Đây là một bài phân tích và bình luận khá hay của đồng chí Bóp Quả Cam kính mến. Tôi nhặt trên soi.com.vn và dán lại ở đây làm tư liệu. Bài viết có một vài chi tiết cần cân nhắc và khảo cứu thêm. Tít tôi giật lại.
Nhìn lại lịch sử một tẹo.
Gần đây, chuyện cái giàn khoan Hải Dương 981 (xin lưu ý là “Hải Dương 981” chứ ếch có cái giàn khoan nào gọi là “HD 981” như một số báo cứ tùy tiện đăng tải) bỗng dưng cắm vào biển Đông của ta khiến con dân Việt ai cũng nhức nhối. Từ nhức nhối cho đến bức xúc, cáu giận, ai cũng muốn “em có ý kiến”, như nick một bạn đọc thân thiết của Soi lâu rồi không thấy xuất hiện nữa. Cũng từ đây, xuất hiện vô số các chiến lược gia, các nhà tư tưởng, các bạn tha thiết với tình hình… đưa ra hàng loạt các ý kiến ngõ hầu giúp cho đất nước vượt qua cái đận khó khăn này.
Em cũng chỉ là ếch ngồi đáy giếng, xin có đôi lời trình bày cùng với các bác, phân tích có mà đôi lời phản biện cũng có, với hy vọng có thể làm sáng tỏ đôi chút tình thế hiện nay trên biển Đông.
Trước hết, cần phải thấy rằng việc Trung Quốc ngang nhiên mang giàn khoan cắm xuống vùng biển của Việt Nam không phải là chuyện bỗng dưng, đột xuất mà thành nguyên nhân cơ bản của rắc rối hiện nay. Cũng không phải mấy chú chệt này hứng lên làm càn để “đáp lại” chuyến thăm của B.Obama mới đây đến 4 nước châu Á với những tuyên bố hùng hồn.
Giàn khoan Hải Dương 981, thực chất là hệ quả không tránh khỏi của một tình thế chiến lược rộng lớn mà Trung Quốc đã chủ trương từ lâu, chỉ đến thời điểm này thấy thuận tiện thì mang ra thực thi với Việt Nam là nạn nhân mà thôi.
Ở đây, phải lần ngược lại lịch sử một chút.
Các bác biết rằng trong lịch sử mấy ngàn năm của nước ta, cha ông chúng ta đã không ít lần phải sang Tàu triều cống. Nhưng luôn có 2 điểm then chốt:
1. Cha ông ta chỉ sang Tàu triều cống sau khi đã tẩn cho quân Tàu lên bờ xuống ruộng trong một cuộc chiến nào đó;
2. Không bao giờ các vua của ta đích thân đi Tàu mà chỉ cử sứ thần, cùng lắm là cử một nhân vật quan trọng sang triều cống (ngay cả vua Quang Trung oai hùng đánh cho quân Thanh xất bất xang bang nhưng cũng vẫn phải theo yêu cầu của vua nhà Thanh cử con trai sang Tàu làm con tin, và để tránh chuyện bị bắt chẹt, nhà vua bèn cử một “ông con trai” dỏm sang, vua Thanh biết là hàng fake nhưng vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt).
Quan hệ Việt-Trung thời cận đại, môi hở răng lạnh, thỉnh thoảng răng lại cắn vào môi một phát mà cú cắn đau nhất là năm 1979, tiếp đến là vụ đánh chiếm một số đảo của Việt Nam năm 1988. Nhưng đến năm 1991 thì bất chợt, Trung Quốc mời hàng loạt lãnh đạo cấp cao của Việt Nam bay sang Trung Quốc để họp bàn chuyện bình thường hóa quan hệ; đấy là cái mà sau này chúng ta biết đến dưới tên gọi là “Hội nghị Thành Đô”, dẫn tới bình thường hóa quan hệ Việt-Trung.
Biếm họa của Crazy Crab nhắc lại bức ảnh “Tank Man” với chân dung các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc: Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào
Câu hỏi đặt ra là:
Tại sao Tàu lại phải làm thế với Việt Nam, ở thời điểm đó?
Rất đơn giản. Vì Liên Xô vừa mới sụp đổ sau có một đêm. Trước đấy, trong một thời gian dài, Trung Quốc duy trì sự tồn tại bằng cách nương vào mâu thuẫn Xô-Mỹ. Nay bỗng dưng Liên Xô sụp đổ, rồi domino đến Đông Âu, Trung Quốc thấy mình trơ ra một thân cụ phải đối mặt với Mỹ quá mạnh. Thế nên nhu cầu phải tập hợp lực lượng, hình thành những liên minh mới để có thể cùng tồn tại bắt buộc phải dẫn tới sự thay đổi trong chính sách của Tàu, trước đó vẫn nghiêng theo hướng bắt nạt Việt Nam kiểu kẻ cả “ông anh” thích tẩn ông em để “dạy bài học”.
Về phía Việt Nam, bị kiệt quệ bởi mấy cuộc chiến liên tiếp, đặc biệt là dù mới rút chân ra khỏi Cambodia nhưng hệ lụy của cuộc chiến đó vẫn còn dai dẳng (chuyện sai hay không sai hoặc đúng rồi mới sai ở Cambodia là chuyện khác, không thuộc phạm vi em muốn nói ở đây), kinh tế èo uột, dân khổ kêu thấu trời, biên cương lại luôn bị quấy nhiễu, nên thấy Trung Quốc đưa tay ra là phải nắm ngay lấy cơ hội. Thật ra, do ý thức hệ, do vị trí địa lý giời bắt ở cạnh thằng Tàu nên lúc đó không có lựa chọn nào khác.
Sự khôn ngoan của Việt Nam sau hội nghị Thành Đô.
Thời gian sau đó quan hệ Việt-Trung phát triển ra sao thì các bác chắc cũng biết cả rồi. Chỉ có một điểm đáng lưu ý là Việt Nam đã tranh thủ rất tốt cơ hội khi ấy, trong thời gian trên dưới một thập niên, khi Trung Quốc vẫn tuân theo “chỉ lệnh” của Đặng là “náu mình chờ thời”, “không tiến lên hàng đầu”, để kịp ký với Tàu hai cái hiệp định cực quan trọng, là Hiệp định phân giới cắm mốc trên bộ và Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ.
Nhiều bác lâu nay vẫn chửi như đúng rồi, nói là trong hai cái hiệp định ấy, lãnh đạo Việt Nam bán đất bán biển cho Trung Cộng. Em đồ rằng nếu không nhanh tay thuyết thằng Tàu ký hai cái hiệp định ấy mà để đến bây giờ, khi Trung Quốc bắt đầu rùng rùng “trỗi dậy hòa bình”, thì còn khuya nó mới chịu ký. Mà nếu tình thế diễn ra như thế thì quả thật bây giờ Việt Nam còn đau đầu gấp bội, có khả năng mất rất nhiều, vì phải đối phó với Tàu trên cả 3 mặt trận: trên bộ, trong vịnh Bắc Bộ và ngoài vịnh Bắc Bộ (chỗ cái giàn khoan bây giờ). Không khéo chiến tranh nổ ra rồi!
Biếm họa của Kuang Biao
“Viễn giao cận công”
Đấy là nói qua về cái chuyện lịch sử. Quay lại chuyện giàn khoan thì thật ra chúng ta biết trước, ít nhất là cách đây chừng 2 năm, rằng Trung Quốc kiểu gì nó cũng kéo cái giàn khoan khủng Hải Dương 981 vào vùng biển của ta. (Cũng báo trước luôn để nếu có xảy ra thì các bác cũng đỡ bất ngờ là sắp tới kiểu gì thằng Tàu nó chả tuyên bố về “Vùng nhận dạng phòng không” trên biển Đông của ta).
Nhưng biết là một chuyện, còn có đối phó được hay không lại là chuyện khác.
Nhiều bác cứ chửi lãnh đạo mình quá câu nệ vào “4 tốt” với “16 chữ vàng”, nói là sao lại quá tin vào miệng lưỡi giảo hoạt của thằng Tàu. Xin thưa rằng chẳng có ai ngu đâu! Có tin thì cũng chỉ tin có chút xíu thôi, bởi về căn bản bản mà nói, thật ra thì Việt Nam cần mấy cái chữ choang choang đó hơn là Tàu nó cần. Chúng ta hy vọng dùng mấy cái chữ đó để “trói” thằng Tàu, không để cho nó manh động làm càn. Giống như nhà nghèo, neo đơn, ở cạnh một thằng vừa giàu nứt đố đổ vách, con đông, lại vừa đi tù về (!) nên phải nêu cao mấy chữ “hữu nghị” với hy vọng nó để yên cho mình sinh sống, làm ăn. Được một thời gian, đến lúc nó đã đạp lên mấy cái chữ đó rồi thì đành phải tính kế khác!
Sau thời gian “náu mình chờ thời”, Trung Quốc nhận thấy cơ hội ngàn năm một thuở để trỗi dậy ở thời điểm hiện nay, đó là sự suy yếu tương đối của Mỹ. Trung Quốc mở cuộc tấn công trên khắp các mặt trận, mà một trong những mặt trận tấn công chính là “xâm chiếm” nước Mỹ bằng hàng hóa. Bác nào đã từng đi Mỹ thời gian gần đây đều biết rằng ngoại trừ những cửa hàng đồ hiệu nổi tiếng ra, việc tìm được hàng hóa ở nước Mỹ mà không có xuất xứ Made in China là vô cùng khó, kể từ cái cờ Mỹ trở đi. Là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, Trung Quốc tự tin cho rằng ho một phát là kinh tế Mỹ lên cơn co giật ngay! Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm thuộc vào hàng cao nhất thế giới khiến Trung Quốc tích lũy được khoản tiền dự trữ cực khủng.
Hí họa của Michael Ramirez
Rồi vừa mua, vừa ăn cắp, vừa nhái, Trung Quốc cũng sắm được các trang thiết bị quân sự được cho là hiện đại. Nhưng cái tâm lý yếm thế sợ Mỹ vẫn còn lẩn quất nên Trung Quốc vẫn vừa chi tiền cho quốc phòng vừa run, chi nhiều nhưng nói ít, sợ Mỹ nó bực.
Với các quốc gia xung quanh, Trung Quốc vẫn tuân theo cái nguyên lý cổ xưa của Tôn Tử, đấy là “viễn giao cận công”, bẻo lẻo với thằng ở xa mà đánh đập thằng ở gần. Nhất là những thằng ở gần lại thuộc diện thấp cổ bé họng. Nên Trung Quốc mới gây hấn với Nhật ở biển Hoa Đông, bắt nạt Philippines ở bãi cạn Scarborough và kéo giàn khoan vào biển Việt Nam.
Kéo giàn khoan nước sâu vào vùng biển Việt Nam, Trung Quốc đã đi một nước chiếu bí mà chúng ta không dễ gì hóa giải. Bởi đánh thì không được (mà lấy đâu ra lực lượng để đánh, đánh có nổi không?), chưa kể nó là lực lượng dân sự, mình đánh nó là mang tiếng; mà để nó cứ ngang nhiên cắm mốc vào sân nhà mình rồi im im giải quyết như trước đây cũng không xong.
Không rõ các bác có nắm được không chứ cách đây mấy năm, cũng ở vùng biển Tri Tôn này, Tàu nó đã từng mang giàn khoan nhỏ hơn đến định cắm xuống rồi, ta cũng sử dụng tàu nhỏ, tàu của ngư dân mấy chục chiếc, quần thảo suốt một tháng trời Tàu nó buộc phải rút… Lần này rút kinh nghiệm, nó tiến hành bài bản hơn, quyết liệt hơn. Nên ta mới hơi…bí.
Cách tốt nhất hiện thời là cứ la toáng lên cái đã.
Nhiều bác đã bàn vô vàn kế sách để giúp dân, giúp nước, giúp lãnh đạo “giải quyết” cái vụ giàn khoan này.
Mới đây có một số bác còn mở hẳn một cái Hội thảo lấy tên rất máu là “Thoát Trung” (không phải em Thoát Hoan), người đến xem, nghe đông vô kể. Em đồ rằng các bác ấy chẳng qua lấy cái tên đó để “câu” người đến tham dự thôi, vì không cần đến dự cũng biết là kết quả nó như thế nào rồi. Bàn chuyện “thoát Trung” rồi đi đến kết luận rằng phải thay đổi thể chế thì có khác gì hội đồng chuột bàn chuyện thắt cổ mèo? Đấy là cái chuyện hoàn toàn thuộc phạm vi khác và các bác tổ chức hội thảo, hoặc ngây thơ, hoặc do mị dân (em cho rằng cái này là phần nhiều), mới tổ chức một cái hội thảo dớ dẩn mất thời giờ như vậy.
Hay là chơi với Mỹ?
Có bác bàn chuyện khác: hay mình quay sang liên minh với Mỹ chống Tàu? Thứ nhất là ngay cả bây giờ mình đưa ra đề nghị đó, liệu Mỹ nó có chấp nhận không? Em e là không. Nghe ông Mỹ này có ngày khố không có mà mặc. Các bác chắc còn nhớ chuyện mới đây Mỹ cũng hùng hổ “ngôn” rằng sẽ bảo vệ Philippines khi đụng độ với Tàu ở bãi cạn Scarborough, thế nhưng đến khi Trung Quốc nó làm thật thì ông Mỹ im re, còn Philippines lỡ bộ, một mình một chiến tuyến! Thứ hai là việc Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa (và phần nào cả Đài Loan) trong quá khứ là những vết sượng sùng không bao giờ có thể gột rửa được về lòng tin trong lịch sử quan hệ đồng minh của Mỹ.
Hí họa của Pohlenz về quan hệ Mỹ-Trung
Trong lịch sử, Việt Nam đã không ít lần là nạn nhân những cuộc mua bán sau lưng của các cường quốc cũng như do quá cả tin vào những lời thề thốt, hữu nghị, mồm miệng đỡ chân tay. Các bác để ý mà xem, từ khi xảy ra chuyện giàn khoan, đã thấy ông quan chức Nga chính thống nào lên tiếng một câu ủng hộ Việt Nam chưa? Hoàn toàn không có. Mà đây không phải lần đầu các bác nhá! Cuối năm 1978, Việt Nam với Liên Xô khi ấy ký Hiệp ước hợp tác hữu nghị mang tính chiến lược, đến tháng Hai năm 79, Tàu nó kéo mấy chục vạn quân vào biên giới phía Bắc, ông Liên Xô chỉ to mồm “cực lực phản đối”, còn khi Việt Nam chỉ yêu cầu Liên Xô cho vài cái tàu chiến chạy qua chạy lại ở ngoài khơi Cam Ranh (để dọa), bạn Liên Xô cũng từ chối!
Có bác quay sang bàn: hay liên minh với Nhật?
Lại là một ảo tưởng hão huyền nữa. Nhiều bác phân tích rằng giả sử Nhật với Tàu chiến ở vùng biển Hoa Đông thì kiểu gì hải quân Nhật nó cùng đè ngửa hải quân Tàu ra mà mần thịt, vì nó tập trận nhiều hơn, vì được Mỹ trang bị vũ khí tối tân hơn. Xin thưa rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu chiến theo lối thông thường thì có thể Nhật chiếm ưu thế, nhưng vĩnh viễn Nhật không bao giờ có thể chiếm được thế thượng phong, đơn giản bởi bọn Tàu có lực lượng hạt nhân răn đe, còn Nhật thì không. Đặt giả thiết kiểu đánh trận giả của trẻ con đi, là nếu vào một ngày đẹp trời, bọn Tàu sử dụng đến cái vũ khí kinh khủng ấy với Nhật thì liệu có bác nào tưởng tượng ra cảnh Mỹ sẽ vác bom hạt nhân đến ném xuống Bắc Kinh với Thượng Hải không? Khả năng đó hầu như là không thể. Cho nên có thể xin vài cái tàu tuần tra của Nhật thì được, nhưng trông vào một liên minh kiểu quân sự với Nhật để chống Tàu là chuyện hão huyền.
Hí họa của Chappatte về vai trò của Mỹ trong vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật và Trung Quốc
Dựa vào Tòa chăng?
Trong chuyện đấu với Trung Quốc, chỉ có dựa vào chính sức của mình thôi, thêm cộng hưởng với dư luận bên ngoài thì mới mong có kết quả. Tàu sẽ phải cân nhắc thiệt hơn những gì nó sẽ mất nếu bị thế giới tẩy chay hay ít nhất là nghi ngờ cái bánh vẽ “trỗi dậy hòa bình” mà nó vẫn rêu rao. Ở đây có thể thấy một bài học mới keng xà beng của Nga: sau khi sát nhập Crimea, Mỹ nó phong tỏa tài sản của hơn chục ông quan chức Nga, các bạn Nga cười khẩy vì “ông có tài sản ở nước ngoài đâu mà mày phong tỏa!”; nhưng trong quý 1 vừa rồi, bọn nước ngoài rút hơn 60 tỷ đô ra khỏi thị trường Nga! Đòn đó mới nặng và bạn Nga ngấm đòn. Với Tàu cũng phải vậy. Nếu Việt Nam có trông vào sự giúp đỡ bên ngoài thì cũng chỉ là hụ hợ, chả nên có ảo tưởng là có ông bạn nào tốt bụng sẽ cùng mình chiến với Tàu. Lớ ngớ lại gặp phải một ông “quyết đánh Tàu đến người Việt Nam cuối cùng” thì hỡi ôi!
Hí họa Của Laraby_ar về việc Nga-Trung mới ký ngày 21. 5. 2014 thỏa thuận khí đốt lịch sử với giá trị 400 tỉ USD trong 30 năm. Chú ý mặt Putin buồn rười rượi vì bị Tàu ép. Không có vụ Crimea thì cũng còn lâu…
Có bác bảo ra tòa quốc tế kiện thôi! Em nghĩ đây cũng là một cách hay. Nhưng phải chuẩn bị hết sức cẩn thận. Bởi lâu nay, cách tuyên truyền của chúng ta luôn từ cực nọ nhảy mẹ nó sang cực kia, khiến cho dân hoặc thiếu thông tin, hoặc có thông tin chỉ một chiều, nên mới cứ hào sảng tin rằng hễ ra tòa là thắng!
Không đơn giản thế đâu ạ. Tàu thì chắc nó không chịu ra tòa rồi, như đã xảy ra với thằng Philippines, nhưng ngay cả nó có chịu ra cũng mệt. Chỉ nội cái công thư của ông Đồng ký năm 1958 gửi Chu Ân Lai đã là một hớ hênh lịch sử (vào thời điểm đó) mà bây giờ, để khắc phục, đã phải ong hết cả thủ! Ta có bản đồ, ghi chép, Tàu nó cũng có, mà có khi nhiều hơn ta (có bao nhiêu bản đồ ta đã trưng ra hết rồi còn Tàu thì hiện chưa biết nó có bao nhiêu!). Ta có hiện vật, Tàu nó cũng có cả mớ, chưa biết cái nào đáng tin hơn cái nào! Ấy là chưa kể cái Tòa đó chả có hiệu lực chế tài gì, nếu thắng thì chỉ có mỗi tác dụng làm giảm uy tín của thằng Tàu chứ cũng chả bắt nó rút giàn khoan được nếu như Tàu cứ cố tình cắm ở vùng biển của Việt Nam.
Mà các bác có biết không, trong số các thẩm phán ở tòa án quốc tế La Haye chuyên lo chuyện kiện tụng liên quan đến biển đảo này, có 4 vị thẩm phán là người Trung Quốc đấy!
Vậy phải làm gì?
Thú thật với các bác là em cũng không biết! Nhưng em nghĩ thế này. Cho đến nay, đối sách của nước Việt ta với cái giàn khoan tạm thời là thích hợp. Tránh hết sức vấp phải mưu khiêu khích gây hấn của Tàu. Nhưng kiên trì bám giàn khoan, dù ở khoảng cách 7-8 hải lý, để nói với thế giới rằng đấy là vùng biển của chúng ta, thằng Tàu là quân ăn cướp chứ không phải đấy là vùng đang tranh chấp.
Nhân dịp này, chúng ta đã có cơ hội nhận rõ hơn bản mặt của ông bạn đểu này. rằng một khi lợi ích của ông bạn đểu đã trỗi dậy thì ông bạn bất chấp tất cả, mèo trắng mèo đen mèo nào cũng tốt, miễn là làm thịt được!
Chúng ta có dịp này lượng định lại những hệ quả có thể xảy ra một khi nền kinh tế của Việt Nam bớt phụ thuộc vào Tàu để có những điều chỉnh thích hợp. Lệnh cấm pháo mới đầu làm cho làng Bình Đà lao đao, nhưng sau một thời gian chuyển sang làm vàng mã lại giàu hơn!
Hí họa của The Economist về giao thương giữa Trung Quốc và Ấn Độ, cũng không khác ta là mấy…
Chúng ta cũng đã nhân dịp này nói hết những điều mà trước kia truyền thông chính thống không được phép nói, như chuyện Tàu chiếm Hoàng Sa năm 1974, đánh Gạc Ma 1988, lừa ta về công thư năm 1958 (trong tuyên bố của Chu Ân Lai mà ta công nhận, tiếng Tàu có ghi rõ tên cả Tây Sa, lẫn Nam Sa, tức Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng trong bản tiếng Anh công bố với thế giới Tàu nó lại không ghi tên mấy cái đảo này mới kinh chứ!).
Và người dân đã trở nên đoàn kết hơn, điều không có trong những ngày dzui dzẻ, bình an!
Về những lời chê trách.
Có bác phê phán ông Tổng, ông Chánh không chịu lên tiếng gì cả mà chỉ có ông Thủ lên tiếng mạnh mẽ, em nghĩ trong ngoại giao, có một nguyên tắc rất quan trọng là đồng đẳng, có nghĩa là cấp nào lên tiếng thì cấp tương đương bên kia mới lên tiếng. Việc Tập kiêm cả tổng lẫn chánh chưa lên tiếng thì không có lý gì ta phải lên tiếng ở cấp đó. Còn chuyện ông Thủ đi vào lịch sử với tuyên bố không đổi quạt mo lấy bè gỗ lim ở tít mãi đâu đâu trên rừng mà gỗ còn chưa đẵn là chuyện bình thường của một người biết làm chính trị, ở những thời điểm thích hợp.
Nhiều bác chê trách tướng Thanh của Bộ quốc phòng nhũn như chi chi trong bài phát biểu ở Shangri La, em nghĩ cũng bất công cho ông ấy. Cần phải nhớ rằng Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc chưa hề công khai lên tiếng một câu nào về chuyện giàn khoan. Ông Thanh một vai mang trọng trách gánh vác lực lượng vũ trang của quốc gia, khi một lời nói ra đều thành gươm đao cả thì lúc ấy chỉ có “chiến”, mà đấy là điều cuối cùng nên nghĩ tới với thằng Tàu đểu giả này. Vả lại, nếu như bác nào có điều kiện dự những buổi họp song phương của tướng Thanh với các Bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Nhật ở Shangri La, nghe những gì tướng Thanh nói với họ thì hẳn sẽ không đến nỗi phê tướng Thanh nặng nề đến thế! Em chắc ở ta, khi đi họp đều có phân công phân nhiệm, có phao phỏm cả chứ không phải là chuyện ngẫu nhiên đâu! Công việc chặt cầu đốt thuyền chắc không phải được phân cho tướng Thanh.
Cuối cùng, có một ý mà em thấy các bác hay đề cập, ấy là các bác hay than thở chuyện ta sao lại ở cạnh Trung Quốc, không chuyển nhà được để đến nỗi khổ thế! Chuyện này một phần trách nhiệm không thể chối cãi thuộc về các vua Hùng, nhưng theo em nghĩ, cũng không đến nỗi quá bi quan. Bởi nếu không ở cạnh thằng Tàu thì biết đâu đấy, ta lại như Sudan hay Ethiopia, Somalia, chỉ nổi tiếng về khoản nghèo mạt rệp với cướp biển, chứ đâu có nhận được những khoản trợ giúp hào phóng và hậu hĩ như từ trước đến nay đã từng (từ các nước không-phải-Tàu) chính nhờ cái vị trí ngặt nghèo đây.
Vậy thì có nên bi quan quá không về tình hình hiện nay ở biển Đông xung quanh cái giàn khoan Hải Dương 981 đang ngày đêm nung đốt tâm can những người dân Việt như em, như các bác? Em nghĩ Trung Quốc luôn nghĩ rằng nó mạnh bởi vì nó có 1,4 tỷ dân, rằng có thể lấy số đông để bù đắp cho những yếu kém chết người của nó. Nó không bao giờ hiểu rằng tổng cộng những cá thể tiểu nhân, thực dụng, yếu hèn không bao giờ tạo nên một số đông mạnh mẽ được cả.
Người Việt mình tuy ít nhưng nếu đoàn kết, thận trọng, bình tĩnh và bền bỉ, được làng xóm xung quanh hô hét ủng hộ thì kiểu gì cũng mạnh hơn mấy thằng Tàu ô dầm củ cải. Như xưa nay vẫn thế, người Việt mình không bao giờ là người rút gươm ra trước, nhưng bao giờ cũng là người tra gươm vào vỏ sau cùng!
Hí họa Nhật về chiến thắng năm 1894 của tí hon Nhật trước Tàu khổng lồ to xác.
Phần nhận xét hiển thị trên trang