Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Những kẻ lột mặt nạ thiếu hiểu biết

NHỮNG VẤN ĐỀ HIỆN THỜI CỦA PHÊ BÌNH ; no commentsphebinhvanhoc

  
Bronckart J.-P., Bota C. BAKHTINE DEMASQUE: HISTOIRE D’UN MENTEUR, D’UNE ESCROQUERIE ET D’UNDELIRE COLLECTIF. – Geneve: Droz, 2011. – 629p.
                  S. Zenkin


Vinh quang nào cũng phải trả giá. Một số tác giả vẫn đang được hậu bối tìm đọc và nghiên cứu thể nào cũng chạm trán với thứ phê bình hoạnh hoẹ văn bản, thứ phê bình mà rốt cuộc, nếu không phủ nhận được sự tồn tại về mặt nhân thân của các tác giả ấy, thì chí ít nó cũng phủ nhận sự thống nhất ở trước tác của họ và quyền sở hữu chúng thuộc về một cá nhân. Các nhà ngữ văn Hy Lạp thì cãi nhau rất lâu về “vấn đề Homer”, cánh nghiên cứu ngữ văn Anh Cát Lợi lại không sao dứt ra khỏi những cuộc tranh luận xem ai là người đã viết các vở kịch của Shakespeare, giờ đây cũng đang diễn ra một cái gì tượng tự như thế với Bakhtin.
Gốc gác câu chuyện ai cũng rõ: vào đầu những năm 1970, ít lâu sau khi các công trình lí thuyết mới của Bakhtin được phát hiện, trên báo chí có thông tin, rằng ngoài những văn bản do ông viết (các cuốn sách về Dostoievski và về Rabelais), ông còn là tác giả của mấy cuốn sách và bài báo in vào những năm 1920 – 1930 dưới tên bạn bè, đặc biệt là P.N. Medvedev và V.N. Voloshinov. Có một dạo, đó thực sự là ý kiến áp đảo, nhưng bây giờ con lắc đã xoay chiều: ngày càng thưa vắng những người ủng hộ quan điểm xem các “văn bản còn tranh cãi” đều thuộc bản quyền của Bakhtin; bản thân những văn bản ấy được tái bản và nghiên cứu như những tác phẩm đứng tên các tác giả khi chúng xuất hiện và không thấy hiện diện trong Tổng tập trước tác của Bakhtin[1].
Hai nhà nghiên cứu của Trường Đại học tổng hợp Geneve là J.-P. Bronckart và C. Bota quyết định dấn thêm một bước thế này: họ xuất bản chuyên khảo đồ sộBakhtin bị lột mặt nạ:  câu chuyện về một kẻ lừa dối, một chuyện bịp bợm và một cơn mê sảng tập thể, mục đích của chuyên khảo là tước bỏ từ di sản của Bakhtin ngay cả phần đã được mọi người thừa nhận. Theo kết luận của họ, ngoài việc Bakhtin chẳng dính dáng gì tới các công trình của Voloshinov và Medvedev đã đành (“việc các văn bản đang tranh cãi ngày nay hoàn toàn đã rõ” – tr. 585), ngay cả bản cảo đầu tiên của cuốn sách về Dostoievski (1929) cũng chủ yếu do Voloshinov viết, và có thể, với sự trợ giúp của Medvedev. Không phải Bakhtin chia sẻ tác phẩm của mình cho bạn bè, mà ngược lại, họ đã chia sẻ tác phẩm của họ cho Bakhtin. Huyền thoại “tất cả bản quyền thuộc về Bakhtin” (“Fomni-paternitebakhtinienne”) là “bịa đặt và được dựng đứng vào những năm 1960 (tr. 590) sau khi các tác giả đích thực của “các văn bản còn tranh cãi” đã qua đời được nhiều năm. Huyền thoại ấy là thành quả dối trá cố ý của Bakhtin – kẻ đạo văn[2] và trò bịp bợm của đám “tiến dẫn” người Nga là Vj.Vs. Ivanov, V.V. Kozinov và S.G. Bocharov, đó là “những kẻ tiếp tục làm cái công việc vụ lợi, ấy là truyền bá ra thế giới tác phẩm mới được khôi phục của sư phụ” (tr. 237). Ngoài ra, Kozinov và Bocharov còn là đồng tác giả hiển nhiên (tr. 272) của ấn bản lần thứ hai cuốn “Dostoievski” (1963), bởi vì bản thân Bakhtin không còn khả năng hoàn tất bất kì một công việc nào, thêm vào đó, ông không còn khả năng hiểu rõ ý nghĩa quyển sách thứ hai “của mình”, một quyển sách mà thực ra hoàn toàn không phải là của ông. Cuối cùng, sau này, chẳng rõ vì nguyên nhân gì, trò bịp bợm ấy được nhiều nhà nghiên cứu Bakhtin ở các nước khác nhau ủng hộ, họ hè nhau hợp lí hoá huyền thoại “đồng tác giả của Bakhtin” và thế là thực sự sa vào cơn điên rồ tập thể.
Kiểu phê bình Bakhtin gay gắt bằng giọng điệu công kích toát lên từ nhiều trang viết Bronckart và Bota, về mặt nội dung, hoàn toàn không có gì đặc sắc. Con trai của P.N. Medvedev là Iu.P. Medvedev từng cáo buộc (chẳng có bằng chứng gì) những người thừa kế bản quyền tác giả của Bakhtin là S.G. Bocharov và Kozinov, người đã từ trần từ năm 2001, rằng họ đã chiếm đoạt các quyền của Voloshinov và Medvedev[3].  Còn giả thiết về bản quyền tập thể của cuốn Những vấn đề sáng tác của Dostoievsi (1929) cũng đã được V.M. Alpatov đưa ra sớm hơn (nhưng không phải là để trách cứ Bakhtin)[4].  Nhưng vì sao đến nay vẫn chưa một ai phát triển giả thiết này một cách chi tiết thành hẳn một quyển sách như hai tác giả Thuỵ Sĩ đã làm, thì đó lại là chuyện khác. Do đó cần phải đánh giá công trình của họ qua các lập luận và chứng cứ cụ thể mà họ đã dẫn ra. Việc kiểm tra toàn diện như thế cần đến một dung lượng lớn hơn nhiều so với bài bình luận tạp chí, nên chúng tôi chỉ dừng lại ở một số kiến giải chung và minh hoạ bằng một số dẫn chứng.
J.-P Bronckart và C. Bota không làm việc bằng những tư liệu mới. Họ không tìm thấy bất kì một chứng cớ hay văn bản nào đó chưa ai biết, không khảo sát các tài liệu vẫn chưa có ai nghiên cứu. Tuy chê các nhà Bakhtin học đi trước, rằng họ, bằng cách này hay cách khác,  đã đồng loã với “cơn điên rồ tập thể”, nhưng chính hai ông này lại chủ yếu sử dụng các tư liệu thực tế và văn bản do họ sưu tập. Sự thật là – và đây là sự thật rất tiêu biểu – hai ông ấy, trong thực tế, không hề sử dụng (không kể một số tư liệu ít có giá trị) kho bình chú phong phú nhất trong Tổng tập trước tác của M.M. Bakhtin (Moskva, 1997 – 2011) đã nhắc tới ở trên, mà ngày nay đó lại là nền tảng tri thức lịch sử không thể thiếu về tác giả này.
Thiếu sót trên gắn với một đặc điểm bao quát hơn: tuy J.-P. Bronkar và C. Bota có đưa vào thư mục tài liệu tham khảo khổng lồ của mình một số ấn phẩm bằng tiếng Nga, nhưng thực sự họ không bao giờ trích dẫn văn bản từ các ấn phẩm ấy; tất cả các trích dẫn, bao gồm cả trích dẫn Bakhtin và các đồng nghiệp của ông, đều được lấy từ những nguồn trong ngôn ngữ khác. Điều này cho phép giả định, rằng hai tác giả Thuỵ Sĩ không biết tiếng Nga, điều đó, tất nhiên, sẽ khiến cho sự phân tích của họ giảm giá trị: hãy hình dung một nhà cổ văn học không biết tiếng Hy Lạp mà lại cả gan bàn luận về “vấn đề Homer”! Quả vậy, vì buộc phải tin tưởng vào những bản dịch từ tiếng Nga không phải bao giờ cũng chính xác, nên đôi khi họ đưa ra những phỏng đoán cực kì khả nghi. Chẳng hạn, một trong số các đoạn thoại của Bakhtin do V.D. Duvakin ghi năm 1973 – trong nguyên bản, nó chỉ có mấy dòng – được họ trích dẫn, đã phạm ba lỗi nghiêm trọng về mặt ngữ nghĩa[5]. Thứ nhất, trong đoạn trích, Bakhtin đánh giá Vadim Kozinov là “người hoàn toàn vô liêm sỉ” (“une  personne  absolument  sans  scrupuless”), nhưng ở bản gốc lại nói: “ông ta là người tuyệt đối không hề kinh sợ” (tiếng Nga: “Он человек абсолютно бесстрашный”.- ND). Thứ hai: từ “người âm” (tiếng Nga: “минусник”.- ND) mà Bakhtin sử dụng để nói về mình (biệt ngữ hành chính thời Stalin dùng để chỉ người bị đi đày không được cư trú ở một số thành phố lớn – “âm mười”, “âm hai mươi”) được truyền đạt không chính xác, có khuynh hướng chuyển nghĩa thành sự tự đánh giá về sáng tác của bản thân -  “moins que rien”, tức là kém cỏi, chẳng ra gì. Cuối cùng, thứ ba, trong bản dịch, xuất hiện một câu của Bakhtin rất lạ lùng và rất đáng ngờ, đọc là thấy ngay: “Người ta đã quên cuốn sách của ông ấy, cuốn “Dostoievski” (“Ce livre de lui avait ete oublie, le Dostoievski je veux dire…”); vậy cái “ông ấy” ở đây thực ra là ai – nếu không phải là Voloshinov? J.-P. Bronkar và C. Botha bình luận chỗ này một cách áng chừng: “Xin lưu ý, ở đây Bakhtin đã nói một cách không chắc chắn về cuốn sách về Dostoievski, cuốn sách mà bản thân ông rất khó nhận là “của mình”. Thực ra, trong bản gốc, câu này hết sức đơn giản và chẳng có sự bất thường gì: “Người ta đã quên cuốn sách ấy – cuốn “Dostoievski”…”. Chỉ thuần tuý do hiểu sai mà có kiểu lí giải vặn vẹo này.
Còn có những điểm đáng ngờ khác, nghiêm trọng hơn nhiều. Vấn đề là ở chỗ, J.-P. Bronkar và C. Bota hoàn toàn bỏ qua bối cảnh lịch sử, tiểu sử và thể chế của thời đại lúc Bakhtin và các bạn ông đã nói và viết. Giống các dự thẩm viên, khi đối chiếu câu nói này với câu nói kia của Bakhtin về trường hợp “các văn bản còn tranh cãi”, mà thường là nói theo kiểu lảng tránh, họ không hề để ý tới sự đổi thay của thời tiết chính trị, của những người đối thoại, không chú ý tới sự chuyển biến trong điều kiện vật chất, tuổi tác, tình trạng sức khoẻ của tác giả, những thứ khiến ông lúc thì cởi mở, khi thì cẩn trọng, dè chừng (trong nhiều chuyện, chứ chẳng riêng gì chuyện “các văn bản còn tranh cãi”, “người âm” về già này đã  nói năng và hiểu rất rõ sự dè dặt ấy). Họ tuyên bố, ba người “tiến dẫn” Bakhtin là những tên “bợm”, tựa như họ nói về những kẻ ngu si, chẳng có tên tuổi gì, mà không thử tìm hiểu xem (giống như một nhà nghiên cứu tử tế vẫn làm) danh tiếng đạo đức và nghề nghiệp của các nhân vật ấy là thế nào, trong khi đó, chí ít là một nhân vật trong số họ, ông Vj.Vs. Ivanov thì cả thế giới đều biết[6].  Họ gộp ba người “tiến dẫn” vào một nhóm, thành “bộ ba Moskva” (tr. 245), mà bỏ qua sự khác nhau trong quan điểm văn học và tư tưởng giữa họ. Về bối cảnh lịch sử xã hội, họ hình dung, tựa như các vụ trấn áp ở Liên Xô vào cuối những năm 1930 chỉ liên quan tới “nếu không phải hoàn toàn, thì cũng chủ yếu là các đảng viên và cán bộ giảng dạy Mác xít (tr. 33), họ nghĩ một cách ngây ngô rằng, trường Tổng hợp của tỉnh Saransk, thoạt đầu là đại học sư phạm, nơi Bakhtin làm việc vào thời kì 1930 – 1950, không thể có một thư viện tốt (hoặc, nếu tin vào bản dịch của họ, ở đó cũng không có cửa hàng sách nữa)[7], họ nhiều lần khẳng định, rằng trong quan hệ với các bạn Medvedev và Voloshinov, Bakhtin không thể là người lãnh đạo về mặt trí tuệ, vì khác với họ, ông không có bằng đại học[8], không phải là “nhà nghiên cứu già dặn” (“chercheur chevronne”, tr. 293), rõ ràng, họ không hiểu chuyện gì đã xẩy ra ở nước Nga cách mạng, ví như Victor Sklovski, người phản biện của Bakhtin về lí luận văn học, dù chưa học qua đại học, vẫn có thể là thành viên sáng lập của OPOJAZ, ông mưu sinh như một nhà văn và thậm chí, một kẻ mưu phản bất hợp pháp trong quân đội.
Những tài liệu tối quan trọng cần sử dụng để nghiên cứu tiểu sử Bakhtin và vấn đề về “những văn bản còn tranh cãi” đều không lọt được vào tầm ngắm của J.-P. Bronkar và C. Bota: toàn bộ sự việc là ở chỗ: những tư liệu này vẫn chưa được dịch từ tiếng Nga. Các tác giả cuốn sách ám chỉ rằng những “kẻ tiến dẫn” Bakhtin, sau khi tuyên bố bản quyền “các văn bản đang tranh cãi” thuộc về ông, chẳng bao giờ gọi ra các nguồn thông tin của mình. Điều đó không đúng: vào năm 1995, họ đã nêu ra các nguồn thông tin ấy: Vj.Vs, Ivanov viết rằng, ngay từ năm 1956, qua viện sĩ V.V. Vinogradov[9], ông đã biết biết bản quyền đích thực cuốn Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ của Voloshinov, về phần mình, cả V.V. Kozinov cũng khẳng định ông đã nghe đúng như thế (về Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học của Medvedev), và lại cũng là qua Vinogradov, cũng như qua N. Ja. Berkovski và V.B. Sklovski[10]. Có thể P. Bronkar và C. Bota không hề có chút tin tưởng nào đối với Vj.Vs, Ivanov và  V.V. Kozinov, nhưng nhẽ ra phải phê phán chứng cớ của họ, thì hai ông lại ỉm đi những chứng cớ ấy. Các ông cũng hành xử đúng như vậy với hồi kí chưa công bố của O.M. Freidenberg, người biết rõ Voloshinov và cũng khẳng định rằng, “sách ngôn ngữ học” của ông do người khác viết[11]. Freidenberg mất năm 1955, thế tức là chỉ cần một câu của bà cũng đủ bác bỏ sự khẳng định, theo đó hình như “sau lời tuyên bố về tác quyền của Bakhtin do Ivanov loan truyền, không thấy người ta dẫn ra bất kì một bằng chứng nào xuất phát từ giai đoạn đã nêu (1925 – 1970) và xác nhận cho điều đã nói” (tr. 82). Ngược lại, tất cả đều nói lên rằng, lời đồn về “các văn bản còn tranh cãi” từ rất lâu đã loan truyền trong giới văn học hàn lâm và đã được ghi nhận như sự hiểu biết tối thiểu trong tài liệu thống nhất của “giai đoạn đã nêu”. Những lời đồn ấy có thể sai, hoặc đúng, có thể sai một ít và đúng một ít – nhưng hiển nhiên là chúng tồn tại, Bakhtin và đồng nghiệp của ông không bịa ra vào những năm 1960, thế tức là toàn bộ giả thuyết về sự “bịp bợm” bị sụp đổ.
Trong số các thủ pháp lập luận mà P. Bronkar và C. Bota đã sử dụng, cần chỉ ra nhiều chỗ giải thích ác ý, thiếu thiện chí, nhiều kết luận có tính khuynh hướng và nhiều chỗ đánh tráo khái niệm. Khi nói về cuốn Những vấn đề sáng tác của Dostoievski, Bakhtin thừa nhận: “Ấy chết, chẳng lẽ tôi có thể viết ra cuốn sách ấy”[12]. Hai tác giả chuyên khảo đã trích dẫn đoạn hồi kí của S.G. Bocharov theo bản dịch tiếng Pháp[13], trong đó câu trên hiện lên thế này: “Giá tôi có thể viết [cuốn sách ấy] hoàn toàn khác đi so với cuốn đã viết”. Bình luận của hai nhà phê bình: “Đọc một cách sâu sắc, điều đó có thể có nghĩa là Bakhtin không viết cuốn sách ấy”, và so với cách “đọc sâu sắc”, họ thích cách đọc “hời hợt” hơn (dù nó đã được xác định rất rõ bằng ngữ cảnh của phát ngôn), theo đó “ông viết cuốn sách ấy nhưng không giống như cái mà ông muốn viết” (tr. 254). Vào năm 1928, sau khi đọc cuốn Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học của P.N. Medvedev, Boris Pasternak viết thư gửi ông: “Tôi không biết là ông đã dấu trong mình cả một nhà triết học nữa cơ đấy”[14]. Nhận xét này thường được người ta trích dẫn để chứng minh cho tính khác thường của cuốn sách (mà thực ra, người ta nghĩ, do Bakhtin viết) bên cạnh những luận văn khác của Medvedev; nhưng P. Bronkar và C. Bota phản bác: không phải như thế, đó chỉ là lời khen ngợi khuôn sáo, “tôi biết là ông vẫn viết tuyệt vời như vậy” (tr. 67).  Kì thực, nhà thơ không nói về sự tuyệt vời nhiều hay ít, mà nói một cách chính xác hơn và khéo léo hơn về sự khác biệt giữa hai loại diễn ngôn: diễn ngôn của phê bình văn học mà ông bắt gặp trong các công trình trước kia của Medvedev và diễn ngôn triết học mà ông đã nghiên cứu đúng như Bakhtin. Bakhtin nói với S.G. Bocharov rằng ông viết những “văn bản đang tranh cãi” “từ đầu chí cuối”[15], và nói với V.V. Kozinov (về cuốn Phương pháp hình thức) rằng “trước khi nộp bản thảo cho nhà xuất bản, Pavel Nhikolaivich (Medvedev) có bổ sung – nhưng phải nói, rất tệ”[16]. Sau khi trích dẫn hai câu nói trên (tr. 244, 246), P. Bronkar và C. Bota phát hiện, giữa chúng có “sự trái ngược hoàn toàn” (tr. 247): tuồng như, kẻ bịa đặt vô sở cứ thì nói dối lòi đuôi, còn “những kẻ loan truyền điều dối trá của anh ta” (tr. 271) cũng không biết thông đồng sao cho khéo”. Nhưng cứ xét đoán một cách lô gíc, nếu một người đã viết được một văn bản nào đó từ đầu chí cuối, thì tại sao đã vội loại bỏ khả năng, rằng khi ấy, người này có thể sử dụng tư tưởng của người khác, hoặc về sau, thậm chí, có thể đưa cho một người khác nào đó bổ sung?
Có đúng là Bakhtin đã dối trá như thế? Xét đến cùng, Bakhtin có thể buộc phải đưa ra những thông tin giả về tiểu sử (về nguồn gốc xã hội, về học vấn), nhưng về “các văn bản còn tranh cãi”, ông chưa bao giờ tự mâu thuẫn với bản thân và mâu thuẫn với các sự thực mà chúng ta biết rõ. P. Bronkar và C. Bota không có khả năng chứng minh ngược lại: trong lời nói của Bakhtin, chỉ thấy có sự thay đổi của nguyên cố, của cách giải thích các sự kiện (những sự kiện thường xuyên phù hợp với nhau), nhưng chưa bao giờ ông tuyên bố thẳng thừng, rằng ông không viếtnhững văn bản đang tranh cãi, hoặc chỉ viết một mình, không có ai khác tham gia. Mỗi lần, quan điểm của ông đều có sắc thái riêng, tránh sự cứng nhắc đơn nghĩa: đôi khi ông thừa nhận rằng mình là tác giả chính của các văn bản, dù cũng có những đóng góp phần nào vào việc sửa chữa, đôi khi lại chỉ khẳng định về “quan niệm chung trong ngôn ngữ và tác phẩm ngôn từ”[17] khiến cho các văn bản đó khác với các luận văn của riêng ông trong những năm ấy và sự khác biệt giữa chúng với nhau. Sự thực cuối cùng không thể tranh cãi, và P. Bronkar và C. Bota cũng gián tiếp thừa nhận: “…cách tiếp cận của Medvedev giống hệt cách triển khai của Volosinov” (tr. 493). Nhưng vì ở đây đang nói về quan hệ giữa Medvedev và Volosinov với nhau, chứ không phải với Bakhtin, nên các tác giả chuyên khảo không thể vạch trần việc đạo văn hoặc đánh tráo tác giả của họ.
Tuy nhiên, chính sự tương đồng về mặt tư tưởng lại trở thành cái cớ để tranh cãi quyền tác giả của cuốn sách về Dostoievski. Theo J-P Bronkar và C. Bota thì các bạn của Bakhtin đã bắt tay sửa lại những phần nhầm lẫn về mặt tôn giáo thành một tác phẩm cách tân theo hướng lí thuyết khoa học nhân văn, phát triển các nghiên cứu riêng của Voloshinov. Nói gọn lại, “Voloshinov quyết định in phần công trình của ông ta mà lúc đó ông ta đã viết dưới cái tên (của Bakhtin)(tr. 555). Việc xuất bản cuốn sách là nhằm củng cố uy tín của Bakhtin, giảm nhẹ số phận của ông, bởi vì năm 1929 ông đang chờ ra tòa do tham gia nhóm hoạt động tôn giáo ở Leningrad. Đáng tiếc là cái giả thiết ranh mãnh này không khớp với phạm vi thời gian nào cả. Các tác giả của nó muốn cho thấy (từ tr. 271 – 272 và các trang khác) rằng Bakhtin không thể tự mình viết và xuất bản sách của mình, bởi vì vào tháng 12 năm 1928 ông đã bị cảnh sát chính trị bắt, nhưng trên thực tế ông chỉ bị giữ trong mấy ngày, sau đó cho đến ngày ông lên đường đến nơi đi đày vào tháng 2 năm 1930 Bakhtin vẫn sống ở Lenigrad với tờ giấy cam kết không rời khỏi thành phố, và điều đó về căn bản cho phép ông lo liệu việc xuất bản sách của mình[18]. Vì thế mà không đúng khi cho rằng việc xuất bản cuốn sách “rõ ràng do những người khác thực hiện, vì tác giả trên danh nghĩa bị bắt và sau đó bị đi đày.” (tr. 51)[19] Hơn thế nữa, Bakhtin nhớ lại rằng, ông đã viết xong sách trước khi bị bắt, vào năm 1928; bằng chứng này của Bakhtin được hai ác giả nhắc đến như một điều không đáng tin (tr. 267), nhưng nó lại được xác nhân bằng các tư liệu về xuất bản mới tìm ra (năm 1928 Bakhtin kí hợp đồng, trong đó câu cuối cùng nói thời hạn cuối cùng phải nộp bản thảo cho nhà xuất bản được quy định là ngày 15 tháng 10), và đặc biệt ngày đăng bài phê bình đầu tiên của cuốn sách Những vấn đề sáng tác của Dostoievski trên “Báo văn học” là 10 tháng 6 năm 1929. Hai nhà phê bình Thụy Sĩ không tranh cãi gì về hai bằng chứng vừa nêu, họ chỉ giản đơn là bỏ qua chúng, giống như là họ đã bỏ qua toàn bộ bộ công cụ khoa học của bộ Tổng tập trước tác của Bakhtin, nơi mà các sự thật này được công bố[20]. Trong khi đó, nếu tính đến thời điểm bài điểm sách trên báo văn học thì thời gian xuất bản sẽ như sau: thời gian biên tập và ấn hành mất khoảng 5, 6 tháng[21], tức là cuốn sách được phát hành vào tháng 6 năm 1929, thì nó phải nộp bản thảo vào nhà xuất bản không thể chậm hơn cuối năm 1928. Sau khi Bakhtin bị bắt vào tháng 12, thì Voloshinov hay người nào khác cũng được, không thể kịp sử chữa lại văn bản, cho dù người đó có ý muốn như thế.
Vậy là các bằng chứng về tiểu sử và sự thật của hai nhà phê bình đều không đứng vững được. Thế còn những bằng chứng khác được rút ra từ sự phân tích các văn bản lí thuyết thì sao? Như J-P Broncar và C. Bota muốn cho thấy, xét về tư tưởng cơ bản, bản biên tập thứ nhất của sách “Dostoievski” gần gũi với các sách của P. Medvedev và V. Voloshinov hơn so với các công trình triết học thời kì đầu của chính Bakhtin (Triết học hành viTác giả và nhân vật…). Có thể là như thế, nhưng tại sao lại giải thích sự gần gũi đó bằng giả thiết kì lạ về sự đánh tráo tác quyền của cuốn “Dostoievski” mà không phải bằng lí do giản đơn hơn, như là Bakhtin đã thừa nhận, rằng giữa ba người bạn đã có sự trao đổi ráo riết về mặt tư tưởng, dẫn đến sáng tạo ra quan niệm chung về văn hóa ngôn từ? Nếu như trong cuốn sách về Dostoievski cái quan niệm chung ấy gần gũi với một số yếu tố trong lí thuyết triết học thời kì đầu của Bakhtin, thì điều đó là hết sức tự nhiên, và có lẽ, thâm chí, có thể chứng minh giống như Broncar và Bota đã làm, rằng chúng không thể hoàn toàn ăn khớp với nhau; nhưng điều đó cũng không đủ để đưa ra kết luận rằng cuốn sách được viết bởi hai hay thậm chí ba người, lô gic hơn là giả thiết, như đã được nêu ra, rằng tác giả đã viết ra nó rất lâu, và trên thực tế, cuốn sách gồm có một số phần được ghi theo các thời kì khác nhau.
Tất nhiên, để đi đến cái quan niệm chung mà trên kia đã nói đến, Bakhtin đã phải trải qua một bước tiến hóa nhanh chóng lạ thường – từ triết học hiện tượng học và tôn giáo đến chủ nghĩa khách quan và xã hội học của khoa học nhân văn. Nhưng trường hợp như ông hoàn toàn không phải là cá biệt. Chỉ trong đám bạn bè gần gũi nhất của ông đã có thể tìm thấy một sự tiến hóa như thế ở Lev Pumpianski, và đặc biệt ở Valentin Voloshinov, người từng là thành viên của hội bí mật “Hoa hồng và Thập ác”, thế mà chỉ trong mấy năm mà đã tiến hóa đến “chủ nghĩa duy vật biện chứng”(tr. 582)[22].
Trong giới trí thức châu Âu những năm đó, sự thay đổi tư tưởng có tính chất bước ngoặt như thế nói chung không hiếm – chẳng hạn như nhà thần bí Walter Benjamen, hay nhà hiện tượng học J – P. Sartre, đấy chỉ là nêu tên những người nổi tiếng nhất. Nguyên nhân của sự tiến hóa có thể khác nhau: sự phát triển liên tục của tư duy, ảnh hưởng tư tưởng từ bên ngoài, áp lực của ý thức hệ (đặc biệt là ở nước Nga xô viết) v.v… Thế nhưng J-P. Broncar và C. Bota thậm chí không xem xét các khả năng đó, mà chỉ chăm chăm khẳng định một điều khác: không có tiến hóa nào hết, chỉ có sự đánh tráo người này bằng người khác, một sự đánh tráo kèm theo “vụ chiếm đoạt tác quyền đầy tai tiếng” (tr. 271)[23].
Để làm cho luận điểm của mình trở nên giống như thật, hai nhà phê bình buộc phải thổi phồng sự không ăn khớp của hai chương trình nghiên cứu tạo thành những điểm cực đoan trong sự tiến hóa của Bakhtin vào những năm 20. Theo lời của họ, hai chương trình đó khác nhau hoàn toàn và trên mức độ nào đó là đối địch nhau (tr. 507). Nhấn mạnh đến quan điểm tôn giáo trong tác phẩm mĩ học thời kì đầu của Bakhtin,  một mĩ học mà họ không ngừng thóa mạ nào là “ý thức hệ phản động” (tr. 393), “quan điểm thoái hóa, lạc hậu” (tr. 408), “hệ tư tưởng phản động tận gốc rễ” (tr. 408), “sự đan bện đầy mâu thuẫn giữa hiện tượng học cực đoan với các phán đoán thần học” (tr. 515), họ muốn vạch trần cái chủ nghĩa độc thoại cực đoan trong triết học đó” (tr. 410), một xu hướng đối lập với nguyên tắc đối thoại ở cuốn sách “Dostoievski” và những tác phẩm của V. Voloshinov. Nhưng họ không thấy rằng, khái niệm chủ nghĩa độc thoại trong “Dostoievski” được xác định như là sự thống trị của lời nói của ai đó, nói chung không vận dụng đối với các tác phẩm mà trong đó chưa đặt ra vấn đề ngôn ngữ, trong khi đó tình huống đối thoại đã được tiên liệu trước trong các công trình phân tích sự giao tiếp giữa người với người (chứ không phải chỉ giữa người với thần linh) được đặt trên cơ sở tình yêu chứ không phải sự thống trị.
Việc đào sâu cái vực thẳm giữa hai chương trình nghiên cứu cũng chính là xu hướng đưa J.-P. Bronscar và C. Bota đến chỗ cường điệu “chủ nghĩa Mác” trong các “văn bản tranh cãi” vào cuối những năm 1920. Thực ra, bất kể là cái chủ nghĩa ấy là chân thành hay là bị bắt buộc (một vấn đề từ lâu đã chia rẽ các nhà giải thích, một số giải thích các văn bản này theo hướng “tả”, số khác thì giải thích chúng theo hướng “hữu”), thì cái chủ nghĩa Mác ấy vẫn mang tính chất sơ khai, không hoàn bị, mà cách đây không lâu Patric Serio đã chỉ ra nhân bàn về vấn đề triết học ngôn ngữ của Voloshinov[24]. Đó là một thứ chủ nghĩa Mác phi biện chứng, phi đấu tranh giai cấp và cách mạng, không có các khái niệm thực tiễn, lao động và ý thức hệ (thuật ngữ sau cùng thường thấp thoáng trong sách Voloshinov, nhưng ý nghĩa thì không phù hợp với Hệ tư tưởng Đức của Mác và Engels). Cái chủ nghĩa Mác này chỉ thu gọn vào nguyên tắc chung của “chủ nghĩa duy vật nhất nguyên” (tr. 417)[25] và chủ nghĩa quốc tế xã hội (tr. 464), trên thực tế nó không nắm bắt được các xung đột xã hội, mà chỉ là tinh thần đoàn kết giữa các chủ thể giao tiếp. J.P. Broncar và C. Bota cũng biết bài báo nói trên của P. Seriot, nhưng không có ý định bác bỏ bất cứ luận đề phê phán nào của ông ấy. Trong khi đó, sự tái định hướng khoa học ngôn ngữ và văn học sang nghiên cứu tác động qua lại giữa người với người, nêu bật lên hàng đầu bình diện tương tác của lời nói so với bình diện nhận thức – đó là một động hướng lí thuyết quan trọng, có thể coi là công lao của các tác giả của các văn bản tranh cãi. Nhưng từ đó thì còn xa mới có thể rút ra rằng đó là “gốc rễ sâu xa của chủ nghĩa Mác” (tr. 415).
Vẫn còn có thể tiếp tục phân tích nữa, nhưng các kết luận tự nó đã rõ. Muốn chứng minh quá nhiều điều, nhưng J.-P. Broncar và C. Bota lại không biết chứng minh gì cả, họ chỉ làm rối thêm vấn đề vốn đã phức tạp. Vấn đề về “các văn bản tranh cãi” tuyệt đối không được khép lại, và có thể sẽ không bao giờ khép lại cả, cho đến khi phát hiện được tư liệu mới có ý nghĩa quyết định. Về nguyên tắc, có thể bảo vệ giả thiết về tác giả tập thể của cuốn “Dostoievski”, nhưng do thiếu bằng chứng thuyết phục, mà cách đặt ra lại dựa vào một trật tự thời gian vô lí, cho nên giả thiết ấy không có căn cứ.  Kết quả của vụ “làm giả” của Bakhtin do các văn bản được coi là tác phẩm của ông ấy dẫn đến sự biện minh cho những điều khả nghi, giai do lại vẫn là thiếu bằng chứng và vì những giả thiết ngây thơ. Một truyện kể trinh thám về một vụ “lừa đảo” dường như được thực hiện bởi các đồng nghiệp Nga có thể xem là một sự vu cáo, nếu nó không được giải thích một cách giản đơn hơn là do sự thiếu hiểu biết hiển nhiên về các sự thật. Nói chung, sự thiếu vắng tư liệu, việc dịch sai, cách đọc nhầm, những suy luận gượng ép, những sai lầm về lô gíc nhiều nhan nhản trong cuốn sách của J.-P. Broncar và C. Bota đã làm sự phân tích các văn bản chứa đựng trong ấy thường rất chi tiết, nhưng lại bị tổn hại bởi các kết luận định kiến và khiến nó hoàn toàn mất giá trị.
Sáng tác của Mikhail Bakhtin rất khó giải thích. Trong đó có nhiều chỗ tối nghĩa, chỗ vay mượn kín đáo, những chỗ có vẻ mâu thuẫn, hay mâu thuẫn thực sự, trong đó có nhiều văn bản đã hoàn thiện ít nhiều, thành công ít nhiều; chúng ta còn thiếu những tư liệu thực tế để phân biệt đóng góp của ông và các bạn ông trong một số tác phẩm viết vào những năm 20, chúng là kết quả của sự giao lưu trí tuệ của họ và dựa trên nền tảng tư tưởng chung của họ. Cần phải thừa nhận rằng, một số nhà nghiên cứu Bakhtin đã làm thô thiển thêm cái khó khăn khách quan này bằng sự nhiệt tâm vụng về, như mưu toan xác lập sự sùng bái Bakhtin. Để uốn nắn tình hình đó, cần có một sự phê bình chuyên nghiệp và sự kiên nhẫn, một lối phê bình không chạy theo những quyết định giật gân, không quy tính phức tạp của tư tưởng lí thuyết thành sự đạo văn, sự chiếm đoạt tác quyền, và không coi những ai không tán thành điều đó là kẻ dối trá, lừa đảo, kẻ mất trí. Tính pha tạp của các văn bản tạo thành “toà nhà Bakhtin” là một vấn đề lí thú để nghiên cứu; thật đáng tiếc, nếu như vấn đề đó lại rơi vào những bàn tay tồi tệ.
Hà Nội, 27/6/2014
Người dịch: Trần Đình Sử, Lã nguyên
Nguồn: Văn học tân tổng quan, số 119, năm 2013 (Ấn bản điện tử:http://magazines.russ.ru/nlo/2013/119/z38.html)

[1] Thông báo biên tập trong tập 5 của Tổng tập trước tác nói trên, tập sách phát hành đầu tiên theo trình tự thời gian, vào năm 1977, hứa hẹn là sẽ đăng ở một tập tiếp theo các văn bản của “nhóm Bakhtin”. Hiện nay, ấn bản Bakhtin gồm 7 tập đã hoàn tất (sáu tập, có một tập được chia thành hai phần), nhưng lời hứa hẹn nói trên đã không được thực hiện.
[2] “Những tác phẩm sau cùng của ông rõ rang là đạo văn” (tr. 274; từ đây, những chỗ nhấn mạnh trong đoạn trích đều thuộc về các tác giả được trích dẫn).
[3] Xem: Iu.P. Medvedev.- Thư gửi ban biên tập tạp chí…// “Đối thoại. Carnaval. Chronotope”. 1995. № 4. Tr. 154. Văn bản như đoán định trước một trong những tư tưởng của Bronckart và Bota này không được nhắc tới trong cuốn sách của họ.
[4] Xem: V.M. Alpatov.- Voloshinov, Bakhtin và ngôn ngữ học. M.: Các ngôn ngữ văn hoá Slavơ. 2005. Tr. 117. Cuốn sách này có trong tài liệu tham khảo của Bronckart và Bota, nhưng hoàn toàn không được ưu tiên sử dụng vào vấn đề này.
[5] Xem bản gốc: Cuộc trò chuyện của V.D. Duvakin với M.M. Bakhtin. M.: Tiến bộ, 1996, tr. 217-218(“Không-không, ấy chết!” v.v…). J.-P. Bronkar và C. Botha sử dụng ấn bản bằng tiếng Ý: BakhtinM.IldialogoConversazionidei1973 conVik­torDuvakin/ Trad. A. Ponzio. Napoli: EdizioniScientificheItaliane, 2008. Tôi sẽ không bàn về chuyện các lỗi dịch xuất hiện ở giai đoạn nào – khi dịch từ tiếng Nga ra tiếng Ý, hay từ tiếng Ý sang tiếng Pháp.
[6] Bảng chỉ dẫn tên người trong cuốn sách của J.-P. Bronkar và C. Botha không phân biệt Vj.Vs. Ivanov với nhà thơ Vejzcheslav Ivanovich Ivanov (xem tr. 618, chú dẫn cho tr. 266). Nhân đây kể thêm,trong bảng chỉ dẫn nói trên, chữ viết tắt bịa ra “N.J.” được gán cho Lev Nhikolaevich Tolstoi, có trời mới hiểu, họ nhầm với ai.
[7] Hai tác giả bác lại câu văn của Brian Poole mà họ dịch thế này: “Bakhtin hiếm khi được sống gần một cửa hàng sách tử tế” (“Bakhtineararementvecupresd’unebonnelibrairie”,tr. 316). Trong bản gốc bài báo của Poole (TheSouthAtlanticQuarterly. 1998. № 97. P. 568) nghĩa của chữ “library”» là «“библиотека”
[8] Về chuyện thời trẻ Bakhtin học ở đâu là vấn đề chưa rõ ràng. Có thể giả định, ông đã nghe các bài giảng tại Đại học Tổng hợp Petograd, tuy hình thức không phải là sinh viên, hoặc thính giả tự do. Xem: N.L. Vashiliev.- Bình chú về các bình chú// “Đối thoại. Carnaval. Chronotope”. 1995. № 4. Tr. 160.
[9] Xem: Vja.Vs. Ivavov.- Về bản quyền các cuốn sách của V.N Voloshinov và P.N. Medvedev// Như trên, tr. 134.
[10] Xem: V.V. Kozinov.- Cuốn sách mà những cuộc tranh luận về nó chẳng bao giờ dứt// Như trên, tr. 140.
[11] Ngay từ năm 1988, lần đầu tiên, bằng chứng này đã được N. Per.Lina trích dẫn. Xem.- N.V. Braghinski.- Giữa các chứng nhân và quan toà// Bakhtin ở Saransk. Saransk, 2006. Tr. 39-60. Bản điện tử: http://ivgi.rsuh.ru/article. html?id=207419 (ấn bản minh hoạ với sự tái hiện một đoạn bản thảo bằng ảnh chụp).
[12] S.G. Bocharov.- Về một cuộc trò chuyện và xung quanh cuộc trò chuyện ấy// MikhailMikhailovich Bakhtin/ Chủ biên V.L. Makhlin. M.: POSSPEN, 2010. Tr. 50.
[13] L’Heritage de Bakhtine / Ed. C. Depretteau. Presses Univer- sitaires de Bordeaux, 1997
[14] Trích theo S. Bocharov.- Tài liệu đã dẫn. Tr. 62.
[15] Như trên. Tr. 52.
[16] Trích theo: V.V. Kozinov. Tài liệu đã dẫn. Tr. 144. Các tác giả chuyên luận trích dẫn theo bài đăng trên tạp chí của Mĩ: RzhevskyN. KozhinovonBakhtin// NewLiteraryHistory. 1994. № 25. P. 429 – 444.
[17] S.G. Bocharov.- Tài liệu đã dẫn. Tr. 57. Trích dẫn từ cuốn sách của các nhà phê bình Thuỵ Sĩ ở trang 241.
[18] Sự thật này lần đầu tiên được S. Bocharov thông báo, hai tác giả sách cũng dẫn, nhưng cho là mâu thuẫn với tư liệu lịch sử khác (tr. 259). Trên thực tế, nó được xác nhận bởi tư liệu trong hồ sơ vụ án của Bakhtin (Xem S. S. Konkin, L. S. Konkina.- Mikhail  Bakhtin. Saransk, 1993, tr. 185 – 186).
[19] Cũng giống như một khẳng định khác hoàn toàn giả tạo, rằng khi tái bản và sửa chữa lại cuốn Dostoievski năm 1963 Bakhtin hầu như không thể tự mình hoàn thành được việc đó, như tài liệu đã chứng minh, đặc biệt là cuộc trò chuyện với Duvakin, rằng trong thực tế, cuốn sách do Kozhinov sửa chữa lại.(tr. 519), hình như việc sửa chữa cuốn sách là do Kozhinov làm” (tr. 539 xem them các trang 272, 590). Trên thực tế, như Bakhtin đã giả thích cho Duvakin, Kozhinov đã thực hiện được việc xuất bản cuốn sách, đã “thúc đẩy”, đã “đưa được vào Nxb Moskva”, (Xem: Trò chuyện của Duvakin với Bakhtin, tr. 218). Nhưng việc sữa chữa, bổ sung, bao gồm cả viết thêm chương mới về vấn đề thể loại đều do chính Bakhtin làm. Điều này thể hiện một phần ở bản thảo của bản biên tập cuốn sách Dostoievski được in trong tập 6 Tổng tập trước tác (2002) mà hai tác giả đã bỏ qua. Vì chỉ phán đoán qua trích dẫn từ nguồn hai, thậm chí nguồn ba (theo bài báo của Mĩ đã nhắc tới ở trên, bài Kozhinov nói về  Bakhtin), họ chỉ biết được một đoạn hồi ức ngắn của Bakhtin, viết vào đầu năm 1961.
[20] Xem Tuyển tập tác phẩm M. M. Bakhtin,M., “Các từ điển Nga”, 1977, tr. 267 – 268.
[21] Có thể đối chiếu, thời gian xuất bản cuốn Những người nệ cổ và những kẻ cách tân của Ju. N. Tynianov, xem Ju. N. Tynhianov. Thi pháp học, Lịch sử văn học. Điện ảnh. Nxb. Khoa học, M., 1977, tr. 567 – 568.
[22] Xem. Seriot P. Preface//Volosinob V. N. Marxisme et philosophie du langage. Limoges: Lambert-Lucas, 2010, p. 52-54.
[23] Còn có một trường hợp không thể chấp nhận khi phải cân nhắc những lập luận có tính cách lựa chọn. Năm 2001 Braian Pul khi nghiên cứu các tài liệu tham khảo bí mật dành cho những tác phẩm thời kì đầu của Bakhtin đã đi đến kết luận rằng các văn bản đó được viết vào ần năm 1927, tức là muộn hơn so thời gian người ta ghi nhận trước kia, và gần như đồng thời với các công trình gây tranh cãi. Nếu sự ghi nhận thời gian theo kiểu mới như thế là đúng, thì nó chấm hết quá trình tiến hóa của Bakhtin trong những năm 20 và làm cho sư tiến hóa ấy không thể có được. Nhưng năm 2004, Nicolai Nicolaev và Vadim Liapunov, các nhà bình luận Nga và Mĩ của tập một Tổng tập trước tác của Bakhtin, đã phê phán các giả thiết của Pul với các tư liệu đầy đủ. Nhìn chung, J.-P. Broncar va C. Bota có biết đến sự phê bình đó (xem chú thích tr. 513, trích dẫn từ  một công trình tập thể xuất bản ở Thụy Sĩ năm 2005), nhưng không thể xác định được sự phê phán trên có cơ sở hay không có cơ sở, thay vào đó hai tác giả lại coi kết luận của Pul là không thể tranh cãi. Chúng ta lại phải kết luận rằng họ không nghiên cứu  tận mắt tuyển tập tác phẩm của tác giả mà họ nghiên cứu: nếu nói mềm mỏng, thì đây là một sự thực rất khó hiểu.
[24] Xem Periot P. Op. cit. P.50 cq. Các kết luận của P. Seriot càng có sức nặng khi ông gạt bỏ giả thiết “toàn bộ tác quyền của Bakhtin” và xem Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ như là tác phẩm của Voloshinov.
[25] Khi khẳng định nguyên tắc này, J-P. Broncar và C. Bota truy ngược lên hai văn bản (tr. 417) là “Đạo đức học” của Spinosa và “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê hán” của Lenin, những tác phẩm vị tất đã có thể coi là tác phẩm trình bày tốt nhất tư tưởng của Mác.

 Nguồn: Bản dịch giả gửi Phê bình văn học.Copyright © 2012-2014 - Phê bình văn học

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: