Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

Liệu có phải hậu duệ Chu Nguyên Chương?

Quê cha đất tổ của trùm “mafia” Chu Vĩnh Khang

cuvinhka0606

Trùm “mafia” Chu Vĩnh Khang

Quê cha đất tổ của trùm “mafia” Chu Vĩnh Khang
Lý Anh

Chu Vĩnh Khang là một trong chín tên trùm “mafia” từng thống trị trên tỉ dân Tàu từ năm 2002 đến 2012 với danh nghĩa là Ủy viên thường vụ Bộ chính trị, Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Khi ông ta không còn là trùm “mafia”, lập tức bị đồng bọn đứng đầu là Tập Cận Bình quy kết tội tham ô, cướp đoạt tài sản của dân Tàu và nhà nước, hiện đang ngồi chờ ngày xét xử. Tuy nhà cầm quyền Trung Cộng chưa chính thức công bố tội trạng của ông ta, dư luận vẫn bàn tán xôn xao. Còn có nguồn tin, tương lai Chu Vĩnh Khang sẽ lãnh bản án tử hình.

Gia tộc họ Chu

Quê cha đất tổ của trùm “mafia” Chu Vĩnh Khang ở thôn Tây Tiền Đầu, thành phố Vô Tích, trực thuộc tỉnh Giang Tô. Họ Chu vốn là dòng họ nghèo nhất thôn này, nhờ Chu “đắc đạo”, đã biến từ một dòng họ nghèo xơ xác trở thành vinh hoa phú quý. Gặp người nhà họ Chu, dân Tàu trong thôn đều khép nép lo sợ.
Từ Vô Tích đi về hướng đông khoảng 20 cây số, đến ngã tư giữa hai con đường Tích Sơn và Hậu Đông, có thể nhìn thấy tảng đá cẩm thạch cao hơn 2 mét trên khắc 4 chữ “Tây Tiền Đầu Thôn” sơn màu đỏ. Sau khi vào thôn, đi bộ về hướng tây khoảng 3 phút, nhìn thấy một giòng sông nhỏ, trên bờ có một tòa biệt thự 2 tầng lộ rõ màu đen trắng. Đó là nhà thờ tổ nằm trong khuôn viên nhà họ Chu nổi tiếng khắp nước Tàu. So với các ngôi nhà khác trong thôn Tây Tiền Đầu, dinh thự anh em nhà họ Chu cao to hơn gấp nhiều lần.
Toàn bộ khu khuôn viên rộng trên 10.000 mét vuông, từ đông sang tây chia thành 3 khu vực, thuộc quyền sở hữu của 3 anh em họ Chu. Dinh thự trong khuôn viên này kiến trúc theo truyền thống người Giang Nam. Trong khuôn viên có hai cây cổ thụ cao sừng sững, nhìn lên mái nhà có thể đánh giá chủ nhà thuộc vào loại giàu sang phú quý. So với hai người em, dinh thự của Chu Vĩnh Khang càng hào hoa phong nhã. Dinh thự này nằm sâu phía trong khuôn viên, cửa đóng kín mít. Bốn góc đều có những khóm trúc quanh năm xanh tươi, gần đây không có người chăm nom, đã ngả màu vàng úa.
Đứng trước khu biệt thự của Chu Vĩnh Khang, nhìn thấy xung quanh tường có ít nhất 8 máy quay hình giấu kín và 16 máy do thám bằng hồng ngoại tuyến. Theo lời kể của cư dân trong vùng, những máy móc trên có từ ngày mới xây xong tòa biệt thự. Công an địa phương còn tịch thu nhà ở của một người dân ở đầu làng dùng làm nhà canh gác, trong có nhiều loại máy móc tinh vi và hiện đại, biết được kẻ nào xâm nhập vào khuôn viên nhà họ Chu, đặc biệt là khu dinh thự của trùm “mafia” Chu Vĩnh Khang.
Phía sau khuôn viên nhà họ Chu, là khu mồ mả của tổ tiên, ông cha họ Chu. Khu mộ này rộng trên 1.500 mét vuông, cây cối xum xuê, trông thật là đồ sộ. Trong khu mộ dựng 5 tấm bia đá, tấm lớn nhất ở giữa khắc dòng chữ mạ vàng: “Chu môn liệt tổ liệt tông chi mộ”, phía dưới góc trái khắc mấy dòng chữ nhỏ hơn: “Chu Nguyên Căn, Giả Hiểu Hoa, Chu Nguyên Hưng… cùng toàn thể con cháu kính dựng”, và ngày tháng dựng bia là “tháng 09/2011”. Bên cạnh có hai tấm bia ghi tên Chu Nguyên Căn và Vương Thục Hoa dựng bia năm 1990 và 1999.
Chu Nguyên Căn là tên của Chu Vĩnh Khang thời chưa thành đạt. Vương Thục Hoa là người vợ đầu tiên của ông ta, bạn cùng học ở Học viện Dầu khí Bắc Kinh. Sau khi kết hôn, họ sinh được 2 trai, 1 gái là Chu Bân, Chu Hàn và Chu Linh Anh. Bà là người luôn phiền lòng trước thói trăng hoa của chồng, đã chết bất ngờ trong một vụ tai nạn giao thông bí ẩn. Sau cái chết của bà, Chu Vĩnh Khang làm đám cưới với Giả Hiểu Hoa, cháu vợ Giang Trạch Dân. Các con đều phản đối đám cưới này, nhưng lại đem đến cho Chu Vĩnh Khang càng nhiều quyền lực.
Theo lời kể của một người dân trong thôn, 20 năm trước họ Chu bắt đầu tin phong thủy. Thập niên 90 của thế kỷ 20, khi Chu còn làm phó Tổng giám đốc dầu khí, một vị hòa thượng nói với ông ta, khuôn mặt của ông tướng số oai phong, nhưng vị thế của ngôi mộ tổ không đúng chỗ, suốt đời chỉ làm đến chức phó. Chu Vĩnh Khang lập tức đánh điện thoại về bảo các em sửa lại mồ mả của tổ tiên. Bên cạnh mồ mả của tổ tiên, có một cái hồ rộng lớn nước quanh năm trong xanh, thầy phong thủy nói cái hồ này đã ngăn cản con đường công danh của ông ta. Chu Vĩnh Khang lập tức hạ lệnh lấp cái hồ đó. Từ đó ông ta ngày càng thăng quan tiến chức, không bao lâu trở thành một trong chín tên “mafia” thống trị trên tỉ dân Tàu với cương vị là nhân vật thứ 2 trong Ban Thường vụ Bộ chính trị ĐCSTQ, chỉ đứng sau Hồ Cẩm Đào. Từ đó ông ta tha hồ tham ô cướp đoạt tài sản của dân Tàu. Sau khi Chu Vĩnh Khang bị bắt giữ để điều tra, lúc khám xét nhà của ông ta, khám phá “mafia” Chu và người thân sở hữu số tiền, vàng, cùng các tài khoản nội ngoại tệ, tổng cộng lên tới 16 tỉ Mỹ kim.
“Mafia” Chu Vĩnh Khang bị bắt về tội tham ô
Theo tờ South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam buổi sáng) phát hành ở Hương Cảng, đầu tháng 08/2013, trong cuộc họp kín ở khu nghỉ mát Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc, nhóm trùm mafia tại chức và nghỉ hưu, từng ủng hộ quyết định điều tra tội tham nhũng của Chu Vĩnh Khang. Đêm 04/12, tờ Minh Kính xuất bản tại Hương Cảng cũng đưa tin, chiều tối 01/12, Lênh Chiến Thư, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương ĐCSTQ đã dẫn theo các nhân viên an ninh tới nhà Chu Vĩnh Khang đọc lệnh bắt, Chu Vĩnh Khang nghe tin ngất tại chỗ. Vợ của Chu Vĩnh Khang là Giả Hiểu Diệp cũng bị bắt cùng chồng.
Thông tin Chu Vĩnh Khang bị bắt còn được một tờ báo Đài Loan đăng tải đầu tiên vào sáng sớm ngày 02/12, nội dung cho hay ngày 01/12 Trung ương ĐCSTQ đã quyết định bắt Chu Vĩnh Khang vì tội tham ô, hủ bại.
Tối 02/12, tờ Singdao Daily phát hành tại Hương Cảng đăng bài báo nhan đề “Một sự kiện quan trọng”, còn cho biết, Chu Vĩnh Khang bị bắt vì có âm mưu đảo chính và hủ bại, đồng thời có vấn đề nghiêm trọng về chính trị, kinh tế và tác phong.
Tờ báo này còn đưa tin, ngày 04/12 Vương Kỳ Sơn công bố trước hội nghị Bộ chính trị ĐCSTQ về tiến triển của vụ Chu Vĩnh Khang, trong đó nói Chu Vĩnh Khang đã vi phạm 4 vấn đề nghiêm trọng: Một là chiếm đoạt tài sản và hủ bại. Hai là thông qua việc khống chế Bạc Hy Lai thực hiện âm mưu đẩy Bạc Hy Lai leo cao để làm con rối chính trị. Ba là tìm cách thay thế vai trò Giang Trạch Dân ở hậu trường. Tội nghiêm trọng thứ 4 là, Chu Vĩnh Khang đã lên kế hoạch ám sát Tập Cận Bình sau khi Tập được xác định là người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào. Ngoài ra, Chu Vĩnh Khang còn phạm tội đã chỉ thị cho Quách Vĩnh Tường, Phó Tỉnh trưởng Tứ Xuyên, từng là Thư ký riêng của Chu, hạ lệnh cho 2 cảnh sát vũ trang lái xe tông chết vợ cũ là bà Vương Thục Hoa. Hai viên cảnh sát này đã bị bắt vài tháng trước và khai ra sự thật. Chu Hàn, con trai thứ hai của Chu Vĩnh Khang, vì việc mẹ mình bị sát hại đã tuyên bố đoạn tuyệt quan hệ cha con.
Khi khám xét nhà Chu Vĩnh Khang, ban điều tra phát hiện ông ta và người thân sở hữu số tiền, vàng, cùng các tài khoản nội ngoại tệ, tổng cộng lên tới 16 tỉ Mỹ kim.
Ngày 29/03, tờ Oriental Daily News (Đông phương Nhật báo) và một số báo mạng đã đăng tải thông tin cho biết: các phóng viên đã có được bản Thông báo nội bộ của “Tổ chuyên án Chu Vĩnh Khang và gia đình” thuộc Ủy ban Chính trị – Pháp luật Trung ương về “Danh mục kiểm kê khám nhà” Chu Vĩnh Khang.
Bản Thông báo cho biết: Trong các ngày 02/12/2013, 10 và 22/01/2014, Viện Kiểm sát 7 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương là Bắc Kinh, Liêu Ninh, Giang Tô, Sơn Đông, Thượng Hải, Quảng Đông đã ra lệnh khám xét 29 khu nhà ở của gia tộc Chu Vĩnh Khang. Kết quả: Chu Vĩnh Khang và những người thân (vợ con, anh em) có tổng cộng 326 căn nhà với tổng trị giá 1 tỉ 760 triệu nhân dân tệ ở 12 thành phố.
Sau khi khám xét đã thu giữ 47,850 ký vàng, bạc; số lượng rất lớn tiền mặt gồm hơn 150 triệu nhân dân tệ, hơn 2 triệu 700 ngàn Mỹ kim, hơn 660 ngàn Euro, 110 ngàn Bảng Anh, 550 ngàn Franc Thụy sĩ (CHF). Ngoài số tiền, vàng, các nhân viên điều tra còn thu giữ số lượng lớn đồ cổ, 55 tranh, thư pháp quý, tổng trị giá ước tính từ 800 triệu đến 1 tỉ nhân dân tệ; 62 xe hơi các loại trong đó có cả xe quân sự và nhiều loại xe đắt tiền.
Nghiêm trọng hơn, họ đã phát hiện Chu Vĩnh Khang và người thân tàng trữ trái phép cả “kho vũ khí” gồm 27 khẩu súng: 15 khẩu súng ngắn K76, K96, K99 do Trung Quốc sản xuất, 12 khẩu súng ngắn của Đức, Nga, Anh, Bỉ và hơn 11 ngàn viên đạn các cỡ.
Các nhân viên điều tra còn phong tỏa 947 tài khoản tiền Trung Quốc, 117 tài khoản tiền ngoại quốc đặt tại 133 ngân hàng với tổng trị giá hơn 37,7 tỉ nhân dân tệ. Người ta còn thu giữ số cổ phiếu các ngành dầu khí, hàng không, ngân hàng, sản xuất rượu trị giá 51,3 tỉ nhân dân tệ và cổ phiếu nước ngoài trị giá 170 triệu nhân dân tệ. Theo thống kê bước đầu, tổng số của cải mà Chu Vĩnh Khang và gia tộc vơ vét được đã lên tới 16 tỉ Mỹ kim.
Thông báo này cho rằng, Chu Vĩnh Khang là kẻ cầm đầu Tập đoàn thế lực đen tối lớn nhất kể từ khi thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (1949). Từ tháng 02/2014, vụ án Chu Vĩnh Khang đã chuyển sang cơ quan tư pháp xử lý.
Tuy vụ án chưa được chính thức công bố, nhưng các nhà phân tích cho rằng, với phạm vi ảnh hưởng, những tội gây nguy hại cho xã hội, Chu Vĩnh Khang sẽ phải đối mặt với bản án tử hình.
Tính đến nay, 313 người liên quan đến vụ án tham ô của Chu Vĩnh Khang, gồm người thân trong gia tộc, quan chức trong hệ thống Dầu khí, hệ thống Chính Pháp, quan chức ở Tứ Xuyên, đã bị bắt.
Theo Oriental Daily News, Trung Quốc trì hoãn công khai vụ án nghiêm trọng Chu Vĩnh Khang có một số lý do: Thứ nhất, đang nghiên cứu xem có đưa từ “Tập đoàn” vào tên vụ án này hay không. Có ý kiến nên đặt tên là “Vụ án tập đoàn tham nhũng Chu Vĩnh Khang” và định tính là “Tập đoàn tham nhũng lớn nhất kể từ khi năm1949 đến nay”. Thứ hai, Chu Vĩnh Khang kiên quyết chống lại công tác điều tra của Ủy ban Kiểm Tra Kỷ Luật trung ương. Hiện Chu Vĩnh Khang đang bị giam ở Thiên Tân, trong thời gian bị điều tra đã kiên quyết không hợp tác, thậm chí đã uống thuốc độc định tự sát, may mà nhân viên quản lý phòng giam phát hiện được, kịp thời đưa đến bệnh viện súc ruột mới thoát chết.
Lý Anh
Bài nhận qua eMai từ NK


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: