Nghe như tên một bài hát của nhạc sĩ Thanh Tùng nhưng trong câu chuyện mà tôi sắp nói ở đây không có gì liên quan đến thơ, nhạc cả.
Tuần qua, tôi tiếp tục về quê nhà để cúng thất thứ sáu cho mẹ. Sau buổi cúng, đêm đến, chúng tôi kéo nhau ra đám đất trống gần đó (chứ không phải ngồi quán đàng hoàng như ở Sài Gòn), để…bày cuộc nhậu, chẳng gì tôi cũng là một thằng bạn xa quê lâu ngày gặp lại. Rượu đế (chứ không phải bia lon sang trọng), ngà ngà, bỗng một người bạn-nông dân rặt gần nửa đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời-buông một câu: “Ê, tao thấy bây giờ mấy Sếp mới lên hình như toàn là…con của ông này ông kia không hà, giống như cha truyền con nối vậy!”. Phát pháo về một vấn đề khá nhạy cảm vậy là đã được nổ. Tất nhiên, ở Sài Gòn, một câu chuyện thời sự đang thu hút đông đảo độc giả hiện nay là vấn đề:
Tại sao có quá nhiều người tài trong cơ quan Nhà nước xin nghỉ việc ra ngoài, chấp nhận “làm lại từ đầu”?... cũng có liên quan mật thiết đến vấn đề này. Nhưng…cái tôi ngạc nhiên đến bất ngờ chính là cách đặt vấn đề của người bạn học cũ thời cấp hai, cấp ba-người nông dân vùng sâu, vùng xa-mà tôi cứ tưởng là ít học, ít hiểu biết-lại…chính xác và rõ ràng đến như vậy. Người tôi bỗng dưng muốn nổi gai ốc, bởi đó cũng chính là tâm trạng thực của tôi hiện nay. Pháo đã được nổ. Nhiều ý kiến bàn tán rôm rả về chuyện ông L., một quan chức đầu ngành của một ngành quan trọng ở Sài Gòn là con ruột của Sếp lớn L., rồi ông V. mới lên nắm giữ một tổ chức đoàn thể chính trị quan trọng của cả nước là con của Sếp V….(những chuyện này thực ra không mới, vì trước đây mọi người cũng đã nói nhiều về 4 C “con ông, cháu cha”). Tiếp theo của câu chuyện quán rượu hàng cơm này, các anh bạn nông dân của tôi đẩy vấn đề đi sâu hơn: “ Nè, mày làm Nhà báo, mày nói thử tụi tao nghe như vậy có phải chúng ta đang lối cũ ta về không? Ta đánh đuổi thực dân, phong kiến, phê phán chế độ phong kiến cha truyền con nối, để rồi giờ ta lặp lại y chang cách làm của họ. Ta đang đi ngược lại thời đại, hay cha truyền con nối của chế độ phong kiến có điểm ưu việt riêng mà sau khi đánh đổ chúng, ta mới nhận ra, và…kế thừa?”. Dĩ nhiên là tôi…đành bó tay chấm com trước các lập luận sắc sảo ấy. Mấy người bạn nông dân của tôi cười hì hì, đầy vẻ ý nhị: “ Làm sao nó dám có ý kiến!?!”. Tiệc rượu rồi được tiếp tục với các đề tài khác, như: Phụ nữ, tình yêu…nhưng tôi nghe loáng thoáng, chẳng thấy hứng thú gì nữa, bởi suy nghĩ của tôi đã bị “chốt” quanh chuyện lối cũ ta về. Họ là nông dân mà còn suy nghĩ sâu sắc đến vậy; còn tôi, tiếng là người làm báo-chẳng lẽ lại không nhận ra? Hay là tôi cũng nhận ra, thậm chí nhận ra điều đó sớm hơn các bạn nông dân của mình, nhưng sự hèn nhát do lo cho miếng cơm manh áo của gia đình đã khiến tôi giả bộ…ngu?
Đúng sai trong chuyện cha truyền con nối, thật khó phân định, bởi cái nào cũng có lý riêng của nó. Có điều, người tài sẽ không còn đất để phát triển, nếu như lỡ sinh ra là con nhà thường thường bậc trung, chứ không phải gia đình trâm anh, thế phiệt. Nhưng…nói đến đây, tôi chợt nhớ câu ca dao lưu truyền trong dân gian từ rất xa xưa:
Con vua rồi lại làm vua
Con sãi nhà chùa lại quét lá đa
Đó chính là sự phát triển tất yếu của đất và người một khi đi theo hướng này. Tất nhiên, tôi cũng thuộc luôn đoạn tiếp theo của câu ca dao mà người ta đã “chế” thêm ra, sau này khi giải phóng 1975, tôi được may mắn đọc nó (tôi đoán là câu này rất nhiều người biết!); nhưng tôi…không dám đọc tiếp. Nhát ư? Không hẳn. Có điều tôi biết rõ là với nghề nghiệp hiện có của mình, tôi đã mua một chiếc mũ bảo hiểm đủ để được phép tham gia giao thông khi đi xe gắn máy, tôi không muốn người khác đội cho tôi thêm một chiếc mũ nào nữa!
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét