Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Quyền được lãng quên trong thế giới mạng


Trần Kiên
Người Đô Thị - Ngày 13.5.2014, toà án Công lý châu Âu (ECJ) ra phán quyết xác nhận quyền được lãng quên là một quyền riêng tư được bảo vệ bởi các quy định và hiến chương Các quyền căn bản của liên minh châu Âu.

Sự ra đời của phán quyết này đồng nghĩa với việc các công cụ tìm kiếm như Google hay Bing có nghĩa vụ gỡ bỏ các kết quả tìm kiếm có chứa thông tin cá nhân của một người khi được yêu cầu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng e ngại rằng phán quyết sẽ làm suy yếu quyền tự do ngôn luận, được các chính thể độc tài lạm dụng và trên thực tế củng cố quyền lực của chính các công cụ tìm kiếm trực tuyến.

Từ sức mạnh không thể bị bác bỏ của internet

“Cái gì đã lên mạng là không thể bị xoá bỏ” - nhận định này đã trở thành câu nói cửa miệng để miêu tả sức mạnh của mạng internet trong việc lưu trữ và chia sẻ thông tin. Phải nói chính xác rằng, cái gì đã lên mạng đều được lưu trữ, sắp xếp và cung cấp bởi các công cụ tìm kiếm cho mọi người dùng internet khi họ sử dụng dịch vụ của các công cụ đó, kể cả khi các thông tin đó đã được gỡ bỏ khỏi trang chủ.

Vấn đề đặt ra là rất nhiều trong các thông tin được lưu trữ vĩnh viễn và chia sẻ thoải mái đó lại liên quan đến các thông tin không mấy tích cực về một cá nhân cụ thể, ví dụ như một công chức ăn hối lộ, một ngôi sao dính xìcăngđan hay đơn thuần chỉ là thông tin về ngôi nhà được đem ra đấu giá để trả nợ ngân hàng của công dân Tây Ban Nha là đối tượng chính của vụ việc được ECJ xem xét. Các cá nhân này luôn tìm cách gỡ bỏ các thông tin đó ra khỏi mạng internet, hoặc ít ra là ngăn chặn công chúng tiếp cận thông tin thông qua các trang tìm kiếm.

Tuy nhiên, lâu nay họ vẫn chưa thành công bởi nhiều lý do. Thứ nhất, có thể các thông tin đó là trung thực và đã được đăng tải một cách khách quan, như bởi các cơ quan báo chí nên không thể bị yêu cầu gỡ bỏ. Pháp luật công nhận các công ty cung cấp dịch vụ internet chỉ đóng vai trò trung gian và được bảo vệ khỏi những tranh chấp về thông tin giữa đơn vị đăng tải và cá nhân bị tác động. Và cuối cùng, pháp luật xem việc tiếp cận các thông tin đó là nhân tố chủ chốt của quyền tự do ngôn luận của các cá nhân trong xã hội, quyền biết và được biết.

Đến phán quyết đổi chiều của ECJ

Thực tiễn này đã bị thay đổi đột ngột sau phán quyết của ECJ. Dưới góc độ kỹ thuật pháp luật thuần tuý, ECJ đã chỉ giải thích rằng “xử lý dữ liệu cá nhân” theo điều 2 (b) và (d) Directive 95/46/EC của Nghị viện và Hội đồng châu Âu năm 1995 về bảo vệ cá nhân trước việc xử lý và tự do chia sẻ thông tin cá nhân bao gồm hành vi lưu trữ, sắp xếp và cung cấp thông tin liên quan đến một cá nhân cho người dùng internet của các công cụ tìm kiếm. Trong bối cảnh này, các công cụ tìm kiếm cũng được xem là “người kiểm soát” thông tin.

Do vậy, điều 12 (b) và điều 14, khoản thứ nhất, điểm (a) của Directive 95/46/EC phải được hiểu rằng các công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm có nghĩa vụ gỡ bỏ khỏi danh sách kết quả tìm kiếm các đường kết nối dẫn đến các trang web có chứa thông tin cá nhân của một người khi được yêu cầu, dù các trang web đó do người khác sở hữu và thông tin trên đó được đăng tải một cách hợp pháp.

Toà Công lý châu Âu đã nêu tên quyền này là quyền được lãng quên và xem đó là một quyền riêng tư được bảo vệ theo các điều 7 và 8 của hiến chương Các quyền căn bản của Liên minh châu Âu.

Ngay lập tức, các nhóm vận động ủng hộ và bảo vệ quyền riêng tư đã lên tiếng khen ngợi quyết định của ECJ. Đây cũng được coi là thắng lợi của EU trước các công ty của Mỹ vốn bị nghi ngờ là đã hợp tác cùng chính phủ Hoa Kỳ trong việc thu thập dữ liệu cá nhân một cách trái phép. Tuân thủ phán quyết của toà, Google đã thiết lập một trang web nơi mọi người có thể yêu cầu gỡ bỏ các kết quả tìm kiếm có liên quan đến thông tin cá nhân của họ. Đã có hơn 12.000 yêu cầu được gửi đến chỉ sau vài ngày.

Và các cảnh báo không thể bỏ qua

Tuy nhiên, sau một số khen ngợi, các hạn chế của phán quyết bắt đầu được mổ xẻ.

Đầu tiên, phán quyết trên thực tế đã tăng cường quyền lực cho các công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm, biến họ từ vị trí trung gian chuyển tải thông tin thành người thật sự kiểm soát và đánh giá thông tin. Điều này bắt nguồn từ việc phán quyết trao cho chính các công ty quyền tự quyết định xem khi nào một yêu cầu nêu ra thật sự liên quan đến thông tin cá nhân.

Quan trọng hơn, toà án cũng yêu cầu các công ty này phải có nghĩa vụ cân nhắc giữa yêu cầu được lãng quên của một cá nhân với lợi ích của công chúng trong việc tiếp cận các thông tin đó, đặc biệt là đối với những cá nhân có ảnh hưởng trong chính trị, kinh tế, xã hội trước khi quyết định có gỡ bỏ các kết quả tìm kiếm. Rõ ràng, phán quyết như vậy đã nâng cấp các công ty tư nhân trở thành các ông quan toà thứ cấp.

Không chỉ dừng lại ở đây, bản thân khái niệm “quyền được lãng quên” cũng bị chỉ trích là sẽ hạn chế quyền tự do ngôn luận, quyền được đặt ở vị trí thứ nhất trong tuyên ngôn Nhân quyền của Hoa Kỳ. Lo ngại này bắt nguồn từ lập luận rằng bị bắt buộc phải gỡ bỏ một thông tin trung thực, được đăng tải hợp pháp cũng đồng nghĩa với kiểm duyệt, kẻ thù số một của tự do ngôn luận, dù cho các phân tích đã chỉ ra các dịch vụ tìm kiếm chỉ phải gỡ bỏ đường dẫn đến một thông tin chứ không hề xoá bỏ chính thông tin đó.

Lo sợ quyền bị lãng quên đồng nghĩa với việc xoá bỏ hoàn toàn lịch sử vẫn là điều đáng lo ngại.

Và cuối cùng, chính Lary Page, đồng sáng lập của Google cũng cảnh báo rằng quyền được lãng quên có thể làm lợi cho các chính thể độc tài khi họ sẽ có lý do chính đáng để tăng cường cơ chế kiểm duyệt.

Một tương lai bất định

Đối diện với thế tiến thoái lưỡng nan này, Google đã thành lập một uỷ ban tư vấn bao gồm cả báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc về phát triển và bảo vệ quyền tự do tư tưởng và ngôn luận hay sáng lập viên của Wikipedia, nhằm tìm ra cách cân bằng giữa thực thi quyền được lãng quên và bảo vệ quyền được biết của công chúng.

Nhận thức được các tác động tiêu cực của quyền được lãng quên, chính quyền các nước Hy Lạp, Áo, Ba Lan cũng như Hội đồng châu Âu đã đề nghị toà không công nhận quyền này. Bộ trưởng Tư pháp vương quốc Anh cũng phản đối phán quyết trên bởi lý do kinh tế.

Có thể nhận thấy việc thực thi quyền này sẽ còn gặp nhiều phản đối trong tương lai...


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: