Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Giang Thanh “đi nhẹ vào đời”

Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay...

Đăng Bởi  - 
 Giang Thanh - Mao Trạch Đông
Giang Thanh - Mao Trạch Đông
Trường Đảng trung ương tọa lạc ở một vị trí phía đông thành Diên An (Kiều Nhi Câu) - nơi này trước kia vốn là một tòa giáo đường đã “im bóng” từ ngày Mao Trạch Đông lập “căn cứ đỏ” trong vùng…
Năm 1935, cuối cuộc vạn lý trường chinh của hồng quân Trung Hoa, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định dời căn cứ địa từ miền Đông Nam lên vùng Thiểm Bắc, đóng “bộ tư lệnh tối cao” tại Diên An. Hai năm sau, Giang Thanh 23 tuổi đến đó và vào học lớp mười hai Trường Đảng trung ương nói trên (11.1937). Học viên của nhà trường đến từ khắp nơi trong nước, kể cả những người thoát khỏi khu vực thuộc quyền kiểm soát của Quốc Dân Đảng, hoặc từ các khu căn cứ và các phương diện quân, nhưng đều phải là đảng viên Đảng Cộng sản.
Cuốn Bốn người vợ của Mao Trạch Đông nhận định việc Giang Thanh “được vào học ở trường này là một bước then chốt” trong cuộc đời của cô (bản dịch của Võ Toán dùng chữ “thị” - ở đây chúng tôi xin phép dùng chữ “cô” để chỉ Giang Thanh giai đoạn ấy).
Một buổi sáng, ban lãnh đạo Trường Đảng thông báo tất cả học viên phải có mặt tại hội trường, không một ai được vắng, để dự cuộc nói chuyện đặc biệt vào đầu giờ chiều. Cơm trưa xong, rất đông học viên đã đến sớm, sốt ruột đợi diễn giả, Giang Thanh cũng vậy, cô “chọn một vị trí nổi bật nhất ở hàng ghế trên cùng” rất dễ gây ấn tượng đối với tầm nhìn của diễn giả:
“Đúng hai giờ chiều, Chủ tịch Mao Trạch Đông mỉm cười bước lên diễn đàn. Phút chốc, tất thảy hơn ba trăm học viên vỗ tay cuồng nhiệt, hoan hô như sấm”
Giang Thanh lúc ấy cũng đứng dậy “nhìn thẳng lên diễn đàn vẫy vẫy tay, lại vỗ tay hoan hô, lại vẫy vẫy tay, lại vỗ tay hoan hô - và cố ý vỗ tay dài hơn mấy giây so với mọi người. Cô biết tỏng rằng, chỉ cần vài động tác như thế, đã đủ làm cho Mao Trạch Đông phải chú ý tới mình rồi.
Khi nghe báo cáo, cô có lúc tỏ ra như chăm chú nghe, có lúc làm ra như thể đang đắm chìm trong suy nghĩ khác; có lúc lấy giấy bút ra ghi chép lia lịa, có lúc lại hai tay chống cằm, nhìn xoáy lên diễn đàn. Sự thay đổi các tư thế ngồi đã được cô diễn xuất một cách hết sức ngoạn mục”.
Sau buổi nói chuyện của Mao Trạch Đông có lẽ Giang Thanh đã nẩy sinh “một thứ tình cảm hết sức đặc biệt”. Nên đêm hôm ấy, Giang Thanh đã viết cho Mao Trạch Đông bức thư đầu tiên. Cô bảo rằng qua buổi nói chuyện của Mao Trạch Đông cô đã gặt hái bài học sâu sắc,  đồng thời bày tỏ những ấn tượng không quên về hình ảnh của Chủ tịch, nói rõ lai lịch của mình từ lúc xuất thân nghèo khổ, phải tự kiếm sống trên sân khấu và tìm đến cách mạng như thế nào. Cuối thư, Giang Thanh bảo trình độ lý luận của mình còn quá sức non nớt, tâm trí vướng mắc nhiều câu hỏi chưa được ai giải đáp và xin gặp Mao Chủ tịch để thọ giáo, thư viết: “Cháu nghĩ thế nào Chủ tịch cũng hoan nghênh cháu (năm ấy Giang Thanh 23 tuổi, Mao Trạch Đông 44 tuổi - GH). Chủ tịch là một người vĩ đại luôn coi trọng mối quan hệ với quần chúng (…) nếu được Chủ tịch chấp thuận thì đến 3 giờ chiều ngày kia, chủ nhật - cháu xin được đến chỗ Chủ tịch”.
Chủ nhật ấy, Giang Thanh đến gặp Mao Trạch Đông. Đó là lần gặp mặt thứ hai sau hôm dự buổi diễn giảng của Mao Trạch Đông tại Trường Đảng trung ương. Ban đầu Mao Trạch Đông chưa có ấn tượng sâu đậm lắm với cô gái xinh đẹp và quá bạo dạn như Giang Thanh. Chỉ đến khi Giang Thanh xuất hiện trước mắt Mao Trạch Đông không phải ở ngoài đời mà trên sân khấu, Mao Trạch Đông mới thật sự để ý đến “cô diễn viên”  đã đơn phương tìm đến căn hầm làm việc của mình chiều chủ nhật nọ.
Đó là hôm Giang Thanh diễn xuất trong buổi dạ hội do Học viện nghệ thuật Lỗ Tấn mở tại Diên An với vai Tiêu Quế Anh trong vở Kinh kịch “Đánh cá giết cả nhà”. Hôm ấy “người đồng hương Sơn Đông của cô là Khang Sinh ở bên dưới sân khấu đánh trống trợ oai, hết lời tán dương khen ngợi. Vệ sĩ trưởng của Mao là Lý Ngân Kiều sau này nhớ lại: lúc ấy cô ta hát rất hay, bọn chúng tôi cứ đối xử với cô như đối với một ngôi sao thực thụ. Một số danh nhân trong giới văn nghệ hiện nay hồi đó hoạt động ở Diên An không có ai nổi danh bằng Giang Thanh. Vở “Đánh cá giết cả nhà” mà cô biểu diễn các thủ trưởng ở trung ương đều thích, Mao Trạch Đông cũng thích”.
Đối với Giang Thanh, buổi diễn thành công cả hai phương diện: nghệ thuật diễn xuất lẫn “gây hương nhớ” trong tâm Mao, là nhờ có Khang Sinh giúp sức: “Khang Sinh vốn họ Trương (…) từng là “Trương đại thiếu gia” nổi tiếng ở huyện Gia Thành, từ Liên Xô về nước hồi cuối năm 1927 giữ vị trí lãnh đạo Ban tổ chức Trung ương, người hơi gầy, cơ mưu, chớt nhã (…) năm 41 tuổi Khang Sinh đã từng làm chuyên gia cảnh sát mật, lợi dụng điều kiện là cán bộ lãnh đạo Ban tổ chức Trung ương rất nhanh chóng đã trở thành cánh tay đắc lực của Mao Trạch Đông”.Ông ta để ý đến Giang Thanh “ra sức lôi kéo giúp đỡ người đồng hương để mở rộng thế lực”(là cố vấn của nhóm Giang Thanh trong “Đại cách mạng văn hóa vô sản” sau này).
Dạo ấy, dần dần Giang Thanh đã từ sân khấu “bước rất nhẹ” vào tầm mắt và ký ức của Mao. Để rồi, gần ba thập niên sau, Giang Thanh cũng từ cánh cổng của văn nghệ bước thẳng vào hoạt động chính trị cạnh Mao Trạch Đông bằng đợt phê bình một số tác phẩm như “Hải Thụy bãi quan”, mở đường cho cuộc sát phạt các vị “khai quốc công thần” trên chính trường Trung Quốc từ giữa thập niên 1960 trở đi… (còn nữa)
Giao Hưởng

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: