Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Lối ra cho kinh tế Trung Quốc không phải là Dân chủ hay không


586018-shanghai-skyline
Chưa hẳn là dân chủ hơn sẽ dẫn tới tăng trưởng cao hơn.
Cho dù nền kinh tế Trung Quốc thăng hoa hay lụi bại thì nó vẫn sẽ luôn là chủ đề cho một cuộc tranh luận lớn hơn về lợi ích của dân chủ đối với phát triển kinh tế. Kinh nghiệm của Trung Quốc, phụ thuộc vào việc bạn hỏi ai, sẽ chứng minh hoặc đánh tan giả thuyết cho rằng dân chủ sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.  Chế độ kỹ trị tàn nhẫn mà hiệu quả cùng việc kiểm soát chính quyền chặt chẽ của Bắc Kinh đã luôn được ca ngợi như là nền tảng cho một hình mẫu tăng trưởng mới và là bằng chứng cho sự lỗi thời của dân chủ. Tuy nhiên, lập luận ủng hộ một nền dân chủ mở rộng hơn ở Trung Quốc đang bắt đầu hồi sinh trở lại, đặc biệt là khi có những dấu hiệu trong năm nay cho thấy con tàu kinh tế Trung Quốc đang hướng thẳng đến vùng nước dữ.
Một nghiên cứu lớn của các nhà kinh tế học từ đại học MIT, Harvard và Columbia vào tháng Ba năm nay đã đưa ra kết luận rằng các quá trình chuyển giao dân chủ sẽ dẫn đến tăng trưởng GDP cao hơn, và Trung Quốc có thể sẽ không nằm ngoài quy luật này. Nhìn lại giả thuyết về “sự cáo chung của lịch sử” năm 1989 của mình, Francis Fukuyama vào tháng trước đã viết rằng cho dù “Mô hình Trung Quốc” từng có vẻ rất hứa hẹn, nhưng để tăng trưởng kinh tế dài hạn, Trung Quốc sẽ phải cần đến một nền dân chủ rộng mở hơn.
Nhưng đến cuối cùng thì có lẽ tất cả những điều trên đều không có nghĩa lý gì. Đến giai đoạn phát triển này của Trung Quốc, việc người dân nước này có quyền bầu ra tầng lớp lãnh đạo của mình hay không không phải là vấn đề cần nhắc đến ở đây. Chừng nào mà Bắc Kinh vẫn có thể  đo lường dư luận xã hội một cách khách quan và có thể thẳng tay triển khai chính sách ở những khu vực khác nhau, thì đến lúc đó Trung Quốc vẫn có khả năng khai thác hiệu quả tất cả các thể chế thúc đẩy tăng trưởng GDP vốn được hỗ trợ bởi dân chủ. Không giống như các nước đang phát triển khác, Trung Quốc đã thiết lập được một hệ thống giáo dục và phúc lợi xã hội vững chắc. Hơn thế nữa, chính quyền Bắc Kinh cũng có vẻ như đang được điều chỉnh theo hướng thực dụng và phân quyền hơn, trong đó các lãnh đạo địa phương sẽ có sự linh hoạt nhất định để giải quyết các yêu cầu của người dân nơi họ đại diện.
Cho dù không mấy khi được để ý đến, nhưng các lãnh đạo thôn làng ở Trung Quốc trên thực tế lại được lựa chọn thông qua các cuộc bầu cử trực tiếp và dân chủ. Mặc dù bị coi là thể loại bầu cử hình thức với các ứng viên được chọn sẵn bởi Đảng Cộng sản, nhưng một số cuộc bầu cử lại trở nên rất cạnh tranh thu hút được một lượng lớn người dân đi bỏ phiếu. Chính vì thế mà khoảng một nửa dân số Trung Quốc đã có được một kênh riêng của mình, hoặc ít nhất cũng là một kênh mang tính biểu tượng, để thông qua đó tác động vào chính sách quốc gia.
Vì các thành phố vốn là bộ máy cho sự tăng trưởng của Trung Quốc, sẽ có lý khi cho rằng Bắc Kinh sẽ sẵn sàng nhượng lại bớt quyền lực ở khu vực nông thôn. Nhưng thực tế là xu hướng phân quyền ở khu vực thành thị mà Kenneth Lieberthal miêu tả vào năm 1988 lại đang được tăng tốc khi các thành phố được mở rộng ra. Ví dụ, khi Trung Quốc triển khai kế hoạch cải cách hộ khẩu đáng chú ý và toàn diện từ trên xuống dưới vào tháng Ba vừa rồi thì mục tiêu của nó là nhằm ép các thành phố tiếp nhận thêm khoảng 100 triệu cư dân mới. Nhưng do áp lực của việc cải cách này lên hệ thống dịch vụ xã hội, các lãnh đạo của bất kì thành phố nào có hơn 5 triệu dân đã được chính quyền trung ương trao quyền được triển khai chính sách tùy theo nhịp độ riêng của mình.
Trung Quốc vào những năm gần đây cũng đã có những bước đi nghiêm túc trong việc phân quyền tài khóa nhằm cải thiện hoạt động của chính quyền địa phương. Dù vẫn không được chọn thông qua bầu cử, các lãnh đạo cấp tỉnh và huyện đang dần dần nắm thêm nhiều quyền kiểm soát đối với cách thức phát triển của thành phố mà họ quản lý.
Cùng lúc với việc các thành thị Trung Quốc chuyển mình thành các trung tâm thương mại và sáng tạo toàn cầu, các lãnh đạo thành phố cũng phải chịu thêm áp lực ngày càng tăng để hiểu và đáp ứng được các nhu cầu của địa phương mình. Các thành phố ở Trung Quốc không chỉ cạnh tranh với nhau để giành được nguồn vốn và các nguồn lực khác từ trung ương, mà họ còn phải cạnh tranh với các thành phố khác trên thế giới về nguồn chất xám và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đặc biệt khi các tập đoàn và các thành phần ngoài nhà nước khác trở nên quyền lực và chủ động hơn trong việc vận động hành lang các lãnh đạo địa phương, các thành phố cũng sẽ đồng thời có động lực để trở nên năng suất và hiệu quả hơn.
Các học giả về chính sách thành thị như Bruce Katz ở Viện Brookings đã có những nghiên cứu sâu rộng về cách làm thế nào mà các lãnh đạo cấp địa phương trở thành lực đẩy chủ yếu đằng sau sự tăng trưởng của Hoa Kỳ. Do các lãnh đạo Trung Quốc đang lèo lái những nền kinh tế thành thị lớn hơn và bùng nổ hơn nhiều, việc họ rồi cũng sẽ đóng một vai trò tương tự như các đồng nghiệp bên Mỹ hẳn cũng không phải là chuyện ngoài sức tưởng tượng.
Đã có khá nhiều dự đoán cho rằng sự gia tăng tầng lớp trung lưu và xã hội dân sự ở Trung Quốc chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc cải cách dân chủ. Dù điều này là hoàn toàn là có thể, nhưng cần phải phân biệt điều này với một ý tưởng sai lầm hơn nữa rằng dân chủ là chiến lược tốt nhất để Trung Quốc tăng trưởng GDP. Vẫn chưa có gì chắc chắn rằng việc áp dụng bầu cử quốc gia ở Trung Quốc sẽ dẫn đến tăng trưởng cao hơn, hoặc là một phiên bản chỉnh sửa của hệ thống hiện hành sẽ không bao giờ có hiệu quả. Ngược lại, Bắc Kinh có vẻ như đang ngày càng thấy rõ được sự hết sức đa dạng của nền kinh tế  trong nước, và sẽ ngày càng cho phép các lãnh đạo địa phương nắm quyền điều khiển lớn hơn.
Kết quả cuối cùng có thể sẽ là một hệ thống trong đó các thành phố trở thành đơn vị quản lý chủ chốt được dẫn dắt bởi những nhà kỹ trị tài giỏi tích cực tập trung vào việc thúc đẩy phát triển các mặt của kinh tế và nâng cao mức sống người dân. Những lãnh đạo không đáp ứng được kì vọng của người dân sẽ phải chịu một áp lực vô cùng lớn nhằm cải thiện tình hình, cho dù áp lực đó không được truyền đến từ các kênh dân chủ.
Zach Montague là một nhà phân tích nghiên cứu chuyên về chính trị Đông Á tại Viện Delma. Ông có bằng về ngành học Trung Quốc và Châu Á Thái Bình Dương tại Đại học Cornell và đã từng làm việc tại Washington, Bắc Kinh và Tây An.
Bản gốc tiếng Anh: The Diplomat
- See more at: http://nghiencuuquocte.net/2014/07/31/loi-ra-cho-kinh-te-trung-quoc-khong-phai-la-dan-chu-hay-khong/#sthash.3b4Z5h1O.dpuf

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: