Nguyễn Hùng
Cuộc sống con người, loài động vật cấp cao nhất trên trái đất, đã trải qua nhiều ngàn năm tồn tại đến nay không ngoài hai nhu cầu: nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần.
Với nhu cầu vật chất: Đơn giản nhất là làm sao có cái gì ăn để sống qua ngày rồi đến việc tìm kiếm, chế biến những cái ăn ngày càng ngon, bổ hơn.
Cơ thể con người có nhu cầu cần che chở để có thể sống được, nên cần những vật dụng như quần áo, nhà cửa…; từng bước từ thô sơ, đơn giản, đến phức tạp; ngày càng thẩm mỹ hơn.
Để giúp con người đi lại vui chơi hay buôn bán, các phương tiện đã được phát triển và hoàn thiện không ngừng.
Với nhu cầu tinh thần: các bộ lạc, làng xã, quốc gia đã hình thành, tôn trọng những chuẩn mực mà con người lấy đó làm thước đo tốt xấu; được xã hội tôn vinh hay nguyền rủa với mức độ khác nhau.
Ngày nay, đã có những chuẩn mực về đạo đức, cống hiến nền tảng được mọi người thừa nhận.
Chẳng hạn về chuẩn mực đạo đức làm người; ai ai cũng đều thừa nhận rằng: ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây.
Về chuẩn mực tinh thần đóng góp cho xã hội: một người sẽ có công trạng càng lớn nếu đóng góp của họ càng lớn.
Đây là bài học vỡ lòng mà phàm là con người thì ai ai cũng phải biết!
Con người sẽ cảm thấy càng hạnh phúc nếu việc làm của mình không trái với đạo đức và sự cống hiến của mình càng lớn.
Có những việc làm của con người có thể được xem như bất hạnh nhất.
Ví dụ: Việc mình làm có hại cho tổ quốc, dân tộc!
Tại sao việc mình làm có hại cho tổ quốc dân tộc được xem như việc làm bất hạnh nhất?
Mọi người chúng ta đều thừa nhận rằng: đất nước có được là do sự hy sinh, đóng góp của biết bao thế hệ ông cha mới có được như ngày hôm nay; do đó, nếu ai đó không thấy được điều này thì rõ ràng họ không có trí tuệ. Nếu họ có trí tuệ mà vi phạm điều này thì ắt là họ vi phạm điều đạo đức căn bản được mọi người thừa nhận là: “ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây”.
Một khi điều đạo đức căn bản này bị vi phạm thì không ai còn dám nhận mình là bạn bè với họ; và lại càng không dám nhận mình là người thân với họ!
Lịch sử dân tộc Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới đã chỉ ra điều đó.
Ai là người dân Việt Nam dám nhận mình là hậu duệ của Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc?!
Có những quân mãi quốc cầu vinh hiện nay tuy chưa được sử sách chính thống ghi chép, vì nhiều lý do, nhưng đừng lấy đó làm mừng! Lưới trời lồng lộng! Lịch sử sẽ rất công bằng và các vị không thể trốn thoát được đâu, đừng có ảo tưởng.
Quả thật không có gì bất hạnh hơn, khi những người thân của mình không dám nhận mình là thân nhân của họ và mình bị đất nước đời đời nguyền rủa!
Hãy nhìn gương của Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc thì biết đấy!
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét