Đăng Bởi -
Gia đình Lâm Bưu - Diệp Quần (tư liệu Internet)
Lúc quan hệ giữa Mao Trạch Đông và Lâm Bưu đang thời kỳ “trăng mật” - Lâm Bưu nhiều lần nâng Mao Trạch Đông lên “nóc nhà thế giới”, như nói: “Mao Chủ tịch là thiên tài vĩ đại nhất của giai cấp vô sản !” (tại Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng - Bắc Kinh 5.1966).
Đáp lại, Mao Trạch Đông tuyên bố: Lâm Bưu là người bạn chiến đấu thân thiết và là người sẽ kế tục Mao Trạch Đông làm Chủ tịch đảng. Điều ấy ghi cả vào Điều lệ mới của đảng ở phần “cương lĩnh chung” (tại Đại hội 9 Đảng CSTQ - tháng 4.1969).
Từ đó “người nhà” của Lâm Bưu bành trướng thế lực ngày một lớn, chiếm 19 ghế lãnh đạo hàng đầu tại 29 tỉnh thành toàn Trung Quốc, giành 54 vị trí làm trưởng hoặc phó của các Đại quân khu… Ảnh hưởng của Lâm Bưu cùng các diễn tiến phức tạp sau hậu trường chính trị với Mao Trạch Đông từ năm 1969 đến đầu 1971 dẫn đến mâu thuẫn giữa hai người tới mức khó hàn gắn.
Phần Lâm Bưu, dầu ngoài mặt luôn luôn chứng tỏ “kiên trì quan điểm Mao Trạch Đông là thiên tài”, cũng như hô hào “tuyệt đối phục tùng Mao Chủ tịch”, nhưng bên trong âm thầm chuẩn bị đảo chánh, nhiều lần nói với vợ mình là Diệp Quần : “Bí quyết đảo chánh ở hai chữ “quyền” và “nhanh”. Các cuộc đảo chánh hiện đại có thể đoạt quyền trong một buổi sớm. Làm đảo chánh cần trả cái giá “đoạt quyền phải nhỏ nhất, nhỏ nhất, nhỏ nhất - thu hoạch phải lớn nhất, lớn nhất, lớn nhất - thời gian thực hiện phải nhanh nhất, nhanh nhất, nhanh nhất”…
Ở vị trí Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Lâm Bưu bí mật chọn những sĩ quan cao cấp, tin cẩn trong Bộ Tư lệnh không quân và các Quân đoàn tại Thượng Hải, Vũ Hán, Nam Kinh, Hàng Châu tiến tới thành lập Hạm đội liên hợp để giao con trai mình là Lâm Lập Quả làm Tư lệnh. Lâm Lập Quả tốt nghiệp khoa Vật lý Đại học Bắc Kinh năm 21 tuổi (1967), từng được Mao Trạch Đông ưu ái gọi: “tiểu tướng dám nghĩ dám làm”. Vì Lâm Lập Quả táo bạo đưa một lực lượng quân đội dưới quyền bạt nửa ngọn núi Hoàng Dương làm vị trí đặt radar hướng về phía thủ đô Moskva của Liên Xô với khả năng phát hiện nhanh “lúc Liên Xô khởi động phóng tên lửa xuyên lục địa” vào đất Trung Quốc. Năm Lâm Lập Quả 23 tuổi (1969) tư lệnh không quân Ngô Pháp Hiến (phe Lâm Bưu) bổ nhiệm Quả làm Phó chủ nhiệm Văn phòng kiêm Phó Ban tác chiến Quân chủng Không quân và đồng ý cho phổ biến trong nội bộ một nhận định “vượt khung” về Lâm Lập Quả: “Có đủ bản lĩnh của một lãnh tụ, nay biết được rồi chúng ta phải theo suốt đời dù bão táp mưa sa cũng không lùi bước” và “Lâm Lập Quả toàn tài, toàn soái, siêu tài, xứng đáng là người kế tục thuộc thế hệ thứ 3” (ý nói sau này Lâm Bưu làm Chủ tịch đảng thay Mao Trạch Đông, khi Lâm Bưu rời vị trí sẽ đến Lâm Lập Quả kế vị). Chẳng ngờ các phát biểu trên được “người ngoài cuộc” ghi âm và chuyển đến tận tay Mao Trạch Đông. Nghe xong, Mao Trạch Đông gọi Giang Thanh và những “tùy tướng” tin cẩn đến nghe, rồi phán - đại ý:
- Các người thấy rõ chưa, tôi còn chưa chết, đồng chí Lâm Bưu chưa lên thay mà đã vội vàng lo kiếm người kế tục mình. Chẳng lẽ một đứa trẻ ngoài 20 tuổi như Lâm Lập Quả được tâng bốc lên thành siêu thiên tài, chẳng phải nó là lãnh tụ đương không bỗng mọc ra
từ nhà họ Lâm cho đảng ta à?
Mao Trạch Đông quyết định thanh trừng Lâm Bưu.
Lâm Bưu cũng không kém, đưa Lâm Lập Quả, Chu Vũ Trì, Vu Tân Dã, Lý Vĩ Tín nghiên cứu kế hoạch lật đổ Mao Trạch Đông, họp mặt bí mật tại căn hầm tòa nhà số 889 đường Cự Lộ (Thượng Hải) trong ba ngày 21 đến 24.3.1971 vạch sẵn kế hoạch mưu sát Mao Trạch Đông với tên gọi “kỷ yếu công trình 571”. Tài liệu Tân Tử Lăng tường thuật (tóm lược):
Điểm cốt yếu của kế hoạch trên là giết chết Mao bằng cách lợi dụng một cuộc họp cấp cao nào đó để “quăng mẽ lưới bắt gọn”. Hoặc “dùng các phương tiện đặc chủng như hơi độc, vũ khí vi trùng, tên lửa, máy bay ném bom”. Hoặc “dựng cảnh tai nạn ô tô ám sát bắn trực tiếp, bắt cóc để giết Mao Trạch Đông”. Soạn thảo xong, Lâm Bưu sai Lâm Lập Quả thành lập đội huấn luyện quân sự dành cho các cán bộ cơ sở, nhưng thực chất để đào tạo các phân đội cơ động có khả năng chiến đấu mạnh ở Thượng Hải để giành thế thượng phong vào giờ G. Khi hay tin Mao Trạch Đông rời Bắc Kinh để tuần du phương Nam ngày 15.8.1971 trên chuyến chuyên xa (xe lửa), Lâm Lập Quả ra lệnh:
- Hãy ra tay hạ Mao Trạch Đông tại Thượng Hải trên đường ông ta trở về Bắc Kinh trong chuyến khứ hồi bằng ba cách. Một là dùng súng phun lửa và B40 tấn công chuyên xa. Hai là dùng pháo cao xạ 100 ly chỉa nòng bắn thẳng cho cháy rụi. Ba là Vương Duy Quốc phải mang theo súng ngắn xâm nhập lên chuyên xa bắn chết Mao !.
Đến 10.9.1971, Mao Trạch Đông về tới Thượng Hải lúc 18 giờ 10 phút khi trời vừa chập tối và đêm ấy ở luôn trên chuyên xa, không bước xuống sân ga. Trưa hôm sau 11.9, bằng cách nào Vương Duy Quốc (người được giao nhiệm vụ ám sát) đã bước được lên xe lửa, ngồi vào bàn ăn trước mặt Mao Trạch Đông ?. (còn nữa)
Hồ sơ: Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay
Giao Hưởng
Ảnh: Gia đình Lâm Bưu - Diệp Quần (tư liệu Internet)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét