Vĩnh Nguyên
Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế
Dân Việt Nam ta, từ thành thị đến thôn quê, đều thích chơi môn thể thao trí tuệ này: cờ tướng. Hai người chơi. Nhiều người vây quanh xem cách điều quân của đối phương. Số người vây quanh thường thành hai phe tham mưu, mách nước. Người đi một nước cờ mà tính được đến bảy, tám nước “bí hiểm” sau đó mới được gọi là người cao cờ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải quyết tâm giữ lấy nước”. Đó là một thế cờ!
Quần đảo Maldives (Ấn Độ Dương), Tổng thống tổ chức họp Nội các dưới đáy biển. Mục đích: Thế giới hãy cứu chúng tôi! Với hiện tượng băng tan – nước biển dâng, chỉ dâng một mét là năm vạn dân đảo ngập chìm trong biển nước! (7/2006) Họp Nội các dưới biển là một “thế cờ” của quần đảo Maldives.
Ở Tịnh Tây, Quảng Tây (Trung Quốc) đầu tư 3 tỉ nhân dân tệ khai thác quặng bauxite đã gây ô nhiễm nặng dòng sông Pangling! Chẳng hiểu bằng cách nào, họ khéo léo bắt tay với Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) rồi đưa dần công nhân lao động thủ công của họ sang khai thác là họ đã đi một nước cờ cao!
Các nhà khoa học Việt Nam đã phản biện về sự tác hại của dự án bauxite với Bộ Công thương. Người dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã ký tên 6 đợt kịch liệt phản đối, số người ký có trên 5.000 và đề nghị dừng dự án. Bởi người ta tính được khoảng 40 đến 50 năm sau, mực nước biển Việt Nam sẽ dâng từ 1 mét đến 1,5 mét thì các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nhiều vùng dân cư không còn ở được. Lượng dân cư đông đảo này phải di dời đi đâu? Thì, cao nguyên rộng lớn là khu đắc địa nhất? Chưa nói đến việc cao nguyên là vị trí chiến lược quân sự, môi trường sinh thái và nền văn hóa dân tộc bản địa?
Bốn mươi năm về trước, ngày 17/1/1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam, 74 quân nhân Việt Nam Cộng hòa tử trận. Ngày 14/3/1988 Trung Quốc tiếp dùng vũ lực đánh chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, 64 chiến sĩ Hải quân hy sinh cùng hai tàu chở lính công binh (không có vũ khí) bị tàu chiến Trung Quốc bắn chìm.
Nhận thấy dự án bauxite Tân Rai, Nhân Cơ là nước cờ đi thấp nên buộc phải đi nước cờ khác cao hơn. Nước cờ ấy là: Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khóa 13, kỳ họp thứ ba năm 2012 thông qua và ban hành LUẬT BIỂN VIỆT NAM, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Ngay Điều Một, viết:Luật này quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.
Ngày 2/5/2014, để phá thế cờ của ta, Trung Quốc đi nước cờ của họ: hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở tọa độ 15 độ 29’ N/ 111 độ 12’ E, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 119 hải lý (221km), thuộc lô 143 trên bản đồ dầu khí của Việt Nam, cách bãi ngầm đảo Tri Tôn phía Nam quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 18 hải lý.
Đến 5h30 ngày 27/5/2014, Hải Dương 981 dịch chuyển theo hướng Đông Đông Bắc cách vị trí ban đầu khoảng 23 hải lý. Để bảo vệ Hải Dương 981, Trung Quốc đã sử dụng nhiều tàu quân sự, trong đó có tàu hộ vệ tên lửa 534, 2 tàu tuần tiểu tấn công nhanh, 3 tàu hải tuần, 36 tàu hải cảnh, 39 tàu chấp pháp, còn lại là tàu kéo, tàu vận tải, tàu đánh cá… (trên 100 tàu). Trung Quốc còn dùng cả máy bay ném bom H6, máy bay chiến đấu TH7… Máy bay bay thấp để đe dọa tàu chấp pháp của Việt Nam đến nỗi, trưa ngày 1/6 phóng viên Hồng Chuyên đứng trên boong tàu Cảnh sát biển Việt Nam số hiệu CSB 2016 nhìn rõ số hiệu máy bay của Trung Quốc CMS-V3843 lượn bốn vòng trên đầu.
Ngày 5/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức họp báo. Ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam cáo buộc: Trung Quốc đâm hỏng 24 tàu, trong số này gồm 19 tàu Kiểm ngư, 5 tàu Cảnh sát biển. Tàu Trung Quốc còn đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân hai tỉnh Quảng Ngãi và Đà Nẵng.
Trong thời gian Hải Dương 981 ở vị trí 1 dịch chuyển đến vị trí 2, các tàu làm nhiệm vụ chấp pháp của ta bị lực lượng tàu hùng hậu của Trung Quốc cản trở nên chỉ tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 từ 7 đến 10 hải lý, thế mà báo giới Trung Quốc hô hoán xằng bậy: Đến ngày 10/5 tàu Việt Nam đã đâm tàu Trung Quốc 171 lần, đến ngày 10/6 tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc đến 1.400 lần!
Vào lúc thế cờ nguy kịch này, bạn bè quốc tế đã tham mưu, mách nước cho ta: Tấm bản đồ cổ Trung Quốc thời Càn Long (1736-1795) do Nhà bản đồ học người Pháp Jean Baptiste Bourguignon d’Anville vẽ (xuất bản ở Đức năm 1735), Thủ Tướng Đức Angela Merkel tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hay, ngày 31/5/2014 Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN (đối thoại Shangri-La) ở Singapore, Trưởng đoàn các nước đều ủng hộ quan điểm của Việt Nam về Công ước Luật biển Quốc tế năm 1982 và không đồng tình với vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc là “khiêu khích”, gây “bất ổn khu vực”, và chất vấn Trưởng đoàn Trung Quốc – Trung tướng Wang Guanzhong (Vương Quán Trung), Phó tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc – về bằng chứng tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc đến 1.400 lần ở đâu. Ông Vương Quán Trung bối rối trả lời loanh quanh. Trung Quốc đã vu bậy tàu Việt Nam đâm 1.400 lần không có chứng cứ. Tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam 24 lần có chứng cứ rất cụ thể (bằng hình ảnh).
Trung Quốc đi nước cờ hiểm: Họ kéo và hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 là khoan dầu hay có thể là cắm mốc theo cái đường lưỡi bò mà họ tự vẽ ra mới dùng hai lực lượng hải quân, không quân bảo vệ vòng trong, vòng ngoài gắt gao đến vậy? Và mai sau, con cháu của họ cũng theo cái máu bành trướng Đại Hán mà hô to hơn: cha ông chúng tôi vào ngày ấy, tháng ấy, năm ấy… đã cắm mốc dưới ruột Biển Đông!
Nước cờ đã bị lộ, hay nói cách khác là họ đã tự lột mặt nạ! Trung Quốc đi tiếp hai nước cờ “mã giằng” là giằng thế “cù nhầy” để chờ thời cơ giục “bầy tốt” qua sông… Nước mã 1: Ngày 26/5/2014, ông Narendra Modi, 63 tuổi, thuộc Đảng dân tộc chủ nghĩa Ấn (BJP) đắc cử Thủ tướng. Ông Modi trước đây từng phát biểu: Trung Quốc có não trạng bành trướng, cho nên Trung Quốc liền cử ngay Bộ trưởng Bộ Ngoại giao sang Ấn Độ “bắt tay thắm thiết chúc mừng”! Nước mã 2: Đối thoại Shangri-La Singapore, nhiều đại biểu quốc tế ủng hộ Việt Nam, chỉ trích Trung Quốc về giàn khoan Hải Dương 981 là “gây hấn”, “gây quan ngại cho hòa bình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông” nên ngày 18/6/2014 ông Dương Khiết Trì – Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc – tới Hà Nội bắt tay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ông Dương với thái độ “dịu dàng” lắng nghe phía Việt Nam nói về giàn khoan Hải Dương 981 là vi phạm chủ quyền. Chuyến đến Hà Nội của vị Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc chẳng có gì “đột biến” hay bởi vì ông chưa đủ thẩm quyền mới “dịu dàng” đến vậy? Và có thật “dịu dàng” không, khi hai bên đã nhất trí: “Đồng ý xử lý đúng đắn các vấn đề tế nhị song phương”! Đến đây, xin có hai ghi chú, 1: Chính ngày 18/6 ông Dương Khiết Trì đến Hà Nội, thì Đài VTV1 đưa tin, vào lúc 15g30 tàu Trung Quốc số hiệu 252 đã đâm tàu Kiểm ngư Việt Nam số hiệu KN 762 ở khu vực biển gần giàn khoan Hải Dương 981; và 2: Bản tin của Cục Hải sự Trung Quốc ngày 19/6/2014 cho biết: các giàn khoan Nam Hải số 2, Nam Hải số 5 hướng tới Đông Sa (Đài Loan kiểm soát), Nam Hải số 4 hoạt động gần bờ biển Trung Quốc, Nam Hải số 9 sẽ đến gần bờ biển Việt Nam hơn, nó đang được kéo từ tọa độ 17 độ 38 vĩ Bắc, 110 độ 12,3 kinh Đông đến tọa độ 17 độ 14,1 vĩ Bắc, 109 độ kinh Đông. Nó còn được kéo đến đâu nữa thì chưa thể biết? Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam – Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm – cho hay: Giàn khoan Nam Hải số 9 này nằm bên ngoài cửa vịnh Bắc Bộ và là nơi hai bên đang bàn vòng 5 để phân định. Hóa ra sự “dịu dàng” đồng ý xử lý đúng đắn các vấn đề tế nhị song phương là như vậy đó!
Trung Quốc đông dân nên đài, báo của họ tuyên truyền để đánh lừa công luận là rất lợi thế. Nhưng, những ai đã đọc hai quyển sách Người Trung Quốc xấu xa của Bách Dương, người Đài Loan, xuất bản năm 1987 tại đại lục Trung Quốc đã thu hút hàng triệu độc giả bởi giọng văn châm biếm mỉa mai đã phanh phui bản chất truyền thống không tốt nhưng khéo đậy che thầm kín của họ. Và quyển Chết dưới tay Trung Quốc của Peter Navarro và Greg Autry (xem http://boxitvn.blogspot.kr/2012/11/loi-mo-au-cuon-chet-duoi-tay-trung-quoc.html với lời giới thiệu của Baiqiao Tang – một trong những sinh viên sống sót trong vụ đàn áp Thiên An Môn 1989, sau đó trốn thoát sang Hoa Kỳ), tác phẩm xuất bản ở Mỹ tháng 11/2012, đã chỉ thẳng:Chính quyền Trung Quốc tàn nhẫn với nhân dân của mình và chơi bẩn với đối tác thương mại. Trong chương Lời kết có đoạn viết: Từ sau vụ Thiên An Môn, chính quyền tàn nhẫn dùng bất cứ phương tiện cần thiết nào để giữ vững quyền lực. Ngày nay, ẩn sau vẻ ngoài của “sự trỗi dậy hòa bình”, nước Mỹ quá-tin-người đã nhấn chìm vào một mối quan hệ thương mại bất thường với China, phá hủy nền tảng sản xuất của mình và nhanh chóng làm giảm khả năng tự vệ đối với mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ China…
Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã 13 năm, người dân nước Mỹ và nhiều nước khác không ai còn lạ gì cái bộ mặt vờ vịt “bắt tay nỉ hảo” nhưng rồi được đằng chân lân đằng đầu, Trung Quốc sẽ nhận chìm kẻ yếu hơn lún sâu vào khủng hoảng kinh tế, nghèo đói, buộc đối tác lệ thuộc rồi trở thành thuộc địa của Trung Quốc?
Hai quyển sách trên đã cho nhiều người thấu hiểu bản chất của Tập đoàn nắm quyền lực từ xưa đến nay của Trung Quốc là tàn bạo với người dân nước mình chưa đủ mà còn bành trướng xâm chiếm nước khác, lừa phỉnh và tàn bạo với người dân nước khác.
Trung Quốc gian xảo, phi nghĩa. Phi nghĩa nên thường dùng nhiều mẹo vặt, ví dụ như: Ngày ấy, tháng ấy, năm ấy… Lý Chí Dân – Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam – gặp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm đã nói gì đó về Tây Sa, Nam Sa… Hoặc bám vào và khai thác cái công hàm ngờ nghệch vì niềm tin mù quáng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai công nhận lơ mơ cách các đảo 12 hải lý… Hoặc lợi dụng, phỉnh nịnh, (có thể có cả chuyện) đút lót thế nào đó với kẻ ham tiền mà dốt sử rồi đem in (có thể là in nối bản) vào sách giáo khoa địa lý lớp chín nào đó chẳng hạn, một bài giới thiệu viết sẵn tâng bốc ngất trời rằng các đảo Hoa Đông, Biển Đông thành bức “trường thành” bảo vệ Trung Hoa đại lục! Thì, những điều kia người ta dễ dàng phản bác bởi nó chỉ là cá nhân “làm việc” với cá nhân chứ Quốc hội, Nhà nước đâu có xác quyết?
Việt Nam sống có đạo lý, chính nghĩa, tôn trọng pháp luật, thực hiện đúng Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc năm 1982 nên Việt Nam được thế giới trân trọng và ủng hộ. Vậy nước cờ của Việt Nam lúc này là khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Nếu Trung Quốc từ chối “không tham gia vụ kiện”, giở trò “cù nhầy” thiếu nhân cách nước lớn, thì việc kiện của Việt Nam tiếp theo vụ kiện Trung Quốc của quốc gia Philippines sẽ làm cho “bó đũa ASEAN” vững mạnh thêm lên; nếu Trung Quốc dùng cách ứng xử cù nhầy nhằm giãn thời gian để “giương Đông kích Tây” rồi dùng mưu ma chước quỷ, nào tàu đệm khí, tàu chạch, tàu lươn… đêm ngày rình rập, chờ sơ hở, mất cảnh giác của đối phương là trườn tới chiếm đảo này, đảo khác, thì Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) sẽ có cách xử của Tòa. Chúng ta phải vững tin như vậy. Nhân dân Việt Nam kiện là vì hòa bình, gìn giữ “non sông gấm vóc vững âu vàng” của Việt Nam và gìn giữ hòa bình cho thế giới! Và nhằm để cho nhân dân thế giới biết rằng vào ngày ấy…, tháng ấy…, năm ấy…, Việt Nam đã khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế về việc đòi lại quần đảo Hoàng Sa và đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm vào các năm 1974 và năm 1988 là cái Mốc lịch sử của nước Việt Nam, của Dân tộc Việt Nam. Biển Đông nối liền Thái Bình Dương là đường hàng hải của quốc tế, mà Trung Quốc tham tàn bạo ngược, mưu đồ độc chiếm Biển Đông 80% là tham lam hết chỗ nói và vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Nên Việt Nam phải kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế để Nhân dân Thế giới không còn ai bị đánh lừa về sự kiện cái giàn khoan Hải Dương 981 di chuyển theo cái hình lưỡi bò hay còn gọi đường gãy khúc chín đoạn với mưu đồ nham hiểm mạt hạng của Tập đoàn bành trướng Đại Hán thời nay của Trung Quốc.
Không còn chần chừ gì nữa. Giờ lịch sử Việt Nam đã điểm! Phải kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế ngay là một nước cờ cao và chắc thắng!
Huế, mùa World Cup 2014 ở Brazil
V. N.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét