Ái nữ
Tôi vẫn cho rằng sự kiện giàn khoan Haiyang Shiyou-981 của láng giềng Trung Quốc đột ngột xuất hiện trái phép ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam vào ngày 02-5-2014 và cho đến nay (ngày 22-5-2014) vẫn chưa chịu rút đi là một sự kiện nhỏ, không đủ sức gây nguy hiểm cho Việt Nam được. Không bác sĩ có kinh nghiệm nào lại lo lắng khi thấy một người la toáng lên chỉ vì bị một cái gai đâm, trừ khi biết rõ người này đã mắc phải hội chứng suy giảm miễn dịch giai đoạn cuối. Việt Nam có đang ở “giai đoạn cuối” không? Theo những nguồn tin chính thức thì nước ta đang ở tình trạng rất tốt, kinh tế liên tục tăng trưởng, tình hình chính trị ổn định, người dân hài lòng với cuộc sống. Nếu như năm 2006 nước ta còn đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng Chỉ Số Hành Tinh Hạnh Phúc thì đến năm 2012 chúng ta đã tiến lên đứng thứ hai rồi, trong khi Trung Quốc không lọt nổi vào bảng 30 nước đứng đầu. Đấy là do cái tổ chức NEF ở tận nước Anh đánh giá, chứ nếu để tự người dân Việt Nam đánh giá thì chúng ta dứt khoát phải đứng thứ nhất. Người Việt luôn biết rằng họ là tinh hoa của thế giới, chứ như Trung Quốc chỉ là một anh trọc phú lố bịch thôi. Cái này không phải là đánh giá của cá nhân tôi, mà là dựa vào một câu ca dao hiện đại tôi được nghe từ khi còn rất nhỏ: “Việt Nam hình chữ ét xì – So với thế giới cái gì cũng hơn”.
Nghe nói tối ngày 14-5 vừa qua ở Huế có một trận động đất nhẹ, rồi đến sáng sớm ngày 15-5 thì Phu Văn Lâu bị sập một góc. Các chuyên gia đã xem xét kỹ càng và cho biết động đất chỉ là tác động phụ nhỏ bé thôi, chứ không phải là nguyên nhân khiến Phu Văn Lâu bị sập. Nguyên nhân chính là do những cây cột bị mục ruỗng từ bên trong. Rường cột nước nhà xem chừng còn rất vững chắc, vì các lãnh đạo của chúng ta vẫn rất tự tin, mặc dù thỉnh thoảng những dự định nào đó của họ khiến dân chúng bị sốc. Nhưng người Việt Nam bị sốc… quen rồi, cho nên đó không phải là vấn đề. Nếu các nhà lãnh đạo của chúng ta tự thấy họ không đủ khả năng thì họ sẽ mời người khác ra thay, nhưng có vẻ như không ai thiếu tự tin cả. Vì thế nên không có lý do gì để tôi không tin các nhà lãnh đạo. Tôi vẫn bình chân như vại để quan tâm đến chuyện khác.
Thi sĩ Lá Bàng, một triết gia mới xuất hiện trong Xóm Lá, không thể hiện sự bình tĩnh theo cách giống như tôi. Anh đã đăng một số bài về Trường Sa – Hoàng Sa trong dịp này. Khi tham khảo những bài viết của tôi, anh đã đọc tác phẩm “Những người chăn bò và hòa bình thế giới”. Anh không cảm thấy bình yên khi đọc đến những câu chuyện về ba bệnh viện mà tôi từng làm việc, anh nghĩ tôi đã nặng lời quá khi nói về họ, và so sánh ngôn từ của tôi với “kim cương chỉ” gì đó (Lá Bàng rất mê đọc tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung).
Nặng lời đúng là phong cách của tôi, có bệnh nhân sợ tôi chết khiếp. Câu này chỉ hơi bịa một tí, sự thật là bệnh nhân chưa chết khiếp nhưng có đồng nghiệp đã hết hồn rồi. Điều này chỉ đúng với bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Vĩnh Phúc, còn ở bệnh viện đa khoa Phúc Yên thì tôi vẫn thuộc loại lịch sự. Ở bệnh viện Cẩm Mỹ, tôi là người cực kỳ lịch sự, không phải do bệnh viện này “gấu” hơn bệnh viện Phúc Yên, mà là bệnh nhân ở đây rất ngoan. Ở bệnh viện Y học cổ truyền Vĩnh Phúc thì các thầy thuốc lại… ngoan quá! Nhưng họ chỉ ngoan trong lời ăn tiếng nói, chứ còn hành động thì không ngoan chút nào.
Tuy cũng là con người, nhưng những người làm trong ngành y tế thì phải “mặt dày” hơn những người khác. Chúng tôi không còn giống người lắm nữa rồi. Người ta chửi rủa chúng tôi hàng ngày, cả trên báo chí cả ở bàn ăn hay quán cóc cà phê. Tôi có thể tự tin nói rằng ba bệnh viện tôi có may mắn làm việc là những bệnh viện thuộc loại có uy tín, và những lãnh đạo của tôi ở đó đều là những người giỏi giang. Nhưng tôi nói họ không hề nặng, chỉ là sự thật thôi. Tôi không nói họ thì chả nhẽ lại nói các lãnh đạo Đảng và Chính phủ hay sao? Tôi không được làm việc trực tiếp với chính phủ hay với các bộ trưởng, nên không thể nói đến trình độ thật sự của họ. Các giám đốc bệnh viện của tôi tuy có tài, nhưng họ đã quá ngoan ngoãn thỏa hiệp với cơ chế quản lý y tế mà trong đó nhân viên của họ phải chịu nhục nhã. Họ đã không còn đủ khả năng thông cảm bằng hành động với nhân viên của họ nữa, họ chỉ còn lo cho cái vị trí của họ mà thôi. Cơ chế quản lý bắt buộc họ phải như vậy. Không thể giúp cho nhân viên có thể phấn đấu một cách minh bạch, họ nhắm mắt làm ngơ cho nhân viên của họ làm bừa làm ẩu, hoặc chính họ chỉ đạo những việc ấy. Đó là cách “thông cảm” của họ. Nếu tôi không nói họ thì tôi còn nói ai? Nếu tôi nói sai thì những lời của tôi không có tác dụng. Nếu những lời của tôi làm họ không chịu nổi thì họ đi mà nói với bộ trưởng, với chính phủ. Bản thân tôi không còn có thể thỏa hiệp với môi trường làm việc như vậy nữa. Vấn đề chưa phải là lương của tôi quá thấp, mà là tôi không thấy công việc của mình có hiệu quả, đã không hiệu quả thì dù trả tôi lương thấp vẫn là trả quá đắt, cho nên người dân bức xúc với chúng tôi rõ ràng là đúng. Chúng tôi chỉ có thể nhịn nhục mà không thể cãi.
Gã Trẻ Trâu nói chúng tôi là “khỉ trong rạp xiếc”, tôi không thể cãi, cũng không thấy gã nói thế là nặng lời, gã chỉ nói sự thật. Những người ở ba bệnh viện này có thấy tôi nặng lời không? Sau khi đăng tác phẩm “Những người chăn bò và hòa bình thế giới”, tôi mới chỉ thông báo cho những người ở bệnh viện Cẩm Mỹ, vì trong bài viết có một đoạn tôi đối thoại với họ, và họ là những người có khả năng hiểu tôi nhiều hơn cả. Họ đã đọc và quyết định im lặng không phản hồi. Còn hai bệnh viện kia chưa được tôi báo tin, do tôi chưa có dịp thích hợp để làm điều đó. Bây giờ anh Lá Bàng nhắc đến, tôi nhớ ra việc này và thấy hiện tại là dịp thích hợp. Mọi người đang chú ý vào sự kiện giàn khoan Haiyang Shiyou-981, chắc sẽ không có thời gian đau vì một bài viết về họ. Hai ông giám đốc ấy thì hoặc đã nghỉ hưu hoặc sắp nghỉ hưu rồi, họ đã có người kế cận. Đồng thời tôi cũng thông báo với họ rằng bài viết “Những người chăn bò và hòa bình thế giới” sẽ được in vào một cuốn sách trong tương lai, vì nó là một đoạn trong tác phẩm “Bí mật ngày tận thế”. Tôi không dám chắc là tác phẩm ấy sẽ không nổi tiếng, bởi những người suy nghĩ nghiêm túc đến khoa học, triết học, tôn giáo… hoàn toàn có thể bị sốc khi đọc câu chuyện của người điên Ái Nữ, những niềm tin thâm căn cố đế có thể bị lộn nhào. Tôi không đợi đến khi những nhân vật ngoài đời chết đi rồi mới viết, vì như thế sẽ không có tác dụng gì cả. Tác phẩm này không phải để làm cho cái tên Ái Nữ nổi tiếng, mà để dồn tác giả của nó vào bước đường cùng. Nếu không chấp nhận đi đến đường cùng, tôi không thể có con đường mới. Tôi cần con đường mới, cho dù đó là cái chết. Ngành học của chúng tôi là ngành học giúp chuẩn bị cho ngày tận thế. Tôi không đủ khả năng để biết về ngày tận thế của nhân loại, tôi chỉ đi đến ngày tận thế của tôi, nó vẫn còn là điều bí mật.
Tôi đang chuẩn bị viết tác phẩm “Thanh kiếm, bông hồng và đôi cánh”. Trong bài viết này, tôi sẽ cho các bạn biết cách nhìn của tôi về ba sự kiện liên quan đến văn chương xảy ra gần đây, đó là Tác Phẩm Mới, Chiếu Làng và Văn Việt. Còn bây giờ thì entry này đã đủ dài, tôi kết thúc tại đây để chuyển sang xem bộ phim “Thiên Long Bát Bộ” của người Trung Quốc. Tôi xem phim ấy vừa để giải trí, vừa để có thêm chút kiến thức mà trao đổi học hỏi với cao nhân Lá Bàng, và việc này không có liên quan gì đến lòng yêu nước cả.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét