Giới thiệu bài viết của một người làm nghệ thuật không hề quan tâm đến chính trị, trong tình hình căng thẳng giữa biển Đông.
Họa sỹ thiết kế thời trang Lê Thanh Phương: Ghi chú này chỉ là những suy nghĩ cá nhân của tôi, cách nghĩ cũa một họa sĩ nghĩ về lòng yêu nước và chiến tranh, mong ban bè và mọi người không suy diễn ra ý khác ngoài những tâm tư thể hiện trên câu chữ. Tôi xin cảm ơn!
*
Gia đình tôi là gia đình cách mạng chứ không phải là “gia đình có truyền thống cách mạng” như ngôn ngữ đại chúng hay sử dụng. Vì sao mà tôi nói thế?! Vì ông ngoại, dì tư, cậu năm, cậu bảy đã hy sanh vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước (cụm từ này tôi lấy nguyên văn từ 04 tấm bằng công LIỆT SĨ của bốn người thân). Chưa hết, mẹ là thương binh, anh là thạc sĩ y khoa – trung tá quân đội NDVN đang tại ngũ. Nói chung tất cả đều tham gia cách mạng và có công với nước nhà. Ai cũng dính vào chữ SĨ. Chết rồi thì làm LIỆT SĨ. Còn sống thì làm BÁC SĨ (cậu tám còn sống nên sau khi cách mạng đã cướp được chính quyền từ tay của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, bán nước, hại dân đã xếp vũ khí tiếp tục chuyện học hành để tốt nghiệp y khoa và thành bác sĩ), sau hai đứa con của cậu là Đỗ Quang Trung & Đỗ Thúy Vân cũng đỗ y khoa và thành bác sĩ. Các bạn đừng nôn nóng vì sao tôi khoe khoang về gia đình tôi nhiều SĨ đến như vậy? Vì tôi cũng là SĨ nhưng không phải là LIỆT SĨ, BÁC SĨ, mà là HỌA SĨ…
Khi tôi lớn lên, đất nước không còn chiến tranh nữa. Tuy nhiên tôi vẫn luôn nghĩ, nếu chiến tranh chưa chấm dứt, chắc chắn tôi cũng tiếp bước cha anh để được nhận tấm bằng LIỆT SĨ vẻ vang rồi!
Sau chiến tranh nhà tôi chết gần hết, nên đất đai dư ra so với nhân khẩu còn sống, vì thế đã hiến cho nhà nước. Bởi đó là thời hợp tác xã, đất là của chung, nhà nào nhiều đất không bị đấu tố vì tội địa chủ cường hào ác bá, thì cũng bị lấy để chia đều cho dân. Vì sứ mệnh cao cả của cách mạng là phân phối lại tài sản của kẻ giàu chia cho người nghèo, ai ai cũng đến trường, nhà nhà cơm no áo ấm.
Nhưng nhà tôi lúc ấy chỉ còn lại trẻ con và đàn bà thì không hề no, không hề ấm, bởi trai tráng có sức khỏe đã đi theo tiếng gọi của non sông, hy sanh hết rồi còn đâu?!? Đất đai hiến hết, đơn giản vì lý do: gia đình cách mạng phải làm gương. Nên những năm tháng bắt đầu hòa bình, đói và nghèo thường trực trong gia đình tôi. Đến tuổi trưởng thành, tôi chỉ cao 1m69, nếu được sinh trong thời này, hẳn rằng tôi sẽ là anh họa sĩ cao 1m79 rồi.
Khi tôi chọn trường đai học mỹ thuật để thi, ai cũng hỏi sao không học bác sĩ như truyền thống gia đình? Thiệt tình mà nói, tôi học dốt toán vô cùng, nhưng lại ghiền đọc sách và mê văn chương, thêm nữa lại có chút hoa tay, không thi mỹ thuật thì tôi không biết thi trường nào nữa. Mặt khác, hai thứ tôi sợ nhất trên đời là chiến tranh và máu – nguồn gốc của chính trị và điều trị (bác sĩ), nên tôi không muốn liên quan đến chúng, vì vậy chỉ còn một con đường trở thành họa sĩ mà thôi!
Tôi hay tranh luận với gia đình về đề tài chiến tranh và lên án nó. Tôi căm ghét nó vì đã cướp mất bao nhiêu người thân của tôi, cả những người không thân vô cùng lương thiện nữa. Chiến tranh làm bao nhiêu gia đình tan nát, ly tán, con mất cha, vợ mất chồng, thế nên tôi ghê sợ chiến tranh là điều hợp lý, không hề muốn nó tiếp tục xảy ra để tàn phá cuộc sống của con người.
Nhưng gia đình tôi gọi tôi là đồ thứ VIỆT GIAN, lòng yêu nước của mày để đâu rồi? Không lẽ nhà mày đang sống, đất mày đang ở, người ngoài vào cướp, mày cho bọn nó lấy sao? Mày sợ chiến tranh đến nỗi chấp nhận làm tay sai hay nô lệ cho bọn nó sao? Mày đúng là đồ hèn yếu!
Sâu thẳm tôi hiểu: Gia đình mình nói hoàn toàn có lý. Vì cái lý ấy mà biết bao người đã không tiếc thân, đổ máu xương, anh em chém giết thương tàn, đất nước tan hoang, đến hơn mấy mươi năm thanh bình rồi mà quốc gia vẫn chưa giàu nổi. Mà nghịch lý ở chỗ một phần dân Việt Nam thì cực giàu, mua xe hơi đắt gấp 3 lần giá thế giới, đến nỗi các ông nhà nước còn đề xuất người giàu phải trả 66 tỷ đồng để được quyền mua chiếc xe 6 tỷ, khắc nghiệt vậy mà những chiếc xe hơi hơn triệu đô la vẫn chạy đầy đường???
Trước 1975, Sài Gòn là Hòn Ngọc Viễn Đông, Thái Lan, Singapore còn có phần thua kém. Mấy mươi năm trôi nhẹ nhàng, giờ nhìn lại Việt Nam đã thua xa về mọi mặt. Cứ tiếp diễn tình trạng này, 50 đến 80 năm sau chưa chắc đã kịp nước người BÂY GIỜ. Tôi tự hỏi không lẽ cả đất nước Thái Lan, Singapore, Trung Quốc (TQ để Hong Kong, Macau cho Anh và Bồ Đào Nha) không có người nào yêu nước hay sao mà lại để đất nước rơi vào tay bọn đế quốc ngoại xâm ???
Bây giờ trở lại chuyện nước nhà, tôi luôn tự hỏi thủa xưa, thời Bà Trưng, Bà Triệu, phận nữ nhi may vá thêu thùa, liễu yếu đào tơ mà các BÀ đã cỡi voi đạp cá kình chống giặc ngoại xâm. Đến thời Pháp, Mỹ xâm lược cũng biết bao nhiêu người vì nước mà hy sanh để giành lấy hòa bình, và giờ này đất nước Việt Nam ta bị người anh em Trung Cộng (cộng sản Trung Quốc) cướp đảo cướp đất, cướp biển… ngư dân ta bị bắn giết, sao chúng ta lại lặng yên ??? Chả lẽ bao nhiêu người yêu nước đã chết hết từ thời chống Mỹ cứu nước rồi sao? Hay lòng yêu nước và tinh thần dân tộc của người VIỆT NAM CHÚNG TA đã bị MÒN trong những năm tháng hỗn mang của chủ nghĩa xã hội và mở cửa hội nhập???
Tôi thật sự không hiểu! Gia đình tôi ơi! Bạn bè tôi ơi! Hãy giải thích cho tôi ???!!!!
Lê Thanh Phương
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét