩ sáng tác có tài năng lớn. Tôi chưa thấy có một sáng tác nào… đạt được giá trị khoa học, và ngược lại, vì hai cái này hoàn toàn khác nhau, xuất phát từ hai hệ tư duy khác hẳn nhau. Và vì thế, dân tộc nào cũng cần cùng một lúc có cả hai loại tài năng này, để phản ánh phía bên này hay phía bên kia của cuộc đời mình, của trí tuệ và tâm hồn mình. Tuy nhiên, sáng tác gần với triết học hơn, nhất là thơ. Có nhà văn nói rằng, đỉnh cao của thơ là triết học. Nói thế cũng không đúng. Đỉnh cao của thơ cũng vẫn là thơ thôi, nhưng ở một đẳng cấp nghệ thuật cao nhất, nếu còn có thể. Yếu tố triết học, nếu hòa tan được vào trong sáng tác, sẽ tạo ra hương vị riêng của tác phẩm, như hương thơm thoang thoảng và lâu bền của một loài hoa, làm cho tác phẩm nghệ thuật ấy mở ra những bờ bến không cùng…
Có những nhà thơ, nhà văn rất lớn, đại diện cho một nền văn học của một quốc gia, mà vốn văn hóa phổ thông, chưa qua trường tiểu học. Một ví dụ từng làm sửng sốt nhiều lớp người. Đó là trường hợp đại văn hào Xô viết: Mikhail Aleksandrovich Sholokhov (1905 – 1984). Ông xuất thân trong một gia đình nông dân, không có truyền thống văn chương văn hóa gì, mẹ mù chữ, ông bà nội từng là nông nô, đến trường mới có bốn năm, còn một năm nữa mới hết cấp tiểu học. Vậy mà ông đã viết nên một bộ sách vĩ đại nhất của nền văn học cộng sản, gia nhập vào những giá trị bất hủ mọi thời đại của loài người, cuốn Sông Đông êm đềm hàng ngàn trang, bắt đầu viết từ 1925, hoàn thành trọn bộ năm 1940, chinh phục bạn đọc cả thế giới, giải Nobel văn học năm 1965.
Tôi có đọc một bài báo của một nhà chuyên môn, do anh gửi cho để tham khảo về việc đào tạo nhân tài văn học. Cái đó chỉ đúng về các nhân tài khoa học, còn các nhân tài sáng tác văn chương, thì anh chỉ có thể phát hiện và bồi dưỡng, chứ không đào tạo được đâu.
Chính vì thế, nên nhà thơ không thể làm thay các nhà chính trị hay khoa học, trong việc phát ngôn hay ứng xử về những vấn đề hệ trọng của đất nước, lịch sử cách mạng hay chiến tranh. Họ chỉ có thể bộc lộ cái không khí của lịch sử, cách mạng hay chiến tranh thông qua sự tác động đến một mức độ nào đó vào tâm hồn họ, thậm chí không vào tâm hồn họ, họ vẫn cứ là nhà thơ đầy mê hoặc về những mây trắng trời xanh và những cái xa xăm của cõi đời, cõi người, hoặc cõi thần tiên nào đó mà họ bịa ra…
Tuy thế, điều anh nói vẫn có cơ sở. Đó là sức nặng của tư tưởng, tâm huyết trong các sáng tác thơ nhiều năm nay có nhẹ hẳn đi. Điều đó, tôi đã phát biểu trong một hội thảo văn học ở Hà Nội, rằng, thơ ta đa dạng hơn, nhưng không lớn hơn, thậm chí không lớn bằng thơ những năm đánh giặc ngoại xâm, những năm “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy” (Chế Lan Viên). Bởi sự quan tâm của nhà thơ có phần mờ nhạt hơn, với những vấn đề nóng bỏng của đất nước, của nhân dân, của dân tộc. Sự lười biếng trí thức ở nhiều nhà văn là một hiện tượng có thật, điều ấy anh nói đúng. Không riêng gì các tác giả cao niên, cũ mòn trong tư duy, xơ cứng trong cảm xúc, lặp lại và có phần giảm sút trong bút pháp, ngay ở một số tác giả trẻ, tôi cũng thấy có gì vội vã và nửa vời… Hầu hết đều không tự biết.
152. Nguyễn Đức Tùng:
Tôi quan tâm đến sự chuyển tiếp giữa giai đoạn thứ nhất và giai đoạn thứ hai, theo anh nói là vào khoảng 1986, thời kỳ đổi mới.
Thưa anh, thời kỳ đổi mới văn học trong nước được định nghĩa như thế nào? Về mặt thẩm mỹ và về mặt chính trị?
Trần Nhuận Minh:
Cảm nhận được ý nghĩa vĩ đại của công cuộc Đổi mới đất nước năm 1986; năm 1988, tôi đã viết rằng, đây là cuộc cách mạng tháng Tám lần thứ hai, bởi nó sẽ làm thay đổi đất nước, thay đổi số phận của nhân dân và vì thế, diện mạo của nền văn chương sau 10 năm chiến tranh, cũng sẽ thay đổi hẳn. Với những bước đi mạnh bạo, hợp với quy luật phát triển, nó đổi mới cả đội ngũ tác giả và bạn đọc. Đối với tôi, đây là cuộc khai sinh lần thứ hai.
Về mặt xã hội, công cuộc đổi mới đã xoá bỏ nền kinh tế bao cấp. Từ đó, ta phát triển kinh tế nhiều thành phần, trong đó có kinh tế tư nhân, đảng viên cộng sản có thể làm ông chủ, được thuê mướn nhân công mà như thế không phải là bóc lột.
Về phân phối là xoá bỏ chế độ tem phiếu, câu “đau khổ như mất sổ gạo”, không còn có ý nghĩa gì. Lại nhớ: ông Đỗ Mười, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1991, nói chuyện thân mật với các nhà văn đảng viên dự đại hội toàn quốc các nhà văn Việt Nam, mà tôi trực tiếp nghe: Bộ Chính trị của Đảng có thời gian chỉ lo có một việc mà không xong, làm sao có đủ gạo cho dân ăn, đặc biệt là dân Hà Nội và công nhân khu mỏ Quảng Ninh. Và anh thấy đấy, từ một nước đói ăn, vêu vao mặt người, nay thành một nước xuất khẩu gạo hàng thứ ba trên thế giới. Vậy chỉ có thay đổi cái cơ chế là thay đổi hết, dù vẫn người ấy, đất ấy, khí hậu ấy.
Về văn chương là sự chấp nhận tất cả các phương pháp sáng tác. Đó là điều rất mới, rất hay. Theo tôi, phương pháp sáng tác nào cũng có cái hay của nó. Nhưng rốt cuộc, phương pháp sáng tác nào dẫn người đọc nhanh nhất, có hiệu quả nhất, để đến với sự thật, đến với sự lương thiện, làm cho con người đối xử tốt hơn với chính con người, thì đó là phương pháp sáng tác tốt nhất.
Và như thế, mọi tác phẩm đều được xuất bản, “trừ tác phẩm phản động và đồi truỵ”. Dĩ nhiên rồi. Nhiều tác phẩm, tác giả bỏ tiền ra mà in rồi tự tiêu thụ. Nghĩa là mọi cánh cửa đã mở, không có chuyện nhà văn thì thào với nhau: mình có tác phẩm hay lắm mà không in được. Bản thảo nào nghe nói “có vấn đề” (đọc xong mới thấy chả có vấn đề gì cả, chỉ có thể là mô tả hiện thực bạo tay hơn một chút mà thôi), các nhà xuất bản tranh nhau in, số lượng lớn, bán đắt như tôm tươi.
Chính do sự nới rộng của cơ chế xuất bản và quản lý văn nghệ, mà những tác phẩm hay nhất của nền văn chương, nếu có, đã ra đời rồi. Trong đó, có tác phẩm về tư tưởng, đã đi xa hơn ra ngoài các cửa kiểm soát cũ, khoảng “một quăng dao”, nói theo ngôn ngữ của người Tày. Đó là tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, với cái nhìn về chiến tranh rộng rãi hơn, dù nó có thể làm cho người đọc phảng phất nhớ tới Remarque, nhà văn Tây Đức viết về chiến tranh, với tác phẩm nổi tiếng Phía Tây không có gì lạ. Cũng không sao. Rất có thể vì thế, người đọc sẽ đặt hai tác phẩm này gần nhau, cũng là một vinh dự cho nền văn học chúng ta. Đúng như nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã có lần nhận xét: Với Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh “đã chạm vào mẫu số chung của nhân loại”.
Thực tình, tôi rất lấy làm tiếc cho các nhà văn Nhân văn giai phẩm. Là những người có tài, bị dồn nén và sống trong những hiện thực sinh động, có thể nói là khắc nghiệt hơn, thời gian chuẩn bị dài đến 30 năm, vậy mà khi “bung ra”, bạn đọc chờ mãi, đợi mãi, vẫn chỉ thấy những câu thơ kỳ quặc như thế này.
Tôi xin trích nguyên văn một vài đoạn trong tuyển tập Thơ Trần Dần (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2008), một trong các kiện tướng, và theo tôi, đây là nhà văn sung sức nhất và có nhiều tìm tòi nhất trong các nhà văn Nhân văn giai phẩm.Tôi chép tuyệt đối chính xác, y chang như bản đã in, kể cả các chữ nghiêng, chỗ xuống dòng, các chữ dính liền nhau hoặc cách xa nhau và các ký hiệu kèm theo, để các bạn đọc dễ theo dõi hoặc đối chiếu – nếu cần (đấy cũng là lý do vì sao, đây là bài trích duy nhất, tôi giữ nguyên các kiểu chữ, số chữ, từng chữ in trong mỗi dòng, nghĩa là “nguyên xi” như bản đã in sách của tác giả).
JỜ JOẠC
IX
mưa truồng
jải jịch jus jâu… thì kệ cái tát 1 bát sẹo 1 lẹo vú 1 bú
đít 1 lít nách 1 jạch tóc 1 móc họng 1 nọng thở 1 hở
jốn 1 nọm nín 1 mím ngực 1 chực cắn 1 nắn thẹn 1
đẹn kén 1 nén xác
1 es píc 1 híc bẹn 1 lẹm nguýt
1 quýt háng 1 jạng sáng 1 tháng hóc
1 jọc đùi 1 mùi môi
1 chổi vai 1 nhài nịt 1 thịt mông 1 lồng mầm 1 thâm
hột tất cả 1 – 9 – 6 – 3 hạt hài nhi xin đi và u tì ngoài tử
cung ni nông hồng Vạn lịc.
kệ CÁI TÁT…….. jây nữ điện thoại joai joai lò sưởi
nguội…
(tr. 239)
Một thi phẩm khác, dễ đọc hơn:
con OEE
6
Ưa mưa tia nhia nhia
Lột buồng cụng cựa
Hè sàn loe chân lia
Thênh em bềnh cửa ngừa
9
Thêm tôi ngồi má sựa
Giữa thừa ưa thúa lùa
Rộ gà te buổi nữa
Rộ gà te
11
Kín kén thang em vừa bén bẹn
Luông tuồng tem tuổi phía
Toang phen ph’ ùng én thẹ
Tống kiền kiền
12
Phố líu nh”lu lìu nh” ìu người
Vivu đi ngò ngò thòi
Noắng chim loi ch”oi lòi ch” òi
Thi thoi tôi ngày vọt v”òi
14
Đ’én ngoét
X oẹt xooèè
Em v’oét
Th’oẹt th’oè em
15
Noè xoè xoè
Thil thil thín lá
Nghịt ngìn ngạ
Thoẹ thoè croè
16
Em toẽf
Lòênk lềnk loẹt noẹt
To ềnk tềnk ngoel doẹt
Oẹf oẹf
(tr. 169 - 172)
Vân vân…
Vì không muốn làm phiền bạn đọc, nên tôi không trích dài hơn. Anh có hiểu biết mới hơn và kiến giải cũng xa rộng hơn tôi, anh nói cho bạn đọc biết, những câu thơ trên hay ở chỗ nào? Tài năng thế, nhân cách thế, rất đáng chờ đợi và kính trọng, hoàn cảnh thế, mà viết chỉ có thế, thì làm yên lòng bạn đọc sao được? Tôi cũng đã đọc tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần, tác phẩm được nhà văn viết trong thời gian bị “rút phép thông công”, Nhà xuất bản Hội nhà văn vừa in xong, năm 2011, cũng không thấy có đặc sắc gì xứng đáng với sự mong đợi ở ông.
Anh thử nghĩ xem, vì sao trong điều kiện tương tự, mà ta không có Những đứa con của phố Ácbát hay Nghệ nhân và Margarita ra đời, như ở Liên Xô thời cải tổ, để rồi sau, có cuốn trong số đó của Liên Xô thời ấy, được xếp vào hàng kiệt tác của nền văn chương Nga, và riêng M. Bulgacov, tác giả của Nghệ nhân và Margarita, được xếp ngang với L. Tolstoi và P. Dostoievski, là hai thiên tài mà nền văn học vĩ đại Nga đã cống hiến cho thế giới.
Bây giờ thì các bác nhà ta đã qua đời cả rồi. Kính chúc vong linh các bác ấy yên nghỉ thanh thản dưới suối vàng…
153. Nguyễn Đức Tùng:
Xin nhắc lại câu nhận xét: “… anh nói cho bạn đọc biết, những câu thơ trên hay ở chỗ nào? Tài năng thế, nhân cách thế, rất đáng chờ đợi và kính trọng, hoàn cảnh thế mà viết chỉ có thế, thì làm yên lòng bạn đọc sao được?”
Tôi quý trọng (appreciate) sự quan tâm của anh.
Theo tôi, vấn đề Trần Dần, và sau đó những nhà thơ khác ở miền Bắc như Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, Dương Tường… là vấn đề rộng lớn, cần nhiều tiếp cận khác nhau. Vấn đề Trần Dần lớn hơn thơ Trần Dần.
Tôi xin bắt đầu từ kinh nghiệm cá nhân. Lần đầu tiên được biết cả ba người: Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng và Trần Dần đều góp phần thành lập nhóm Dạ Đài, tôi rất ngạc nhiên. Tôi đọc Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương khá kỹ nên không hiểu sao họ lại có lúc giống nhau. Sau này đọc thêm Trần Dần, tôi phát hiện ra rằng sự giống nhau ấy có những lý do thơ ca nội tại và vì vậy họ sẽ còn giống nhau lâu dài.
Nhóm Dạ Đài:
Chúng tôi - một đoàn thất thổ - đã đầu thai nhằm lúc sao mờ
Nhà nghiên cứu văn học Hồ Thế Hà ở Huế cũng viết như sau: Từ ý thức tiên phong, tiếp biến trong nghệ thuật, cũng như Trường thơ Loạn (Quy Nhơn), Xuân Thu nhã tập, với tinh thần tiên phong và ước vọng cao đẹp về sự đổi mới thi ca Việt, Dạ Đài đã đưa ra những quan niệm về thơ rất mới lạ và hiện đại. Với độ lùi về thời gian và thành tựu của mỹ học tiếp nhận hiện tại, ngày nay, chúng ta có quyền khẳng định và sắp đặt lại vị trí xứng đáng của Dạ Đài trong dòng chảy liên tục của hành trình thơ Việt thế kỷ XX để thấy công lao, ý nguyện và tinh thần duy tân của nhóm Dạ Đàimà khởi nguồn của nó là Bản tuyên ngôn tượng trưng với những quan niệm thơ tân kỳ, có tiếp biến, sáng tạo từ lý luận văn học (thi ca) phương Tây khi phong trào Thơ mới đi hết hành trình lãng mạn u buồn của nó. (hết trích)
Tôi không nghĩ rằng, khi anh là nhà thơ thì anh được miễn trừ khỏi các nhiệm vụ công dân đối với đất nước mà mình sinh sống hoặc nhiệm vụ tinh thần đối với quê hương mà mình đã sinh ra. Tuy nhiên nhiệm vụ chính trị ấy là một điều tách rời, không phải là bổn phận của thơ ca, có nghĩa là trong những thời kỳ đen tối, không phải là nhà thơ không được quyền làm thơ tình hay viết những bài thơ vui chẳng hạn. Mặc dù đúng là, xin ví dụ, trước một trận hỏa hoạn hay động đất vừa xảy ra hôm qua, không ai muốn nghe anh đọc một bài thơ ca ngợi mùa xuân. Trong một số tình huống, rõ ràng là văn chương không thể hoàn toàn tách rời khỏi hiện thực đời sống.
Chúng ta cần nhớ rằng bất cứ một lý thuyết hay phong trào nghệ thuật nào cũng giành quyền tuyên bố nó là con đường hữu hiệu nhất để tiến đến chân lý, tức là tiến đến gần hiện thực hơn cả. So với thẩm mỹ cổ điển, phong trào lãng mạn là một cuộc cách mạng thực sự. So với chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực lại càng gần hiện thực hơn nữa. Nhưng ngay cả chủ nghĩa siêu thực cũng cho rằng nó nắm bắt được hiện thực ở những khía cạnh sâu xa nhất mà chủ nghĩa hiện thực không làm được. Đó là chưa nói đến chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, vốn có những tuyên bố đầy thẩm quyền về việc nắm bắt sự thật. Và chủ nghĩa hậu hiện đại. v.v…
Như thế, chúng ta dùng thước đo nào để đo được khả năng phản ảnh hiện thực của một khuynh hướng này là cao hơn hay thấp hơn so với một khuynh hướng khác? Đó là câu hỏi mà các nhà thơ không ngớt đặt ra, vì các lợi ích sáng tạo của chính họ. Tôi nghĩ rằng muốn phân tích tác phẩm và phương pháp sáng tác của Trần Dần, không thể không bắt đầu từ khía cạnh này, tức là từ cái nhìn của ông đối với hiện thực và đối với chức năng của nghệ thuật.
Cũng cần nhắc lại rằng: gần 30 năm trước khi Trần Dần xuất hiện trở lại, ở miền Nam, Thanh Tâm Tuyền cũng đã từng vấp phải cánh cửa im ỉm đóng của sự tiếp nhận từ người đọc và các nhà phê bình. Vì những lý do có lẽ hoàn toàn nghệ thuật.
Cần đặt thơ Trần Dần dưới những góc chiếu sáng khác nhau. Lưu ý rằng, ngay từ trước khi đi theo kháng chiến chống Pháp, ông đã là một người có khuynh hướng thể nghiệm. Khuynh hướng ấy nếu được tự do phát triển trong một xã hội hòa bình và tự do, theo cái kiểu mà các nhà thơ thời kỳ Thơ Mới đã làm, thì biết đâu sẽ tạo ra nhiều tác phẩm hay và lạ, nhưng tiếc thay ông lại sống trong một thời kỳ chiến tranh, phân li, và dưới nhiều áp lực, thơ như thế không thể không bị bẻ gãy. Có hai cách để tồn tại về mặt sáng tạo: cứ tiếp tục con đường cách mạng thuần túy chữ nghĩa của mình nhưng ở một dạng thức mà xã hội có thể bao dung được, và hai là phản kháng về văn học. Một phần lớn các nhà thơ Ba Lan, Nga, Trung Hoa chẳng hạn đã chọn con đường thứ hai. Cao Hành Kiện, Bắc Đảo đã chọn con đường thứ hai. Nhưng tôi chưa thấy một nhà thơ, nhà văn Việt Nam nào làm được chuyện ấy, vì những lý do mà chúng ta tạm chưa bàn ở đây. Như thế, Trần Dần đã chọn con đường thứ nhất, cũng như Lê Đạt và Đặng Đình Hưng, mặc dù so với họ, Trần Dần là người đi trước.
Nói cho công bằng, sự thất vọng của anh đối với sự xuất hiện trở lại của các nhà thơ này, theo tôi là phổ biến, tiêu biểu và từ một góc nhìn nào đó là hoàn toàn có thể hiểu được. Trong khi đó, khuynh hướng thể nghiệm ngôn ngữ vốn là một khuynh hướng ngay từ gốc đã chống lại tính công chúng (popularity). Mặc dù thế trong thời kỳ xuất hiện trở lại, ông vẫn có nhiều bài thơ theo tôi là hay, có giá trị mở đường. Ngoài giá trị mở đường, một số ít hơn chắc sẽ có giá trị lâu dài.
Yêu bông cúc chứ không hiểu bông cúc
Tôi thích lá trúc. cả cành trúc. bụi trúc.
bông cúc.
Cõi lúc nhúc.
Cánh cửa đầu tiên gõ vào cõi ngôn ngữ Trần Dần trước hết là vui chơi, vui thú, chơi đùa, chơi bời.
Như hầu hết các nhà thơ đi kháng chiến thời đó, Trần Dần cũng rơi vào cái bẫy của thơ tự do bắc cầu kiểu Maiakovski. Cái ông nhà thơ ở tận nước Nga xa xôi này lạ thật, đã nổ súng lục vào đầu mà viên đạn ấy vẫn còn xuyên suốt lồng ngực của các nhà thơ đi theo cách mạng từ 1945 cho đến nay (2011), nhất là các nhà thơ giai đoạn 1954-1975, làm cho họ chết lên chết xuống nhiều lần và thi nhau bắt chước ông đâm đầu vào tường, kể cả những người có tài như Trần Dần và Chế Lan Viên, có lẽ chỉ trừ Tố Hữu là không bắt chước. Từ góc nhìn thẩm mỹ, có thể Tố Hữu sẽ có vị trí độc lập lâu dài là nhờ ở chỗ này.
Nhưng nói cho đúng, sau đó Trần Dần đã tìm cách thoát ra khỏi ảnh hưởng của Maiakovski và mau chóng hình thành phong cách riêng của mình:
Yêu
Em đã quên ư?
Lòng ngã tư mưa lằng nhằng cột điện
Tình yêu của anh như câu cổ tích
kể trong một tối mưa dầm.
Tôi xin nói với anh: đó là những câu rất mực tài hoa về ngôn ngữ.
Những câu thơ ít có công chúng, không thể nào có đông đảo bạn đọc. Cũng như nhạc của Đoàn Chuẩn, Đặng Thế Phong, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, thơ của Tuệ Sĩ, triết học của Phạm Công Thiện. Không như nhạc Trịnh Công Sơn, thơ Nguyễn Bính, được cả hai.
Đã không còn dấu ấn sâu nặng của chủ nghĩa lãng mạn cổ điển và chủ nghĩa hiện thực kiểu Nga. Trần Dần có cái cực đoan đáng yêu của một thi sĩ mở đường, tiên phong:
Tất cả đến với tôi - phải đến từ đàng trước.
Đàng sau có gì? toàn LÁ - CHẾT những ngày qua
Nhưng khi “chịu khó” viết những câu thơ “đẹp”, dễ hiểu, ông cũng thừa khả năng:
Hãy ôm thế giới này, tha thứ cho nó
Hãy thắp sáng mọi chòm sao cũ!
Hay là:
Tôi khóc những chân trời không có người bay
Lại khóc những người bay không có chân trời
Những câu như thế dễ có bạn đọc hơn, được nhiều người khen nức nở và nhắc đến hơn. Nhưng thật ra đó chưa phải là những câu thơ đặc trưng nhất của ngôn ngữ Trần Dần.
Của sức nặng Trần Dần.
Tuy nhiên tôi cũng đồng ý với anh rằng những đoạn thơ như đoạn mà anh vừa trích trên đây chắc chắn sẽ làm nhiều người, nhất là những người yêu mến ông, một Trần Dần của:
Tôi ở phố Sinh Từ
Hai người
Một gian nhà chật
Rất yêu nhau
Sao cuộc sống không vui
sẽ hết sức thất vọng. Nỗi thất vọng này của họ, theo tôi, cũng đáng yêu.
Nhưng mời anh đọc thử:
Tôi ngồi nghỉ thở giữa nửa điếu thuốc ngủ
thả nghiêng sẹo khói
Trong tập Jờ Joạcx ông viết từ 1963, sẽ thấy rằng vẫn có những cánh cửa mở vào thơ Trần Dần, không khó hiểu hũ nút lắm như nhiều người tưởng. Tôi không cố tình biện hộ cho Trần Dần, vì vẫn có những câu thú thật chính tôi cũng không thích, ví dụ:
Tua gai ngài xé dé
Bè hẹ nẻ che vè
Ngòi nhìn kin kín mí
Chớp mầy nhe
Vì nó không vào được, cửa khóa hơi kỹ trước số đông người đọc. Tuy nhiên có một điều lạ là tôi vẫn thường quay lại với nó, như trước một căn nhà tuy đóng cửa nhưng hình như ở đó vẫn có những điều làm ta nghĩ ngợi.
Tôi cho rằng các nhà thơ cũng phải thường quay lại như thế.
Mà nhiều khi cũng chẳng được tích sự gì.
Trần Nhuận Minh:
Đúng như anh nói, “xu hướng thể nghiệm” thấy rất rõ ở thơ Trần Dần, và về vấn đề này, trước sau, ông vẫn là một cây bút tiên phong. Lịch sử văn học sẽ phải ghi nhận cố gắng đáng quý đó của ông. Nhưng khi đã xuất bản, thơ đã chính thức đến với công chúng, thì in quá nhiều bài chỉ có tác giả mới hiểu (cũng không loại trừ, có khi chính tác giả cũng không hiểu), thì tôi vẫn thấy có cái gì đó không được ổn lắm. Những tìm kiếm, thể nghiệm cá nhân trên đường tự hoàn thiện mình, có thể còn chưa đâu vào đâu, và tác phẩm mang đến cho công chúng, là hai thứ khác nhau chứ. Khi có tin là thơ Trần Dần bị cấm, người ta đổ đi mua, kẻo rồi không mua được, hơn nữa cũng muốn xem nó ra làm sao mà bị cấm. Đến khi nghe nói lại là không cấm, bán tự do, thì số người mua trễ nải hẳn và về sau thì rất khó bán.
Theo tôi, khi thơ đã không có công chúng hôm nay, cũng khó mà hy vọng sẽ tồn tại trong tương lai, khi nó hoàn toàn xa lạ với tư duy và cảm nhận của người Việt. Nó cắt đứt tuyệt đối với truyền thống. Trong một tham luận, tôi có viết rằng: Không từ truyền thống mà đi ra, không có đường dây liên hệ gì với truyền thống, thì đổi mới hay cách tân gì, cuối cùng, cũng sẽ thất bại hết.
Tôi cho rằng, thơ đổi mới hay cách tân mà viết như kiểu JỜ JỌAC hay con OEE là không có tương lai.
Anh có nghe nhiều người thường nói: tôi nghĩ bụng… Thực ra thì cái bụng có làm chức năng nghĩ bao giờ đâu. Dân mình nói thế vì rất trọng tấm lòng, coi tấm lòng là hết thảy. Thơ là tiếng nói từ trong lòng người, mà lòng người lại luôn chịu các tác động của đời sống xã hội mà trong đó chính trị là nội dung cốt yếu nhất. Cho nên rất tự nhiên, thơ vẫn có cái hồn vía của chính trị được bộc lộ một cách tinh vi qua cảm xúc của nhà thơ, rồi tác động vào lòng người, mà lòng người thì có thể nghĩ thay cho bộ óc.
Thơ vui và ấm thì đất nước thanh bình, nhân quần vui vẻ. Thơ thác loạn và hũ nút thì đất nước có nhiều bất ổn và trì trệ. Đại khái là như thế, tuy nhiên không phải tuyệt đối là như thế. Thơ vẫn có khoảng cách riêng với chính trị, trừ cái chính trị lớn nhất và cũng chung nhất, là phục vụ con người, bảo vệ phẩm giá của con người. Cũng như nếp vằn của hổ báo, tiếng rền của núi sông… nào có biết bay trên đầu nó là ánh sáng nào. Nó đâu có phân biệt thời nào với thời nào, chính trị suy tàn hay thịnh vượng…
Tôi có bài thơ viết về quan niệm này, dù tôi nghĩ có lẽ cũng chả có gì mới lắm:
THƠ
Chẳng cần Cây nghe: chim vẫn hót
Không có Ai nhìn: hoa vẫn thơm…
Bản thảo ấy, xé không rách
Lời của Người hay lời của Gió?…
Khi con chim cứ tự nhiên mà hót, mà bộc lộ cái bản ngã riêng của mình, cái bản ngã mà mình không tự bộc lộ từ trong gan ruột thì mình không thể tồn tại được, bất kể bên cạnh mình, cái cây có nghe mình hay không. Khi bông hoa cứ tự nhiên mà thơm, không cần phải có người thưởng thức ngắm nhìn, cũng không phải phụ thuộc vào tiết trời, nó cứ tự nhiên mà thơm, bởi không thơm, nó cũng không thể tồn tại được. Tất nhiên, tôi hiểu, tiếng hót của con chim là giọng điệu của Trời và hương thơm của bông hoa là mùi vị của Đất, hàm chứa trong đó. Nghĩa là không tuyệt đối hóa nó, không cắt đứt nó với cái khí hậu mà nó được nuôi dưỡng.
Về bản chất, thơ cũng như thế. Tôi có câu thơ mà có lẽ anh không chú ý: Hoa nở chỉ vì hoa / Không phải nở vìmùa... Và khi đã đạt được đến cái mức như thế, thì “bản thảo” của loại thơ ấy, tồn tại khách quan ngoài ý muốn của con người và thiên nhiên, ngoài cả sự tàn phá của con người và của cả thiên nhiên, mà ở đây, biểu tượng của thiên nhiên là gió, vì chỉ có người và gió mới “xé rách” được các trang “bản thảo”… Cụ Nguyễn Du có câu thơ: Thi thành thụ thảo giai thiên cổ: khi thơ đã thành thì cây cỏ còn đẹp đến ngàn năm sau.
Đấy là khả năng duy nhất để thơ có cuộc sống riêng, độc lập với chính trị, độc lập với mọi biến thiên của thế cuộc, thậm chí mọi thay đổi thể chế của các thời đại, độc lập với cả chính người đã sáng tạo ra nó…
Chính thơ đã làm được một việc hệ trọng là thay đổi các nhà thơ và bạn đọc. Hoặc ngược lại. Tùy theo cách hiểu của từng người.
154. Nguyễn Đức Tùng:
Anh bảo: “những tác phẩm hay nhất của nền văn chương, nếu có, đã ra đời rồi”. Tiếng Anh có câu nói vui đại ý cái gì bạn thấy, tức là bạn có, nghĩa là cái gì bạn không thấy, tức là bạn chẳng thể có. Như vậy, theo ý anh, công cuộc đổi mới từ năm 1986 đã phô diễn hết hiệu quả của nó lên xã hội, trên các phương diện khác nhau, và về mặt văn học, nền văn học Việt Nam đã đạt đến những thành tựu tối ưu của nó, hay sao?
(Xin ví dụ: một số truyện của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Dương Thu Hương… là giấc mơ cuối cùng của các nhà văn Việt Nam trong điều kiện đổi mới, cũng như Những đứa con của phố Ácbát là đỉnh cao của văn học Liên Xô thời ấy).
Trần Nhuận Minh:
Đúng là những tác phẩm hay nhất của nền văn chương, nếu có, thì đã ra đời rồi. Toàn bộ thành tựu của thời kỳ văn học đổi mới, nhất là những năm “cởi trói”, được “bung ra”, cũng đã phô hết hiệu quả của nó… với mức độ giá trị theo tôi chưa phải là đã tối ưu, chỉ có điều được đến thế đã là vui rồi. Tất nhiên, trong số những nhà văn cần được ghi nhận, không phải chỉ có Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp… và thành công của những nhà văn này, lại càng không phải là giấc mơ cuối cùng của các nhà văn Việt Nam. Nhưng đấy lại là vấn đề khác, sẽ bàn vào dịp khác.
Đến bây giờ, sự trông đợi của tôi là dành cho thế hệ sau tôi. Tôi gửi gắm rất nhiều niềm tin và hy vọng ở họ, trong đoạn tham luận sau:
Các nhà thơ sinh ra sau 1975 càng ngày càng đông đảo, sung sức. Ít nợ nần với quá khứ, lại được trang bị đầy đủ về văn hoá, ngoại ngữ, và công nghệ thông tin, các bạn bước vào cuộc hội nhập nhẹ nhàng như bước vào ngôi nhà dành sẵn cho mình. Đó là cái may của một thế hệ và cũng là cái hồng phúc của cả dân tộc, sau 30 năm ra khỏi chiến tranh…
Các bạn rất tự tin, luôn làm chủ được mình, nhưng lại vô cùng nôn nóng. Đôi khi thảng thốt và bất an, trong khi cần phải tạo dựng những giá trị văn hoá và tinh thần chắc chắn, vững bền. Các bạn đến thẳng với cái điều mình mong muốn, không nhân nhượng với ai, cũng không chờ đợi ai, kể cả chính mình, để lại một khoảng trống vắng phía sau và ít nhiều ngơ ngác cho bạn đọc. Các bạn quyết tâm làm mới mình, phá vỡ hết thẩy các chuẩn mực cũ, bẻ vụn câu thơ lục bát, gia tăng yếu tố của văn xuôi và điện ảnh vào thơ, làm cho trang thơ bề thế, ngổn ngang, phong phú, đa dạng, nhiều chiều, còn về giọng điệu và cấu trúc câu thơ, thì gần với các bản dịch nghĩa thơ chữ Hán ra thơ chữ Việt, đã có ở Việt Nam từ nhiều chục năm nay. Cái đó không phải là ngoại lai. Vẫn rất văn hoá, rất truyền thống, rất dân tộc, dù đâu đó, vẫn thấy các bạn chịu ảnh hưởng của văn hoá phương Tây nhiều hơn là văn hoá phương Đông, vốn rất quen thuộc với các thế hệ cha ông mình. Cái đó các bạn không có lỗi. Cũng có thể, đó là khuôn mặt tương lai của thơ Việt Nam, nếu các bạn chinh phục được đông đảo bạn đọc, được đông đảo bạn đọc ủng hộ và lựa chọn.
Tôi nghĩ: các bạn có trách nhiệm phải đổi mới cả nền văn học này và các bạn có quyền làm như mình mong muốn. Có điều, nội lực của các bạn, cái Lò cừ nung nấu sự đời, như cụ Nguyễn Gia Thiều xưa từng nói, chưa đủ lớn, chưa đủ mạnh, để biến tất cả những thứ mình làm thành nghệ thuật. Bởi thơ là sự chiết xuất cuộc sống, được viết bằng sự chiêm nghiệm, bằng kinh nghiệm sống và sự từng trải, với sự điểm chỉ của tâm hồn nhà thơ vào từng câu chữ của mình, như tôi đã có lần nói ở Hội nghị lý luận phê bình văn học toàn quốc, tổ chức tại Đồ Sơn, năm 2006. Tôi thực sự tin tưởng vào các nhà thơ thuộc thế hệ sau năm 1975, thậm chí sau năm 1986, và hy vọng được thấy các bạn hiện lên như những ngọn núi lửa, phun sáng nhiều góc trời. Những Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu… khi xuất hiện, chả đã từng xuất hiện như thế đó sao!
155. Nguyễn Đức Tùng:
Thời kỳ đổi mới, nếu bắt đầu vào năm 1986, thì kết thúc vào năm nào? Tại sao kết thúc vào năm ấy? Hay vẫn còn tiếp tục đến hiện nay?
Trần Nhuận Minh:
Tôi nghĩ về văn chương, những tác phẩm đáng chú ý của thời đổi mới xuất hiện nhiều hơn từ năm 1986 đến 1993. Những năm ấy, kinh tế của ta gặp nhiều khó khăn vì bắt đầu chuyển đổi. Anh có để ý điều này không: Năm 1991, Liên Xô sụp đổ, chúng ta vô cùng gieo neo, lại thêm bị cắt viện trợ, thì năm đó tiểu thuyết ta lại được mùa lớn, với giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam trao cho ba cuốn tiểu thuyết: Thân phận tình yêu (Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng của Dương Hướng, trong đó tiểu thuyết của Bảo Ninh vang dội hơn cả, được hoan nghênh nhiều hơn ở trong nước và cả nước ngoài. Tin rất vui là, trong lúc chúng ta chuyện trò với nhau ở đây (tháng 5/2011), thì ở Tokyo, báo Kinh tế Nhật Bản Nikkei Asia Prizes, đã trao giải lần thứ 16 cho các tác giả châu Á trong ba lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật và văn hoá, tiểu thuyết của Bảo Ninh được nhận giải thưởng này thuộc lĩnh vực văn hoá.
Từ sau năm 1993 ta mới có đủ gạo ăn (tôi nhớ năm 1991 – 1992, vẫn còn đói lắm). Cũng từ đó, không khí văn chương thoải dần… đến năm 2000 thì những vấn đề về đổi mới trong văn chương, không thấy ai bàn bạc gì nữa. Bởi những tác phẩm mới đã cũ rồi mà những tác phẩm mới hơn, hay hơn, yêu cầu cao hơn thì chưa có.
Cho nên, tại hội thảo Lý luận phê bình văn học toàn quốc lần thứ hai, tổ chức ở Đồ Sơn, Hải Phòng, tháng 10 năm 2006, trong tham luận đọc tại hội thảo Tìm con đường mới để đến với bạn đọc, tôi có nói rằng: sau 20 năm (1986 – 2006), văn học ta bây giờ không nên gọi là văn học đổi mới nữa, vì khái niệm đổi mới ban đầu đã hoàn thành rồi, đó là đổi mới phương pháp sáng tác, tư duy và chất liệu nghệ thuật… Văn học ta bây giờ phải hội nhập với thế giới, đây là một bước ngoặt rất lớn, và trách nhiệm chính đã đặt lên vai các tác giả thuộc thế hệ sau năm 1975…
156. Nguyễn Đức Tùng:
Nhưng cũng có nhiều người cho rằng, sau thời kỳ “cởi trói” thì có sự “trói” trở lại, và đó chính là nguyên nhân làm “không khí văn chương thoải dần” như anh nói.
Tôi cho rằng đây là luận điểm quan trọng, dù đúng hay không đúng hoàn toàn, vì nó tìm cách đi vào giải thích sự vật theo khuynh hướng nhân quả. Chúng ta nói đến quá khứ là để tìm ra đường đi tới cho tương lai. Không nên hy vọng vào thế hệ trẻ hơn, nếu thế hệ già hơn không đủ khả năng giải thích các thành công và thất bại của mình.
Trong thời kỳ đổi mới, khoảng trước và sau năm 1990 một chút, tôi nhớ là đã xuất hiện rất nhiều tác phẩm và tác giả quan trọng, trong thơ (trong đó có Vương Trọng, Anh Ngọc, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Trần Đăng Khoa, Thi Hoàng, đặc biệt là anh, tức Trần Nhuận Minh, với Nhà thơ áp tải, Nhà thơ và hoa cỏ), trong văn xuôi (trong đó có Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Khắc Trường, Ngô Ngọc Bội, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Dương Thu Hương…), và lý luận phê bình văn học (trong đó có Lê Ngọc Trà…). Đến giữa và cuối những năm 1990, nhiều người không còn giữ được nhịp độ sáng tạo như cũ, tàn đi. Trường hợp Nguyễn Duy mà anh có nhắc đến vừa rồi, tôi nghĩ, cũng rơi vào trường hợp này. Nhưng chẳng phải riêng Nguyễn Duy trong thơ, nhiều người khác trong văn xuôi cũng đã buông bút, hoặc nếu viết, như Bảo Ninh hay Dương Thu Hương chẳng hạn, thì cũng chẳng có tác phẩm nào đáng chú ý như trước.
Họ tàn đi.
Theo anh vì sao?
Trần Nhuận Minh:
Cũng không hẳn như thế đâu. Về văn xuôi, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Tạ Duy Anh, Phan Thị Vàng Anh vẫn viết hay vào dịp này. Chưa kể một cây bút lão làng Ma Văn Kháng vẫn tiếp tục cho ra đời những cuốn tiểu thuyết có khám phá mới. Về thơ là thời của Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Thiều… Các nhà thơ thời chống Mỹ: Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Đức Mậu, Thi Hoàng, Trần Đăng Khoa, Thanh Thảo… đều viết và viết vẫn còn hay. Có thể anh không có điều kiện đọc hết được tác phẩm của các tác giả đó. Chỉ có điều, cái hay bây giờ không gây được những chấn động dư luận, có lẽ vì cái mức để gây chấn động mới đòi hỏi cao hơn, khi cái mức cũ đã bão hòa. Hơn nữa, sự điềm đạm, chín chắn của sự từng trải, chiêm nghiệm, cũng làm cho tác phẩm hài hoà hơn và các vấn đề về tư tưởng chìm lặn vào trong các cảm xúc nghệ thuật… Đấy là một nhẽ. Một nhẽ khác, tôi cũng đã phát biểu trong tham luận tại Hội thảo Đồ Sơn, đã nói ở trên, rằng:
Trong hành lang Hội trường Ba Đình, ngày khai mạc Đại hội toàn thể Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IV năm 1990, tôi có nói với nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Hạnh, khi ấy đương nhiệm chức danh Phó trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, rằng: Từ tiểu sử văn chương của các nhà văn lớn trong nước cũng như ngoài nước, thấy rất rõ một điều, nhà văn nào cũng chỉ có khoảng 10 năm sáng tạo sung sức nhất, nếu có đạt được đỉnh cao của mình thì cũng chỉ trong vòng 10 năm đó mà thôi. Như vậy, không chỉ các nhà văn thời kháng chiến chống Pháp, các nhà văn thời kháng chiến chống Mỹ, mà cả các nhà văn thời đổi mới, nếu sáng tác của họ có thành tựu, có sự nghiệp, đã có thể “ đại định” được rồi. Nhìn vào tiến trình phát triển của thơ, sau 10 năm Thơ Mới, ta có 10 năm thơ đánh Pháp, 10 năm thơ đánh Mỹ, 10 năm thơ sau đánh Mỹ mà thực chất là sự kéo dài của thơ đánh Mỹ và 10 năm thơ Đổi Mới, 10 năm thơ tiếp tục Đổi Mới, trong đó, 10 năm đầu và 10 năm sau của 20 năm đổi mới thơ, diện mạo và bản sắc cũng khác hẳn nhau.
Như vậy, việc không viết nữa, hay viết có sút đi của một số nhà văn, nhà thơ ta, cũng là điều hoàn toàn bình thường. Mỗi người đều có cái thời của mình. Thời chỉ là một chữ thôi, nhưng nội dung hàm chứa trong đó thì thâm hậu vô cùng, nó xuyên suốt cả cuốn Kinh Dịch, một trong số ít các tác phẩm nổi tiếng nhất của triết thuyết phương Đông. Một chữ thời mà bàn 1000 năm nay vẫn không hết nhẽ. Tôi có bài thơ viết về cái thời của một vị tướng anh hùng đấy, người tình cờ tôi được gặp, khi đến thăm một anh bạn thơ nằm ở Quân y viện 108. Bài rất ngắn, anh nghe qua:
VỊ TƯỚNG
Vị tướng từng làm bạt vía quân thù
Không sao cầm nổi một đôi đũa…
Bây giờ, nếu chúng lại đến đây
Ông sẽ lặng im
Khi một nhát lê hay một viên đạn…
Vì sao ư? Vì cái thời của ông, đã qua rồi…
157. Nguyễn Đức Tùng:
Trên trang web khoa văn học ngôn ngữ của trường Đại học Khoa học xã hội Nhân văn (khoavanhoc-ngonngu.com) có một mục thăm dò ý kiến nhỏ lý thú như sau:
Ý kiến của độc giả đánh giá tình hình văn học Việt Nam hiện nay, cho điểm từ cao xuống thấp:
- Rất phong phú 6.6 %, khá phong phú 20.5 %: tổng số 27.1 %
- Bình thường 21.7 %
- Nghèo nàn 22.9 %, rất nghèo nàn 8.4 %, rất kém 16.3 %: tổng số 47.6 %
- Không biết 3.6 %
Số người tham gia bình chọn: 166
Lần bình chọn đầu tiên: năm 2006
Lần bình chọn cuối cùng: 2011
Nói một cách dễ hiểu, khoảng một phần tư cho là nó bình thường, một phần tư đánh giá cao, và một nửa đánh giáthấp nền văn học chúng ta. Tất nhiên đây là ý kiến của độc giả đại chúng.
Tôi nghĩ chúng ta cần hiểu nhau thật rõ ở mấy điểm căn bản sau đây, vì có vài sự khác biệt ý kiến đối với hai câu hỏi:
Một, có thực văn chương Việt Nam đã đi xuống, thậm chí đến mức kém cỏi, trong hai mươi năm qua? Hình như anh cho rằng không, còn tôi nghĩ là có.
Hai, giải thích sự xuống sức của một nhà văn như các trường hợp cá nhân, anh cho rằng đó là quy luật bình thường theo kiểu “mười năm”, trong khi tôi tin là có những nguyên nhân đặc thù của hoàn cảnh xã hội chính trị Việt Nam mà nơi khác không có.
Mặt khác, viết không hay nữa, hay bỏ viết đối với một cá nhân nhà văn, nhà thơ, như anh nói, cũng là điều bình thường. Điều đó có thể đúng cho một số hay cho nhiều trường hợp. Nhưng viết không hay nữa, thậm chí rất không hay, đối với cả một thế hệ, một lớp người, một thời đại thì không bình thường.
Thú thật là tôi vẫn còn hơi bị ám ảnh vì câu chuyện mà anh kể thời 1972 tại trường Bồi dưỡng các nhà văn trẻ ở Quảng Bá. Tâm trạng hào hứng của nhà thơ Hoàng Trung Thông có một cái gì vừa lạ lùng, khó hiểu, vừa dễ thương. Hay ông ta đóng kịch? Nhưng tôi muốn tin nó thành thật. Và đó là thực chất lúc ấy của nền văn học.
Nếu “sáng mai” ấy, cấp trên trả lời rằng: phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa là “hay nhất” chứ không phải là “duy nhất”, thì anh có nghĩ rằng tình hình văn học của Việt Nam từ hồi ấy đã thay đổi rất nhiều hay không?
Trần Nhuận Minh:
Dĩ nhiên là thay đổi rồi. Văn học sẽ được bổ sung bằng những tác phẩm mới đến từ những cách tiếp cận mới như chúng ta thấy ngày hôm nay. Đó là mong muốn rất thật lòng của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Nhưng do những yêu cầu cụ thể của thời cuộc và tôi đồng thuận với những yêu cầu ấy, điều Hoàng Trung Thông không làm được năm 1972, thì năm 1986 đã được cả nước thực hiện, với quy mô rất lớn, phạm vi rất rộng, nếu so với năm 1972. Có thể nói là toàn diện và sâu sắc vậy. Được chuẩn bị thêm 15 năm nữa (1972 – 1986), nền văn học đổi mới, giai đoạn 10 năm đầu, đã vượt lên rất nhanh với thành tựu mới hơn, cao hơn, là vì vậy. Bởi thế, đi sau không hề thiệt. Đổi mới về tư tưởng, về quan điểm thẩm mỹ, về cách tiếp cận và khai thác hiện thực, tức là đổi mới về chất liệu nghệ thuật, với sự hào hứng được “cởi trói”, được “bung ra”, được tự giải phóng, một nền văn học, có thể nói là mới, đã khai sinh đó thôi. Sau đó, do không còn gì để làm mới nữa, hoặc cái lớn, cái tài, thậm chí cả cái bản lĩnh của nhà văn, chưa có những xung lực mạnh hơn, cao hơn, mới hơn, tác phẩm của các nhà văn đi ngang, chứ không phải đi xuống, dù so với sự phát triển, thì đi ngang, “dẫm chân tại chỗ”, cũng có thể nghĩ là đi xuống, nhưng đi xuống và đi ngang là hoàn toàn khác nhau. Người đầu tiên dùng chữ “đi ngang”, để chỉ tình hình văn học này là nhà thơ Vũ Quần Phương. Còn “đến mức kém cỏi” như anh nói, thì tôi nghĩ là không phải đâu. Sự tiếp cận của anh với các thành tựu văn học trong nước, cũng có thể chưa đầy đủ, cũng như tôi tiếp cận với văn chương hải ngoại của các anh, chắc chắn còn thiếu thốn, cũng là lẽ thường. Tôi nói đi ngang mà anh cảm thấy đi xuống, chỉ vì nó không tạo được các đột biến nghệ thuật mới, tương ứng, nhất là những đột biến lớn, cả về nội dung, hình thức và có tính chất mở đường.
Trên chặng đường phát triển của văn chương, có thể có những giai đoạn thử thách sự kiên nhẫn của chúng ta. Và chúng ta cùng chờ đợi…
Tôi rất lưu ý một ý kiến mà theo tôi là sâu sắc của anh: “Không nên hy vọng vào thế hệ trẻ hơn, nếu thế hệ già hơn không đủ khả năng giải thích các thành công và thất bại của mình”. Tôi đồng ý với anh, nhưng cũng chỉ… đồng ý 49% thôi. Bởi như tôi đã nói: các bạn trẻ hiện nay, đã là một thế hệ hoàn toàn mới. Họ ít nợ nần với quá khứ. Và với họ, những thành công hay thất bại của quá khứ không ảnh hưởng đến những bước đi của họ vào tương lai. Và tôi tin vào những bước đi ấy, sẽ tạo dựng được những giá trị mà thế hệ chúng tôi đã tự đứng lại trước đường biên của nó.
158. Nguyễn Đức Tùng:
Nhưng anh có nghĩ rằng phương pháp hiện thực ấy đã chết rồi chăng. Sự việc đó đã xảy ra như thế nào?
Có vẻ nó vẫn còn sống khá vững vàng trong đầu óc và trên trang sách của các nhà lý luận phê bình có uy tín ở trong nước đấy chứ?
Ở đây có một cái gì trục trặc không sánh đôi giữa sáng tác và lý luận thì phải.
Trần Nhuận Minh:
Cái gì phù hợp với quy luật, thuận theo tự nhiên, thì sớm hay muộn, tự nó sẽ nảy sinh, phát triển.
Và ngược lại.
Tất cả đều tự nhiên nhi nhiên. Ngoài ý muốn của con người.
Người cuối cùng bảo vệ những quan điểm cũ là nhà lý luận Hà Xuân Trường, nhưng ông cũng đã mất từ khá lâu rồi và những luận điểm của ông, hiện nay cũng không ai nhắc đến nữa. Những tác phẩm ông khen hay chê, bây giờ cũng không mấy ai quan tâm.
Thời gian đã tự vượt qua.
Một chặng đường tư duy, đến đó cũng đã làm xong nhiệm vụ của mình.
Có người cứ cho rằng lý luận soi đường cho sáng tác. Tôi nghĩ cũng không hẳn như vậy. Ngay từ thời bao cấp, những nhà văn như Nguyễn Tuân và Nguyễn Công Hoan, khi nói chuyện với chúng tôi, thường chế giễu ý kiến này. Các nhà văn lớp trước luôn nêu những tấm gương sáng để chúng tôi hiểu bản lĩnh và tầm vóc trí tuệ của nhà văn là như thế nào. Nói chung lý luận thường đi sau sáng tác, lạc hậu so với sáng tác. Và người làm lý luận, nếu không tham gia sáng tác thì thường chỉ nói và viết chung chung, bởi chạm vào cái cụ thể sẽ thấy sai ngay.
Tôi nhớ nhà lý luận Lưu Quý Kỳ từng phát biểu trong một hội nghị ở Quảng Ninh mà tôi ngồi nghe, rằng, bài ký Tờ hoa của Nguyễn Tuân “cùng một giọng điệu với truyền đơn của Mỹ ngụy từ trên trời thả xuống”. Sau đó, trong một bài báo tôi có đọc, ông cũng viết như ông đã nói. Với Nguyễn Tuân, nhận xét quy chụp đó, nói cho cùng là vô can. Nếu ở tác giả khác, chưa ai biết sự việc tiếp theo sẽ như thế nào. Từ năm 1996, Tờ hoa có trong chùm tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhà văn Nguyễn Tuân thì tôi tin là rất nhiều người biết, còn ông Lưu Quý Kỳ là ai, chắc chả mấy ai biết.
Về tổng thể, các nhà lý luận phê bình thì nghiên cứu định ra các xu hướng nghệ thuật, còn các nhà sáng tác thì đi đến tận cùng cái điều mình muốn, chả cần quan tâm nó thuộc xu hướng nào, miễn là nó hay. Mỗi bên đều có việc của mình, vừa liên quan với nhau vừa không liên quan gì với nhau. Do đó, nếu có sự “trục trặc” giữa sáng tác với lý luận hay phê bình trong một số tác phẩm cụ thể thì là vấn đề muôn thuở của văn chương và điều đó, nói cho cùng, cũng có tác dụng tốt trong sự phát triển của các trào lưu văn học.
159. Nguyễn Đức Tùng:
Tôi xin tạm chuyển qua một vấn đề khác, rất “bếp núc” của nhà thơ. Đọc anh, thấy anh luôn nhắc đến “cái đói” như một ám ảnh. Có lẽ do bệnh nghề nghiệp, tôi cũng quan tâm đến vụ no và đói. Xin từ trên chín tầng mây của thơ “hạ cánh” an toàn xuống đất để nói về đời sống của nhà thơ. Vì thơ và nhà thơ là hai thứ khác nhau, chẳng hạn có người thơ hay mà tư cách kém cỏi, có người đẹp trai con nhà giàu hát hay mà thơ dở… vân vân. Ai cũng biết rằng các nhà thơ xưa nay không mấy ai sống được bằng tác phẩm, thậm chí đói nghèo.
Nhà thơ An Nam khổ như chó!
(Nguyễn Vỹ)
Tuy nhiên, một lần anh cho biết nhuận bút của anh cũng khá, ví như với tập thơ đầu tay, anh mua được cả nhà và đất. Còn Trần Đăng Khoa, rất nhiều bài được đăng báo, in sách, in cả một tập thơ đầu tay từ năm mười tuổi.
Trần Nhuận Minh:
Trước hết là với Khoa, có một chỉ đạo riêng, không thành văn: để Khoa sống hoàn toàn bình thường, trước thế nào, sau vẫn thế. Vì vậy, nhuận bút, nói chung là không trả bằng tiền, e rằng sớm có tiền trong tay, Khoa sẽ chóng hư hỏng.
Anh nhớ thời đó, đồng tiền bị khinh miệt, thậm chí nhà có tí của nổi của chìm, thì… chao ôi, lạy Chúa tôi…! Cái giá để làm nên giá trị của đời anh là nghèo đói, nếu ba đời là bần cố nông… thì không biết vận may sẽ còn đến đâu… Tôi biết chính xác như thế, ít nhất ở một trường hợp, một Bạn chơi từ thuở quàng khăn đỏ của tôi, người xã bên, nhà cố nông có bố làm sãi mõ… (dù điều đó không xấu gì, nhưng được tin cậy) đã đứng đầu một địa phương đến 25 năm liền, cho đến khi bị cách chức, vì cáu sườn đã chửi cấp trên trong một cuộc họp…
Hai anh em tôi, được thế, cũng may là còn được một cái rất cốt lõi, thành phần cơ bản: bần nông…
Nhà tôi toàn bộ nội ngoại, không ai có thành phần từ trung nông lớp dưới trở lên, không ai làm nghề buôn bán, không ai vào Nam hay ra nước ngoài, bất kể vì lý do gì… Thuần túy là làm ruộng, có pha nghề dạy học ở bên nội và nghề thuốc Nam ở bên ngoại. Nghĩa là vô cùng đơn giản, rõ ràng, dễ kiểm soát. Được thế nên mới được đến thế. Cũng là may lắm rồi…
Về thơ in tập, phải ghi nhận công lao rất lớn của Sở Giáo dục tỉnh Hải Hưng, đã ba lần in riêng cho Khoa, thời gian rất sớm và số lượng mỗi lần một vạn bản. Đó là tập Góc sân và khoảng trời, năm Khoa 10 tuổi (1968) và sau đó là hai tập: Thơ Trần Đăng Khoa tập I và Thơ Trần Đăng Khoa tập II, biên tập rất kỹ lưỡng, dầy dặn, bài bản, công phu, với những cố gắng rất tâm huyết và cảm động của hai nhà giáo là Phan Đăng Hùng và Lê Thường. Ba tập này, chủ yếu phát cho các thầy cô giáo và các em học sinh ở các trường, làm tài liệu tham khảo… không có nhuận bút.
Ba tập thơ Khoa in ở Nhà xuất bản Kim Đồng, một nhà xuất bản rất tận tình, chu đáo, có công hàng đầu với Khoa, Từ góc sân nhà em, Em kể chuyện này, Góc sân và khoảng trời…, cũng được trả bằng hiện vật, trong đó có lần là một cái đài Orionton dùng đến bốn cái pin đại, mà Khoa có lần đã viết báo, kể rằng, hàng tháng, mẹ tôi phải bán đến hai gánh bèo mới mua nổi bốn cái pin đại giá chui… để thỉnh thoảng cho các chàng trai trong họ mượn đeo đi hỏi vợ. Lần khác, Nhà xuất bản Kim Đồng trả nhuận bút tại nhà là một cái chăn len Mông Cổ. Cũng tốt chán, vì nếu không, làm sao có cái chăn len sang trọng như thế mà đắp, trong khi đêm đông giá buốt, mẹ tôi vẫn phải trải ổ rơm và đêm hè, vẫn phải lấy từng túm lá mía quất ngang dọc trong nhà, hay hun khói, để đuổi muỗi, vì nhà nằm còn chưa có đủ mùng màn… Làng tôi, có nhà bị quy là địa chủ trong Cải cách ruộng đất, trong nhà vẫn chỉ có một cái màn duy nhất trên giường riêng của ông chủ, bà chủ vẫn nằm không có màn… Ở làng tôi thời ấy, vợ chồng không nằm chung giường, sau khi đã có một đứa con.
Nhuận bút một bài thơ lúc đó, mua gạo ăn cũng được đến 5 ngày, nhưng biết làm sao được… Và cũng rất hay là bố mẹ tôi không bao giờ lấy cái đó làm điều. Bố mẹ tôi không bao giờ nghĩ đến cái gọi là nhuận bút của thơ Khoa… Và khách đến nhà, ở lại nhiều ngày trong nhà, có tem gạo hay không, nhiều ít thế nào, đều vui vẻ cả… vì được các bác các chú quan tâm đến cháu, thế là hài lòng lắm rồi…
Năm 1994, tôi về Hà Nội, nghỉ tại nhà khách Tổng Công đoàn 15 Trần Bình Trọng. Nhà văn Xuân Cang, vị chủ soái của Tao đàn văn học công nhân, đang làm Trưởng ban Tuyên giáo của Tổng Công đoàn Việt Nam, đã dành riêng cho tôi, người được coi là cây bút thơ số 1, viết về công nhân mỏ lúc đó, chế độ được nghỉ tại đây, như một cán bộ công đoàn. Phòng nghỉ có hai giường. Tình cờ thế nào, lại được xếp nghỉ chung với một bác sĩ. Hỏi tên làm quen, mới hay ông là Phạm Văn Đoàn, từng là Trưởng ty Y tế tỉnh Hải Hưng. Nghe tên tôi, ông nhận ra ngay và vui vẻ kể lại một kỷ niệm. Dịp ấy là kỳ giáp hạt năm 1974, trước đó tròn 20 năm. Trên đường đi thăm Côn Sơn, nghe cậu lái xe nói, Khoa dạo này có bác sĩ chăm sóc sức khoẻ, lại có cả vệ sĩ bảo vệ nữa, ông bảo làm gì có. Vậy thì vào xem sao. Thấy Khoa đang ngồi sửa bài thơ Bài hát gọi cây lúa. Khoa đưa cho ông đọc và nhờ ông góp ý để sửa thêm. Bài thơ đã làm ông cảm động. Ông nói, dù có tài đến mấy, nếu không có gốc gác nông dân sâu dày, không thật đói, thì không thể viết được. Sau đây là vài đoạn ở giữa bài:
Hãy trỗ nào, lúa ơi!
Ta chợp mắt đi, mai mày đã thấp thoi
Hãy trỗ đều để làm ta ngơ ngác
Trước một màu vui, thành chân trời bát ngát
Cây Xuân (2) đâu rồi, mày còn nhớ tao không?
Nào, hãy trổ lên trời như đuôi trâu chổng ngược
Cây Nam Lùn (3) đâu, đừng thẹn thò khép nép
Hãy trổ ta xem như tóc kết đuôi gà…
Lúa ơi, nào, lúa gần, lúa xa
Hãy uốn câu như vành trăng mảnh dẻ
Hãy thơm tho giữa đất trời tươi trẻ
Hãy rì rào ta nghe, khúc dân ca
muôn thuở của làng quê
muôn thuở của làng quê
Khúc dân ca của ta, ta cũng hát mày nghe...
Yên lòng nào, lúa ơi!
Ta sẽ khuyên gió đừng thổi trái mùa
cho bông mày lép
Ta sẽ bảo chim đừng đập cánh vào
bông mày mẩy đẹp
Ta sẽ xua con cua tám cẳng hai càng
Đừng cắp ngang cây…
Và ta đứng đây
Đánh chết con chuột đồng, chuột cống
Đánh chết kẻ nào muốn cướp đi sự sống!...
Hãy chín nào, lúa ơi!
Hãy trải vàng ươm đến tận chân trời
Những hạt tròn lông lốc...
Những hạt đầu mùa như ong làm nhộng
Ta thổi xôi lên cúng ông bà
Chết mấy mươi năm còn đói
Những hạt tròn căng
Ta gửi cho người đi đánh thù trận cuối
Ta nuôi nền công nghiệp lớn tương lai
Ta gieo trồng mùa bội thu ngày mai…
Những hạt dẻo thơm
Ta ăn cùng bạn bè lứa tuổi
Ta nuôi cá hạt chìm, nuôi chim hạt nổi
Lúa, lúa ơi!
…
Bài thơ sau đó ít ngày đã được đăng trên trang nhất báo Nhân dân.
Gặp bữa, bố mẹ tôi giữ ông ở lại ăn trưa cùng với gia đình. Nhà dọn ra chỉ có cháo với rau muống luộc. Ông bỏ cuộc đi Côn Sơn, đánh xe ngược về Hải Dương, gặp thẳng Chủ tịch tỉnh Nguyễn Hoài Bắc, vốn là bạn ông. Ông bảo: Cả tỉnh chỉ có một cháu Khoa làm thơ, mà để nó đói vàng cả mắt ra, anh không thấy xấu hổ à? Ông Bắc bảo làm gì có chuyện đó. Ông bảo tôi vừa ăn cháo ở nhà nó lên đây. Nhà nó ăn cháo từ lâu rồi…
Hôm sau, mẹ tôi thấy ông lại đến thăm và cho 13 kg gạo. Mẹ tôi cảm ơn, nhưng chỉ biết ông là một “bác khách” không biết tên, mà ông cũng không nói tên mình. Tôi có tiết lộ điều đó trong bài trả lời phỏng vấn của tạp chí Tài hoa trẻ, xuất bản ở Sài Gòn. Sau này Khoa viết (bài đã đăng báo và sau đó in trong Tuyển tập thơ Trần Đăng Khoa, Nhà xuất bản Văn học, 2007):
Hôm ấy tôi đi học nên không biết gì cả. Nếu gần đây, không đọc bài phỏng vấn của anh Minh, tôi cũng không biết là đã có việc ân nghĩa ấy xảy ra và người đến thăm rồi sau mang đến cho mẹ tôi 13 kg gạo quý hơn vàng lúc đó chính là bác sĩ Phạm Văn Đoàn. Anh tôi biết việc đó sau 20 năm, còn tôi biết khi đọc bài viết của anh tôi, sau gần 30 năm. Vì vậy, tôi lưu lại bài thơ này (bài thơ Bài hát gọi cây lúa) trong tập, như một kỷ niệm với lòng biết ơn muộn mằn đối với bác sĩ Phạm Văn Đoàn. Bây giờ không biết ông ở đâu... Cầu mong ông khoẻ mạnh và luôn gặp những điều tốt đẹp...
Ông Đoàn đã đọc bài báo và đã gửi thư cho Khoa.
160. Nguyễn Đức Tùng:
Anh và anh Khoa có nhiều chuyện riêng rất đẹp và cảm động. Những người trẻ ngày nay thật khó mà tin rằng đã có một thời như thế.
Trần Nhuận Minh:
Có gì đâu mà khó tin. Cả miền Bắc đều đói. Nhiều khi phải ăn cả ngô răng ngựa, phải ninh suốt một đêm, sáng sau mới nhai được. Mà mua được ngô răng ngựa cũng phải cầm sổ gạo xếp hàng từ chập tối, chỉ sợ sáng sau đến lượt mình thì hết ấy chứ, có dễ đâu. Bây giờ nghĩ lại mà khiếp.
Mùa xuân năm sau (1975), Khoa nhập ngũ khi đang học kỳ II lớp 10. Khoa nói rằng, vào bộ đội, trước hết để làm nghĩa vụ của tuổi trẻ đối với Tổ quốc, sau nữa, để được ăn vã cơm. Nghĩa là chỉ cần ăn cơm không thôi, ngoài cơm ra, không cần có gì nữa, nhưng được ăn no. Vì bộ đội thì ăn no đánh thắng. Như vậy, ngay cả với Khoa, cái đói cũng ám ảnh ghê gớm suốt cả tuổi thơ. Vậy mà khi viết Chân dung và đối thoại, phần bàn về sáng tác của nhà văn Nam Cao, mặc dù khẳng định Nam Cao là một thiên tài, Khoa vẫn nói rằng, nhân vật mà suốt đời chỉ quẩn quanh với cái đói và miếng ăn, thì không thể lớn được.
Cụ Nguyễn Du rất lớn. Trong Truyện Kiều, cụ có cho cô Kiều ăn một miếng nào đâu. Nỗi đau của cô Kiều không phải là nỗi đau của cái dạ dày, thậm chí cũng không phải nỗi đau ở thể xác, dù Uốn lưng thịt đổ, rập đầu máu sa… Nỗi đau của cô Kiều là nỗi đau ở cõi tinh thần, ở cõi linh hồn, nỗi đau muốn làm người bình thường mà cũng không bao giờ làm được…
Tôi cho là Khoa đúng và có phát hiện. Đã có mấy nhà phê bình viết rằng, Khoa được Đảng và Nhà nước chiều chuộng, nâng niu từ trong trứng, sướng quá rồi, nên hư thân, không biết thế nào là nỗi khổ của cái đói nên viết… bừa. Có người đi xa hơn, quy kết cả về lập trường chính trị, cho là Khoa có chủ trương hạ bệ thần tượng và thành tựu văn học cách mạng. Khoa cho đó là sự xuyên tạc, nên khi tự bào chữa cho mình, đã phải nói rằng: Một học sinh lớp 3, vẽ hình tam giác trên quyển vở học toán, thì người lớn đứng sau, bỗng nhiên cốc vào đầu nó mà kêu lên: Cái thằng nhóc con này trong đầu chỉ toàn nghĩ đến cái bậy bạ. Và Khoa bảo: Ai là người bậy bạ đây? Đứa trẻ học lớp 3 hay ông người lớn? Nói đến thế, tôi cho là cũng đã hết nhẽ…
161. Nguyễn Đức Tùng:
Nhân anh kể về cái đói khổ ngày trước, tôi nghĩ đến một việc. Mùa hè gần đây, năm 2011, tôi về miền Trung lo chuyện lăng mộ cho song thân, trước khi đi thăm bạn bè ở Sài Gòn, Huế, Hải Phòng, Hà Nội. Tôi thấy ở làng quê cũ người dân vẫn còn rất đói khổ. Tôi gặp những người phụ nữ đi xúc cát trên sông, dầm mưa dãi nắng, một ngày chỉ làm được năm ngàn đồng, tính theo thời giá, chưa đủ để ăn một nửa tô phở ở Hà Nội hay Sài Gòn. Nhưng ngược lại nhiều người nói chung cũng sống sung túc hơn. Và tôi nhớ lại: thời tôi đi học ngày trước, giữa những năm sáu mươi, gia đình tôi không phải thuộc loại nghèo, nhưng tôi chỉ có ba bộ áo quần đi học, áo sơ mi trắng quần xanh đậm, là đồng phục thống nhất của học sinh miền Nam thời ấy. Trong lớp chỉ có vài đứa có xe đạp và đồng hồ. Vậy mà hiện nay trẻ con đi học đứa nào cũng có trên chục bộ áo quần, có xe đạp hoặc xe gắn máy, nhiều em có điện thoại cầm tay. Tôi nhớ trong quán cà phê Đông Hà có cô gái nhìn tôi nghi ngờ mà hỏi sao chú ở nước ngoài mà không thấy có iPhone hay iPad gì cả, đồng hồ thì phải lên dây cót, làm tôi lúng túng một hồi không biết trả lời ra sao. Xét về mặt vật chất, thừa hưởng thành quả của các cuộc cách mạng công nghệ, con người ngày nay nói chung có mức sống cao hơn ngày trước rất nhiều, nhưng tôi về quê nhìn khuôn mặt người trẻ tuổi nào cũng thấy lo lắng, khắc khổ, chộn rộn, bất an. Họ không hạnh phúc bằng tuổi thiếu niên của tôi ngày trước, mà tôi chắc chắn rằng đó không phải là do vọng tưởng hoài niệm của tôi, vì khi được hỏi trực tiếp, hầu hết đều có những câu trả lời tương tự, họ sống không vui, không hồn nhiên. Như một lớp người trẻ tuổi không có tương lai. Không có những giấc mộng lớn, dù là ảo mộng thiên đường.
Vì vậy, nghe câu chuyện của anh, tôi tin rằng sự đói khổ còn có nhiều ý nghĩa khác nữa. Và cần kể lại, như anh đã kể, để các bạn trẻ hiểu được một thời, thế hệ cha anh đã sống và vượt lên như thế nào…
Trần Nhuận Minh:
Anh nói đúng, tôi cũng nghĩ như vậy. Chưa bao giờ cái hố ngăn cách giầu nghèo lại sâu và xa như bây giờ. Xóa bỏ bình quân, bao cấp, bước vào đời sống thị trường, những điều đó là dĩ nhiên. Nhưng tôi tin vào sự phát triển của nền kinh tế, sẽ lấp dần cái độ sâu và xa, ngăn cách đó. Tôi có bài thơ Họp chi bộ, từ năm 1993, một dạo in phải chữa lại đầu đề là Họp phố, viết về một cuộc họp chi bộ mà tôi có tham dự. Chả ai bảo ai, nhưng các vị lãnh đạo, các chánh phó giám đốc, các công nhân, viên chức, thợ thủ công tự do… tự nhiên ngồi thành các nhóm khác nhau, rất rõ ràng. Đến khi cuộc họp diễn ra, sự phân biệt đẳng cấp, cũng có nghĩa là giầu nghèo, càng rõ.
Người nghe mà chẳng nói
Người nói chẳng cần nghe
Dẫu hoàn toàn nhất trí
Vẫn cứ thành hai phe
Ông chủ và kẻ mướn
Có bao giờ ngang nhau
Lẽ đời đơn giản thế
Mà nhầm đến bạc đầu
Lý do nào để giận
Nỗi niềm gì để thương
Một mai nước có giặc
Biết ai ra chiến trường…
Những sự thật hiển nhiên, ai cũng biết ấy, thậm chí còn khắc nghiệt hơn thế rất nhiều, bao năm trước đây, ta cứ lo sợ mà che giấu đi… Bây giờ nói được ra thế là đã mừng lắm rồi, bởi ta biết thì nhất định sẽ có cách khắc phục...
Theo tôi, trên cõi đời này, không có cái gì cao hơn sự thật. Né tránh nó là sai lầm, phủ nhận nó là một tội lỗi, còn trừng trị những ai đã nói lên sự thật thì đó là một tội ác.
Xin nhắc lại: nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật là khẩu hiệu của Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời cũng là phương châm hành xử của những người cộng sản chân chính ở Việt Nam hiện nay.
162. Nguyễn Đức Tùng:
Giáo sư Trần Đình Sử, một nhà phê bình tên tuổi trong nước, mới đây (12/2010) có viết:
“Chỉ cần nhớ lại các cuộc đốt sách trong Cải cách ruộng đất, đặc biệt là đốt kho tàng thư nhà Nguyễn Du, đốt sách “đồi trụy” và “phản động” sau mỗi thời kỳ đất nước được giải phóng, những cuộc dỡ bỏ đền chùa, phá bỏ bia đá... đã chứng tỏ sự yếu kém đến vô cảm về văn hóa dân tộc của những người chủ mới của đất nước, những người chỉ thấy yêu cầu chính trị trước mắt mà ít quan tâm nhu cầu văn hóa lâu dài. Có nhiều giá trị văn hóa mà bọn xâm lược phương Bắc và bọn thực dân Pháp không thể phá hoại nổi thì đến lượt những người chủ cấp tiến của chúng ta phá tiếp, phá sạch”.
(Văn hóa và con người thời hội nhập - Suy nghĩ từ phương diện sử dụng văn hóa. Nguồn: Phongdiep.net,Tạp chí Văn hóa Nghệ An).
Nếu điều Trần Đình Sử nói là đúng, thì trách nhiệm lớn thuộc về những người trí thức, các nhà văn, các nghệ sĩ, những người có học hay mang tiếng là có học, những người sinh ra trong các gia đình có truyền thống văn học, ví dụ như gia đình anh. Vấn đề là ngày nay chúng ta nhận thức quá khứ như thế nào để thay đổi? Và bản thân anh, gia đình anh, quê hương anh, có gì chung hay riêng trong các vấn đề nói trên. Và điều đó cần được hiểu là như thế nào?
Tôi muốn dừng lại lâu hơn ở vấn đề này, tức là sự tự nhận thức và sự thay đổi về nhận thức của một cá nhân, hay một cộng đồng, dân tộc. Khi anh nhắc đến mấy chữ “chân thành, trong trẻo, cả tin”, tôi rất tin, ít nhất là trong trường hợp của anh. Đó có lẽ cũng là sự thật cho nhiều người khác, cùng thế hệ. Ngay trước giờ lâm chung, mặc dù hơi muộn, cụ Hãn của anh cũng nhận ra được:
Muốn thiện lại thành ra ác
sớm hơn rất nhiều người.
Tôi muốn biết rằng sự thay đổi nhận thức như thế có diễn ra một cách phổ biến trong thơ của các nhà thơ chính thống hiện nay, ví dụ thế hệ trước đây gọi là các nhà thơ chống Mỹ và hiện nay vẫn còn sáng tác và vẫn cất lên tiếng nói trên các diễn đàn chính thức, hay Trần Nhuận Minh là một trường hợp lẻ loi duy nhất?
Và anh có ví dụ cụ thể, về tác phẩm (hay các sự kiện), chứ không chỉ là tác giả, nào khác? Những kỷ niệm vui buồn của anh?
Trần Nhuận Minh:
Điều giáo sư - nhà văn Trần Đình Sử nói trên là đúng đấy. Ông là ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương ba nhiệm kỳ (2001 – 2015).
Chính tôi cũng đã nói điều này trong một tham luận được đọc tại hội thảo của Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, tổ chức tại thành phố Hội An, Quảng Nam, tháng 8 năm 2009, mà tôi đã nói ở trên, nhưng không được sáng rõ và rốt ráo như ông, chứng tỏ chúng ta đã nhìn thẳng vào những khiếm khuyết của hiện trạng, để vượt lên trong tương lai. Đó là những bước tiến rõ rệt về công tác tư tưởng mà tôi cảm nhận được một cách sâu sắc và rất lấy làm mừng.
Bản thân tôi cũng đã bốn lần chứng kiến việc ta phá đình chùa, trong đó có cả di sản văn hoá của dân tộc.
Lần thứ nhất, năm 1947 - 1949, vì tiêu thổ kháng chiến. Năm này, cái đình Rồng của làng tôi 7 gian, rất nổi tiếng ở xứ Đông xưa, xây từ đời Lê, bị phá dỡ.
Làng tôi tục gọi là làng Rồng, có đình Rồng, đường Rồng, cạnh đó có cầu Rồng, chợ Rồng… và cụ Trần Cảnh nhà tôi, dân gian gọi là cụ Thượng Rồng - quan Thượng thư ở làng Rồng. Sở dĩ có tên thế, vì sơ khai, từ thế kỷ thứ XV, cụ thượng tổ họ tôi, theo gia phả, thuộc dòng Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, chuyển từ Tức Mặc – tức làng Rồng ở Nam Định về Điền Trì. Theo Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, đình Rồng và cạnh đó, với quy mô nhỏ hơn là đền Rồng và nghè Rồng (cũng bị phá) thờ Cao Sơn Đại vương. Tục truyền rằng, thời xa xưa, ông (hoặc hồn ông đã hiện lên) đi qua đây, chữa bệnh đậu mùa, cứu dân bản xã. Chính tôi đã sưu tầm và nộp văn bản tư liệu đó cho các cấp có thẩm quyền để đình Rồng được phép xây dựng lại trên góc sân đình cũ. Theo truyền thuyết, ở đây còn có một vế xướng câu đối, nhiều người thuộc, nhưng chưa ai đối được: Đình làng Rồng có cây gỗ rắn, đục ba năm chưa cắn miệng xà, long lại hoàn long. Hiện nền sân đình mới, chỉ còn một tấm bia đá lớn, vuông, nguyên khối, kết cấu như biaChí Linh bát cổ ở Văn chỉ Linh Khê, nhưng thấp nhỏ hơn. Theo nhà Hải Dương học Tăng Bá Hoành, thì văn bia do Tiến sĩ thời Lê, Hầu tước, Triều liệt đại phu Trần Thọ (1639 – 1700) soạn. Khoảng cuối năm 2009 đầu 2010, do một nhà hảo tâm tài trợ, cộng với đóng góp của nhân dân địa phương, đình Rồng mới (thực ra là cái nhà cấp 4) được trùng tu, như hiện nay, bên cạnh tấm bia thời Lê này, quy mô kích cỡ thì rất nhỏ so với trước, chỉ ngang với một trong hai cái giải vũ ở hai bên của ngôi đình cũ.
Lần thứ hai, năm 1956 – 1957, trong Cải cách ruộng đất. Năm này, bái đường dòng họ tôi, 5 gian, xây từ đời Lê, có đôi câu đối Lê triều lũy thế trâm bào, anh thanh phất dẫn / Tức Mặc ức niên mệnh mạch, thanh phúc trường lưu(PGS – TS Nguyễn Đăng Na dịch: Trâm bào mấy kỷ triều Lê, tiếng thơm chẳng dứt / Mạch sống muôn năm Tức Mặc, phúc đẹp trường tồn – Niên phả lục, Nxb Văn học, 2003), sàn lát bằng gỗ lim, bị san bằng. Khi bái đường được xây dựng lại, nhỏ hẹp hơn nhưng chắc chắn hơn, năm 2006, dòng họ tìm lại được đôi câu đối cổ, lưu lạc vừa tròn 50 năm: Tổ tông công đức trường lưu, Đế Bá tài bồi tiên Tức Mặc / Tử tôn thừa dực kỳ hậu, Công Hầu dật dự khởi Điền Trì. Dòng họ xưa từng làm Đế Bá ở Tức Mặc, nay ở Điền Trì có 1 tước Công, 4 tước Hầu và 3 tước Bá, mà tôi đã nói ở trên. Nhà tôi, đất liền thửa với từ đường. Hơn 30 năm chiến tranh, Nhật chiếm, Pháp càn, bái đường và hậu cung không hề mẻ một viên ngói, hơn 30 đạo sắc của các vị Đế Bá nhà Lê phong tước Công, tước Hầu, tước Bá cho các vị tổ, vẫn còn nguyên vẹn, để năm 2005, từ đường dòng họ được công nhận là Di tích lịch sử và văn hóa cấp tỉnh.
Lần thứ ba, năm 1968, (tôi sẽ nói sau), quét sạch tàn dư của chủ nghĩa đế quốc - phong kiến.
Lần thứ tư, năm 1973, thì tôi không nhớ vì cái gì. Tại chỗ tôi ở, phường Hạ Long, thị xã Hồng Gai, xảy ra một sự cố mà không ai quên: ông Trần Văn Trữ, chủ tịch ủy ban nhân dân phường, một người rất tốt, chỉ huy phá đền, theo chủ trương của cấp trên. Nhiều người ngại, ông gương mẫu làm trước, để như ông nói, ông chịu trách nhiệm cho những người làm theo lệnh ông. Khi ông đạp xe về phường, một chiếc ô tô, tránh một ô tô khác, đã bất ngờ cán nát ông và chiếc xe đạp của ông, khiến ông chết tại chỗ, khi ông vừa về đến đấy, rất đau lòng, ngay trước cửa phòng làm việc, cách cái cánh cửa phòng chủ tịch phường của ông có vài sải tay. Từ nhà tôi ở dốc Bồ Hòn lúc đó, xuống phòng làm việc của ông, chỉ khoảng 100 mét.
Tất nhiên, hai điều này không có liên quan gì với nhau, nhưng sự trùng lặp đó gây ra một ấn tượng rất ghê gớm.
Riêng nhà quê tôi ở Điền Trì, tôi đã chứng kiến cảnh ông Xuân, đội trưởng đội Cải cách ruộng đất, đưa đội cờ đỏ đến tịch thu và đốt túi sách của mẹ tôi. (Không biết bây giờ ông Xuân ở đâu? Có vui khoẻ không? Nếu còn sống bây giờ ông mới khoảng 85 tuổi là cùng). Mẹ tôi có một cái tay nải may bằng vải diềm bâu, nhuộm vỏ só, đựng mấy quyển sách:Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Thạch Sanh, Phạm Tải Ngọc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa, Hoàng Trìu. Trước sau cũng chỉ có mấy quyển ấy. Mẹ tôi treo cái tay nải sách lên cái đinh đóng vào cột tre giữa bức vách ở trong buồng. Chính tôi đã mang ra cho ông Xuân xem theo yêu cầu của ông. Ông lật mấy trang ngó qua rồi hỏi tôi những người này là thế nào? Có ai là cán bộ Việt Minh tham gia kháng chiến không? Thấy ông hỏi lạ quá, tôi còn chưa biết trả lời sao thì ông nói luôn: toàn một lũ phong kiến phản động (!). Ông giao cho đội cờ đỏ, đều là các cháu của mẹ tôi cả, đốt toàn bộ số sách đó của mẹ tôi, trên sân đất nhà tôi. Đốt phải xé ra từng trang cho dễ cháy. Khi xé đến quyển Kiều thì mẹ tôi bật khóc…
Chúng ta đã sống những ngày vô cùng tươi sáng về đời sống tinh thần mà lại rất tăm tối về đời sống văn hóa. Thì ra tinh thần và văn hóa là hai lĩnh vực rất gần nhau, không phải lúc nào cũng là một hoặc đi song hành với nhau. Cứ cái gì có từ thời “đế quốc phong kiến” là ta quyết “phá sạch tan tành” mà quên rằng, trong đó có những giá trị, mà nhờ nó, dân tộc ta mới trường tồn trước mọi dông bão khủng khiếp của thời đại, cho đến ngày hôm nay. Cũng đừng đổ lỗi cho khách quan, tại người này, kẻ khác làm cố vấn, tham mưu hay xúi giục. Chúng ta phải trần mình ra mà chịu trách nhiệm trước lịch sử, đó là thái độ đàng hoàng, công minh và chính trực, mà chúng ta vốn có từ trước. Cũng là truyền thống đạo lý của dân tộc ta vậy.
Nói ra những điều này, tôi tin là anh và các bạn đọc sẽ không nghĩ là tôi có lòng nọ dạ kia, khi tôi nói sự thật hiển nhiên, ai cũng biết này. Tôi không bao giờ là một “người khác”, kể từ năm 15 tuổi, khi tôi đặt bước chân đầu tiên lên con đường tôi đã chọn để đi suốt cuộc đời mình.
Chúng ta có những thành tựu vô cùng to lớn đã đưa đất nước đến ngày hôm nay. Nhưng những khuyết điểm sai lầm chúng ta phạm phải cũng không thể nói là nhỏ. Và chính những sai lầm này mới tác động vô cùng sâu sắc vào các số phận người. Vì thế mà nó sâu xa thăm thẳm trong lòng người, và bằng cách này hay cách khác, nó buộc phải bộc lộ ra, qua trang viết của các nhà văn. Xin đừng trách cứ họ, khi họ thực hiện thiên chức của mình, đồng thời, cũng thực hiện nhiệm vụ mà chính Đảng Cộng sản đã trao cho họ: làm người thư ký trung thực của thời đại mình.
Nếu chúng ta tỉnh táo và lương thiện, chúng ta sẽ rút ra được từ đó những bài học mà không một thành công nào sánh ngang được. Con người lớn lên vì những đau buồn và đất nước vượt lên nhờ những thất bại. Hãy để những sai lầm và thất bại dạy ta về sự khôn ngoan, đặc biệt là sự biết điều trước các giá trị của lịch sử. Nếu chúng ta không nhận ra điều đó, không dám công khai phê phán sai lầm này thì sai lầm khác sẽ lừng lững ập đến lớn hơn và chúng ta sẽ không lường được những hậu quả…
163. Nguyễn Đức Tùng:
Anh là nhà thơ có trách nhiệm công dân và quan tâm đến những giá trị văn hóa dân tộc, đến các di sản tinh thần và vật chất của tổ tiên chúng ta.
Đúng như anh nói: cần nhận ra những sai lầm thì sai lầm sẽ không lặp lại.
Về điều này, anh có tâm sự gì khác nữa?
Trần Nhuận Minh:
Xin nói ba điều khác mà tôi biết, dù nói ra những điều này là tôi rất phiền lòng. Tuy thế, nó vẫn có giá trị như một lời cảnh tỉnh, nếu chúng ta trung thực hơn, dám nhìn thẳng vào các vấn đề của hiện thực đã qua.
Một là khu lăng mộ các vua Trần ở An Sinh, Đông Triều, ta cũng phá đến hai lần mới xong, dù trước đó, các di tích này đều đã bị hoang phế. Trong số đó, có các nhà thơ lớn đồng thời là hoàng đế triều Trần, an táng trong các lăng ở đây, như Trần Anh Tông (1276 – 1320), tác giả Vân Tiêu am, Trần Minh Tông (1300 – 1357) tác giả Bạch Đằng giang…, đều là kiệt tác của nền thơ dân tộc. Chưa kể Trần Nghệ Tông (1321 – 1394) tác giả bài thơ Tống Bắc sứ Ngưu Lượng rất nổi tiếng, sứ thần Trung Hoa vô cùng cảm phục. Lần thứ nhất, ta dựng lên ở đó trường học sinh miền Nam. Tôi đã đến đây nhiều lần, dự các lớp tập huấn và sinh hoạt chuyên môn, khi thì cấp huyện, khi thì cấp tỉnh, chỉ chút nữa thì thành giáo viên dạy văn và sử cấp 2 luôn ở đây rồi. “Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. Để học trò từ xa đến phá. Sau khi trường rút đi, đấy là trại cải tạo lao động của tù nhân. Dùng sức tù mà phá nốt. Cả hai lần đều phá để lấy đất trồng mía, trồng sắn, trồng khoai lang. Tôi cũng đã ăn mía, ăn sắn, ăn khoai khi đến chơi với bạn ở đây. Thế là hết tàn dư của chế độ phong kiến. Hiện nay, ta phải bỏ ra nhiều chục tỉ đồng mà xây dựng lại.
Gần khu lăng mộ các vua Trần là khu đền Sinh (đền ở xã An Sinh, quê gốc dòng họ Trần ở Đông Triều, thờ các vua Trần và vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo), xây lại mới trên nền hoang hoá cũ. Trong quá trình xây dựng lại ấy, tôi cũng qua lại đó vài lần, cũng có lúc phải nhập cuộc để bảo vệ cái đúng, cái phải. Ở đây phải ghi nhận tâm huyết của một người cộng sản: ông Nguyễn Quang Nhạ, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Đông Triều, đã vượt qua rất nhiều cản trở và rất quyết tâm, góp công lớn, từ khi công trình được khởi công cho đến lúc Chủ tịch nước Trần Đức Lương về thăm, trồng cây trước đền, để hoàn tất công trình.
Hai là mộ cụ tổ tôi, Bá tước, Lễ bộ thượng thư – phó đô Ngự sử Trần Tiến (1709 – 1770), một trong 5 nhà văn, nhà viết ký kiệt xuất nhất của nền văn học trung đại một nghìn năm Việt Nam, được vinh danh trong sách giáo khoa mà tôi đã nói ở trên, cũng bị đào bới, năm 1968, với cớ là đào hào tránh bom cho tiểu đội phòng không của địa phương, khi đơn vị đã đặt một khẩu đại liên lên trên khu mộ. Hàng chục năm nay, tôi cứ tự hỏi: tại sao khẩu đại liên phòng không ấy lại không đặt ở chỗ nào khác, cách đấy dăm bảy chục mét hay một hai trăm mét, chẳng hạn. Bởi đây là cánh đồng không, xung quanh rất xa không có núi bao bọc, hoặc có thì ở cuối tầm mắt: Núi xa lúp xúp chân mây (thơ Trần Đăng Khoa). Vậy thì không có cái gọi là đón lõng, dựa vào đường bay tránh những ngọn núi, của máy bay Mỹ. Nhưng tôi không tự trả lời được. Ngẫu nhiên hay chẳng phải là sự ngẫu nhiên?
Họ đã đập vỡ quách, bật cả nắp quan tài, thấy cụ vẫn còn tươi nguyên, đầu đội mũ cánh chuồn, xung quanh rất nhiều sách chữ nho, nhiều tờ bị xé rách, ném ra xung quanh, bay lả tả. Con cháu dòng họ biết, kéo lên phản đối ầm ầm, nếu không kiềm chế, vì nhiệm vụ chính trị, thì đã xảy ra xô xát, thậm chí đánh nhau to. Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đăng Na, trường Đại học Sư phạm I Hà Nội, đã hai lần viết về sự kiện này, bài đã đăng báo, đăng tạp chí chuyên sâu Hán Nôm và in sách, tỏ ý tiếc, đã để những tờ giấy chữ nho bay lả tả, giấy còn tốt đến mức trẻ con còn dán diều được. Phó giáo sư ngờ rằng, rất có thể, đó là các tác phẩm đem chôn theo của nhà văn Trần Tiến. Bởi chính Trần Tiến đã ghi tên một số tác phẩm của ông trong Niên phả mà nay không thấy còn. Chính ông cũng trực tiếp ghi vào gia phả dặn con cháu điều này, ý kia, chớ có tiết lộ, sẽ nguy hiểm cho cả dòng họ.
Bố tôi có mang về nhà một mảnh quan tài vỡ (những chỗ vỡ đã được hàn vá lại bằng xi măng, không biết có đảm bảo không?) to hơn bàn tay, gỗ đỏ thẫm, trong có những đường vân màu hổ phách, rất thơm mà tôi không biết là gỗ gì. Vị trưởng họ tôi bảo: họ đã đập vỡ quách và đẽo vạt từng mảnh quan, để đem về treo trước cửa chuồng lợn, cho lợn không bị dịch tai xanh hay lở mồm long móng (?). Chỉ chậm vài phút nữa thì họ đưa xác cụ ra khỏi mộ. Người chỉ huy và trực tiếp làm việc đó là ông chủ tịch xã, mà tôi không tiện nêu tên. Sau đó ít lâu, ông đã bị bắt vì lý do gì, tôi không nhớ. Toàn tuyên án ông tù chung thân. Ông đã chết sau khi được tha tù. Nghĩ về ông, tôi vẫn thấy thương ông.
Năm ấy, 1968, Trần Đăng Khoa 10 tuổi, được xuất bản tập thơ riêng đầu tay Góc sân và khoảng trời; thơ Trần Đăng Khoa được Madeleine Riffaud giới thiệu trên hai trang báo Nhân đạo của đảng Cộng sản Pháp (xuất bản ở Paris):Thơ Trần Đăng Khoa, tiếng hát mạnh hơn bom đạn. Rồi sau đó, đoàn quay phim Pháp, do đạo diễn-nhà thơ cộng sản Gérard Guillaume về làng quay phim Thế giới nhỏ của Khoa, do G. Guillaume viết kịch bản, lời bình và dựng phim, Dominique Labourie đọc thơ Khoa bằng tiếng Pháp, Zofra Menuet và Claude Burel dựng hình, Marc Boussard tạo tiếng động… Trong lời bình, có một đoạn G. Guillaume viết nguyên văn như sau (Xuân Diệu dịch): “ Cả làng xã của cậu, quyết tâm “bảo vệ” cậu, không muốn cho chúng tôi làm phim về cậu. Chúng tôi đã phải tạo ra một cái cớ, là làm một bộ phim phóng sự về cuộc sống hằng ngày của thiếu niên xã Quốc Tuấn, ngôi làng nhỏ nằm ở đồng bằng sông Hồng, với sự “đồng lõa” của Trần Thị Duyên”. Cô Duyên, cán bộ phụ trách thiếu niên nhi đồng của Tỉnh Đoàn Thanh niên Lao động Hải Dương, người được Bí thư Tỉnh ủy Ngô Duy Đông rất quý trọng, cô thường về xã làm việc với lãnh đạo xã, có lần mang cả thư tay của ông Ngô Duy Đông, gửi bí thư xã về việc quan tâm đến cháu Khoa, ví như không được cho người vào nhà Khoa hỏi giấy tờ khi khách đến thăm,… vì thế rất được lãnh đạo xã nể trọng. Vì vậy mà phim mới được quay. Đoàn làm phim Pháp do Xuân Diệu dẫn về làng, ông trực tiếp giới thiệu thơ Khoa với bà con dân làng và các cháu thiếu nhi, đứng ngồi vây quanh ông. Đoạn phim này rất sinh động và rất quý hiếm, đó là những thước phim duy nhất quay trực tiếp về ông lúc sinh thời. Phim đã được chiếu trên màn hình các nước châu Âu, ngày 01/01/1969, như Xuân Diệu đã giới thiệu trên nhiều báo chí, đã trực tiếp nói trên đài Tiếng nói Việt Nam và sau đó, bài giới thiệu, với các tư liệu trên, đã in ở đầu tập thơ Trần Đăng Khoa, Góc sân và khoảng trời, do chính Xuân Diệu chọn thơ.
Không biết những việc đó có liên quan gì với nhau không, nhưng tất cả đều xảy ra trong năm 1968…
Ba là Văn chỉ Linh Khê, gần bến Bình Than mà tôi đã nói ở trên, có tượng thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Hưng Nhượng đại vương, anh hùng dân tộc Trần Quốc Tảng, con trai thứ ba Quốc công Tiết chế, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, và cụ tổ tôi, nhà nông học đầu tiên của Việt Nam, Công tước, Tham tụng thượng thư, Thái bảo Trần Cảnh. Ngôi đền bị phá dỡ, cả ba bức tượng đều bị đập vỡ, ném xuống ao, không biết từ bao giờ. May mà còn duy nhất một tấm bia đồ sộ, bốn mặt đá vuông, nguyên khối (nên không đập vỡ được) cao hơn 2 mét “Trạng nguyên cổ trạch”, đã bị “đổ xuống ao”, năm 1968; và do nằm sâu dưới đáy ao, lại quá nặng, nên mới còn nguyên vẹn đến bây giờ. Sau 23 năm, đến năm 1991, bia đá mới được vớt lên đặt ở khu văn chỉ hiện nay, cách nơi dựng bia cũ, không còn dấu vết gì, khoảng 100 mét. Trên bia khắc tám bài thơ chữ Hán, “Chí Linh bát cổ”, vịnh tám thắng cảnh nổi tiếng của huyện Chí Linh (Hải Dương) của tác giả có tên hiệu là Thanh Hiên, tặng các vị trưởng lão và quan chức của bản huyện. Tám bài thơ làm năm 1795, khắc năm 1798, dựng bia năm 1800. Có nhà nghiên cứu nêu giả thuyết rằng: có thể đây là thơ của Nguyễn Du (hiệu là Thanh Hiên) chăng? Ông từng ở quê vợ Thái Bình nhiều năm, có thể qua lại vùng này. Năm 1802, ông làm tri huyện huyện Phù Dung, nay là Khoái Châu (Hưng Yên), cách khu di tích vài chục km theo đường chim bay. Thơ chữ Hán của Nguyễn Du đã xuất bản, không có tám bài thơ này. Xin ghi lại để các vị cao minh xem xét thêm.
Theo ghi chép từ tháng 8 năm Bính Thân (1796) của Trần Trợ (tức Trần Quý hoặc Trần Quý Nha), con trai Trần Tiến, thì tháng 3 năm Canh Dần (1770), sau khi vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786) cho phép bản huyện thờ ba vị “Thượng đẳng phúc thần” là Mạc Đĩnh Chi, Trần Quốc Tảng và Trần Cảnh, chính Trần Tiến đã “xem khắp địa hình của bản huyện, lập từ chỉ”, ở đây, nơi thờ ba vị phúc thần và các bậc tiên hiền đỗ đạt “vì chùa Quất Lâm, Tông Xá là giảng đường cũ của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi người Lũng Động” (Niên phả lục, Nguyễn Đăng Na dịch, Nhà xuất bản Văn học, 2003, trang 269 – 270). Từ đó, có thể hiểu: Văn chỉ Linh Khê hiện nay là do Triều liệt đại phu, phó đô Ngự sử Trần Tiến, lập năm 1770, trên nền cũ của ngôi nhà mà Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi từng dạy học, bên cạnh chùa Quất Lâm. Trước đó, sau năm 1748, chưa rõ vào năm nào, ông đã bỏ tiền lương của mình, sửa sang lại di tích này .
Từ năm 1991, tượng của ba danh nhân trên cũng đã được tạc lại bằng gỗ để thờ. Năm 2009, tấm bia của di tích đã được xếp hạng là Di tích lịch sử và văn hoá cấp tỉnh để bảo tồn.
Giáo sư Trần Đình Sử nói đúng: những giá trị văn hoá mà hàng nghìn năm bọn xâm lược phương Bắc và phương Tây không phá được, thì ta phá được, thậm chí “phá sạch”. Việc “đốt kho tàng thư nhà Nguyễn Du” mà giáo sư nói lại là một ví dụ khác. Chính tôi cũng trực tiếp được nghe điều này do ông phụ trách nhà lưu niệm Nguyễn Du (lúc bấy giờ chưa gọi là Bảo tàng Nguyễn Du như bây giờ) báo cáo với Thứ trưởng Bộ Văn hoá - nhà thơ Huy Cận, khi tôi theo ông lần đầu tiên đến thăm nhà Nguyễn Du, ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, năm 1971.
164. Nguyễn Đức Tùng:
Những điều anh kể làm người nghe xúc động, dấu ấn của một thời kỳ mà nhà văn Lê Lựu gọi là Thời xa vắng.
Mặc dù chưa chắc đã xa vắng lắm. Hoặc có xa mà không vắng.
Có thể là từ những sai lầm đó mà nhà cầm quyền có được bài học xây dựng nền văn hóa “đậm đà bản sắc dân tộc”? Không điềm tĩnh và chân thành, không kể được như anh.
Anh có kể cho tôi nghe là anh đã đến quê hương Nguyễn Du.
Trần Nhuận Minh:
Năm ấy, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, nhận được giấy mời, đến dự đại hội văn nghệ tỉnh Hà Tĩnh ở nơi sơ tán. Trong cơ quan thường trực, ai cũng ngại đi, dĩ nhiên là đi xe đò (cơ quan Hội chưa có xe riêng), qua túi bom khu Bốn, đường xa dặm thẳm. Tôi xung phong nhận nhiệm vụ và lên đường ngay. Đi qua vùng bom Thanh Hoá - Nghệ An, quả là ghê người. Xếp hàng để mua một suất ăn tại cửa hàng ăn chiến tranh cũng không phải dễ và không nhanh thì cũng không mua được. Đêm trước tôi ngủ ngồi tại bến xe sơ tán Thanh Hoá trong rừng thông, mưa rét ghê gớm, để ba giờ sáng chen nhau xếp hàng mua vé xe khách vào Hà Tĩnh, tránh giờ máy bay Mỹ thường ném bom. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh ông Tạ Xuân Linh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, nghe tin tôi từ vùng mỏ, vượt qua bom đạn mà tới, đã rất cảm động ra tận đầu đường, nơi rẽ vào chỗ Hội Văn nghệ sơ tán mà đón tôi cùng với một vài cán bộ của tỉnh. Ông Tạ Xuân Linh ôm lấy tôi khi quần áo tôi còn lấm bê bết bùn đất.
Trong chiến tranh sinh tử, cấp trên cấp dưới hòa đồng và người đối với người quý và trọng nhau như thế đấy.
Tôi đi đợt này, có một mục đích riêng là phải đến thăm nhà Nguyễn Du bằng được và đấy chính là lý do chính để tôi nhận nhiệm vụ. Chính tôi đã thuyết phục nhà thơ - Thứ trưởng Huy Cận lập đoàn đi, trong sự chuẩn bị rất chu đáo về phòng không của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Ông phụ trách nhà lưu niệm Nguyễn Du cũng nói cho đoàn biết là trong Cải cách ruộng đất, toàn bộ kho tàng sách còn lưu lại của nhà cụ Nguyễn đã bị đốt hết và hai căn nhà cấp bốn của dòng họ cụ cũng bị tịch thu làm nhà trẻ và nhà mẫu giáo. Năm 1965, nhân cả thế giới kỷ niệm 200 năm sinh thi hào Nguyễn Du, theo quyết định của Hội đồng Hoà bình thế giới, Thủ tướng Phạm Văn Đồng phải về đây, mới đòi lại hai căn nhà này trao trả cho con cháu cụ. Còn ngôi nhà vừa dựng để làm nhà lưu niệm thi hào thì Ty Văn hoá mua từ một ngôi đình có cấu trúc giống như nhà Nguyễn Du cũ, mà đưa về dựng trên nền cũ của quan tể tướng Nguyễn Nghiễm.
165. Nguyễn Đức Tùng:
Thời nhỏ, khoảng năm 1965-1966, tôi đã từng đọc tạp chí Văn, hai số liền nhau tưởng niệm 200 năm sinh Nguyễn Du, cùng một số tạp chí khác, với nhiều bài hay của các nhà văn như Nguyễn Mạnh Côn, Dương Nghiễm Mậu, Vũ Bằng, Mai Thảo, Bình Nguyên Lộc, Đặng Tiến. Trong ấy có một bài nhắc đến các hoạt động tưởng niệm Nguyễn Du ở Hà Nội cùng thời gian, một bài nói về các nhà thơ tiền chiến ở miền Bắc và một loạt bài lục bát cũ và mới.
Tôi cũng mê Duyên Anh khi ông nhắc đến Huy Cận trên Tuổi ngọc, một tờ báo dành cho tuổi thiếu nhi. Nhờ Duyên Anh mà tôi thuộc câu thơ sau đây, đẹp đến lảo đảo:
Một hôm trận gió tình yêu lại
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư
Khi ở gần Huy Cận, anh có những kỷ niệm gì?
Trần Nhuận Minh:
Tôi gặp Huy Cận nhiều lần tại nhà ông, khi đến thăm Xuân Diệu. Vì Xuân Diệu ở nửa tầng dưới trong ngôi biệt thự ông được cấp, theo tiêu chuẩn dành cho thứ trưởng, ở 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội. Xuân Diệu làm việc và ngủ ở phòng giữa, khá rộng. Có một phòng nhỏ ở trong cùng là nơi ở của Cù Huy Hà Vũ, con Huy Cận, mà ông nhận làm con nuôi. Tôi thấy Huy Cận rất kính trọng Xuân Diệu. Xuân Diệu từng là anh ruột vợ trước của ông. Tập thơ đầu tay, Lửa thiêng,Nhà xuất bản Đời nay ấn hành năm 1940, cũng là tập thơ hay nhất trong đời ông. Sau lời Tựa của Xuân Diệu, ông dành hẳn một trang riêng, trang 15, in ở giữa trang chỉ có bốn chữ hoa nghiêng rất trang trọng, thành kính: DÂNG ANH XUÂN DIỆU.
Lần ấy, vợ tôi cũng đi cùng. Huy Cận lên gác mang xuống chùm nhãn rất to rồi ngồi ăn cùng vợ chồng tôi, dáng ăn rất thật thà chất phác. Còn Xuân Diệu thì vẫn ngồi làm việc. Ông bảo: Anh viết nốt cho xong cái bài đã hẹn giờ với người ta. Nhân có quyển Lửa thiêng, bản in lần đầu, bị chuột cắn, ông mang xuống lúc đầu để cho Xuân Diệu xem, thấy tôi cầm đầy sự ngưỡng mộ và xót xa, ông bảo: Nếu chú thích thì tôi cho chú, hơi xấu một tí, đừng trách nhé, nhưng là của hiếm đấy. Tôi muốn ông ký cho một chữ, ông bảo: Sách đã long gáy, lại có mấy trang nham nhở thế này, ký không tiện.
Ông có qua nhà tôi ở Hồng Gai một lần, viết tặng tôi một bài thơ, sau đó đã đăng báo in sách, mà tôi có dẫn ra ở phần trên. Còn những lần ông và các nhà thơ khác về nhà tôi ở Nam Sách, tôi chưa lần nào có mặt ở nhà, không gặp được bất cứ ai. Chỉ duy nhất có một lần may mắn gặp nhà thơ Định Hải, biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng về thăm Khoa. Lần ấy, nhà văn Lý Biên Cương, bạn thân của tôi về cùng, thành ra bốn anh em gặp nhau rất vui.
Khoa ứng khẩu đọc tặng Lý Biên Cương bốn câu thơ:
Anh đi xe lết cao cao
Dựng xe ngoài cửa, anh vào nhà em
Mắt anh đeo cặp kính đen
Xe anh cũng chẳng có đèn có chuông…
Lý Biên Cương người cao gầy, đeo kính râm chống nắng, đi cái xe đạp thể thao Liên Xô đã uốn lại ghi đông. Vì lai nhau trên cái xe này, mà hai chúng tôi rủ nhau cùng về thăm quê, vô cùng vất vả. Dạo ấy, từ Bãi Cháy đến Sao Đỏ - Phả Lại, quê hương Lý Biên Cương, bộ đội Trung Quốc giúp ta làm đường và đào những cái hầm rất sâu và trong lòng núi, chả biết để làm gì. Nếu đi xe Phượng hoàng Trung Quốc, thì được mời vào lán cạnh đó, uống nước, rồi mỗi người được tặng một gói mì chính cánh. Lúc đó, gói mì chính cánh có giá trị to lắm. Có cơ quan hàng chục người chỉ được phân một gói, cán bộ nhân viên chia nhau, xúc từng cái thìa cà phê nhỏ, rồi gói vào mảnh giấy báo như thuốc cam dành cho trẻ con. Còn đi xe đạp Liên Xô như chúng tôi, bộ đội Trung Quốc bắt phải đi lối khác, có chỗ vòng vèo đến mấy kilômet. Quê tôi dạo ấy, gọi xe đạp là xe "lết", trước đó, lại gọi là xe "cun cút", tôi không hiểu vì sao. Sau này khi đã trở thành nhà văn nổi tiếng, Lý Biên Cương vẫn làm thơ, đã xuất bản hai tập thơ, đều là thơ tình.
Có tờ báo đã nhầm lẫn khi viết rằng, bốn câu thơ trên, Khoa tặng nhà thơ Phạm Hổ. Phạm Hổ rất tận tình với Khoa và yêu mến Khoa, cũng về nhà tôi nhiều lần, Khoa gọi bằng chú xưng cháu. Bài thơ Lời một bạn gái mười hai tuổi,năm 1972, được nhà thơ Tố Hữu rất khen, Khoa viết trực tiếp theo yêu cầu của nhà thơ Phạm Hổ.
Nhà văn Lý Biên Cương đã mất ở bệnh viện Hà Nội tháng 3/2010. Bình tro của ông đưa về mai táng ở quê ông, huyện Chí Linh, Hải Dương. Tôi có bài thơ Tiễn bác Lý Biên Cương, đã đăng báo Văn nghệ Công an:
Tôi nhìn hiên trắng bụi mưa
Cuộc đời như bóng nắng vừa bay qua
Bác về với cõi trời xa
Với trăng muôn dặm, với hoa ngàn trùng
Văn chương một gánh Vô Cùng
Đổ vào đâu cũng không xong nợ đời
Tiễn đưa một chén dưới trời
Một dòng nước trắng, một đồi cây xanh…
Trở lại chuyến công tác ở Hà Tĩnh.
Ban tổ chức bố trí cho hai thầy trò tôi ở cùng một phòng, trong một gian nhà cấp bốn nơi sơ tán. Huy Cận mặc xuềnh xoàng, ăn uống đơn giản qua quýt, suốt đêm bậm bạch làm thơ trong màn, với cái đèn pin lập loè trong tay. Vì nơi ở sơ tán dùng đèn dầu hỏa, lại sợ ánh sáng lọt ra ngoài dễ làm máy bay địch chú ý. Ông bụng to, nằm sấp, thở ì ạch. Cứ khoảng bốn giờ sáng là ông gọi tôi dậy, có khi thân mật kéo tai tôi: Dậy đi thôi, có thơ mới đây… Ông bảo, rồi đọc luôn cho nghe bài thơ ông vừa mới làm xong. Đó là các bài Ngã ba Đồng Lộc và bài Đánh ông viết tặng các cô đánh máy chữ, có câu thơ là lạ: Tiếng đánh đời em là tiếng hay… Ông vừa ở Vĩnh Linh về Hà Tĩnh, thoát một trận bom ở một cái cầu nào đó, và chùm thơ, ông phác thảo ở Vĩnh Linh cũng được ông chữa lại khi ở cùng phòng với tôi, là các bài Chào Vĩnh Linh, đất thánh, Con đường đỏ Vĩnh Linh, Nơi cuộc sống đang làm nên sữa ngọt… Tôi nhớ đến tận bây giờ… Ông rất tận tình dặn tôi theo dõi, giúp đỡ và bảo quản giữ gìn các tư liệu của Khoa, về Khoa, là trong dịp này… Buổi sáng, ông rửa mặt rất nhanh, bằng cách lấy gáo dừa múc nước từ ang nước trước sân, tay trái đổ nước vào tay phải, rồi dùng tay phải vốc nước lên mặt, rửa một tay như mèo… Tôi không thấy ông dùng khăn mặt khi nào, ít nhất là trong năm ngày ông ở chung với tôi. Nước từ mặt, cứ thế chảy tự do xuống ngực, ướt đẫm cả cái ngực áo cổ tròn, màu cháo lòng, rất rộng, dài gần đến đầu gối…
Trong dịp đi theo Huy Cận học nghề, tôi có làm được một bài thơ Cây đại thụ trong vườn cụ Nguyễn Du, viết tại làng Tiên Điền năm 1971, tôi đọc xin ý kiến thầy, ông rất khen, nhưng góp ý là phải thêm một đoạn về xây dựng đất nước ngay trong bom đạn, thì bài thơ mới trọn vẹn. Thế là tôi viết thêm đoạn thứ tư. Nhưng mãi đến tháng 9 năm 1972, về học khóa 5 trường viết văn Quảng Bá, tôi mới đưa tận tay cho nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, nhân nhà thơ đến trường dự khai giảng. Tháng 4 năm 1973, bài thơ mới được in ở Văn nghệ Quân đội số 4, ký bút danh là Trần Bình Minh. Anh đọc chơi nhé. Bài này cũng nằm trong số thơ tôi đã loại bỏ, ngay cả Gửi lại dọc đường, tôi cũng không đưa vào. Tuy thế, vẫn có cái gì làm tôi không quên được.
CÂY ĐẠI THỤ TRONG VƯỜN CỤ NGUYỄN DU
Giặc Mỹ ném bom khu vườn cụ Nguyễn Du
Cây đại thụ giơ cành bom phạt lên trời
Như một câu Kiều bi tráng…
Và vầng trăng. Vẫn vầng trăng muôn thuở của chàng Kim
Soi long lanh trên lá non cây đại thụ
Như một câu Kiều tươi mới…
Tiếng sấm vỡ ra thành mùa hè
Thánh thót giọt mưa trên tán xanh cây đại thụ
Như một câu Kiều âm vang…
Tiếng ai hát trên giàn giáo những ngôi nhà đang xây
Gió đưa về ngân nga trên vòm xanh cây đại thụ
Như một câu Kiều sinh sôi…
Và em. Em cuốc đất trồng hoa chăm sóc khu vườn
Đứng với anh bên gốc cây đại thụ
Như một câu Kiều dịu dàng…
Tiên Điền, 1971
Xin nói thêm: việc Mỹ ném bom vào khu vườn cụ Nguyễn Du là có thật. Một em bé đã chết và hai em khác đã bị thương, ngay ở sân trước nhà cụ Nguyễn, chỗ gần sông Lam. Còn giàn giáo những ngôi nhà đang xây là tôi bịa ra, theo lời dạy của bậc thày tôi, nhà thơ Huy Cận mà tôi vừa nói ở trên, để thể hiện tinh thần lạc quan cách mạng: địch phá ta xây… Còn đây là dụng công của tôi: mô tả cái cây từ khi bị bom phạt, rồi từng bước, có lá non, rồi đến tán xanh,rồi đến vòm xanh… là thể hiện sức sống không chỉ của cái cây, mà là sức mạnh của cả dân tộc và bước phát trỉển tất yếu của đất nước… Bài thơ này cũng tiêu biểu cho thơ thời bao cấp của tôi: cái ý có trước, là cái mình muốn có, cứ dựng nó lên thành khung, rồi lần lượt ném các chữ và cảm xúc vào… cho thành bài. Ba chữ cây đại thụ là viết theo cách nói quen, chứ tôi cũng biết thụ tức là cây rồi. Trong thơ Việt Nam, có một số trường hợp vẫn dùng ghép như thế, như hai câu thơ sau của Hoàng Lộc:
Hôm qua còn theo anh
Đi ra đường quốc lộ…
166. Nguyễn Đức Tùng:
Xin nhắc lại, một câu hỏi anh chưa trả lời: trách nhiệm của giới trí thức và các nhà văn hoá trong các sự kiện trên?
Trần Nhuận Minh:
Để xảy ra các sự kiện trên, có phần trách nhiệm lớn của giới trí thức và các nhà văn hoá. Đó cũng là nỗi đau do ấu trĩ của một thời, nhưng phải luôn nhớ nỗi đau đó, thì nỗi đau đó mới hy vọng không lặp lại.
Tôi sang thăm Trung Quốc, năm 1999, đại diện Hội Quốc Liên (Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật toàn quốc) Trung Hoa, trong phát biểu chính thức, cứ nói oang oang “Mao Trạch Đông ba công bảy tội”. Tôi đã biết đó là lời đánh giá Mao Trạch Đông của Đặng Tiểu Bình. Tôi hỏi tại sao lại nói “đối ngoại” thế, thì vị đại diện nói rằng: chúng tôi không có chủ trương giấu giếm sai lầm của mình. Các đồng chí hãy nói cho nhân dân Việt Nam biết, và nếu đồng chí có tài, hãy nói cho toàn thế giới biết. Không phải vì thế mà chúng tôi không kính trọng và biết ơn ông Mao Trạch Đông, nhưng chúng tôi muốn mọi người đều biết để những sai lầm đó không tái diễn ở Trung Quốc. Và chỉ có thế, Trung Quốc mới không bị diệt vong, chỉ có thế, Trung Quốc mới vượt lên ngang tầm với thời đại mới.
Tôi nhớ như in từng tiếng một, cho đến tận bây giờ.
Tất cả những điều đó đều thấm vào thơ tôi, rất xót xa, nhưng vẫn nhẹ nhàng, thoáng đãng, bởi tôi tin vào sự tiếp theo sẽ tốt đẹp hơn lên. Có một bài thơ, tôi viết về điều này trong tập thơ Nhà thơ và hoa cỏ:
ĐỒI HOANG
Nơi Vua xưa ngự lãm
Phá đi xây chuồng bò
Ngày khởi công rực rỡ
Lừng vang tiếng reo hò
Rồi bò gầy, bò chết
Chẳng ai hiểu vì sao
Ông chủ bò mê sảng
Hét lên trong chiêm bao
Người ta lùa bò đi
Dãy chuồng thành hoang phế
Tôi đứng lặng một mình
Tự nhiên rơi giọt lệ...
Thu 1987
167. Nguyễn Đức Tùng:
Trần Nhuận Minh đã viết rất sâu, rất hay về nhận thức, tức là một thứ thơ lý tính, gần như triết lý. Tôi chú ý rằng về mặt này anh cũng có phần nào giống Chế Lan Viên, tuy nhiên nhờ giọng điệu tâm tình và phong cách trong nhiều bài nghiêng hẳn về tự sự, thơ Trần Nhuận Minh là một loại thơ khác hẳn, tránh được con đường trừu tượng vốn là cái bẫy của thơ, kể cả, và đặc biệt là, thơ Chế Lan Viên. Anh nghĩ sao về điều này?
Trần Nhuận Minh:
Tôi rất trọng chất trí tuệ, điều ấy thì anh nói đúng. Nhưng “giống Chế Lan Viên” như anh nói, thì không phải tôi mà là nhà thơ Thi Hoàng, bạn tôi. Trong thơ Việt Nam thế hệ chúng tôi, chỉ có Thi Hoàng là người duy nhất “giống Chế Lan Viên”, mà không bị Chế Lan Viên che lấp, mặc dù Chế Lan Viên là một trái núi rất lớn, vì Thi Hoàng là một nhà thơ có thực tài. Có lẽ anh ít đọc nhà thơ này chăng? Nếu đọc nhiều, anh sẽ nhận ra ngay. Cách Thi Hoàng lập tứ, diễn ý, cho đến hơi thơ đều rất gần với thầy Chế, nhưng vẫn là Thi Hoàng.
Chế Lan Viên là một thiên tài đặc biệt, cá tính sáng tạo rất cao, có thể nói là siêu đẳng, từ trường rất mạnh, nên ai chạm vào Chế là biết ngay. Theo tôi, thế hệ thơ trước tôi, chỉ có một thiên tài là Chế Lan Viên. Trong Di cảo, bài Xe tang qua nhà, xe tang Xuân Diệu qua nhà Xuân Diệu, 24 – Cột Cờ, đường Điện Biên Phủ, Hà Nội, Chế Lan Viên viết:Để chôn một thiên tài, thế là sâu hay nông?... Nhưng tôi nghĩ, Xuân Diệu không phải là một thiên tài. Được biết Chế Lan Viên cùng Huy Cận… là hai trong số những người xin cho Xuân Diệu được chôn ở Mai Dịch, nơi an táng các vị lãnh tụ và các cán bộ cao cấp cỡ từ ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc từ bộ trưởng trở lên, với tư cách là một nhà thơ lớn, đại biểu Quốc hội, nhưng không được, nên ông có câu thơ chua xót thế. Bây giờ, phần xương của Xuân Diệu sau hung táng, nghe nói đã được đưa vào Mai Dịch rồi.
Trần Đăng Khoa có bài viết rằng: Chế Lan Viên là một thiên tài dang dở, cho đến sau khi đã chết rồi, Chế Lan Viên vẫn còn dang dở, nhưng là cái dang dở của một thiên tài. Chế Lan Viên xuất hiện trong phong trào Thơ Mới, Hoài Thanh nhận xét trong Thi nhân Việt Nam: thơ Chế Lan Viên như “một cái tháp Chàm, chắc chắn, lẻ loi và bí mật”, và “Con người này quả là người của trời đất, của bốn phương, không thể lấy kích tấc thường mà đo được”. Trong số các nhà thơ tên tuổi chói sáng, như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận…, Hoài Thanh chỉ nói có một người: “một nhà thơ sau này sẽ đi xa: Chế Lan Viên”. Trần Đăng Khoa đánh giá Hoài Thanh là “nhà phê bình thiên tài của phong trào Thơ Mới”, là căn cứ từ những nhận xét sâu sắc lạ lùng và tiên tri hiếm hoi đó của ông. Tất nhiên là chỉ trong Thi nhân Việt Nam mà thôi.
Tôi vừa đọc một bài thơ của anh đề “ Tặng” Chế Lan Viên (có lẽ dùng chữ “Tưởng nhớ” thì phải lẽ hơn chăng?). Tôi nghĩ là anh có những chiêm nghiệm sâu sắc.
CHÙA (Tặng Chế Lan Viên)
Anh lật trái lá sen hồ
Thấy đề mấy chữ
Lên chùa
Vậy là anh lên chùa
Thăm Phật
Thấy đề mấy chữ
Lên chùa
Vậy là anh lên chùa
Thăm Phật
Chùa vắng ngắt
Hương lúa tràn mênh mông
Làng vào mùa gặt
Chú tiểu cũng ra đồng
Hương lúa tràn mênh mông
Làng vào mùa gặt
Chú tiểu cũng ra đồng
Ngoài sân
Dăm đóa hồng mới nở
Hỏi thăm
Sư cụ đã về quê lấy vợ
Dăm đóa hồng mới nở
Hỏi thăm
Sư cụ đã về quê lấy vợ
Anh ngẩn ngơ nhìn ra ngõ
Hàng tre gió thổi lao xao
Một con chim ở đâu
Bay về gáy
Hàng tre gió thổi lao xao
Một con chim ở đâu
Bay về gáy
Cúc cu cúc cu cúc cu cúc cu.
Tôi rất chú ý đến bài thơ này và cũng quan tâm đến cách dùng chữ của anh. Tôi ngạc nhiên là mặc dù lớn lên trong Nam, hình như anh cũng suy nghĩ nhiều về trường hợp Chế Lan Viên? Bởi thành tựu thi ca chính của ông được tạo dựng sau này, khi ông đến với cách mạng và kháng chiến ở ngoài Bắc.
168. Nguyễn Đức Tùng:
Cám ơn anh đã nhắc đến bài thơ. Vì anh “quan tâm đến cách dùng chữ” nên tôi xin giải thích rằng chữ “Tặng” và chữ “Tưởng nhớ” dĩ nhiên là rất khác nhau.
Anh nói đúng, có lẽ tôi suy nghĩ nhiều về trường hợp Chế Lan Viên như anh nói. Một phần vì ông là một nhà thơ lớn, nhưng nguyên nhân chính là vì ông có rất nhiều vấn đề. Vấn đề về thơ và vấn đề về nhân cách, về tư tưởng, về thời đại mà ông đã sống qua. Những mâu thuẫn và bi kịch của một thời. Các nhà thơ trong Nam và hải ngoại ít biết về ông, đó cũng là điều đáng tiếc. Nhân anh nhắc đến bài này, tôi muốn trích lại, xin lược bớt vài đoạn, một bài viết của tôi trên hội luận văn học, nhân một phản hồi của nhà thơ Quỳnh Thi ở Mỹ.
(Trích bài Đọc một bài thơ như thế nào)
Trên talawas, độc giả Quỳnh Thi hỏi như sau:
“Anh lật trái lá sen hồ
Thấy đề mấy chữ
Lên chùa
Vậy là anh lên chùa
Thăm Phật
Theo tôi hiểu, người phật tử lên chùa là để lễ Phật hay là để cúng Phật. Không ai nói là để thăm Phật.”
Người đọc thơ đọc như Quỳnh Thi là rất kỹ, tinh ý. Đúng là phật tử lên chùa là để lễ Phật hay là để cúng Phật. Vấn đề là tôi không biết chắc Chế Lan Viên có phải là phật tử hay không? Nhưng quan tâm của chúng ta không dừng ở đó. Bất cứ nhà thơ nào khi viết cũng dụng công rất kỹ về từ ngữ. Tôi cũng thế. Nhiều người tìm cách định nghĩa thơ, nhưng không ai định nghĩa được trọn vẹn. Dù định nghĩa như thế nào thì có một điều chắc chắn là thơ gồm có… những chữ. (Các loại thơ không có chữ là những ngoại lệ mà chúng ta chưa bàn ở đây.)
Khi viết câu trên tôi đã chọn một số chữ sau đây, các nhà văn còn gọi là “thao tác chữ”: lễ Phật, cúng Phật, lạy Phật, viếng Phật, tìm Phật, hỏi Phật, thỉnh Phật. Thậm chí còn nghĩ đến những chữ rất táo bạo nhưng… không dám viết xuống. Không dám đây là không dám vô lễ với Chế Lan Viên, chứ không phải với Phật (Mô Phật!).
Cuối cùng, tôi đã chọn chữ nào?
Robert Frost, nhà thơ hàng đầu của Mỹ, có một lời khuyên dành cho những người làm thơ và cả những người đọc thơ, đó là đọc to các câu thơ để xem chúng vang lên như thế nào? Tôi cũng tin là tai của chúng ta sẽ bắt được những chữ mà mắt của chúng ta bỏ sót. Đọc như thế vài lần thì tôi chọn chữ thăm.
Đối với nhiều nhà thơ, âm nhạc của bài thơ là quan trọng nhất. Nhưng không phải bao giờ cũng vậy. Một số thể loại thơ không đặt nặng nhạc tính nhiều như một số thể loại khác. Thơ Đường rất mạnh về nhạc tính nhưng thơ Haiku Nhật Bản coi trọng hình ảnh hơn, mặc dù không phải là họ không chú ý vần điệu. Thơ Haiku vốn có vần điệu chặt chẽ. Thơ hiện đại và hậu hiện đại ngày càng xa rời nhạc tính, và đây có lẽ là điều đáng tiếc chăng?
Thật ra, trong bài thơ Chùa, yếu tố quan trọng nhất để người viết quyết định chọn chữ “thăm” không phải là nhạc điệu, mà là ý nghĩa của chữ. Chữ “thăm” dĩ nhiên rất khác với chữ “lễ”, chữ “cúng”. Tôi chọn chữ này để mô tả tính cách của Chế Lan Viên là người mà tôi đề tặng. Đúng ra không phải là tính cách mà là thái độ của ông trước một số vấn đề. Đó là một thái độ, theo tôi, vừa sang cả siêu hình vừa… phi trí thức đối với các vấn đề siêu hình và tôn giáo. Cho đến cuối đời, Chế Lan Viên vẫn nằng nặc đẩy xa các câu hỏi siêu hình nhưng tôi nghĩ trong các nhà thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa chính thống, chính ông mới là người bị nó ám ảnh nhiều nhất, như trong ví dụ lát nữa đây.
Chúng ta bàn tiếp chuyện chọn chữ. Các nhà thơ ngày càng có khuynh hướng sử dụng ngôn ngữ của đời sống hàng ngày, vì vậy có một hiện tượng hiểu lầm đáng tiếc. Có nhiều thi sĩ ngày nay cho việc chọn chữ khi làm thơ cũng hệt như việc chọn chữ khi viết văn xuôi, “cả hai đều như rứa”. Vì vậy họ làm cho các độc giả yêu thơ rất đáng yêu của chúng ta vô cùng bối rối, nhiều khi như kẻ lạc đường. Không trách họ bỏ các nhà thơ, cầm tập thơ lên rồi bỏ xuống không mua, là phải. Bạn có thể tìm thấy vô số những thí dụ như vậy trên các trang web và báo chí, nên tôi thấy tạm thời không cần phải trích ra.
Nhưng hãy xem ngôn ngữ của một số nhà thơ khác. Từ các bài thơ tôi đang có sẵn trên bàn, lấy tiện tay, nhưng dĩ nhiên không chỉ giới hạn trong số họ.
Có hơi hướm của văn xuôi:
Một ngày loáng thoáng một ngày qua
(Nguyễn Bắc Sơn).
Chạm nhẹ vào văn xuôi:
Đom đóm chữ tụ về
Từ các bãi tha ma văn học
(Đỗ Quyên)
Còn Chế Lan Viên thì sao?
Bây giờ mà anh cứ lai nhai lải nhải
Tồn tại hay không tồn tại
Thì ai nghe anh?
Rõ ra là lối nói có chất ngôn ngữ đường phố. Thoải mái, thêm mấy chữ thì, mà… buông thả. Có vẻ như ai cũng viết được.
Không phải thế. Chúng ta cùng đọc lại xem: các chữ đi với nhau rất khéo - bây, lai, nhai, lải, nhải, tại, hay, tại, ai. Đó là các vần trùng điệp liên tiếp mô tả một anh chàng đúng là lai nhai, lải nhải. Tôi chắc chắn rằng ông đã chọn chữ rất kỹ.
Khi phỏng vấn loạt bài Thơ đến từ đâu, tôi phải đọc nhiều thơ và trường ca của các nhà thơ đi từ miền Bắc, vốn xa lạ với tôi. Ngoài Bắc gọi đó là các nhà thơ thế hệ “chống Mỹ”. Tôi nhận ra rằng các nhà thơ này (Thu Bồn, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Thụy Kha…) có thể so sánh với các nhà thơ miền Nam cùng thời hay trước họ một thế hệ thơ (Tô Thùy Yên, Trần Dạ Từ, Quách Thoại, Nguyễn Đức Sơn, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Bắc Sơn, Du Tử Lê, Viên Linh, Nguyễn Tất Nhiên…) nếu xét riêng về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ, và chỉ riêng về mặt này mà thôi, trong những thời điểm chiếu sáng nhất của họ, và chỉ trong những thời điểm đó mà thôi, đã đạt đến mức tài hoa điêu luyện, mà các nhà thơ trẻ hiện nay, muốn chạy đuổi theo họ cũng còn… hơi bị lâu!
Trần Nhuận Minh:
Bài viết của anh rất công phu.
Nếu bạn đọc ở trong Nam hay ở hải ngoại như anh nói mà còn ít biết về Chế Lan Viên thì quả thực là rất đáng tiếc. Và tôi rất ngạc nhiên. Bởi những đóng góp của ông cho nền văn học hiện đại Việt Nam là rất lớn.
1), (2), (3) Tên các giống lúa mới thời bấy giờ.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét