Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Một cách nhìn khác về quan niệm : " Hiền tài là nguyên khí của quốc gia "

Trong bài ký đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba do tiến sĩ Thân Nhân Trung ( TNT) soạn có câu mở đầu : Hiền tài là nguyên khí của quốc gia . Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao ; nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp ...Quan niệm trên cách chúng ta hơn một nửa thiên niên kỷ mà mỗi khi bàn đến vẫn thấy tươi nguyên giá trị .Từ kinh nghiệm cũ ta thử bàn lại để có được ý mới nào chăng ?


   Mở đầu bài ký tác giả viết : Hiền tài là nguyên khí của quốc gia . Nguyên khí thịnh thì thế nước  mạnh rồi lên cao ; nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp .
  Trước hết cần hiểu thế nào là hiền tài? thế nào là nguyên khí ?. Hiền tài là những người tài cao học rộng có tâm có đức ; còn nguyên khí theo nghĩa từ nguyên là  tính khí của người ta do sự hấp thụ khí thiêng của thiên nhiên , của đất trời . Theo quan niệm âm dương ngũ hành , con người có mối quan hệ tứ trụ : Thần - Nhân - Thiên - Địa . Việc mạnh yếu thăng trầm của đất nước tùy thuộc vào sự thịnh suy và nguyên khí của quốc gia ấy .  Nguyên khí là vô hạn , vô cùng ; không bao giờ thiếu hoặc mất đi
 " Dẫu cường nhược có lúc khác nhau 
  Mà hào kiệt không bao giờ thiếu  
                                      ( Nguyễn Trãi - Bình Ngô đại cáo )

Nguyên khí khác với tài nguyên . Tài nguyên quốc gia là cái nguồn sinh ra của cải , sự giàu có ( source de chisses). Cái nguồn ấy có lúc vơi dần và có lúc cạn kiệt nhưng trí thức ,  sức sáng tạo , nhân tài , hiền triết ...thì thời nào và ở đâu cũng có .Vấn đề là không được phát hiện,không được đề bạt tiến cử đó thôi . Ngay đến người phát ngôn ra câu : " Hiền tài là nguyên khí của quốc gia " cũng là một bậc hiền tài , từng là rường cột của triều đình : Tiến sĩ Thân Nhân Trung .TNT tuy đỗ đạt muộn màng ( 1) nhưng đã lập nhiều công tích , được vua Lê Thánh Tông trọng dụng - TNH giữ chức Phó Tao Đàn nguyên súy . TNT còn có công khai khoa cho 10 vị tiến sĩ ở quê cha đất tổ làm rạng danh cho quê hương , tổ tiên , dòng tộc .Xem ra , người hiền tài không chỉ có tài mà còn biết đem cái tài của mình ra để an bang tế thế .
  Sau khi đặt xong vấn đề , tác giả đưa ra những luận điểm , luận cứ và luận chứng để làm sáng tỏ vấn đề "Bởi thế các các đức Thánh Đế ,Minh Vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài , kén chọn kẻ sĩ , vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên ".Đấy là luận điểm giàu sức thuyết phục . Lịch sử nhân loại đã chứng minh - bất kỳ chế độ nào , mô thức chính trị nào có minh chủ , có nhà lãnh đạo hiền triết đều quy tụ được nhiều hiền tài , làm cho nguyên khí quốc gia triển nở,sung mãn . Ngay thời cổ đại , đức Khổng Tử đã đề cao chính sách cử hiền tài thay cho thế tập . Và ngài đã quy tụ  đươc đệ tử xuất chúng . Theo chính sách cử hiền tài thì bất cứ ai , bất kể xuất thân từ giai cấp nào cũng có thể tham chính nếu đỗ đạt ở các khoa thi . Bước cử hiền tài là bước tiếp theo của bước sát hạch , tuyển trạch. Thi để chọn và chọn để cử . Sự tuyển chọn qua thi cử có mối liên quan mật thiết đến việc đề bạt , tiến cử và việc đề bạt tiến cử có liên quan đến việc thịnh suy của đất nước . Chọn lầm người dẫn đến việc đặt ngồi nhầm ghế . Chính vì vậy mà đông , tây , kim cổ đều xem học hành thi cử là quốc sách . Một nhà chính trị sáng suốt không bao giờ xao lãng hoặc tách rời việc tuyển chọn nhân tài  và việc đề bạt nhân tài . Một quốc gia hùng mạnh không thể không cần đến những bậc hiền tài làm rường cột . Nguyễn công Trứ đã nói rõ trách vụ của kẻ sĩ đối với Hoàng triều cương thổ :
Trong lăng miếu ra tài lương đống 
 Ngoài biên thùy rạch mũi can tương .

 Chính vì kẻ sĩ ,  hiền tài là nguyên khí của quốc gia nên người ta có thể bỏ ra ngàn vàng để đánh đổi được  kẻ sĩ hoặc như Lưu Bị ba lần đến nhà cỏ của Khổng Minh để cầu hiền . Vào thời Xuân Thu chiến quốc nước Tần còn nghèo nàn lạc hậu bị các nước lớn xem thường , kịp đến khi Tần mục Công lên ngôi biến Tần quốc thành một nước hùng mạnh ; đó là nhờ thực thi nghiêm túc việc tuyển chọn và đề bạt nhân tài vào các chức quan . Về sau Tần quốc sản sinh ra những nhân vật kiệt xuất như Bá Lý Hề , Thương Ưởng , Trương Nghi , Hàn Phi Tử , Lý Tư , ... Đến thời Tần Thỉ hoàng , nhờ biết sử dụng lại những hiền tài nói trên nên nước  Tần vẫn giữ vững là một đế chế hùng mạnh thôn tính 6 nước thống nhất Trung Hoa .  Sau khi Tần Thỉ Hoàng chết , Lưu Bang cùng với Hạng Võ tiêu diệt nhà  Tần rồi sau đó trừ Hạng Võ để lên ngôi hoàng đế , hiệu là Hán Võ Đế . Trái với Tần Thỉ Hoàng đốt sách chôn Nho ,  Hán Võ Đế  đích thân tuyển chọn và đề bạt nhân tài . Về phương diện dùng người Hán Võ Đế tỏ ra thông thoáng , rộng mở hơn nhiều so với các vua trước . Nhà vua không ngại dùng những người tài xuất thân từ giai cấp thấp kém hoặc có khuyết tật - hiểu theo nghĩa bóng : có tài có tật - . Hán võ Đế quy tụ những chuyên gia học giả -như  kinh học có Đổng Trọng Thư ,sử học có Tư Mã Thiên , văn học có Tư Mã Tương Như , quân sự có Lý Quảng , Thiết Thanh .. Đặc điểm trong cách dùng người của Hán Võ Đế là chỉ quan tâm đến sở trường chuyên môn của các hiền tài còn về sở đoản thì không thành vấn đề .Điều nầy thiết nghĩ thật là chí lý .Ai  có sở trường nấy . Con vịt bơi dưới nước đâu có cần đôi chân dài như con đà điểu chạy trên cạn  .Hà cớ gì phải kéo dài chân vịt hoặc thu ngắn chân của đà điểu .
   Trở về việc tuyển chọn và đề bạt  và sử dụng hiền tài ở xứ ta không phải bắt đầu từ thời Trần mà thời Lý Nhân Tông đã có rồi : Năm Ất Mão ( 1075 ) mở khoa thi tam trường để lấy người có văn học làm quan ; năm Bính Thìn ( 1076 ) lập Quốc Tử Giám để tuyển chọn giáo thọ ; năm Bính Dần ( 1086 ) mở khoa thi chọn Viện sĩ Hàn lâm viện . Bấy giờ đã có chức Hàn Lâm học sĩ . Đến đời nhà Trần tinh thần tam giáo đồng nguyên vẫn còn bảo lưu trong dòng chảy văn hóa dân tộc  .Sau khi nhà Trần mất về tay Hồ Quý Ly rồi cha con Hồ Quý Ly bị bỏ củi áp giải sang Tàu , Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn ..Trong thời kỳ khó khăn , Lê Lợi ra sức cầu hiền , mong được người tài giúp sức . Nguyễn Trãi là cánh tay mặt của Lê Lợi .đã giúp Lê Lợi khởi nghĩa thành công . Các vua kế nghiệp nhà Lê độc tôn Nho giáo nên dẫn đến tinh thần nhân đạo , dân chủ rộng mở của thơ Lý ,Trần  bị suy vi mai một . Tư tưởng tam giáo đồng nguyên là nhân tố tích cực làm cho nước Đại Việt trở nên hùng cường . Những kẻ sĩ của nước Đại Việt có đầy đủ ba tác dụng : Lý trí , tình cảm và ý chí ( hành động ). Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì chỉ số IQ và chỉ số EQ cân bằng ; riêng đối với hiền tài thì chỉ số EQ có  phần trội hơn . Bởi " chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài " ( Nguyễn Du ). Nếu chỉ  có tài thôi mới chỉ là người thông thái , uyên bác , duy lý trí - xa rời cộng đồng .Điều kiện ắt có và đủ cho một người hiền là  lòng yêu thương đồng bào đồng loại và khát vọng được cống hiến phục vụ dân tộc   Khát vọng đó phải được thực hiện bằng hành động ( ý chí ).Đạo Nho là một học thuyết chính trị và đạo đức . Học Nho đễ đỗ đạt làm quan thì hãy còn phiến diện . Muốn học để làm người toàn diện cần phải có cả Nho - Phật - Lão . Vị vua đầu nhà Lý ( Lý Công Uẩn )là một người được các cao tăng truyền thụ cho cái học tam giáo từ khi còn là chú tiểu . Lịch sử đã chọn Lý công Uẩn mà không chọn Lê Long Đỉnh là điều tất yếu .. Trong các triều đại nhà Lý , đời nào cũng có hiền tài giúp sức : đời Lý Thái Tổ có quốc sư Vạn Hạnh , đời Lý Thánh Tông có nguyên phi Ỷ Lan ; đời Lý Nhân Tông có thái sư Lý Đạo Thành . Nhân Tông lên ngôi mới có 7 tuổi , mọi việc triều chính đều do tay Lý Đạo Thành đảm đang . Lý Đạo Thành thương dân và tận tụy với nước ; tất cả quan chức triều đình đều do Lý Đạo Thành kén chọn người tài và cất nhắc  . Dưới đời Nhân Tông , Thánh Tông nhờ có hiền tài giúp sức nên Bắc đánh Tống , Nam bình Chiêm giữ vững phên giậu ở phía Bắc , mở rộng bờ cõi về phía nam . Tinh thần tôn giáo còn được tôn sùng dưới thời nhà Trần . Nhà Trần ba lần đánh đuổi quân Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi là nhờ có nhiều bậc hiền tài làm rường cột : Trần Thủ Độ , Trần Quốc Tuấn , Trần Quang Khải , Yết Kiêu , Dã Tượng , ...Nhờ tinh thần tam giáo đồng nguyên mà toàn xã hội có sự đoàn kết nội tại , dân chủ và rộng mở ... "Con người trong xã hội ấy được phản ảnh là có nhân cách đặc xuất , không những cao về tài năng đạo đức mà còn rộng về trí tuệ và tâm hồn .Nô tỳ , thiếu niên ,thiếu nữ ,lão bà , nông dân , tăng ni , đạo sĩ , nho sĩ , quý tộc , hoàng hậu ...nhà vua ...không tầng lớp nào , không tuổi nào , không giới nào mà không có những tính cách vượt xa trên mức bình thường "(Lê Trí Viễn ) .Trong thời nhà Trần , Vua dám bỏ ngôi , quan không thiết chức , kẻ sĩ không nhận chức tước bỗng lộc nếu thấy mình chưa xứng đáng . Nói chung  Lý ,Trần là hai thời đại hoàng kim trong lịch sử . Người phát hiện ra và biết sử dụng hiền tài cũng là bậc hiền tài . Đó là những minh chủ , minh vương , thánh đế , những nhà lãnh đạo sáng suốt . Một vị thủ tướng trở nên hiền tài nếu thành lập nội các gồm những bộ trưởng có  chuyên môn , sở trường về ngành nghề , tận tụy với công việc , khiêm hạ , thanh liêm trong quan hệ với cấp dưới .. Tiêu biểu cho bậc hiền tài biết dùng người phải kể đến Thomas Jefferson(2) Tổng thống Hoa Kỳ , một trong các tác giả của bản tuyên ngôn độc lập của Hoa kỳ . Ở Trung Hoa vào đời Tống có tể tướng Vương An Thạch  cũng là một người biết dùng người tài .
     Người hiền tài tất nhiên phải được nể trọng , vinh danh . Tuy nhiên trong số họ vẫn có những người mất chất . Thân Nhân Trung viết : "Vì hối lộ mà hư hỏng hoặc sa ngã vào cùng loại với bọn gian ác là vì lúc sống chưa được nhìn tấm bia trinh bạch nầy thôi , giả sử hồi đó họ kịp nhìn thấy thì ắt hẳn lòng thiện sẽ tràn đầy , ý ác được ngăn chặn , đâu dám làm chuyện càn bậy " 
  Trên một tấm bia đề tên tiến sĩ khoa Đinh Mùi ( 1487 ) TNT nhấn mạnh sự dối trá biến chất của kẻ tội đồ : " ..tu sửa văn vẻ bên ngoài , đức hạnh thiếu thốn bên trong , điều thấy không bằng điều nghe , việc làm trái với điều học , hạnh kiểm sa sút , danh giá nhuốc nhơ , chỉ tổ bôi nhọ tấm bia nầy mà thôi ..."Nói theo cách nói bây giờ thì đó là loại ác trí thức , ngụy trí thức . Khoa danh của họ có thể là học giả bằng thật hoặc học thật mà tri hành bất nhất hoặc không thật sống theo những gì mình thật biết vv...Loại nầy sẽ nguy hiểm cho xã hội khi biến mình thành học phiệt ; dùng học vị , học hàm của mình để bóp méo sự thật , làm ô nhiểm môi trường văn hóa .

   Suy cho cùng thì những bậc hiền tài , kẻ sĩ ...rồi ra cũng khuất bóng và đi vào cổ triết , cổ sử . Nhưng thời nào , ở đâu họ vẫn là nguyên khí của quốc gia .Quan niệm của TNT cách chúng ta hơn nửa thiên niên kỷ mà vẫn còn tươi nguyên giá trị . Nhiệm vụ của đời sau là dẫn dắt quá khứ , định hướng tương lai . Ôn cố tri tân không có nghĩa là bê nguyên ý của đời xưa để áp dụng vào đời nay ; mà dựng lại quá khứ trong kinh nghiệm mới mẻ của hiện tại . Nói như Trúc Lâm đạo sĩ : " Nhất hồi niêm xuất nhất hồi tân ( mỗi lần bàn đến lại thành mới tinh ) . Hoặc như lời cổ thi :
 "Nhậm vận tự sinh kim nhật ý.
Hàn hoa chi tát khí mai hương "

Chú thích :
 (1):Thân Nhân Trung sinh năm 1418 mãi đến năm 1469 mới đỗ tiến sĩ 
(2):Trên mộ của Jefferson có ghi dòng chữ : " Đây là mộ của người biết dùng người tài "


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: