Đừng bao giờ mất cảnh giác trước bẫy mỹ nhân của Trung Quốc!
FB Mạnh Kim
Vụ một viên chức GlaxoSmithKline bị sập bẫy mỹ nhân tại Trung Quốc (BBC 30-6-2014) đã cho thấy đòn mỹ nhân kế, dù xưa như Trái đất, vẫn không chỉ còn tồn tại mà luôn được sử dụng hiệu quả tại Trung Quốc.
Cách đây vài năm, Cơ quan tình báo Anh MI5 đã cảnh báo giới doanh nghiệp nước mình về sự bùng nổ hoạt động mỹ nhân kế từ Trung Quốc. Báo cáo 14 trang mang tựa “Mối đe dọa từ tình báo Trung Quốc” được MI5 soạn năm 2008 và gửi đến hàng trăm ngân hàng, thể chế tài chính và doanh nghiệp Anh, bị rò rỉ đầu năm 2010, có đoạn rằng: “Hoạt động tình báo Trung Quốc được biết có khả năng khai thác những điểm yếu nhạy cảm chẳng hạn quan hệ tình dục và lấy đó làm sức ép để nạn nhân buộc phải hợp tác với họ”.
Có lửa mới có khói. Cuối năm 2009, nguyên phó thị trưởng London, Ian Clement, thừa nhận rằng ông đã bị một đòn mỹ nhân kế đau điếng. Đến Bắc Kinh cùng viên chức đặc trách tổ chức Thế vận hội Tessa Jowell để xây dựng quan hệ đầu tư cho việc tổ chức Thế vận hội hè 2012 tại London, Ian Clement quen với một em chân dài quyến rũ tại một buổi tiệc trong đêm khai mạc Thế vận hội hè 2008 tại Bắc Kinh. Thấy cô gái thân mật và dễ dãi, Ian Clement mời lên phòng riêng và cuối cùng… bất tỉnh! Khi tỉnh dậy vài tiếng sau, nạn nhân phát hiện cô gái đã xới tung tài liệu cất trong cặp và thậm chí còn tải dữ liệu từ chiếc điện thoại BlackBerry của ông…
Tháng 7-2008, tờ Sunday Times cho biết, một tùy viên (giấu tên) của (nguyên) Thủ tướng Gordon Brown đã bị tình báo Trung Quốc gài bẫy bằng mỹ nhân kế. Tháp tùng cùng Thủ tướng Anh trong chuyến công du Trung Quốc (trong đó có các cố vấn đối ngoại, viên chức môi trường và mậu dịch cùng 25 lãnh đạo doanh nghiệp…), đương sự thuật rằng mình bị gài bẫy khi đến Thượng Hải. Tối hôm đó, khoảng hơn 10 viên chức Anh đến dự tiệc tại vũ trường trong một khách sạn. Tại đó, đương sự được một cô gái Trung Quốc đến mồi chài rồi cuối cùng “nạn nhân” không dằn lòng nỗi đã đưa cô gái lên phòng riêng. Sáng hôm sau, đương sự phát hiện chiếc điện thoại BlackBerry của mình không cánh mà bay.
Lịch sử tình báo thế giới cho thấy Trung Hoa là tay tổ về mỹ nhân kế. Chẳng phải tự nhiên mà Tôn Tử đã đưa “mỹ nhân kế dụng” vào Binh Pháp, với mức độ lợi hại và hiệu quả của nó ngang ngửa những kế khác trong bộ “tam thập lục kế”, từ “Minh tri cố muội” (biết rõ làm như không biết); “Vô trung sinh hữu” (không có mà làm thành có); “Di thể giá họa” (dùng vật gì để vu khống); đến “Ámđộ trần sương” (đi conđường không ai nghĩ đến)… Vụ án Bernard Boursicot và tay gián điệp Thì Bội Phác (Shi Pei Pu) là một trường hợp kinh điển. Chi tiết oái ăm đến mức mỉa mai trong vụ này là họ Thì là một gã đàn ông với trình độ cao thủ đến mức đã lừa Boursicot cả 20 năm mà nạn nhân vẫn không biết!
Sinh năm 1944, Boursicot là nhà ngoại giao Pháp, gặp Thì lần đầu tiên khi làm việc tại Tòa đại sứ Pháp ở Bắc Kinh năm 1964. Lúc đó Boursicot 20 còn “nàng” 26 tuổi. Thì Bội Phác “nổ” mình là con một cố giáo sư đại học và “nàng” từng tốt nghiệp khoa văn Đại học Côn Minh. Về việc tại sao luôn vận trang phục nam, Thì tâm sự rằng mình thật ra là “phận gái” nhưng mẹ thích cho mặc đồ con trai bởi gia đình đã có hai con gái trong khi bố Thì luôn ao ước sinh được mụn con trai… Sau cuộc gặp tại tiệc chiêu đãi của Tòa đại sứ Pháp, hai người bắt đầu hẹn hò và gặp nhau nhiều lần rồi cuối cùng yêu nhau. Những màn yêu đương vụng trộm của họ đều xảy ra chóng vánh, luôn trong bóng tối; và Boursicot luôn nghĩ rằng tại Thì mắc cỡ nên ngại phơi bày cơ thể do ảnh hưởng của yếu tố văn hóa truyền thống Trung Hoa.
Năm 1965, Thì “e thẹn” và “lo lắng” khi báo cho Boursicot biết mình… mang thai rồi “hạ sinh” một bé trai mà Boursicot đặt tên là Bertrand. Suốt một thập niên sau, hai người tiếp tục quan hệ khi Boursicot chuyển từ nơi làm việc đến nơi khác khắp Đông Nam Á. Việc gặp Thì càng lúc càng khó khăn khi Trung Quốc xảy ra cuộc Cách mạng Văn hóa. Thế rồi ngày nọ, Boursicot được một người Hoa tên Khang Sinh đến đề nghị tạo cơ hội để Boursicot gặp Thì, với điều kiện tuồn tài liệu cho mình. Boursicot không biết rằng Khang Sinh là một tay gộc trong tình báo Trung Quốc. Họ Khang còn dọa rằng tính mạng Thì đang như chuông treo mành chỉ và càng chậm trễ càng khó cứu được “nàng”…
Năm 1979, Boursicot được triệu hồi về Pháp và mất liên lạc với Thì. Năm 1982, Boursicot móc nối lại được người tình và dùng mối quan hệ ngoại giao của mình để nỗ lực đưa Thì cùng “cậu con trai” Bertrand 16 tuổi trốn khỏi Trung Quốc. Sự có mặt công dân Trung Quốc trong gia đình một cựu viên chức ngoại giao Pháp khiến cộng đồng phản gián Pháp nghi ngờ. Thế là Boursicot được thẩm cung và cuối cùng thú nhận việc chuyển ít nhất 150 tài liệu mật cho Thì. Năm 1983, Boursicot và Thì bị bắt, tội làm gián điệp cho Trung Quốc. Tại phiên xử, Boursicot tự bào chữa rằng mình buộc phải chuyển tài liệu cho Thì để Thì có thể bảo vệ được mạng sống.
Cho biết chỉ vì yêu mình và thương cậu con trai nên Thì phải chấp nhận mạo hiểm tính mạng, Boursicot đã không thể tin vào lời công tố viên khi họ phanh phui rằng Thì thật ra là một gã đàn ông, cho đến khi tận mắt thấy “bằng chứng”. Boursicot sốc đến mức định tự tử trong tù. Đứa con Bertrand (được Thì đặt là Shi Du Du) thật ra, như chính đương sự khai với nhà chức trách Pháp, là con của một gia đình thuộc khu tự trị Duy Ngô Nhĩ và được mẹ ruột bán đi do gia đình quá nghèo (hiện Bertrand có gia đình riêng với ba con trai). Boursicot và Thì bị xử 6 năm tù.
Tháng 4-1987, sau gần một năm thụ án, Thì được Tổng thống François Mitterrand ân xá, do Pháp lo ngại quan hệ với Trung Quốc có thể gặp trở ngại. Bốn tháng sau, đến lượt Boursicot ra tù. Sau khi được tha, Thì tiếp tục sống ở Paris và kiếm sống bằng nghề ca sĩ opera. Phần mình, Boursicot gần như không liên lạc với “người tình” cũ sau khi vụ việc đổ bể. Ngày 30-6-2009, Thì mất. Khi nhận được tin Thì từ trần, Boursicot nói: “Ông ấy đã làm nhiều điều phản lại tôi mà chẳng hề tỏ ra ân hận. Tôi thấy thật ngốc nếu bây giờ diễn thêm một tuồng kịch nữa khi bày tỏ rằng mình buồn. Chẳng còn gì để nói nữa cả. Tôi thấy mình thật sự tự do”… Câu chuyện của họ không chỉ trở thành một trong những vụ án kinh điển nhất lịch sử tình báo mỹ nhân kế, mà còn được “bất tử hóa” trong vở kịch M. Butterfly được dựng trên sân khấu Broadway được viết bởi kịch tác gia người Mỹ gốc Hoa Hoàng Triết Luân (được giải kịch nghệ danh giá Tony năm 1988 hạng mục kịch bản xuất sắc); rồi được dựng thành phim năm 1993 với đạo diễn David Cronenberg và diễn viên Jeremy Irons, John Lone…
Nhắc lại vài chi tiết để thấy rằng, đừng bao giờ mất cảnh giác trước bẫy mỹ nhân của Trung Quốc, với doanh nhân đã buộc phải thế rồi và với chính trị gia càng phải cẩn trọng gấp nhiều lần. Dính đòn này của chúng chỉ có nước từ chết đến bị thương!
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét